Trái tim nhân từ.
17/01/2015 14:56 (GMT+7)

Có thể nói lòng nhân từ và niềm tin là hai việc quan trọng nhất trong sinh hoạt xã hội, nhưng ngày nay, phần nhiều người ta không giữ được niềm tin, cho nên xã hội rơi vào tình trạng bất an. Việc thực tế mà chúng ta thường gặp là các chính khách luôn hứa hẹn đủ thứ để người ta tin và bỏ phiếu cho họ, nhưng trở thành lãnh đạo rồi, họ có thực hiện lời hứa hay không lại là việc khác.

Theo các cuộc thăm dò ý kiến của dân chúng, khi chính khách ứng cử, họ luôn hứa hẹn sẽ làm những việc tốt đẹp để chiếm lòng tin của mọi người, bấy giờ họ được 60% số người ủng hộ, nhưng đến khi đắc cử, số người tin tưởng và ủng hộ giảm lần, vì lời nói của họ không đúng với việc làm, hoặc không làm những gì đã hứa.

Đức Phật dạy rằng lời nói và việc làm phải đi đôi với nhau, tức nói những gì đã làm và làm những gì đã hứa. Sáng nay, một Ni sư đến thỉnh tôi đi giảng, tôi từ chối, vì hứa thì phải làm. Tôi nói những năm trước, ở đâu mời giảng, tôi cũng đi, không tính gần xa, nhưng ngày nay, không đi vì lý do đi giảng cho chùa này mà không đi nơi khác thì thấy mình thiếu công bằng, còn đi hết thì không kham. Tôi chỉ còn giảng ở chùa Phổ Quang là nơi duy nhất tôi đến thăm hàng tháng.

Hứa thì phải giữ đúng. Vì vậy, không lượng sức mình mà hứa rồi không làm thì bị ghép vô tội dối gạt người, tức là biết làm không được, nhưng cứ hứa đại, cho nên uy tín bị giảm lần cho đến mất hết, không còn được ai tin nữa thì không còn đất sống. Trời đất rộng mênh mông, nhưng không có chỗ sống cho những ai làm mất lòng tin của mọi người.  Cũng tương tự như vậy, nhiều chùa không có thầy tu ở, nhưng có nhiều thầy tu không có chùa ở. Tại sao? Đương nhiên chùa cần người tu, nhưng không vô ở được vì là người nhiều lỗi lầm. Trong Phật giáo thường ví rằng biển rộng dung chứa tất cả các loài, nhưng biển cả không bao giờ chứa tử thi, xác chết cùng với rác rưởi luôn bị sóng đẩy tấp lên bờ.

Vì vậy, ta nên cân nhắc theo Phật dạy, nói những gì sẽ làm và làm những gì đã hứa thì chúng ta có vị trí trong xã hội, có được niềm tin đối với người, đó chính là đất sống của chúng ta, sống trong lòng người quý mến ta.

Đức Phật xuất gia từ bỏ tất cả, nhưng Ngài còn trái tim nhân từ thương tất cả mọi người, mọi loài. Chính tình thương bao la vô bờ bến của Đức Phật đã cảm hóa mọi người một cách sâu sắc khiến họ tự nguyện tôn thờ Ngài, đem Ngài vào lòng và tôn kính lễ lạy Ngài. Thật vậy, Phật Niết-bàn đã mấy ngàn năm, nhưng Ngài có trái tim nhân từ bao la đối với chúng ta, nên mọi người trên khắp năm châu bốn biển còn nghĩ nhớ đến Phật và tu theo Phật, áp dụng lời Phật dạy trong cuộc sống; đó là điều quan trọng mà chúng ta phải suy nghĩ.

Lòng nhân từ hay nói cách khác là lòng trắc ẩn phát xuất từ sâu kín trong lòng người. Lòng thương của Phật, Bồ-tát tiềm ẩn bên trong hoàn toàn chân thật, vô ngã, vị tha, khác với lòng thương giả dối của phàm phu ở trên đầu môi chót lưỡi. Giáo sư Hoàng Xuân Hãn đã nhận định rằng lòng nhân từ của các vua nhà Lý không phải là lòng thương của các nhà làm chính trị. Người làm chính trị tỏ ra thương người, nhưng họ có hậu ý khác, cho nên trước khi ứng cử, họ thường làm những việc từ thiện tỏ vẻ gần gũi, giúp đỡ người. Hay tệ hơn, thực tế cho thấy có người làm tốt nhưng hàm chứa bên trong điều ác. Hãy coi chừng bất nhân nằm bên trong nhân từ, người đời gọi là thả mồi để câu cá, tức là cho ăn để lợi dụng, hay để giết người.

Lòng nhân từ của các vua nhà Lý do Phật giáo un đúc, đó là phản ứng tự nhiên, thấy người bị nạn thì giúp đỡ. Trong kinh Bát đại nhân giác, Phật dạy: “Bậc Bồ-tát ra tay bố thí, bình đẳng tâm không nghĩ oán thân…”. Bình đẳng tâm là gì? Ta quên họ là người oán hay người thân, quên họ là người tốt hay người xấu, chỉ nghĩ rằng họ đang bị nạn thì phải cứu.

Lòng nhân từ phát xuất từ đáy lòng, từ trái tim, nằm ngoài thiện ác. Đối với Phật tử, ban đầu lòng nhân từ có chia ra thiện và ác, việc thiện ta làm, việc ác ta tránh. Và từ thiện ác này, chúng ta nghĩ người thân thì mình cưu mang giúp đỡ, người thù thì phải trừ; cho nên người thân sai lầm, chúng ta cũng che giấu; người thù có làm tốt mình cũng dẹp. Như vậy, lòng nhân từ lần lần biến thành ác.

Trên bước đường tu, chúng ta đừng để tâm tốt lâu ngày biến dạng thành xấu. Ai mới tu cũng có tâm tốt, nhưng một thời gian sau thì tâm tốt bị thay đổi. Một Phật tử thích làm từ thiện đến thăm tôi và nói rằng không làm từ thiện nữa, từ tâm tốt giúp người nghèo đổi thành tâm xấu ghét người nghèo, nói họ tham lam, ích kỷ. Tôi bảo rằng tại họ tham lam ích kỷ nên mới nghèo, nhưng nghĩ lại, họ như vậy là vì một phần do anh giúp. Việc gì cũng có hai mặt, nếu biết thì từ xấu chuyển hóa thành tốt, ngược lại, lòng nhân từ của ta mà chuyển thành xấu thì nguy hiểm. Bên ngoài thấy tốt, nhưng ẩn tâm xấu bên trong thì việc làm trở nên xấu.

Hồi nhỏ, đọc câu chuyện làm tôi suy nghĩ . Có một ông thầy đi ngang cây cổ thụ, một đứa trẻ rắn mắt ngồi trên cây, chờ ông tới thì tiểu trên đầu ông. Điều này cũng nói lên thời kỳ Phật giáo xuống thấp, xem thường ông thầy tu đến mức như vậy. Ông thầy tu kêu đứa bé xuống và cho nó hai quan tiền. Thằng nhỏ lấy làm lạ, tiểu lên đầu mà lại cho tiền, nó đâu biết đó là ông thầy tu ác. Thằng nhỏ được cho tiền như vậy, nên sau đó nó thấy ông quan đi ngang, nghĩ rằng chắc ông này giàu, mình tiểu lên đầu ổng thì ổng sẽ cho tiền nhiều hơn; nhưng chuyện gì xảy ra thì ai cũng biết. Coi chừng cái tốt ẩn cái xấu là mượn tay người khác để giết người. Lòng thương người, lòng trắc ẩn thì khác. Nếu thầy này tốt thiệt thì phải dạy thằng bé, thậm chí đánh đòn nó để nó hiểu rằng nó đã làm lỗi, sau không được phạm lỗi như vậy.

Hoặc câu chuyện tiền thân Phật tu làm Sa-môn hiền lành, muông thú thường tới vây quanh Ngài. Một hôm, Ngài rời bỏ nơi này đi giáo hóa nơi khác, muông thú đến với Ngài như thường lệ thì Ngài đánh đuổi chúng. Người ngoài trông thấy nói ông thầy này ác. Phật nói rằng vì Ta thương mà đánh đuổi chúng, để khi Ta rời nơi này, người khác tới mà chúng không biết, cứ tưởng là họ hiền lành thương yêu chúng như Ta đã từng săn sóc chúng bằng tình thương, thì chúng đến gần sẽ bị những người ác sát hại.

Đôi khi có thể hành động bên ngoài ác, nhưng thực sự việc làm phát xuất từ lòng thương bên trong. Vì vậy, người Việt có câu nói thương cho roi cho vọt, ghét cho ngọt cho bùi. Trên bước đường tu, chúng ta nên nhớ ý này. Có người tốt, nhưng ta phải cẩn thận với cái tốt đó, vì nó chứa đựng ẩn ý xấu. Trái lại, người dám chỉ điều dở để giúp chúng ta đi lên, đó là người tốt.

Đức Phật thương tất cả chúng sanh và Ngài có phương tiện hoàn hảo để điều phục chúng ta trở thành người tốt. Mục tiêu của Phật là muốn làm cho tất cả mọi người được an vui, giải thoát, lên Niết-bàn. Vì vậy, khi Phật thành đạo ở Bồ-Đề Đạo Tràng, Ngài muốn nhập Niết-bàn, vì nghĩ rằng pháp mà Ngài tu chứng nói cho người thì họ khó nghe, khó hiểu, khó chấp nhận, khó làm. Nhưng sau cùng, vì lòng từ bi vô hạn của Phật mà Ngài xả bỏ vị trí tối tôn để trở lại con người bình thường nhằm gần gũi và dìu dắt mọi người, trước tiên là Phật độ năm anh em Kiều Trần Như.

Thực tế cho thấy con đường từ Bồ-Đề Đạo Tràng đến Lộc Uyển khá xa, Phật phải mất một thời gian dài mới đến độ họ được. Tuy nhiên, tôi trao đổi với các vị cao tăng, họ đều nghĩ rằng nếu thực sự Phật lặn lội đi thuyết pháp từ nơi này sang nơi khác thì chắc chắn rằng Ngài không có khả năng làm nổi. Phải có điều gì đó mà chúng ta chưa hiểu được. Thật vậy, chúng ta thử nghĩ xem từ vị trí thái tử Sĩ Đạt Ta được nuông chiều và thông minh xuất chúng, ai cũng mơ mà không được, nhưng Ngài từ bỏ một cách dễ dàng cuộc sống nhung lụa để ôm bát lang thang khất thực, sống chung với đám ăn mày; đó là điều lạ không hiểu được và chúng ta không ai làm được việc này.

Ngày nay, chúng ta thường nói rằng nghèo khổ đi tu thì dễ, nhưng nghèo khổ mà bố thí thì khó và giàu sang bỏ đi tu cũng khó. Vì vậy, rõ ràng Phật ưa làm chuyện khó làm, chỉ vì thương chúng ta, muốn độ chúng ta mà Ngài làm. Trong trái tim Phật, trong con người Phật có cái gì mà ông Ca Lưu Đà Di là tướng cũng theo Phật để tìm hiểu xem cuộc sống của Phật, suy nghĩ của Phật như thế nào, Ngài có lòng thương người thực hay không, hay là Ngài muốn làm điều gì. Trong suốt cuộc đời giáo hóa độ sanh của Đức Phật đã cho chúng ta nhận ra rằng Phật làm như vậy là để thức tỉnh mọi người đừng vì danh vọng, quyền lợi mà tạo tâm ác, tội ác.

Đức Phật từ bỏ vị trí cao sang, chúng ta học được từ Ngài điều gì. Thực tế cho thấy những người mưu mô, xảo trá, tính toán hơn thiệt thì trong một đời người không trọn. Còn Phật từ bỏ tất cả vinh hoa phú quý để trở thành bậc Thầy vĩ đại của trời người, đó là bài học kiểu mẫu giúp chúng ta có tấm lòng thanh thản.

Riêng tôi, trong thực tế cuộc sống, nhìn thấy người giàu có, quyền thế nhất, nhưng khổ nhất; vì họ không có thì giờ ăn nghỉ, không có thì giờ nuôi dưỡng tinh thần thăng hoa, không làm được những việc có ý nghĩa cho cuộc sống này và cho kiếp lai sanh. Rõ ràng tham vọng con người càng lớn, tội lỗi càng sâu, nghiệp chướng càng dày.


Phật Niết-bàn đã mấy ngàn năm, nhưng Ngài có trái tim nhân từ bao la
đối với chúng ta, nên mọi người trên khắp năm châu bốn biển còn nghĩ nhớ đến Phật

Theo Phật, chúng ta sẵn sàng từ bỏ vật chất, nhưng bỏ hết mà chúng ta có mất hay không. Đầu tiên, tâm chúng ta được nhẹ nhàng, không bị ràng buộc, khổ sở, nhưng nhìn xa để hiểu bỏ tất cả để được tất cả như Phật là gì. Thực tế cho thấy công tu hành của Phật và việc làm của Phật đạt được kết quả là được lòng người, từ người nghèo đến người giàu, từ nhân gian đến quỷ thần hay thiên thượng, tất cả đều kính ngưỡng Phật trải qua thời gian dài hơn 25 thế kỷ. Rõ ràng cái được của Phật lớn lao vô hạn.

Học Phật như vậy và nghiệm lại bước đường tu của chúng ta đã được cái gì và xa hơn, việc tốt của chúng ta đã gieo vào lòng người thì khi sanh tiền, được người quý trọng và chết để lại cho đời tiếng tốt và mang đi cho kiếp tái sanh. Như Phổ Hiền đã dạy những gì không mang theo được thì dại gì làm. Đức Phật cho biết từ khi Ngài phát tâm Bồ-đề đến cuối cùng thành Phật, Ngài đã trải qua vô số kiếp làm tất cả những việc tốt, tức thể hiện lòng nhân từ đối với chúng sanh, không có chỗ nào nhỏ bằng hạt bụi mà Bồ-tát không xả thân cứu giúp chúng sanh. Nói cách khác, Phật thể hiện đầy đủ tâm đại bi, tu đủ lòng nhân từ thì người nghịch hay thuận đều thương quý Ngài.

Khi Phật thành đạo ở cội bồ-đề, Ngài nhớ kiếp xa xưa Kiều Trần Như là ác vương đã móc mắt, lóc thịt Ngài. Phật mới khởi tâm thương ông mà đi đến Lộc Uyển độ ông. Phật giáo Nam tông cũng nói như vậy. Không phải Phật lặn lội đi đến Lộc Uyển, nhưng đắc đạo, Phật đi bằng thần thông. Đến độ Kiều Trần Như, Phật khởi tâm bình đẳng, vì ông hại Ngài là nợ Ngài thì Ngài nói, ông dễ nghe. Thực tế chúng ta thấy điều này, người tốt với mình thì họ thường tìm xem mình có gì không tốt hay không; nhưng nếu mình gặp lại người ác thì lại thấy họ dễ thương. Theo kinh nghiệm tôi, khi thấy người sợ mình thì biết kiếp trước họ đã làm không phải với tôi, nên tôi nói họ dễ nghe và chờ tôi nói.

Khi Kiều Trần Như thấy Phật tới và Ngài nói với ông bằng tâm từ, ông cũng tiếp nhận được tâm từ của Phật, liền đắc quả La-hán. Điều này nói lên rằng những người này đời trước từng kết duyên với Phật, dù nghịch duyên hay thuận duyên và chính nghịch duyên dễ làm chúng ta phát tâm.

Phật giáo hóa chúng ta bằng tâm từ. Vì thế, Phật Niết-bàn, không còn hiện hữu trên cuộc đời này, nhưng lòng nhân từ của Phật vẫn còn, nên Phật vẫn thuyết pháp cho chúng ta được. Nếu chúng ta có nhân duyên với Phật thì tự nhiên mình nghĩ đến Phật, nên Phật thuyết pháp  bằng tâm, giữa tâm Phật ngang qua tâm mình, khiến mình phát tâm hành Bồ-tát đạo. Thật vậy, trực nhận tâm từ của Phật thì tâm mình tự sáng và mình cũng có tâm từ, đối xử với người khác bằng tâm từ bi, nên mình cũng cảm hóa được người.

Đức Phật ngồi ở Bồ Đề Đạo Tràng, Ngài đắc đạo và bằng tâm nhân từ đi thẳng vào tâm của Kiều Trần Như. Lịch sử nói rằng Kiều Trần Như muốn tránh mặt Phật, nhưng ông quay phía nào cũng thấy Phật, vì Phật đã ở trong tâm ông rồi. Ông tránh mặt Phật, vì xấu hổ, nhưng Phật vào tâm ông rồi, không tránh được.

Theo kinh nghiệm của tôi, thuở nhỏ siêng năng lạy Phật và cảm nhận ở đâu cũng có Phật, nhìn lên bầu trời cũng thấy Phật, nhìn núi rừng cũng thấy Phật xuất hiện. Tôi nhận ra ý là Phật đã vào tâm mình, tâm mình nhận được lòng từ của Phật, nên lòng từ của Phật sanh trong chúng ta, giúp ta giáo hóa chúng sanh thành công. Còn nói khôn dại thì không ai hơn ai.

Nho giáo và Phật giáo đều dạy rằng phải cố gắng gìn giữ niềm tin của người đối với mình, ta hứa làm việc gì thì phải làm. Và phải trở thành người tốt thì sau mới làm được việc, còn cách sống của ta mà bị người phê phán là không có nhân từ, thì họ không chấp nhận và tránh xa mình. Đó là khởi đầu tu của đạo Phật và đạo Nho có hai điều này giống nhau.

Triển khai lòng nhân từ của Phật, Ngài đưa ra vô số phương tiện. Tôi thấy người chuyên tu Tịnh độ nói rằng trong mười phương, Phật Di Đà lớn nhất, nên nhất định theo Phật Di Đà, không theo Phật nhỏ. Theo tôi, đối với người thuộc tầng lớp nào thì Phật dùng phương tiện nói như vậy. Đối với tôi, không có Phật lớn, Phật nhỏ. Có người nói Phật Thích Ca còn niệm Phật Di Đà. Nhưng trong kinh Di Đà, Phật Thích Ca nói sáu phương Phật đều xưng tán Phật Thích Ca, nghĩa là khen Phật Thích Ca. Chúng ta học Phật là học khen, không chê. Các Phật khen nhau, Phật Thích Ca cũng khen Phật Di Đà và Ngài nói khi Ngài khen Phật Di Đà thì mười phương Phật cũng khen Ngài: “Hay thay, Thích Ca, Ngài đã thành tựu Vô thượng Bồ-đề trong đời ngũ trược, kiếp trược, kiến trược, phiền não trược, chúng sanh trược, mạng trược mà vì chúng sanh nói pháp chân thật và khai phương tiện dìu dắt chúng sanh ra khỏi Nhà lửa tam giới, thật là hy hữu”.

Tôi nghĩ rằng mỗi vị Phật thị hiện ở chỗ này hay chỗ khác và tùy theo căn tánh hành nghiệp của chúng sanh nơi đó mà giáo hóa tương ưng. Thế giới của Phật Di Đà thuần các Bồ-tát và các Bồ-tát Nhứt sanh bổ xứ cũng ở đây, đó là cách làm của Phật Di Đà mà Đức Thích Ca giới thiệu mô hình kiểu mẫu này để chúng ta làm theo.

Đức Thích Ca giới thiệu khi Đức Di Đà còn làm vua tên là Vô Tránh Niệm, Ngài không có ý niệm tranh chấp. Nghe Phật dạy như vậy, chúng ta tu hành muốn về Cực Lạc, tất yếu không tranh chấp hơn thua phải trái. Phật giới thiệu hành trạng của Phật Di Đà cho chúng ta làm theo, nhưng ít ai nghĩ đến ý này, mà cứ nghĩ chỉ niệm Phật để về Phật. Đầu tiên, dứt hết niệm phải trái trên cuộc đời. Làm vua, nhưng Ngài bỏ ngôi vua đi tu. Muốn tu theo Phật Di Đà, nên lập hạnh này. Tôi tu Tịnh độ là học như vậy.

Tu Tịnh độ, Di Đà làm vua Vô Tránh Niệm mà bỏ ngôi đi tu. Kế đến, Ngài đem hết Phật pháp vào lòng, đem ba tạng kinh điển vào lòng mình. Nghĩa là Ngài học không biết mệt mỏi, học để tăng trưởng hiểu biết. Như vậy, việc thứ hai của tu Tịnh độ là học. Chúng ta muốn sanh Tịnh độ thì phải đồng hạnh đồng nguyện với Phật Di Đà, còn khác thì làm sao ở chung được.

Khi học hết giáo nghĩa, mở tầm kiến thức cao nhất, Ngài đổi tên thành Pháp Tạng Tỳ-kheo. Nghĩa là Phật Di Đà là kho pháp bảo của chư Phật và được như vậy rồi, Ngài mới học thêm bằng cách đi mười phương, ngày nay là đi du học. Tất cả các vị cao tăng, danh tăng, chúng ta đến tham vấn, học hỏi, đó là chúng ta tu Tịnh độ. Phật Di Đà từng làm như vậy; nói rõ hơn là các Phật tu thế nào, xây dựng quốc độ thế nào thì Phật Di Đà tổng hợp tất cả Tịnh độ của mười phương Phật để xây dựng Cực Lạc.

Nhưng muốn làm nên Cực Lạc, đầu tiên Ngài phải quy tụ các thượng thiện nhân là Bồ-tát Nhứt sanh bổ xứ tập hợp về. Điều này chúng ta nên học, có nghĩa là chỗ có người tài giỏi, đạo đức, siêng năng thì nơi đó sẽ trở thành văn minh, sỏi đá cũng biến thành cơm, chính những người này xây dựng Cực Lạc.

Trong kinh Vô lượng thọ ghi nhận Phật Di Đà có hành trạng như vậy, chúng ta thực tập theo để chúng ta đồng hạnh đồng nguyện với Ngài, đó là niềm hy vọng cho chúng ta được sanh về Cực Lạc.

Hoặc đọc kinh Di Đà thấy hành giả nhứt tâm bất loạn chấp trì danh hiệu thì được về Cực Lạc. Nghĩa là chúng ta tu hành đạt được nhứt tâm thì quán chiếu được Cực Lạc, hay Cực Lạc hiện vào lòng ta, bấy giờ dù ta và Cực Lạc cách xa mười muôn ức, nhưng thông một cõi; đó là thế giới tâm rất kỳ diệu.

Phật Thích Ca dạy rằng Cực Lạc ở ngay Ta-bà, nếu tâm chúng ta đạt đến Cực Lạc là Cực Lạc hiện vào tâm. Còn tâm chúng ta Ta-bà đau khổ thì cảnh giới địa ngục hiện ra. Tâm Cực Lạc hiện là cảnh giới Cực Lạc hiện. Vì vậy, kinh nói rằng khoảng thời gian về Cực Lạc nhanh hơn là co duỗi cánh tay, ngày nay nói là nhanh hơn ánh sáng. Từ đây về Cực Lạc trong chớp mắt.

Tóm lại, trên bước đường tu theo Phật, phát xuất của chúng ta là bằng mọi cách có được lòng nhân từ của Phật và sử dụng được lòng nhân từ thì sẽ cảm hóa được người và tâm từ của chúng ta phát triển rộng đến vô biên thế giới. Chỗ nào có chúng sanh, tâm chúng ta cũng tới và thế giới nào của Phật chúng ta cũng tới được, hoặc thế giới Cực Lạc của Phật Di Đà, hay thế giới Tịnh Lưu Ly của Phật Dược Sư, hay thế giới của Phật Đa Bảo, v.v… Cầu mong tất cả mọi người được Phật gia hộ, bỏ huyễn thân này được trở về cảnh giới theo sở cầu của mình.


HT.Thích Trí Quảng

Các tin đã đăng: