Trùng Tang - Kì 2: Vén màn bí mật Trùng tang liên táng
Tâm Minh St
01/07/2013 05:31 (GMT+7)


Những nỗi đau chồng chất nỗi đau
Câu chuyện về “trùng tang” ở phường Yên Nghĩa, Hà Đông, Hà Nội vừa qua là một ví dụ điển hình. Ngày 8/12/2011, gia đình chị Nguyễn Thị Dần rơi vào nỗi đau khôn cùng khi chị đột ngột “ra đi” sau cái chết của bố chồng chưa đầy 2 tiếng đồng hồ khiến cho làng quê yên bình không khỏi xôn xao bàn tán. Đâu đâu từ trong làng ngoài đình đều bàn tán về chuyện gia đình chị Dần bị “trùng tang” với lời phỏng đoán rằng: Nếu không “trùng tang” thì sao lại có sự ngẫu nhiên như thế, khi cháu ông Minh (ông Minh là bố chồng chị Dần) vừa chết mấy tháng trước. Sau đó là đến ông Minh, và chỉ sau chưa đầy 2 tiếng sau con dâu ông cũng theo gót...”.


Con đường dẫn vào Chùa Hàm Long tọa lạc trên sườn núi. (Ảnh: NL)

Hay như câu chuyện đã xảy ra cách đây 11 năm nhưng mỗi lần nhắc đến câu chuyện “trùng tang liên táng” mà gia đình Bà Nguyễn Thị P (xã Hương Sơn, Mỹ Đức, Hà Nội) mắc phải người dân nơi đâu vẫn sởn gai ốc sợ hãi.

Chuyện xảy xa bắt đầu từ cái chết của bà Lê Thị T vào cuối tháng 3 năm 2001, gia đình bà làm hàng ăn vốn phải dậy sớm. Như thường lệ cứ chuông báo thức đổ là bà dậy để chuẩn bị đồ đạc để làm hàng. Nhưng hôm đó, cũng vào giờ báo thức mà ông K chồng bà không thấy bà dậy. Nghĩ bà T ngủ say, nên ông để bà ngủ quá thêm 1h đồng hồ. Nhưng điều đó không làm ông K nghi ngờ cơ sự chẳng lành. Đến khi thấy tiếng gà gáy ông mới qua phòng bà T và gọi nhưng không thấy trả lời. Ông lại gần lay người thì mới hay bà T đã tắt thở và cứng đờ từ lúc nào không hay.

Cái chết bất ngờ của bà T. đã khiến anh em họ hàng và dân làng liên tưởng ngay đến cái nghiệp “trùng tang liên táng” mà gia đình bà không may mắc phải. Bởi 5 năm trước, anh T. (con trai đầu của bà P – PV) đã chết vì bệnh tim. Tiếp đến, tháng 11.1997, ông Lê Văn T là anh trai của ông T. cũng chết một cách khó hiểu sau một buổi chiều đi làm về, ông T có đến xung quanh bà con lối xóm nói chuyện như điềm báo chẳng lành sẽ xảy ra. Đến tối khi đang ngủ bỗng dưng ông T ú ớ lảm nhảm mấy tiếng nấc rồi tắt thở đột ngột.

Một không khí tang tóc bao phủ khắp gia đình. Mọi người cho rằng chỉ có trùng tang liên táng mới lấy đi nhiều sinh mạng trong một gia đình, dòng họ như vậy. Và để giải hạn, gia đình đã tìm mọi phương án “diệt trùng” như mời thầy cúng cao tay, gửi vong lên chùa, sử dụng bài thuốc trấn trùng, dùng chỉ ngũ sắc kết phù Ngũ Hoành hay là yểm bùa trấn trùng…

Trong quá trình tìm hiểu về hiện tượng này, chúng tôi được nghe không ít những câu chuyện về “trùng tang liên táng” tương tự ở trên. Việc trùng tang không chỉ khiến những gia đình có người bị nạn khốn đốn trong nỗi đau mất người thân mà nỗi đau của họ còn như bị nhân đôi nhân ba khi khắp làng trên xóm dưới đồn thổi, bàn tán.

Chỉ là trùng hợp ngẫu nhiên

                             


Chùa Hàm Long, ngôi chùa nổi tiếng nhốt trùng tang . (Ảnh: NL)


Trước những câu chuyện ghê rợn đậm chất mê tín, phóng viên Thời Đại đã tìm đến ngôi chùa Hàm Long, một ngôi  chùa nổi tiếng ở Bắc Ninh để tìm hiểu thực hư về hiện tượng “trùng tang liên táng”. Đại đức Thích Thành Trung ở chùa Hàm Long cho biết: Trong phật giáo quan niệm chuyện sống chết là thường nhiên của tiến trình luân hồi bất tận. Chính vì vậy, sẽ không có chuyện trùng tang, trùng ngày hay việc chôn cất của người này có ảnh hưởng đến sự sống chết của người khác. Ngay cả việc “trùng tang” hiện nay mọi người cũng hiểu chưa đúng. Bản chất của trùng ở đây nghĩa là người chết không may chết vào ngày giờ trùng với thần trùng. Do đó, thần trùng sẽ đeo bám vong linh, đày đạo vong linh để không cho siêu thoát. Chính vì vậy, khi mọi người gửi vong lên chùa là chỉ để được nghe tụng kinh, giảng giải cho vong linh siêu thoát cũng như khuyên giải thần trùng mà thôi. Chứ không phải trùng là sẽ đi bắt người thân trong gia đình họ hàng phải chết theo như mọi người quan niệm…

Hay với những lương y thì giải thích rằng, khi con người chết đi thì đều để lại tử khí. Không những thế, nhiều người trước khi chết mang những bệnh nan y, truyền nhiễm, cộng với mùi khói hương, sự tập trung đông người, tiếng nhạc ai oán, tiếng khóc nỉ non khiến không khí ngột ngạt hơn. Trong khi đó, những người thân của người quá cố thường khóc lóc nhiều, đau thương trước cảnh mất mát người thân khiến sức khỏe suy giảm. Với người có sức đề kháng kém, thì rất dễ nhiễm tử khí, do đó kéo theo tình trạng đau đầu, buồn nôn, chán ăn, chóng mặt… là chuyện bình thường.

“Trong mối quan hệ giữa người chết và người thân luôn có mối liên hệ huyết thống, tiếp xúc xác thịt nên thường xảy ra hiện tượng cộng hưởng sóng điện từ. Không những thế, do tình cảm trong gia đình nên mọi người thường đau buồn, luyến tiếc với người quá cố nên rất dễ xảy ra tình trạng stress, dẫn đến bệnh tật, hay những hiện tượng mê man, nói nhảm như mọi người vẫn thường gặp...”. Cố GS Nguyễn Hoàng Phương (Hội Vật lý Việt Nam) lý giải.

Bởi vậy, việc có nhiều người trong gia đình, dòng họ chết liền nhau được xem là trùng tang liên táng như đồn thổi là không chính xác mà chỉ là sự trùng hợp ngẫu nhiên cả trên phương diện khoa học và phật giáo. Tuy nhiên, trên thực tế hiện nay, nhiều người vẫn cứ tin lời phán của thầy bói, thầy cúng, để rồi đốt tiền cho các cuộc lễ bái, trấn trạch, yểm bùa…để xóa trùng. Điều đó chỉ là những việc làm mê muội hao công tốn sức.

thoidai.com

Các tin đã đăng: