Quả thật, chỉ đến khi
rung đùi ngồi uống rượu nghe “nhà bùa chú” Hoàng Văn Nhẽo kể chuyện bùa
mê ngải lú, tôi mới hoàn hồn. Chả là đường đến xóm Dùng phải qua một con
suối. Mùa mưa, nước đầy, suối sâu. Xe vừa lao xuống đã kêu đánh “ục”.
Máy tắt ngỏm. Trời tối bịt bùng. Sương giăng tứ phía. Một mình giữa núi
đồi heo hút. Tôi sởn da gà. Nghiến răng, oằn lưng đẩy xe vượt suối. Một
nỗi sợ hãi mơ hồ. Nhỡ ông Nhẽo không có nhà, lại đất khách quê người,
biết ở đâu? Mò mẫm mãi cũng đến được nơi cần đến. Cất tiếng gọi lạc
giọng, mới nghe lời vọng ra ồm ồm: “Ai hỏi gì tôi đấy?”. Tôi thở phào,
chợt thấy thấm thía đến thế câu nói của cổ nhân: “Mừng như chết đuối vớ
được cọc”.
Nghe tôi giới thiệu là
người thân của nhà văn Nguyễn Hữu Nhàn, ông Nhẽo vui lắm. Tay rót rượu
mời khách, ông nói cười rổn rảng: “Anh cứ ở đây với bác vài hôm, không
ngại gì đâu. Bác ở có một mình thôi mà”. Tôi đưa mắt nhìn. Căn nhà sàn
rộng thênh thếnh, lạnh lẽo như cái đình bỏ hoang. Đồ đạc chẳng có gì.
Tài sản đáng giá nhất chỉ là cái tủ buýp-phê mốc lở và chiếc đài cát-xét
Trung Quốc bị mất nắp. Tôi hỏi: “Thế bác gái cháu đâu ạ?”.
Ông Nhẽo cười buồn: “Chết hết, bỏ hết đi cả rồi. Ngày xưa, bác nèm cho
nhiều người đàn bà đẹp mê mình. Nèm cả vợ người ta bỏ chồng theo mình.
Vì thế, về già, trời quả báo, phải ở một mình thế này đấy”. Được biết,
ông Nhẽo đã dùng thuật nèm chài để lấy những… 10 vợ. Sau này, người thì
chết, người thì bỏ ông mà đi. Ông bảo: “Dù có tài nèm đến đâu cũng không
tránh khỏi cái hoạ cô đơn về già”. Vì thế, giờ đây, ông chỉ làm phúc
nèm cho các cặp vợ chồng yêu thương nhau. Nèm cho đàn ông bỏ gái, đàn bà
bỏ giai mà về đoàn tụ với vợ với chồng. Lụi cụi mở nắp chiếc hòm cũ kỹ
để ở góc nhà, ông Nhẽo đưa cho tôi xem một tập vở dày cộm ghi chi chít
tên tuổi, địa chỉ những người vợ bị phụ bạc, những ông chồng bị cắm sừng
đến nhờ ông nèm giúp. Tôi lần giở từng trang. Dễ có đến cả nghìn địa
chỉ. Thôi thì đủ cả “4 phương trời mười phương đất”. Gần thì Phú Thọ,
Sơn La, Hà Nội. Xa thì Hà Tây, Hà Giang, Thanh Hoá, Nghệ An… Có người ở
tận tít tắp trong Bảo Lộc, Lâm Đồng… Xa quá thì đành gửi ảnh “một nửa
của mình” và cả ảnh của kẻ tranh vợ cướp chồng để ông Nhẽo làm nèm chia
cắt.
Ông Nhẽo bảo: “Phép
thuật nèm chài của người Mường có từ ngàn năm nay rồi nên phong phú lắm.
Bản thân bác, tu luyện gần trọn một đời, cũng chỉ biết làm có mấy chục
bài. Phép tắc, lề lối thì vô cùng chặt chẽ. Khi nèm, phải đọc thần chú
liền một hơi cho hết bài. Nếu bị đứt đoạn thì phải nghỉ lấy hơi đọc lại.
Đọc thầm, tuyệt đối không cho ai nghe thấy, không cho lưỡi va vào răng.
Niệm đủ 3 lần mới hà hơi vào gạo, muối rồi bí mật bỏ vào nồi cơm, canh
để ăn vào, tự khắc sẽ yêu thương nhau. Nếu muốn bồ bịch bỏ nhau thì niệm
thần chú vào một số hạt thóc rồi quải cho gà nhà người ấy ăn, tự khắc
hai người sẽ chán nhau”. Trò chuyện với ông, tôi mới biết, phép nèm vô
cùng thần bí, thần bí đến mức có nhiều chi tiết không thể lý giải bằng
tư duy lô gíc thông thường. Ví như: Vì sao phép màu muốn truyền dạy
người khác phải chọn đúng ngày giờ? Mỗi năm chỉ có vài ngày truyền dạy
được? Có những bài nèm chỉ làm được vào lúc chập tối. Nèm xong phải quay
mặt ra hướng Tây mà thở. Vì sao khi vào mùa ếch nhái kêu thì có truyền
dạy đúng bài bản cũng không thể “khất” (không thực hiện nổi)? Rồi ông
say sưa kể về cách nèm cho chó vẫy đuôi để đến nơi có chó dữ, chúng sẽ
mừng như mừng chủ. Rồi cách nèm nương bùa, nèm để không một người ngoài
nào có thể lấy hoa màu nông sản mình trồng trên nương. Tôi mỉm cười.
Thảo nào, lúc ngồi uống rượu, thấy tôi nhấp nhổm ngó nghiêng con Wave để
dưới gầm nhà sàn, ông Nhẽo tủm tỉm: “Anh cứ yên tâm, cứ ngồi uống cho
thoả sức. Đố ai dám sờ mó con xe của anh. Nếu mất, mai bác đền”.
Nhà bùa chú Hoàng Văn
Nhẽo đã đồng ý cho tôi ghi 5 bài thần chú nèm yêu của ông với điều kiện,
tôi không được bật máy ghi âm. Đó là bài: Nèm vào khăn mặt cho vợ chồng
thương yêu nhau. Nèm dò lá thương yêu (Niệm thần chú vào cành lá rồi
thả ra đường. Người mình yêu dẫm phải sẽ tự nguyện theo mình). Nèm phô
nống (Niệm thần chú vào bàn tay rồi vỗ vào vai đối phương, tự khắc người
ấy sẽ mê mình). Nèm lá phai nhạt chán ghét (Dùng cành lá nèm vào làm
cho tình nhân, bồ bịch bỏ nhau). Và bài liếc mắt tìm hiểu (Đọc thần chú
xong, liếc mắt đưa tình làm cho đối phương mê mẩn).
Hỏi về phép thuật
chài, ông Nhẽo giãy nảy: “Thất đức! Thất đức! Không nên truyền cho nhau
cái thứ hại người ấy. Vì chài nó nguy hiểm lắm. Mấy làng mới có một ma
chài. Dân Mường có câu: “Trong chài ngoài mõ”. Người Kinh xa lánh mõ thế
nào thì người Mường xa lánh chài thế ấy. Người ta hay dùng sắt để chài.
Niệm thần chú vào sắt rồi quệt vào cây mía, quả cam, vại nước. Người bị
hại ăn uống những thức ấy, tự khắc trong bụng có sắt thôi”. Về chuyện
chài, tôi đã được nghe ông Vũ Đình Hiền, nguyên cán bộ Sở văn hoá thông
tin tỉnh Vĩnh Phú (cũ) kể: Năm 1963, ông được dự một lớp học “Chống mê
tín dị đoan để đưa miền núi tiến kịp miền xuôi” do huyện uỷ Thanh Sơn tổ
chức, ông Cao Đức Chính, thường vụ huyện uỷ phụ trách. Đợt ấy, huyện
phát động phong trào nhân dân tố giác những người biết chài, nèm để bắt
đến lớp học tập, cải tạo. Có một người đàn bà ở xóm Đồng Cỏ, xã Thục
Luyện đã chài, hại một anh thanh niên Mường làng Cự Thắng, lấy vợ ở Thục
Luyện. Khi bị phát hiện, người đàn bà độc ác ấy bỏ trốn về xã Giáp Lai.
Công an huyện do ông Đinh Liên Đàm chỉ huy đã truy tìm bắt về huyện.
Trước công an điều tra, mụ đã thú nhận làm chài sắt hại anh thanh niên
nọ. Song mụ chỉ biết chài theo gia truyền chứ không biết cách giải,
trong khi bệnh tình của anh thanh niên Mường ngày càng nguy kịch. Một
ông già Mường ở Cự Thắng, thấy vậy, yêu cầu lãnh đạo huyện và xã viết
cam kết không bắt ông đi cải tạo, ông sẽ chữa chài trước mắt mọi người.
Ông Hiền kể: “Tôi thấy ông già bưng ra một chậu thau nước lã, một cái
chày, một dùi gỗ. Viết bùa, thắp hương, đọc thần chú xong, ông dán bùa
vào chày gỗ rồi để vào bụng anh thanh niên nọ, vung dùi đập đánh “bốp”
một cái. Anh kia kêu hét lên, hai tay ôm ngực. Ông già lại để chày lên
ngực, đập tiếp một phát. Anh kia lại hét, giơ tay ôm cổ. Khi ông già đập
vào cổ, anh thanh niên ngã vật xuống. Một cái đinh mười phân bọc trong
mảnh vải váy đàn bà, cuộn bên ngoài bằng chỉ ngũ sắc, bật ra khỏi mồm.
Vài hôm sau, lại đi nương đi rẫy.
Đêm ấy, mãi 12 giờ
đêm, tôi mới đi ngủ. Phần vì mệt, phần vì khuya, tôi thiếp đi lúc nào
không biết. Bỗng nghe tiếng “phì, phì” như tiếng rắn hổ mang phun ở ngay
trên đầu, tôi choàng tỉnh giấc, he hé mắt nhìn. Trong ánh đèn dầu leo
lét, tôi thấy bóng hai người đàn ông chụm đầu vào nhau. Tiếng Mường lầm
rầm như từ cõi âm ty vọng đến. Căng mắt nhìn, tôi nhận ra ông Nhẽo và
một người đàn ông lạ mặt. Anh kia đến xin nèm. Tiễn khách ra cửa, ông
Nhẽo trở vào. Tần ngần một lát, ông cúi xuống thu gọn túi xách, giấy
bút, máy ảnh, máy ghi âm… tôi vứt tanh bành lúc tối. Cả bộ quần áo ướt
sũng mồ hôi và nước suối tôi lội hồi chiều. Tay vuốt vuốt vào ống quần
tôi, ông khẽ khàng treo lên mắc. Tôi nằm im, nín thở. Một ý nghĩ kinh
hoàng chợt đến: ông Nhẽo đang nèm tôi. Thì vừa nãy, ông chẳng khoe có
những 10 vợ, 18 người con, gần 40 đứa cháu là gì? Lại khen tôi đẹp giai,
đức độ, ăn nói có duyên… Cớ gì ông không nèm tôi cho một cô cháu gái
nào đó? Tóc tôi dựng ngược. Tim tôi nghẹn lại. Mắt tôi thao láo. Sáng
hôm sau, ngồi bỏm bẻm nhai bánh rán, uống nước chè tươi với ông, tôi mới
bật cười. Đúng là “thần hồn nát thần tính”.
Trên đường trở lại thị
trấn Thanh Sơn, tôi rẽ vào Tân Phú thăm anh Hoàng Bá Tân để hỏi về phép
thuật nèm chữa bệnh mà anh đã đi báo cáo ở Hội nghị y học dân tộc tỉnh
Phú Thọ. Rất tiếc, anh Tân đi vắng. Song bù lại, tôi lại được tiếp kiến
ông cụ thân sinh ra anh, ông Hoàng Bá Huân, nổi tiếng về làm nèm. Ông
Huân năm nay bước sang tuổi 76 nhưng còn tráng kiện, sung sức lắm. Vợ
ông ít hơn vài ba tuổi, trông dáng người, nước da, chắc xưa cũng phải là
cô gái Mường xinh đẹp. Tôi hỏi ông Huân: “Bác gái đẹp thế, ngày xưa,
bác có phải dùng nèm mới lấy được không?”. Ông Huân cười xua tay:
“Không! Làng Mường có nhiều người biết nèm thì khó dùng trò ma ấy. Lộ
chuyện ra sẽ bị nhà cô gái đánh cho vỡ mặt”. Bà Huân xởi lởi: “Tôi thích
ông ấy thì lấy làm chồng thôi chứ chẳng phải ai chài nèm gì đâu”. Rồi
bà kể chuyện hồi trước, nhiều đoàn công nhân đến ở đây bị người Mường
nèm trêu nấu cơm không chín, nấu nước không sôi. Mọi bài nèm đều đọc
bằng tiếng Mường. Riêng bài nèm này lại nói bằng tiếng Kinh. Nguyên văn
như sau: “Mày làm đồng hay mày làm đáy. Tao xó xáy cho mày không lên
hơi. Mày lên hơi thì tao chém. úm ta ha khất”. Muốn cho cơm chín thì
niệm thần chú: “Mày làm đồng hay mày làm đáy. Tao xó xáy cho mày lên
hơi. Mày không lên hơi thì tao chém. úm ta ha khất”. Bà Huân giảng giải:
“Người ta nín hơi đọc thần chú rồi phì hơi ra mảnh đóm, vờ vào bếp xin
lửa nhưng khua khoắng mảnh đóm quanh nồi và dưới chôn nồi. Lửa dẫu có
đốt đùng đùng cơm cũng chẳng chín được”. Tôi ngỏ ý muốn xem ông bà biểu
diễn. Ông Huân cười: “Thôi, để hôm nào bác biểu diễn cho anh xem bài nèm
ráo ướt. Khi ở trên bờ niệm thần chú thì người chống bè, bơi thuyền
chốc chốc lại ngã ùm xuống sông, làm cho quần áo vừa ráo lại ướt ngay”.
Rồi ông hào hứng kể chuyện làm nèm để bó lại một số cặp vợ chồng khỏi bị
tan vỡ. Ông kể chi tiết chuyện anh Khê ở Tân Phú đã có với vợ những 4
mặt con. Tí tởn thế nào lại cưới thêm cô vợ lẽ, suốt ngày òm ọp đánh
chửi vợ con. Cụ Bằng ở xóm thấy thế đến nhờ ông Huân “bó” lại cho gia
đình họ đoàn tụ. Hẹn một ngày anh em nhà ấy ăn uống họp gia đình để lựa
lời khuyên nhủ, chị dâu anh Khê kín đáo giấu 3 đôi đũa của vợ cả, vợ hai
và của anh Khê vừa ăn xong không rửa đưa cho ông đem về bó nèm. Ông còn
kể chuyện bó nèm cho vợ chồng anh Dũng ở xóm Mịn. Nghe xong, tôi hỏi:
“Cháu sẽ viết báo nêu tên thật của họ, liệu có bị kiện không?” Ông Huân
cười xoà: “Cả làng biết đấy, kiện gì. Hơn nữa, bác làm phúc đức cho gia
đình họ. Bây giờ trong ấm ngoài êm, hiểu ra, họ chỉ biết ơn bác thôi”.
Bà Huân vội nói chen vào, giọng lo lắng: “à! Suýt nữa thì quên. Hôm
trước đến đám ma nhà anh Thọ. Bà Xuân gọi tôi ra nói nhỏ là về nhờ ông,
nếu “nèm tơm thăm” hay “nèm bó đũa” thì làm ơn cởi giúp kẻo một người
chết thì cả nhà chết theo”. Ông Huân bảo: “Không sao. Nhà bà Xuân, mẹ
anh Huy ở xóm Quyết Tiến, tôi nèm bằng muối không sợ nguy hiểm như
bó đũa, tơm thăm nên không phải cởi”. Nói đoạn, ông liền bảo Thuỷ, cậu
con út vào buồng mở hòm lấy ra bó đũa cho tôi xem. Đây là 2 đôi của vợ
chồng anh Dũng nhờ ông nèm hồi năm ngoái. Bốn cái đũa được
bó bằng hai mối buộc chỉ đỏ và chỉ trắng. Ông Huân giải thích: “Muốn nèm
bó đũa phải dùng hai loại chỉ khác màu bó chặt đôi đũa ăn cơm của những
người đang “ông chẳng bà chuộc”. Bó đũa ấy phải đem về nhà mình cất kỹ.
Sau 3 năm khi vợ chồng đã khăng khít, phải đem bó đũa đó ra niệm thần
chú bài “ké nèm” (giải) rồi tháo chỉ cho đũa rời ra. Có như thế thì một
người chết, người kia sẽ không hề hấn gì”. Còn “nèm tơm thăm” là lấy
được mảnh áo hoặc quần của 2 người đã mặc, niệm thần chú vào rồi cất kỹ.
Đây là cách nèm khá bền chặt nhưng cũng khá nguy hiểm. Lời bài chú rất
dài, người khoẻ, đọc một hơi mới hết. Khi vợ chồng đã gắn bó, để tránh
nguy hiểm, phải nèm cởi ra. Đọc lời chú bài ké nèm, hà hơi vào 2 mảnh
vải, đem ra sông, suối, chỗ nước quẩn, rồi thả một mảnh ở dòng nước chảy
xuôi, một mảnh ở dòng nước chảy ngược. Hai mảnh vải cuốn đi hai nơi sẽ
không còn nguy hiểm cho người bị nèm.
Cần sự lý giải về một hiện tượng tâm linh của
văn hoá Mường
Trở lại với nhà
văn Nguyễn Hữu Nhàn, người đã có hàng chục công trình nghiên cứu về văn
hoá Mường Thanh Sơn. Trao đổi với chúng tôi tại tư thất ở Khu tập thể Di
Lâu, thành phố Việt Trì về vấn đề: có hay không sự linh nghiệm của phép
thuật nèm chài, nhà văn khẳng định: “Chài nèm là có thật”. Theo “Cổ sử
Việt Nam” của Đào Duy Anh thì Vua Hùng chính là người Lạc Việt có nhiều
phép thuật, quyền năng, phục được các bộ lạc, làm thủ lĩnh mà xưng là
Hùng Vương. Xứ Mường Thanh Sơn, đất bản bộ của Vua Hùng còn in đậm phong
tục tập quán, lễ nghi tín ngưỡng, chế độ thổ tù lang đạo, ruộng đất nhà
lang…, đặc biệt, những truyền thuyết dân gian về vua Hùng, về Thánh Tản
Viên còn rất nhiều. Pháp thuật thần bí của người Lạc Việt mà sử sách
thời Trang Vương bên Tàu gọi là phương thuật hay Việt phương nay còn sót
lại ở xứ Mường chính là nèm chài, bùa mê ngải lú… Cách đây bốn năm,
trong hội nghị giữa nhóm các nhà khoa học của Trung tâm khoa học xã hội
và nhân văn quốc gia với Sở văn hoá Phú Thọ bàn về vấn đề “nghiên cứu
văn hoá Mường Phú Thọ”, nhà văn Nguyễn Hữu Nhàn đã tha thiết đề nghị cần
nghiên cứu sớm phương thuật của người Mường để làm sáng tỏ bức màn tâm
linh kỳ bí này song rất tiếc, cho đến nay, vẫn chưa ai đoái hoài tới.
Riêng tôi, lặn ngụp mấy ngày ở xứ Mường Thanh Sơn để viết phóng sự này,
không có ý tuyên truyền về những điều nhảm nhí, mê tín dị đoan… mà đơn
giản chỉ là kể một cách trung thực những điều mắt thấy tai nghe đang lưu
truyền trong dân gian để các nhà khoa học và bạn đọc tham khảo. Chuyện
thuật nèm chài linh nghiệm đến đâu, cần phải tiếp tục nghiên cứu, đối
chứng, tìm hiểu trong thực tế…
H.A.S