Vài lời giới thiệu của người dịch: Bài
viết dưới đây của Viện Đại Học Phật Giáo Âu Châu nêu lên một vấn đề
thật căn bản và then chốt trong giáo lý Phật Giáo, đấy là sự tái sinh.
Một số người cho rằng muốn tin vào luân hồi hay sự tái sinh thì cũng
cần phải có một niềm tin nào đó mang tính cách tôn giáo, thế nhưng đối
với người Phật Giáo thì tái sinh là một sự kiện hiển nhiên. Nếu không
có hiện tượng tái sinh thì thế giới này quả là một thế giới hoàn toàn
phi lý.
Thật ra thì bài viết của Viện Đại Học Phật Giáo Âu Châu cũng chỉ
chọn và trích ra một vài đoạn ngắn trong một quyển sách của một học giả
Phật giáo là Didier Treutenaere để gom lại thành một tài liệu nhỏ về
chủ đề trên đây. Theo bài viết cho biết thì hiện nay có một vài học giả
Phật Giáo kể cả một số người tu tập Phật Giáo có khuynh hướng "cải
tiến" Phật Giáo đã chủ trương loại bỏ bớt một số "tín điều" không cần
thiết trong giáo lý có thể đã được thêm thắt trên dòng lịch sử phát
triển của Phật Giáo, và cũng theo bài viết này thì đại diện cho khuynh
hướng "cải tiến" là Stephen Batchelor và Buddhadasa Bhikkhu. Trước khi
đi vào quyền sách, chúng ta hãy điểm qua đôi dòng về hai vị này cùng
nhà phê bình Didier Treutenaere.
Stephen Batchelor sinh năm 1953 tại Tô Cách Lan (Scotland), vùng bắc
nước Anh và khi vừa được 19 tuổi đã tìm đến tận Dharamsala, nơi tạm trú
của Đức Đạt-Lai Lạt-Ma ở Bắc Ấn Độ để tu học Phật Pháp. Trong dịp này
ông may mắn được gặp thiền sư S.N. Goenka sau một khóa tu thiền. Năm 21
tuổi ông được thụ phong tỳ kheo và cũng là một đệ tử thân cận nhất của
vị đại sư Tây Tạng Geshe Rapten. Năm 1981 ông sang Hàn Quốc để học
thiền với một vị thiền sư rất nổi tiếng là Kusan Sunim. Sau đó ông trở
lại Âu Châu tiếp tục tu tập, giảng dạy và nghiên cứu thêm tại các trung
tâm Phật Giáo Tây Tạng quan trọng nhất ở Âu Châu. Ông viết rất nhiều về
Phật Giáo và cũng là một nhà dịch thuật kinh sách bằng tiếng Tây Tạng
và tiếng Pa-li. Trong số các sách của ông thì có quyển "Phật Giáo vượt thoát khỏi các tín điều" ("Le Bouddhisme libéré des croyances", nxb Bayard, 2004. Ấn bản tiếng Anh: "Buddhism without Beliefs",
Ray Inc, 1997) được xếp vào loại sách "bán chạy nhất" (best-seller) và
đã gây ra nhiều tiếng vang, chỉ trích cũng có mà tán dương cũng có.
Vị thứ hai được bài viết xếp vào số những người chủ trương tân tiến
hóa Phật Giáo là vị đại sư người Thái Lan Buddhadasa Bhikkhu
(1906-1993). Ông xuất gia khi vừa được hai mươi tuổi và tu học tại một
ngôi chùa ở thủ đô Bangkok nhưng sau đó thì trở về quê ở miền nam Thái
lan để tu tập một mình. Năm 1956 ông được mời giảng dạy Phật Pháp cho
một khóa đào tạo các thẩm phán Thái Lan, và các bài giảng của ông trong
dịp này đã được gom lại thành một quyển sách nhỏ. Một vị tỳ kheo người
Úc tu học tại Thái Lan đã dịch quyển sách này ra tiếng Anh vào năm
1961 với tựa đề là "Quyển sách cho Nhân Loại" ("The Handbook for Mankind").
Quyển sách này hiện nay rất nổi tiếng, vì cách nay đã nhiều năm thế mà
ấn bản bằng tiếng Thái đã được phát hành trên 100.000 quyển. Ngoài
lãnh thổ Thái Lan ra thì quyển sách này cũng đã được dịch ra nhiều thứ
tiếng khác nhau, và chỉ riêng ấn bản tiếng Anh bán trên Internet qua
Amazone tính đến cuối năm 2011 cũng đã vượt ba-triệu-năm-trăm-ngàn cuốn
và là quyển sách bán được nhiều nhất của "cửa hàng" Amazon hiện nay.
Sau hết là người đã bài bác các quan điểm "cấp tiến" của hai vị trên
đây, và là tác giả của quyển sách mà Viện Đại học Phật Giáo Âu Châu đã
trích dẫn để soạn thảo ra bài viết này. Didier Treutenaere một học giả
Phật Giáo, triết gia và giáo sư đại học, và cũng là một nhân viên cao
cấp của Bộ Giáo Dục Đại Học và Khảo Cứu của nước Pháp. Ông tốt nghiệp
tiến sĩ triết học tại đại học Sorbonne (Paris), là chuyên gia về Phật
Giáo Nguyên Thủy, đã dịch thuật nhiều kinh sách tiếng Pa-li, và cũng là
thành viên của hội Phật Học rất danh tiếng của Thái Lan là Siam
Society (Bangkok). Quyển sách của ông mang tựa đề "Phật Giáo và sự tái-sinh theo tông phái Theravada" ("Bouddhisme et re-naissance selon la tradition Theravada", nxb Asia Religion, 2009, 599 tr.)
Dưới đây là phần dịch thuật, gồm vài lời giới thiệu của Viện Đại Học
Phật Giáo Âu Châu, phần tài liệu, và sau hết thì người dịch cũng xin
góp thêm một vài lời ghi chú nhỏ.
(Từ trái sang phải) Stephen Batchelor, Buddhadasa Bhikkhu, Didier Treutenaere
(Từ trái sang phải) "Phật Giáo vượt thoát các tín điều" (Stephen Bachelor)
"Quyển sách cho Nhân Loại" (Buddhadasa Bhikkhu)
"Phật giáo và sự Tái-sinh theo tông phái Theravada" (Didier Treutenaere),
Lời giới thiệu của viện Đại Học Phật Giáo Âu Châu:
Vấn đề tái sinh trong giáo lý Phật Giáo thường gây ra nhiều cuộc
tranh luận, nhất là từ khi Phật Giáo được truyền bá vào thế giới Tây
Phương... Phải chăng tái sinh là một khái niệm đặc thù của Phật Giáo
hay đấy chỉ là một sự tin tưởng rất phổ biến tại Ấn Độ mà Đức Phật đã
"ghép thêm" vào giáo lý của Ngài? Vậy có nên tin vào sự tái sinh hay
chỉ nên xem đấy là một chủ thuyết cần phải xét lại? Sự tái sinh có đúng
là một sự tiếp nối liên tục của nhiều kiếp sống sinh học khác nhau hay
là trái lại đấy chỉ là các thể dạng tâm thần khác nhau có thể (hay không có thể) xảy ra cho mỗi cá thể con người ngay trong kiếp sống hiện tại này?
Nếu người Tây Phương đã từng tỏ ra ít nhiều e dè khi phải chấp nhận
đúng với những gì đã được mô tả trong giáo lý Phật Giáo về "chu kỳ bất
tận của sự sinh và cái chết" tức là cõi ta-bà (samsâra), thì cũng không nên xem đó làm một điều khó hiểu. Nền văn hóa của chúng ta (tức là của người Tây Phương) -
từng chịu ảnh hưởng nặng nề của văn hóa Hy Lạp cũng như tín ngưỡng độc
thần - nên đã quen tưởng tượng ra một kiếp sống duy nhất "trên địa
cầu" này và sau kiếp sống ấy thì biết đâu cũng có thể sẽ được tiếp nối
bởi một sự vĩnh hằng... Thật ra thì chủ đề này cũng là một chủ đề tranh
cãi tại Á Châu, và kể cả đối với những người Phật Giáo nữa - ít nhất
thì cũng đã bắt đầu từ giữa thế kỷ XX...
Trong quyển sách "Phật Giáo và vấn đề tái sinh theo tông phái Theravâda" thật phong phú của ông, Didier Treutenaere đã dành trọn một chương mang tựa đề là: "Sự hấp dẫn và các nỗ lực nhằm phủ nhận sự tái sinh".
Trong chương này ông phân tích hai đường hướng khá đối nghịch nhau -
và cả hai đều được chấp nhận bởi những người theo Phật Giáo: một đường
hướng thì được một học giả người Anh là Stephen Batchelor bênh vực, và
một đường hướng khác thì do một vị thầy người Thái Lan là Buddhadasa
chủ trương. Chúng tôi (Đại Học Phật Giáo Âu Châu) xin trích dẫn dưới đây các luận cứ của các vị ấy.
Sự hấp dẫn và các nỗ lực phủ nhận sự tái sinh
Dưới đây là các trích dẫn được chọn lọc trong quyển "Phật Giáo và sự tái sinh theo tông phái Theravadâ" của Didier Treutenaere, tr. 499-539) [chúng tôi không trích dẫn ra đây tất cả các ghi chú của tác giả cũng như phần thư tịch]
Sự thật về sự tái sinh và các lãnh vực đa dạng của sự tái sinh (các cõi luân hồi hay tam giới, hay lục đạo) không nhất thiết được tất cả mọi người chấp nhận.
Ngay từ thời kỳ của Đức Phật cũng đã từng có nhiều người không tin
vào các chuyện ấy, sự kiện này được chứng minh bằng giai thoại được ghi
chép trong kinh điển như sau: Một hôm Âyasmâ Lakkhana (Thượng Tọa Lakkhana) và
Ma-ha Mục-kiền-liên (Mahâmoggallâna) cùng đi chung với nhau, và bất
chợt Mục-kiền-liên mỉm cười; Thượng Tọa Lakkhana bèn hỏi Mục-kiền-liên
sao lại cười như thế, Mục-kiền-liên cho biết là lúc này không thuận
tiện để trả lời cho câu hỏi ấy, phải đợi khi nào có Đức Phật hiện diện
thì mới nên nêu lên câu hỏi ấy. Sau đó khi có mặt Đức Phật thì vị
Thượng Tọa lập lại câu hỏi trên đây, và lúc ấy Mục-kiền-liên mới đáp
lại như sau: "Tôi mỉm cười vì vào lúc đó tôi trông thấy một bộ
xương bay trên không trung; hàng đàn kên kên, quạ, diều hâu đuổi theo và
mổ hai bên sườn, khiến cho bộ xương kêu thét lên vì đau đớn. Tôi chợt
nghĩ: thật hết sức kỳ quái là một con người lại có thể mang một hình
tướng như thế!" Đức Phật bèn bảo rằng: "Như Lai cũng trông thấy
cái con người ấy, thế nhưng Như Lai không nói ra mà thôi, chẳng qua là
vì người ta có thể sẽ không tin" (bộ xương và những con kên
kên... tượng trưng cho cái chết, thế nhưng cái chết ấy vẫn còn biết đau
đớn và kêu la, tức có nghĩa là vẫn còn mang một hình thức của một "sự
sống" nào đó dưới một thể dạng khác, và cái thể dạng khác đó đã thu hút
những con kên kên tương tự như một xác chết - ghi chú thêm của người
dịch).
Thế nhưng sự kiện trên đây (về các thể dạng hiện hữu sau khi chết và sự tái sinh)
lại trở thành một chủ đề tranh cãi thật gay gắt giữa những người Phật
Giáo với nhau, dù đấy là những người xuất gia hay cư sĩ, và nhất là từ
giữa thế kỷ XX đến nay. Sự tranh cãi đó đã ảnh hưởng không nhỏ đến quan
điểm của một số người tu tập Phật Giáo cũng như các cảm tình viên Phật
Giáo khiến họ không tránh khỏi ý nghĩ cần phải cải cách lại... [...].
Các khuynh hướng phủ nhận và thu gọn
Khái niệm về sự tái sinh và các lãnh vực hiện hữu (tức tam giới gồm: dục giới, sắc giới và vô sắc giới) quả
thật là những gì khó chấp nhận đối với những người chịu ảnh hưởng vật
chất, duy lý và khoa học chủ nghĩa. Trong trường hợp nếu cho rằng Kinh
sách ghi chép trung thực những lời giáo huấn của Đức Phật thì hoặc là
Đức Phật sai lầm vì bị vướng mắc trong sự tin tưởng rất phổ biến vào
thời bấy giờ (sự tái sinh),
hoặc vì một lý do chánh đáng hơn tức là Đức Phật cố tình thuyết giảng
như thế để thích nghi với những người đến nghe mà ít ra là phần đông
trong số đó là những người không đủ sức hiểu được căn bản giáo lý đích
thật ẩn chứa bên dưới những hình ảnh ẩn dụ được sử dụng nhằm mục đích
thuyết giảng. Trường hợp thứ hai là nếu Kinh sách ghi chép sai những
lời thuyết giảng của Đức Phật (cũng xin nhắc thêm là kinh sách bằng chữ viết chỉ xuất hiện vài trăm năm sau khi Đức Phật đã tịch diệt) bằng cách pha trộn thêm các sự tin tưởng sai lầm nhằm vào mục đích giáo dục (thu hút và cảnh giác người nghe) hoặc đơn giản thì đấy chỉ vì sự lầm lẫn của một số đệ tử còn quá yếu kém.
Có nhiều người Phật Giáo Tây Phương có khuynh hướng chỉ quan tâm đến
các khía cạnh duy lý của Phật Giáo và đồng thời thì cũng có nhiều người
Phật Giáo Á Châu cảm thấy ít nhiều ái ngại đối với các thứ "huyền
thoại" của họ (tức khái niệm về sự tái sinh), và những người này đã chọn cách giải thích thứ hai trên đây (tức là cho rằng Kinh sách ghi chép sai). Vì không thể chấp nhận toàn bộ Đạo Pháp (tức không tin vào sự tái sinh) nên họ đã tìm cách biện minh cho quan điểm của họ bằng ba cách hay ba con đường như sau:
- con đường "cổ điển": tức là loại bỏ khái niệm đó (sự tái sinh)
như là một thứ được thêm thắt mang tính cách huyền thoại và truyền
thống dân gian, hoặc nếu đấy là những gì nguyên thủy thì nhất định đã bị
lỗi thời.
- con đường "biểu trưng": tức là xem các khái niệm ấy như là những hình ảnh ẩn dụ, các lãnh vực hiện hữu (dục giới, sắc giới và vô sắc giới) chỉ có mục đích duy nhất là dùng để chỉ định các thể dạng tâm thần và các cách hành xử cần phải tránh (tức
không được phạm vào các hành động thiếu đạo đức để tránh khỏi phải
"tái sinh" vào những cõi hiện hữu "thấp kém" hơn - tóm lại là nhằm vào
mục đích giáo dục - ghi chú thêm của người dịch).
- con đường "tân tiến": tức là con đường chịu ảnh hưởng của "tâm lý chủ nghĩa" (giải thích tất cả bằng tâm lý học) thuộc khối văn hóa và ngôn ngữ Anh quốc (anglo-saxon), nhằm "thu ngắn" chu kỳ tái sinh và các thể dạng hiện hữu (tam giới) bằng cách đơn giản xem đấy như là một quá trình vận hành thật tinh tế của các thể dạng tâm thần khác nhau.
Cả ba con đường trên đây đều nhằm vào mục đích phủ nhận, lẽ tất nhiên
là bằng nhiều cách khác nhau, bất cứ một sự hiện hữu nào thuộc phía
trước hay phía sau sự hiện hữu hiện tại, nhất là đương nhiên không công
nhận các thể dạng phía trước và phía sau ấy mang hình tướng con người
hay thú vật (có nghĩa là chỉ có hình
tướng con người hiện tại mang các thể dạng tâm thần khác nhau, cái hình
tướng đó không tái sinh từ một thể dạng con người hay thú vật nào
trước đó và cũng sẽ không tái sinh ra một thể dạng con người hay thú vật
khác sau này. Xin hiểu đấy là cách mà Didier Treutenaere gián tiếp
"diễn đạt" lại theo sự hiểu biết của mình để chỉ trích quan điểm "cấp
tiến" về sự thu ngắn - reductionism - các chu kỳ tái sinh - ghi chú
thêm của người dịch). Cả ba con đường ấy đều nhắm vào mục
đích tạo ra một vị thế vững vàng hơn trên bình diện lý trí, do đó dù cố
tình hay vô ý thì đấy cũng sẽ là một sự "vi phạm" vào những gì đã được
ghi chép trong kinh sách về các vấn đề này, và đấy cũng có thể xem như
là mặc nhiên chấp nhận một sự hiểu biết thiếu sót về Đạo Pháp. Dù không
chính thức thú nhận, thế nhưng các con đường ấy đã tiến đến rất gần
với "chủ nghĩa hư vô" (annihilism) mà Đức Phật đã bác bỏ, do đó các quan điểm ấy không thể nào có thể xem là các quan điểm Phật Giáo được. [...].
Một con đường tu tập Phật Giáo không cần đến"đức tin"
Một hình thức biến dạng mang tính cách "triết học" đã được hình thành
từ các nỗ lực dai dẳng [nhằm phủ nhận sự hiện hữu thật sự của hiện
tượng tái sinh] với mục đích phân biệt và tách rời việc "tu tập Đạo
Pháp", tức giáo huấn của Đức Phật dưới hình thức một sự tập luyện hầu
mang lại sự giải thoát khỏi khổ đau, ra khỏi "Phật Giáo" dưới hình thức
tín ngưỡng nhằm mang lại một nguồn an ủi có tính cách tôn giáo cho
người tu tập và một sự ổn định cho xã hội. Chủ thuyết này chủ yếu được
Stephen Batchelor phát động tại Tây Phương [nhất là qua quyển sách "Phật Giáo vượt thoát các tín điều" - "Bouddhisme libéré des croyances"].
Theo tư tưởng gia người Anh này thì các hình thức tôn giáo và các tín
điều bao trùm lấy Phật giáo được truyền bá từ trước đến nay chẳng có
một chút liên hệ mật thiết nào đến phần cốt tủy của giáo lý mà Đức Phật
đã đưa ra: đấy chỉ là những gì thuộc vào các nền văn hóa Á Châu nơi mà
Phật Giáo đã được phát sinh và bành trướng. Nếu những thứ ấy đã tỏ ra
hữu ích phần nào vào các thời kỳ xa xưa (giúp quảng bá Đạo Pháp và giúp Đạo Pháp được quảng đại quần chúng chấp nhận dễ dàng hơn)
thì ngày nay chúng đã mất hết tính cách trợ lực đó mà hơn nữa lại còn
trở thành một thứ chướng ngại. Nếu thật sự mong muốn cho Đạo Pháp có thể
mang lại một giải pháp để thay thế cho cách suy nghĩ và các giá trị đã
hoàn toàn thất bại tại Tây Phương thì Đạo Pháp phải được tách rời ra
khỏi bộ máy tôn giáo và phải được tu chỉnh lại dưới một hình thức
phi-giáo-điều (séculier / secular - có thể hiểu như là thế tục) thật tinh khiết.
Chủ trương của đường hướng này là "Đạo Pháp không phải là một thứ gì
để cho người ta phải tin vào đấy mà đúng hơn là để mang ra thực hành".
Đấy cũng là ý nghĩa trong câu chuyện về mũi tên tẩm thuốc độc, tức là
thay vì bận tâm đến các cuộc tranh biện siêu hình (ai là người bắn mũi tên và loại thuốc độc nào đã đưọc dùng để tẩm vào đầu mũi tên) thì Đức Phật đã chọn sự yên lặng và cho biết là Ngài chỉ giảng dạy "về khổ đau và sự chấm dứt khổ đau" mà thôi (nhổ bỏ mũi tên và băng bó). Do đó Stephen Batchelor nghĩ rằng Phật Giáo đích thật phải được xem là một "chủ thuyết bất khả tri mang tính cách hiện sinh và trị liệu" (nói nôm na đấy là một chủ thuyết "chủ trương phải chữa trị ngay bằng hành động và không lôi thôi gì cả") và nếu đã là Phật Giáo đích thật thì không được đòi hỏi Đạo Pháp (Dhamma) phải giải đáp các câu hỏi đại loại như: "Chúng ta từ đâu đến? Chúng ta đi về đâu? Cái gì xảy ra sau khi chết?"
Batchelor nghĩ rằng khi Đức Phật nêu lên vấn đề tái sinh thì, một mặt
thì nhất thiết đấy chỉ là cách mà Ngài "chọn các hình ảnh biểu trưng,
các cách trình bày ẩn dụ và các biểu tượng quen thuộc vào thời đại của
Ngài", một mặt khác thì Ngài "chấp nhận" các ý nghĩ về nghiệp (kamma)
và sự tái sinh, thế nhưng tất cả những thứ ấy chỉ là các phương tiện
cần thiết cho việc giảng dạy; Batchelor và các người Phật Giáo "tân
tiến" không còn bắt buộc phải chấp nhận các thứ "chủ thuyết siêu hình"
ấy nữa. Batchelor không dứt khoát bài bác khái niệm về sự tái sinh mà
ông chỉ tuyên bố rằng cách tiếp cận thẳng thắn nhất đối vấn đề này là
phải thú nhận là chúng ta không biết gì hết.
Nhằm biện minh cho các cách "bình giải" và chủ trương "duy lý hóa"
Đạo Pháp của mình, Batchelor đã đưa ra cả một lô các luận chứng, thế
nhưng các luận chứng ấy chỉ nêu lên được một sự mạch lạc nào đó giới
hạn trong khuôn khổ của một số trích dẫn được cân nhắc cẩn thận và được
đơn giản hóa một cách quá đáng bằng một cách dịch thuật thiên vị. Các
thí dụ của ông chỉ có tính cách gợi ý, chẳng hạn như cách ông giải
thích thí dụ về mũi tên tẩm thuốc độc và sự yên lặng của Đức Phật, đấy
là luận cứ thứ nhất chứng minh cho ý kiến vừa trình bày trên đây: quả
đúng là Đức Phật không trả lời các câu hỏi mang tính cách triết học siêu
hình, thế nhưng thật ra thì sự yên lặng ấy chỉ liên quan đến các vấn
đề vô ích; bởi vì như chúng ta đã thấy trong các kinh sách (suttâ) đầy
ắp những lời giáo huấn liên quan đến các chủ đề mà Batchelor cố tính
nhắm mắt làm ngơ: thí dụ như dòng lưu chuyển của sự tái sinh, các lãnh
vực tái sinh (tam giới),
các quy luật vận chuyển và hướng dẫn dòng lưu chuyển đó, các phép luyện
tập thiền định nhằm giúp đạt được các lãnh vực hiện hữu khác nhau...
Cách hiểu biết dưới đây về "Bốn Sự Thật Cao Quý" của Batchelor sẽ là
luận cứ thứ hai (cho thấy các luận cứ của ông không vững chắc):
"Batchelor cho rằng các Sự Thật (Tứ Diệu Đế) (trong bài thuyết giáo đầu tiên của Đức Phật) "không nhất thiết là các đề xuất dùng để tin,
nhưng thật ra là những thách đố cần phải thực hiện trên phương diện
thực hành". Điều này chỉ đúng có một phần, bởi vì nếu muốn mang ra ứng
dụng thì trước hết cũng phải tin vào các Sự Thật ấy; nói một
cách chính xác hơn thì đấy chỉ vì Batchelor đã bất chấp đến các chủ
đích nêu lên trong một bối cảnh rõ rệt của những Sự Thật ấy, đấy là sự
mong cầu tìm được sự giải thoát khỏi vòng tái sinh bất tận. Nếu muốn
giải thích khác hơn ý nghĩa nguyên thủy của "Bốn Sự Thật Cao Quý" mà
Đức Phật và các người được nghe giảng (các đệ tử của Đức Phật)
đã đặt hết sự tin tưởng của mình vào đó [...] thì nhất định sẽ khiến
cho các điểm trọng yếu phải biến thể, và đấy cũng chính là cách mà
Batchelor đã giải thích về Sự Thật Thứ Nhất như một thứ "lo âu mang
tính cách hiện sinh" (angoisse existentielle / existential anguish). Đối với Đức Phật và căn bản giáo lý của Ngài thì dukkha (khổ đau)
trước hết phải mang ý nghĩa của một sự hình thành liên tục trong cái
vòng xoay tròn bất tận của sự tái sinh; chính vì thế nếu đem tách rời
Bốn Sự Thật Cao Quý ra khỏi ý nghĩa của sự tái sinh thì sẽ là cách làm
mất đi chiều sâu và ý nghĩa nguyên thủy của các Sự Thật ấy" (trên đây là phần trích dẫn dựa theo bài viết của Bhikkhu Bodhi mang tựa đề là A Review of "Buddhism without Beliefs", trong Journal of Buddhist Ethics, Vol. 5, 1998).
Tách rời Đạo Pháp ra làm hai hướng: một hướng là sự "thực hành" (luyện tập)
và một hướng là các đặc tính "tôn giáo" thì quả thật không phải là
chuyện dễ dàng như một số tư tưởng gia thường nghĩ. Dù cho các phép tu
tập Phật Giáo thật hết sức khác biệt nhau, từ các cách tuân thủ đạo đức
đơn giản và các thứ nghi lễ (rườm rà) cho đến các phép thiền định thật sâu xa, thế nhưng tất cả đều đúng với con đường (tức là Đạo Pháp). Thật vậy Đức Phật thiết đặt một nền giáo lý theo phương cách "tuần tự" (anupubbîkathâ):
"Đại dương có một bờ dốc thoai thoải, thế nhưng sự chênh lệch thì gồm
có nhiều bậc thềm, sự cách biệt chỉ có tính cách đột ngột trong một
phạm vi thật qui mô mà thôi. Tương tự như thế "Luật Tạng trong Đạo
Pháp" ("Dhamma-Vinaya") cần phải được thực hành một cách tuần
tự, và kết quả cũng theo đó mà sẽ được dần dần mang lại, tất cả gồm
chung trong một sự thăng tiến tuần tự, và sự phát huy trí tuệ cũng chỉ
có thể thực hiện được bằng một sự luyện tập lâu dài" [trích trong kinh Uposatha-sutta] (có
nghĩa là dù tu tập bằng những phép luyện tập căn bản , chẳng hạn như
giữ giới, nghi lễ... hay thật cao như các phép thiền định thì tất cả
đều đúng, và sự khác biệt duy nhất chỉ là... lâu hay mau thế thôi - ghi
chú thêm của người dịch).
Ngoài ra không có một thành phần nào của con đường, kể cả những giai
đoạn sơ đẳng nhất, đòi hỏi đến một đức tin mù quáng; động cơ thúc đẩy
sự thăng tiến đều dựa vào sự tương quan biện chứng (relation dialectique / dialectic relation - một sự tương quan hợp lý) giữa kinh nghiệm cá nhân và lòng tin tưởng hướng vào Phật, Pháp và Tăng (và đấy cũng là ý nghĩa của việc "quy y"): nếu
muốn tu tập Phật Giáo thì ít ra cũng phải có một sự thúc đẩy nào đó,
và vì lý do không có một động lực cụ thể nào mang lại sự thúc đẩy ấy,
cho nên nếu muốn bước một bước quyết định vào con đường Phật Pháp thì
khởi sự cũng phải cần đến một sự thu hút nào đó dưới hình thức xúc cảm,
chẳng hạn như trước vẻ trong sáng và thanh thản của một pho tượng
Phật, hoặc những nét đẹp của nghi lễ, hay là một bầu không khí an bình
tỏa rộng từ một vị tỳ kheo.
Nếu muốn bước cái bước đầu tiên ấy để trở thành một người "Phật tử",
thì người tân đồ đệ phải nhận thức được một cách thật tự nhiên ý nghĩa
của "Sự Thật Cao Quý" thứ nhất là gì. Đấy là sự đau khổ cùng khắp mà
người tân đồ đệ sẽ dần dần khám phá ra sau này tất cả sự phức tạp của
nó (từ những thứ đớn đau thô thiển nhất cho đến những khổ đau của sự
hiện hữu khi đã ý thức được thế nào là vô thường), nhờ đó người ấy cũng
sẽ tự mình nhìn thấy được sự bao quát, chiều sâu và tích cách thực
dụng của Đạo Pháp, hầu đặt hết lòng tin của mình nơi Đức Phật và để
đương nhiên chấp nhận tính cách vững chắc trong những lời giáo huấn của
Ngài, dù cho trong lúc này thì mình chưa có thể mang ra để chứng nghiệm
ngay bằng những kinh nghiệm của chính mình. Mỗi bước trên con đường
đều sẽ phải được tiến hành theo phương cách đó: chẳng hạn như những
kinh nghiệm đầu tiên về thiền định sẽ giúp mang lại một thứ tiền vị về
những gì sẽ mang lại cho mình sau này qua những sự luyện tập tâm thức
sâu xa hơn, và nhờ đó một "lòng tin" sẽ hiển hiện. Đấy là một cách vững
tin rằng rồi đây các giai đoạn thiền định sau này sẽ phải đưa mình đến
mục đích mà Đức Phật đã nêu lên, dù cho trong lúc này thì mình chưa đủ
khả năng kiểm chứng được ngay đi nữa.
Có lẽ cũng nên nhân dịp này để nêu lên một vài nhận xét về quan điểm khá lạ lùng của Stephen Batchelor về thiền định (tuy
rằng chúng ta cũng không thể biết được là sự lạ lùng ấy là hậu quả hay
là nguyên nhân đã khiến phát sinh từ các quan điểm của ông). Ông
giải thích rằng nhờ vào sự khai triển sự tập trung và sự chú tâm mà
quá trình thiền định sẽ chuyển thành một sự thắc mắc sâu xa và dai dẳng
trong từng thể dạng của sự cảm nhận, đến độ khiến cho người hành thiền
bị tràn ngập bởi một sự bối rối thật sâu xa bao trùm cả con người
mình. Đối với Batchelor "sự thắc mắc mang tính cách bối rối đó tự nó
chính là con đường trung tâm", một con đường không nhằm tìm kiếm một lời
giải đáp nào hay một mục đích nào cả. Những gì do Batchelor mô tả quả
thật hoàn toàn trái ngược lại với những lời giảng dạy của Đức Phật, vì
Đức Phật luôn nhắc nhở chúng ta là việc thiền định nhất thiết phải đưa
đến sự hiểu biết trực tiếp về bản chất đích thật của mọi sự vật, một sự
hiểu biết nhằm vào mục đích nhổ bỏ tận gốc rễ mọi sự nghi ngờ. Thêm
một lần nữa, tất cả những gì vừa trình bày cho thấy là điểm khởi đầu sẽ
cho biết trước điểm sẽ đến: nếu Batchelor đương nhiên khởi đầu bằng
cách chủ trương một tình trạng bất khả tri thật cực đoan thì nhất định
ông cũng sẽ mở ra cho chúng ta một viễn ảnh tràn ngập những nghi ngờ.
Trong khi đó thì một người Phật tử lại phải đặt hết lòng tin của mình
vào Phật, Pháp và Tăng và phải hành xử phù hợp với một "quan điểm đúng
đắn " giúp mình bước vào Con Đường của Tám Điều Đúng (Bát Chánh Đạo) hầu đạt được sự giải thoát.
Xin nêu lên hình ảnh ẩn dụ thật nổi tiếng mà nhiều người đều biết, ấy
là chiếc bè biểu trưng cho Đạo Pháp. Chiếc bè dùng để vượt lên các
ngọn sóng (của ta-bà, samsâra) và sau đó thì biết đâu cũng nên bỏ nó
lại khi đã sang được đến "bờ bên kia". Phật Giáo "thiếu lòng tin" thì
cũng chẳng khác gì khuyên bảo chúng ta đừng chuẩn bị thuyền bè trước
khi sang sông để rồi sau đó sẽ nhận chìm chúng ta trong dòng nước cuốn
với một nỗi lo âu duy nhất trong lòng là sắp bị chết đuối đến nơi. Tóm
lại khía cạnh lợi ích của tính cách hiện đại trên đây (tức những "cải tiến" do Stephen Batchelor chủ trương) và chủ đích khi đem ghép nó vào Phật Giáo cần phải được xét lại.
Bures-Sur-Yvette, 25.01.12
Hoang Phong chuyển ngữ
* Bài viết của Viện Đại Học Phật Giáo Âu Châu (http://www.bouddhisme-universite.org/node/295)