Vén màn “tự ngã”: Sự phân tích tâm lý của Sigmund Freud và vấn đề Truy tìm “Tâm” của nhà Phật
Viết bởi Thích Nữ Huệ Như
11/12/2010 11:59 (GMT+7)


Sự nghiên cứu Sigmund Freud đã thâm nhập đến tầng “vô ý thức” của tâm linh, thể hiện rõ ở quan điểm khai sáng tinh thần bản năng Oedipus complex (nghĩa là sự nhập thai bắt nguồn từ sự luyến ái mẫu thân). Ông đã lấy việc phân tích tâm lý để giải quyết vấn đề tự ngã, nhưng tinh thần của nhà Phật đối với quan điểm Oedipus complex vốn không phải là vấn đề căn bản của tâm lý. Tâm lý chỉ là nhân trợ giúp, mà căn bản tâm lý con người là vấn đề“ngã chấp”. Tâm con người giống như một cây đại thụ mà việc phân tích tâm lý chỉ là sự cắt gọt các cành nhánh của nó, nó vẫn tiếp tục phát sanh. Việc truy tìm “tâm” của nhà Phật là sự đốn bạt và quật cả gốc lẫn rễ của nó.

“Tự ngã”, nhân loại từ xưa đến nay vẫn còn là mối hoài nghi, “Tôi là ai? Tôi từ đâu đến? và sau đó tôi sẽ đi về đâu?” cho đến “cái tôi” và sự vật có gì khác biệt? nếu nói “cái tôi” và sự vật giống nhau thì chẳng khác nào chấp nhận sự khống chế của bản năng, thế thì “cái tôi” có thể nào siêu vượt bản năng? “Cái ngã” siêu vượt bản năng vẫn là sự phủ nhận “cái tôi” nguyên thủy? Nếu nói không phải thế thì sao lại có “cái ngã” hiện tại này?
Thân thế và sự nghiệp Sigmund Freud Sigmund Freud (1856-1939), nhà tâm lý học người Áo, là người khai sáng học phái tinh thần phân tích. Ông xuất thân trong một gia đình thương nhân làm nghề buôn bán lông cừu. Ngay từ nhỏ ông chỉ quấn quýt bên mẹ và rất sợ ánh mắt nghiêm nghị của cha, nhưng đối với mẹ thì cảm tình luôn thân mật thắm thiết. Có lẽ từ cái nguyên nhân ban sơ này mà ông đã đề xướng lý luận tinh thần khai sáng bản năng Oedipus complex. Năm 1873 ông vào đại học, vừa học vừa làm việc và nghiên cứu tại Viện nghiên cứu sinh lý Blucher. Năm 1891 ông tốt nghiệp tiến sĩ y học, 1882-1885 ông là giáo sư tại Bệnh viện Tổng hợp thủ đô Vienna (Áo). Từ công việc nghiên cứu của mình ông đã đưa ra phương pháp bệnh lý học và giải phẫu thần kinh học. Trong khoảng thời gian từ 1886-1938 ông đã thực hiện phương pháp tinh thần trị liệu, dùng biện pháp thôi miên khiến cho bệnh nhân nói ra những điều chất chứa trong nội tâm, từ đó mà bệnh tình sẽ trở nên tốt hơn. Khoảng năm 1892, ông phát hiện những phương pháp trị liệu của mình không có hiệu quả dài lâu, nên đã dùng phương pháp trị liệu mới gọi là “tinh thần phân tích” hoặc “tự do liên tưởng” (Free association), phương pháp trị liệu này khiến cho bệnh nhân ngay trong trạng thái tỉnh giác đã đem những điều liên tưởng hoặc ý niệm từ lâu bị ức chế trong lòng mà thổ lộ ra hết. Năm 1900 ông xuất bản cuốn “Giải thích giấc mộng”, và được xem như là sự chính thức ra đời của “tinh thần phân tích học”. Năm 1930 ông sáng lập Hội “Tinh thần phân tích” quốc tế. Đến năm 1939, ông mắc bệnh ung thư và qua đời tại Anh quốc.

Quan điểm tự ngã và sự phân tích của Freud

S. Freud xem tự ngã (Ego/ Ich) như là tri giác, ý thức bản ngã (id/Es), thậm chí cho đến (có thể xem là tri giác, là ý thức). Ông nói, tự ngã chỉ là một bộ phận nhỏ trong bản ngã. Kết cấu bản ngã chủ yếu là nguyên nhân của dục kích động đến vô ý thức (Unconscious/ Unbewusstes), Preud gọi nó là “libido”, là từ thông thường để chúng ta gọi bản ngã (Instinct/ Instinkt). Bản ngã và tự ngã phân hóa biểu hiện ra siêu ngã (super-ego/ Ueber -Ich). Siêu ngã là sự siêu việt lý tưởng đạo đức và lương tri, do vô ý thức và tiềm ý thức kiến tạo nên. Do vậy, nhân ngã cũng là bản ngã.

Năm 1923, Freud trong cuốn “Tự ngã và bản năng” đã nói: “kết cấu nhân cách (tripartite personality structure) có ba phần, nhân cách là do sự cấu thành của bản ngã, tự ngã và siêu ngã.

Bản ngã (id), cũng còn gọi là “nguyên ngã, thú ngã” là chỉ tiềm ý thức tối sơ nguyên thủy và câu sanh mà có, trong đó bao hàm con người từ rất sớm đã tiếp cận tính kích động của bản năng, của thú tính, nó giống như chiếc nồi chứa đầy bản năng và dục vọng sống động đang sôi sùng sục, nó là tâm lý năng lượng phi lý tánh vô cùng mạnh mẽ, nó bám theo “nguyên tắc khoái lạc” mà đi tìm con đường thoát ra, tìm cái ý vị thỏa mãn.

Tự ngã (Ego) là chỉ bộ phận kết cấu của ý thức, nó đến từ bản ngã và từ các ảnh tượng thế giới bên ngoài mà hình thành nên hệ thống tri giác, nó đại biểu cho lý tánh và cơ trí. Ngoài ra nó còn tiếp nhận cái “nguyên tắc hiện thực” giữa bản ngã và siêu ngã, giám sát bản ngã và đưa đến những thỏa mãn thích đáng. Năng lượng của tâm lý tự ngã đa phần bị tiêu hao bởi sự khống chế và gia ức của bản ngã, bản ngã có thể được so sánh như một chiếc xe ngựa, tự ngã là dây cương, động lực là con ngựa mà người cầm cương có thể hướng con người đi đúng phương hướng.

Siêu ngã (super ego) là chỉ bộ phận tối cao trong nhân cách đạo đức (conscience), nó là đại biểu cho lương tâm, tự ngã lý tưởng (ego-idead), còn là tầng vị cao nhất của nhân cách, luôn tìm “nguyên tắc chí thiện” (per-fection principle) chỉ đạo tự ngã, hạn chế bản ngã để dễ dàng đạt được lý tưởng tự ngã chuẩn mực.

Các học phái nghiên cứu về tinh thần tâm lý của con người cũng cho rằng: Tự ngã là sự thống nhất hoàn chỉnh tất cả các ý thức thuộc về siêu ngã, chỉ có điều bản ngã thường là do sự thúc đẩy của dục, tìm cầu sự thỏa mãn nhu cầu dục tính của nó; còn siêu ngã là sự thúc liễm và bảo hộ của lương tâm cho đến mọi sự kích động, xúi giục của sự vật bên ngoài hoàn toàn được triệt tiêu và cảm phục, cho đến thực hành các nguyên tác hiện hành “nhứt phốc tam chủ” (nhứt phốc: chỉ tự ngã; tam chủ: chỉ bản ngã, siêu ngã cho đến những vấn đề hiện thực bên ngoài).

Lý giải tự ngã theo quan điểm “không” của nhà Phật

Nếu như tự ngã và siêu ngã đều là một bộ phận của bản ngã mà bản ngã cũng chỉ là một vấn đề liệt vào các vấn đề sanh khởi bên ngoài, nó chỉ do dục sống động mà phát sanh, như dòng chảy không ngừng, quá trình biến động không trụ, tức tự thân của bản ngã vốn không phải là tự tánh không biến đổi cho đến tự ngã và vô ngã cũng là sự biến động. Đây tức là ý nghĩa “không” (sunya), “cứu cánh” của nhà Phật. Nghĩa “không” tức tự ngã không, bản ngã không, cho đến siêu ngã cũng chỉ là sự chấp trước và mê chấp bám trú vào sự vật. Đây thể hiện tư tưởng đặc biệt “không tông” của Đại thừa, thể hiện tinh thần tùy duyên của “Bát-nhã Ba La Mật Đa Tâm Kinh”. Do  Tiểu thừa Phật giáo đem “Ngã” phân thành sắc (vật chất), thọ (cảm thọ), tưởng (tri giác và ức niệm), hành (ý chí và tư tưởng), thức (ý thức). Tư tưởng của Tiểu thừa lấy năm uẩn này làm nhân tố cơ bản hình thành nên sự tồn tại của nhân ngã (tự ngã của con người). Bước vào tư tưởng “không” của Bát-nhã mà nói thể hiện ở chỗ “Ngũ uẩn giai không”—tức sắc chẳng khác không, không chẳng khác sắc, sắc tức là không, không tức là sắc, thọ tưởng hành thức cũng lại như thế”, cho đến 12 xứ —lục nội xứ, nhãn căn xứ, nhĩ căn xứ, tỷ căn xứ, thiệt căn xứ, thân căn xứ, ý căn xứ. Và lục ngoại xứ—sắc xứ, thinh xứ, hương xứ, vị xứ, xúc xứ, pháp xứ. Những yếu tố cơ bản này hình thành nên nhân ngã (con người) cũng đều là không, cho đến Thập bát giới—lục căn: nhãn giới cho đến ý giới, và lục cảnh: sắc giới cho đến pháp giới cùng với “lục thức”: nhãn thức giới cho đến ý thức giới, các yếu tố này hình thành nên ý thức của con người cũng đều bị nhà Phật phủ nhận “không tánh”. Và hơn nữa “thập nhị nhân duyên”— vô minh duyên hành, hành duyên thức, thức duyên danh sắc, danh sắc duyên lục xứ, lục xứ duyên xúc, xúc duyên thọ, thọ duyên thủ, thủ duyên hữu, hữu duyên sanh, sanh duyên lão tử cho đến khổ, ưu não đều do khổ uẩn mà cấu thành. Điều này chứng minh rõ tư tưởng duyên khởi quán của Đại thừa: “Nhược thử hữu tắc bỉ hữu, nhược thử sanh tắc bỉ sanh; nhược thử vô tắc bỉ vô, nhược thử diệt tắc bỉ diệt”. Thậm chí Tứ Đế “khổ-tập-diệt-đạo”, bốn chân lý này là nền tảng của nhà Phật cũng bị phá hủy và đốn triệt trên tinh thần nghĩa không, cho đến “lục độ” còn gọi là “lục chủng đức” là mục tiêu thực tiễn của con đường thực hành Bồ-tát đạo—bố thí độ, trì giới độ, nhẫn nhục độ, tinh tấn độ, thiền định độ và bát-nhã độ mà đặc biệt lấy bát-nhã độ làm trọng tâm cũng bị nhà Phật đốn bạt theo nghĩa “không” của bát-nhã. “Thị cố không trung vô sắc, vô thọ tưởng hành thức, vô nhãn nhĩ tỷ thiệt thân ý, vô sắc thanh hương vị xúc pháp, vô nhãn giới nãi chí vô ý thức giới; vô vô minh diệt, vô vô minh tận, nãi chí vô lão tử, diệt vô lão tử tận; vô khổ tập diệt đạo, vô trí diệt vô đắc”. Ở đây thì “không” chính là cảnh Niết-bàn của nhà Phật. Có thể nói cách khác, chủ trương phá trừ toàn bộ chấp trước (bao gồm nhân ngã chấp và pháp ngã chấp) mà đạt được cảnh giới “không”.

Sự thành tựu khoa học của S. Preud là đều khó có thể để ông ta thể nghiệm và chấp nhận nghĩa “không” như nhà Phật đã minh chứng. Thành tựu khoa học của ông chứng minh sự vật tồn tại một cách rõ ràng, thành tựu ấy là giá trị quan trọng mà ông đeo đuổi. Hơn nữa, nhân loại vốn dĩ tự vô thỉ đã hằng chấp trước vào tự ngã là trường tồn bất biến, con người đã thừa nhận cái ngã này như một thực thể vĩnh hằng, nhưng họ hoàn toàn không hiểu “ngã chấp” rốt cuộc do đâu phát sanh? Do vậy cần nương vào Đại thừa Phật giáo để hiểu một cách tận tường làm minh chứng cho tự ngã này từ đâu đến và sau đó sẽ đi về đâu?

Sự minh chứng “Ngã” trên lập trường của Duy Thức học

Đại thừa Phật giáo phân tích ngã chấp đều thuận theo sự thể chứng và xác lập “Duyên khởi quán” của đức Phật. Ngài nói rằng: “Thử hữu cố bỉ khởi, thử vô cố bỉ diệt”. Nếu như đứng trên lập trường “hữu”của Đại thừa và Tiểu thừa thì khái niệm về nhân ngã có phần sai biệt. Nhân ngã trong Tiểu thừa Phật giáo dựa trên nền tảng lục thức (nhãn, nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý). Nhưng đến Đại thừa tiến lên một bước phân tích: tiền ngũ thức trong lục thức đều có đủ tương ưng tự thân “căn” tức—thân căn, nhĩ thức tức—nhĩ căn, v.v... Thế còn ý thức thì sao? Ý thức có vô tương ưng tự thân không? Nếu như nói y nhãn căn mà có căn thức, thế thì ý thức là tương đương với ý y vào nơi căn, đồng với đạo lý này cho thấy mạt-na thức cũng không phải là cái cây không có gốc, không phải là dòng nước không có nguồn, mạt-na y vào a-lại-da thức, tức tàng thức. Căn cứ Thành duy thức luận: Thức này có đủ: “năng tàng, sở tàng và ngã ái chấp tàng”. Năng tàng tức a-lại-da thức có thể tàng trữ chủng tử của các pháp. Sở tàng nghĩa là từ xưa đến nay thức này tiếp nhận tất cả chủng tử xấu ác mà tích chứa vào. Ngã ái chấp tàng nghĩa là a-lại-da thức bị mạt-na vọng chấp làm ngã nên gọi là chấp tàng. Vọng chấp tích chứa từ xưa đến nay thành ra “vô minh”, do đây chúng ta có thể thấy mạt-na do nương a-lại-da mà hiện khởi; ngược lại a-lại-da thức cũng do mạt-na mà hiện hành. Do đây có thể nói hai thức này đều hỗ tương mà làm căn.

Tại sao nói vọng chấp là Ngã? Vì bản thân a-lại-da thức cho đến tất cả những chủng tử sở đắc đều không có bất kỳ tự thể hoặc tự tánh không biển đổi, như trong Duy thức tam thập tụng luận nói: “a-lại-da thức hằng chuyển như bộc lưu” tức tánh của thức này vô thỉ dĩ lai, sát na theo nhân quả mà sanh diệt, quả sanh nên chẳng đoạn, quả diệt nên chẳng thường, chẳng đoạn chẳng thường là lý duyên khởi. Vả lại, trong Duy thức bổn, công năng sai biệt có sáu nghĩa (Nhất sát-na diệt; nhị quả câu hữu; tam hằng tùy chuyển; tứ tánh quyết định; ngũ đắc chúng duyên; lục dẫn tự quả), nếu như đem sanh diệt, diệt sanh lưu chuyển biến dịch mà chấp làm bản thể tự ngã thì há chẳng phải là vọng chấp sao!? Kỳ thật không chỉ nhân ngã mà còn pháp ngã cũng đều là kết quả của vọng chấp. A-lại-da thức là gốc sở y của giới, thú, sanh. Cho nên “Duy thức tam thập tụng luận tụng” khai ra biến văn mà nói: “do giả thuyết ngã phấp, hữu chủng chủng tương chuyển, bỉ y thức sở biến”, mà làm thành thức năng biến, đặc biệt a-lại-da thức tự thể hoặc tự tánh của nó không thể không biến chuyển. “Thị không” cũng do vọng chấp sản vật cùng cảnh tượng mà sanh. Căn cứ nơi đây phản biện căn cứ bản ngã của Freud cho đến bản năng vô ý thức, tự ngã cho đến giác, tri thức, v.v... chỉ là kết quả của vọng chấp.

Điểm tương đồng của Freud và Phật giáo


Freud là người nổi tiếng nắm giữ khoa học, là nhà lập trường tâm lý học, nhà y học, nhà nghiên cứu Tôn giáo học… nếu đem tất cả các trước thuật của ông làm tiền đề giả định nghiên cứu, dường như không phải là điều phi nghĩa. Freud trong phương diện nghiên cứu “tâm lý huyền học” có một bộ phận thống nhất với nhà Phật, như ông đã từng nói: “bản ngã trong vô ý thức chính là cội nguồn của dục “nguyên tắc khoái lạc” (pleasure principle), cũng như nhà Phật minh chứng a-lại-da thức từ xưa đến nay không chỉ có pháp vô minh hữu lậu mà có cả vô lậu y cứ vào đây, do vậy sau khi tu tập các chủng tử tập khí xấu ác mới dần được đoạn trừ, như Thành thật luận có nói: “thị cố tâm tánh phi thị bản tịnh, khách trần cố bất tịnh”. Vì chúng sanh tâm thường cố chấp nên Phật nói trần là bất tịnh, vì sự giải đãi của chúng sanh, Phật lại nói, nếu họ nghe bản tâm này là bất tịnh, trần là nhiễm ô, e rằng họ không có ý cải thiện tự tánh, càng không chịu phát huy tính thanh tịnh nơi bản tâm cho nên Phật vì chúng sanh mà nói bản tâm thanh tịnh.

Cũng như Freud đã từng nói con người sỡ dĩ có sự nhập thai là bắt nguồn từ việc “luyến ái mẫu thân—Oedipus complex”. Với Phật giáo, từ rất sớm Bồ tát Long Thọ trong Đại trí độ luận đã minh chứng rõ ràng “dư nhân tại trung ấm trú thời, nhược nam, vu mẫu sanh dục nhiễm tâm; thử nữ nhân dữ ngã tùng sự; vu phụ sanh sân nhuế. Nhược nữ, vu phụ sanh nhiễm dục tâm; thử nam tử dữ ngã tùng sự; vu mụ sanh sân nhuế” (thai nhi lúc ở trong thân trung ấm, nếu là nam, đối với mẫu thân sanh tâm dục nhiễm, thai nhi này với người mẹ này có luyến ái tình chấp; nhưng đối với phụ thân lại sanh tâm oán ghét. Nếu là nữ, đối với phụ thân sanh tâm dục nhiễm, nhưng thai nhi này với người cha này có luyến ái tình chấp, đối với mẫu thân lại sanh khởi oán ghét). Về sau còn có thuyết Liên hoa sanh (Padma – sambhava), trong “Trung Ấm đắc độ kinh” càng miêu tả một cách tinh tế “nếu như sanh làm thân nam, cảm giác là nam tánh, tức hiển thị thức tánh thuộc trí năng mà mang một loại căm ghét đố kỵ phụ thân và có khuynh hướng tình cảm hướng đến mẫu thân mà sanh niệm luyến ái đều do đây mà sanh. Nếu như sanh làm nữ thân thì thân cảm giác là nữ tánh, tức hiển thị thức tánh thuộc trí năng, mà có khuynh hướng oán ghét hướng đến mẫu thân, tình cảm luyến ái phụ thân do đây sanh khởi.

Đương nhiên nhà Phật xác nhận ngã chấp và pháp chấp đều là vọng chấp nên phá trừ các chấp này, cần nên ý thức sáng suốt đối với ngã chấp, tình chấp, pháp chấp cho đến vấn đề phá chấp cũng không. Đây có thể nói là đã phá được cái lưới vây bủa tàng thức tự vô thỉ dĩ lai vậy. Nhà Phật đối với hết thảy vấn đề và phương pháp tu hành đều do năng lực của mỗi con người mà thực hành, sự chứng ngộ không nằm ngoài tự thân của mỗi chúng ta.

Như trong Duy thức học đã phân tích rất cặn kẽ về ngã chấp bao gồm hai phương diện: (1) Câu sanh ngã chấp. (2) Phân biệt ngã chấp. Sự chấp ngã, chấp tàng nơi a-lại-da thức đều do thức này từ vô thỉ dĩ lai do vô minh lậu khiến cho mạt-na hằng thẩm tư lương nhiễm ô mà thành ra có tự ngã (tự nội ngã hoặc ngã trong ngã) đều là do câu sanh ngã chấp thuộc về tư hoặc còn gọi (ngã mạn); vả lại cảm tri về ngã, ý thức về ngã… loại này đến từ cuộc sống thường tình của thế tục đều thuộc phân biệt ngã chấp, thuộc về kiến hoặc (ngã kiến). Nhà Phật do đây mà thiết lập “nhất thiết tri kiến” nhằm phá trừ tình chấp của phàm phu, cho đến buông bỏ quan niệm vô ngã đối với mọi sự chấp trước, đây cũng là vấn đề then chốt khiến cho mạt-na từ vô thỉ dĩ lai dựa vào “vô lậu tịnh chủng tử” trong tàng thức không còn chỗ y cứ, bước vào chuyển vô lậu thức thành vô lậu trí, chuyển phiền nào thành bồ-đề, chuyển sở tri chướng chứng Vô thượng giác, chư lậu hoặc đã vĩnh viễn đoạn tận, tánh tịnh viên minh sẽ chiếu sáng. Lý luận tự ngã và thực tiễn về tự ngã thống nhất thành giác hạnh viên mãn, cũng đạt được thế gian viên mãn, tức là thế giới trang nghiêm tịnh độ của nhà Phật vậy.

Vấn đề còn hạn chế của Freud đối với Phật giáo

Freud không hiểu thấu quan điểm vô ngã và trí xuất thế gian của nhà Phật. Ông chủ yếu thông qua nghiên cứu thực chứng khoa học mà chỉ ra bản ngã và bản năng của con người. Thế nhưng ông cũng chỉ rõ được các bệnh của con người nhờ vào phương pháp quan sát thần kinh quang năng và tinh thần phân tích bản năng của nhân loại từ đó dùng tâm lý học làm phương thức trị liệu vô cùng có hiệu quả. Mặc dù ông vẫn còn bị hạn chế trong minh chứng của mình để vén màn bí mật tự ngã nhưng cũng có thể nói rằng: ông là người xây nền tảng đầu tiên cho các nhà nghiên cứu tâm lý học làm chuẩn mực mà bước vào lĩnh vực nghiên cứu tâm lý con người, ông cũng đã cống hiến sự nghiệp nghiên cứu cao cả của mình cho nhân loại và hóa giải được sự hoài nghi về con người “từ đâu đến và sẽ đi về đâu”. Đây là vấn đề đáng được nêu ra đối với Freud.

Xét theo quan điểm của nhà Phật, Freud đã chỉ ra được “tình kết luyến ái mà sanh thân - Oedipus complex”, “ngã chấp tình luyến” nó là nhân tố mạnh nhất, là gốc rễ ban đầu mang ý niệm luyến ái và oán ghét đi vào thai, đưa đến sanh thân. Ái chấp vào tự ngã, ái duy trì và bảo hộ dục vọng đối với tự ngã. Do đây quyết xác rằng câu sanh ngã chấp chính là vô minh từ vô thỉ đến nay. Mặc dù sự cống hiến của Freud được xem là vô cùng to lớn trong lĩnh vực khoa học, nhưng nhà Phật cũng không hoàn toàn tán thành tinh thần phân tích tâm lý học của ông. Vì vấn đề phân tích tâm lý của Freud cũng như các học giả nghiên cứu tâm lý học còn quá cạn cợt, không đủ tính thuyết phục triệt để, trong khi tâm lý con người phức tạp giống như một cây đại thọ rậm rạp xum xuê mà tinh thần phân tích tâm lý chỉ là sự gọt bớt các cành nhánh của nó, nó vẫn cứ sanh trưởng, còn quan điểm nhà Phật lại muốn đào quật cả gốc lẫn rễ của cây đại thụ này. Chính là vén bức màn bí mật “tự ngã” để thấy được cái ngã rỗng không là “vô ngã”. Nhà Phật hoàn toàn phủ nhận cái ngã trường tồn bất biến, mà ngã được hình thành từ luyến ái tình chấp đối với con người cũng như sự vật bên ngoài.

KẾT LUẬN

Nhà Phật ứng dụng pháp môn “chỉ quán”, do sự thể nhận và phá trừ ngã chấp vô thỉ, ngã đã không tồn tại thì làm gì có tự thể, làm gì có tự ngã bất biến huống gì ngã của dục vọng, sân hận, đố kỵ, ngã mạn, ngã kiến, ngã si… đừng nói chi ngã của tâm sở pháp, nó càng không có bất cứ tánh cố định nào. Do vậy sự chấp trước vào bất cứ vấn đề nào đối với tự ngã cũng chỉ là sự mê chấp của dục vọng.
Các học giả phương Tây trong nghiên cứu của mình đã thiếu đi sự thể nghiệm tư tưởng “Không quán” của nhà Phật, người đi sau cũng chỉ nhìn nhận một cách hời hợt mà phán đoán tâm lý tự ngã của con người. Tâm lý học gia người Mỹ W. James đã từng có một câu nói giản đơn: “Người ta không thể ngăn cản được dòng chảy liên tưởng của tâm; tôi đã thử qua nó nhưng đều không thể được, làm được điều này không phải là việc dễ, tức chúng tôi đối với ngã đã có một sự nhận thức chỉ trên lý luận, chúng tôi vẫn thiếu đi sự thật thể nghiệm và tư duy, không giống như nhà Phật tháng tháng năm năm hoàn toàn chuyên tâm vào việc quan sát tinh thần, thẩm xét và tư duy, từng chuỗi từng chuỗi tư tưởng không ngừng xuất hiện đều được nhà Phật nhận rõ cho đến khi đạt được nó (tư tưởng), và tiếp tục từ trong tư tưỏng này mà phóng thích nó”.■

TÀI LIỆU THAM KHẢO

- Kinh Tăng nhất a-hàm, Huyền Trang dịch, Nhà xuất bản Cổ tịch Thượng Hải, 1955.
- Thành duy thức luận hiệu thích, ngài Huyền Trang dịch, Cục xuất bản Trung Hoa, 1998.
- Duy thức tam thập luận tụng, ngài Thế Thân tạo, ngài Huyền Trang dịch.
- Thành thật luận, Từ-lê-bạt-ma tạo, Hậu Tần, ngài Cưu-ma-la-thập dịch, Nhà xuất bản Thành Đô.
- Đại trí độ luận, ngài Long Thọ tạo, ngài Cưu-ma-la-thập dịch, Nhà xuất bản Cổ tịch Thượng Hải, 1991.
- Hòa thượng và triết học gia, tác giả Jean-Francois and Matthieu Richard.
- Phật giáo và tư tưởng Tây phương đối thoại, Nhà xuất bản Nhân dân Giang Tô, Nam Kinh.
- Phật gia danh tướng thông thích, Trung Quốc đại bách khoa toàn thư xuất bản 1985.
- Phật Quang đại từ điển, Đài Loan, Phật Quang Sơn, xuất bản 1989.
- Pháp tướng từ điển, xuất bản 1995.
- Tây phương tâm lý học sử, Trương Xuân Hưng chủ biên, Nhà xuất bản Giáo dục tỉnh Chiết Giang, 1996.

Nguồn Tập San Pháp Luân 75

Các tin đã đăng: