Quan niệm về nhận thức trong triết học phật giáo Việt Nam
TS.Nguyễn Đức Diện
10/08/2010 22:44 (GMT+7)

Quá trình hình thành quan niệm lý luận về nhận thức luận trong các học thuyết triết học thường diễn ra thông qua mối quan hệ giữa tư duy và tồn tại.

Trong triết học Phật giáo, giữa bản thể và nhận thức có quan hệ không tách rời. Biểu hiện của quan hệ ấy ở chỗ tính “không” của bản thể, cũng như tính vô thường, nhân quả của thế giới hiện tượng chỉ được nhận thức thông qua mối quan hệ với “tâm”. Quan hệ này cũng giống như quan hệ giữa bản thể và thế giới hiện tượng. Vì thế, việc tách rời bản thể luận và nhận thức luận chỉ có tính chất tương đối nhằm nghiên cứu phương pháp nhận thức bản thể của Phật giáo.

Nhận thức Phật giáo thực chất là nhận ra bản thể, chân tâm của chính mình, tức giác ngộ. Để đạt được mục đích đấy, người học đạo phải tự mình chứng ngộ lấy chân lý thông qua con đường trực giác. Với mục đích giải thoát những đau khổ tinh thần nơi trần thế cho con người, Phật giáo còn đưa ra con đường Tam học. Kết quả của thực hành Tam học, người học đạo sẽ có trí tuệ sáng suốt. Tuy nhiên, trí tuệ này không phải là những tri thức khoa học con người đạt được thông qua con đường biện chứng của quá trình nhận thức, mà là trí tuệ vô sư.

Theo Phật giáo, có 2 loại trí. Trí, do học qua thầy, bạn, sách vở là trí hữu sư. Trí này phần lớn từ bên ngoài vào, nó không phải là của mình. Trí do tâm an mà có mới là trí vô sư, nghĩa là không cần đến học tập và truyền bá tri thức. Trí này tiềm ẩn trong mọi người, khi mây mù phiền não tan đi thì nó hiện ra. Nói theo ngôn ngữ nhà Phật, thì người tu hành phải lấy thiền định để nhiếp trì (nhiếp tâm, trì giới) mọi căn, tập trung tư duy, bỏ hết tạp niệm lập tức trí tuệ bát nhã xuất hiện. Song, để có trí (trí vô sư) người học cần phải thiền định, và thiền định lại do công phu trì giới. Do đó, Giới, Định, Tuệ có quan hệ mật thiết với nhau, khiến cho quá trình giác ngộ không bỏ qua bất cứ một bước nào, trong đó thiền đóng vai trò quyết định.

1. Giới (Sila): Phiên âm theo tiếng Hán là Thi La, nghĩa là ngăn cản, phòng ngừa sự sai trái của thân và tâm. Thi La còn có nghĩa là Thanh hương, vì nó có khả năng ngăn ngừa nên gọi là giới. Ý nghĩa của giới là tích cực làm điều thiện, bỏ điều ác để tránh mọi lỗi lầm của thân, khẩu, ý. Giới còn gọi là Ba La Đề Mộc Xoa (Pra- timoksa), hay biệt giải thoát, gồm các điều giới được ghi trong kinh giới của Tỳ Khiêu và Tỳ Khiêu Ni. Biệt giải thoát là giữ kiêng từng điều một thì sẽ được giải thoát từng lỗi một. Ngũ giới là không sát sinh, không trộm cắp, không tà dâm, không uống rượu và không vọng ngữ (vọng ngữ là cái tâm không trong sạch, luôn luôn muốn nói dối, che giấu sự thật, nói sai sự thật và sinh khẩu nghiệp). Thập thiện bao gồm ba điều thiện thuộc về thân (không sát sinh, không trộm cắp, không tà dâm), bốn điều thiện thuộc về khẩu (không nói dối, không nói hai chiều, không ác khẩu, không nói thêu dệt) và ba điều thiện thuộc về ý (không tham, không si, không sân). Thực chất của giới nhằm hướng dẫn, giúp đỡ con người vươn tới đạo đức cao thượng.

Đối với đạo Phật thì giới là giai đoạn đầu tiên, tất yếu với mục đích dìu dắt người tu hành từng bước đến với đạo. Không thể có sự tập trung trí tuệ cao độ nếu thân tâm không trong sạch. Một khi trong đầu óc, trong trái tim còn tràn đầy những khát vọng, ham muốn thì tâm tính còn bị dục vọng sai khiến. Khi tâm dao động không yên thì khó có thể có một nhận định, một suy nghĩ đúng đắn , phản ánh khách quan sự vật, hiện tượng. Tập trung tư duy cao độ vào một vấn đề gì đó chỉ có thể có được khi con người đã gạt ra ngoài tất cả những suy nghĩ vọng động. Để giữ cho tâm tính yên lặng, tỉnh táo thì giới là điều kiện không thể thiếu.

Trong đạo Phật, giới còn là phương tiện giúp con người vượt qua sông mê bể khổ luân hồi tới chốn an lạc giải thoát. Khi chưa giác ngộ thì như vậy, khi ngộ rồi nếu chấp vào giới thì giới lại có thể trở thành dây trói buộc thêm, điều đó cũng giống như người qua sông còn vác thuyền lên vai đi tiếp.

2. Định (Samadhi): Hay Thiền định. Theo các nhà nghiên cứu về Phật giáo và Phật học cho biết, Thiền là nói tắt, nói đầy đủ là Thiền na, phiên âm theo ngôn ngữ Ấn Độ là Dhyana. Dhyana được dịch là tịch lự, nghĩa là trầm tư về một chân lý, một triết lý hoặc đạt đến chỗ ngộ và in sâu vào trong tâm thức.

Xung quanh khái niệm “Thiền là gì?” ta thấy có nhiều quan điểm khác nhau. Tác giả Lịch sử Phật giáo Việt Nam viết: “Thiền là phương pháp tự tỉnh, tự giác, tự ngộ, tự chứng. Đây là yếu tố hoàn toàn có tính cá nhân, có tính cô đơn, tính triết lý sâu thẳm của con người đối với vũ trụ. Sự giác ngộ và chứng đắc được ví như người uống nước: lạnh, nóng tự biết. Cái ngộ, cái biết ấy không thể nói cho ai thấy được” (1).

Trong Hội thảo Tuệ Trung Thượng Sĩ với Thiền tông Việt Nam, tác giả bài Mạch thiền trong văn hoá tư tưởng Việt Nam viết: “Thiền không phải là một hệ thống khái niệm có thể lĩnh hội được bằng lý trí hoặc bằng phân tích khoa học. Diễn tả theo ngôn ngữ hình tượng (một cách hết sức tương đối và hoàn toàn có tính chất biểu trưng!), Thiền là một vòng tròn vô tận không thể xác định được chu vi và chính vì thế có thể tìm thấy tâm điểm của vòng tròn này ở bất cứ chỗ nào!” (2). Tác giả còn đưa ra nhiều quan niệm như: Thiền là một khoa học thực nghiệm về tâm lý. Thiền là một thái độ sống, một phong cách sống của người đã thực hiện được sự huyền đồng giữa tiểu ngã và đại ngã. Thiền là một sự tỉnh thức của con người được những ảo mộng của trần gian.

Tác giả Thiền học Việt Nam viết về thiền như sau: “Vậy triết lý Thiền là gì, có phải là giáo lý của Phật không, hay là sản phẩm của Trung Hoa? Nhiều học giả ngày nay cho Thiền là kết quả của sự gặp gỡ phối hợp giữa Phật giáo Ấn Độ và Đạo giáo Trung Hoa” (3). Tác giả Thiền tông Việt Nam cuối thế kỷ XX, cho rằng, Thiền là tự thắc mắc một vấn đề quan trọng, tìm tòi theo dõi đến khi sáng được vấn đề đó mới thôi. Tác giả viết: “Thiền là phát minh, là sáng tạo... Và sự ra đời định luật Vạn vật hấp dẫn của Niu Tơn (1642 -1727) là kết quả của sự dồn hết tâm lực vào một vấn đề đến khi chín muồi bỗng dưng phát sáng” (4).

Từ những quan niệm trên, chúng tôi cho rằng, Thiền là một phương pháp tập trung toàn bộ tâm trí của mình nhằm sáng tỏ một vấn đề nào đó. Vì thế, ngoài hoạt động tư duy còn có cả hoạt động thực tiễn của người tu hành. Thiền cốt yếu nhất là nghệ thuật kiến chiếu vào thể tính con người, nó chỉ cho ta con đường đi đến giải thoát. Thiền cũng là phương pháp khai thác, giải phóng một khả năng tiềm ẩn trong tâm thức của con người. Cũng có thể nói, Thiền là triết lý hay đạo đưa con người đến chỗ triệt ngộ và in sâu vào trong tâm thức.

Mặc dù, không định nghĩa được Thiền là gì, nhưng trong Thiền cũng có một số đặc trưng cơ bản như đã nói ở trên. Ý kiến cho rằng “Thiền là một vòng tròn vô tận không thể xác định được chu vi và chính vì thế có thể tìm thấy tâm điểm của vòng tròn ấy ở bất cứ chỗ nào” là không đúng với tinh thần của Thiền tông. Tác giả Lược khảo tư tưởng Thiền Trúc Lâm Việt Nam viết: “Những nhà tư tưởng cổ Ấn Độ cho rằng, người thông minh là người cả đời biết tập trung suy nghĩ, tư tưởng vào một cái. Nếu làm được như vậy chắc chắn cuộc đời họ sẽ phát hiện, tìm ra được một cái gì đó hữu ích. Việc tập trung tư tưởng này cũng giống như người ta tập trung ánh sáng vào một điểm. Khi đó điểm sáng trở nên rất mạnh. Tư tưởng cũng vậy, nếu biết tập trung, nó tạo nên được những sức mạnh mà người ta không bao giờ ngờ tới. Các nhà bác học sở dĩ họ phát sinh ra cái này, cái kia là vì cả cuộc đời họ cũng chỉ nghĩ về một vấn đề”(5). Những nhận định trên cho thấy, trong mỗi con người sẵn có một tiềm năng rất lớn, song, điều quan trọng nhất là biết tập trung để khơi dậy tiềm năng ấy.

Tóm lại, nếu nói Phật giáo là toà nhà được xây dựng trên cơ sở của giáo lý giác ngộ thì Thiền là cột trụ trung ương chống đỡ toàn thể cơ cấu của Phật giáo.

3. Tuệ (prajna): Còn gọi là trí tuệ Bát nhã, trí tuệ sáng suốt. Trí này có tác dụng phân biệt được sự lý, giải quyết được mọi nghi ngờ, thông đạt hết thảy. Nhờ giữ giới, tu định, người tu hành có được trí tuệ sáng suốt, phân biệt được thực tướng của mọi pháp, đoạn trừ được mọi phiền não, nghiệp chường, tức giác ngộ bản thể.

Ngoài ra, Phật giáo cũng cho rằng, quá trình giác ngộ cần phải dựa vào căn cơ, trình độ của mỗi người. Do đó, việc chứng ngộ chân lý đạo phải chia ra làm nhiều giai đoạn khác nhau. Người lợi căn thì dùng phép đốn ngộ, hiện thân chứng được quả hữu dư Niết bàn, người độn căn thì phải dùng phép tiệm giáo, phải tu nhiều kiếp mới chứng ngộ được. Vì thế, ngay từ khi mới ra đời với phương châm bình đẳng cứu đời, thoát khỏi kiếp luân hồi, Phật giáo đã được đông đảo quần chúng ngưỡng mộ. Trong quá trình giác ngộ, đức Phật đã không dựa vào dòng họ cao hay thấp để định giá con người mà chỉ dựa vào phần phẩm hạnh có hậu, bạc; trí tuệ có nông, sâu để giác ngộ. Tinh thần ấy thể hiện khi Ngài tuyên bố “Mọi người sinh ra đều có Phật tính và có thể thành Phật”. Suốt quá trình truyền đạo, đức Phật thường xuyên nói với học trò của mình rằng, người hèn hạ mà biết phát tâm Bồ đề, xuất gia tu hành, chứng được quả thánh thì quý báu vô cùng, chẳng khác gì hoa sen mọc ở bùn lầy nhơ mà vẫn tinh khiết, thơm tho.

Đạo Phật vào nước ta khá sớm, song, về mặt tông phái chủ yếu là Thiền. Tuy chia thành các phái khác nhau nhưng bản chất của đạo vẫn không đổi. Tất cả các phái Thiền đều cho rằng, đạo không có hình tướng, không phải ở đâu xa, ở trước mắt ta, ở ngay trong lòng. Muốn nhận thức đạo thì hãy trở về với chính mình, không tìm cầu ở bất cứ nơi nào khác, và nếu có tìm được ở nơi khác thì cũng không phải là thật. Bởi vậy, trên con đường nhận thức, các thiền sư đều nhấn mạnh đến tính không xác định của bản thể. Vậy, làm thế nào để nhận thức được bản thể? Vấn đề này, các thiền sư của phái Tỳ Ni Đa Lưu Chi và Vô Ngôn Thông đều cho rằng, muốn đạt đến bản thể thì phải hư vô tâm, phải biến tâm mình thành không. Theo Thiền uyển tập anh, thiền sư Huệ Sinh (? - 1063) thế hệ thứ 1 3 thuộc phái Tỳ Ni Đa Lưu Chi đã nói:

Pháp vốn như vô pháp,
Không có cũng không không”
(Pháp bản như vô pháp,
Phi hữu, diệc phi không)
(6).

Pháp thân, pháp tính vốn rất linh diệu, không có hình tướng cụ thể để người trần mắt thịt nhìn thấy. Đạo không phải là không có, chỉ vì ta không phân biệt được mà thôi. Người học đạo muốn nhận ra chân lý thì phải bỏ sự chấp trước vào “không” và “có”. Theo Thơ văn Lý - Trần, tập 1, thiền sư Viên Chiếu (999 - 1090), thế hệ thứ 7 phái Vô Ngôn Thông cũng viết: “Nhưng nếu nhận thức được rằng cái tâm là không, sắc tướng cũng là không, thì “sắc” và “không” , khi ẩn khi hiện, mặc nó đổi dời”.

(Nhược đạt tâm không vô sắc tướng
Sắc không ẩn hiện nhậm thôi di) (7).

Thiền sư Thường Chiếu cho rằng, muốn nhận ra chân lý linh diệu của đạo thì con người phải tu luyện để đạt đến cái tâm không, biến tâm mình thành “không”. Khi tâm không còn vọng động, trở thành hư vô tức giác ngộ. Thiền sư Ngộ Ấn (1020 -1088) cũng viết: “Cái thể tính thần diệu hư vô, khó lòng vin tới, nhưng khi tâm hư vô thì hiểu được diệu tính cũng chẳng khó gì”

(Diệu tính hư vô bất khả phan,
Hư vô tâm ngộ đắc hà nan) (8).

Con người không thể nhận thức được bản thể bằng tư duy khoa học, vì cái thể tính thần diệu hư vô, khó lòng vươn tới. Một khi tâm con người đạt tới tâm hư vô (không) thì trí tuệ Bát nhã xuất hiện, tức con người đạt tới bản thể, chân tâm của mình. Nói cách khác, tâm hư vô, con người mới hiểu được tất cả các pháp trong thế giới hiện tượng.

Phát triển, cụ thể hoá tư tưởng trên , các thiền sư thời Trần cho rằng, mọi vấn đề trong thế giới trần tục: đạo đức, thiện, ác, tâm, Phật đều sinh ra từ tâm. Trong mỗi con người đã có sẵn cái tâm giác ngộ, nhưng vì trải qua bao kiếp luân hồi bể khổ trong tam giới, nên cái tâm ấy bị mờ đi. Bởi vậy, phải tự mình đoạn trừ hết vô minh, phiền não, lúc đó Bồ đề, giác tính, Bát nhã thiện căn trong mỗi con người tự nó sáng trong tức giác ngộ.

Trần Thái Tông một người uyên thâm về đạo đã cho rằng, để trực nhận bản thể thì phải biến tâm mình thành không. Quá trình thực hành đạo Thiền của Trần Thái Tông không ngoài mục đích tu luyện về đạo “hư” nhằm biến tâm mình thành hư không. Tác phẩm Khoá hư lục của Trần Thái Tông đã minh chứng cho việc làm ấy. Theo Trần Thái Tông, đạt tới hư nghĩa là trở về với tâm ban đầu, trở về bản thể không. Trên con đường tu đạo Ngài đặc biệt đề cao Giới, Định, Tuệ. Theo Ngài, tam thế chư Phật sở dĩ thành đạo đều thông qua thụ giới. Giới như lương y, có thể trị mọi bệnh. Giới như minh châu, có thể phá vỡ mọi tăm tối. Giới như thuyền bè, có thể trở qua bể khổ. Giới là giai đoạn đầu tiên trên con đường đạt tới bản thể.

Tác giả Lược khảo tư tưởng Thiền Trúc Lâm Việt Nam viết: Phân tích mỗi hành động của con người, ta thường thấy có ba giai đoạn:

  • Giai đoạn 1 - Sự chuẩn bị: ý tường, ý đồ, ý định, suy nghĩ kế hoạch trong đầu. Theo C. Mác, chính đây là điểm khác nhau giữa con người với con ong, cái kiến.
  • Giai đoạn 2 - Hành động: sự thực hiện về mặt vật chất những ý đồ trên.
  • Giai đoạn 3 - Kết quả hành động: kéo theo tâm trạng hài lòng, không hài lòng, nuối tiếc hay hối hận. Trong triết học Trần Thái Tông thì giai đoạn 1 có ý nghĩa chủ đạo (9).

Nhận định trên đây phản ánh đúng đắn vị trí, vai trò của giới trên con đường trực nhận bản thể. Trần Thái Tông không chỉ đề cao giới, mà còn chỉ ra mối quan hệ qua lại giữa Giới, Định, Tuệ. Trong Khoá hư lục, Trần Thái Tông viết: “Giới, Định, Tuệ là đạo giải thoát. Giới là nghĩa uy nghi, Định là nghĩa không dối, Tuệ là nghĩa tri giác. Ấy là lấy Giới để trừ ác cấu, Định để trừ triền cấu” (10). Đối với Trần Thái Tông thì Định và Tuệ nương dựa vào nhau, không bỏ sót một bên nào.

Ngoài Giới, Định, Tuệ, Trần Thái Tông còn đưa ra phương pháp nhận thức khác như trực giác. Sở dĩ Phật giáo nói chung, Thiền tông nói riêng đề cao trực giác là do quan điểm về bản thể. Theo Phật giáo thì bản thể là tự nhiên, bất sinh, bất diệt, không thêm, không bớt... và đứng trước nó mọi ngôn ngữ đều bất lực. Muốn trực nhận bản thể thì không có con đường nào khác ngoài con đường Giới, Định, Tuệ.

Kế thừa phương pháp trực nhận bản thể của Thiền tông, Tuệ Trung Thượng Sỹ Trần Tung (1230 -1291) cho rằng, người học đạo phải hiểu ra ngoài lời nói, để nhận thức cái “tự bản chi tâm”, “tự bản chi tính”, là cái “bất sinh”, “bất diệt”, lời nói không nói cái đó được, bất cứ lúc nào, trong bất cứ ý niệm nào (đang kế tiếp nhau một cách nhanh chóng) nó cũng tự nhiên, nhi nhiên mà hiện ra, tất cả mọi hiện tượng đều thông. “Một” là chân, “tất cả” cũng đều là chân, muôn vàn cảnh giới đều là “như như” (bằng nhau, không thêm không bớt) cái ý thức về tính như như đó là chân thực. Vì thế, chừng nào chưa tìm thấy gốc của giác ngộ thì người tu hành còn chìm đắm ở sông mê bể khổ. Ông nói: “Nếu cứ buông trôi trong mọi thú vui mà không tìm ra điểm bắt đầu, thì duyên lành vô hạn chỉ đến thế mà thôi”.

(Phùng trường diệc bất mô lai tị,
Vô hạn lương duyên chỉ má hưu) (11).

Đối với Tuệ Trung, để trực nhận bản thể, chân tâm, người học phải trở về với chính mình. Nhận ra thể “không” của đạo tức giác ngộ. Tuy nhiên, quá trình này không phải do học, do truyền bá tri thức, nó có được là nhờ trì giới. Như vậy, triết học Tuệ Trung thừa nhận Giới như một giai đoạn của quá trình trực nhận bản thể.

Có thể nói, Phật giáo nói chung, Phật giáo Việt Nam nói riêng đều cho rằng, để trực nhận được bản thể chân tâm của mình thì chỉ có một con đường duy nhất là thực hành Tam học. Tuy nhiên, trong quá trình giác ngộ mỗi thiền sư có cách thể hiện riêng. Chẳng hạn, Huệ Năng (Tổ thứ 6 Thiền tông Trung Hoa) chủ trương thiền: “Vô chấp, vô trụ, vô tướng” (Lập vô niệm làm tông, vô tướng làm thể, vô trụ làm bản) (107, 173). Mặc dù, chủ trương vô chấp, vô trụ, vô tướng trong thiền, nhưng quá trình giác ngộ Huệ Năng vẫn tu theo Giới, Định, Tuệ. Ngài thừa nhận, người tu thiền đạt đến giác ngộ phải tụng kinh Kim cương. Trần Thái Tông cho rằng, để kiến tính thành Phật, ngoài trì giới, sám hối, người tu hành phải coi trọng cả niệm Phật, toạ thiền, tuệ giáo. Trong Khoá hư lục, Ngài viết: “Cho nên phải dựa cả hai, cả Phật cả ta. Tính căn phân biệt, ngu trí khác nhau, nếu trỏ một cửa thì khó giác ngộ mà vào, cho nên đức Phật ta mở rộng trí lớn mà nguyện mở cửa phương tiện, tuỳ lối chỉ về, theo bệnh cho thuốc… ôi! công dụng của lễ sám hối lớn lắm, phải vậy “không!” (12).

Nhận thức trong Phật giáo là để hoà tâm mình vào tâm vạn pháp (giác ngộ giải thoát) chứ không phải đi đến nhận thức thế giới và cải tạo thế giới khách quan. Phương pháp nhận thức ấy đã đạt được mục tích của đạo: giải thoát những đau khổ tinh thần nơi trần thế cho con người. Mỗi giai đoạn trong Tam học có vai trò riêng, không chỉ có giá trị trong nhận thức, mà còn có giá trị nhân văn. Nếu Giới có tác dụng hướng dẫn, giúp đỡ con người vươn tới đạo đức cao thượng, thì Thiền “là một thái độ sống, một phong cách sống của người đã thực hiện được sự huyền đồng giữa tiểu ngã và đại ngã” . Thiền là một sự tỉnh thức của con người trước những ảo mộng của trần gian. Thiền cũng là phương pháp khai thác, giải phóng một khả năng tiềm ẩn trong tâm thức của con người. Cũng có thể nói, Thiền là triết lý hay đạo đưa con người đến chỗ triệt ngộ và in sâu vào trong tâm thức… và khi đã giác ngộ thì con người sẽ sống ung dung tự tại.

TS Triết học Nguyễn Đức Diện

Tài liệu tham khảo

1) Nguyễn Tài Thư, Lịch sử Phật giáo Việt Nam, Nxb KHXH, Hà Nội 1998, tr. 270.
2) Tuệ Trung Thượng Sỹ với Thiền tông Việt Nam, Trung tâm nghiên cứu Hán- Nôm, 1993, tr. 49.
3) Nguyễn Đăng Thục, Thiền học Việt Nam, Nxb Thuận Hoá 1997, tr.13.
4) Thích Thanh Từ, Thiền tông Việt Nam cuối thế kỷ XX, Thành hội Phật giáo thành phố Hồ Chí Minh, l992, tr.34.
5). 9) Nguyễn Hùng Hậu, Lược khảo tư tưởng Thiền Trúc Lâm. Nxb KHXH, Hà Nội 1997, Tr. 79, 64.
6) Thiền uyển tập anh, Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Phân viện nghiên cứu Phật học, Nxb văn học, Hà Nội 1996, Tr. 209- 210.
7, 8) Đào Phương Bình, Phạm Tú Châu, Nguyễn Huệ Chi,.. Thơ văn Lý Trần, tập l, Nxb KHXH, Hà Nội 1977, tr.. 293, 265.
10, 12). Trần Thái Tông, Khoá hư lục, Đào Duy Anh phiên dịch và chú giải, Nxb KHXH, Hà Nội l974, tr.102, 108.
11) Nguyễn Huệ Chi, Thơ văn Lý - Trần, tập 2, Quyển thượng. Nxb KHXH, Hà Nội 1988, tr. 264.

Nguồn: Tạp chí Phật học

Các tin đã đăng: