Tại sao chúng ta buồn chán?
06/11/2014 07:09 (GMT+7)

    Câu hỏi về động lực nảy sinh và thôi thúc một câu trả lời cần phải đưa ra. Câu trả lời này phải là lời lý giải xuất phát từ những yếu tố (hoặc yếu tố quyết định) mà một người với tư cách cá nhân có thể kiểm soát được. Vì thế một mặt, tôi thừa nhận sự ảnh hưởng của nền giáo dục (nhồi sọ), tư tưởng (chủ nghĩa tập thể), điều kiện sống và làm việc (tư bản bóc lột), văn hóa (sản phẩm truyền thông đại chúng)… Đến đặc điểm của từng thế hệ. Mặt khác, nếu chỉ dừng ở đó, chúng ta sẽ tự biến mình trở thành nạn nhân của hoàn cảnh, bế tắc và thất chí. Hơn nữa cách nhìn này cũng bỏ qua sự thật là trong mọi môi trường sống, vẫn có những cá nhân vượt nên sự quy định của xã hội, trở thành động lực phát triển tích cực. Chính vì vậy, bài viết sẽ hướng đến khía cạnh tâm lý, ý thức cá nhân để đào sâu phân tích.

    Bản chất của sự chán chường trong chúng ta

    Trước tiên, hãy bắt đầu với cái đối lập của sự buồn chán: Sự thích thú hay chính xác hơn là sự hưởng thụ. Mỗi khí quan của con người được sinh ra với một chức năng đặc thù và việc thực hiện chức năng này chính là cứu cánh của mỗi khí quan đó. Với vị giác là ăn uống, thị giác là nhìn ngắm, với các cơ bắp là chạy nhảy… Trong số các khí quan đó, trung tâm chính là bộ não hay tinh thần của con người. Nó có nhu cầu được suy nghĩ, được xử lý các vấn đề, tiếp nhận thông tin… nói chung là hoạt động như nó vốn được sinh ra. Khi bộ não hưởng thụ một đối tượng nào, nó sinh ra sự chú ý.

    Sự chán chường là hệ quả của việc sự chú ý bị ngắt quoãng, làm rối loạn. Trong một nghiên cứu tâm lý, một số cá nhân được yêu cầu đọc và ghi nhớ nội dung của một bài báo. Với một nhóm, các nhà quan sát bật tiếng vô tuyến thật to và nhóm còn lại được nghe tiếng vô tuyến rì rầm. Với nhóm đầu tiên, họ cảm thấy khó chịu và bực bội do bị tiếng vô tuyến làm phiền nhưng không ai cảm thấy buồn chán. Với nhóm thứ hai, do tác nhân kích thích là không rõ ràng nên nhóm này cảm thấy rằng họ rất buồn chán. Rõ ràng rằng sự khó khăn của tác vụ chỉ khiến người thực hiện tốn nhiều công sức hơn, mệt mỏi hơn chứ không tạo ra sự buồn chán. (*) Sự buồn chán chỉ xảy ra khi chúng ta không biết sử dụng sự tập trung đúng cách hay sự tập trung bị gián đoạn.

    Ngược với suy nghĩ phổ thông rằng sự buồn chán sinh ra do sự phức tạp của vấn đề mà họ phải đối mặt. Sự buồn chán thực sự do các cá nhân bị xao lãng hoặc không biết phải tập trung vào vấn đề như thế nào. Vậy tại sao chúng ta không lựa chọn lao mình vào các vấn đề hóc búa và nghỉ ngơi khi cảm thấy mệt mỏi mà lại lựa chọn giải trí hoặc suy nghĩ vẩn vơ để đốt thời gian. Phần tiếp theo sẽ hướng đến việc giải quyết câu hỏi này.

    Sa đà vào các cuộc vui và tệ nạn: Tất cả để trốn tránh nỗi buồn

    Bộ não của con người có khả năng tư duy trừu tượng, dự đoán, lập kế hoạch… về cơ bản là khả năng xử lý thông tin rất vượt trội. Điều này có được là do bộ não có khả năng đem chính những thông tin của bản thân mình làm đối tượng xử lý. Điều này giúp cho con người nhào nặn các thông tin kỹ càng hơn và thoát khỏi giới hạn của phản xạ thuần túy. Tuy nhiên nó cũng đem đến một nguy cơ: Bộ não có thể bị lệ thuộc vào những kết quả xử lý trong quá khứ.

    Thứ nhất, bộ não có khả năng coi những ý nghĩ của bản thân như là đối tượng để hướng tới, tập trung vào và hưởng thụ. Điều này khiến cho một con người có thể đắm chìm trong một thành công trong quá khứ, sống trong một thế giới tưởng tượng, vẽ ra những suy nghĩ tươi đẹp và hài lòng sống với suy nghĩ đó thay vì thực tại.

    Thứ hai, khi con người tìm kiếm sự hưởng thụ (điều luôn luôn xảy ra), bộ não sẽ gợi ra những trải nhiệm thành công trước đó để trợ giúp chúng ta tìm kiếm nguồn thỏa mãn mới. Do đó, khi một cá nhân đã quá quen với một cách thức thỏa mãn nhất định, điều đó sẽ khiến cho việc tìm đến nguồn thỏa mãn đó trở nên dễ dàng hơn. Một mặt nó tạo nên sự say mê, mặt khác nó khiến cho con người lấn cấn, không thoát ra khỏi các suy nghĩ về một vấn đề nào đó.

    Kết hợp hai điểu trên khiến cho con người bị những ý nghĩ về các niềm vui cố định quấy nhiễu và không tập trung (để tận hưởng) những trải nhiệm mới. Không những khiến con người trở nên lệch lạc, dưới bối cảnh hiện nay khi các thú vui thoáng qua ngày càng sẵn có, con người có xu hướng lệ thuộc vào các lạc thú tạm bợ và ngày càng trốn tránh các hoạt động có ích (cho bản thân và xã hội) – những hoạt động luôn cần một sự nỗ lực lớn hơn. Bài toán thực sự phải đặt ra là làm sao để con người dần thay đổi thói quen hưởng thụ của mình.

    Lời gợi ý

    Trước khi đưa ra ý kiến cá nhân về giải pháp, tôi xin được tóm tắt lại nguyên nhân của vấn đề như sau. Con người thực sự tồn tại nhu cầu tiến hành các hoạt động phức tạp, yêu cầu nhiều năng lực và sự tập trung. Tuy nhiên, do sự sẵn có của các phương tiện giải trí khiến cho con người đưa ra các lựa chọn thuận tiện hơn khi rảnh rỗi. Dần dần, những hoạt động giải trí trở thành thói quen, hằn sâu vào phản xạ trí óc khiến con người mất khả năng tập trung vào các vấn đề mới và khó khăn trong việc khơi dậy hứng thú từ đó. Cuối cùng họ trở nên nghiện các thú vui phù phiếm này.

    Về giải pháp, hiển nhiên là phải nhận ra được nhu cầu thực sự của bản thân là những hoạt động nào. Tuy nhiên về thao tác cụ thể thì không cố định. Đối với cá nhân tôi có 3 phương pháp:

  • Thượng sách: Tham ngộ, nhìn nhận rõ ràng các cảm xúc, sự trống rỗng và sự phù phiếm của các thú vui đó. Đây là con đường của bậc hiền triết, tôi không có tư cách để bàn và giới thiệu.
  • Trung sách: Lý giải, tìm hiểu rõ ngọn ngành vấn đề, nguyên nhân của các vấn đề bản thân. Bài viết này bước đầu đã đưa ra một cách giải thích, giúp cho bạn đọc có thể tự tìm hiểu.
  • Hạ sách: Dùng một loạt các bước cải tổ dần dần từ hành vi đến thói quen để thay đổi thái độ sống. Cách này chia ra làm 3 bước:

     Bước 1: vẫn giữ các thú vui hàng ngày nhưng tiến đến tìm hiểu cặn kẽ về nó, biến mình trở thành chuyên gia về lĩnh vực đó thay vì chỉ tham gia hời hợt. Bước này nâng dần mức độ thử thách của trí óc và cho trí óc làm quen với các phương tiện nhận thức khác.


    Bước 2: Bắt đầu học hỏi những lĩnh vực mới. Đầu tiên phải giữ cho bản thân luôn cập nhật các vấn đề của cuộc sống thông qua tiếp cận thông tin trên báo chí. Ngoài ra cần thử các thú vui mang tính tương tác cộng đồng nhiều hơn như thể thao, picnic, phượt. Sau đó lặp lại bước một để tìm hiểu sâu hơn về những điều mình học được. Mục tiêu của bước này là trở thành một người thú vị hơn.


    Bước 3: Trau dồi các kỹ năng cần thiết cho công việc. Bắt đầu với các kỹ năng tối cần thiết, sau đó mở rộng hiểu biết sang các lĩnh vực liên quan. Mục tiêu của bước này là trở thành chuyên gia trong công việc của mình. Lưu ý rằng nếu bạn thực hiện tốt bước thứ 2, bạn sẽ biết được mình muốn làm gì, và bước thứ 3 giúp bạn bắt đầu thực hiện điều đó.


     Bài viết hướng đến giải quyết một vấn đề lớn, có lẽ là quá sức. Tuy nhiên hy vọng những suy nghĩ bước đầu sẽ được các độc giả đón nhận, phát triển, phản bác… và chia sẻ.

Revolutionary

(*) Nghiên cứu của giáo sư Eastwood năm 1989 tại đại học Clark.


Các tin đã đăng: