Tản Mạn Về Tâm và Vật Từ Phần Mềm Excel
Huỳnh Ngọc Chiến
20/05/2011 10:24 (GMT+7)

Cái học phương Đông thường không tin rằng lý trí có thể thấu hiểu được mọi vấn đề bằng khả năng phân tích, tổng hợp của nó, mà luôn xem lý trí - và theo đó, tri thức - là chướng ngại trên con đường tìm về tâm đạo. Hiện thực sống động luôn trôi chảy, ta không thể bắt nó dừng lại để quan sát, theo cái nhìn lạnh lùng của lý trí, dù chỉ trong một sát na. Thế giới ngoại tại vốn cực kỳ phồn tạp, muôn vẻ nghìn màu và không ngừng biến động. Vạn hữu luôn trôi chảy như dòng thác đổ, luôn biến dịch trong từng mỗi sát na. Thế giới sâm la vạn tượng ở sát na này đã khác với cái thế giới trong một sát na trước đó. Vạn hữu luôn mới tinh khôi, như lần đầu tiên được sáng tạo. Do đó, chỉ có cái-giờ-đây mới là cái thực.

Mối quan hệ giữa Tâm và Vật là chủ đề quá lớn, không phải là nội dung của bài này. Người viết chỉ muốn ghi lại một cảm nhận nhỏ trong những lần thao tác trên máy tính, cụ thể là với phần mềm Excel, và gặp một lỗi rất thông thường. Từ thông báo lỗi đó của máy tính, tôi chợt liên hệ với cách nhìn của chúng ta về thế giới và bỗng cảm nhận rằng dường như trong cách nhìn có một gì đó không được chính xác, nếu không muốn nói là quá máy móc và sai lầm. Chỉ khác một điều là khi máy tính thông báo lỗi thì ta nhận thấy, vì máy “treo” không hoạt động được; còn khi thế giới tự nhiên “thông báo lỗi” ta lại không nhận thấy, vì thế giới vẫn cứ vận hành, vẫn cứ trôi miên man theo dòng hóa sinh vô tận. Nếu chúng ta cảm nhận được “thông báo lỗi”  của thế giới tự nhiên thì biết đâu cuộc sống sẽ bớt đi sự xung đột giữa những thế giới quan khác nhau.

Có bao giờ trong một đêm khuya nào đó, ngồi một mình giữa cõi tĩnh lặng, bạn ngước nhìn bầu trời đêm thăm thẳm và băn khoăn về nguồn gốc của vũ trụ hay không? Sự thăm thẳm huyền bí của vũ trụ ắt hẵn luôn làm nảy sinh trong ta nhiều câu hỏi. Đến một lúc nào đó, có thể những câu hỏi này sẽ xuất hiện trong tâm trí bạn : “Cái thế giới quanh ta từ đâu mà có? Vì sao lại có vũ trụ thay vì là khoảng hư không mênh mông vô tận? Bản nguyên của nó là gì?”. Từ thuở khai thiên lập địa cho đến bây giờ, có lẽ con người vẫn luôn thắc mắc như thế. Từ băn khoăn thắc mắc đó, từ cách đặt câu hỏi đó, mà biết bao tôn giáo và đủ loại triết học đã xuất hiện trên cõi đời này để giúp cho con người bớt đi bao nỗi xao xuyến, hoang mang. Đôi khi tiếng nói vang vọng từ thắc mắc kia trở nên yếu ớt hoặc bị khuất lấp bởi cuộc sống xô bồ hoặc nghiệp chướng, nhưng có lẽ sớm muộn gì rồi cũng đến lúc chúng ta phải đối mặt với nó, để rồi từ đó tìm lời giải đáp cho câu hỏi “Đâu là chân diện mục của thế giới và đâu là ý nghĩa đời?”. 

Vì đâu và từ đâu mà vũ trụ lại hiện hữu, thay vì là hư không? Liệu vũ trụ hay toàn thể thế giới vật chất này có phải là cái mà triết học duy vật thường gọi là “tồn tại khách quan, độc lập với ý thức con người” chăng? Bản nguyên của vũ trụ là Tâm hay Vật? Đây là câu hỏi đã kéo theo cuộc tranh luận dài cả nghìn năm giữa hai trường phái (tạm gọi thế) triết học duy tâm và duy vật. Nếu bỏ công sức và tâm huyết tìm câu trả lời chỉ nhằm để thỏa mãn trí tò mò, thì đó là sự hoài công uổng phí. Câu trả lời chỉ có giá trị nếu như nó giúp con người tìm ra chốn an thân lập mệnh, vì từ đó ta nhận ra ý nghĩa cõi đời.

Thử tưởng tượng một vũ trụ không có loài người, không có các loài sinh vật mà chỉ gồm các thiên thể vô hồn cứ mãi mãi vận hành trong khoảng không bao la vô tận; hoặc nếu như vũ trụ chỉ toàn là một khoảng không bao la, hoàn toàn không có một vật thể hay sinh thể nào, kể cả người đang ngồi nêu thắc mắc về nó, thì liệu vũ trụ đó có thể gọi và có nên gọi là tồn tại khách quan chăng? Ai biết và cảm nhận được sự tồn tại đó? Và nếu không một ai biết về nó thì làm ta sao có thể biết đó là tồn tại khách quan?

Có thể có cái gọi là “tồn tại khách quan, độc lập với ý thức con người” chăng? Thử hỏi nếu không có chủthì lấy đâu ra khách để có cái gọi là tồn tại khách quan? Trong một thế giới hoàn toàn không có sự giao thông liên lạc thì liệu con lạc đà có thể được gọi là tồn tại không, đối với người dân Eskimo suốt đời ở miền Bắc cực? Hoặc con voi rừng có thể được gọi là tồn tại không, đối với người dân suốt đời sống giữa trên hòn đảo giữa biển khơi bao la? Chúng ta gọi con lạc đà hay con voi rừng là sự tồn tại khách quan bởi một lý do đơn giản là nhờ chúng ta biết về chúng. Do chúng ta biết về chúng, nên ta mới gọi đó là sự tồn tại khách quan, chứ đối với người dân Eskimo hay người dân du mục kia thì con lạc đà hay con voi rừng kia có thể xem như không hề tồn tại. Một vật chỉ thực sự được xem là tồn tại khi nó tác động vào nhận thức ta, vào tâm ta. Nghĩa là vật nhờ tâm mà hiện hữu, tâm nhờ vật mà sinh khởi.

Thông thường, những người mang đầu óc khoa học thực tiễn vẫn cho rằng “thế giới vật chất là cái tồn tại khách quan bên ngoài ý thức và không phụ thuộc vào ý thức”. Người phương Tây, với đầu óc duy lý, rất coi trọng các định nghĩa. Sau khi đã gán định nghĩa cho một đối tượng nào đó thì người ta càng trau chuốc các định nghĩa và yên tâm là đã nắm bắt được bản thân của cái hiện thực sống động qua các định nghĩa đó. Thử suy nghĩ kỹ một chút ta thấy ngay cả trong định nghĩa về cái “tồn tại khách quan” đó dường như cũng đã hàm chứa sự mâu thuẫn rồi, vì định nghĩa một đối tượng có nghĩa là gán cho nó những bản chất, những thuộc tính được xác định bởi tính chủ quan của chính người định nghĩa.

Thử hỏi dựa vào đâu, lấy thẩm quyền gì mà ta có thể cho rằng cách nhìn nhận thế giới của ta như thế là đúng? Câu trả lời của người theo khoa học thực tiễn ắt hẵn là Lý Trí. Nó là vị thẩm phán tối cao để xác định Chân lý. Sau bóng đêm dài thời Trung Cổ, toàn thể Âu châu như bừng tỉnh trong thời Phục Hưng với sự đăng quang của lý trí trong phong trào triết học Khai Sáng (Enlightenment) ở thế kỷ 18. Lý trí được xem là ngọn đuốc soi sáng cho lịch sử, được dùng để xác định mọi giá trị và đem đến sự cải thiện xã hội về mặt nhân văn. Nhưng có quả thật lý trí có đúng là tiêu chuẩn tối thượng để phán xét và đánh giá mọi vấn đề? Chúng ta hãy thử nghe triết gia Heidegger lên tiếng “Tư Tưởng chỉ bắt đầu tư tưởng, là lúc chúng ta lịch-nghiệm-thể-hội được rằng cái Lý Trí, vốn từ bao thế kỷ được xiển dương xưng tụng, chính nó là thù địch ngoan cố nhất của Tư Tưởng.”(1). Suốt một thời gian dài, sùng thượng lý trí quá mức trong xã hội phương Tây, cũng như cái học thượng lễ ở xã hội Á Đông, đã khiến cuộc sống trở nên xơ cứng, rập khuôn mà thiếu đi tiếng nói đằm thằm của tâm tình, trong khi chính đời sống tâm tình mới mở tâm thức con người đi vào những điều lung linh huyền mật.

Cái học phương Đông thường không tin rằng lý trí có thể thấu hiểu được mọi vấn đề bằng khả năng phân tích, tổng hợp của nó, mà luôn xem lý trí - và theo đó, tri thức - là chướng ngại trên con đường tìm về tâm đạo. Hiện thực sống động luôn trôi chảy, ta không thể bắt nó dừng lại để quan sát, theo cái nhìn lạnh lùng của lý trí, dù chỉ trong một sát na. Thế giới ngoại tại vốn cực kỳ phồn tạp, muôn vẻ nghìn màu và không ngừng biến động. Vạn hữu luôn trôi chảy như dòng thác đổ, luôn biến dịch trong từng mỗi sát na. Thế giới sâm la vạn tượng ở sát na này đã khác với cái thế giới trong một sát na trước đó. Vạn hữu luôn mới tinh khôi, như lần đầu tiên được sáng tạo. Do đó, chỉ có cái-giờ-đây mới là cái thực.

Tiêu bản bướm trong phòng thí nghiệm hay là hình ảnh con bướm trong các cuốn sách dày cộm chuyên nghiên cứu về động vật, không còn là cánh bướm đang đong đưa trên giàn hoa trong nắng hạ. Tiêu bản bướm trong phòng thí nghiệm là định nghĩa, trong khi cánh bướm đang vỗ cánh đong đưa mới chính là hiện thực. Nắm bắt thế giới hiện thực qua định nghĩa trong thế giới ý niệm cũng giống như tìm hiểu con bướm sống động đang bay lượn ngoài đồng nội qua tiêu bản bướm trong phòng thí nghiệm. Muốn hiểu được con bướm thì chúng ta phải con bướm, bay lượn theo cánh bướm, đong đưa trong ngọn nắng hè.

Trong tinh thần phương Đông, người ta không quan tâm đến định nghĩa mà đi thẳng vào trọng tâm vấn đề. Nghĩa là cái mà người ta quan tâm là con bướm thực đang bay lượn ngoài đồng nội, chớ không là tiêu bản bướm trong lồng kính của phòng thí nghiệm. Ví dụ trong phần mở đầu kinh Kim Cương, trưởng lão Tu Bồ Đề khi thỉnh cầu đức Phật thuyết pháp, đã không hỏi thế nào là tâm, không cần Phật phải định nghĩa tâm là gì, một khi đã phát tâm cầu đạo Vô Thượng Bồ Đề, mà chỉ hỏi về chỗ trụ và cách hàng phục tâm. Thay vì hỏi “Như hà thị tâm?” thì vị trưởng lão kia chỉ đặt vấn đề  “Vân hà ưng trụ, vân hà hàng phục kỳ tâm?”.

Thử hỏi, ta làm sao có thể nhìn nhận được cái thế giới tồn tại khách quan một cách chính xác, trong khi chính bản thân chúng ta là một thành phần của nó? Liệu con cá có thể hiểu về cái đại dương mà trong đó nó đang bơi lội, hay con khỉ có thể hiểu về cái khu rừng mà trong đó nó đang nhảy nhót, giống như người quan sát từ bên ngoài – giả định là các nhà khoa học- hay không? Cũng thế, liệu con người có thể hiểu về cái thế giới mà trong đó nó đang sống, đúng như người quan sát từ bên ngoài - giả định là Thượng Đế- hay không?

Ta thử dùng một thông báo lỗi rất thông thường trong phần mềm Excel quen thuộc để có một minh họa lý thú cho điều này. Ví dụ ô A2 chứa số 2, ô A3 chứa số 8 và ô A4 chứa số 10. Khi ta đặt con trỏ máy tính (cursor) vào ô A1 và gõ công thức “=sum(A2:A4)”, thì ô A1 sẽ có giá trị là tổng giá trị của các ô A2, A3 và A4, tức là 20 (=2+8+10). Nhưng nếu đặt con trỏ máy tính vào ô A1 mà ta gõ công thức “=sum(A1:A4), thì máy sẽ không thực hiện lệnh đó mà báo lỗi “tham chiếu vòng tròn” với lời giải thích: “Công thức chứa lỗi tham chiếu vòng tròn và không thể tính toán chính xác được. Lỗi tham chiếu vòng tròn là bất kỳ sự tham chiếu nào nằm trong công thức tùy thuộc vào các kết quả của chính công thức đó. Chẳng hạn một ô (cell) tham chiếu đến giá trị của chính nó, hay một ô tham chiếu đến một ô khác, mà ô đó lại tùy thuộc vào giá trị của ô ban đầu thì cả hai đều mắc lỗi tham chiếu vòng tròn(2). Nếu ta bấm nút OK hay Cancelđể tiếp tục thì nó sẽ cho giá trị là 0. Nói một cách cụ thể thì ô A1 không thể mang giá trị của một tổng mà bản thân nó lại là một thành phần của chính tổng đó.

 

Tương tự như vậy, liệu con người có thể quán sát một cách đúng đắn toàn thể khối hiện thể trong khi chính bản thân chúng ta là một thành phần trong toàn thể khối hiện thể đó hay không? Dĩ nhiên là không. Vậy làm thế nào mà con người lại có thể tự cho mình có khả năng quán sát được toàn thể vạn hữu để có thể đưa ra định nghĩa về tồn tại khách quan? Nếu ta cứ quán sát thế giới tự nhiên một cách chủ quan như thế thì kết quả quán sát cũng sẽ là 0, vì thực ra ta đang mắc lỗi “tham chiếu vòng tròn”, hay nói cụ thể hơn là “mắc vào cái vòng lẫn quẩn”, mà không hề hay biết.

Thử hỏi con người có thể nào quán sát toàn thể vạn hữu đúng nghĩa không, khi mà chính kẻ quán sát lại là một thành phần của đối tượng được quán sát? Khi ta đóng vai một người quán sát thế giới thì liệu cái gọi là tồn tại khách quan có xuất hiện đúng là như vậy hay không? Ta làm sao xem trọn vẹn và chính xác được vở tuồng mà trong đó ta là một diễn viên? Ta đứng ở góc độ nào để quán sát thế giới, theo cách mà khoa học gọi là khách quan? Một thực thể trong tự nhiên khi được quan sát thì luôn biến thành từng đối tượng nhận thức mang các thuộc tính khác nhau đối với từng chủ thể quan sát khác nhau. Từ sự quán sát chung về thế giới tự nhiên, nền khoa học phương Tây đã không ngừng phát triển thành nhiều ngành nghiên cứu và bộ môn khác nhau, đó là sự minh chứng cho điều này. Từ một đối tượng được quan sát, ta đâu có thể rút ra được cái gọi là “quy luật vận động khách quan” trong bản thân sự vật có giá trị chung cho mọi chủ thể quán sát. Nhà triết học, nhà vật lý, nhà hóa học hay nhà thiên văn học … đều nhìn thế giới tự nhiên theo những cách khác nhau, với những quy luật vận động khác nhau. Vậy thì đâu là cái “thế giới tồn tại khách quan” có giá trị chung cho mọi chủ thể quán sát?

Thiền sư Vân Môn- tổ thiền phái Vân Môn- một hôm thượng đường, đưa cây gậy lên nói : “Phàm phu cho nó là thực nên gọi nó là có, Nhị thừa phân tích gọi nó là không, Duyên Giác gọi nó là có mà hư ảo, Bồ Tát xem bản thể hiện tại của nó là Không. Kẻ tu Thiền hễ thấy cây gậy thì cứ gọi là cây gậy, đi liền đi, ngồi liền ngồi, hoàn toàn không được động đến”. (Phàm phu thực vị chi hữu, Nhị thừa tích vị chi vô, Duyên Giác vị chi huyễn hữu, Bồ Tát đương thể tức không. Nạp tăng gia kiến trụ trượng, tiện hoán tác trụ trượng, hành tiện hành, tọa tiện tọa, tổng bất đắc động trứ.). Chỉ một cây gậy thôi mà đã có nhiều cách nhìn, tùy theo trình độ giác ngộ. Vậy thì đâu là “cây gậy tồn tại khách quan”?

Lại nữa, nếu chỉ quan sát thế giới bằng giác quan và chỉ tin vào những chứng cứ do giác quan đem lại thì liệu siêu âm có tồn tại với đôi tai, hay tia hồng ngoại có tồn tại với đôi mắt của một người bình thường? Cô Liên bán hoa xinh xắn trong truyện dài “Gánh hàng hoa” của Khái Hưng không bao tin có vi trùng vì nàng cho rằng không thể có con vật nào nhỏ đến mức đôi mắt tinh tường của nàng lại không nhìn thấy. Trên đời này vẫn còn có vô vàn các cô Liên. Đó là những kẻ tin tuyệt đối vào lý trí, như cô Liên tin vào đôi mắt tinh tường, với sự khẳng định ngây thơ rằng khoa học sẽ giải đáp được tất cả vấn đề nan giải của cuộc đời; hoặc những kẻ tin tưởng một cách ấu trĩ rằng lịch sử sẽ trôi đúng theo phép lý luận quy nạp!

Chúng ta biết được siêu âm hay tia hồng ngoại là nhờ những thiết bị máy móc, cũng vậy muốn nhận biết được những điều huyền mật trong vũ trụ còn khuất lấp với lý trí thì chúng ta hẳn phải nhờ đến một dạng “thiết bị” khác. Đó là tuệ giác.

Nếu từ bỏ lý trí thì dựa vào đâu để ta có quán sát được toàn thể vũ trụ mà không mắc vào lỗi “tham chiếu vòng tròn”? Thử tưởng tượng nếu ta đặt một tấm kính khổng lồ soi được cả vũ trụ, thì nhìn vào gương đó ta có thể quán sát được toàn thể vũ trụ, kể cả chính bản thân ta. Vạn hữu hay toàn bộ khối hiện thể, bao gồm cả chính ta, như một Nhất Thể Viên Dung tự phân đôi thành hai để quan chiêm lẫn nhau. Cái Ta bên này cũng chính là cái Ta bên ấy. Đây chính là chỗ cảm ứng tự nhiên giữa tâm và vật theo tinh thần kinh Dịch : “Dịch, vô tư dã, vô vi dã, tịch nhiên bất động, cảm nhi toại thông thiên hạ chi cố.” (Đạo Dịch : không nghĩ gì, không làm gì, cứ lặng lẽ bất động mà thấu suốt ngay mọi nguyên cớ trong thiên hạ).

Nhà thơ Nguyễn Du hẳn đã đạt đến cảnh giới cảm ưng “vô tư, vô vi, tịch nhiên bất động, cảm nhi toại thông“ đó qua hai câu thơ kết trong bài Tạp thi :

Diệp lạc hoa khai nhãn tiền sự,

Tứ thời tâm kính tự như như.

(Lá rơi hoa nở là những chuyện diễn ra trước mắt

Suốt bốn mùa  tấm gương lòng vẫn cứ sáng rỡ lặng yên.)

Tâm như tấm gương sáng, cứ tùy vật đến mà cảm ứng, theo tinh thần “tâm như hư không, vô sở chướng ngại” của Phật giáo. Muôn vật khi đến thì đều hiện ra trong tấm gương lòng, tâm cứ tùy vật mà cảm; khi muôn vật đi thì tâm trở nên lặng lẽ, tịch nhiên bất động, vẫn luôn ngời sáng mà không chút bận lòng với cái gọi là tồn tại khách quan 

Nói một cách cưỡng bức và mang dáng dấp “tư tưởng hiện đại” của phương Tây một chút thì đó là chỗ mà nhà thơ Bùi Giáng nói qua lời tựa (Avant-Propos) trong tập Dialogue :

… một Hằng Thể Lưu Tồn tự phân đôi : hai vũ trụ quan chiêm nhau trong một cõi doanh hoàn; một cõi doanh hoàn tự tách thành hai miền bị cách ngăn bởi một hố thẳm. Hoạt tinh thể của hố thẳm nằm ở chỗ nó có thể bị vượt qua bằng một bước nhảy. Hoạt tinh thể của bước nhảy là sự liều lĩnh dấn thân(3).

Một bước nhảy liều lĩnh xóa mờ biên giới với chủ và khách, giữa tâm và cảnh, mà nói theo ngôn ngữ thơ mộng của Bùi Giáng, ta tạm gọi đó là “liên tồn mở những trận chiêm bao mơ màng ra suốt xứ”! Và chính ở chỗ bước nhảy này, theo tinh thần nhảy vào hố thẳm của kinh Dịch -“dược tại uyên” - với sự buông lơi toàn bộ lý trí, mà ta mới nhảy qua được lỗi “tham chiếu vòng tròn” để nghiệm thêm ra ý nghĩa “sự sự vô ngại” trong tư tưởng Hoa Nghiêm. 

Ghi chú :

(1)   Sương Tỳ hảiBùi Giáng dịch,  NXB An Tiêm, tr. 186, Sài Gòn, 1966

(2)   One or more formulars contain a circular reference and may not calculate correctly. Circular references are any references within a formular that depends upon the results of that same formular. For example, a cell that refers to its own value or a cell that refers to another cell which depends on the original cell’s value both contain circular references.

(3)               “… un être se dédouble : deux univers se contemplent dans un monde; un monde se partage en deux contrées qu’un abîme sépare. L’essence de l’abîme réside dans le fait qu’il peut être franchi d’un bond. L’essence du bond, c’est le risque.” (Dialogue, nhiều tác giả, NXB Lá Bối, Sài Gòn, 1965). Lời dịch của tôi sử dụng những dụng ngữ quen thuộc của chính nhà thơ Bùi Giáng để cố gắng chuyển tải nội dung nguyên văn câu tiếng Pháp của  ông.

 

Các tin đã đăng: