Có thể nói Phật giáo vừa là một nền triết
học, vừa là một tôn giáo, lại vừa là một hệ thống giáo dục.
Là một nền triết học vì các hệ thống tư tưởng trong
nền triết học này có thể đánh đổ mọi quan niệm tư tưởng của các nền triết học
khác từ phương Đông sang phương Tây, tử cổ chí kim về những quan niệm cơ bản về
vũ trụ quan và nhân sinh quan.
Là một tôn giáo vì nó đã đem lại cho một bộ phận loài
người có niềm tin tín ngưỡng mãnh liệt và sâu xa để vun trồng cuộc sống tốt đẹp
hơn.
Là một nền giáo dục vì tất cả các tư tưởng, giáo lý,
kinh luận của đạo Phật có tác dụng giáo dục con người ta sống với chân thiện
mỹ, với từ bi và trí tuệ để đem lại hạnh phúc và an lạc cho mình và cho tất cả
mọi người.
Hệ thống tư tưởng và giáo lý ấy của đạo Phật có rất
nhiều, đã đề cập đến mọi sự vật và hiện tượng, đến thế giới và chúng sinh. Ở
đây ta hãy khảo sát một số vấn đề cơ bản sau đây có liên quan đến tư tưởng Bát
Nhã khi nghiên cứu Bát Nhã Tâm Kinh. Tất nhiên giáo lý của đạo Phật còn nhiều
yếu lĩnh khác cần phải được để cập khi đi sâu vào nội dung cụ thể từng phần của
Bát Nhã Tâm Kinh.
1. Về quan
niệm không gian và thời gian trong Phật giáo:
+ Trước hết
nói về không gian : Phật giáo quan
niệm không gian là vô cùng vô tận, vô thủy vô chung, không có bắt đầu, không có
kết thúc. Con người ta hiện nay đang sống trong một không gian trong đó quả đất
là một trong những hành tinh của hệ thống thái dương hệ. Với khoa học hiện nay,
các nhà khoa học mới chỉ đang khảo sát những vệ tinh và hành tinh trong hệ
thống này như mặt trăng, sao hỏa, sao kim…chưa ra ngoài hệ thống thái dương hệ.
Còn Phật giáo thì cho rằng loài người chúng ta đang sống trong một Thế giới nhỏ mà thái dương hệ chỉ là
một bộ phận.
Phật giáo cho rằng một nghìn Thế giới nhỏ ấy hợp lại thành một Tiểu thiên thế giới, một nghìn Tiểu
thiên thế giới hợp lại thành một Trung
thiên thế giới, một nghìn Trung thiên thế giới hợp lại thành một Đại thiên thế giới. Như vậy một Đại thiên thế giới gồm có 1.000
triệu thế giới nhỏ, tức là một tỷ thế giới nhỏ mà ta đang sống. Thế giới Ta Bà
của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni là một Đại thiên thế giới trong vô số Đại thiên
thế giới, nhiều không thể kể hết được. Cõi Cực Lạc của đức Phật A Di Ðà cách
đây mười vạn ức (10 tỷ) đất Phật. Nếu đi bằng tốc độ ánh sáng, (300.000
km/giây) thì phải đi mất 150 năm ánh sáng. Như vậy, Phật giáo quan niệm Không
gian là vô cùng vô tận, vô thủy vô chung, mênh mông rộng lớn. Trái đất mà loài
người đang ở chỉ có thể là một hạt cát bé nhỏ trong vô lượng hạt cát sông Hằng
của vô lượng Đại thiên thế giới trong vũ trụ.
+ Về thời
gian: Phật giáo cũng quan niệm thời
gian là vô thủy vô chung, không có bắt đầu và không có kết thúc. Ta hãy cho
rằng con người ta sống nhiều lắm là 100 năm. Trên thực tế, theo tài liệu của Liên
Hiệp Quốc năm 2010, đời sống bình quân của con người trên thế giới là 71 năm,
của nước Việt Nam ta là 75 năm, của Thái Lan là 69,3 năm, của Nhật Bản là 83
năm, của Philippine là 72,3 năm v.v…thì cái thời gian sống ấy của loài người
cũng chỉ rất ngắn ngủi so với chuỗi thời gian vô cùng vô tận của các kiếp. Nếu thời
gian sống một ngày của chư thiên trên cõi Thiên được xem bằng 100 năm sống của
con người ta thì thời gian trên các cõi Phật khác lớn hơn rất nhiều. Kinh Hoa
Nghiêm trong Phẩm Thọ Lượng, nói rằng một kiếp ở cõi Ta Bà của Ðức Thích Ca
bằng một ngày đêm ở cõi Cực Lạc của Đức Phật A Di Đà. Theo kinh Vô Lượng Thọ thì ở vô lượng vô số kiếp về
đời quá khứ lâu xa có Đức Phật xuất thế hiệu là Thế Gian Tự Tại Vương Như Lai
thuyết giảng đạo lý. Có một vị vua tên là Thế Nhiêu, sau khi nghe Đức Phật Thế
Gian Tự Tại Vương Như Lai thuyết pháp thì lập tức giác ngộ và từ bỏ ngai vàng
mà đi theo Phật lấy pháp danh là Pháp Tạng và đã thành Phật, hiệu là A Di Đà
cách ngày nay một khoảng thời gian là một a tăng tỳ kiếp. Với quan niệm này, 16
triệu 800 ngàn năm là một tiểu kiếp, 20 tiểu kiếp bằng 1 trung kiếp, 4 trung
kiếp (thành, trụ, hoại, không) bằng một đại kiếp, một a tăng kỳ
kiếp là 10140 đại kiếp (10 lũy thừa 140 đại kiếp) .
Như vậy thời gian ở các cõi đều khác nhau. Trong dân
gian có câu chuyện Cái rìu của người tiều
phu, truyện kể rằng một người tiều phu vào rừng đốn củi. Vì mệt ông để lại
chiếc rìu dưới gốc cây, đi tản bộ và dần dần đi sâu vào trong rừng. Ông bỗng
thấy hai cụ già đang ngồi đánh cờ dưới gốc cây, bên cạnh một túp lều nhỏ. Ông
tiều phu thích đánh cờ và đánh rất giỏi. Ông đứng bên cạnh xem hai ông gìa đánh
cờ, hai cụ mời ông ngồi xuống đánh. Tất nhiên ông nhận lời, ngồi xuống và bắt
đầu ra quân. Ðánh được một lúc, chưa phân thắng bại, ông bỗng nhớ đến gánh củi
nên cần phải về sớm để bán kẻo trễ. Khi ra đến bìa rừng, tìm lại gốc cây thì thấy cái cán
rìu đã mục nát. Về đến nhà, thấy cảnh vật đều đã thay đổi. Sau một thời gian
tìm kiếm tông tích gia đình, ông mới biết rằng ông bà cha mẹ, và vợ con của ông
đã chết cách đây cả trăm năm! Một câu chuyện dân gian khác kể rằng : Hai chàng Lưu Thần và Nguyễn Triệu người Diễm Khê, đời
Đông Hán, nhân tiết Đoan Ngọ, vào núi Thiên Thai hái lá thuốc, gặp hai tiên nữ
và ở lại. Ở trong núi được nửa năm, Lưu Nguyễn xin trở về nhà. Đến nơi thì trần
gian đã qua bảy đời người. Sau đó, hai người trở lại Thiên Thai thì không còn
tìm thấy dấu vết nữa. Các nhà khoa học hiện nay cũng đã có thuyết nói về sự
khác nhau của thời gian. Đó là thuyết tương đối.
Vì vậy, vể mặt thời gian, đạo Phật cho rằng cuộc sống
của con người dù dài hàng trăm năm cũng chỉ dài như một sát na. Sát na là đơn
vị đo thời gian nhỏ nhất của Phật giáo nó chỉ bằng cái gảy móng tay hay như là
một hơi thở nhẹ. Và như vậy chuỗi ngày tháng sống trong một đời người trên trần
thế dưới hình hài một thân sác con người bằng xương bằng thịt thật là rất ngắn
so với toàn bộ các kiếp sống của người ấy trong quá khứ và trong tương lai của
họ. Và như vậy đời người thật là ngắn ngủi, còn thời gian là vô thủy vô chung,
không bắt đầu và không kết thúc.
2. Lý thuyết
Duyên sinh hay duyên khởi :
Trong bài kinh Nhân
Duyên của bộ kinh Trung A-hàm, Phật dạy rằng: “Ai hiểu thấu được lý nhân duyên
thì người đó sẽ thấy đạo”.
Nếu chúng ta nghiền ngẫm kỹ, sẽ thấy lý nhân duyên là nguồn gốc để tiến lên
tinh thần Bát-nhã sau này.
Chẳng những lý
nhân duyên phát sanh ra hệ Bát Nhã, mà cũng chính lý nhân duyên này phát sanh
ra hệ trùng trùng duyên khởi. Trong kinh Hoa Nghiêm nói rằng: “Tất cả pháp trên
thế gian liên hệ chằng chịt với nhau, lớp này đến lớp khác, đó là nhân duyên
hay duyên sinh, duyên khởi”.
Đạo Phật quan niệm rằng tất cả mọi sự vật trên trần
thế và trong vũ trụ này đều do các duyên tạo nên mà thành. Ai nghiên cứu Phật giáo cũng đều biết rằng tinh hoa của
Phật pháp chỉ tụ tại một điểm này. Ðó là duyên khởi, cũng gọi là duyên sinh hay
nhân duyên sinh. Lời Phật dạy không lỗi thời.
Từ hơn hai ngàn năm trăm năm tới giờ, những lời Phật dạy đều là chân lý,
là sự thật. Ví dụ Phật dạy các pháp do nhân duyên sinh, ngày nay có ai bác được
lý này không? Mọi sự thành công thất bại đều do nhân và quả. Nhân tốt sẽ được
quả tốt là thành công, nhân xấu bị quả xấu là thất bại. Đó là lẽ thật không
chối cãi được. Như có hai hạt đỗ, một hạt để trên bàn, một hạt vùi xuống đất
ẩm.
Do có duyên đất ẩm, hạt đỗ nảy mầm, rồi do duyên vun trồng chăm sóc của
người nông dân, do có duyên gặp nước và ánh nắng mặt trời, hạt đỗ trưởng thành
thành cây, ra hoa kết quả. Còn hạt đỗ để trên bàn không có đủ duyên như đất ẩm,
nước, ánh nắng mặt trời và công chăm sóc thì không trở thành cây và ra hoa kết
quả được. Mọi vật trên đời đều do duyên tạo nên: Một quyển vở mà ta viết cũng
là do nhiều duyên tạo thành như phải có các cây có chất sợi được bàn tay con
người đưa về, gia công bằng công nghệ gồm tri thức của người sáng tạo, máy móc,
điện, nước, sức nóng mới thành bột giấy rồi seo ra giấy, tiếp theo là đóng
thành quyển vở. Nếu không có những duyên trên thì không thành quyển vở. Ngôi
nhà cũng vậy, nếu tách bỏ các duyên hợp thành ngôi nhà như gạch, cát, đá, thép,
gỗ, xi măng, công thợ và người thiết kế thì không thành ngôi nhà được. Con
người cũng vậy, con người là do các duyên như tinh cha huyết mẹ và thần thức
hợp lại nên thành thai và được nuôi dưỡng bằng tứ đại qua thức ăn, nước uống,
hơi thở và sức ấm của người mẹ. Đến khi lớn lên, già bệnh rồi chết, thân tứ đại
rã rời, không còn con người ta nữa. Như vậy, tất cả cái gì mà ta thấy hiện hữu
đều không có tự thể, nghĩa là tự nó không có, mà đều do các duyên hợp lại mà
thành, khi không còn duyên nữa thì nó không còn tồn tại nữa.
Tất cả những ví
dụ trên mới chỉ là lớp nhân duyên thứ nhất. Lớp thứ hai, ví dụ người ta hỏi người
thợ mộc làm nhà rằng gỗ, bào, đục, đinh từ đâu có? Nếu hỏi nguyên liệu để làm
giấy từ đâu mà có, thì phải xét đến nhiều duyên mới hợp thành các loại cây có
sơ sợi, phải có nhiều duyên mới hình thành cỗ máy làm giấy. Và nếu xét đến cùng
thì sự liên hệ đó trùng trùng điệp điệp, không thể nào nói một hai chặng mà hết
được. Vì vậy mà gọi là trùng trùng duyên khởi. Đã là trùng trùng duyên khởi thì
giữa chúng ta và mọi người, mọi sự vật đều có liên hệ với nhau.
Con người ta có áo
mặc, có cơm ăn, có xe cộ đi lại, thì phải liên hệ với biết bao nhiêu người làm
ra những thứ ấy. Trên thế gian này vạn vật đều tương quan, con người hay nói
chung là chúng sinh đều tương quan, vì vậy người ta ai cũng đều mang nợ nhau hết,
ai cũng có công đóng góp cho mình. Do đó mọi người không tách rời nhau được. Vì
thấy được sự liên hệ trùng trùng duyên khởi, nên với tâm Bồ Tát, mọi người đều
là ân nhân của mình.
3. Vô ngã
(không có cái ta):
Chính vì mọi sự vật là do duyên khởi, kể cả con người,
nên không có những cái duyên ấy kết hợp thì không còn cái ta (ngã) nữa. Vì vậy
tất cả là vô ngã (không có cái ta).
Vô ngã ở đây không chỉ biểu hiện ở con người, ở chúng sinh mà ở tất cả các sự
vật và các pháp. Đối với hữu tình thì là nhân
vô ngã, đối với sự vật và các pháp là pháp
vô ngã.
Con người hay nói rộng hơn là chúng sinh nói chung,
không có biết bao nhiêu duyên hợp lại mới hình thành con người. Con người được
sinh ra, lớn lên, bệnh tật rồi chết, không tồn tại nữa. Bản thân con người
không tự nó sinh ra, không có tự thể mà phải do tinh cha huyết mẹ và thần thức
hợp lại và được nuôi dưỡng lớn lên rồi chết đi, khi chết thì không còn tồn tại
cái ta nữa. Nên nói con người hay chúng sinh là vô ngã. Đó là nhân vô ngã.
Ta nhìn một cái bát ăn cơm, nó là không có tự thể,
nghĩa là nếu không có đủ duyên như đất sét, kỹ thuật của con người, máy móc,
bàn tay khéo nặn và khéo vẽ, lửa trong lò nung v.v… thì không thể thành cái bát.
Bản thân cái bát không tự nó có và không tồn tại lâu dài vĩnh cửu, do đó nó
không có tự thể, đó là pháp vô ngã.
Bất cứ vật gì trong cuộc sống mà ta có thể sờ mó được đều là vô ngã vì vật đó
bản thân nó không tự có mà phải do các duyên khác tạo thành. Vậy thế giới sự vật và chúng sinh cũng
không có tự thể, nghĩa là đều vô ngã.
4. Vô
thường:
Ngoài ra sự vật và con người hay nói rộng ra thế giới
và chúng sinh còn chịu sự thay đổi liên tục theo thời gian theo từng sát na, mỗi
giờ một khác, mỗi ngày một khác, không bao giờ đứng yên một chỗ, không bao giờ
không thay đổi. Đó là lẽ vô thường.
Cái hiện thực của lát giây trước, không phải là cái
hiện thực của lát giây sau. Con người của bản thân ta hôm nay không phải là ta
của ngày hôm qua mà cũng không phải là ta của ngày mai. Một con người cách đây
mấy năm vốn là một đứa trẻ, lớn lên được nuôi dưỡng, được theo học, được truyền
bá kiến thức trở thành nhà bác học, về già thì bệnh tật, chân chậm, mắt mờ,
nghĩa là luôn luôn thay đổi theo lẽ vô thường. Nghĩa là con người cụ thể ấy đều
có biến đổi liên tục theo thời gian theo luật sinh lão bệnh tử. Hôm nay và ngày mai đã khác nhau, thậm chí con
người ấy khác nhau theo từng sát na một. Đó là lẽ vô thường, về con người gọi là nhân
vô thường.
Mọi sự vật trong thế giới này cũng thế, cũng phải chịu
biến đổi theo thời gian. Những công trình kiến trúc lịch sử nguy nga từ nhiều
thế kỷ trước cũng phải chịu biến đổi theo năm tháng, bản thân nó hoặc sẽ bị đổ
vỡ hoặc bị chiến tranh tàn phá hoặc bị chôn vùi dưới đất sâu. Những đồ vật ta
dùng hàng ngày từ quần áo mặc, cái bàn để ngồi viết, cái bát để ăn cơm cũng
chịu biến đổi theo quy luật thành trụ
hoại không nghĩa là biến đổi và không tồn tại vĩnh viễn. Tất cả đều chịu sự
chi phối của lẽ vô thường về các sự vật hay các pháp gọi là pháp vô thường.
Do vậy thế giới và chúng sinh đều chịu sự chi phối của
quy luật biến đổi gọi là lẽ vô thường
5. Học
thuyết Tính Không trong Bát Nhã Tâm kinh:
Nói rõ ra, tất cả mọi sự vật trong đó gồm cả thế giới,
chúng sinh, con người, đều là vô ngã,
tức là không có tự thể, không tự có và không tồn tại mãi mãi. Nó là không,
không đây không phải là không khác với có. Trường phái Bát nhã triển khai lý
luận về hai thứ vô ngã ấy, tức vô ngã về con người, vô ngã về sự vật, và lý lẽ vô thường mà thành lập thuyết tính
không. Đó là tư tưởng chủ đạo trong Bát Nhã Tâm Kinh.
Vì đã do nhân duyên sinh, nên cả thế giới và chúng
sinh hay con người đều không có thực thể, hay nói khác đi là không có tự thể,
không tự mình mà có, thảy đều giả hữu,
đều vô ngã, hết thảy đều không và đều chịu sự chi phối của luật
biến đổi tức vô thường. Không ở đây phải hiểu là không có tự thể, là tính không có tự thể của mọi sự vật hiện
tượng, không đây không phải là không ngược với có. Mà với cái không của tính không ấy, nó vẳng lặng
trong xuốt. Thuật ngữ Phật giáo gọi cái không ấy là Thuấn nhã đa, tức
phiên âm chữ Sùnyatà, dịch và gọi là Tính không.
Hiểu rõ giáo nghĩa tính không thì may ra mới
tạm có một khái niệm tương đối rõ ràng về Bát
nhã. Chỉ khái niệm mà thôi, còn thực
chất ra sao, thì phải tu mới chứng được..
Phật giáo sở dĩ khác với các thần giáo ở một điểm này.
Và ai đã thừa nhận luật duyên khởi hay nhân duyên thì không thể nào thừa nhận
một đấng tạo hóa sáng thế nữa. Người đó trên hình thức, dù có theo đạo Phật hay
không theo đạo Phật, cũng đã là Phật tử trên bình diện tư tưởng rồi. Ngược lại,
dù là tăng sĩ, nhưng không thông suốt duyên khởi, luật luân hồi thì đó cũng chỉ
là ngoại đạo trá hình. Nói thế, cốt để nhấn mạnh vai trò chủ đạo, vai trò tiên
quyết của lý nhân duyên, hay duyên khởi, luật luân hồi trong toàn bộ giáo pháp
Phật. Không có duyên khởi, không có Phật giáo, cũng như không có Bát nhã thì
không có Ðại thừa, như đã khẳng định ngay trong câu mở đầu.
Khi đã thừa nhận duyên khởi thì đương nhiên phải thừa
nhận hai hệ luận gắn liền với duyên khởi, đó là vô ngã và vô thường. Ðã
là vô thường thì tác dụng do nó gây ra là khổ. Còn vô ngã thì đương nhiên các
sự kiện tự nó là không. Không, đây cần nhắc lại, là không có tự thể. Từ những
cái mắt thấy tai nghe, cho đến những cái ý thức suy nghĩ, hết thảy đều không có
tự thể dù chúng đang hiện hữu trước mặt.Ví dụ làm gì có mây nếu không có hơi
nước bốc hơi lên, làm gì có mưa nếu những đám mây không có duyên gặp lạnh, hoặc
làm gì có sóng nếu trong sông hồ ao biển không có nước và trong không trung
không có gió. Tất cả những cái đó tự nó không có tự thể mà phải do các duyên
hợp lại mà thành. Như vậy tính nó là không, không có tự thể.
Đó là vấn đề tính
không trong Phật giáo. Giáo nghĩa tính không bắt nguồn từ đâu? Vị
trí nó trong giáo lý Phật như thế nào?
Ðó là những điều cần nghiên cứu thì may ra mới tạm có một khái niệm
tương đối rõ ràng về Bát nhã. Chỉ khái niệm mà thôi, Còn thực chất ra sao, thì phải tu mới chứng được.
Bát Nhã Tâm Kinh đã sử dụng học thuyết tính không để phủ định tất cả sự vật và
hiện tượng hay nói khác đi là cả thế giới và chúng sinh. Tính không này được vận dụng như thế nào, phần luận giải về Bát Nhã
Tâm Kinh trong các phần dưới sẽ diễn giải cụ thể.
Nhưng cần phải nói thêm, phần trên đây chỉ trình bày
những giáo lý cơ bản của đạo Phật để minh chứng cho phần luận giải Bát Nhã Tâm
Kinh, chứ không thể nào để cập đến hết mọi giáo lý của đạo Phật. Để đi sâu vào
một số giáo lý khác, rất có thể sẽ được trình bày trong phần tìm hiểu nội dung
của Bát Nhã Tâm Kinh.
Phạm Đình Nhân (PGVN)