Trong Ba nguyên tắc để kiểm chứng ‘chánh pháp’, thường gọi là ‘Tam Pháp Ấn’
không có ‘nghiệp’ và ‘tái sinh’, tuy nhiên đối với Phật tử Á châu, nghiệp và
tái sinh đồng nghĩa với ‘Phật giáo’. Không thể ‘có’ Phật giáo nếu không có ý niệm
nghiệp. Nghĩa là không ai có thể tự gọi mình là Phật tử nếu không chấp nhận hay
tin lý thuyết ‘Nghiệp’.
Trong khi về Vật lý, định luật
do Newton khám phá ra được khoa học chấp nhận như định luật khách quan và tất định của vũ trụ. Tuy nhiên cho đến nay khoa học vẫn ‘chưa khám
phá’ ra những đạo luật ‘luân lý’ khách
quan và tất định ban thưởng hay trừng phạt những hành vi thiện ác. Có một
cơ chế ‘khách quan’ nào ban thưởng những người làm lành và trừng phạt những người
ác? Trong khi các tôn giáo độc thần đưa ra hình ảnh một ‘thượng đế’ cầm sổ ‘ghi chép’ những hành vi thiện ác và ban thưởng
người này lên Thiên đàng hay trừng phạt người khác xuống hỏa ngục , giáo lý duyên
khởi của Phật giáo phủ nhận toàn triệt
một nhân vật như thế. Ai là ‘phán quan’ giữ sổ “đậu đen đậu trắng’ để thưởng phạt?
Triết lý khai sáng và khoa học đã khai tử
nhân vật gọi là ‘Thượng đế’ từ thế kỷ 18. Nietsche đã khai tử thượng đế và kết
tội Thượng đế là một ý niệm ‘lừa bịp vĩ
đại nhất từ 2000 năm qua’ Các thành phần tôn giáo quá khích chỉ còn một
cách nói ‘đó là lòng tin của tôi’ và dĩ nhiên ‘lòng tin’ là vấn đề cá nhân không ai có thể ‘truyền thông’ cho người khác được, trừ khi có ‘diễm
phúc’ được ‘Chúa’ chọn lựa!
Một số người Tây phương cuồng
tín (fundamentists) do đó hoặc là ‘bám víu’ vào ‘lòng tin’ phản khoa học này,
hoặc chấp nhận thái độ ‘bất khả tri’ (agnostics), như Khổng Tử ngày xưa né
tránh trả lời những câu hỏi về siêu hình ‘yên
sự sinh, năng sự tử’, ‘quỷ thần kính
nhi viễn chi’, hay quyết liệt hơn chấp nhận thái độ vô thần (atheists).
Thành phần ‘bất khả tri’ và ‘vô thần’ hiện nay trong xã hội Tây phương nếu
không bằng thì cũng nhiều hơn những người ‘tin’ mù quáng vào Chúa hiện hữu bằng
xương bằng thịt, nghĩa là xã hội Tây phương càng ngày càng bị thế tục hóa.
Những giải thích về Nghiệp
Giải thích thông thường về
Nghiệp là nếu ‘đời này’ chúng ta hạnh phúc hay đau khổ là do kết quả của những
hành động của chúng ta trong quá khứ (đời trước), biệt nghiệp- hay định nghiệp
của mỗi người. Kinh điển Pali giải thích điểm này không giống nhau. Các kinh điển
Pali đầu tiên phần lớn nghiêng về cách giải thích theo tính cách tất định của
nghiệp. Một trong những hậu quả do lối giải thích này là hố ngăn cách giữa Tăng
già và cư sĩ trong các nước Phật giáo Á Châu. Tăng già ‘kiếp trước’ tích lũy đầy
đủ nghiệp ‘tốt’ để kiếp này được sinh làm tỳ kheo, theo bước chân Phật; còn cư sĩ ‘kiếp trước’ tạo nhiều nghiệp ‘chướng’
nên kiếp này còn bận bịu thê nhi và bổn
phận của cư sĩ là hỗ trợ Tăng già
trên con đường hành trì và sẽ được tích tụ ‘công đức’, may ra ‘kiếp sau’ được
‘tái sinh’ vào một giai cấp khá hơn hay có đủ thiện nghiệp và công đức để thành
‘trưởng tử như lai’ trong kiếp sau. Kinh điển Pali chỉ ghi lại bằng chữ viết 5
thế kỷ sau khi Đức Phật nhập diệt, cách giải thích này thuận lợi cho giáo đoàn
tăng già ‘nguyên thủy’ nên có lẽ họ không bận tâm đưa ra những giải thích khác.
Trong giai đoạn suy thoái của Phật giáo Thái, nhiệm vụ chính của các nhà sư là
‘bán công đức’ cho các gia đình giàu có, dù không ai chắc rằng các vị sư này thật
sự có công đức để ‘cho’ hay ‘bán’ hay không và hậu quả là Phật giáo bị kết tội
là ‘chủ nghĩa tâm linh vật chất’, nghĩa là các tăng già loại này đem giáo pháp
của Đức Phật ra buôn bán lấy tiền. Công đức giống như ‘tiền’ gởi nhà băng, khi
nào cần thì đem ra xài hay mua thêm công đức! Phật giáo Đại thừa rộng rãi hơn,
khi làm công đức thì không cần tích lũy hay đem ‘bán’ hay cho người khác, mà hồi
hướng cho tất cả chúng sinh để tất cả đều thành ‘Phật Đạo’.
Tình trạng lẩn quẩn là các
tăng sĩ buôn bán công đức kiểu này ở Thái đi các xe mắc tiền và càng đi xe mắc
tiền chừng nào, chứng tỏ họ ‘ăn khách’ vì
‘có nhiều công đức’ để cho hay bán và thay vì dùng thì giờ để ‘pháp’ thí, các
nhà sư ‘thời hội nhập’ này tìm mọi thủ đoạn ‘tiếp thị’ để bán công đức cho các
đệ tử ‘giàu có’, đổ xô cúng dường để mua công đức! Tình trạng mà cư sĩ Sulak Sivaraksa gọi là từ
‘hoa sen’ sang ‘bàn tay quỷ’ của kinh tế thị trường.
Định nghĩa nghiệp theo kiểu
này có thể dùng để biện chính cho chế độ đẵng cấp khắc nghiệt ở Ấn (như Gandhi
đã dùng trong cuộc tranh luận với Ambedkar), bất công kinh tế, giàu nghèo, xấu
đẹp, đều đem nghiệp ra để biện chính, Nghiệp thành một nguyên tắc ‘đạo đức tất
định’ và định nghĩa nghiệp theo kiểu này đúng với tinh thần của Ba La Môn giáo
hơn là Phật giáo. Có gì bất hạnh xảy ra chỉ cần chép miệng hay xoa tay: ‘Nghiệp
mà!’. Vì chuyện xảy ra ở kiếp khác nên không ai kiểm chứng được, cũng giống như
lòng tin được Chúa rước lên Thiên đàng hay đẩy xuống Địa ngục, chỉ có người
trong cuộc mới biết mà thôi!
Cộng nghiệp thì càng dễ ‘đổ thừa’
hơn nữa vì có lịch sử ghi lại! Tôi đã từng nghe một tỳ kheo phê bình trong một
vụ bão lụt miền Tây Việt Nam trong thập kỷ trước là ‘tại vì dân mình nhiều ác
nghiệp quá’. Thay vì lấy lòng từ bi để quyên góp tiền bạc giúp đỡ nạn nhân bão
lụt, hạ thủ một câu như thế chẳng khác nào đổ lỗi hết cho nạn nhân. Vụ sóng thần
gần đây xảy ra ở Nhật cũng có vài vị tăng già lập luận tương tự! Giáo sư David
Roy có nhắc đến một nhà sư Phật giáo phê bình biến cố diệt chủng do Đức Quốc Xã
gây ra cho dân Do Thái trong thế chiến II là: “Người Do Thái có quá nhiều nghiệp
chướng” Thay vì lên án Đức Quốc Xã thì dùng ý niệm ‘nghiệp’ đổ tội cho nạn
nhân. Nếu một tỳ kheo tu hành mấy chục năm mà còn hiểu nghiệp như thế thì huống
gì Phật tử sơ cơ!
Kinh Kalama, thường được xem
như là hiến chương tự do tư tưởng của Phật giáo, nhấn mạnh đến tầm quan trọng của
tuệ giác trong việc nghiên cứu. Đức Phật dạy chúng ta đừng vội tin theo truyền
thuyết, hay truyền thống, chỉ chấp nhận cho đến khi nào chúng ta tìm ra kết luận
đúng theo tuệ giác. Điều này không có nghĩa là phủ nhận định nghĩa ‘truyền thống’
về nghiệp, nhưng chú trọng đến nhu cầu trí thức của Phật giáo và Phật tử hiện đại,
nhất là các Phật tử Tây phương, với tinh thần khai sáng, khi tìm hiểu giáo pháp.
Nếu quan niệm truyền thống tương phản với tuệ giác của đạo Phật, chúng ta phải
có can đảm đặt vấn đề. Đó là tinh thần lời xác nhận của Đức Đạt Lai Lạt Ma khi
Ngài nói: “ Nếu khoa học chứng minh những điểm nào trong giáo lý phản khoa học,
người Phật tử phải có can đảm từ bỏ”.
Kinh điển Pali giải thích nghiệp như thế nào?
Trong Trung Bộ Kinh (135) Culakammaviblanga Sutra dùng nghiệp để
giải thích khác biệt kể cả thể hình xấu đẹp, bất bình đẵng về kinh tế. Tuy
nhiên trong các Kinh khác Đức Phật phủ nhận tánh cách tất định về đạo đức của
nghiệp, như trong kinh Tinha Sutra
(Tăng Chi Bộ Kinh 3.61) Đức Phật cho rằng quan điểm tất định về nghiệp phủ nhận
khả năng tu tập tâm linh:
Có những giáo sĩ quan niệm rằng ‘Tất cả những gì một
người trãi nghiệm hiện nay- lạc thọ, khổ thọ hoặc xả thọ là do những việc làm
trong quá khứ..”Nếu một kẻ sát nhân…,trộm cắp, bất lương, nói dối, tham lam… là
do những việc làm trong quá khứ chính yếu gây ra, người này sẽ không mong muốn
tu tập tâm linh “nên làm việc này, không nên làm việc này” Nếu không biết đâu
là việc thiện nên làm,việc ác không nên làm, người đó sẽ hoang mang và không được
bảo vệ. Những người chủ trương như thế không thể được xem như người giáo sĩ.”
Trong một kinh ngắn khác (Nipata 36.21) có một nhà tu khổ hạnh
Shivaka đến chất vấn trực tiếp Đức Phật: “nếu có người chủ trương là một người
trãi nghiệm lạc thọ, hay khổ thọ hay xả thọ là do những việc làm của họ ở quá
khứ. Đức Cồ Đàm nghĩ như thế nào về giáo thuyết này?;
Đức Phật trả lời như sau: Nếu những người tu khổ hạnh hay giáo sĩ Bà
La Môn chủ trương rằng bất cứ một người nào trãi nghiệm lạc thọ, khổ thọ hay xả
thọ lo do những hành vi trong quá khứ gây ra, những người này đã đi quá mức mà
trí tuệ của họ cho phép và không đúng với sự thực. Cho nên ta nói là quan điểm
này của những tu sĩ khổ hạnh hay giáo sĩ Bà La Môn đã sai lầm. *(dẫn theo
David Loy, Notes for a Buddhist
Revolution, tr 59)
Câu trả lời này rất gần với
thái độ ‘bất khả tri’ của Khổng tử và tuy không đủ yếu tố cho chúng ta so sánh
với các kinh Pali đầu tiên để có một giải thích chính xác về nghiệp.
Nghiệp trong Sanskrit hay
Pali có nghĩa là hành động. Định nghĩa nghiệp có ba phần: Ý nghiệp (Động lực)
khẩu nghiệp (biểu lộ động lực bằng lời nói) và thân nghiệp (biểu lộ ý định bằng
hành động). Một hành động đưa ra thế nào cũng gây ra hậu quả. Thiền sư Jack
Kornfield nói đùa là “ nghiệp có thể hiểu một cách giản dị là không ai có thể
ăn quỵt được!” Hay nói như một ngạn ngữ Việt Nam là “có vay có trả”.
Nhà Tâm phân học Erich From có
một nhận xét về Freud là, dù Freud là một nhà tư tưởng sáng tạo vĩ đại, nhưng
Freud không thể tự mình đứng lên vai mình. Các nhà tư tưởng này muốn truyền đạt
cho người đồng thời họ cũng phải suy nghĩ bằng ngôn ngữ, lô gích, những nề nếp
tư duy, những cách diễn đạt trong văn hóa của mình. Kết quả là tư tưởng do nhà
tư tưởng phối hợp những nét ‘truyền thống’ với những nét sáng tạo của chính
mình, Khổng tử cũng chỉ dám nói tư tưởng mình là ‘tập đại thành’, một thứ ‘bình
cũ rượu mới’. Nguyên tắc duyên khởi cũng không nói gì khác hơn: nếu không có tư
tưởng truyền thống Ấn độ cũng không có giáo pháp Phật. Giáo pháp của Đức Phật
là phản ứng lại triết học Ấn độ đương thời, không thể tự trên trời rơi xuống.
Kính trọng Đức Phật không có nghĩa là dùng ý niệm trong các tôn giáo độc thần
khoác lên vai Phật, như Chân, Thiện, Mỹ, toàn trí, toàn năng.
Ý niệm nghiệp và luân hồi có
sẵn trong triết lý Bà La Môn và các tôn giáo Ấn khác lúc bây giờ, nếu hiểu theo
ý hướng ‘tất định’, giáo pháp không còn là tư tưởng sáng tạo (hay có thể nói là
‘cách mạng’ so với Ấn giáo). Những câu như tự mình thắp đuốc lên mà đi còn có ý
nghĩa gì nếu con người trôi giạt trong cái vòng nghiệp bất tận, không có cơ hội
giải thoát và chỉ còn trong những giai điệu yếm thế trong Cung Oán Ngâm Khúc.
Chưa kể nghiệp còn gắn liền với tái sinh, một ý niệm mà người Phật tử Tây
phương, sau thời kỳ khai hóa, đã tỏ ra rất dè dặt và thường chọn thái độ bất khả
tri, nếu không chế diễu là ‘lòng tin’ tương tự như tin vào thiên đàng hay hỏa
ngục. Các nhà khoa học thân cận với Đức Đạt Lai Lạt Ma cũng bày tỏ sự nghi ngờ
này dù là đã hợp tác với Ngài trong chương trình nghiên cứu khoa học về mối
liên hệ Thân Tâm hiện nay ở MIT. Phật giáo Tây tạng cũng ít nhắc đến các câu
chuyện huyền bí của các vụ ‘đầu thai’ của các Đức Đạt Lai Lạt Ma như lúc giáo
đoàn của Ngài vừa thoát khỏi Tây tạng (sau năm 1949 và vào thập kỷ 50s hay
60s). Trong vài cuộc phỏng vấn, Ngài còn đưa ra một viễn tượng là Ngài có lẽ là
Lạt Ma cuối cùng. Đây có phải là dấu hiệu là Ngài đã bị các nhà khoa học thuyết
phục?
Một đề nghị giải thích Nghiệp đúng theo tinh thần tuệ
giác của Đạo Phật
Kinh Pháp Cú là một bộ kinh
được dịch ra tiếng Trung Quốc sớm nhất, có nhấn mạng đến vai trò của tâm:
Trong các pháp, tâm dẫn đầu, tâm là chủ, tâm tạo tất cả.
Nếu đem tâm ô nhiễm tạo nghiệp, nói năng hoặc hành động, sự khổ sẽ theo nghiệp
kéo đến như bánh xe lăn theo con vật kéo xe.Trong các pháp, tâm dẫn đầu, tâm làm chủ, tâm tạo tất
cả.
Nếu đem tâm thanh tịnh tạo nghiệp, nói năng hoặc hành động, sư vui vẻ sẽ
theo nghiệp kéo đến như bóng với hình (bản dịch của Trí Đức, trang 9)
Một hành động có ba phần: Động lực (ý nghiệp)
thúc đẩy chúng ta nói (khẩu nghiệp) và hành động (thân nghiệp). Hành động nào
cũng gây ra một (hay nhiều) hậu quả (vikapa). Các hiểu nghiệp tất định nhấn mạnh
đến ảnh hưởng của hậu quả chúng ta nhận được trong tương lai (tái sinh) do những
hành động chúng ta làm trong quá khứ (mà chúng ta không biết). Thay vì nói chuyện
kiếp trước hay kiếp sau, chúng ta có thể nói chuyện ở đây hay bây giờ, nghiệp
nhắc nhở chúng ta không có một hành động nào mà không gây ra hậu quả, và chúng
ta không những quan tâm đến hành động mà còn đến ý nghiệp- thủ phạm chính đưa đến
mọi hành động (như kinh Pháp cú xác nhận- như ‘bóng với hình’). Chỉ có giáo lý
đạo Phật mới đưa ra những thí dụ về động lực hành động. Luật pháp Tây phương dựa
trên triết lý khai sáng của Kant để xác nhận tình trạng nặng hay nhẹ của một
hành động phạm pháp (thí dụ như giữa ngộ sát và cố sát). Cách định nghĩa về
nghiệp cũng phù hợp với các triết lý đạo đức: Triết lý thực dụng (utilitarian) nhấn mạnh đến hậu quả, nguyên tắc đạo đức nhấn mạnh đến nguyên
tắc tổng quát (deontology) và động lực
đến xác định giá trị một hành động và lý do hành động (virtue theories). Phần lớn
tôn giáo như đoàn thể Tăng già chú trọng đến nghi lễ (Ritualistic procedures-
như Giới trong đạo Phật).
Triết lý vô ngã của đạo Phật
được các nhà tâm lý hiện đại tiếp nhận niềm nỡ vì tương hợp với ký thuyết cơ cấu
hậu hiện đại: ngã thực ra chỉ là một tâm hành tái cấu trúc từ thói quen, tập
quán và tùy theo hoàn cảnh có một “I” và nhiều cái tôi nho nhỏ khác (me, me,
mes). Quá trình cấu trúc ngã được tóm gọn trong một bài kệ nhỏ như sau:
Gieo một ý
nghiệp thì gặt một thân nghiệpGieo một
thân nghiệp thì gặt một thói quenGieo một
thói quen thì gặt một bản chấtGieo một bản
chất thì gặt được một số phận.
Những gì tôi do ý nghĩ của tôi thúc đẩy (ý nghiệp) Phản ứng, hành động lập lại nhiều lần trở thành một
thói quenThói quen suy nghĩ, hành động, cảm thọ sẽ được xem như
là ‘bản tính’‘Bản tính’ sẽ được tôi xem là ‘ngã’ (loại người của
tôi) (hiền, dữ, hay giận, hiền hòa, hướng nội, hướng ngoại…)
Những gì tôi làm không hoàn toàn quyết định những gì sẽ
xảy ra cho tôi, những gì xảy ra trong cuộc đời tôi tùy cách phản ứng của tôi
trong hoàn cảnh khác nhau. Đó là ý nghĩa câu nói của Sartre: Tôi là tổng hợp những
gì tôi làm. Không có cái gọi là bản tính bẩm sinh (ngã) mà ngã chỉ là kết hợp bởi
những hành động của tôi. Nếu kết luận :”Tính tôi như thế” là một thái độ ù lì
và sẽ không có chuyện ‘tu tâm dưỡng tánh’. Sự hiểu biết về nghiệp không nhất
thiết liên hệ đến một kiếp khác sau khi thân thể bị hủy hoại. Tu tâm sửa tánh để
thành một loại người khác chúng ta sẽ trãi nghiệm thế giới một cách khác. Khi
tâm tính thay đổi thế giới bên ngoài sẽ phản ứng với chúng ta một cách khác.
Giáo pháp của Đức Phật phần
lớn nhấn mạnh đến động lực (motivations- ý nghiệp). Tinh yếu đạo đức của người
theo đạo Phật chỉ gồm có có Ba điều:
làm điều thiện, tránh làm điều ác, thanh
lọc tâm ý.
Gần đây có một nhan đề trên
Giác Ngộ mà tôi rất vừa ý: Đem nhân gian vào Đạo Phật. Biến đạo Phật thành một
tôn giáo của người sống. Tạm thời quên chuyện kiếp trước hay kiếp sau như thái
độ của những người agnostic ở Tây phương. Trong kiếp này chúng ta chỉ cần thực
hiện 3 điều căn yếu: làm điều thiện, tránh làm điều ác và nhất là thanh lọc tâm
ý.
Quán Như Phạm Văn Minh