Bài 04: Triết lý Upanishad
Thích Lệ Thọ
15/10/2010 04:49 (GMT+7)


I. XUẤT XỨ:

Theo quan điểm của người Ấn, tư tưởng ở thời kỳ thứ ba của Ấn giáo là Upaniṣad [1] (Áo nghĩa thư). Tiếp sau tư tưởng Bràhman là triết học Upanishad được thành hình trong khoảng 800 - 600 năm trước CN. Nội dung tư tưởng triết học của bộ thánh điển này chủ trương thuyết PHẠM NGÃ ĐỒNG NHẤT (Bràhman, Àtman ailkyam), và lý tưởng giải thoát. Lý tưởng giải thoát chia làm ba giai đoạn:

1/ Giai đoạn thứ nhất là việc đi tìm giải thoát, nhưng giải thoát phải tìm ở tự nơi mình, không phải là tìm ở bên ngoài, cho nên nhân của giải thoát là tự giác, nhân của luân hồi là bất giác.

2/ Giai đoạn thứ hai, muốn thoát luân hồi cần phải an trụ cái bản tính, và bồi dưỡng phần trí tuệ.

3/ Giai đoạn thứ ba, phải noi theo phương pháp tu trì để mong phát minh trực quán trí, tức là phép tu Du-già (Yoga). Theo thứ tự như thế mà tu, dần dần chân ngã sẽ toàn hiện, tới lúc chân ngã toàn hiện, thì Àtman trở thành Bràhman, tức là giải thoát, chấm dứt luân hồi.

Từ upaniṣad xuất phát từ động từ căn √sad và hai động từ tiếp đầu âm là upa + ni, như vậy là upa-ni-√sad. sad có nghĩa là ngồi, upa-ni là đến gần và hạ mình xuống. Theo cách giải từ nguyên thông thường thì upaniṣad có nghĩa là "sự đến gần ngồi xuống [bên Đạo sư để nghe dạy]", và vì các bài dạy mang tính chất bí mật uyên áo.

Tuy nhiên, theo nhà Ấn Độ học Harry Falk đã chứng minh rất thuyết phục rằng, “người đến gần ngồi bên cạnh” như từ nguyên bên trên gợi ý không phải là đệ tử, mà là một năng lực siêu nhiên đến bên hành giả, upaniṣad mang nghĩa “một năng lực ảnh hưởng” nhiều hơn, và như vậy, nó có một nghĩa rất chủ động.

Trong bài luận giải cho Ca-tha áo nghĩa thư (sa. kaṭhopaniṣad), Đại luận sư Thương-yết-la (sa. śaṅkara) lại cho chữ -ṣad xuất phát từ gốc động từ √śad với nghĩa tiêu diệt, hàng phục. Qua đó, Thương-yết-la kiến lập một giáo lí trên cơ sở các Áo nghĩa thư, với chức năng tiêu diệt vô minh.

 

II. Áo nghĩa thư trong Thánh điển Phệ-đà:

Các bộ Phạm thư không phải là tác phẩm của một tác giả duy nhất và với thời gian, chúng được bổ sung thêm. Các thành phần được bổ sung bao gồm những lời giải thích về ý nghĩa bí mật của các nghi lễ và chân ngôn. Một số phần mật giáo của Phạm thư được gọi là Sâm lâm thư[2]. Điểm khác biệt giữa Sâm lâm thư và Áo nghĩa thư không rõ ràng bởi vì cả hai đều xử lý những tài liệu tương tự nhau. Một số Áo nghĩa thư, ví như bộ Aitareya được bao gồm trong bộ Sâm lâm thư hệ thuộc, trong khi những bộ khác, ví như Áo nghĩa thư Bṛhadāraṇyaka, lại được xem là cả hai, Sâm lâm thư và Áo nghĩa thư. Tuy nhiên, các chủ đề về vũ trụ quan và siêu hình có vẻ giữ vai trò trung tâm hơn trong các bộ Áo nghĩa thư, và về mặt thời gian, chúng xuất hiện sau các Sâm lâm thư.

Thánh điển Phệ-đà, bao gồm các Áo nghĩa thư và tất cả các nhánh hệ thuộc, được biên tập và truyền miệng từ thế hệ này sang thế hệ khác. Chúng chỉ được viết lại hơn một ngàn năm sau đó, nhưng mặc dù vậy, việc lưu truyền được thực hiện rất nghiêm túc và trung thực - thậm chí trung thực hơn phương pháp sao chép bằng văn tự, như nhiều nhà nghiên cứu cho biết.

 

III. Dùng mọi phương pháp mô tả Brahman:

Khi bàn về triết học và tư tưởng của các bộ Áo nghĩa thư là chúng không thể tìm được sự sắp xếp có hệ thống theo một tiêu chuẩn nhất định nào đó, mà ta thường thấy ở những bộ khác. Các bộ Áo nghĩa thư chứa đựng rất nhiều quan niệm khác biệt và trừu tượng. Giữa những đoạn văn với nội dung triết học cao vút lại xuất hiện những ý tưởng rất tầm thường, ví như những lời phỏng đoán rỗng tuếch về những âm tiết hoặc về huyền thuật

Thế nên, trong khi phân tích Áo nghĩa thư, người ta cũng không nên xem từng bộ Áo nghĩa thư như một tác phẩm riêng biệt và nhất quán, mà phải kết hợp những phần có cùng tư tưởng từ nhiều Áo nghĩa thư khác nhau. Sau khi đã đạt những điều kiện tiên quyết trên và tổng hợp các tư tưởng nằm rải rác trong nhiều văn bản, người ta mới có thể nói đến một "hệ thống triết học" Áo nghĩa thư. Và khi nói đến "Triết học Áo nghĩa thư" thì những chủ đề sau đây được xem là quan trọng nhất, là rường cột cho tất cả các trường phái Bà-la-môn giáo sau này, đó là mối tương quan giữa một Tiểu ngã[3] (sa. ātman) và Phạm thiên (sa. brahman), luân hồi[4] (sa. saṃsāra) và nghiệp[5] (sa. karman) cũng như hai quan điểm đối lập là Duy vật và Duy tâm.

10 bộ Áo nghĩa thư chủ yếu[6] (sa. mukhya) đã được Thương-yết-la luận giải và được tất cả các nhánh Ấn Độ giáo công nhận là những văn bản Thiên khải (zh. 天啓, sa. śruti). Chúng được liệt kê song song với bộ Phệ-đà hệ thuộc[7].

Các bộ Áo nghĩa thư Kauśītāki, Śvetāśvatara và Maitrāyaṇi thỉnh thoảng được xếp thêm vào để tăng tổng số lên 12, 13. Chúng cũng được xem là những bộ cổ nhất, có thể đều được biên tập trước công nguyên.

Upanishads có rất nhiều bộ. Đây chỉ xin nói sơ lược nội dung chính yếu của 13 quyển chính.

1. Isa Upanishad: Bàn về phong thái vô tất, vô cố của người đạo sĩ.

2. Kena Upanishad: Ai thực sự điều hành vũ trụ? Thưa đó là Atman = Brahman.

3. Katha Upanishad: Chân Ngã Bất tử, không thể biết được bằng Lý Trí mà bằng Trực Giác. Xác thân là xe tải Chân Ngã.

4. Prasna Upanishad: Đưa ra 6 câu hỏi về vũ trụ, về cá tính, về nhân bản con người. (căn cơ, gốc gác con người).

5. Mundaka Upanishad: Con người có 2 thứ biết: a. Cao (biết về Bản Thể). B. Thấp (biết về Hiện Tượng). Tu tâm quan trọng hơn tế lễ, công quả bên ngoài.

6. Mandukya Upanishad: Bốn bình diện, bốn trạng thái của một con người: a.Trạng thái thức; b.Trạng thái ngủ; c.Trạng thái ngủ không mơ; d.Trạng thái siêu việt (Turita).

7. Taittitya Up: Bàn về năm tầng lớp nơi con người:; a. Vỏ áo cơm (Food): Nhục thể, thô thân. (trạng thái thức); b. Vỏ khí (breath): Tế thân (Subtil body); c. Vỏ tâm tư (mind): hồn. Trạng thái ngủ mơ; d. Vỏ lý trí (intellect): Duyên thân, nhân thân; e. Vỏ Hạnh Phúc: Trạng thái ngủ không mơ. Vô minh (Avidya).

Sau 5 lớp vỏ áo đó, mới tới cốt lõi Atman, AUM.

8. Aitareya Up: Bàn về lai sinh.

9. Chandogya Up: Cho rằng Chân Ngã nơi con người, Atman là Chân Ngã Vũ Trụ Brahman. Atman=Brahman. (Con là cái đó; Con là Bản thể Vũ Trụ).

10. Brihah Aranyaka Up: Bàn về Chân Ngã Atman, siêu vi, phổ quát, duy nhất, bất phân.

11. Kaushitaki Up: Bàn về Luân Hồi và Giải thoát.

12. Svetasvara Up: Bàn về Tuyệt Đối Thể lồng trong vạn hữu và trong con người.

13. Maitri Up: Điều nguyện ước cao siêu nhất là ao ước Hiểu Biết Chân Ngã. Yoga là phương pháp đưa tới sự phối hợp với Chân Ngã.

 

IV. KẾT LUẬN:

 

1.  Chủ trương của Upanishads là Chân Ngã, là Bỉ Nhất (Brahman).

2.  Đưa ra 2 phương pháp đi tìm Chân Ngã. Phương pháp ngoại quan (Quan sát ngoại giới) và phương pháp nội quan (Quán chiếu nội giới).

3. Dùng phương pháp luận để hiểu về Brahman:

a) Phương pháp khẳng định (Affirmative Method): Brahman là mặt trời, là mặt trăng, là không gian, là trí, là khí, là thần chủ trì trong các hiện tượng thiên nhiên.

b) Phương pháp phủ định: (Negative Method): Neti, Neti, không phải vậy, không phải vậy.

c) Phương pháp mâu thuẫn (Paradoxical Method): Brahman vừa to, vừa nhỏ, vừa xa, vừa gần, vừa tĩnh, vừa động...

d) Phương pháp ngậm miệng, làm thinh: Lặng thinh, vì Brahman bất khả tư nghị.

4. Upanishads chủ trương vũ trụ cũng như con người, đều từ một Nguyên Thể phóng phát, sinh xuất ra.

Vạn hữu này đã từ Bất Tử xuất sinh,

Như tơ nhện nhả ra từ lòng nhện,

Như cây cối từ đất đai xuất hiện,

Như tóc lông từ thân xác trổ ra,

Như tia lửa, phát từ đám lửa chói loà.

Ngàn muôn tia, vẫn lửa hồng không chi khác.

Vạn hữu tuy ngàn muôn sai khác,

Đều từ lòng Bất Tử xuất sinh,

Rồi lại về đó khi hết giai trình biến hoá...

          Atman, Chân Ngã lúc nào cũng tiềm ẩn sẵn trong con người, chẳng khác nào như BƠ vẫn tiềm ẩn sẵn trong SỮA.

Đó chính là Chủ Trương Thiên Địa Vạn Vật Đồng Nhất Thể.

5. Con người có nhiều tầng lớp, nhưng cốt lõi vẫn là Chân Ngã Atman vô đối.

6.  Như vậy trong chúng ta, có 2 con người:

a) Con người hữu hạn, sinh tử, khổ đau.

b) Con người, vô hạn, bất biến, thường lạc. Và hai thứ hiểu biết:1 ) Huệ (Intuition), và 2) Trí (Intellect).

7. Upanishads dạy con người cố gắng tìm cho ra Chân Ngã, Chân Thể ấy. Thế là Trí Tri, là Cái Biết cùng Tột. Nó cũng dạy ta tu luyện để thực hiện Chân Thể ấy. (Yoga).

8. Upanishads coi nhẹ lễ nghi, hình thức, và tin có Luân Hồi, Nghiệp Báo.

9. Upanishads là tinh hoa của Veda. Và vì nó là phần sau chót trong bộ Veda, nên còn được gọi là Vedanta. (Vedanta sau này cũng còn là tiếng để chỉ môn phái triết học của Samkara, hay Nhất Nguyên Tuyệt Đối Luận.)

10. Upanishads như vậy chứa đựng một Mật Giáo.

Bộ thánh điển này là bí truyền không được truyền cho ai ngoài đệ tử, ngoài con cái, cũng không được truyền cho kẻ nào mà lòng chưa định tĩnh. Chính vì lý do đó mà Anquetil sau khi đọc xong bộ Upanishads đã thốt lên một  câu bất hủ như sau: “Ai biết Chúa, sẽ trở thành Chúa.”[8]

Schopenhauer, đại triết gia người Đức, sau khi đọc bản dịch của Anquetil Duperron  đã hết lời xưng tụng nghĩa lý uyên áo của thánh thư, Ông nói:

Hàng, hàng lời lẽ đều cao đẹp, câu câu tư tưởng rất cao siêu, toàn sách tràn ngập 1 tinh thần cao siêu, thánh thiện, đứng đắn...Trong cả thế giới này, không có cái học nào cao siêu hơn, lợi ích hơn là cái học Oupanikhat (trừ bản văn nguyên thuỷ ra). Oupanikhad là nguồn yên ủi tôi khi sống và là nguồn yên ủi tôi khi chết...”

Giáo Sư Deussen, giáo sư triết học Đại Học Kiel rất sung sướng vì đã khảo sát xong Upanishads và Vedanta. Ông thấy chúng rất lý thú. Trong 1 bài diễn văn tại Bombay Branch of The Royal Asiatic Society, trước khi từ giã Ấn Độ, ông nói: “Vedanta, nếu dịch cho đứng đắn, sẽ bảo vệ luân lý, sẽ yên ủi ta khi sống và khi chết. Dân Ấn hãy giữ lấy nó.”

          Như vậy, đi tìm bản chất của bản ngã cùng các quy luật của nó chính là nội dung mà bao thế hệ Veda đã và đang nỗ lực xây dựng nhằm hoàn thiện thiên chức thiêng liêng mà Đấng tối cao Brahman đã giáo phó. Và cũng từ những quan kiến về Bản ngã này mà toàn bộ hệ thống triết lý Bà-la-môn giáo được hoàn thiện từ Upanishads, nên có thể nói đó là đỉnh cao của trí tuệ.

 

 

 

SÁCH THAM KHẢO

 

1/ Mundaka Up. I, 1, 7.-Brihad-Upa. 2.1.20-The thirteen Principal Upanishads, Robert Ernest Hume, Second Edition Rivised, 1887

2/ Dasgupta Surendranath, A History of Indian Philosophy, London Cambridge University Press, Vol I, 1922

3/ Robert Ernest Hume, The Thrirteen Principal Upanishads. 1887

4/ Hoàng Sĩ Quí, Triết Sử Ấn Độ I, tr. 102-103.

5/ Hoàng Sấm Hoa, Ấn Độ Triết Học Sử Cương, Chân Thiện Mỹ xuất bản, 1966, tr. 17)

6/ Lê Xuân Khoa, Nhập môn triết học Ấn Độ, tr. 172.

7/ Chandradhar Sharma, PH.D, Triết Học Ấn Độ, NXBTpHCM. 2005.

8/ Heninrich Zimmer, Triết học Ấn Độ Một Cách Tiếp Cận Mới, NXBVHTT. 2006.

 

 

 

[1] Áo nghĩa thư (zh. 奧義書, sa. upaniṣad), “kinh điển với ý nghĩa uyên áo”, là một loại văn bản được xem là thuộc hệ thiên khải (sa. śruti), nghĩa là được “bề trên khai mở cho thấy” trong Ấn Độ giáo. Thánh kinh được xếp vào Phệ-đà của Ấn Độ giáo. Vì lý do này nên upaniṣad cũng được gọi là Phệ-đàn-đa (zh. 吠檀多, sa. vedānta), nghĩa là "phần kết thúc (anta) của Phệ-đà (veda)". Đây là một loại thánh điển rất quan trọng của Ấn Độ giáo với nội dung giải thích, diễn giảng các bộ Phệ-đà tính chất bí ẩn.

 

[2]  Sâm Lâm Thư  (zh. 森林書, sa. āraṇyaka), nghĩa là “các bài văn bí mật được tụng niệm trong rừng thâm”, và một số khác được gọi là Áo nghĩa thư.

[3] Tự ngã (Atman) không phải là lý trí, tình cảm và giác quan, nhưng Atman là nguồn cội của các sinh hoạt tinh thần ấy. Không có Atman, tất cả sinh hoạt tinh thần và thể chất đều chấm dứt. Nhưng ngay khi cả sinh hoạt tinh thần và thể chất chấm dứt thì Atman vẫn tồn tại bất diệt

 

[4] Luân hồi (zh. 輪迴, sa., pi. saṃsāra) Phạn ngữ là “lang thang, trôi nổi” theo ngữ căn sam-√sṛ, có khi được gọi là Hữu luân (zh. 有輪), vòng sinh tử, hoặc giản đơn là Sinh tử (zh. 生死). Thuật ngữ này chỉ những đời sống tiếp nối nhau, trạng thái bị luân chuyển của một loài Hữu tình khi chưa đạt giải thoát, chứng ngộ Niết-bàn

 

[5] Nghiệp (zh. 業, sa. karma, pi. kamma, ja. ), là thuật ngữ được dịch từ chữ karma tiếng Phạn. Karma được dịch ý là Nghiệp mang những ý sau:

1. Hành vi, hành động, hoạt động, cách cư xử, tư cách, bao gồm 3 hành vi thuộc ý, miệng, và thân;

2. Dấu tích, kết quả lưu lại từ 3 hành vi của nghiệp; năng lực vận hành tiềm tàng - nhân duyên tạo thành từ những hành vi mà cuối cùng sẽ tạo ra các kết quả khác;

3. Hành vi xấu ác, tai hại. mê muội;

4. Hạnh thanh tịnh (sa. anubhāva);

5. Nỗ lực, tinh tiến, phấn đấu (sa. vyāyama).

[6] 1. Aitareya (ṚV); 2. Bṛhadāraṇyaka (ŚYV); 3. Īṣa (ŚYV); 4. Taittirīya (KYV); 5. Kaṭha (KYV); 6. Chāndogya (SV); 7. Kena (SV); 8. Muṇḍaka (AV); 9. Māṇḍūkya (AV); 10. Praśna (AV)

[7] Lê-câu (ṚV), Sa-ma (SV), Bạch Dạ-nhu (ŚYV), Hắc dạ-nhu (KYV), A-thát-bà (AV)).

[8] Anquetil Duperron là người đầu tiên dịch Upanishad từ tiếng Ba Tư sang tiếng Latinh năm 1775, và cho xuất bản sách năm 1801-1802.

Source: DPNN

Các tin đã đăng: