Những chuyện kỳ bí về thế giới tâm linh –Kỳ 8: 84 năm, hai thế hệ đi tìm mộ cha, ông
Hoàng Anh Sướng
16/04/2010 00:09 (GMT+7)

Xem hình
Bích Hằng đang trò chuyện với vong linh cụ Quyến
Sinh thời, Lương Ngọc Quyến có với người vợ thứ 2, bà Nguyễn Thị Hồng Đính, 3 mặt con: Lương Dân Nguyên, Lương Tân Khải và Lương Cao Vinh. Nguồn: http://phatgiaovnn.com (Phật Giáo Việt Nam Net)

Cả ba cậu con trai, bà Đính đều sinh hạ tại Trung Quốc. Năm 1917, sau khi Lương Ngọc Quyến hy sinh, bà gửi đứa con thứ 2 là Lương Tân Khải cho một phụ nữ Trung Quốc nuôi dùm rồi đưa 2 con Nguyên và Vinh về nước. Mất cha từ lúc tuổi còn thơ nhưng hình ảnh của cha với khí phách của một người anh hùng trọn đời hy sinh vì dân vì nước vẫn hiện hữu trọn vẹn, trở thành niềm tự hào trong tâm hồn hai cậu bé qua lời kể của mẹ. Sau này, trưởng thành, nỗi đau mất phần mộ cha trở thành nỗi ám ảnh, thôi thúc Nguyên và Vinh đi tìm. Nhưng hoàn cảnh thời ấy, chiến tranh thì liên miên, hết chống Pháp rồi đánh Mỹ, gia cảnh thì nghèo túng, Thái Nguyên thì mênh mông đồi núi, tin tức về cha gần như chẳng có, việc tìm mộ chẳng khác gì “mò kim đáy bể”. Năm 1967, ông Lương Cao Vinh lâm trọng bệnh mất. Gánh nặng tìm mộ cha dồn cả lên vai ông Nguyên. Năm lần bảy lượt đi tìm chẳng được. Năm 1993, tuổi cao sức yếu, ông Nguyên cũng ra đi. Trước khi mất, lời trăn trối cuối cùng với cậu con trai thứ Lương Quân vẫn là nỗi canh cánh trọn đời về phần mộ cha Lương Ngọc Quyến: “Con gắng thay cha tìm mộ ông. Bằng mọi cách phải tìm cho được. Bố linh cảm mộ ông được chôn gần một ngôi chùa nào đó trên Thái Nguyên”.

Thấu hiểu nỗi đau của cha. Nhưng biết tìm mộ ông ở đâu bây giờ? Năm 1994, qua báo chí, ông Quân biết đến khả năng tìm mộ đặc biệt của nhà ngoại cảm Phan Thị Bích Hằng. Bấy giờ, tên tuổi của Bích Hằng đã vang dội cả nước qua hàng ngàn vụ tìm mộ, nhất là vụ tìm mộ tập thể 13 liệt sĩ ở Non Nước (Ninh Bình) và 5 mộ liệt sĩ ở Đông Triều (Quảng Ninh). Qua sự giới thiệu của ông Nguyễn Văn Huy, giám đốc Bảo tàng dân tộc học, quãng giữa tháng 4 năm 1994, ông Quân tìm đến nhà riêng của Bích Hằng ở Khu tập thể binh đoàn 11 (Nam Đồng, Đống Đa, Hà Nội) cùng bức ảnh truyền thần của ông nội Lương Ngọc Quyến được vẽ lại từ bức ảnh chụp của Sở mật thám Pháp khi ông Quyến bị cầm tù. Bích Hằng, sau khi thắp hương mời vong cụ Quyến về, cho biết: hình ảnh cụ hiện lên rất mờ, thông tin nhận được rất ít. Cụ nói, mộ cụ vẫn còn nhưng cốt không còn nhiều, được chôn gần một ngôi chùa nào đó ở Vô Tranh, huyện Phú Lương hay Phú Bình gì đó. Địa điểm không rõ lắm nên gia đình cứ lên đó mà tìm, hy vọng sẽ có người biết mà chỉ dùm.

Vài ngày sau, ông Quân tìm đường lên Thái Nguyên. Xem bản đồ, chỉ có xã Vô Tranh thuộc huyện Phú Lương. Ông bèn nhờ người cậu ruột, nguyên là cán bộ quân khu Việt Bắc giới thiệu với ông trưởng thôn Thống Nhất, xã Vô Tranh dẫn đi tìm. Phú Lương ngày ấy rừng núi còn rậm rạp, hoang vu, nhà nọ cách nhà kia một quả đồi. Sục vào từng nhà, gặp gỡ các cụ cao niên trong làng để hỏi nhưng chẳng ai biết gì về cuộc khởi nghĩa Thái Nguyên năm 1917, huống hồ là thông tin về phần mộ cụ Lương Ngọc Quyến. Bác trưởng thôn đưa ông Quân đến hai ngôi chùa trong xã. Một ngôi có tên là chùa Lụa nằm trên một quả đồi nhưng đã đổ nát hoàn toàn, chỉ còn lại những hòn đá kê chân cột. Xung quanh là rừng nứa ngút ngàn. Dưới chân đồi có một gia đình người Thái Bình lên khai hoang lập nghiệp từ những năm 1950. Hỏi về cụ Quyến, họ lắc đầu nguây nguẩy không biết, lại còn nghi ngờ ông Quân đi tìm đồ cổ. Ngôi chùa thứ hai cũng toạ lạc trên một sườn đồi, bạt ngàn sắn. Ông trưởng thôn cho biết, ngôi chùa này đã bị cháy lâu lắm rồi, do Pháp đốt. Nền chùa chính là chỗ đã mọc lên cây ngái to cỡ một người ôm. Người chủ nương sắn đã đan một tấm liếp nhỏ, dưới đặt bát hương để cúng vái thần linh vào những ngày rằm, mồng một. Đến hai ngôi chùa, ông Quân đều thành tâm thắp hương cầu nguyện, đi xung quanh quan sát địa hình kỹ lưỡng, hy vọng tìm thấy một dấu hiệu nào đó nhưng vô vọng.

Trở về Hà Nội, ông gặp Bích Hằng, kể lại chuyện lên Thái Nguyên tìm mộ cụ Quyến. Bích Hằng khuyên ông nên nhẫn nại, kiên trì. Chị khẳng định mộ cụ còn nhưng hiện thời chị chỉ giúp được thế. Sau đó, ông Quân có đến gặp Bích Hằng vài lần nữa nhưng cùng không thu được thông tin gì mới. Cũng trong thời gian ấy, anh em ông Quân có nhờ một số nhà ngoại cảm tiếng tăm khác như ông Đỗ Bá Hiệp (Hà Nội), ông Tư Liên (Đà Nẵng)  nhưng sự việc cũng chẳng sáng sủa gì. Giữa lúc tưởng chừng bế tắc, không còn một tia hy vọng gì thì ông Quân bất ngờ nhận được tin nhắn của Bích Hằng: đã có thông tin về phần mộ cụ Lương Ngọc Quyến. Ngay lập tức, ông Quân cùng ông Cơ, người em con ông chú ruột, vội vã đến nhà Bích Hằng. Chị vui mừng thông báo: chị vừa lên xã Vô Tranh, huyện Phú Lương tìm mộ nhà báo Thôi Hữu, hy sinh trong cuộc kháng chiến chống Pháp. Trong lúc “trò chuyện” với vong liệt sĩ Thôi Hữu, ông cho biết, quả đồi bên kia có mộ của người anh hùng Lương Ngọc Quyến. Rất tiếc, lúc đó trời đã sâm sẩm tối nên Bích Hằng không sang được.

Lần này, đến gặp Bích Hằng, ông Quân đã tháo bức ảnh cụ Lương Ngọc Quyến mà gia đình đã thờ phụng mấy chục năm nay. Bức ảnh này được chụp lại từ bức ảnh của Sở mật thám Pháp, hiện đang được lưu giữ tại Bảo tàng cách mạng Việt Nam. Khi nói chuyện với vong cụ Quyến, chị Hằng nói cụ hiện lên rất rõ, cằm vuông, mắt sáng, đặc biệt là thông tin về phần mộ cụ rất nhiều. Cụ chỉ dẫn: Đi qua cây cầu có tên Rùng Rình thì tạt vào bên phải đường. Qua một thửa ruộng, lên một quả đồi, trên đó có một ngôi nhà ngói. Phía đầu hồi nhà có một bụi tre, một chuồng nuôi gia súc, dưới chân đồi có một cái ao. Giữa bụi tre và ao là một cây bạch đàn lớn mới bị chặt, trên gốc cây vừa nhú lên hai mầm non. Cụ nằm dưới gốc cây bạch đàn ấy.

Bứng gốc cây bạch đàn

8h ngày 23 tháng 12 năm 2001, chiếc xe Toyota 12 chỗ ngồi xuất phát từ Hà Nội đi Thái Nguyên. Đoàn đi bốc mộ gồm đông đảo con cháu cụ Lương Ngọc Quyến cùng nhà ngoại cảm Phan Thị Bích Hằng và đại tá Hàn Thuỵ Vụ, Phó chủ nhiệm Bộ môn cận tâm lý (Trung tâm nghiên cứu tiềm năng con người). Trước khi đi, thực hiện đúng lời dặn của Bích Hằng, gia đình đã thắp hương trên bàn thờ gia tiên, trình bày toàn bộ sự việc, xin phép lên đón cụ Lương Ngọc Quyến về. Hành trình đi khá thuận lợi. Thông tin kiểm chứng đầu tiên là cây cầu Rùng Rình, vốn trước đó là một cây cầu tre, khi đi qua thì cầu rung rinh, nay mặc dầu đã được bê tông hoá kiên cố song dân địa phương vẫn gọi bằng tên cũ: cầu Rùng Rình. Vị trí hài cốt cụ Lương Ngọc Quyến cũng nhanh chóng được xác định, trùng khớp với những thông tin Bích Hằng cho từ Hà Nội: Nương chè, bụi tre, chuồng gia súc (gia chủ mới dỡ bỏ), ao, gốc cây bạch đàn có hai mầm tái sinh. Chủ của nương chè này là ông Bân, năm nay chừng 50 tuổi, quê gốc Thái Bình, lên đây khai hoang từ cuối những năm 1970. Trước đó hai ngày, ông Quân đã lên đây, trình bày nguyện vọng với UBND xã Vô Tranh và gia đình ông Ban, xin được giúp đỡ. Vì hài cốt của cụ Quyến nằm trên nương chè của ông Bân nên việc khai quật sẽ ảnh hưởng ít nhiều. Ông Bân bảo: “Việc gia đình tìm mộ là việc nghĩa nên cứ thoả mải tiến hành”. Tuy nhiên, buổi sáng hôm đoàn lên khai quật, trong khi bà vợ săng sái đi đun nước, thành kính giúp đoàn lập bàn thờ thắp hương vì tin tưởng vào chuyện tâm linh, vào khả năng tìm mộ đặc biệt của nhà ngoại cảm thì ông chồng cứ chắp tay sau hông đứng nhìn, cười khành khạch, cho đấy là chuyện hoang đường, mê tín dị đoan.

Trước khi khai quật, Bích Hằng thắp hương tại mộ, mời cụ Quyến lên trò chuyện. Điều bất ngờ đầu tiên là vong của cụ bà Nguyễn Thị Hồng Đính cùng các con: Nguyên, Vinh cũng lên theo. Cuộc trò chuyện kéo dài gần hai tiếng đồng hồ trong sụt sùi nước mắt và tiếng cười (đã được gia đình ghi âm và đại tá Hàn Thuỵ Vũ quay phim đầy đủ, nay chất lượng băng còn khá tốt – PV) với rất nhiều thông tin mà gia đình ông Quân, ông Cơ xác nhận sau này là chính xác đến… 100%. Điều ngạc nhiên là có nhiều chuyện rất bí mật, riêng tư, chỉ rất ít người trong gia đình biết mà Bích Hằng cứ nói… vanh vách, khiến cả nhà… choáng. Ví như vừa thấy Bích Hằng reo: “Cụ bà cũng về đấy” đã thấy cụ trách (qua nhà ngoại cảm): “Sáng nay chúng may thắp hương sao không hoá vàng?”. Mọi người hướng sang cô Dung, vợ chú Thắng (em trai ông Quân). Cô Dung bảo: “Trước khi đi, em đã dặn anh Thắng hoá rồi cơ mà?!”. Nói xong, cô rút máy điện thoại di động, điện về nhà. Chú Thắng giật mình bảo: “Chết thật! Sáng anh vội đi dạy học nên quên chưa hoá”. Một lát, cụ bà lại bảo: “Hôm qua, ở quê vui lắm. Xã được tuyên dương anh hùng. Bao nhiêu anh em họ hàng nhà mình đều được nêu danh”. Cả nhà ngớ người, nhớ ra hôm qua (ngày 22 tháng 12 năm 2001), xã Vũ Trung, huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình – quê của cụ bà Nguyễn Thị Hồng Đính, vừa tổ chức lễ đón nhận danh hiệu anh hùng thời kỳ chống Pháp. Trong danh sách các anh hùng liệt sĩ có công với nước, có rất nhiều người thân của bà: ông nội là Nguyễn Mậu Kiến (1819 – 1879), thủ lĩnh văn thân chống Pháp ở Thái Bình. Cha là chí sĩ Cần Vương và Duy Tân Nguyễn Hữu Cương (1855 – 1912), cùng đông đảo anh em, cháu, chắt của bà từng được ghi danh trong sách sử của tỉnh.

“Thằng Long đâu rồi, bốc mấy nắm đất trên mộ ông cho bố mày khỏi đau bụng”. Nghe cụ bà gọi, cả nhà lại giật mình. Long là con chú Thắng, mới học lớp một. Thắng bị bệnh thận phải mổ. Vết mổ gần chục năm rồi vẫn cứ rỉ nước vàng, người đau yếu rất khó chịu. Cháu Long vâng lời, làm đúng lời cụ dặn. Chừng một tuần sau, vết thương lành, đến tận những ngày này (tháng 10 năm 2006) vẫn chưa thấy hiện tượng gì, trong khi trước đó, Thắng chạy khắp các bệnh viện, gõ cửa nhiều giáo sư, bác sĩ, thầy lang mà không khỏi.

Bích Hằng reo: “Ông Nguyên cũng lên đây này”. Ông Nguyên là con cả của cụ Lương Ngọc Quyến. Ông Nguyên bảo: “Thằng Chính mua cho tao cái vé máy bay để tao vào Sài Gòn chơi”. Chính nghe vậy, bưng mặt khóc tu tu. Chính là con ông Vinh, cháu gọi ông Nguyên là bác ruột, hiện lập nghiệp trong Sài Gòn. Khi còn sống, ông Nguyên luôn muốn vào Sài Gòn chơi với họ hàng, bạn bè, con cháu. Nhưng vì ông to béo, lại già yếu, nhiều bệnh tật, chuyện sinh hoạt cá nhân còn không tự làm được thì đi làm sao? Có lần, ông bí mật mua vé máy bay định trốn vào Sài Gòn chơi, may con cháu phát hiện ra kịp thời ngăn cản. Anh Chính bảo: “Chuyện này chỉ những người thân trong gia đình tôi biết và đã xảy ra từ 20 năm trước, cô Hằng không thể biết được”. Anh Chính hỏi Bích Hằng: “Cô thấy ông Nguyên hình dáng thế nào?”. Bích Hằng cười, bảo: “Ông lão to lớn, râu dài bạc phơ, mắt lúc nào cũng cười”. Anh Chính xác nhận, rất đúng với vóc dáng và tính cách của ông Nguyên.

Cuộc gặp gỡ, trò chuyện kéo dài đến 12 giờ trưa. Cụ Lương Ngọc Quyến vội giục: “Các cháu mau căng bạt che nắng để chuẩn bị đào. Xương cốt ông còn rất ít. May ra có thể thấy cái cùm sắt vì khi giam ông, giặc Pháp đã cùm ông rất chặt, xiên cả dây thép qua chân nên không tháo ra được. Khi chôn, ông nằm nghiêng, chân co, lưng quay về chân đồi. Rễ cây bạch đàn ăn vào chân ông khiến ông rất đau. Chính ông làm cho nó chết. Lát nữa, có nhiều nghĩa quân khởi nghĩa năm xưa đến đây để tiễn đưa ông. Các cháu nhớ nấu cho ông nồi cháo to để ông chiêu đãi quân sĩ”.

Việc đầu tiên là phải bứng gốc cây bạch đàn có đường kính hơn 30cm lên. Khi gạt hết phần đất mượn do trong quá trình làm nương, chủ nhà đã san lấp bớt cho đỡ dốc, đến phần đất cũ độ 20cm, Bích Hằng gạt mọi người ra, bảo: “Sắp đến hài cốt của cụ rồi. Cháu phải trực tiếp xuống vì mọi người không biết đâu mà xác định. Cụ bảo: đầu cụ là chỗ chú Tiến đứng (Tiến là anh ruột ông Quân). Chân cụ là nơi chú Chính đứng”. Cả nhà lại một lần nữa bị bất ngờ vì trước đó, không ai nói tên Tiến và Chính cho Bích Hằng biết. Tiếp xúc với Hằng, từ trước đến nay chỉ có 3 người: ông Quân, ông Cơ và cô Phấn (em gái ông Cơ).

Từ trái qua phải: Ông Lương Cơ, Lương Quân, cô Lương Phấn

Sau khi gạt thêm một vài lớp đất mỏng, Bích Hằng reo khẽ: “Cốt cụ đây rồi”. Trăm con mắt đều nhìn xuống hố, thấy rõ hình hài một bộ xương người trong tư thế nằm nghiêng, chân co lại. Xương ống đùi, cẳng chân với các đầu xương phình to hằn rõ trên nền đất. Phần ngực có rất nhiều bột trăng trắng, trong khi xung quanh là đất đen pha đá dăm. Bích Hằng dặn: “Cốt cụ vì chôn quá lâu, lại chẳng có hòm ván gì cả nên tan ra hết. Cụ dặn các chú nhớ bốc những đất lẫn cốt đem về để táng”.

Xương cốt cụ Quyến lẫn vào trong đất cát

Trong khi ông Quân, ông Cơ đang cặm cụi nhặt từng mẩu xương cùng đất vụn cho vào bọc vải đỏ thì trong sân, ông chủ nhà  mắt tái xanh, hốt hoảng chạy vào nhà thắp hương lạy như tế sao. Thấy lạ, chị Phấn mới kéo bà vợ ra hỏi nhỏ. Chị vợ cười, bảo: “Nhà em từ xưa đến nay không bao giờ tin vào chuyện vong hồn, thần thánh. Ngày hôm kia, khi bác Quân lên đây, có một đàn chim về rất đông, hót ríu ran trên bụi tre. Đêm qua, đột nhiên nhà em nằm mơ, thấy ở chỗ gốc cây bạch đàn có một vật đen tròn. Nhà em bèn vác cuốc ra cuốc hối hả chỗ ấy, rồi nghe thấy tiếng người bảo: ngày mai, con cháu tôi sẽ lên đón tôi về. Choàng tỉnh giấc, nhà em liền kể ngay với em song lại bảo: Chắc là tại ngày tôi nghĩ nhiều nên đêm mới mơ như vậy. Định bụng, cứ để mọi người xem thế nào. Nay, thấy mọi việc diễn ra đúng như trong mơ nên ông ấy mới sợ, vội vã thắp hương để tạ lỗi với cụ. Chứ từ ngày lấy nhà em, có bao giờ thấy ông ấy cúng vái bao giờ đâu”.

Sau khi công việc đã hoàn tất, nhìn sang quả đồi bên cạnh, cách chỗ vừa khai quật vài thửa ruộng, ông Quân thấy một tốp thợ đang đục đẽo gỗ để dựng nhà. Hỏi vợ anh Bân, được biết, thôn Thống Nhất đang dựng lại ngôi chùa trên nền cũ. Ông Quân cầm thẻ hương sang thì nhận ra, đó chính là ngôi chùa ông đã từng lên thắp hương, bát hương ngày ấy được đặt tạm lên cây ngái giữa bạt ngàn nương sắn. Ông chợt giật mình, nhớ lại cách đây 8 năm, Bích Hằng đã cho thông tin mộ cụ được đặt gần một ngôi chùa và băn khoăn không hiểu vì sao, trước khi mất, cha ông cũng dặn chắc như đinh đóng cột như thế?

Chi tiết cái cùm ở chân cụ Quyến, Bích Hằng nói “có thể còn” nhưng lúc đào lên không thấy. Tuy nhiên, tại khu vực phía chân cụ, mọi người thấy một vết đất vàng vàng như rỉ sắt. Có thể, trải qua hơn 80 năm mưa nắng, chiếc cùm sắt đã rỉ tiêu hết cả rồi?

Chiều ngày 23 tháng 12 năm 2001, tức mồng 9 tháng 11 năm Tân Tỵ, tại xã Nhị Khê, huyện Thường Tín, tỉnh Hà Tây, lễ truy điệu và an táng nhà yêu nước Lương Ngọc Quyến đã được Đảng uỷ, Uỷ ban nhân dân, Mặt trận tổ quốc và nhân dân xã cùng các thế hệ con cháu nội ngoại của ông long trọng tiến hành. Trên bia mộ ông, trân trọng đề dòng chữ: “Cụ ông Lương Ngọc Quyến (1885 – 1917), lãnh tụ khởi nghĩa Thái Nguyên”. Bên cạnh là bia mộ của bà Nguyễn Thị Hồng Đính. Phía trên, giữa hai bia là phù điêu tạo hình lá quân kỳ nền đỏ năm sao trắng của Việt Nam quang phục quân.

Như vậy, trải qua 84 năm đằng đẵng, cả hai thế hệ con, cháu cất công tìm kiếm, di hài của người anh hùng Lương Ngọc Quyến đã được an nghỉ tại quê nhà. Người hạnh phúc nhất có lẽ là ông Lương Quân. Bởi việc tìm được phần mộ ông nội Lương Ngọc Quyến vừa là việc hiếu đễ với tổ tiên, vừa trút được nỗi canh cánh nặng trĩu trong lòng người cha thân yêu suốt một đời đau đáu. Duy có một điều làm ông còn day dứt, khiến niềm vui kia của ông chưa trọn vẹn. Đó là phần mộ của người anh hùng Đội Cấn, vị lãnh tụ của cuộc khởi nghĩa Thái Nguyên năm xưa, người bạn chiến đấu của cụ Lương Ngọc Quyến vẫn còn vùi lấp đâu đó trên những đồi núi điệp trùng Thái Nguyên. Hôm lên Vô Tranh đưa hài cốt cụ Quyến về quê nhà, qua Bích Hằng, được biết cụ Đội Cấn có đến chia vui và tiễn biệt người bạn. Lúc đó, cụ Đội Cấn có nhắn qua Bích Hằng vị trí nơi chôn cất. Sau này, khi đài báo đưa tin đã tìm được mộ cụ Lương Ngọc Quyến, có một vị cao niên nhận là cháu cụ Đội Cấn, tìm về Nhị Khê thắp hương. Song rất tiếc, gia đình ông Lương Quân không được gặp và vị khách ấy cũng không để lại địa chỉ. Nay, qua Thế giới mới, anh em ông Lương Quân xin nhắn nhủ: nếu con cháu cụ Đội Cấn đọc được những thông tin này và muốn tìm hài cốt cụ, xin vui lòng liên lạc với ông theo địa chỉ: Lương Quân, số 9 Núi Trúc, quận Ba Đình, Hà Nội. Điện thoại: 04.8464679.

* Trong bài viết này, chúng tôi có sử dụng một số tư liệu trong cuốn “Lương Văn Can và phong trào Duy Tân – Đông Du”  của nhà nghiên cứu Lý Tùng Hiếu.

Nguồn: http://phatgiaovnn.com (Phật Giáo Việt Nam Net)

Hoàng Anh Sướng

Các tin đã đăng: