Họa phước từ đâu có? Có họa phước không?
23/02/2015 22:08 (GMT+7)

Trên thế gian này, có người vừa mới sinh ra đời đã phải gánh chịu những bất hạnh khổ đau: bệnh hoạn, tật nguyền; bị vứt bỏ khi còn là đứa trẻ sơ sinh, hoặc sinh ra trong một gia đình nghèo cùng khốn khổ… Có người sinh ra trong hoàn cảnh chiến tranh loạn lạc, có người sinh ra ở một vùng đất nghèo nàn lạc hậu, thiếu ánh sáng văn hóa, thiếu các điều kiện sống v.v..

Cuộc sống đang an lành bỗng dưng tai biến xảy đến cho gia đình khiến tan nhà nát cửa, mất hạnh phúc, mất người thân, mất gia tài sản nghiệp…

Những hoàn cảnh khốn khổ đó, những tai ương hoạn nạn, những nỗi khổ niềm đau mà con người phải gánh chịu, người ta gọi là họa.

Phước và họa đều do nghiệp
 
Phước và họa không phải tự nhiên sinh ra cũng không phải do ông trời (Phạm thiên hoặc Thượng đế) hay thần linh sắp đặt. Đấng siêu nhiên nào lại bất công, độc ác ban hạnh phúc cho người này nhưng lại gieo bất hạnh khổ đau cho kẻ khác? Những con người hiền lành lương thiện, họ có tội lỗi gì lại phải gánh chịu những thảm họa đớn đau? Những kẻ gian ác, bất lương có được ân phước gì mà lại bình an, sống trong hoàn cảnh tốt? Tất cả những hiện tượng sai biệt và những hiện tượng dường như bất công, phi lý ấy đều có những nguyên nhân gần và xa mà chúng ta chưa thấy, và chưa biết hết.

Trong kinh Tiểu nghiệp phân biệt (Culakammavibhanga sutta, kinh số 135, thuộc Trung bộ kinh III, bản dịch của HT.Thích Minh Châu) có ghi lại: Một lần có người hỏi đức Phật nguyên nhân tại sao trên thế gian có quá nhiều sự sai biệt bất đồng: người sống lâu, kẻ chết yểu; người ít bệnh, kẻ nhiều bệnh; người đẹp, kẻ xấu; người giàu, kẻ nghèo; người có nhiều uy quyền thế lực, kẻ ít uy quyền; người cao quý, kẻ thấp hèn; người thông minh có trí tuệ, kẻ ngu khờ v.v..

Đức Phật cho biết tất cả  những hiện tượng đó đều do nghiệp. Con người là chủ nhân của nghiệp, là thừa tự của nghiệp. Chính nghiệp đã phân chia các loài hữu tình có hơn kém như thế. Đức Phật cũng cho biết cụ thể rõ ràng một số nghiệp nhân và nghiệp quả tiêu biểu dẫn đến sự sai khác giữa con người với con người, giữa các loài hữu tình với nhau:

Chết yểu là do nghiệp giết hại các loài hữu tình, không có tâm từ bi; Sống lâu là do từ bỏ giết hại, có tâm từ bi.

Nhiều bệnh là do đời trước thường não hại các loài hữu tình. Ít bệnh là do không não hại các loài hữu tình.

Tướng mạo xấu xí là do thường hay phẫn nộ bất mãn, tâm sân hận. Tướng mạo xinh đẹp là do không phẫn nộ bất mãn, tâm nhu hòa, từ ái.

Nghèo là do không bố thí, cúng dường. Giàu có là do đã bố thí, cúng dường.  

Ít uy quyền là do thói ganh tỵ, đố kỵ với người được quyền lợi, người được tôn kính. Nhiều uy quyền là do không ganh tỵ, đố kỵ. 

Sinh vào gia đình hèn hạ là do tâm ngạo mạn, kiêu căng, thường khinh khi kẻ khác, không kính người đáng kính, không trọng người đáng trọng. 

Sinh vào gia đình cao quý là do tâm khiêm tốn, nhún nhường, thường tôn kính người đáng kính. 

Ngu khờ không có trí tuệ là do không thường đến các bậc tu hành để học hỏi. Có trí tuệ là do thường đến học hỏi các bậc tu hành (Theo kinh Tiểu nghiệp phân biệt).

Phước hay họa đều do nghiệp (hành động, tạo tác của con người thông qua thân, khẩu, ý, tức suy nghĩ, lời nói, hành động, việc làm). Tạo nghiệp tốt thì gọi là thiện nghiệp, phước nghiệp, tạo nghiệp xấu, ác thì gọi là bất thiện nghiệp hay tội nghiệp, ác nghiệp.

Trong kiếp sống hiện tại và nhiều kiếp sống quá khứ, chúng sinh đã tạo ra vô số nghiệp thiện ác, họa phước cho nên thường phải chịu thọ nhận niềm vui và nỗi buồn, hạnh phúc và đau khổ đan xen lẫn nhau. Tuy nhiên những ai tạo thiện nghiệp (phước nghiệp) nhiều hơn bất thiện nghiệp (tội nghiệp, ác nghiệp) thì đời sống sẽ nhiều niềm vui, nhiều hạnh phúc hơn những chúng sinh tạo nhiều bất thiện nghiệp. Do đó có người giàu sang, uy quyền tột bực và có người nghèo hèn, khốn khổ vô cùng. 

Chúng sinh không thể nào nhớ được những nghiệp mình đã tạo ra trong kiếp sống quá khứ. Ngay cả trong kiếp sống hiện tại, con người cũng không thể nào nhớ hết những suy nghĩ, lời nói, hành động (nghiệp) của mình trong quá khứ. Do đó khi nghiệp quả xảy ra, phần nhiều chúng ta không biết đó là kết quả của nguyên nhân gì. Chỉ các bậc Thánh xuất thế gian như Đức Phật và các vị Bồ tát, A la hán mới thấy biết rõ hành nghiệp của các chúng sinh, những nghiệp nhân đã gieo và những nghiệp quả phải nhận lãnh của họ. 

Phước là yếu tố rất quan trọng để hình thành đời sống an vui, hạnh phúc. Người có nhiều phước báo sẽ dễ dàng thành công trong cuộc sống, dễ dàng vượt qua những trở ngại, khó khăn và có được những gì mà đời sống thế gian mong đợi (quyền uy, thế lực, sự giàu sang, nổi tiếng, may mắn, bình an, hạnh phúc). Ngược lại họa là yếu tố khiến cho đời sống con người ngửa nghiêng, điên đảo, khiến cho con người phải chịu bất hạnh, khổ đau. Đối với người có phước báo lớn, cuộc sống nhiều sung sướng, mãn nguyện bao nhiêu thì đối với người vô phước, kém phước, cuộc sống nhiều bất mãn, cực nhọc và khổ đau bấy nhiêu. 

Đánh giá một cách tương đối thì thế gian này vui ít khổ nhiều trong mắt của người ít phước báo; vui nhiều khổ ít trong mắt của người nhiều phước báo, và khổ vui lẫn lộn, đan xen chồng chéo lẫn nhau, thay phiên nhau đến rồi đi không ổn định đối với người có tội lẫn phước báo ngang bằng hoặc gần ngang bằng với nhau.

Rất ít người tạo được những phước nghiệp cần và đủ để có một đời sống hạnh phúc viên mãn, đa phần có phước báo này nhưng lại thiếu phước báo khác, vì thế nhân loại không có bao nhiêu người mãn nguyện cuộc sống thế gian này. Về mặt khác, những ai tạo được phước nghiệp quá lớn đủ để sinh về các cõi trời thì họ không xuất hiện ở cõi người, vì bản chất của cõi người là không có niềm vui, hạnh phúc lâu dài, viên mãn.

Phần lớn chúng sinh cõi người đều thiếu phước báo để có được một đời sống mãn nguyện, nguyên nhân là do họ tạo nghiệp (do tâm ý, suy nghĩ, lời nói, việc làm của họ, do quan niệm, hành vi, lối sống trong quá khứ đời này và đời trước lẫn trong hiện tại):

Có những người thành đạt, nổi tiếng từ khi tuổi còn trẻ, nhưng có những người sống đến hết cuộc đời cũng chẳng làm được sự nghiệp chi, thậm chí cuộc sống bấp bênh, phải chịu cảnh khốn khổ, bần hàn và gặp nhiều tai ương hoạn họa. Tuy nhiên số người mãn nguyện trong cuộc sống cũng rất ít, không phải ai thành đạt, nổi tiếng đều bình an và hạnh phúc, đều hài lòng cuộc sống của mình.

Nếu nhìn kỹ sẽ thấy rằng không phải người nào giàu sang, thành đạt hoặc có quyền uy, thế lực đều là người có tài năng và đạo đức. Cũng không phải ai nghèo khổ, khốn khó cũng đều là những kẻ bất tài vô dụng. Tất cả đều do nghiệp mà họ đã tạo ra trong hiện tại và quá khứ gần hoặc lâu xa, dẫn đến sự nhận chịu phước và họa nhiều hay ít.

Người có phước giàu sang nhưng không có phước thọ mạng, do quá khứ tạo nghiệp giết hại chúng sinh, cho nên sinh ra đời thụ hưởng sự giàu sang sung túc nhưng lại chết sớm khi tuổi đời còn trẻ.  

Người có phước sống thọ nhưng không có phước giàu sang nên sống cả đời trong hoàn cảnh bần hàn khốn khó. 

Người có tài năng, trí tuệ nhờ đời trước siêng năng nghiên cứu, học hỏi, thường gần gũi cầu học nơi các bậc hiền trí, các bậc tu hành (tạo phước nghiệp thông minh, tài trí), nhưng nếu không tạo nghiệp bố thí, cúng dường, tâm lượng hẹp hòi, ích kỷ, không biết chia sẻ với người khác thì không có được phước báo giàu sang và khi làm việc gì ít có người ủng hộ. 

Nếu có tài năng, trí tuệ mà tâm kiêu căng, ngạo mạn, tự cao tự đại thì gặp nhiều kẻ đối nghịch, oán ghét, gặp nhiều trở ngại, khó khăn trên đường đời. Chính cái tâm ngã mạn cũng là rào cản ngăn cách họ với người khác, khiến họ không có sự cởi mở để tiếp nhận, hòa đồng với người khác, khiến họ không thể tiến bộ trong nhận thức, trong sự học hỏi và khiến họ đánh mất nhiều cơ hội tốt để tham gia vào nhiều hoạt động xã hội, để thành công, để thăng tiến, để đóng góp nhiều cho cộng đồng.

Trong kinh Phước đức (Mahàmangala Sutta, thuộc Tiểu bộ kinh (Khuddaka Nikàya), cũng gọi là kinh Hạnh phúc, Đức Phật dạy mười phương pháp tạo nên phước đức cho chúng ta và tha nhân, đây chính là cách kiến tạo đời sống an vui, hạnh phúc bền vững, lâu dài:

Phương pháp thứ nhất là: Lánh xa kẻ xấu ác, luôn thân cận người hiền, tôn kính bậc đáng kính.

Phương pháp thứ hai là: Sống trong môi trường tốt, được tạo tác nhân lành, được đi trên đường chánh.

Phương pháp thứ ba là: Có học, có nghề hay, biết hành trì giới luật, biết nói lời ái ngữ.

Phương pháp thứ tư là: Được cung phụng cha mẹ, yêu thương gia đình mình, được hành nghề thích hợp.

Phương pháp thứ năm là: Sống ngay thẳng, bố thí, giúp quyến thuộc thân bằng, hành xử không tỳ vết.

Phương pháp thứ sáu là: Tránh không làm điều ác, không say sưa nghiện ngập, tinh cần làm việc lành. 

Phương pháp thứ bảy là: Biết khiêm cung, lễ độ, biết đủ và nhớ ơn, không bỏ dịp học đạo.

Phương pháp thứ tám là: Biết kiên trì phục thiện, thân cận giới xuất gia, dự pháp đàm học hỏi.

Phương pháp thứ chín là: Sống tinh cần tỉnh thức, học chân lý nhiệm mầu, thực chứng được Niết bàn.

Phương pháp thứ mười là: Hành xử trong nhân gian, tâm không hề lay chuyển, phiền não hết, an nhiên. 

Đức Phật dạy: “Ai sống được như thế, đi đâu cũng an toàn, tới đâu cũng vững mạnh, phước đức của tự thân” (Bản dịch của HT.Thích Nhất Hạnh).

Mười phương pháp trên chính là những thiện nghiệp sinh ra công đức, phước báo, làm cho đời sống các chúng sinh hữu tình mà chủ yếu là chúng sinh cõi người, cõi trời được nhiều an vui, lợi lạc (Bởi chúng sinh cõi người, cõi trời mới có nhiều điều kiện thực hành những phương pháp này, còn chúng sinh ở các cõi khác như súc sinh, ngạ quỷ, địa ngục bị nhiều giới hạn và khổ não bức bách nên rất khó tu tập). Ngay khi sống theo những lời dạy trên chính là đang sống trong an lạc hạnh phúc (ở hiện tại) chứ không chỉ có hạnh phúc trong tương lai đời này và đời sau. Càng thực hành được nhiều điều đức Phật dạy thì càng sống có hạnh phúc trong hiện tại, và tương lai được sinh làm người có nhiều phước báo hoặc sinh về cõi trời. 

Chính vì thế mà mười phương pháp trong bài kinh trên còn được gọi là mười phước đức hay mười hạnh phúc, và bài kinh được gọi là kinh Phước đức hay kinh Hạnh phúc.

Trong mười phước đức hay mười hạnh phúc đó, hai điều cuối cùng chính là hạnh phúc tối thượng của các bậc thánh như Phật, Bồ tát, A la hán, còn tám điều còn lại là hạnh phúc của cõi nhân thiên (cõi trời và cõi người).
                                                                                               
Minh Hạnh Đức 
Tạp chí Nghiên cứu Phật học số 1 năm 2015

Các tin đã đăng: