Đức Phật dạy :
"Tumhechi kiccam atappam akkhatar tathagata"
"Các con phải cố gắng, các đấng Như Lai chỉ là những vị thầy"
Trong cụm từ đầu tiên : ‘Các con phải cố gắng’, là lời Đức Phật
khuyên những người tu Phật. Dựa vào tư tưởng này mà nhận xét, thì Đức
Phật cho thấy chúng ta có năng lực tự mình tiếp nhận sự giáo pháp của
Ngài.
Từ những lời giảng của Ngài cho chúng sanh biết, tất cả đều có Phật
tính và có những khả năng để hoàn thiện cho sự triển khai Phật tính
đó,đều có thể thành Phật. Nghĩa là Phật chỉ là một con người đã giác
ngộ mà cái khả năng giác ngộ đó tiềm ẩn trong mọi con người, nên những
ai biết xác định lại khả năng của chính mình, bằng nhận thức và ý chí
hành động thực tiễn trong đời sống tu tập thường nhật, cũng có thể trở
thành người tỉnh thức như Ngài.
Khái niệm về chính mình và thế giới chung quanh, là sự bắt đầu nảy
sinh cho những điều kiện để phát triển trong xã hội hiện hữu của con
người. Từ trong cuộc sống Đức Phật, ngày đêm trầm tư mặc niệm, gom tâm
quan sát từng yếu tố vật chất và tinh thần, bằng sự thực nghiệm, thực
chứng của chính Ngài, ở trong lối sống, cách ứng xử đối với bản thân,
giữa con người với con người, giữa con người với thiên nhiên vũ trụ, để
giúp con người nhận thức được rằng, mỗi người là chủ của mình và có khả
năng cải thiện cho đời sống, để đạt đến mục đích tối hậu, qua sự cố
gắng tinh tấn của chính mình.
Những giáo pháp căn bản khác nhau của Ngài đưa ra, chính là sự đối
chiếu giữa cái có và cái không của vạn vật, bằng cái nhìn thường nghiệm
và sự hiểu biết am tường về chân tướng của vũ trụ nhân sinh, để nhận
định rõ một cái không thật trong thế giới hiện hữu của con người. Điều
này có thể chứng minh qua Tâm Kinh hay thập nhị nhân duyên của nhà Phật.
Khi hiểu rõ được mọi hiện tượng tâm lý và vật lý của vạn vật, đều
nằm trong một mối liên hệ với nhau một cách tổng quát, để tạo nên đời
sống, thì đó chính là trí tuệ siêu việt, mà người tu Phật cần phải đạt
đến.
Đức Phật đã trình bày : Nguyên nhân của một yếu tố này được hình
thành là kết quả đóng góp của một yếu tố khác, trong quá trình có định
luật và trật tự. Theo Ngài thì cái gì cũng phải có nhân duyên hội đủ
mới được hoàn thành. Nói một cách khác là không có cái nào thật là Nhân
duyên và cái nào chính là Quả cả. Vì trong cái Nhân duyên đã có chứa
cái Quả rồi và ngược lại.
Vì vậy tiến trình này nói lên sự hiện hữu của cái “Thật Tướng, thật
Tánh của vạn vật. Tất cả vạn vật được tồn tại hay bị biến thái, cũng
đều tùy thuộc vào các điều kiện tương trợ tổng hợp khác nhau, bằng
những yếu tố chung hoặc những yếu tố riêng trong các nhóm cá thể, tụ
hội lại và tác động với nhau trong từng khoảnh khắc và cứ liên tục xoay
vòng không dừng.
Đây chính là lý giải nguyên nhân đi sâu vào sự hợp duyên của 5 uẩn
hay luân hồi, mà Đức Phật đã kết hợp từ kinh nghiệm sống và tư duy của
chính mình để tìm ra con đường giải thoát, bằng cách diệt vô minh, hầu
giúp cho những ai tu theo Ngài, tự mình có thể trực tiếp thể nghiệm,
bằng cách hành trì thực tế theo con đường đạo học của Ngài, mà không
tạo nghiệp, thoát khỏi luân hồi, theo luật nhân quả.
Trong Kinh viên giác, Đức Phật khuyên rằng : “Theo ngón tay Ngài chỉ
mà ngắm nhìn và đi đến mặt trăng” chứ đừng nên “Chấp ngón tay của Ngài”
rồi không thấy mặt trăng thì làm sao mà đi đến mặt trăng được.
Theo Kinh Kim Cang : Giáo pháp của Đức Phật là những thuyền Từ để
chở người thoát ra ngoài bể khổ sinh tử; khi đã tới bến, ta cần phải bỏ
bè lại.
Phật học là cách sống thực tiễn để hướng dẫn cho người tu Phật hay
đang đi tìm đạo, bằng những phương diện tìm hiểu khác nhau qua những lý
giải thực hành, thực chứng của chính Đức Phật truyền lại, mà hành theo
bằng nghiệm chứng và xác thực của chính mình, rồi đem thành qủa đó chỉ
lại cho người khác.
Trong 45 năm thuyết Pháp, Đức Phật không từng viết một chữ. Nhưng,
lời nói của Ngài chỉ là người chỉ đường, mỗi người phải tự đi đến,
không ai đi thế cho ai được. Nên lấy đó làm gương mẫu cho đời sống cao
cả, trong đời sống đạo tu học của mình.
Việc tu Phật là tiến trình riêng của mỗi người. Con đường tự lực tu
tập cũng vậy. Trường A Hàm I có ghi Đức Phật dạy như sau: "Này các Tỳ
kheo, hãy tự mình thắp lên ngọn đuốc của chính mình, thắp lên với chánh
pháp, đừng thắp lên với một pháp nào khác. Hãy tự mình làm chỗ nương
tựa của chính mình, nương tựa với chánh pháp, đừng nương tựa với một
pháp nào khác".
Tinh thần tự lực là nền tảng cho sự phát triển đạo đức bằng tâm từ,
bi, hỷ, xả, được hiểu như là tâm Phật, nhằm mục đích giác ngộ và giải
thoát phiền não, khổ đau, tội lỗi cho chính mình cũng như cho người.
Theo Trường Bộ I có ghi : ‘Tâm từ là khả năng hiến tặng niềm vui cho
tha nhân. Tâm bi là khả năng làm vơi đi nỗi khổ đang có mặt. Tâm hỷ là
niềm vui, lòng thanh thản do từ bi đem tới. Tâm xả là thư thái nhẹ
nhàng, tự do, không phân biệt.’
Sự tu tập của người học Phật giống như một cái bánh xe quay. Khi
bánh xe quay, sẽ luân chuyển theo vòng quay và cần những lực tác động.
Từng vòng quay của bánh xe đang chuyển động là sự tiến trình trong chu
kỳ "thành, trụ, hoại, diệt" qua những hình thức biến thái khác nhau.
Thí dụ: Mỗi điểm của bánh xe đang lăn khi tiếp xúc với mặt đường, thì
được hiểu như là cái đến, sự hình thành, sự có mặt… và khi những điểm
tiếp xúc với mặt đường mà vòng quay của bánh xe đã vượt qua, thì được
xem như là cái đi, cái mất… và cái điểm tiếp xúc của bánh xe đang lăn
trên mặt đường sinh ra sau khi cái điểm tiếp xúc hiện tại kết thúc, đó
là sự tái sinh theo chu kỳ, dựa vào sự tồn tại của những lực tác động
bên ngoài cũng như bên trong.
Quá trình tiến tu của người học Phật là phải tự nỗ lực phát triển
trí tuệ, đức hạnh của mình, bằng sự noi theo những công hạnh của Bồ
Tát, mà áp dụng trong đời sống thường nhật thì mới đạt quả vị toàn giác.
Muốn cần diệt khổ để giải thoát, thì phải tìm hiểu nguồn gốc nguyên
nhân gây ra khổ. Cũng từ điểm này mà người học Phật ý thức được ý nghĩa
sâu sắc của lộ trình tu như vậy, thì sẽ tránh được mọi nghi vấn, hoang
mang bằng cách nắm chắc tất cả những thông tin đã biết, để trả lời cho
một vấn đề cụ thể.
Người ta có thể đọc xuôi những bảng chữ cái một cách rất dễ dàng,
nhưng khi đọc ngược là chuyện không dễ làm. Sự thuyết giáo rộng lớn vô
cùng tận chưa từng gián đoạn của Đức Phật chỉ dạy, có được là do từng
sự nối tiếp cụ thể trong thời gian tu tập của chính Ngài.
Do
đó, khi hiểu được quá trình hình thành và sự phát triển này, thì người
học Phật phải đặt chúng vào trong từng hoàn cảnh nối tiếp cụ thể mà tu
tập hành trì như Ngài.
Hiểu được sự cần thiết của sự học Phật hay tu theo Phật thì mới có
động lực để học tu tập hành trì. Học Phật hay tu theo Phật không có
đường tắt, cần phải có thời gian để tiếp thu được những gì Đức Phật
dạy, rồi sau đó hãy dựa vào chính mình mà tiến hành thực hành tu tập,
để có khả năng hội nhập trong đời sống hiện tại làm "Người có ích" cho
gia đình, xã hội.
Đồng thời, cùng nhau thể nghiệm, hành trì, quán chiếu, một cách
trung thực về những lời của Đức Phật nói, mà được khai tâm nhập vào
pháp giới tánh, thì mới tiến đến sự giác ngộ và giải thoát khỏi luân
hồi bằng một niềm tin bất diệt đối với giáo pháp của Ngài.
Trong “Phật thuyết lão nữ nhơn kinh (Vṛiddhastrī-sūtra)”, Đức Phật
có nói : Sanh không từ đâu đến và cũng không đi về đâu. Già, bệnh, chết
không từ đâu đến cũng không đi về đâu... Các pháp đều như vậy. Ví như
hai thanh cây cọ xát vào nhau phát ra lửa, lửa lại đốt hai thanh cây.
Cây cháy hết lửa cũng tắt.”
Các pháp không chỗ đến và không chỗ đi… mỗi thứ tùy theo sự hoạt
động của nó mà thành. Như tai họa, đọa vào địa ngục, sinh lên trời hay
làm người thế gian cũng thế... không phải tự nhiên mà có.
Sự phụ thuộc lẫn nhau của vạn vật hay tư duy về lẽ sinh, trụ,
hoại, diệt, được Đức Phật trình bày một cách khác, được thấy trong Thập
Nhị Nhân Duyên như sau :
1) Cái này có thì cái kia có
2) Cái này sinh thì cái kia sinh
3) Cái này không có thì cái kia không có
4) Cái này diệt thì cái kia diệt
Trí huệ của Phật là Chánh biến tri, là biện pháp để giải quyết cho
những ai đang cần diệt khổ để giải thoát cho chính mình và những người
đang sống chung quanh bằng cách tự thực hành, tự tu tập thanh lọc tâm
ý, tự thấy được lợi ích qua kinh nghiệm thực tế của chính bản thân
trong đời sống hằng ngày, qua bốn chữ : Từ, Bi, Hỷ Xả, của Ngài đã dạy.
Đức Phật là người Tỉnh thức, là người đã tận diệt tham sân si, đạt
được giải thoát viên mãn, bằng sự thực nghiệm, thực chứng của chính
mình, ở trong lối sống, cách ứng xử đối với bản thân, giữa con người
với con người, giữa con người với thiên nhiên vũ trụ.
Vì vậy có thể nói rằng học Phật hay tu theo Phật là phương thức
sống, để giúp con người chuyển hóa toàn bộ đời sống, trong tinh thần
thần dắt dẫn, khuyến hóa họ biến đổi điều dữ ra điều lành, mê ra ngộ,
khổ ra vui trong cảnh giải thoát.
Qua những phần trình bày được trích trong những câu kinh Phật, thì
cụm từ : "Các con phải cố gắng" mà Đức Phật đã nói, đó là kim chỉ nam
cho những ai đang theo dấu chân của Ngài, phải biết tự mình tu tập hành
trì dựa trên nền tảng kinh nghiệm quý báu do Ngài truyền lại, mà không
ỷ lại để tiếp tục con đường dấn thân phục vụ tha nhân, làm lợi lạc,
mang lại hạnh phúc cho mình và cho người, như câu mà Ngài đã từng nói :
“Ta ra đời vì an lạc cho số đông, vì hạnh phúc cho chúng sanh ”.
Đức hạnh là yếu tố căn bản để làm người, cũng chính là luân lý đạo
đức mà con người thường hay nói đến trong nhiều lãnh vực sống của xã
hội. Luân lý đạo đức của Đức Phật dạy là một sự giáo dục cao thượng và
có thể so sánh được, khi cho con người biết rằng tất cả đều có Phật
tính.
Phật tính là bản chất tinh khiết thực tiễn của sự tỉnh thức hoàn
toàn thực mà chúng sanh có thể hoàn thiện và vượt qua bất cứ ô nhiễm
nào, bằng nhiều cách tu tập khác nhau, trong tinh thần, tự lực, tự
cường, bình đẳng, không phân biệt...
Trong không gian chúng ta cảm thấy mình quá bé nhỏ, mong manh, dễ vỡ
tách biệt, giữa biển lớn của cuộc đời mênh mông. Còn trong thời gian
chúng ta có bao giờ tự hỏi mình :‘Cuộc sống vẫn lặng lẽ trôi qua và Tôi
sẽ đi về đâu ?’.
Sự tồn tại thường ngày của tính thường xuyên biến đổi trong đời sống
và ngay chính cả bản thân mình, là chính Bạn đang đối diện với một vấn
đề rất thường tình của đời sống tâm linh. Những nguyên nhân này do đâu
mà có?
Nếu có giây phút nào mà dừng lại suy nghĩ, thì mới thấy vạn vật, cái
ngã chỉ do duyên hợp và sẽ biến hoại, luôn luôn thay đổi. Đó là luật tự
nhiên đã có trong bản chất của sự vật. Vì vậy, " Cái ngã " chỉ là một
sự giả hợp do sự kết hợp của nhiều nhân duyên tạo thành, chính nó không
có tự tánh, không có chủ thể hay vô ngã, cho nên sự thật là không thể
tìm ra tự Ngã ở đâu được hết và không cái gì trên thế gian nầy thoát ra
khỏi định luật “thành, trụ, hoại, không”. Theo định nghĩa : Tự Ngã là
bản chất để tự nó có thể phát triển mà không cần đến sự giúp đỡ bởi
những nhân duyên khác.
Qua những cách lý giải trên, thì Tự
Lực và Tha Lực cũng chỉ là những giả danh đặc trưng cho sự một tổng hợp
bắt nguồn từ nhiều nhân duyên của một hoặc nhiều động cơ kết hợp lại.
Vì vậy, bản thân của Tự Lực và Tha Lực cũng không có tự tánh, không là
trường tồn, không là vĩnh cửu mà luôn chuyển hóa không dừng.
Lực là gì? Tự Lực là gì? Tha Lực là gì?
Khi nói đến Lực là nói về bản năng có thể thay đổi, trong tiến
trình : ‘Thành, Trụ, Hoại, Không’, thông qua những điều kiện hội tụ
thuận hay nghịch của những yếu tố chung hoặc riêng trong các nhóm cá
thể và cũng tùy thuộc và sự chọn lựa cá nhân.
Điều này được thấy trên thực tiễn thường ngày, mà người ta hay nói :
Khi mình muốn biến đổi một cái gì, thì chính mình phải bõ công, tìm ra
cái bản năng để thay đổi nó. Như vậy cái chính mình phải bõ công, tìm
ra cái gì để thay đổi, thường được hiểu như là Lực.
Qua sự kết cấu từ nguyên lý hoạt động khác nhau của Lực, mà nó đã
được ứng dụng vào tất cả các lĩnh vực của đời sống con người. Thiên
nhiên đã ưu đãi con người rất nhiều nguồn tài nguyên quý giá,
qua các hình dạng khác nhau được phát triển từ nguyên lý cơ bản của vũ
trụ, theo quy luật biến thiên vĩnh cửu, hay loại bỏ mọi biến hóa có chu
kỳ của nó.
Những lực tự nhiên trong thiên nhiên đã được biểu lộ qua những hình
ảnh mà cuộc sống của con người cũng chịu những tác động bất thường
như : Sét gầm, động đất, sóng thần, bão tuyết, lũ lụt, hạn hán…
Từ những tác động bất thường của những lực tự nhiên trong thiên
nhiên đã biểu lộ, khi xét chi tiết qua những quan sát, thì các lực mà
chúng ta hay bắt gặp trong cuộc sống hằng ngày, được thấy lực ở các
dạng cơ bản như sau : Lực hút, Lực đẩy, Lực cản, Phản lực, Áp lực.
Trong thế giới vật lý học, có lẽ chúng ta ai cũng biết sơ hoặc nghe
nói qua về chữ Trọng Lực. Thật ra Trọng Lực là tên gọi của Lực hấp dẫn
của Trái đất.
Đây là một cách đặc trưng cơ bản trong vật lý để hiểu sự tồn tại của
các lực giữ vật chất lại với nhau. Bởi vì, Lực hấp dẫn là lực hút giữa
mọi vật chất và có độ lớn tỷ lệ thuận với khối lượng của chúng và tỷ lệ
nghịch với bình phương khoảng cách của hai vật.
Tác dụng về Lực hấp dẫn của Trái Đất :
- Do khối lượng của Trái Đất tác động lên các vật thể có khối lượng,
ở gần bề mặt của nó và làm chúng rơi xuốngtự do tại một điểm đó bằng
cường độ hút của nó.
- Sự gắn kết các vật chất để hình thành.
Thí dụ : Hình ảnh của một trái mít trên cây chín, rồi lại rơi xuống
đất, mà không bay ra khoảng không trong vũ trụ. Điều đơn giãn dễ hiểu
là do khối lượng tác động của trái mít quá nhỏ so với khối lượng hút
của trái đất, cho nên người ta chỉ thấy hình ảnh của trái mít rơi, mà
không thấy được sự chuyển động của trái đất, khi bị sự rơi của trái mít
tác động vào nó.
Một thí dụ khác :
Sự hình thành của thủy triều trong biển và đại dương hay sông ngòi,
là những chuyển động phức tạp, chuyển từ trạng thái này sang trạng thái
khác, đều phụ thuộc vào sức hút của mặt trăng và mặt trời đối với trái
đất. Sự ảnh hưởng tự nhiên của mặt trăng và hiện tượng thủy triều trong
thiên nhiên, là một tác động rất lớn tới việc làm ăn và sinh sản trong
cuộc sống con người.
Chu kỳ con nước lên, xuống hay lớn,
ròng, trong nghành : Nông nghiệp, thủy sản, và hệ thống giao thông nội
thủy của người dân ở miền đồng bằng sông ngòi hay miền ven biển là
những điều kiện thuận lợi rất quan trọng để phát triển cho việc nâng
cao lợi ích sản xuất kinh tế của họ.