Quan hệ nhân quả như là quan hệ giữa “cơ duyên” và “bừng tỉnh” trong thơ Đường
ThS. Nguyễn Thị Tuyết
06/01/2013 10:21 (GMT+7)

Đường là thời kỳ mãn khai của thơ ca Trung Hoa. Thơ Đường có vị trí nhất định trong lịch sử thơ ca thế giới và có ảnh hưởng sâu rộng đến nền thơ ca các nước phương Đông, trong đó có Việt Nam. Tuy nhiên, không phải ai cũng hiểu khái niệm này một cách rõ ràng, chính xác, bởi nó được dùng với nhiều ý nghĩa. Theo Từ điển thuật ngữ văn học, thì thơ Đường là một khái niệm “co giãn”[1]. Nghĩa rộng, Thơ Đường là để chỉ những sáng tác trong gần 300 năm nhà Đường thống trị Trung Quốc, thuộc bất kỳ hình thức thể loại nào. Song, mốc lịch sử từ năm 618 đến năm 907 chỉ có giá trị lịch sử triều đại. Nghĩa hẹp, Thơ Đường dùng để chỉ tất cả những bài thơ làm theo thể luật hay Đường luật, gồm ngũ luật và thất luật. (Bất kể được sáng tác vào thời gian nào, ở Trung Quốc hay Việt Nam). Trong bài viết này, chúng tôi hiểu khái niệm Thơ Đường theo nghĩa rộng, tức là những bài thơ được sáng tác vào đời Đường ở Trung Quốc (bất kể thuộc thể loại nào).

Thơ Đường là thơ của những mối quan hệ[2]. Sự tự do tương đối về tư tưởng, và sự dung hợp Nho - Phật - Đạo trong thời kỳ này đã tạo điều kiện cho tư duy nghệ thuật thăng hoa. Các thế hệ thi nhân thẩm thấu một cách tự nhiên lối tư duy biện chứng của Đạo gia và Phật giáo đã góp phần hình thành nên kiểu tư duy quan hệ đặc thù cho thơ Đường. Trong đó, kiểu quan hệ nhân quả khá phổ biến và thường thể hiện hai dạng nội dung cơ bản là quan hệ nhân quả phản ảnh những mâu thuẫn xã hội và quan hệ nhân quả như là “cơ duyên” để “bừng tỉnh”.

Nhân quả, theo Từ điển Tiếng Việt, có hai nghĩa: 1/ chỉ nguyên nhân và kết quả, mối quan hệ nhân quả; 2/ nguyên nhân từ kiếp trước, tạo ra kết quả ở kiếp sau, theo quan niệm của Phật giáo[3]. Ở đây, chúng tôi dùng quan hệ nhân quả theo cách hiểu thứ nhất, không phải là triết lý nhân quả trong đạo Phật mà chỉ chịu ảnh hưởng của phương thức tư duy Phật giáo.

Phật giáo có ảnh hưởng sâu rộng đến thơ Đường nên trong quá trình sáng tạo các thi nhân dù muốn hay không, dù vô tình hay hữu ý, cũng đều đặt chân lên con đường trung đạo của sáng tạo. Con đường đó có thể tạm hình dung như sau:

 

                                   (lặng lẽ)                        (tâm trống không)

                    Tĩnh lự                          Hư tâm                                  Hốt (ngộ)

 

         Chọn phương thức tĩnh lự làm chặng đường đầu tiên, có lẽ, Thiền không chỉ thể hiện chỗ thâm ngộ của đạo Phật mà còn lặn sâu vào chỗ bí mật không cùng của thi ca, vì lẽ thường: có lặng lẽ mới có được ý nghĩa sâu sắc. Trên con đường lặng lẽ của tư duy quả có vô số hình ảnh trùng trùng duyên khởi, nhưng điểm gặp gỡ tuyệt cùng là cả thiền sư và thi nhân cùng quán chiếu đối tượng, song, đều không mang tham vọng chiếm hữu. Vì vậy mà tâm họ tự nhiên dẫn đến chỗ trống không (hư) và sự vật không những thành đối tượng của Thiền mà còn trở thành đối tượng thẩm mỹ của thơ.

 

         Thơ và thiền có một kiểu tư duy không ngăn cách giữa ta với thiên nhiên, tư duy đó phi phân tích, phi biện luận và ngôn ngữ cũng chỉ đóng vai trò dẫn đường.

         Khoảnh khắc thoạt nhiên khi thi nhân “bừng tỉnh” (hốt) được miêu tả rất rõ ràng, chính xác trong Hán tự, vì hốt (忽) gồm hai chữ: tâm - vật, nghĩa là khi có một vật tự nhiên tác động thẳng vào tâm, khiến tâm bừng tỉnh. Vật đó hoàn toàn không phải hiểu theo nghĩa thông thường, như chúng ta vẫn thường va chạm trong ngôn ngữ. “Hốt ngộ” là một phương diện mở ra đời sống sinh động ngay trước mắt ta, ngay trong lòng ta.

         Số lượng bài thơ dung chứa mối quan hệ nhân quả như một “cơ duyên” để “bừng tỉnh” khá nhiều và thường là những bài thơ mang tính chất lãng mạn, khác hẳn với những bài thơ chứa đựng quan hệ nhân quả thể hiện mâu thuẫn xã hội, mang tính xã hội sâu sắc. “Cơ duyên” trong thơ Đường phong phú, đa dạng như chính cuộc sống này vậy. Đó thường là những hình ảnh mang tính chất trực giác, có thể là hình ảnh “khói sóng”, hay là trạng thái “đăng cao”, hay chỉ là một “nhánh liễu” bên đường, lắm khi là “không gì cả”…

         Trong bài Hoàng Hạc lâu, Thôi Hiệu vì “khói sóng” mà chạnh lòng thương nhớ quê hương:

                                                Nhật mộ hương quan hà xứ thị

                                                Yên ba giang thượng sử nhân sầu.

                                                (Quê hương khuất bóng hoàng hôn

                                                Trên sông khói sóng cho buồn lòng ai)

Qua sông Tang Càn, Giả Đảo chợt nhận ra một triết lý thâm sâu, một mối ân tình giành cho cố quận:

                                                Vô đoan cánh độ Tang Càn thủy

                                                Khước vọng Tinh Châu thị cố hương.

                                                (Nay tình cờ đi qua sông Tang Càn

                                                Ngoảnh đầu trông Tinh Châu, đó là quê cũ)

(Độ Tang Càn - Giả Đảo)

Một tiếng trùng trong đêm sâu như mối sầu xuyên vào không gian, xuyên vào cả tâm hồn thi nhân:

                                                Trùng thanh đông tứ khổ ư thu

                                                Bất giải sầu nhân văn diệc sầu.

                        (Tiếng trùng mùa đông nghe ảo não hơn mùa thu

                        Dù người không biết buồn nghe thấy cũng phải buồn).

                                                (Đông dạ văn trùng - Bạch Cư Dị)

Có khi “không gì cả” cũng khiến thi nhân man mác sầu:

                                                Định Châu vô lãng, phục vô yên

                                                Sở khách tương tư ích diễu nhiên.

                        (Bãi sông không có sóng vỗ vang, cũng không có khói bay

                        Khách nước Sở nhớ nhau càng thêm man mác)

            (Từ Hạ Khẩu chi Anh Vũ Châu vọng Nhạc Dương kí - Nguyễn Trung Thừa)

Vì một nhành liễu mà đánh thức dậy cả một vùng ký ức:

                                                Chương Đài chiết dương liễu

                                                Xuân nhật lô bàng tình.

                                    (Vừa bẻ cành dương liễu ở Chương Đài

                                    Khêu gợi mối tình ngày xưa bên đường)

                                                                        (Thiếu niên hành - Thôi Quốc Phụ)   

Hình ảnh dương liễu trong thơ Đường xuất hiện đậm đặc. Trong quan hệ nhân quả, hình ảnh này thường là “cơ duyên”, là chất môi giới để nhân vật trữ tình “ngộ” ra, bừng tỉnh, nhận chân được sự vật. Vì liễu xanh gợi nỗi buồn chiết liễu - nỗi buồn chia ly. Theo văn hóa Trung Hoa, khi ly biệt người ta tặng nhau một nhánh liễu để biểu thị niềm lưu luyến, hơn nữa, trong tiếng Hán, chữ “liễu” và chữ “lưu” phát âm giống nhau.

 

         Người thiếu phụ trong Khuê oán của Vương Xương Linh cũng đạt tới sự diệu ngộ nhờ “dương liễu sắc”:

                                                Khuê trung thiếu phụ bất tri sầu

                                                Xuân nhật ngưng trang thướng thúy lâu

                                                Hốt kiến mạch đầu dương liễu sắc

                                                Hối giao phu tế mịch phong hầu.

                                       (Thiếu phụ trong phòng khuê chẳng biết sầu

                                       Ngày xuân trang điểm đẹp, bước lên lầu

                                       Bỗng thấy sắc màu dương liễu ở đầu đường

                                       Hối hận vì đã khuyên chồng tìm kiếm ấn phong hầu).

Diễn biến tâm lý của thiếu phụ từ “bất tri sầu” đến “hối” là một sự đột ngột, bất ngờ. Chữ “hốt” (bỗng, chợt) ở đầu câu thứ ba, đánh dấu một sự chuyển mình mạnh mẽ tự bên trong, một sự vượt cấp của cảm xúc, của nhận thức. Tứ thơ đi theo trình tự tâm lý: bất tri sầu - hốt - hối, đó cũng chính là quá trình nhận thức sâu sắc: mê - đốn - ngộ. Cùng với người thiếu phụ, người đọc cũng ngộ ra: chiến tranh là tai họa. Sau sự “hối” đó là sự “oán”, oán cái ấn phong hầu, oán chiến tranh phi nghĩa. Vì vậy, câu đầu và câu cuối tạo thành một cặp rất chỉnh làm nổi bật nhan đề “Khuê oán”.

 

         Phật giáo luôn lấy tự nhiên làm đối tượng để ngộ đạo và một bộ phận của thơ Đường (Thơ Sơn thủy) tự giác chuyển tải những triết lý huyền vi của đạo theo nguyên tắc “dĩ thiền thập thi” mà thi Phật Vương Duy là sự dung hợp tuyệt diệu nhất. Bài thơ Điểu minh giản là một ví dụ điển hình:

                           Nhân nhàn quế hoa lạc

                           Dạ tĩnh xuân sơn không

                           Nguyệt xuất kinh sơn điểu

                           Thời minh tại giản trung.

                           (Người thảnh thơi, hoa quế rụng

                           Đêm im lặng, non xuân vắng không

                           Trăng lên làm chim núi giật mình

                           Thỉnh thoảng cất tiếng kêu trong khe suối).

Thơ của Vương Duy là thơ của mối quan hệ giữa động và tĩnh[4]. Từ hoa rụng đến trăng lên khiến chim núi giật mình, kêu trong khe suối, cảnh nào cũng động nhưng là cái động rất khẽ khàng, tế vi. Qua những động thái khẽ khàng ấy, có thể thấy “người nhàn”, “đêm thanh”, “núi vắng”. Đó là mối quan hệ biện chứng giữa động và tĩnh. Linh hồn của bài thơ là ở câu thứ ba, không khí yên tĩnh tới mức mà ấn tượng về thị giác (trăng lên) đã tạo nên hiệu quả như một tiếng động khiến chim núi giật mình. Quan hệ nhân quả ở đây có tác dụng nhấn mạnh không khí yên tĩnh tới mức trầm tịch mà trong trẻo.

 

         Bài thơ “Xuân hiểu” của Mạnh Hạo Nhiên thể hiện rất rõ yếu tố “hốt ngộ”:

                           Xuân miên bất giác hiểu

                           Xứ xứ văn đề điểu

                           Dạ lai phong vũ thanh

                           Hoa lạc tri đa thiểu.

                           (Giấc ngủ đêm xuân không biết trời đã sáng

                           Nơi nơi đều nghe chim hót vang

                           Đêm qua có tiếng gió mưa

                           Chẳng hay có bao nhiêu hoa đã rụng).

“Hốt ngộ” lúc này là khoảnh khắc không biết, khoảnh khắc quên, bất giác đập vào chỗ tâm đạo mà không một dấu vết, không một tiếng động mà mở khắp cả bầu trời: chim hót, hoa rụng, gió mưa… Bầu trời tưởng như vừa mở ra ấy thực ra cũng không phải là một bầu trời mới nào cả mà là thực tại vẫn thường biến xung quanh ta.

 

         Tư duy Phật giáo và tư duy nghệ thuật giúp con người không bị chi phối bởi không gian, thời gian hay bất cứ thứ luân lý nào. Vì vậy, phương thức tư duy này cũng chỉ là phương tiện giả tạm, giống như cách lấy ngón tay mà chỉ Mặt Trăng vậy. Lối tư duy đặc biệt này khiến cho vạn vật mà nhà thơ chạm tới đều biểu hiện trọn vẹn thực tính của nó.

         Quan hệ nhân quả được biểu hiện theo con đường từ “cơ duyên” đến “ bừng ngộ” đã tạo thêm sự hấp dẫn cho thơ Đường, nó không chỉ cho ta thấy kiểu tư duy độc đáo của nhà thơ mà còn thấy được vẻ đẹp tâm hồn của thi nhân, sự hữu tâm, hữu tình, hữu linh của vạn vật. Kiểu tư duy này còn phản ánh mối quan hệ mật thiết giữa thơ và thiền. Nó đem đến cho thơ Đường sự hàm súc, cô đọng, giàu sự mời gọi đồng cảm, tri âm giữa nhà thơ và bạn đọc.

 

Chú thích:

[1] Lê Bá Hán, Trần Đình Sử, Nguyễn Khắc Phi (chủ biên) (1999), Từ điển thuật ngữ văn học, Nxb ĐHQG Hà Nội, tr.265.

[2] Nguyễn Thị Bích Hải (2005), Một số vấn đề về thi pháp thơ Đường và tiểu thuyết Minh Thanh, Trường ĐHSP Huế, tr.13.

[3] Hoàng Phê (2005), Từ điển Tiếng Việt, Nxb Đà Nẵng, tr.880.

[4] Lê Xuân Soan (chủ biên) (2006), Tác phẩm thơ Đường ở trường THCS và THPT, Nxb ĐHQG TP Hồ Chí Minh, tr.125.

 

Nguyễn Thị Tuyết

Khoa Sư phạm, ĐH An Giang

Các tin đã đăng: