1. Phật sự theo nghĩa lịch sử
Phật sự (Buddha-kārya) là việc của Phật. Việc của một đấng giác ngộ
hoàn toàn và đem sự giác ngộ đó chuyển hóa chúng sanh. Ở tầng nghĩa
nguyên thủy, việc của Phật chỉ tập trung chủ yếu vào mỗi một việc là
chuyển hóa và độ thoát chúng sanh. Nói cách khác, độ chúng sanh, làm cho chúng sanh giác ngộ là Phật sự.
Đọc lại lịch sử Đức Phật, theo Maha Thera Narada trong Đức Phật và Phật Pháp,
có thể thấy một ngày của Đức Phật bắt đầu từ khi tảng sáng, khi ấy Phật
dùng thiên nhãn để quán sát thế gian, xem có ai cần để Ngài tế độ. Nếu
thấy có người cần hỗ trợ thì không đợi họ thỉnh cầu, Ngài tự ý đến để
dẫn dắt người ấy. Sau khi thọ thực xong, Ngài thuyết một bài pháp ngắn.
Khi đã trưa, Đức Phật lui về hương thất. Nếu muốn, Ngài nằm nghiêng bên
mặt và định thần một lát. Lúc dậy, Ngài nhập Đại Bi Định (Maha Karuna
Samapatti) và dùng Phật nhãn quan sát các vị tỳ kheo hành thiền nơi rừng
sâu vắng vẻ hoặc các vị đệ tử khác ở xa, để hướng dẫn và khuyên dạy các
vị ấy. Vào buổi chiều, thiện tín kéo đến nghe Pháp. Do Phật nhãn, Ngài
nhìn vào khuynh hướng tâm tánh của từng người trong cử tọa để thuyết
Pháp độ một giờ. Từ sáu giờ chiều đến mười giờ đêm là khoảng Đức Phật
dành riêng để các vị tỳ kheo được tự do thỉnh cầu nhằm soi sáng những
hoài nghi về giáo pháp, xin đề mục hành thiền. Từ mười giờ đến hai giờ
khuya, chư Thiên từ các cõi Trời, đến hầu Phật và hỏi Ngài về giáo pháp.
Canh cuối cùng trong đêm, từ hai giờ khuya đến sáu giờ sáng, được chia
làm bốn phần. Trong phần đầu, từ hai đến ba giờ, Đức Phật đi kinh hành
(cankamana). Từ ba đến bốn giờ, Ngài nằm định thần, nghiêng về phía tay
mặt. Từ bốn đến năm giờ, Ngài nhập Đại Bi Định (Maha Karunasamapatti),
và rải tâm Từ đến khắp nơi.
Có thể nói, trọn cả ngày, Đức Phật luôn bận rộn với nhiệm vụ hóa độ
cho tha nhân. Thuyết giảng cho chư Thiên, giảng dạy chúng xuất gia,
thuyết giảng cho chúng tại gia và tùy cơ nghi hóa độ bất cứ ai cần ngài,
không phân biệt thời gian và trú xứ. Ngài đơn giản hóa đến mức có thể
về vấn đề chổ ở, thức ăn, nhằm dành tất cả thời gian còn lại của đời
mình vào bản thệ hóa độ chúng sanh. Như vậy, Phật sự được hiểu ở đây
chính là sự nghiệp hóa độ vĩ đại của Đức Phật. Ở tầng nghĩa này, chúng
ta chỉ là người đứng rất xa và còn rất lâu mới với tới.
2. Phật sự theo nghĩa phái sinh hay là hai loại Phật sự
Như đã nói, việc của Phật thì chỉ có Phật hiểu và chỉ có Phật mới làm được. Kinh Pháp Hoa đã khẳng định điều này[1]. Nếu việc Phật
được hiểu trong khuôn khổ giới hạn như vậy là một thiệt thòi lớn cho
chúng sanh, vì chúng sanh còn rất lâu mới thành Phật. Hơn đâu hết, trong
nhiều kinh điển, Đức Phật đã từng tán thán khả năng thành Phật ở mỗi
chúng sanh[2].
Sau khi đức Thế Tôn diệt độ, cùng với quá trình phát triển của các tông
phái Phật giáo, quy mô, thể thức cũng như phạm vi lan tỏa của Phật giáo
ngày càng được mở rộng. Từ đây, khái niệm Phật sự từng bước mở rộng
phạm vi của mình.
Ở một chừng nào đó có thể hiểu, đi theo con đường của Phật, noi theo
công hạnh của Phật, để cuối cùng được kết quả như Phật…thì được xem là
đang làm việc Phật. Phàm các việc làm nhằm phát huy đức của Phật thì gọi là Phật sự[3]. Như
vậy, ở nghĩa phái sinh này, Phật sự được thể hiện rất bao quát ở nhiều
dạng, nhưng tựu trung, có thể khái quát khái niệm Phật sự ở nghĩa phái
sinh bao hàm hai hình thức: Nỗ lực tu tập cho bản thân và công hạnh hóa độ tha nhân.
Trong hai dạng Phật sự nêu trên, dạng thứ nhất là điều quan thiết,
chính yếu. Vì lẽ, nỗ lực để được như Phật là cả một quá trình, không
phải chỉ một ngày, một đời, một kiếp mà có thể xuyên qua vô số kiếp.
Trên năm trăm chuyện tiền thân của Đức Phật được ghi lại trong các tập
Jataka đã chứng tỏ rằng, trước khi thành Phật, ngài đã kinh qua vô số
kiếp sống và đã thực hành nhiều hạnh nguyện khác nhau. Do đó, đã là
người xuất gia thì phải nỗ lực: “Hãy đứng dậy, ngồi dậy, Hãy kiên
trì học tập, Ðạt cho được an tịnh, Ðừng để cho thần chết, Biết Ông là
phóng dật, Mê hoặc, chinh phục Ông”[4].
Nói rõ hơn, hàng đệ tử Phật, đã đi theo con đường của Phật thì phải nỗ
lực tu tập và tự chuyển hóa, dù ở đâu và trong bất cứ hoàn cảnh nào. Nếu
thực hiện được như vậy, tức là thực hiện được phương diện thứ nhất của
nghĩa Phật sự.
Ở tầng nghĩa thứ hai, tức xem việc hóa độ chúng sanh là Phật sự. Điều
này, được khẳng định rõ ràng và mạnh mẽ nhất ở Kinh Hoa Nghiêm: “Phụng sự chúng sanh tức cúng dường chư Phật”[5].
Và như vậy, với lý tưởng Bồ tát của giáo nghĩa đại thừa, ý nghĩa Phật
sự đã được mở rộng lên một tầm mức mới. Vì lẽ, lý tưởng độ thoát chúng
sanh, độ tận, không mệt mõi, sẳn sàng vận dụng vô vàn phương tiện, vô
vàn hình thức, miễn sao làm cho chúng sanh chuyển mê khai ngộ, lìa khổ,
được vui… thì người theo lý tưởng Bồ tát sẳn sàng làm. Ở đây, chúng ta
có thể thấy lý tưởng độ chúng sanh được khởi dậy mạnh mẽ, thể hiện qua
sự phát nguyện của ngài A Nan, được ghi lại trong thời công phu sáng
như: Con phủ phục thỉnh cầu, đức Thế Tôn từ bi, mà chứng minh cho
con: trong thời kỳ dữ dội, đầy năm thứ vẫn đục, con nguyện vào đó trước,
nếu còn một chúng sanh, chưa được thành Phật đà, không bao giờ với họ,
con bỏ mà Niết bàn”[6].
Trong hành hoạt của các vị đại Bồ tát gắn với đời sống và niềm tin
trong nhân gian như Quán Thế Âm Bồ tát, Địa Tạng Bồ tát, ta dễ dàng bắt
gặp sự phát nguyện tương tự. Không những vậy, tâm nguyện độ sanh không
chỉ xuất hiện và dành riêng cho các vị đại Bồ tát, mà còn được thể hiện ở
bất cứ ai mạnh mẽ phát tâm, không chỉ dừng lại ở một đời này mà còn
được thể hiện trong những đời sống tiếp theo. Nói như ngài Thật Hiền: “Tôi đi là trở lại liền”[7]. Trở
lại cõi đời này để tiếp tục sứ mạng độ sanh. Một câu nói ngắn nhưng hàm
nghĩa cho lý tưởng độ sanh chất ngất, vô biên. Nói cách khác, trong lý
tưởng của hàng Bồ tát, từ sơ phát tâm cho đến khi thành tựu trọn vẹn, sứ
mạng độ thoát chúng sanh luôn là nổi khắc khoải khôn nguôi, là bản hoài
khi hóa hiện trên cuộc đời này. Và cũng do bởi yếu tính này, nghĩa của
Phật sự trong giáo nghĩa đại thừa ngày càng được mở rộng hơn bao giờ
hết.
Trong thời đại ngày nay, Phật sự ở nghĩa này dường như bao quát hầu
hết mọi việc làm của người xuất gia như: từ thiện – cứu tế, ứng phó đạo
tràng, kiến thiết già lam, tự viện, giảng dạy cho chúng xuất gia và tại
gia…cùng như nhiều việc vô danh khác. Kinh Duy Ma đã mở rộng nội hàm
khái niệm Phật sự như sau: “Có thế giới lấy ánh sáng của Phật mà làm
việc Phật. Có thế giới lấy bồ tát mà làm việc Phật. Có thế giới lấy
người Phật hóa ra mà làm việc Phật. Có thế giới lấy cây bồ đề mà làm
việc Phật. Có thế giới lấy y phục hay đồ nằm của Phật mà làm việc Phật.
Có thế giới lấy cơm ăn mà làm việc Phật. Có thế giới lấy vườn rừng lầu
đài mà làm việc Phật. Có thế giới lấy ba mươi hai tướng tốt và tám mươi
vẻ đẹp mà làm việc Phật. Có thế giới lấy thân Phật mà làm việc Phật. Có
thế giới lấy sự trống không mà làm việc Phật. Chúng sinh thích ứng với
những duyên tố trên đây mà được vào chánh pháp. Có thế giới lấy chiêm
bao, ảo thuật, hình ảnh, tiếng vang, bóng trong gương, trăng dưới nước,
sóng nắng, những sự ví dụ như vậy mà làm việc Phật. Có thế giới lấy âm
thanh ngôn ngữ văn tự mà làm việc Phật. Có thế giới trong sạch lấy sự
vắng lặng, không nói năng, không chỉ bảo và không thi vi mà làm việc
Phật. Như thế ấy, A nan, chư Phật cử động tới ngừng, mọi việc toàn là
việc Phật. A nan, ma quân có bốn loại, phiền não có tám mươi bốn ngàn
thứ, chúng sinh vì thế mà khốn đốn, còn chư Phật thì lấy chính những thứ
ấy mà làm việc Phật”[8]. Tựu trung, có thể xem diệu dụng pháp Phật là Phật sự.
3. Điều kiện để làm Phật sự
Trong hai nghĩa phái sinh của khái niệm Phật sự vừa được trình bày,
làm Phật sự ở nghĩa chuyển hóa bản thân hay tự tu, tự độ đòi hỏi những
điều kiện rõ ràng và đơn giản. Vì trong quá trình tự tu tập, tự chuyển
hóa đó, đã bao hàm những yêu cầu bắt buộc của từng gian đoạn hành trì
rồi. Nói rõ hơn, làm Phật sự ở nghĩa này rất an ổn, bình yên và luôn
được vinh danh, tán thán.
Do yếu tính uẩn áo, hàm súc của khái niệm Phật sự được mở rộng từ cơ
sở triết lý của giáo nghĩa đại thừa, làm Phật sự ở nghĩa phái sinh thứ
hai được thể hiện trong tính hiện thực sinh động, nhưng đồng thời cũng
bộc lộ ra những bất cập, nhưng khiên cưỡng, vì đôi khi có những sự lồng
ghép, quá sức và thậm chí là nhân danh. Do đó, khi thực thi Phật sự ở
nghĩa này, đòi hỏi người thực hành cần phải kiện toàn một vài tố chất
căn bản.
Thứ nhất, cần phải phải hiểu rõ bản thân, phải có sức mạnh và chí khí
lớn. Hiểu rõ năng lực cũng như hạn chế của mình. Nhận thức rõ đâu là
chỗ mạnh đâu là thế yếu của bản thân để định ra một hướng đi thích hợp.
Vì lẽ, con đường phụng sự, độ tha trong nghĩa rộng nhất của khái niệm
Phật sự, là con đường tuy rất mực cao đẹp nhưng cũng đầy thử thách, cam
go. Con đường đó không thích hợp cho những ai mang thể trạng yếu đuối và
một chí khí khiếp nhược về thân và cả về tâm. Nói như kinh Địa Tạng[9],
sẽ rất mực nguy hiểm nếu như người đã ốm yếu nhưng lại mang đá nặng, đã
vậy, lại gặp phải người thân gửi thêm hàng hóa nữa thì bản thân dễ dàng
lâm vào tình thế hiểm nguy. Ở đây, mỗi cá nhân có thề tùy chọn một dạng
Phật sự nào đó, vừa sức lực và vừa phù hợp với biệt nghiệp của mình để
thực hiện. Biết rõ bản thân để thực hiện Phật sự là tâm thế tích cực cần
có của hàng xuất gia.
Thứ hai, cần phải duy trì năng lượng thương yêu trong suốt quá trình
thực hiện Phật sự. Năng lượng thương yêu đó là đồng thể đại bi tâm, là
tâm thương yêu không điều kiện và rộng khắp, không bị giới hạn bởi không
gian và vượt cả mọi khoảng thời gian. Trong suốt quá trình làm Phật sự,
năng lượng này cần phải song hành, vì nếu như quên mất năng lượng, hoặc
năng lượng đó bị gián đoạn thì mọi việc làm mang danh là Phật sự kia,
đều trở nên vô nghĩa, thậm chí đôi khi rơi vào trạng thái xấu nhất của
hiện thực. Đó là điều được khẳng định ở Kinh Hoa Nghiêm: Quên mất tâm Bồ đề mà tu hành các thiện pháp, thì gọi là hành động theo ma vương”[10]
Nói theo kinh Pháp Hoa thì khi làm Phật sự thì cần phải “vào nhà Như
Lai, mặc y Như Lai, ngồi tòa Như Lai. Nhà của đức Như-Lai là tâm đại từ
bi đối với tất cả chúng sinh. Áo của đức Như-Lai là nhu hòa nhẫn nhục.
Chỗ của đức Như-Lai là tất cả các pháp đều không”[11]. Duy trì tất cả những tâm thế vừa nêu để thừa hành Phật sự, thì diệu nghĩa của Phật pháp được thể hiện.
Thứ ba, làm Phật sự với tâm tùy hỷ, vô cầu. Vui với niềm vui của mọi
người là điều mà người làm Phật sự cần phải thực hiện. Phải dũng mãnh
như đại nguyện Tùy hỹ thứ năm trong mười hạnh nguyện của Bồ tát
Phổ Hiền và phải giữ tâm vô dục, vô cầu. Phải mở rộng và chiêm nghiêm
thêm từ lời dạy của đức Phật được thể hiện trong kinh Nghĩ như thế nào: “Chúng
con không nghĩ rằng: "Vì nhân y áo, Sa-môn Gotama thuyết pháp. Hay vì
nhân đồ ăn khất thực, Sa-môn Gotama thuyết pháp. Hay vì nhân sàng tọa,
Sa-môn Gotama thuyết pháp. Hay vì nhân thành bại, Sa-môn Gotama thuyết
pháp"[12]. mà đức Phật thuyết pháp chỉ vì: “Với từ tâm, vì lợi tha và do lòng từ, Thế Tôn thuyết pháp"[13] .
Từ thực tế mỗi mỗi việc của người con Phật hiện nay đều mặc nhiên
dùng từ Phật sự để biểu thị. Trong sự phong phú sinh động về việc làm
của hàng xuất gia thời nay, nên chăng cần phải minh định đâu là Phật sự,
đâu là gần với Phật sự và đâu chưa phải là Phật sự? Nên chăng có thể
tạm phân ra hai hạng Phật sự như Xuất thế gian Phật sự và Thế gian Phật sự?
Nhập thất quyết tu, kiến thiết già lam, cứu tế xã hội, làm kinh tế cho
nhà chùa, tham gia các hoạt động văn hóa, gia nhập hội đoàn xã hội…đều
là những việc mà người xuất gia thời nay đã và đang miệt mài thực hiện.
Tuy nhiên, vẫn chưa có một sự cảnh báo hay một sự phân định và đánh giá,
đâu là những Phật sự đòi hỏi người thực hiện phải có chí khí lớn, phải
có tâm và có tầm và quan trọng nhất là phải luôn có Bồ đề tâm. Chính xác
hơn, mặc dù đã có sự cảnh báo từ lâu trong kinh điển, nhưng không được
nhắc lại, không được chú trọng nên dễ bị lãng quên. Và cũng vì vậy, nên
trong quá trình thực hiện Phật sự, do chưa nhận thức đầy đủ về bản thân,
do chưa được trang bị kỹ càng, do sự thiếu vắng của tri thức – trí tuệ,
do chưa được phòng hộ đủ đầy và chu đáo, nên đôi khi nhân danh làm Phật
sự, nhưng kết quả đạt được chỉ tiệm cận với Phật sự trong nghĩa tích
cực mà thôi. Bởi lẽ, một thực tế hiển nhiên mà chúng ta cần bình tâm để
nhận ra rằng: hấp lực của ngũ dục vẫn là một trong những điều quan ngại
và vẫn mang tính thời sự, xưa cũng như nay.
Chúc Phú
[1] Kinh Pháp Hoa, Phẩm Phương tiện thứ hai, bản dịch của Hòa thượng Thích Trí Tịnh: Thôi
Xá-Lợi-Phất! Chẳng cần nói nữa. Vì sao? Vì pháp khó hiểu ít có thứ nhất
mà Phật trọn nên đó, chỉ có Phật cùng Phật mới có thể thấu tột tướng
chân thật của các pháp, nghĩa là các pháp: tướng như vậy, tánh như vậy,
thể như vậy, lực như vậy, tác như vậy, nhân như vậy, duyên như vậy, quả
như vậy, báo như vậy, trước sau rốt ráo như vậy.
[2] Kinh Phạm Võng Bồ Tát Giới. Hòa thượng Thích Trí Quang dịch, Nguyên văn là:
nên hết thảy đại chúng, chí tâm mà thâm tín; thâm tín rằng chính mình,
là đức Phật sẽ thành, y như Như Lai đây, là đức Phật đã thành,
[3] Phật Quang Đại Từ Điển, Hội văn hóa giáo dục Linh Sơn, Đài Bắc xuất bản, 2000, tập 4, trang 4273
[4] Kinh Tập, Sutta Nipata, chương hai, Kinh đứng dậy, kệ 332
[5] Đại phương quảng Phật Hoa Nghiêm kinh, Nhập bất tư nghì giải thoát cảnh giới Phổ Hiền hạnh nguyện phẩm. Đúng theo văn kinh là: 若菩薩能随順眾生. 則為随順供養諸佛, 大方广佛华严经入不思议解脱境界普贤行愿品
[6] Hòa thượng Thích Trí Quang dịch, Hai Thời Công Phu, NXB. TP. Hồ Chí Minh, 1994, tr 141…).
[7] Hòa thượng Thích Trí Quang dịch, Bài văn khuyến khích phát tâm Bồ đề, tr 16
[8] Hòa thượng Thích Trí Quang dịch, Kinh Duy-ma, Phẩm Việc Làm Bồ Tát.
[9] Hòa thượng Thích Trí Tịnh, dịch, Kinh Địa Tạng, Phẩm thứ bảy, Lợi ích cả kẻ còn người mất
[10] Hòa thượng Thích Trí Quang dịch, Bài văn khuyến khích phát tâm Bồ đề, tr 31
[11] Hòa thượng Thích Trí Tịnh, dịch, Kinh Pháp Hoa, phẩm Pháp sư công đức, thứ 10
[12] Trung Bộ Kinh, Kinh Nghĩ như thế nào (Kinti Sutta), hòa thượng Thích Minh Châu, dịch
[13] Trung Bộ Kinh, sđd