Ngày 13 tháng 8 năm 1999, tức 4 ngày trước khi tiến hành cuộc đào bới,
GS Phương đã cử người em ruột là chú Quỳnh cùng anh Tân Cương về La Tiến
làm một số công việc chuẩn bị. Trên đường đi, anh Tân Cương gọi điện
thoại cho nhà ngoại cảm Nguyễn Văn Nhã, thông báo toàn bộ sự việc. Biết
tin Bích Hằng vào cuộc, anh Nhã rất mừng. Từ Sài Gòn, anh cho một tín
hiệu: “Khoảng 10h sáng, sẽ có hai con bướm màu sắc sặc sỡ bay lượn quanh
mộ rồi đậu lại. Hãy đánh dấu lấy chỗ đó”.
Nguồn: http://phatgiaovnn.com (Phật
Giáo Việt Nam Net)
Đến nhà ông Điển, đúng 10h, anh Tân
Cương ra vườn ngồi chờ dưới gốc nhãn. Bỗng hai con bướm đen đốm hoa từ
đâu bay tới lượn tung tăng. Anh Tân Cương nín thở dán mắt nhìn. Rồi một
con bay đi, một con đậu lại trên cành nhãn. Anh Tân Cương vội chạy lại,
chiếu thẳng từ cành nhãn xuống đất, cắm một cây que đánh dấu. Cây que
cách chỗ đặt quả trứng bữa trước 2m ra phía bờ ao. Ông Điển đứng bên
tường hoa theo dõi cứ tủm tỉm cười. Lúc vào nhà uống nước, ông mới kể:
Sau lần đào bới thứ 4 không thấy, ông có mời thầy về cúng. Thầy chỉ mộ
cô nằm đúng vào vị trí của cây que đó.
Rời nhà ông Điển, anh Tân Cương đến
thẳng Uỷ ban xã để điều tra xem trong danh sách liệt sĩ, có ai là Nguyễn
Thị Bê không? Tìm đi tìm lại đống sổ sách, lần hỏi từng cụ già trong
làng mà chẳng ai biết cái tên như thế. Điều đó lại khiến GS Phương hoang
mang. Vậy là em Khang nói sai? Cả anh Sơn nữa. Anh còn nói cụ thể chị
Bê là liên lạc, cấp dưỡng của đội du kích nữ Hoàng Ngân nữa cơ mà? Chẳng
nhẽ người nói chuyện với mình bữa trước không phải là em Khang, anh
Sơn?
Cuối cùng, ngày 17 tháng 8 năm 1999 cũng
đến. Đêm hôm trước, GS Phương không sao chợp mắt được. Lòng dạ cứ bồn
chồn. Ruột nóng như có người hơ lửa. Nửa đêm, ông lụi cụi dậy thắp
hương, báo cáo với anh Sơn việc tìm em Khang ngày mai. Ông vừa khấn vừa
run. Đây có lẽ là lần đầu tiên trong đời, vị GS tóc hoa râm mới tự mình
làm cái việc tâm linh huyền bí đó.
Em của anh đây rồi!
Thực hiện đúng lời dặn của anh Sơn, ngày
17 tháng 8 năm 1999, gia đình GS Trần Phương chuẩn bị đầy đủ lễ vật
gồm: hương hoa, tiền vàng, nải quả và mấy bao thuốc lá Cáp-tăng, thẳng
đường xuống La Tiến. Vừa tới nhà ông Điển, bà chị của GS đã phăm phăm
bước ra vườn, bày biện lễ vật lên chiếc mâm rồi đặt lên tường hoa để nhà
ngoại cảm Phan Thị Bích Hằng khấn mời. Cả nhà thành tâm chắp tay cầu
nguyện. Khấn khứa một hồi, Bích Hằng cầm bó hương nghi ngút khói đi
thẳng ra gốc cây vải, gần cây nhãn sát bờ ao, ngắm ngắm nghía nghía rồi
cắm bó hương xuống đất. Lấy đó làm tâm, chị vạch một hình chữ nhật rồi
bảo với GS Phương: “Lúc cháu đang chắp tay khấn đã thấy bác Sơn và cô
Khang đứng ở gốc cây vải vẫy cháu lại rồi chỉ cho cháu chỗ cắm hương
này, cả đầu và chân ngôi mộ nữa”.
Nhìn bó hương Bích Hằng cắm, GS thấy nó
cách quả trứng bữa trước chừng 3m ra phía bờ ao và hình chữ nhật nằm
ngoài hình tam giác đào lần trước, cạnh của nó là cạnh đáy của hình tam
giác nối dài ra phía bờ ao. Trong khi tốp thợ thuê đào tay cuốc, tay
xẻng chuẩn bị khai quật thì Bích Hằng khẽ khàng đặt bức ảnh cô Khang
dưới gốc cây vải. Mắt nhìn vào tấm ảnh, chị chắp tay trước ngực nói bằng
một giọng nhẹ như gió thoảng: “Thưa cô! Chỗ cô nằm, cháu đã vạch theo
đúng như cô chỉ. Còn hài cốt thì như hiện trạng cháu nhìn thấy, còn rất
ít, khi bốc lên có thể mủn ra. Vậy xin cô cho phép bốc lẫn cả đất mang
về. Nếu không được đầy đủ mong cô thông cảm cho”. Cô Khang bảo: “Lần này
nhìn thấy cậu Quỳnh là chị phấn khởi rồi. Cậu Quỳnh mà đi thì chắc là
được (Quỳnh là em ruột cô Khang, vốn là người tin vào thần phật, lần
trước không đi – PV). Còn anh Phương thì thần thánh anh ấy cũng
chả sợ, có khi chỉ nhiễu quan trần, còn quan âm thì chẳng ai giúp. Anh
Sơn cũng ở đây suốt từ sáng. Anh ấy trách cháu An. Nếu mà lần trước nó
kiên trì, bình tĩnh thì đã đưa được em về rồi”. Bỗng Bích Hằng gọi: “Ai
là Hậu? Cô Khang muốn gặp chị Hậu”. Bà Hậu, chị của GS Phương, đang ngồi
uống nước trong nhà ông Điển nghe vậy vội lập cập chạy ra. Cô Khang nói
tiếp: “Chị đã cất công xuống tận đây mà không ra với em, lại cứ ngồi lỳ
trong đấy. Hài cốt của em không còn nguyên vẹn. Nhưng chị bốc cho em dù
chỉ một nắm đất về quê mình là em cũng mừng rồi. ở đây tuy có nhiều chị
em đồng đội nhưng không phải là ruột thịt, cả năm chả ai thắp cho một
nén hương, em tủi lắm. Chả lẽ cứ ở đây quấy quả ông An mãi”. Bác Sơn nói
chen vào: “Mọi người cứ bốc cho bằng hết. Dù ít dù nhiều cũng là máu
thịt của em mình. Không bỏ vừa trong tiểu thì đắp lên mộ cho em”. Anh
Tân Cương hỏi: “Cô có biết cháu không ạ?”. Cô Khang cười: “Nếu tôi không
biết anh Tân Cương thì hoá ra tôi vô tình quá. Anh lặn lội vất vả với
tôi quá nhiều”. Anh Tân Cương lại hỏi: “Cô có biết, ai mai táng cho cô
không ạ? Nhiều người không tin là thi thể cô có thể trôi dạt vào đây.
Cháu vừa nghe thấy cô nhắc đến ông An là ông An nào? ở đâu ạ?”. Cô
Khang: “Nếu có cách gì làm cho cụ Đặng Đình Giám sống lại thì gia đình
mình khỏi phải mất công tìm kiếm. Rất tiếc đã gặp cụ dưới âm phủ mất
rồi. Lúc giết em xong, giặc ném xác em xuống sông. Mấy ngày sau xác nổi
lên, gặp lúc triều cường, dạt vào một khúc quanh. Cụ Giám nhìn thấy, vớt
lên, kéo qua một cái rãnh nước rồi dừng lại. Cụ bảo: Mấy vị chết ở đây,
nếu đói khát, khi nào nhà ông An lên hương thì vào mà xin lộc”. Rồi cô
Khang chỉ cho Bích Hằng ngôi mộ người đàn ông Hải Dương, ngay liền kề
phía chân cái hố sắp đào. Bích Hằng bảo: Người đàn ông ấy đứng bên cạnh
cô Khang, xưng tên mình và có nói mấy câu nhưng nói nhỏ quá, chị không
nghe thấy. Phải đến lúc cô Khang nói, chị mới nghe được. Khi cô Khang
chỉ ngôi mộ, chị nhìn thì thấy rõ một bộ hài cốt không đầu.
Tốp thợ bắt tay đào. Đào hết lớp đất
“vượt thổ” thì Bích Hằng bảo “dừng lại”. Chị nhảy xuống hố, lấy tay gạt
nhẹ từng lớp cát đen. Sâu thêm chừng một gang tay thì vướng vào thanh
củi mục. Nạy lên, thả vào nước. Mọi người chợt ồ lên khi nhận ra đó là
một khúc tre già, thịt tre đã phân huỷ hết nhưng xơ và đốt tre vẫn còn
nguyên. Khúc tre dài hơn một gang tay, to bằng cổ tay người lớn, không
thể tra vừa bất cứ một loại xẻng hay cuốc nào, chỉ có thể tra vừa thuổng
(Loại thuổng hình lưỡi mai, mặt phẳng, bề ngang nhỏ hơn lưỡi xẻng, có
nơi gọi là mai). Mọi người vô cùng kinh ngạc khi thấy lời dặn của bác
Sơn trong buổi gọi hồn chiều ngày 9 tháng 8: “Lần này đào tiếp, chú để ý
sẽ thấy một thanh củi mục. Thực ra, đấy là cái cán thuổng mà người đào
huyệt đã đánh gãy vất lại đó, vô tình như đánh dấu cho mình” đã linh ứng
một cách kỳ lạ. Riêng GS Phương thì vui mừng khôn xiết. Vì đây là dấu
hiệu đáng tin cậy nhất để chứng minh đó chính là mộ của em gái mình. Cái
cán thuổng đã bị vùi sâu dưới lòng đất ngót 50 năm rồi, không ai có thể
nguỵ tạo ra nó được. Dấu hiệu đó lại do chính linh hồn anh Sơn mách bảo
cách đó 9 hôm, người đời bằng con mắt trần không ai nhìn thấy mà mách
bảo được.
Nhà ngoại cảm Bích Hằng
Sau khi tìm thấy cán thuổng, Bích Hằng
chỉ gạt vài lớp đất mỏng nữa thì bắt gặp hài cốt của cô Khang. Trùm lên
sọ là một mảng tóc đen nhánh. Những đốt xương cổ hiện lồ lộ trên nền cát
đen. Nhưng khi bàn tay Bích Hằng vừa chạm đến, mớ tóc vủn ra luôn còn
những đốt xương thì gãy ra như chiếc bánh quy thấm nước. Qua hình dáng
hài cốt, có thể mường tượng ra, khi chôn, người ta đã đặt cô Khang nằm
nghiêng, người hơi cong, mặt hướng ra vụng Quạ, đầu hướng về Tây Bắc,
chân về hướng Đông Nam. Bích Hằng khẽ khàng bốc tất cả số bùn đất theo
hình nằm cong ấy cho vào tấm vải đỏ. Chị hỏi cô Khang: “Thưa cô! Răng cô
ở đâu để cháu mang đi đãi ạ?”. Bốc vài nắm đất tìm bới, cuối cùng tìm
được 5 chiếc. GS Phương cho lên lòng bàn tay nhìn kỹ thì thấy đúng là
những chiếc răng trắng nhưng do ngâm quá lâu trong bùn đất nên đã ngả
sang màu xám và đen xỉn. Thấy vậy, mấy người đứng trên bờ nhắc Bích Hằng
tìm móng tay. Chị bèn hỏi cô Khang: “Thế còn móng tay cô ở chỗ nào, cô
chỉ cho cháu?”. Bỗng thấy Bích Hằng khóc nấc lên. Một lát sau, chỉ nghẹn
ngào kể lại với GS Phương: “Cô Khang giơ hai bàn tay toè toẹt máu ra
trước mặt cháu, bảo: Chúng nó rót hết móng tay của cô rồi, còn đâu nữa
mà tìm hả cháu”. GS Phương chết lặng. Một nỗi niềm chua xót, buốt lòng
dâng lên khiến ông đứng lặng, không nói nên lời. Ông chợt nhớ lại. Ngày
ấy, sau khi em Khang bị giặc giết, huyện uỷ Phù Cừ có gửi riêng cho ông
bản báo cáo, kể rõ em Khang bị địch bắt, tra tấn dã man và bị giết đau
đớn như thế nào. (Vì ngày ấy, ông là Phó bí thư tỉnh uỷ Hưng Yên, có
nhiều gắn bó với huyện Phù Cừ). Chúng dùng kìm, rút từng chiếc móng tay
của em Khang rồi cắm kim vào đó cho mưng mủ, lấy giày đinh giẫm lên mặc
cho em Khang giãy giụa, quằn quại. Dã man hơn, chúng còn dí điện vào hai
đầu vú, thọc gậy vào âm hộ, treo ngược lên cành cây như bị cát rồi thoả
sức đấm, đá
Những chuyện buốt lòng ấy, GS Phương đã chôn kín trong
lòng, không hé lộ cho bất kỳ ai trong gia đình. Ông sợ mọi người không
chịu đựng được nỗi đau ấy. Nay, thấy Bích Hằng nói vậy, ông vô cùng xúc
động. Và càng tin chắc chắn rằng, bộ hài cốt kia đích thị là người em
gái xinh đẹp và kiên trung của mình.
Bích Hằng vẫn lúi húi dưới hố tìm kiếm
và chỉ đạo mấy người giúp việc. Chị tìm mãi chiếc còng sắt vẫn không
thấy. Hỏi cô Khang, cô cũng không chỉ được. GS Phương bảo: “Có thể nó đã
bị rỉ thành đất qua 50 năm ngâm trong bùn”. Thỉnh thoảng, Bích Hằng lại
nhô đầu lên nói chuyện với gia đình GS Trần Phương. Bỗng chị bảo: “Có
một cụ cứ ngồi nhìn rồi tủm tỉm cười. Không biết có phải cụ Giám
không?”. Rồi chị cất giọng lễ phép hỏi: “Cháu chào cụ ạ! Cụ cho phép
cháu được biết quý danh của cụ?”. Lắng nghe hồi lâu, Bích Hằng nói như
reo lên: “Cụ An”. Nói đoạn, Bích Hằng tự giới thiệu mình cùng gia đình
đi tìm hài cốt cô Khang và đề nghị cụ giúp đỡ. Cụ An bảo (qua Bích
Hằng): “Tôi là hàng xóm, nhà tôi ở vệ đê. Lần nào các bác về đây tìm mà
tôi chả biết. Tôi còn nhớ như in, đêm hôm ấy, vào lúc gà gáy canh hai,
ông Giám qua nhà tôi hỏi mượn cái mai. Tôi hỏi để làm gì? Ông ấy giơ
ngón tay lên miệng: “suỵt! Để chôn người chết trôi”. Tôi nhìn kỹ thì
thấy một cái xác cụt đầu, biết ngay là cán bộ cách mạng. ở chỗ kia trước
là cái rãnh nước. Ông Giám kéo mấy cái xác qua đó, đến đây là chân
ruộng mạ. Ông Điển mới ở đây thôi chứ ngày xưa là ruộng mạ, thuộc chủ
khác”. Bích Hằng bèn đưa ảnh cô Khang, hỏi: “Cụ có nhận ra ai đây không
ạ?”. Cụ An bảo: “Bà này là thân nhân của một ông cán bộ tỉnh uỷ ở đây.
Nhưng chôn cất như thế nào thì cả tôi, cả ông Yên, ông Trọng đều không
biết gì đâu. Chỉ có mình ông Giám là biết thôi. Để tôi đi tìm ông Giám
cho”.
Chờ một lúc lâu, Bích Hằng thấy một cụ
già râu tóc bạc phơ đi cùng cụ An về. Cụ An cười bảo: “Tất cả những
chuyện cô cần biết, chỉ có mình ông Giám này là giúp được thôi”. Bích
Hằng nhỏ nhẻ giới thiệu và nêu ra đề nghị với cụ Giám: nhận diện người
chết qua tấm ảnh và chỉ dùm cái còng sắt nằm ở chỗ nào? Cụ Giám nói:
“Đêm ấy trời tối đen như mực nên tôi chỉ nhìn thấy loáng thoáng thôi.
Xác ngâm dưới nước lâu ngày đã trương lên rồi, mặt mũi nhìn không rõ.
Tóc thì không vấn như trong ảnh thế này đâu mà cắt ngang gáy như cô bây
giờ. Nhưng xoã xượi dưới nước. Lần ấy, tôi đem về không phải một người
mà những 3 người cơ. Tôi kéo người phụ nữ lên trước nhưng cứ thấy vương
vướng. Nhìn kỹ hoá ra tay trái của cô ấy bị xích vào tay người đàn ông.
Khi chôn, chẳng nhẽ lại chôn hai người một hố nên tôi phải tuột tay một
người đàn ông ra khỏi cái vòng. Tôi chôn người phụ nữ ở đây còn người
đàn ông ở chỗ kia. Sức tôi cũng chỉ kéo được có thế. Khi chôn, vì xác bị
trói đã cứng lại, không nắn thẳng ra được nên tôi đành đặt nằm nghiêng,
mặt hướng ra sông cho mát mẻ. Còn người phụ nữ nữa, tôi chôn ở góc kia,
chỗ gốc cây nhãn ấy. Nhưng bây giờ thì đã tụt xuống ao mất rồi. Hình
như lúc chết, bà ấy đang mang thai hay sao ấy”. Anh Tân Cương hỏi: “Một
số người thắc mắc, không hiểu được tại sao xác chết trôi sông lại có thể
dạt vào đây được?”. Cụ Giám gắt: “Cái con mẹ Tiến nó cứ mồm năm miệng
mười chứ làm sao mà nó biết bằng tôi được. ở ngoài kia nước cả, không
đem vào đây thì vùi ở đâu”. Ngừng một lát, cụ nói tiếp: “Điều này thì
tôi chỉ nghe phong thanh thôi. Tụi lính dõng ở đồn nó bảo người phụ nữ
bị giết đêm hôm ấy (cô Khang – PV) là bà bé của tay xếp bốt”.
Cụ An cãi lại: “Ông thì chỉ được cái ăn no vác nặng, có biết gì đâu. Có
lần ông chôn một anh bộ đội, ông lại bảo là thằng lính dõng. Tôi thì
không được kéo xác như ông nhưng việc này thì tôi biết rõ. Có một người
nữ du kích bị bắt (cô Khang – PV), thằng xếp Bách dụ làm vợ bé
không được, nó đã giết đi. ở bốt này có một thằng quan Tư là quan thày
người Pháp còn thằng Bách tuy là tay sai nhưng cũng được gọi là xếp.
Thằng Bách lấy vợ người La Tiến làng mình, ai mà chẳng biết rõ về nó”.
Trời đã xế chiều. Mọi người hối hả thu
dọn. Bác Sơn bảo (qua Bích Hằng): “Còn cái chân của cô, moi sâu vào mà
bốc. Được bà chị xuống với em, chẳng giúp được việc gì, chỉ ngồi khóc”.
Anh Tân Cương tưởng bác Sơn nói đến cô Nam (chị gái của cô Khang) đa
cảm, hay xúc động liền nói chêm vào: “Sáng nay, bà ấy cứ nhất định đòi
đi”. Bích Hằng thấy vậy, liền cải chính: “Không phải thế đâu. Bác Sơn
nói đến bà chị là bác Nghĩa (đã mất) cơ. Từ nãy, bác ấy cứ ngồi khóc một
chỗ. Bác ấy bảo: Nhà có 6 chị em gái, ai nấy đều có phận. Riêng em tôi
giỏi giang xinh xắn nhất nhà thì lại chịu cảnh thế này. Không tìm được
xác em, lúc tôi chết cũng không nhắm được mắt. Bây giờ tìm được em thì
mình đã thành người thiên cổ rồi”. GS Phương nghe thấy bác Nghĩa nhắc
đến 6 chị em, vội giơ đốt ngón tay đếm. 6 hay 5 nhỉ? Đúng là 6 thật! Bác
Sơn như hiểu ý của anh Tân Cương, nói: “Uí giời! Cho cái cô Nam nhà tôi
xuống đây thì chỉ được cái bù lu bù loa chứ giúp được gì. Tính cái con
ấy nó vậy”. Cô Khang nói: “Buồn cười quá! Sau lần gặp cô em, về đến nhà,
ông anh Phương vội vàng bốc cát lập ngay… 7 bát hương. Mỗi người một
bát. Đúng là một cuộc cách mạng. Em Khang cảm động ghi nhận tấm lòng của
anh Phương, chị Thuỷ”. (Bà Thuỷ là vợ của GS Phương – PV). GS
Phương giật mình. Quái lạ! Việc ông lập đến 7 bát hương, thờ phụng ở
nhà, (một bát thờ tổ tiên, một bát thờ cụ nội, một bát thờ ông bà nội,
một bát thờ bố mẹ, một bát thờ anh Sơn, một bát thờ cô Khang, một bát
thờ người con giai chết trẻ – thế cô Khang mới buồn cười) chỉ có mình
ông và vợ biết, có nói với ai đâu. Tại sao Bích Hằng lại nói đúng thế
nhỉ?
Cụ An bảo: “Cô Khanh là liệt sĩ, sao
không làm lễ truy điệu rồi hãy mang về quê?”. Bác Sơn vội giải thích:
“Hôm nay cập rập quá, gia đình chuẩn bị không kịp. Hôm tới đưa về nghĩa
trang liệt sĩ của huyện sẽ làm lễ truy điệu sau”. Cô Khang bảo: “Cậu
Quỳnh còn giữ những giấy tờ, bằng khen của chị không?”. Chú Quỳnh đáp:
“Bằng khen và Huân chương của chị, em vẫn giữ”. Cô Khang: “Hôm này làm
lễ truy điệu chị ở nghĩa trang liệt sĩ, cậu nhớ mang theo nhé”. Chao ôi!
Người con gái đã hy sinh ngót 50 năm mà vẫn quan tâm đến những vinh dự
của mình nơi trần thế – GS Phương ngậm ngùi nghĩ mà lòng thì rưng rưng
xúc động.
Nói đoạn, cô Khang quay lại nhìn cụ
Giám, cười bảo: “Cụ Giám ạ! Vừa rồi cụ nói oan cho tôi quá. Tôi đã được
làm vợ bé ngày nào đâu”. Bích Hằng thông dịch đến đây, mọi người trên bờ
cười ồ cả lên. “Nhưng cụ nói đúng đấy. Ngày xưa ai cũng gọi tôi là cô
Khang tóc dài. Nhưng khi bị bắt, giặc đã cắt cụt hết. Trong việc chôn
cất các liệt sĩ ở đây, cụ là người có công lớn nhất. Chúng tôi vô cùng
biết ơn cụ. Nay tôi về Mỹ Hào quê tôi, về với anh Sơn. Nằm lại đây còn
một bộ hài cốt, gia đình người ta cũng sẽ đến bốc về. Chỉ còn chị Bê,
hài cốt không còn gì. Nhờ bác Điển hương khói cho vong hồn chị. Chị ấy
sẽ phù hộ cho bác. Hồi đi hoạt động cách mạng, chị lấy tên là Nguyễn Thị
Bê nhưng tên thật của chị là Nguyễn Thị út. (Mấy người trong làng đứng
xem chợt ồ lên: Ôi! Bà út. Thế mà con cháu cứ tìm kiếm mãi). Nhờ bác
Điển đem mâm lễ phát lộc cho các cháu”.
Mặt trời khuất hẳn sau luỹ tre ven sông
thì công việc thu vét hài cốt cũng xong. Mọi người vây quanh gốc cây
vải, nơi đặt bàn thờ tạm. Bích Hằng bảo: “Suốt ngày cô Khang và bác Sơn
quanh quẩn ở đó. Buổi chiều, bác Nghĩa cũng ngồi ở đó ôm lấy tấm ảnh cô
Khang mà khóc. Cụ An và cụ Giám thì ngồi ở phía tường hoa”. Trời nhọ mặt
người, gia đình GS Trần Phương mới đưa hài cốt của cô Khang về nhà. Hai
ngày sau, lễ truy điệu người nữ du kích anh hùng Trần Thị Khang đã diễn
ra trọng thể tại nghĩa trang liệt sĩ của Huyện với sự có mặt của hơn
300 người gồm các Ban, ngành, chính quyền, đoàn thể cùng đông đủ họ hàng
nội ngoại. Người xúc động nhất buổi hôm ấy, có lẽ là GS Trần Phương.
Sau 24 ngày mò tìm trong bí ẩn, nhiều lúc tưởng chừng như tuyệt vọng,
cuối cùng, hài cốt của người em gái thân yêu đã tìm thấy. Đó là một kết
thúc có hậu. Đó cũng là hành trình đưa GS đến với thế giới tâm linh đầy
huyền hoặc với những khám phá bất ngờ, thú vị và cả những day dứt, trăn
trở
GS Trần Phương, nguyên Phó
thủ tướng chính phủ, hiệu trưởng trường Đại học kinh doanh và công nghệ
Hà Nội: “Hài cốt em tôi đã tìm thấy nhưng cách thức tìm của các nhà
ngoại cảm, với tôi, vẫn còn là bí ẩn. Khám phá ra bí ẩn này, như tôi
biết, không phải là điều dễ dàng gì. ở đây, tôi chỉ xin đề xuất một số
vấn đề để các nhà nghiên cứu xem xét:
1. Tôi có căn cứ để tin rằng: Tôi đã gặp
linh hồn em Khang, anh Sơn, thậm chí, cả linh hồn cụ Giám, cụ An, Bích
Hằng đã nhận dạng được linh hồn qua tấm ảnh, đã nghe được tiếng nói của
linh hồn. Như vậy, linh hồn phải tồn tại dưới một dạng vật chất nào đó
thì mới có hình thù và khả năng phát ra tiếng nói như vậy. Đã là một
dạng vật chất thì vật lý học, hoá học, sinh học, y học… với những phương
tiện quang học và điện tử tinh vi, hẳn sẽ có ngày tìm ra. Vậy các nhà
khoa học Việt Nam có thể đóng góp gì theo hướng đó?
2. Tôi nhận thấy linh hồn người chết vẫn
thể hiện những tình cảm vui buồn, ước muốn, vẫn kể lại rành rọt, chính
xác những việc đã qua, kể cả những sự việc sau khi mình đã chết, vẫn
theo dõi những việc mà người sống đang làm. Như vậy, linh hồn đâu phải
là vật thể vô tri vô giác mà là những vật thể sống, có tư duy và tình
cảm. Điều này, đặt ra một loạt câu hỏi: “Có một thế giới linh hồn ngoài
thế giới của chúng ta đang sống không? Nó hoạt động như thế nào, tác
động gì đến thế giới của chúng ta? Linh hồn có mất đi hay tồn tại
mãi?Người sống dâng cúng đồ lễ, tiền vàng là đúng hay nhảm nhí? Tìm lời
giải cho những vấn đề này, nếu chỉ dựa vào suy luận thì sẽ dẫn đến những
cuộc tranh cãi bất tận. Vấn đề mấu chốt là phải chứng minh.
3. Hầu hết mọi người đều không nhìn thấy
linh hồn, nghe thấy tiếng nói của linh hồn. Ngoại trừ một số hiếm hoi
là các nhà ngoại cảm. Vậy khả năng đặc biệt ấy là do cấu tạo sinh lý?
4. Để nghiên cứu lĩnh vực này, Liên hiệp
các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam đã lập ra Trung tâm nghiên cứu
tiềm năng con người (Bộ môn cận tâm lý). Song quyền hạn, phương tiện
nghiên cứu, tài chính hoạt động còn hạn hẹp. Nên chăng, thành lập một
viện nghiên cứu có sự hỗ trợ về kinh phí của nhà nước, có sự quyên góp
tự nguyện của những người quan tâm? Nếu nghiên cứu thành công không
những có ý nghĩa nhân văn mà còn giúp ích nhiều mặt, kể cả về mặt điều
tra hình sự (nếu vong hồn người bị giết nói ra thì kẻ giết người tránh
sao khỏi tội?).
5. Trong khi chờ đợi kết quả nghiên cứu
của các nhà khoa học, cần có những chính sách, chế độ ưu đãi cho các nhà
ngoại cảm để họ có thể phát huy cao hơn nữa khả năng đặc biệt vào việc
tìm kiếm hài cốt các liệt sĩ, thoả lòng mong ước của hàng chục vạn gia
đình. Tránh những lời bổ báng vội vã, tránh vơ đũa cả nắm giữa các nhà
ngoại cảm có khả năng thực sự với những kẻ buôn thần bán thánh, lợi dụng
mê tín dị đoạn để loè bịp, trục lợi.
* Trong bài viết này, chúng
tôi có sử dụng một số tư liệu của gia đình GS Trần Phương
Nguồn: http://phatgiaovnn.com (Phật
Giáo Việt Nam Net)