Nguồn gốc tư tưởng Trung Quán Luận
Thích Quảng Hợp
25/07/2013 00:17 (GMT+7)

 

Long Thọ (Nagarjuna) sinh ra vào khoảng thế kỷ II – III TL tại Ấn Độ, khi xã hội có những biến động về kinh tế, chính trị, tư tưởng...Ngài đã sáng tác Trung quán Luận là một bộ luận quan trọng nhất, với triết lý Tính Không, với biện chứng pháp phủ định độc nhất vô nhị. Nguồn gốc tư tưởng Đại thừa Phật giáo đã có từ thời Đức Phật còn tại thế. Tư tưởng Đại thừa ban đầu bắt nguồn từ phía Nam Ấn Độ, nơi căn cứ của Đại Chúng Bộ. Cũng ở đây đã nảy nở ra tư tưởng “Bát Nhã”, cội nguồn của tư tưởng “Không”.

Hinh0693.jpg

Long Thọ Bồ Tát được gọi là Thích Ca Mâu Ni thứ 2

 Nếu như Mã Minh Bồ Tát là người khởi sướng ra tư tưởng Đại thừa thì Long Thọ đã có công hệ thống, chú thích, luận giải và hệ thống những kinh điển đã có sẵn trên tinh thần Đại thừa, từ đó khẳng định tư tưởng Đại thừa đã có sẵn trong kinh điển gốc Nguyên thủy như: Đại Phẩm Bát Nhã gồm 25000 bài tụng tức Phóng Quang Bát Nhã; Tiểu Phẩm Bát Nhã gồm 8000 bài tụng, tức là Hành Đạo Bát Nhã, để hiểu biết được chư pháp đều là không; Duy Ma Kinh cũng chủ trương tư tưởng “không”(1). Điểm chung trong  kinh điển là  tư tưởng về bản thể Không, mà Long Thọ đã nắm bắt, thể hiện trong Trung Quán Luận. Có thể nói nguồn gốc tư tưởng của Trung Quán Luận ở ngay trong hệ thống kinh điển vốn có của Phật giáo Nguyên thủy. Đặc biệt là bộ Kinh tạng Bát Nhã - một bộ kinh của Phật giáo Đại thừa, mà Long Thọ đã chú thích, luận giải tư tưởng “không” trong đó một cách hệ thống trên tinh thần mới mẻ của Đại thừa, và cũng như sau này ông sáng tác thành công Trung Quán Luận bất hủ.

Tóm lại, về mặt tư tưởng, Long Thọ tiếp thu tư tưởng Đại thừa của các nhà tư tưởng Phật giáo đi trước, và với trí tuệ xuất sắc “biện tài nghị biện vô ngại”, và ông được coi là một trong những triết gia đầu tiên trong cuộc cách tân lịch sử tư tưởng Phật giáo Đại thừa.

  1. Kinh Bát Nhã - một bộ kinh tối cổ của Phật giáo Đại thừa

Về niên đại của văn bản, Kinh Bát Nhã là một bộ kinh tập hợp lâu dài nhất, qua nhiều thế kỷ, từ thế kỷ I TCN tới thế kỷ III SCN, và còn tiếp tục về sau. Đây chính là bộ kinh Đại thừa đồ sộ xuất hiện sớm nhất.

Tên bộ kinh lớn đầy đủ là Đại Bát Nhã Ba La Mật Đa (Skrt: Maha- Prajna paramita). Tiếng Phạn Prajna chuyển âm Hán-Việt là Bát Nhã, nghĩa là trí tuệ, thông thái rốt ráo, hoàn hảo. Kinh Bát Nhã nhờ phát hiện của Long Thọ đã trở thành kinh điển quan trọng của Phật giáo Đại thừa. Song trước đó nó chỉ được coi là văn  học loại văn nghệ. Kinh Bát Nhã từ đó được coi là giáo pháp thông cả ba thừa (Thanh văn, Duyên giác, Bồ tát) do chính đức Phật tổ thuyết giảng. Cũng theo các Phật truyền thì Kinh Bát Nhã được đức Phật giảng tại 16 hội khác nhau như: giảng tại núi Linh Thứu, thành Vương Xá, Phật, tại Lâm Viên Kỳ Đà của Cấp Cô Độc, thuộc Thất La Phiệt Thành, tại Ma Ni Bảo điện, cung Tha Hóa Tự Tại, cuối cùng Phật giảng tại hồ Bạch Lộ thuộc tịnh xã Trúc Lâm Phật giảng hội 16. Toàn bộ truyền thuyết này nhằm chứng minh rằng Kinh Bát Nhã là bộ kinh nguyên thủy nhất của giáo lý Đại thừa, vốn có từ thời đức Phật tổ. Tuy nhiên, trong thời kỳ đầu bộ kinh này chưa được chú trọng, sau tới khoảng 700 năm sau Phật diệt, khoảng cuối thế kỷ thứ II-III SCN, Long Thọ là người đầu tiên sưu tập và hệ thống lại  Kinh Bát Nhã.

Nội dung tư tưởng của kinh Bát Nhã từ nguyên thủy đã xác định rõ mục đích giải thoát, nhằm đạt tới Niết Bàn là bằng đạo đức, trí tuệ và tu hành thiền định mà đức Phật tổ đã vạch rõ trong Tứ Diệu Đế. Kimura Taiken có nhận định rằng: “Bát nhã là bộ kinh tối cổ và căn bản nhất trong các kinh Đại thừa. Tư tưởng “không” trong kinh Bát nhã là kết luận của Duyên - sinh - quan trong Nguyên thuỷ Phật giáo, là một tổng hợp của các tư tưởng “không” đối với bộ phái Phật giáo mà đã đồng thời phát đạt. Nhân -  sinh - quan, thế - giới - quan trong tất cả các kinh Đại thừa đều được xây dựng trên nền tảng Bát Nhã”(2). Do vậy, tư tưởng Bát nhã chính là “sản phẩm đầu tiên của Đại thừa, dù nói theo thể động hay thể tĩnh, nó đã trở thành cơ sở của tất cả tư tưởng Đại thừa” ([2]). Hoà thượng Thích Trí Thủ đã khẳng định trong chuyên khảo Bát Nhã Tâm Kinh  rằng vai trò, vị trí đặc biệt của nó đối với toàn bộ tư tưởng Đại thừa: “…nói đến Phật giáo Đại thừa là nói đến Bát nhã, vì không có Bát nhã thì không thể có Phật giáo Đại thừa, Bát nhã là đầu mối, là mạch nguồn để từ đó các trào lưu Đại thừa khởi dậy”(3).

Về niên đại, hiện nay còn có ý kiến chưa thống nhất về niên đại xuất hiện các tập Bát nhã này. Tuy nhiên, có quan niệm khác cho rằng, những bản kinh nào có dung lượng lớn nhất thì là những kinh nguyên thuỷ còn kinh ngắn là phần lược bớt của những người về sau này(4).

Qua quá trình nghiên cứu, họ cho rằng, bản kinh Bát Nhã xuất hiện sớm nhất chính là Bát Thiên Tụng Bát Nhã (Astasahasrika prajnaparamita) hay còn gọi là Tiểu phẩm Bát Nhã. Bản kinh này xuất hiện vào khoảng thế kỷ I TCN và “Bát nhã-ba-la-mật-đa này được bắt đầu từ phương Nam, rồi truyền sang phương Tây, lại từ phương Tây truyền sang phương Bắc”(5).

Về tính chính truyền của văn bản, Kinh tạng Bát nhã được tập thành tương đối muộn so với kinh tạng nguyên thuỷ, khoảng 400 năm sau Phật nhập Niết bàn. Tuy nhiên, kinh Bát Nhã vẫn đảm bảo được nội dung giáo lý căn bản của Phật dạy như:  giáo lý Duyên khởi, Tứ đế, Thập nhị nhân duyên, Bát chính đạo, Tứ niệm xứ, Ngũ uẩn... Bởi thế, các nhà Đại thừa sau này đều coi kinh Tạng Bát Nhã là những kinh văn chính truyền của Phật và được các đệ tử, luận sư triển khai rộng rãi theo nhu cầu phát triển của Phật giáo mỗi giai đoạn cụ thể([4])

Theo Đại Trí Độ Luận (Maha prajnaparamita sastra), là một tác phẩm luận giải quan trọng về tư tưởng Bát nhã, khi nêu lên nghi vấn: “vì nguyên nhân gì mà Phật thuyết kinh Đại Bát Nhã”. Đại sư Long Thọ đưa ra nhiều lý do để giải quyết vấn đề này: “vì muốn giảng đầy đủ các hạnh Bồ tát, vì muốn phá vỡ những quan niệm cực đoan trong tâm thức đệ tử và đưa họ vào trung đạo nên Phật thuyết Kinh Đại Bát Nhã-Ba-La-mật(6). Hay vì “… muốn dùng cách khác để nói về Tứ niệm xứ, về Ngũ uẩn, nên Phật thuyết Kinh Đại bát nhã Ba-la-mật-đa”([6]). Thế nên, ngay từ thế kỷ II SCN luận sư Long Thọ xác nhận kinh tạng Bát nhã chính là “dùng kiểu khác” để lý giải về giáo lý nguyên thuỷ. Đó là lý do mà các nhà Đại thừa sau này đều thống nhất khẳng định tính chính truyền của Kinh tạng Bát nhã cũng như một số kinh điển khác của Đại thừa.

Tóm lại, trong các kinh điển Đại thừa, thì kinh Bát Nhã được hình thành sớm nhất và làm nền tảng tư tưởng cho sự phát triển toàn bộ các nhánh phái Đại thừa về sau.

2.      Cốt lõi tư tưởng của Bát nhã được Long Thọ phát triển trong Trung Quán Luận

Hoà thượng Thích Thiện Hoa có nhận xét rằng: “Phật nói kinh Đại Bát Nhã, tại 4 chỗ, 16 hội, chép đến 600 quyển mới hết (Nhị thập nhị niên Bát Nhã đàm). Kinh Kim Cang Bát Nhã Ba La Mật, gọi tắt là Kinh Kim Cương là tóm tắt cô đọng nhất toàn bộ kinh Đại tạng Bát Nhã. Rút gọn lại hơn trong một bài kinh là "Ma Ha Bát Nhã Ba La Mật Đa Tâm Kinh, gọi tắt là Tâm Kinh, gồm 260 chữ. Hơn nữa, Phật còn dạy: "Ta không nói một chữ”(7).


Hình ảnh Long Thọ Bồ Tát thế kỷ II- III SCN

 Tư tưởng cốt lõi của kinh Bát Nhã là bàn về bản thể “Không của vạn pháp”. Hiểu được chữ “Không” này là hiểu được toàn bộ hệ thống Kinh Bát Nhã. Trọng tâm của Kinh Bát Nhã Ba La Mật là dùng trí Bát Nhã, phá trừ rốt ráo (Ba la mật) các vô minh vọng chấp: ngã, pháp hay bốn tướng" (Ngã, Nhân, Chúng sinh và Thọ giả), để vượt ngoài mọi đối đãi nhị nguyên.

Dựa trên tư tưởng Tính không này trong kinh Bát nhã mà Long Thọ đã triển khai phát triển thành tư tưởng “Trung Đạo” xuyên suốt trong tác phẩm Trung Quán Luận. Mục đích của Trung Quán Luận là nhằm phá hai thứ chấp căn bản của Phật giáo Tiểu thừa, và khả năng chuyển biến cái giá trị căn bản của nhân sinh, và đưa nhân sinh tới chỗ vượt hẳn sự đối lập nhị phân về khổ-vui, giầu-nghèo, mê-ngộ, hay thiện-ác(8).

Tư tưởng “chân không diệu hữu” của Kinh Bát Nhã chính là cốt lõi cơ bản của tư tưởng Đại thừa Phật giáo, mà Trung Quán Luận của Long Thọ đã kế thừa phát triển.

3.  Giới thiệu chung về Trung Quán Luận

Dần theo thời gian 300, 400 năm sau Phật nhập Niết Bàn, các bộ phái cứ tiếp tục ra đời và con số đã lên đến 20. Mỗi một học phái chủ trương theo một đường lối nhận thức khác nhau. Vào khoảng thế kỷ thứ I, II SCN, các quan niệm về Đại thừa có từ thời kỳ Bộ phái dần định hình và Phật giáo Đại thừa xuất hiện như một khuynh hướng tư tưởng tự do của Phật giáo lúc đó. Song, những tư tưởng, nhận thức sai lầm, xuyên tạc lời và ý Phật cũng không ít. Đứng trước tình cảnh hỗn loạn của tư tưởng giới Phật học Ấn Độ đương thời, Bồ tát Long Thọ bắt đầu trước tác bộ Trung Quán luận bằng phương pháp phủ định biện chứng nhằm thống nhất giáo lý Phật giáo trên tư tưởng Đại thừa trước các lý luận bảo thủ cố chấp và ngoại đạo tà giáo. Đóng góp của Trung Quán Luận là đáp ứng đòi hỏi về tư tưởng triết học của Phật giáo trong một thời kỳ phát triển mới về chất. 

3.1. Giới thiệu về văn bản, dịch bản của Trung Quán Luận

Tác phẩm gốc của bộ luận này nguyên văn bằng tiếng Sanskrit được soạn tại Ấn Độ. Cũng giống tình trạng các kinh điển, nhiều luận điển có liên quan đến Phật giáo Đại Thừa hầu hết đã bị thất lạc do quá trình tranh chấp giữa các đạo với Phật giáo, nhằm hạ gục nhau về mặt tư tưởng giáo lý, cách sinh hoạt tu tập hằng ngày... Nhưng những bản dịch sang Trung ngữ, Nhật ngữ và Tây Tạng ngữ thì hiện vẫn còn được lưu giữ khá tốt đã góp phần bảo tồn một cách hiệu quả nhiều kinh điển của Phật giáo  Ấn Độ.

Trung Quán Luận nó được coi là nền tảng của trường phái Trung Quán ở Ấn Độ, đến thế kỷ V đã được truyền sang Trung Quốc và được dịch sang Hán ngữ để truyền bá và phổ cập, rồi được coi là một trong ba kinh điển nền tảng của phái Tam Luận Tông ở Trung Quốc(9).

Chính vì để thực hành quán tưởng nên mặc dù nhan đề của ngài Long Thọ là Trung Luận hay Trung Đạo Luận, nhưng về sau, các đại sư Trung Quốc (nhất là Tam Luận tông) lại thêm vào chữ Quán thành Trung Quán Luận. Điều này cũng hợp lý vì mỗi phẩm theo bản dịch của Cưu Ma La Thập đều bắt đầu bằng chữ Quán hay Phá. (10).

Những bản dịch về Trung Quán Luận thì rất nhiều, mỗi thời có những dịch giả khác nhau: Bản dịch Hán văn Trung Quán Luận của Cưu Ma La Thập đến này vẫn được giới Phật học coi là văn bản chuẩn mẫu mực nhất. Bản dịch này liên tục được dịch tiếp sang các thứ tiếng khác trong quá trình tryền bá và phát triển Phật giáo Đại thừa nói chung và Thiền Tông Trung Quốc nói riêng. Bên cạnh bản dịch, còn có các bản chú giải khác như: Ngài Vô Trước (Asvagosha) chú giải và Cù Đàm Bát Nhã Lưu Chi (Gautama- Prajnaruci) dịch với tựa đề “Thuận Trung Luận Nhập Đại Bát Nhã Ba La Mật Sơ Thẩm Pháp Môn” gồm 2 quyển; Cưu Ma La Thập (đời Hậu/ Diêu Tần) dịch sang Hán, được coi là văn bản mẫu mực nhất đến nay; Trung Quán Thích Luận do An Tuệ chú giải, Duy Tịch đời Tống dịch ra Hán văn, lấy tựa là Đại thừa Trung Quán Thích Luận, gồm có 9 quyển; Bát Nhã Đăng Luận Thích của Thanh Biện chú giải, Ba La Phả Mật Đa La dịch ra Hán văn với lời bạt có tên Bát Nhã Đăng Luận Thích, gồm 15 quyển.

Hiện nay có một số bản dịch Trung Quán Luận sang Tiếng Việt như là: Bản dịch Việt ngữ Trung Quán Luận của HT Thích Tâm Thiện, từ “bản Hán dịch của Tam tạng Pháp sư Cưu Ma La Thập”, có dẫn chứng nguyên văn bản gốc bằng tiếng Phạn của tác phẩm Trung Quán Luận của Long Thọ Bồ tát, có kèm theo bản dịch của Cưu Ma La Thập dịch sang Hán văn, và do Thanh Biện chú giải. Bản Dịch và giải của Chánh Tấn Tuệ về Trung Quán Luận vào năm 2001, Nxb Tôn Giáo. Bản dịch và  giảng của Thích Thanh Từ về Trung Quán Luận vào năm 2008, Nxb Tôn giáo. Ngoài ra còn có nhiều bản dịch và chú giải khác của nhiều dịch giả và Phật học ở phương Đông cũng như phương Tây([9]).

Nhìn chung trong số bản dịch trên, bản dịch đã lấy được các ý cho mọi người dễ hiểu, bất chấp là dài hay ngắn, mục đích là câu cú đời thường dễ hiểu. Ví dụ như theo kệ chữ Hán là 4 câu năm chữ, nhưng khi dịch sang nghĩa tiếng Việt thì lại nhiều chữ hơn: “Bất sinh diệc bất diệt” dịch là: “Tất cả pháp vốn không sinh cũng không diệt”(11).

3.2. Khái lược nội dung và kết cấu của Trung Quán Luận                                    

- Về nội dung Trung Quán Luận, mỗi chương đều có những nội dung riêng biệt với mục đích chính là lý giải cho được tư tưởng chính của Phật về các pháp đều do nhân duyên hoà hợp mà thành, thực tướng của chúng là Tính Không; Mục đích là nhằm để “phá” sai lầm của cả Tiểu thừa cũng như của Đại thừa, trong tiến trình dựng xây kiến giải mới, cũng như “phá” chấp để phục hưng chính pháp. 27 chương đó có thể chia thành nhiều cách khác nhau cũng là biện pháp để nghiên cứu thấu đáo hơn tư tưởng triết học của Long Thọ. Song nếu nhìn khái quát toàn bộ, Trung Quán Luận là một bộ luận có tính khái quát cao, trình bày một cách hệ thống khúc chiết các vấn đề cơ bản của Phật giáo Đại thừa: Nguyên lý Tính Không (Sunyata), phương pháp Trung đạo, Duyên khởi cũng chỉ là một trong “chân như diệu hữu” hay “trung đạo”.

Cũng như nhiều nhận định của các nhà nghiên cứu cho rằng: “Bồ Tát Long Thọ dựa trên tư tưởng Kinh Kim cương Bát Nhã sáng tác bộ Trung Quán Luận, đưa ra học thuyết Chân Không (Sunya), một tư tưởng luận lý mới mẻ, chặt chẽ, tinh vi, làm xáo động học lý truyền thống tôn giáo Ấn Độ thời bất giờ. Các triết gia, học giả phương Tây ngày nay cũng khâm phục, tán dương phương pháp lý luận của Bồ Tát Nagajuna có một không hai”(12).

Tuy vậy, điểm gặp nhau của kết quả nghiên cứu nghiêm túc Trung Quán Luận là đều lĩnh hội được tư tưởng “nhất thiết pháp không” của Long Thọ thể hiện nhất quán qua tất cả các chương, các quyển([11]).

 - Về kết cấu Trung Quán Luậ: Theo Thích Tâm Thiện đã chia kết cấu Trung Quán Luận gồm có 4 quyển, thành 27 phẩm, với 446 bài tụng. Mỗi bài tụng gồm 4 câu, mỗi câu có năm chữ, tổng cộng gồm 1784 câu, tương đương 8920 chữ([11]). Cách chia này khá chi tiết, rõ ràng và phù hợp với nhu cầu nghiên cứu về lịch sử tư tưởng và tư tưởng triết học của đề tài Luận văn này. Song để chính xác hơn, có thể so sánh với một vài cách chia kết cấu khác.

Nếu như căn cứ vào nguyên bản Hán văn về Trung Luận do Diêu Tần Tam Tạng Cưu Ma La Thập dịch thì Trung Luận được chia làm bốn quyển: Quyển một bao gồm 27 phẩm: từ phẩm 1. Quán nhân duyên...cho tới phẩm 27. Quán tà kiến. Nguyên bản dịch Hán văn của La Thập có kết cấu gần với nguyên bản Sanskrit cũng là một tư liệu để chung ta khảo cứu ý nghĩa của Long Thọ về mặt tư tưởng trong Trung Quán Luận.

Ngoài ra còn các kết cấu khác, chẳng hạn, Chánh Tấn Tuệ cũng cho rằng kết cấu nội dung của Trung Quán Luận có thể chia thành 27 phẩm, trong mỗi phẩm đó gồm các bài tụng như phẩm 1. gồm 16 bài tụng; 2. gồm 25 bài tụng;…; 27. gồm 31 bài tụng. Tổng cộng gồm 426 bài tụng, mỗi bài tụng có 4 câu, mỗi câu gồm 5 chữ, tổng cộng 8.680 chữ. Cách phân chia này giúp cho người học, nghiên cứu, tu tập dễ tránh được nhầm lẫn, song cách chia theo phẩm là chương vậy không đi sâu vào khai thác kết cấu tư tưởng trong đó(13).

 Theo Hoàng Thị Thơ, kết cấu 27 chương của Trung Quán Luận nếu chia kết cấu theo tư tưởng triết học thì có thể chia thành 2 phần chính: 25 chương đầu là phá chấp của Đại thừa, còn 2 chương cuối là phá mê chấp của Tiểu thừa(14).

Đoàn Trung Còn cho biết thêm rằng, “Bộ Trung Luận kêu trọn chữ là Trung Quán Luận, hiệp lại bốn quyển, minh ra cái lý chơn thiệt của nền Trung đạo Đại thừa. Do ngài Long Thọ Bồ tát soạn hồi thế kỷ thứ hai, ngài Thanh Mục Bồ tát thích và ngài Cưu Ma La Thập dịch ra Hán văn. Tất cả 500 câu kệ (nhưng thiệt ra chỉ có 496 câu), 27 phẩm, 25 phẩm đầu phá sự mê chấp của Đại thừa… Còn 2 phẩm cuối phá sự mê chấp của Tiểu thừa…”. Ban đầu bộ luận này chỉ có 596 bài kệ sau này thành 500 bài kệ, có lẽ La Thập Dịch xong rồi thêm bốn bài kệ cho đủ 500 bài kệ, thuận cho việc dễ nhớ dễ nghiên cứu, hiểu Trung Quán Luận hơn(15). Tuy nhiên xét trên bình diện khách quan của các phẩm thì chúng ta thấy các cách chia kết cấu trên đều có lý, cũng có thể làm cơ sở để khảo cứu sau này về Trung Quán Luận.

 

Tóm lại, bàn về nguồn gốc tư tưởng của Trung Quán Luận, chúng ta đi sâu phân tích lịch sử Kinh Bát Nhã - một bộ kinh tối cổ của Phật giáo Đại thừa, và làm rõ cốt lõi tư tưởng được Long Thọ phát triển từ Kinh Bát Nhã  là tư tưởng Tính Không. Long Thọ đã tiếp thu tư tưởng Không của Bát Nhã để xây dựng thành công tư tưởng Trung đạo của mình, làm cơ sở để hệ thống hoá toàn bộ kinh điển Đại thừa và cổ xuý cho Phật giáo Đại thừa hưng thịnh và lan toả cho tới hôm nay.

Qua Trung Quán Luận của Long Thọ giới thiệu rõ, sự ra đời , văn bản và bản dịch, kết cấu nội dung, từ góc độ triết học tư tưởng Trung đạo, kết cấu của Trung Quán Luận có nhiều cách chia bố cục, song  cách phân chia kết cấu có khác nhau, song đều nhằm làm sáng tỏ, dễ hiểu nội dung và tư tưởng Không, hay Trung đạo mà Long Thọ muốn gửi gắm trong Trung Quán Luận.

**********

 

(1) Thích Thanh Kiểm, Lược Sử Phật Giáo Ấn Độ, Quê Hương Tái Bản Lần Thứ Nhất, 1971, tr.231-235.

([2]) Kimura Taiken, Nguyên Thuỷ Phật giáo tư tưởng luận, Thích Quảng Độ dịch, Nxb Thành Hội Phật giáo TP. Hồ Chí Minh ấn hành, 1998, tr.63.

 (3) Thích Trí Thủ dịch, Tâm Kinh Bát Nhã Ba La Mật, Phổ Hiền Tùng Thư, TP. Hồ Chí Minh, 1996, tr.1.

([4]) Đoàn Văn An, “Tư tưởng triết học trong Kinh Kim Cương” Luận án tiến sĩ, Học viện Khoa học xã hội Việt Nam, Hà Nội, 2011, tr.39-40.

 (5) Kimura Taiken (1998), Đại thừa Phật giáo tư tưởng luận, Thích Quảng Độ dịch, Nxb Thành Hội Phật giáo TP. Hồ Chí Minh ấn hành, 1998, tr.57.

([6]) Thích Thiện Siêu, Luận Thành Duy Thức. Nxb. Phật Học Viện Quốc tế,n 1997, tr.21.

(7) Thích Thiện Hoa, Phật Học Phổ Thông, Thành Hội Phật Giáo TP. Hồ Chí Minh ấn hành, 2008, tr.557.

 (8) Thích Hạnh Bình, Triết Học Có Và Không, Nxb. Phương Đông. Hà Nội, 2007.
([9]) Hoàng Thị Thơ, Lịch Sử Tư Tưởng Thiền Từ VêĐa Ấn Độ Tới Thiền Tông Trung Quốc, Nxb. Khoa Học Xã Hội. Hà Nội, 2005, tr.150.

(10) David J, Kalupahana dịch và chú dịch, Mulamadhyamakakatika Of Nagajuna, Delhi, 1996.

 ([11]) Thích Tâm Thiện, Lịch Sử Tư Tưởng Và Triết Học Tánh Không, Nxb. Tp. Hồ Chí Minh, 1999, tr.130.

(12) Thích Quảng Liên dịch và giải, Trung Quán Luận, Nxb Tôn Giáo, 2007, tr.2-3.

 (13) Chánh Tấn Tuệ dịch và giải, Trung Quán Luận, Nxb. Tôn Giáo, Hà Nội, 2001, tr.11.

(14) Hoàng Thị Thơ, “Triết học Ấn Độ Qua Một Số Tác Phẩm Tiêu Biểu” Dành Cho Cao Học Chuyên Triết Tại Học Viện Khoa Học Xã Hội, Hà Nội, (Niên học 2010- 2012), tr.22.

(15) Đoàn Trung Còn, Phật Học Từ Điển, Nxb. Tổng Hợp, TP. Hồ Chí Minh, 2008, tr.1438.

 

Các tin đã đăng: