Đứng về phương diện nghệ thuật mà xét ta thấy các tác phẩm điêu khắc về tượng ngài A – nan và ngài Cấp Cô Độc tôn trí hầu hết tại chùa miền Bắc có thể được sắp xếp vào hai truyền thống nghệ thuật. Trong truyền thống nghệ thuật thứ nhất, tượng của hai ngài được biểu hiện qua nét mỹ thuật lý tưởng, mang sắc thái thẩm mỹ và được tạo hình theo một mô thức và hình dáng lý tưởng của con người siêu phàm thoát tục. Các pho tượng Thánh Tăng và Đức Ông đắp bằng đất sét tại chùa Mía ở Sơn Tây, và chùa Bút Tháp ở tỉnh Bắc Ninh mang hình dáng tạo hình lý tưởng. Trong truyền thống nghệ thuật thứ hai, tượng ngài A – nan và Cấp Cô Độc được diễn tả khá hiện thực và linh động qua hình ảnh của con người hơn là diện mạo của các bậc thánh nhân thoát tục. Các pho tượng gỗ phủ sơn ở chùa Sùng Ân tỉnh Hải Dương và chùa Hoằng Ân (Quảng Bá) ở Hà Nội mang vóc dáng truyền thống nghệ thuật tạo hình thứ hai này. Hai truyền thống nghệ thuật này phản ảnh các chất liệu tạc tượng: Các tượng thổ phủ sơn diễn tả ngài A – nan và Cấp Cô Độc như hai bậc thánh lý tưởng với diện mạo thánh thiện thoát trần mang đầy sắc thái của các bậc xuất trần, từ hoà và bao dung. Trái lại các pho tượng gỗ phủ sơn mang hình dạng nghệ thuật rất con người, có diện mạo linh động mà ta có thể thường gặp trong đời sống hằng ngày.
Các pho tượng thổ phủ sơn Thánh Tăng và Đức Ông tôn trí tại chùa Sùng Nghiêm (tên thường gọi là chùa Mía, toạ lạc tại xã Phùng Hưng, huyện Tùng Thiện, tỉnh Sơn Tây), có thể là những tác phẩm nghệ thuật tôn tạo theo mô thức nghệ thuật sớm nhất (hình số 1). Ngài A – nan được tạo hình ngồi uy nghiêm trên ngai. Hai chân Ngài nhẹ nhàng đặt trên bệ, tay trái cầm bình nước và tay phải cầm một cành hoa nhỏ trong tư thế rưới những giọt nước cam lồ mát ngọt bố thí cho các cô hồn. Là vị chủ sám trong lễ cúng cô hồn, Thánh Tăng A – nan mặc y hậu trang nghiêm, đầu đội mão ngũ Phật theo truyền thống một vị chủ sám đang chủ lễ. Ngài A – nan được miêu tả như một vị thánh tăng có diện mạo trang nghiêm, khuôn mặt đầy đặn như trăng rằm, mũi cao thẳng quý phái, đôi tai đầy đặn có vành tai rộng dài phúc hậu, hai hàng long mi mềm mại uốn cong như lá liễu, cổ có ba ngấn nhỏ cao sang; và đôi môi nhỏ đẹp kín đáo. Càng nhìn ta càng thấy khuôn mặt của ngài nhẹ nhàng biểu hiện nét từ bi thanh thoát toát lên nét đoái hoài thương xót các chúng sanh đang trầm luân trong biển khổ.
Bên trái ngài A – nan có quỷ Tiêu Diện đứng chầu. Ở đây ta thấy người nghệ sĩ xưa đã khéo léo tạo hình quỷ Tiêu Diện gần gũi với sự diễn tả trong kinh với cái miệng đỏ chót phun ra từng ngụm lửa thiêu đốt tâm can. Tiêu Diện có làn da xanh, đầu u ở đỉnh như sừng tê giác mới nhú, hai bên tai có cặp sừng nhỏ, đôi mắt dữ tợn toé lửa, miệng hả rộng phun ra từng làn lửa nóng. Thân hình của quỷ Tiêu Diện có từng bắp thịt nổi lên cuộn cuộn như là một vị lực sĩ đang biểu diễn với cánh tay phải cung lên trong tư thế doạ dẫm, và tay trái cầm tích trượng nện xuống mặt đất như uy hiếp các loài ngạ quỷ.
Ngồi bên trái Thánh Tăng là vị Bà – la – môn. Theo các kinh Mật tong sẽ trình bày sơ lược qua trong phần năm, vị Bà – la – môn này nhiều kiếp về trước là tiền thân của Đức Phật Thích – ca khi Đức Quan Thế Âm còn là vị cổ Phật. Phật Quán Thế Âm cho vị Bà – la – môn nhiều bài thần chú dharani có công năng biến thức ăn và nước uống nhiều ra vô số lượng và làm cho các thực phẩm trở nên ngon lành đầy mỹ vị có thể khiến cho vô số quỷ đói ăn uống no đủ. Ngoài ra, Đức Phật Quán Thế Âm còn ban cho vị Bà – la – môn một số thần chú khác khiến cho các loài cô hồn và ngạ quỷ thoát bỏ thân xấu xa đói khổ và có thể vãng sinh về cõi Tịnh độ. Khi ngài A – nan ngồi thiền một mình trong núi bị ngạ quỷ tới quấy nhiễu và cảnh báo rằng nếu ngài A – nan không bố thí thức ăn nước uống cho các cô hồn và quỷ đói thì trong vài ngày nữa ngài A – nan sẽ chết và sẽ bị đoạ vào loài ngạ quỷ đói khát đau khổ vô cùng. A – nan đã đến cầu cứu Đức Phật, và đã được Đức Phật phú chúc cho A – nan các bài thần chú để cứu loài ngạ quỷ. Tại chùa Mía, vị Bà – la – môn được tạo hình như một vị tướng quân tay phải cầm thanh kiếm lịnh, tay trái cầm linh chung. Cả hai tượng Tiêu Diện và vị Bà – la – môn được tạo hình một cách linh động biểu lộ qua các đường nếp gợn sóng trên tà áo và chéo quần, và qua khuôn mặt dữ tợn như đe doạ người khác. Hình ảnh này rất tương phản với khuôn mặt từ hoà đầy lòng nhân ái của Thánh Tăng A – nan ngồi ở giữa.
Nhà giải vũ bên phía Đông có bàn thờ tôn trí tượng ngài Cấp Cô Độc cùng hai vị thị giả. Đức Ông Cấp Cô Độc được các nghệ nhân tạo hình như một vị quan có hai vị chấp pháp ngồi hầu hai bên. Đức Ông được miêu tả như một vị án quan, đầu đội quan mão, thân mặc quan phục có thêu hình kỳ lân trên ngực áo, lưng thắt quan đái bản rộng, bệ vệ uy nghiêm ngồi trên ghế. Đức Ông thân mặc quan phục và tay phải cầm phán quan bút tạo cho ta thấy hình ảnh một vị quan triều đình đang ngồi xử án trước công đường thật hơn là vị trưởng giả, nhà doanh nghiệp giàu nhất của xứ Ấn. Các nhà tạo tượng Việt Nam còn diễn tả ông qua hình ảnh một vị quan lớn có hai vị quan nhỏ ngồi hầu hai bên. Bên phải là vị quan văn đang cầm quyển sách ghi các tội phạm, còn bên trái là vị quan võ tay đang lăm le cầm kiếm. Vẻ mặt đăm chiêu và nghiêm khắc của hai vị quan phụ tá này tạo cho chúng ta một cảm giác như việc xét án đang đến hồi gay cấn. Người nghệ sĩ tạo hình Việt Nam đã tô vẽ mặt của Đức Ông như một vị quan có khuôn mặt đỏ như gấc. Theo truyền thống nghệ thuật của Trung Quốc, màu đỏ biểu hiện cho một vị quan thanh liêm, gan dạ như đạo đức. Sắc diện đỏ hồng của ông phản ảnh da mặt bình thường của hai vị phụ tá càng cho chúng ta thấy tài năng tạo hình của người tạc tượng. Tóm lại, nghệ thuật tạo hình của ba vị thờ ở bàn Đức Ông tương tự như nghệ thuật tạo hình của ba vị thờ ở bàn Đức Thánh Tăng bên ở nhà giải vũ phía Tây.
Dựa trên ba tấm văn bia đặt ở toà tiền đường và dưới cổng tam quan của chùa, ta có thể biết rằng các pho tượng thổ phủ sơn này tạo vào khoảng tiền bán thế kỷ XVII. Tấm bia văn dựng trước toà tiền đường có niên đại năm 1632 cho chúng ta biết rằng cung tần Nguyễn Thị Rong (về sau được tôn xưng là bà Chúa Mía), vợ của chúa Trịnh Tráng, người ở vùng này, đã bỏ tiền của vàng bạc xây dựng chùa Mía vào năm 1632. Một tấm bia đá khác dựng ở cổng tam quan có niên đại năm 1750 cho chúng ta biết rằng vào năm đó chùa đã nới rộng toà tiền đường có quy mô rộng lớn hơn. Có thể cũng vào năm này cả hai bàn thờ Thánh Tăng và Đức Ông đã rời ra hai bên toà nhà giải vũ như chúng ta thấy hiện nay để tạo không gian cho toà nhà tiền đường, vì chùa Mía là nơi nổi tiếng ở trong vùng thu hút đông đảo khách thập phương đến chùa vào các ngày mồng một, ngày rằm, cũng như các ngày lễ hội. Thế nên toà tiền đường cần phải có diện tích rộng rãi hơn mới có thể dung chứa số lượng khách thập phương khá cao đến lễ bái. Việc nới rộng toà nhà tiền đường vào năm 1750 để đáp ứng nhu cầu thực tế của chùa, và ngụ ý giải thích cho chúng ta tại sao bàn thờ của hai vị này không đặt tại tiền đường mà lại đặt hai bên toà giải vũ.
Hai bộ tượng ngài A – nan và ngài Cấp Cô Độc thờ tại chùa Bút Tháp (tên tự của chùa là Ninh Phúc, toạ lạc tại xã Đình Tố, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh, khoảng 15 km về phía Bắc, Hà Nội) là một thí dụ điển hình khác của phong cách tạo hình lý tưởng. Nghệ thuật tạo hình của hai pho tượng Thánh Tăng và Đức Ông tại chùa Bút Tháp tương tự phong cách nghệ thuật các tượng chùa Mía như trình bày ở đoạn trên. Ở đây ta thấy pho tượng Thánh Tăng được tạo hình theo một phong thái biểu tướng như hai pho tượng thờ tại chùa Mía. Ngài A – nan đầu đội mũ ngũ Phật, mình khoác y hậu chỉnh tề, tay trái cầm chén nước (hiện nay đã mất), và tay phải đang bắt ấn biến thực biến thuỷ (biến các thức ăn và nước uống tăng lên bội phần và thành ngọt ngào thơm ngon đầy mỹ vị). Người nghệ sĩ tạo hình đã khéo léo và tinh xảo diễn tả nét mặt ngài A – nan đầy từ bi và thương xót và đang chú tâm cầu nguyện siêu độc cho các cô hồn ngạ quỷ. Ngồi bên phải Thánh Tăng là Tiêu Diện được diễn tả như một vị quỷ dự mặt mày hung dữ và cau có, đôi mắt mở to nhìn thẳng và nét hung dữ càng tăng lên với làn da màu xanh của con quỷ. Bên trái Thánh Tăng là vị Bà – la – môn được tạo hình như một vị tướng quân nhà trờ có tấm lụa tung bay vắt từ vai phải qua vai trái.
Pho tượng Đức Ông chùa Bút Tháp toát ra vẻ oai nghiêm bệ vệ. Ngài được tạc như một vị quan uy nghiêm ngồi vững trên ghế và đưa mắt nhìn thẳng về phía trước. Tay phải ngài cầm thủ lịnh và tay trái gác trên đùi chân. Chức tướng và quan vị của ngài được cụ thể hoá qua các chi tiết như đầu đội mũ quan cánh chuồn chuồn, mình mặc áo thụng có thêu con kỳ lân ở trước bụng, lưng thắt đai đen rộng bản, và có hai vị quan văn và quan võ đứng chầu hai bên. Các pho tượng thổ phủ sơn này có thể tạo vào giữa thế kỷ XVII (1647), dựa trên các bia văn của chùa cho chúng ta biết rằng Ninh Phúc Tự do bà Hoàng thái hậu Trịnh Thị Ngọc Trúc, vợ của vua Lê Thần Tông (trị vì các năm 1619 – 1643) xây dựng và hoàn tất vào năm 1647.
Hình ảnh ngài Thánh Tăng và Đức Ông thờ tại chùa Mía và chùa Bút Tháp là những thí dụ điển hình của phong cách lý tưởng. Những pho tượng thổ phủ sơn thờ ở các chùa này có thể đã làm mô hình mẫu tiêu biểu cho vô số các tượng cùng loại tạc về sau. Bộ tượng Thánh Tăng và Đức Ông chùa Vân Sơn, Bắc Giang và bộ tượng chùa Côn Sơn, Chí Linh có thể làm tiêu biểu cho các pho tượng tác về sau này rất gần giống với các pho tượng chùa Mía và chùa Bút Tháp bàn ở trên. Tại chùa Vân Sơn, tượng ngài A – nan thờ bên trái tiền đường được tạo hình tương tự như các pho tượng của ngài trình bày ở chùa Mía và chùa Bút Tháp: tay trái ngài cầm chén nước, và tay phải đang bắt ấn và ban những giọt nước cam lồ cho các loài cô hồn ngạ quỷ đói khát. Pho tượng rất cân đối diễn đạt cân xứng và ăn nhịp với các chi tiết khác như đầu đội mũ ngũ Phật, tai dài và rộng, áo hậu dài, tay áo rộng phủ hai bên đầu gối đều theo những nét gần như cố định. Phía bên kia tiền đường là tượng Đức Ông được các nghệ nhân mô tả như một vị quan đang ngồi nghiêm trang trên ghế. Nét độc đáo của pho tượng này là diễn tả Đức Ông một chân mang giày mũi hài còn chân kia không mang giày để lộ cả chân trần, và hai bàn tay thoải mái gác trên đầu gối. Tạc bằng gỗ phủ sơn, các nhà tạo tượng đã diễn tả Thánh Tăng A – nan và Đức Ông Cấp Cô Độc mang những nét tinh xảo điêu luyện và thanh nhã. Chúng ta có thể đánh giá các pho tượng chùa Vân Sơn có niên đại khoảng cuối thế kỷ XVII căn cứ trên các bia văn dựng hai bên chùa. Tượng Thánh Tăng và tượng Đức Ông của chùa có thể đại diện cho đại đa số các chùa làng ở đồng bằng Bắc Bộ chỉ thờ cúng ngài Thánh Tăng A – nan và Đức Ông Cấp Cô Độc, chứ không có hai vị thị giả hầu hai bên.
Một thí dụ điển hình khác về phong cách mang truyền thống nghệ thuật lý tưởng là bộ tượng Thánh Tăng và Đức Ông thờ ở chùa Côn Sơn (còn gọi là chùa Hun) huyện Chí Linh, tỉnh Hải Dương. Tượng Thánh Tăng giống như tượng ba chùa vừa được mô tả ở trên, còn tượng Đức Ông có nhiều nét đặc biệt, cần nên bàn tới. Xét về phương diện phong cách nghệ thuật, tượng Đức Ông giờ đây đã có nét chuyển tiếp từ phong cách nghệ thuật lý tưởng qua phong cách nghệ thuật hiện thực. Sự chuyển tiếp phong cách nghệ thuật này có thể là do phương pháp mới tạc tượng bằng gỗ rồi dùng nhiều lớp dầu sơn mài tô bên ngoài. Phương pháp này có thể giúp cho các nghệ nhân dễ dàng đạt đến nghệ thuật tạo hình có trình độ cao hơn. Ở đây ta thấy tượng Đức Ông được mô tả như một vị quan có khuôn mặt hơi gầy, gò má cao,miệng nhỏ, đôi tai vừa phải và cân xứng với khuôn mặt.Màu đỏ hồng của da mặt càng được nổi bật với bộ râu đen. Đức Ông vận áo quan có thêu tám con rồng đang bay nhảy trên mây, biểu hiện ông ta là một vị quan lớn, và có thể là người trong hoàng tộc. Khác với pho tượng Đức Ông bàn ở trên với tay phải cầm bút lông, tượng Đức Ông ở chùa Côn Sơn tay phải cầm kiếm. Một điều khác nữa là vành ghế của ông ta đang ngồi được tạc rất công phu, các con rồng uốn khúc bay nhảy trên mây. Điều này chứng tỏ pho tượng này tạc theo mẫu một vị quan, hoặc là một ông hoàng hơn là một vị quan xử án. Nhìn qua pho tượng này ta thấy nhiều nét tiêu biểu cho sự chuyển tiếp từ phong cách nghệ thuật lý tưởng qua phong cách hiện thực. Dựa trên văn bản của năm tấm bia đá dựng ở nhà bia bên phải của chùa, thì bộ tượng Thánh Tăng và Đức Ông có niên đại sớm là cuối thế kỷ XVII, hoặc muộn nhất là đầu thế kỷ XVII. Phong cách hiện thực này biểu hiện rõ hơn qua bộ tượng chùa Sùng Ân ở tỉnh Hải Dương và chùa Hoằng Ân ở Hà Nội sẽ bàn tới trong phần kế tiếp.
(kỳ tới: Tượng chùa Sùng Ân và Hoằng Ân: biểu trưng phong cách hiện thực)
Tạp Chí Văn Hóa Phật Giáo số 62