Tham sống sợ chết, đó là sự thật của
người đời. Thế nhưng tại sao lại giết hại,
cắt đứt sự sống của chúng sanh khác? Trong bài viết ngắn này chúng tôi
sẽ đề cập
đến vấn đề "Không sát sanh" hay "tôn trọng sự sống" như là thái độ sống
của một
người Phật tử.
Đức Thế Tôn luôn luôn tôn trọng sự sống của kẻ khác, vì thế trong
năm giới cấm
của một người Phật tử hay mười giới cấm của Sa-Di giới "không được sát
sanh" đã
được Đức Thế Tôn đưa lên hàng đầu. Như vậy, chúng ta có thể thấy rằng
Ngài rất
quan tâm đến sự sống của chúng sanh. Ngài dạy về năm nguyên nhân chất
chứa nhiều
phi công đức của sát sanh để tránh: "Này Jivaka, nếu người nào vì Như
Lai, hay
vì đệ tử Như Lai, giết hại sinh vật, người ấy sẽ chất chứa nhiều phi
công đức do
năm nguyên nhân. Khi người ấy nói như sau: "Hãy đi và dắt con thú này
đến", đó
là nguyên nhân thứ nhất, người ấy chất chứa nhiều phi công đức. Con thú
ấy bị
bắt đi, vì bị lôi kéo nơi cổ, nên cảm thọ khổ ưu, đó là nguyên nhân thứ
hai,
người ấy chất chứa nhiều phi công đức. Khi nó nói như sau: "Hãy đi và
giết con
thú này", đó là nguyên nhân thứ ba, người ấy chất chứa nhiều phi công
đức. Khi
con thú ấy bị giết cảm thọ khổ ưu, đây là nguyên nhân thứ tư, người ấy
chất chứa
nhiều phi công đức. Khi người ấy cúng dường Như Lai hay đệ tử Như Lai
một cách
phi pháp, đó là nguyên nhân thứ năm, người ấy chất chứa nhiều phi công
đức. Này
Jivaka, nếu người nào vì Như Lai hay đệ tử Như lai giết hại sinh vật,
người ấy
sẽ chất chứa nhiều phi công đức do năm nguyên nhân này" (Kinh
Jivaka-Trung Bộ
II).
Và Ngài đã chỉ rõ về lẽ sống công bằng là đừng làm tổn hại
người khác những gì mình không muốn làm cho mình: Mọi người sợ hình
phạt. Mọi
người sợ tử vong. Lấy mình làm ví dụ" Không giết, không bảo giết".Mọi
người sợ
hình phạt. Mọi người thương sống còn.
Lấy mình làm ví dụ. "Không giết, không bảo giết" (Pháp Cú
129-130).
Nếu sát sanh thì con người ngoài việc chịu khổ đau trong hiện tại, còn
phải nhận
lãnh quả báo khổ đau đời sau nữa: "Này các Tỳ Kheo, nếu sát sanh được
thực hiện,
được luyện tập, được làm cho sung mãn thì sẽ đưa đến địa ngục, đưa đến
loài bàng
sanh, đưa đến cõi ngạ quỷ. Nếu quả dị thục hết sức nhẹ của sát sanh là
được làm
thân người với tuổi thọ ngắn" (Kinh Tăng Chi III) và: "Này gia chủ, sát
sanh, do
duyên sát sanh tạo ra sợ hãi hận thù trong tương lai, khiến tâm cảm thọ
ưu".
(Kinh Tăng Chi III).
Sát sanh ở đây không phải chỉ là ý nghĩa dùng dao gươm giết hại các loài
sinh
vật mà còn có ý nghĩa gây tàn hại sự sống của côn trùng và cây cỏ. Ngài
dạy các
vị Tỳ Kheo rằng: "Và còn lại đồ ăn dư thừa này của Ta cần phải quăng bỏ.
Nếu các
ông muốn, hãy ăn. Nếu các ông không muốn ăn, sẽ quăng bỏ đồ ăn ấy tại
chỗ không
có cỏ xanh, hay sẽ nhận chìm trong nước không có các loài côn
trùng".(Kinh Thừa
Tự Pháp-Trung Bộ).
Và như một người ngoại đạo, Brahmadatta, đã tán thán nếp sống
của Như Lai. "Trong khi có một số Sa Môn, Bà La Môn, dầu đã dùng các món
ăn do
tín thí cúng dường, vẫn còn sống làm hại các hạt giống từ rễ cây sanh,
hạt giống
từ nhánh cây sanh, hạt giống từ đất sanh, hạt giống từ chiết cây sanh và
thứ năm
là hạt giống từ hạt giống sanh. Còn Sa Môn Gotama thì không làm hại hạt
giống
hay cây cối nào". (Kinh Phạm Võng-Trường Bộ I).
Hai đoạn trích dẫn này cùng lúc giới thiệu ý nghĩa tôn trọng
sự sống của cả loài thảo mộc, cây cối thiên nhiên và ý nghĩa bảo vệ môi
sinh của
đức Thế Tôn và các đệ tử của Ngài. Đây cũng là một vấn đề nóng bỏng của
thời
đại: Môi trường sinh thái toàn cầu đang bị ô nhiễm nặng bởi các phóng
xạ, bức
xạ, bởi nạn phá rừng, bởi các chất độc thải ra từ các nhà máy, bởi chiến
tranh
v...v... và các nước đang kêu gọi quần chúng bảo vệ môi trường sống.
Những lời đức Phật dạy cách đây 26 thế kỷ vẫn mãi mãi cần
thiết cho thế giới. Nói cách khác, "Không sát sanh" hay "Tôn trọng sự
sống" là
những gì mà con người hiện tại cần thực hiện, nếu không muốn thấy thế
giới đi
đến hủy diệt vì nạn ô nhiễm môi sinh trầm trọng đang tiếp tục diễn ra.
Tỳ Kheo Thích Minh Châu
(1-1-2000)