NSGN - Sau khi Đức Phật diệt độ, Tôn giả Maha
Kassapa đã triệu tập 500 vị A-la-hán vân tập tại thành Rājagaha để kiết tập
kinh điển. Nhiều nhà nghiên cứu Phật học cho rằng đây là cuộc kiết tập kinh
điển đầu tiên trong lịch sử Phật giáo(1).
Tuy nhiên, qua
khảo sát kinh Thập thượng(2),
kinh Phúng tụng(3), và
Luận A-tỳ-đạt-ma tập dị môn túc(4);
chúng tôi cho rằng, đã có nhiều dấu hiệu liên quan đến việc kiết tập kinh điển
khi Phật còn tại thế.
Kiết
tập kinh điển là gì?
Kinh điển là
những lời dạy của Đức Phật, được bảo lưu bằng trí nhớ hoặc bằng văn bản. Trong
thời Đức Phật, kinh điển chưa xuất hiện trong hình thức văn bản mà được lưu giữ
bởi năng lực ghi nhớ của chư Tăng. Thậm chí, sau khi Đức Phật diệt độ, với cuộc
kiết tập kinh điển quy mô do ngài Maha Kassapa tổ chức tại Rājagaha, thì kinh
điển vẫn chưa được ghi lại bằng văn bản.
Trong kinh Thanh tịnh(5), Đức Phật đã minh họa đôi nét về
hình thức kiết tập kinh điển: Này Cunda, những pháp ấy do Ta tự chứng tri và
tuyên bố cho các ngươi, tất cả ngươi hãy hội họp lại và tụng đọc lại, chớ có
cãi lộn nhau, nhưng hãy so sánh các nghĩa với nhau, các câu với nhau, để cho
phạm hạnh này được tồn tại lâu dài, được an trú lâu dài, vì hạnh phúc của muôn
loài, vì an lạc cho muôn loài, vì lòng thương tưởng cho đời, vì lợi ích, vì an
lạc cho chư Thiên và cho loài người. Tựa đề bản kinh Sangiti trong
kinh Trường bộ có sự liên hệ nhất định đến việc kiết tập kinh điển trong
lịch sử Phật giáo. Hơn thế, trong Hán tạng, kinh Chúng tập (tương đương
kinh Phúng tụng), Tôn giả Xá Lợi Phất cũng khẳng định: Các vị
Tỳ-kheo, hôm nay chúng ta cần phải kiết tập pháp, luật (諸 比 丘. 我 等 今 者. 宜 集 法, 律)(6).
Như vậy, kiết tập kinh điển là tập hợp những lời dạy
của Đức Phật thành một chỉnh thể thống nhất, sau đó được chư Tăng lưu lại bằng
trí nhớ hoặc bằng văn bản. Hạt nhân của sự kiết tập chính là những nội dung
kinh điển do một vị thánh Tăng có thẩm quyền trùng tụng, sau đó được hội đồng
Tăng-già xác tín. Trong trường hợp ở kinh Thập thượng và kinh Phúng
tụng, thì những khái quát kinh điển do Tôn giả Sāriputta tuyên thuyết, đã
được chính bản thân Đức Phật ghi nhận, do vậy, những nội dung này có giá trị
pháp lý rất cao.
Theo cách hiểu
truyền thống, kiết tập kinh điển mang ý nghĩa là sự tập hợp toàn bộ những lời
dạy của Đức Phật. Tuy nhiên, do một vài thành viên có ảnh hưởng trong Tăng đoàn
bất đồng về nội dung kiết tập, nên đã nảy sinh nhiều cuộc kiết tập kinh điển
trong lịch sử phát triển của Phật giáo. Từ đó có thể thấy, kiết tập kinh điển
không hoàn toàn mang nghĩa là sự tập hợp toàn bộ hệ thống giáo điển của Đức
Phật. Ở đây, việc khái quát những lời dạy then chốt của Đức Phật, sắp xếp chúng
vào trong một chỉnh thể thống nhất, cũng nên được xem là một dạng thức kiết tập
kinh điển.
Những
tiền đề dẫn đến việc kiết tập kinh điển trong thời Phật còn tại thế
Thứ nhất, ở thời Phật, kinh điển được quảng bố và
lưu hành do bởi năng lực ghi nhớ của chư Tăng. Do đặc thù của tri thức ghi nhớ,
do khả năng của người tiếp nhận và lưu giữ kinh điển… nên đã có sai lầm trong
nhận thức về kinh điển, ngay cả trong chúng xuất gia.
Theo kinh Đại
kinh đoạn tận ái, Tỳ-kheo Sati đã nhận thức sai lệch về sự vận hành của
thức, và đã được chư Tỳ-kheo can ngăn: Hiền giả Sati chớ có nói như vậy. Chớ
có xuyên tạc Thế Tôn. Xuyên tạc Thế Tôn là không tốt. Thế Tôn không có nói như
vậy(7). Tương tự, trong kinh Ví
dụ con rắn(8), Tỳ-kheo Arittha đã
hiểu sai về bản chất của dục và đã được các vị đồng học Tỳ-kheo cảnh báo. Kinh Tương
ưng(9) cũng bổ sung thêm, Tỳ-kheo
Bhanda, đệ tử của Ananda, và Tỳ-kheo Abhinjika, đệ tử của Anuruddha họ không
kính trọng lời giáo giới, và đã được chính Đức Phật trực tiếp huấn thị. Không
những thế, có những kẻ sau khi từ bỏ đời sống xuất gia như thanh niên
Sunakkhatta đã có những phát biểu lệch lạc về Đức Phật và giáo pháp của Ngài(10).
Sự sai lầm trong nhận thức về giáo pháp còn được đề cập rải rác trong nhiều bản
kinh.
Xem ra, việc
hiểu sai giáo pháp không phải đợi đến những cuồng ngôn của Tỳ-kheo Subhadda sau
khi Đức Phật nhập Niết-bàn(11), mà đã
xuất hiện ngay trong thời Phật. Đó cũng là một trong những lý do dẫn đến khát
vọng hệ thống hóa và kiện toàn kinh điển.
Thứ hai, sự
kiện các đệ tử của giáo phái Nigantha Nāthaputta tranh cãi nhau đến mức quyết liệt sau khi
giáo chủ của họ từ trần, là một thực tế làm cho các cao đệ của Đức Phật suy
nghĩ và lo lắng. Đó cũng là ưu tư của Sa-di Cunda và Tôn giả Ananda được ghi
lại trong kinh Làng Sama(12) và
kinh Thanh tịnh(13). Đó cũng là
lời đề dẫn của Tôn giả Sāriputta trước
khi thuyết kinh Phúng tụng(14).
Đặc biệt, nội dung tương tự cũng được ghi lại rất đầy đủ trong luận A-tỳ-đạt-ma
tập dị môn túc(15).
Từ hai cơ sở vừa trình bày cho thấy, nhu cầu tập
hợp những lời dạy của Đức Phật thành một chỉnh thể thống nhất mà thuật ngữ Phật
học gọi là kiết tập kinh điển, đã xuất hiện ngay trong thời Phật.
Nội dung hai cuộc kiết tập kinh điển
Mặc dù hai bài kinh Thập thượng và kinh Phúng
tụng được sắp xếp gần nhau trong kinh Trường bộ, thế nhưng mỗi bản
kinh ra đời trong một không gian và thời điểm khác biệt, cũng như có sự dị biệt
tương đối về những nội dung giáo lý căn bản của Đức Phật.
1- Kiết tập lần thứ nhất qua bài kinh Thập thượng
Về không
gian và niên đại
Căn cứ vào
những thông tin được đề cập trong bản kinh cho thấy, địa điểm thuyết giảng kinh
Thập thượng diễn ra bên bờ hồ Gaggara, trong đô thị Campā, thuộc nước
Anga. Theo lịch sử Ấn độ cổ đại, Anga là một trong mười sáu quốc gia ở thời
Phật(16)và có mối quan hệ giao hảo với
quốc gia láng giềng Magadha.
Sau khi vua Bimbisara, trị vì vương quốc Magadha
đánh bại vua Brahmadatta, Anga bị sáp nhập và chịu tùng phục đế quốc Magadha(17). Trên bước đường du hóa, Đức Phật thường
qua lại giữa hai quốc gia Magadha
- Anga và đã có nhiều bài kinh quan trọng được thuyết giảng tại đây(18). Khảo sát về phương diện địa lý, đô thị
Campā nằm ở vùng hạ lưu sông Hằng và cũng là điểm cuối về hướng Đông nam trong
lộ trình hoằng hóa của Đức Phật(19).
Mặt khác, trong
bốn mươi lăm năm giáo hóa, Đức Phật đã hai lần hoằng hóa ở khu vực Magadha(20). Lần thứ nhất diễn ra từ năm thứ hai đến
năm thứ tư sau khi thành đạo, lúc đó đoàn thể Tăng-già chưa đông đảo và đó cũng
là lúc Đức Phật nhận sự hiến cúng tinh xá Veluvana của vua Bimbisara. Lần thứ
hai, Đức Phật trở lại Magadha
từ năm thứ mười bảy đến năm thứ hai mươi với chúng Tỳ-kheo khoảng năm trăm vị.
Từ những thông
tin liên quan đến vị trí địa lý, thời gian hoằng hóa của Đức Phật, số lượng
đông đảo Tỳ-kheo và bài kinh do Tôn giả Sāriputta thuyết, đã cho thấy, thời điểm bản kinh Thập
thượng xuất hiện là vào chặng giữa trong bốn mươi lăm năm giáo hóa của Đức
Phật.
Về nội dung
kiết tập
Qua 550 pháp từ
bài kinh Thập thượng, được Tôn giả Sāriputta lần lượt trình bày trong mười nhóm, đã tóm
thâu những giáo nghĩa căn bản của Đức Phật.
Trước hết, về phương diện kinh điển, những giáo lý
căn bản như Tứ đế, Ngũ uẩn, Bát chánh đạo…đều được định hình từ lần kiết tập sơ
khởi này. Đơn cử, Thế nào là bốn pháp cần được thắng tri? Bốn Thánh đế: Khổ
thánh đế, Khổ tập thánh đế, Khổ diệt thánh đế, Khổ diệt đạo thánh đế. Ðó là bốn
pháp cần được thắng tri(21); Thế nào
là năm pháp cần phải biến tri? Năm thủ uẩn: sắc thủ uẩn, thọ thủ uẩn, tưởng
thủ uẩn, hành thủ uẩn, thức thủ uẩn. Ðó là năm pháp cần phải biến tri(22). Thế nào là tám pháp cần phải tu tập?
Bát Thánh đạo: Chánh kiến, Chánh tư duy, Chánh ngữ, Chánh nghiệp, Chánh mạng,
Chánh tinh tấn, Chánh niệm, Chánh định. Ðây là tám pháp cần phải tu tập(23). Ngoài ra, pháp tu Tứ niệm xứ(24), quán vô thường, vô ngã, bất tịnh(25)cũng được thể hiện khá chi tiết và rõ
ràng.
Sau khi lần
lượt trình bày 550 pháp thể hiện trong mười nhóm, từ nhóm một pháp đến nhóm
mười pháp, Tôn giả Sāriputta đi đến kết
luận: pháp này là chơn, thực, như thị, không phải không như thị, không phải
sai khác được Như Lai giác ngộ, chánh đẳng chánh giác. Những pháp này có
hiệu năng: Diệt trừ mọi khổ đau, Giải thoát mọi triền phược(26).
Như vậy, sau
hơn hai mươi năm giáo hóa, những lý thuyết căn bản trong giáo pháp của Đức Phật
đã được Tôn giả Sāriputta khái quát thành công qua 550 pháp cô động, súc tích
và dễ nhớ. Đây là một trong những tiền đề để trước khi Đức Phật nhập Niết bàn, ngài
Sāriputta lại một lần nữa trùng tuyên
những nội dung cơ bản của giáo pháp qua bài kinh Phúng tụng.
2- Kiết tập lần thứ hai qua bài kinh Phúng tụng và
luận A-tỳ-đạt-ma tập dị môn túc
Về tư
liệu, không gian và niên đại
Theo khảo sát
của chúng tôi, Luận A-tỳ-đạt-ma tập dị môn túc (gọi tắt là luận Tập
dị môn túc) thực chất là một bộ chú giải bản kinh Phúng tụng. Bộ
luận này mang số hiệu 1.536 thuộc tập 26 trong Đại tạng kinh Đại chính tân
tu. Tác giả bộ luận là Tôn giả Xá Lợi Tử và do ngài Huyền Tráng dịch sang
Hán văn. Bộ luận này, hiện đã được cư sĩ Nguyên Huệ dịch sang tiếng Việt và sắp
ấn hành. Đây là 1 trong 7 bộ luận nổi tiếng của phái Thuyết nhất thiết hữu bộ,
đã được soạn thuật từ thời Đức Phật tại thế(27).
Về hình thức và nội dung thì luận Tập dị môn túc được phân thành 20
quyển, chú giải các nhóm pháp số, từ một pháp cho đến mười pháp. Đặc biệt, phần
duyên khởi có nội dung giống như phần đầu của kinh Phúng tụng, thậm chí
giống đến cả chi tiết nhỏ, như việc Đức Phật bị đau lưng, nên đã chỉ định Tôn
giả Xá Lợi Phất thay Phật thuyết giáo(28).
Sự giống nhau
giữa kinh Phúng tụng và luận Tập dị môn túc có ý nghĩa quan trọng
về mặt tư liệu. Vì cả hai bản kinh và luận vừa nêu đã góp phần chứng minh tính
xác thực về những nội dung giáo lý được Tôn giả Sāriputta tuyên thuyết. Đặc biệt, kinh Phúng tụng
(Sangiti) cũng hiện diện trong số 29 bản kinh cổ được phát hiện tại Kashmir vào
năm 1994, và có niên đại từ thế kỷ thứ I đến thế kỷ thứ II sau Tây lịch, đã góp
thêm tư liệu về tính xác thực của bản kinh này(29).
Để tiện việc theo dõi, chúng tôi phần lớn sử dụng tư liệu bản kinh Phúng
tụng và sẽ sử dụng luận Tập dị môn túc khi cần tham chiếu, bổ sung.
Kinh Phúng tụng do Tôn giả Sāriputta thuyết
tại một hội trường lớn tên là Ubbhataka (Ốt-bạt-nặc-ca), trong đô thị Pāvā của
dân tộc Mallā. Theo kinh, Đức Phật được dân chúng Mallā mời chứng minh lễ khánh
thành hội trường Ubbhataka vào một buổi chiều tối. Sau khi thuyết giảng cho dân
chúng Mallā xong, Đức Phật chỉ định Tôn giả Sāriputta giáo giới cho năm trăm vị Tỳ-kheo hiện đang
có mặt tại hội trường này.
Về vấn đề niên
đại bản kinh Phúng tụng, căn cứ vào thông tin về giáo chủ Nigantha
Nāthaputta vừa từ trần, được ghi lại
trong ba bản kinh như kinh Làng Sama, kinh Thanh tịnh và kinh Phúng
tụng, căn cứ vào khoảng cách từ Pāvā đến Kusinagar, căn cứ vào tình trạng
sức khỏe của Đức Thế Tôn, căn cứ vào lịch sử cuộc đời của ngài Sāriputta, đã
cho thấy rằng, thời điểm mà Tôn giả Sāriputta
thuyết bài kinh Phúng tụng có niên đại xuất hiện trước khi Đức
Phật nhập Niết-bàn hơn sáu tháng(30).
Về nội
dung kiết tập
Nhận sự chỉ
định giáo giới cho chúng Tỳ-kheo trong chặng cuối hành trình hóa độ của Đức
Phật, đã làm cho Tôn giả Sāriputta không
tránh khỏi trầm tư. Trầm tư gần gũi nhất là sự kiện môn đệ của giáo phái
Nigantha Nāthaputta tranh cãi nhau quyết liệt về việc đúng, sai trong giáo
nghĩa, đã làm cho Tôn giả Sāriputta nghĩ
về phương cách bảo lưu những lời dạy của Đức Thế Tôn.
Do vậy, dù Đức
Phật không ấn định nội dung thuyết giảng, thế nhưng căn cứ vào bối cảnh hiện
tại và đặc biệt là khi nhớ lại bài tổng kết giáo nghĩa mang tên kinh Thập
thượng, được chính bản thân Tôn giả thuyết giảng hơn hai mươi năm trước, đã
thôi thúc Tôn giả Sāriputta trùng tụng lại toàn bộ những chủ điểm căn bản về
giáo pháp. Với tên gọi là Sangiti, bài thuyết giảng của Tôn giả
Sāriputta thực chất là cuộc kiết tập kinh điển dựa theo nghĩa căn bản của từ
nguyên.
Cũng như bài
kinh Thập thượng, kết cấu của bài kinh Phúng tụng được phân chia
thành từng nhóm từ một pháp cho đến mười pháp, với tổng số lên đến 1.010 pháp.
Sự cô động, khúc chiết và đầy đủ của bản tóm lược kinh điển, đã nói lên tầm mức
trí tuệ của Tôn giả Sāriputta .
Trước hết, về
nội dung giáo lý. Có thể nhận ra toàn bộ nội dung giáo lý Tứ đế đều hiện diện
trong bài thuyết giảng này. Đó chính là Khổ trí, Tập trí, Diệt trí, Đạo trí.
Hơn nữa, các thành phần chi tiết trong giáo nghĩa Tứ đế như Khổ, Tập, Diệt và
Đạo đều có mặt xen kẽ trong 1.010 pháp. Luận Tập dị môn túc giải thích:
1. Thế nào là khổ trí? Đáp: Nghĩa là đối với năm thủ uẩn tư duy chúng là vô
thượng, khổ, không, vô ngã, phát khởi trí vô lậu. Đó gọi là Khổ trí. 2. Thế nào
là Tập trí? Đáp: Nghĩa là đối với các nhân hữu lậu, tư duy nhân nơi tập sinh
duyên phát khởi trí vô lậu. Đó gọi là Tập trí. 3. Thế nào là Diệt trí? Đáp:
Nghĩa là đối với các thứ trạch diệt, tư duy về diệt, tĩnh, diệu, lìa, phát khởi
trí vô lậu. Đó gọi là Diệt trí. 4. Thế nào là Đạo trí? Đáp: Nghĩa là đối với
đạo vô lậu tư duy về đạo, như, hành, xuất, phát khởi trí vô lậu. Đó gọi là Đạo
trí(31).
Đặc biệt, 37
phẩm trợ đạo trong Đạo đế đã được Tôn giả Sāriputta trình bày mạch lạc và rõ ràng. Đó là các yếu
tố như: Tứ niệm xứ, Tứ chánh cần, tứ như ý túc, Năm căn, Năm lực, Thất giác
chi và Bát chánh đạo đều có mặt đầy đủ trong bài kinh Phúng tụng
này. Đây được xem là những nội dung giáo lý quan trọng được Đức Phật xác tín
trong kinh Thanh tịnh(32)
Về phương diện giới luật và các pháp hành tu tập,
năm giới và mười điều thiện cũng là điều được Tôn giả Sāriputta khái quát từ
bản kinh. Các yếu tố liên quan đến giới luật như ba hình thức cử tội (thấy,
nghe và nghi), bảy pháp Diệt tránh, sáu phép hòa kính…cũng xuất hiện. Bên
cạnh đó, các lưu ý về lợi ích khi giữ giới và những nguy hiểm khi phạm giới
cũng được thể hiện trong bản kinh này. Ngoài ra, các pháp hành bổ trợ như Tứ
nhiếp pháp, các pháp môn tu như Chỉ và Quán, pháp môn Lục niệm (niệm Phật,
niệm Pháp, niệm Tăng, niệm giới, niệm thí, niệm Thiên), quán vô thường, vô
ngã, bất tịnh…cũng được đề cập.
Mặc dù chỉ dừng
lại ở phương diện khái quát, thế nhưng qua những nội dung được trình bày trong
kinh Phúng tụng, thì hai trọng tâm cơ bản trong giáo pháp của Đức Phật
đã bước đầu được củng cố và định hình, đó là những dấu hiệu sơ khởi đầu tiên về
hai tạng Kinh và Luật.
Sau khi lắng
nghe Tôn giả Sāriputta trình bày xong, Thế
Tôn ngồi dậy và bảo Tôn giả Sāriputta: - Lành thay, lành thay Sāriputta! Này
Sāriputta, ngươi đã khéo giảng, khéo tụng kinh này cho chúng Tỳ-kheo(33).
Tương tự, luận
Tập dị môn túc đã dành phẩm thứ mười hai cuối quyển hai mươi để ghi lại sự
ấn chứng của Đức Phật:
Lúc này,
Đức Thế Tôn biết Tôn giả Xá Lợi Tử vì chúng Bí-sô thuyết giảng pháp vừa xong,
nên Ngài từ nơi chỗ nằm đứng dậy, thân tâm điều thuận, sửa lại y phục cho ngay
ngắn, rồi ngồi kiết-già, tán thán Tôn giả Xá Lợi Tử: Lành thay! Tôn giả nay đã
khéo có thể ở nơi giảng đường này, cùng với chúng Bí-sô hòa hợp kết tập pháp
môn Tăng nhất do Như Lai đã giảng nói. Tôn giả có thể từ nay, vì các đại chúng
thường nên diễn nói pháp môn như thế, vì các pháp ấy có thể khiến cho các hàng
trời, người trong đêm dài sinh tử, chứng nhập, đạt nghĩa lợi, an lạc. Đức Thế
Tôn lại bảo chúng Bí-sô: Các Bí-sô đều nên thọ trì đọc tụng pháp môn Tập Dị do
Tôn giả Xá Lợi Tử giảng nói, vì pháp môn như thế có thể dẫn đến điều thiện lớn,
nghĩa lớn, pháp lớn, phạm hạnh thanh bạch, lại chứng đắc thông tuệ, Bồ-đề
Niết-bàn. Các thiện nam tịnh tín xuất gia thọ trì đọc tụng pháp môn như thế,
không lâu nhất định sẽ hoàn thành mọi sự việc tu tập(34).
Có thể nói,
việc khái quát toàn bộ những điểm chính của giáo pháp qua bản kinh Phúng
tụng rất thuận lợi cho việc ghi nhớ và giữ gìn kinh điển. Trong bối cảnh
gấp rút về thời gian và tính cấp bách của vấn đề trước khi Đức Phật diệt độ, nỗ
lực của Tôn giả Sāriputta đáng được lịch sử Phật giáo ghi nhận và tôn vinh. Vì
lẽ, từ những khái quát quan trọng này, sẽ là một trong những tiền đề cơ bản, để
các cuộc kiết tập kinh điển về sau tham chiếu và y cứ.
Kết
luận
Giữ gìn và truyền bá những lời dạy của Đức Phật là
trách vụ cơ bản của tất cả những người đệ tử Phật, không luận xuất gia hay tại
gia. Quan tâm đến việc giữ gìn những lời dạy của Đức Phật, không chỉ là trăn
trở của riêng Tôn giả Maha Kassapa ngay sau khi Đức Phật diệt độ, mà đã được
Tôn giả Sāriputta quan tâm từ rất sớm và
không chỉ một lần, trong thời gian Đức Phật còn tại thế. Đành rằng, việc kiết tập
kinh điển của Tôn giả Sāriputta chưa quy mô và chỉ dừng lại ở những điểm khái
quát, nhưng qua đó đã cho thấy tầm vóc của một bậc cao đồ được tôn xưng là trí
tuệ đệ nhất và được Đức Phật xác tín: “Chính Sariputta, chuyển bánh xe Chánh
pháp, thừa tự Như Lai vị”(35). Hơn
thế nữa, những khái quát từ Kinh, Luật của tôn giả Sāriputta đã được chính bản
thân Đức Phật ấn chứng, đó cũng là điều mà đại hội kiết tập tại Rājagaha không
thể có được.
Với những nội dung khái quát về những điểm
chính trong giáo pháp, được thể hiện qua hai bài kinh Thập thượng, Phúng
tụng và luận A-tỳ-đạt-ma tập dị môn túc, cần được xứng đáng ghi nhận
là hai cuộc kiết tập kinh điển sơ bộ đầu tiên khi Phật còn tại thế.
Chú thích
(1) H.W. Schumann, Đức
Phật lịch sử, Trần Phương Lan dịch, NXB. TP. HCM, 2000, tr.598; Theo,
Lamotte, Étienne., History of Indian
Buddhism, (Paris: Institute Orientaliste Louvain-La-Neuve, 1988), pp. 125;
Narada Maha Thera, Đức Phật và Phật pháp, Phạm Kim Khánh
dịch, NXB. Tôn Giáo, 2008, tr.261; Cullavagga, chương Liên quan năm trăm vị,
nguyên nhân của cuộc kiết tập lần thứ nhất: Câu chuyện của Trưởng lão
Mahakassapa và Subhadda, đoạn 614.
(2) Kinh Trường bộ, kinh
Thập thượng, NXB. Tôn Giáo, 2013, tr.691.
(3) Kinh Trường bộ, kinh
Phúng tụng, NXB. Tôn Giáo, 2013, tr.633.
(4)大正新脩大藏經第二十六冊 No. 1536, 阿毘達磨集異門足論.
Bản tiếng Việt được sử dụng trong bài của cư sĩ Nguyên Huệ.
(5) Kinh Trường bộ, kinh
Thanh tịnh, số 29, NXB. Tôn Giáo, 2013, tr.578-579.
(6)大正新脩大藏經第一冊 No. 1, 佛說長阿含經卷第八, 佛說長阿含第二分眾集經第五.
(7) Kinh Trung bộ, Đại
kinh đoạn tận ái, số 38, NXB. Tôn giáo, 2012, tr.317.
(8) Kinh Trung bộ, kinh Ví
dụ con rắn, số 22, NXB. Tôn Giáo, 2012, tr.173.
(9) Kinh Tương ưng, tập
2, Thiên nhân duyên, chương năm: Tương ưng Kassapa, kinh Giáo giới.
(10) Kinh Trung bộ, Đại
kinh sư tử hống, số 12, NXB. Tôn giáo, 2012, tr.101.
(11) Cullavagga, chương
Liên quan năm trăm vị, nguyên nhân của cuộc kiết tập lần thứ nhất: Câu chuyện
của Trưởng lão Mahakassapa và Subhadda, đoạn 614.
(12) Kinh Trung bộ, kinh
Làng Sama, số 104, NXB. Tôn Giáo, 2012, tr.301.
(13) Kinh Trường bộ,
kinh Thanh tịnh, số 29, NXB. Tôn Giáo, 2013, tr.571.
(14) Kinh Trường bộ,
kinh Phúng tụng, NXB. Tôn giáo, 2013, tr.633.
(15)大正新脩大藏經第二十六冊 No. 1536, 阿毘達磨集異門足論.
Quyển 1, phẩm 1: Duyên khởi
(16) Lamotte, Étienne., History of Indian
Buddhism, (Paris: Institut
Orientaliste Louvain-La-Neuve, 1988), pp. 8-9. Xem thêm, kinh Tăng chi, chương
ba pháp, phẩm Lớn, kinh Các lễ Uposatha, đoạn 70 cũng có đề cập đến 16 quốc gia
này. Nguyên văn: Ví như, này Visākhā, có người áp đặt chủ quyền trên
16 quốc độ lớn tràn đầy bảy báu như Anga, Magadha, Kàsi, Kosala, Vajji, Mallā,
Ceti, Vangā, Kurù, Pancālā, Macchā, Surasenā, Assakā, Avanti, Gandhārā,
Kambojā, nhưng chủ quyền ấy không bằng một phần mười sáu của một trai giới thực
hành đầy đủ cả tám mặt. Vì cớ sao? Nhỏ nhoi thay, này Visākhā, là vương quyền
của loài người, so sánh với hạnh phúc chư Thiên
(17) Lamotte, Étienne., History of Indian
Buddhism, (Paris: Institute
Orientaliste Louvain-La-Neuve, 1988), pp.12
(18) Kinh Trường bộ, kinh Chủng đức, NXB.Tôn giáo, 2013, tr.109; Kinh Trung bộ,
kinh Kandaraka, số 51, NXB.Tôn giáo, 2012, tr.417; kinh Tăng chi bộ, chương 7,
phẩm Tế đàn, kinh Bố thí, VNCPHVN, 1996, tr.355.
(19) Lamotte, Étienne., History of Indian Buddhism, (Paris: Institute Orientaliste
Louvain-La-Neuve, 1988), pp. 873.
(20) John. S. Strong, The Buddha, a short
biography, (England: 2002),
pp.102; Xem thêm, Narada Maha Thera, Đức Phật và Phật pháp,
Phạm Kim Khánh, dịch, NXB. Tôn giáo, 2008, tr.216.
(21) Kinh Trường bộ, kinh Thập thượng, NXB. Tôn giáo, 2013, tr.694.
(22) Kinh đã dẫn, tr.
695.
(23) Kinh đã dẫn, tr.
701.
(24) Kinh đã dẫn, tr.
694.
(25) Kinh đã dẫn, tr.
698.
(26) Kinh đã dẫn, tr.
694
(27) Xem thêm, Jintaro
Takakusu, A-tỳ-đàm trong truyền thống Hữu bộ, Tỳ-kheo Giác Nguyên dịch.
(28) 阿 毘 達 磨 集 異 門 足 論. quyển 1, phẩm 1, Duyên khởi: 爾 時 世 尊 告 舍 利 子. 吾 今 背 痛 暫 當 寢 息. 汝 可 代 吾 為 苾 芻 眾 宣 說 法 要 勿 空 度 也 (Bấy
giờ, Đức Thế Tôn bảo Tôn giả Xá-lợi-tử: Ta nay lưng bị đau, cần nghỉ ngơi. Vậy
thầy có thể thay Ta giảng nói các pháp thiết yếu cho chúng Bí-sô, chớ nên bỏ
phí thời giờ. Nguyên Huệ dịch).
(29) Xem thêm, Tâm Hà Lê
Công Đa, Giới thiệu sơ bộ về cuộc khám phá thủ bản cổ kinh Kharosthi và Phật
giáo Càn Đà La. Bài viết này tham chiếu từ tác phẩm của Richard Salomon, Ancient
Buddhist Scrolls from Gandhara, University of Washington Press, Seattle,
1999.
(30) Theo Niyanaponika
Thera, Cuộc đời Xá Lợi Phất, Nguyễn Điều dịch, 1966. Phần chú giải kinh
Cunda, thì Tôn giả Sāriputta viên tịch trước Đức Phật sáu tháng. Hơn nữa, theo
kinh Tương ưng, tập V, chương ba, Tương ưng niệm xứ (phần a), phẩm Nalanda, kinh
Cunda, và kinh Celam, Đức Phật biết tin Tôn giả
Sāriputta viên tịch lúc Ngài đang ở Savatthi, thuộc Kosala. Sau đó không lâu,
bên bờ sông Hằng, tại Ukkacelā, thuộc lãnh thổ Vajjii, Đức Phật có lời tưởng
niệm về hai đại đệ tử Sāriputta và Moggalāna vừa viên tịch. Theo lịch sử Ấn độ
cổ đại, hai quốc gia Kosala và Vajjii có chung đường biên giới với quốc gia
Mallā. Như vậy, sự kiện Tôn giả Sāriputta có mặt tại Pāvā, thuộc đất nước
Mallā, thuyết kinh Phúng tụng trước khi trở về quê nhà ở làng Nāla,
thuộc Magadha để viên tịch, có cơ sở hợp lý về không gian và niên đại.
(31) 阿 毘 達 磨 集 異 門 足 論. quyển 7, phẩm 5, Bốn pháp, phần 2, Nguyên
Huệ dịch.
(32) Kinh Trường bộ,
kinh Thanh tịnh, số 29, NXB. Tôn Giáo, 2013, tr.578.
(33) Kinh Trường bộ,
kinh Phúng tụng, NXB. Tôn Giáo, 2013, tr.690.
(34) 阿 毘 達 磨 集 異 門 足 論. Quyển 20, phẩm 12, Khen, khuyên. Nguyên Huệ
dịch.
(35)
Kinh Trung bộ, tập 2, kinh Sela, số 92, NXB. Tôn Giáo, 2012, tr.180.
Chúc Phú (GNO)