Chẳng đến – chẳng đi
07/07/2010 03:49 (GMT+7)


Trước những luận đề triết học lớn nhất của con người như vũ trụ này do đâu mà có, thế giới hiện tượng này do những gì cấu tạo nên, quy luật vận động của nó là gì..., đạo Phật cho ta một số lý giải đáng chú ý. Thế nhưng, Đức Phật cũng như các vị thánh nhân Phật giáo xưa nay chưa bao giờ khuyên ta dùng đầu óc của tri thức và lý luận để đi tìm thực tính của thế giới. Các vị đó cho rằng, tự tính cua vạn pháp có thể liễu ngộ được, nhưng thông qua con đường của tu tập, của thiền quán, của sự thăng hoa ý thức. Đến một lúc nào đó, con người sẽ đạt một mức độ chuyển hóa của trí tuệ và tuệ giác sẽ nhận thức tự tính của thế giới một cách trực tiếp(1). Đức Phật là người thực chứng điều đó và Ngài được gọi là bậc “giác ngộ”.

Vì những lẽ đó, Đức Phật thường im lặng trước những câu hỏi về vũ trụ, về tự tính của thế giới hiện tượng. Thậm chí trong nhiều trường phái Phật giáo có quan niệm cho rằng càng giải thích, càng dùng đầu óc tri thức để hiểu thực tại thì con ngườt càng xa rời sự thật. Sự kiện này gây khó khăn cho chúng ta vì không phải ai cũng có thể (và muốn) tu tập thiền quán. Hơn nữa, chúng ta vẫn nghĩ rằng, khoa học phải là nhận thức chung của tất cả mọi người; còn thực chứng riêng của một số người thì nằm ngoài phạm vi của khoa học. Đây chính là cho cách ly truyền thống giữa đạo Phật và khoa học.

Thế nhưng, trong thời đại ngày nay, khi nền vật lý đã chạm tới cánh cửa cuối cùng của thế giới hiện tượng, đã tìm đến với những “hạt cơ bản” tưởng chừng không còn gì nhỏ hơn của vật chất, người ta lại trở về và đứng trước những tiền đề cơ bản nhất của nền vật lý. Những giả định đó quá cơ bản nên suốt 25 thế kỷ qua, người ta tưởng nó là sự thật. Những giả định đó là: thực tại vật lý là một thể khách quan tồn tại độc lập với con người, không bị ý thức con người ảnh hưởng, có tự tính riêng và quy luật riêng. Thêm một giả định nữa là, tuy thế con người vẫn tiếp cận được với thực tại đó, tìm hiểu và phát biểu những quy luật của thực tại đó bằng các phương pháp toán học.

Có thể nói, những giả định nói trên là những giả định siêu hình vì không ai chứng minh chúng được cả. Người ta tin như thế thôi. Và chúng thật là đáng tin, cũng như mỗi người chúng ta đều tin có một cái Tôi làm chủ thể cho mọi hành động suy tư và cảm giác của mình.

Vì lòng tin đó–nói một cách chính xác–mà vật lý cũng có một tính chất siêu hình hẳn hoi. Thế nhưng xưa nay người ta vẫn thấy vật lý thật là “khoa học” vì những kết quả của nó là có thể kiểm nhận chung được, nó không dành cho riêng ai cả, không đòi hỏi bất cứ ai phải tu tập và “thăng hoa” cả.

Đến thời đại của thế kỷ XX và sang thế kỷ XXI, tình hình đã bắt đầu khác. Một mặt con người đi vào những biên giới cực tiểu và cực đại của vũ trụ và phát hiện ra nhiều nghịch lý, chúng không thể được mô tả bằng ngôn ngữ thông thường(2),mặt khác con người thấy nhiều giả định truyền thống xem ra không thể đứng vững được nữa, nhất là về một thực tại hoàn toàn độc lập với ý thức con người. Nhiều lý thuyết được đề ra, trong đó có người cho rằng thực tại này chỉ là một dạng xuất hiện của một thực tại khác sâu sắc hơn. Hoặc nhiều quan niệm được nêu lên, xem mọi lý thuyết của con người chỉ là “công cụ” mô tả những gì mình cảm nhận, còn liệu chúng có phù hợp với thực tại hay không là một vấn đề khác Hoặc nhiều đề nghị xem thế giới là dạng của thực tại hiện lên theo “tầm ý thức” khi con người đang ngắm nhìn nó. Nói tóm lại, nội dung chính của vật lý hiện đại đã trở thành triết học, đã trở về với nền tảng siêu hình học nguyên thủy. Trong khung cảnh này, vật lý hiện đại bắt đầu lắng nghe đạo Phật nói lên quan điểm của mình về thế giới hiện tượng, về tự tính của sự vật.

Như ta đã biết, vị Phật lịch sử Đức Thích Ca Mâu Ni đã nói về thuyết Duyên khởi, về Vô thường và Vô ngã. Những luận đề đó là hết sức hữu ích cho nhà vật lý muốn tìm hiểu một thế giới quan khác về vũ trụ và con người. Thế nhưng lịch sử Phật giao còn liên tục sản sinh nhiều nhà luận giải và nhiều trường phái triết học khác. Thành tựu của các vị đó làm tòa nhà triết học Phật giáo ngày càng đồ sộ và phong phú. Tiểu luận này sẽ không thể trình bày đầy đủ cac hệ tư tưởng đó, dù chỉ một cách sơ lược. Nó chỉ đề cập tới vài tư tuởng được xem là phù hợp với nội dung của tiểu luận, đó là tư tưởng Trung quán và Duy thức.

Khoảng 700 năm sau Đức Thích Ca Mâu Ni, một vị luận sư ra đời tại Ấn Độ, mang tên Long Thụ. Ông được xem là người chịu lý luận nhất trong lịch sử Phật giáo.

Long Thụ là người đầu tiên nêu lên khái niệm “tự tính”(3). Theo ông, một vật có tự tính hay “tồn tại trên cơ sở tự tính” khi nó tồn tại độc lập, không nương nhờ bất cứ một điều kiện nào khác. Một vật như thế mới được gọi là “thực có”. Một vật có tự tính thì nó không được sinh ra từ vật khác, nó cũng chẳng hoại diệt, vì nếu một trong hai trường hợp đó xảy ra thì nó đã phụ thuộc vào một điều kiện khác rồi. Một vật như thế thì có sẵn, tồn tại vĩnh viễn và không bao giờ hoại diệt.

Theo Long Thụ, thế giới hiện tượng thì không như thế, vì nó được sinh thanh, nó bị hoại diệt. Thế nên ta phải kết luận là thế giới hiện tượng không có tự tính, không tồn tại trên cơ sở tự tính, nó không “thực có” theo định nghĩa “thực có” của Long Thụ. Theo Long Thụ, thế giới “có” nhưng không “thực có”. Tương tự như người đau mắt, nhìn trong không trung thấy có hình ảnh, màu sắc. Hình ảnh màu sắc là “có” nhưng không “thực có”. Bởi thế không thể nói thế giới là có, cũng không thể nói thế giới là “không có”. Cả hai khái niệm “có” và “không” đều là hai cực biên. Tự tính của hiện tượng là “không có tự tính”, sự trống rỗng đó được gọi là “Không”(4). Cho nên ta cũng có thể nói “Không” là tự tính của mọi hiện tượng. LongThụ noi: “Chưa từng có một pháp nào mà không từ nhân duyên sinh. Thế nên hết thảy pháp, không pháp nào mà chẳng là không”.(5)

Nói “hiện tượng không có tự tính” hay “tự tính của mọi hiện tượng là Không” là một cách nói, nhưng đó là cách nói thụ động. Nói một cách tích cực là, chính nhờ mọi sự không có tự tính mà chúng có sinh thành, có vận động, có hoại diệt, chúng tuân thủ luật Duyên khởi(6). Chính nhờ mọi sự là Không mới có tu tập, có thăng hoa, có chuyển hóa, có đạt đạo, có thành Phật. Do mọi sự là Không nên mới có thế giới thiên hình vạn trạng. Từ trong Không lưu xuất mọi hiện tượng nhưng mọi thứ đó lại không thật có. “Có” nhưng không “thực có”, đó là nghĩa trung đạo, là tư tưởng cơ bản của Trung quán luận.

Bởi thế trong đạo Phật có hai loại “thực tại”, một là thực tại tương đối hay thực tại quy ước(7), hai là thực tại tuyệt đối(8). Trong bình diện của thực tại tương đối thì mọi sự đều được xem là tồn tại, là có thực, chúng có qui luật vận động của chúng. Chính trong bình diện này vũ trụ hiện lên như một thể thực tại thiên hình vạn trạng dựa trên tính chất giả danh, phi tự tính của nó. Đó chính là thế giới hiện tượng của chúng ta, của các nhà vật lý. Cũng trong bình diện này có sự vận động tâm linh, có giác ngộ, có đắc đạo, có Phật, Pháp, Tăng.

Còn bình diện của thực tại tuyệt đối thì như thế nào? Đây là câu hỏi xưa nay của nhiều nhà tầm đạo. Phải chăng lúc hiện tượng không còn tồn tại, lúc hình ảnh và màu sắc trong không gian đã biến mất thì thế giới sẽ là một cõi hư vô? Lại nữa, lúc mà cả Sinh Tử và Niết bàn cũng không còn thì còn gì lạc thú? Đối với câu hỏi này, Đức Phật cũng như các vị thiền sư đều im lặng.

Long Thụ thì chịu giảng giải hơn, ông cho rằng Sinh Tử và Niết bàn không hề khác nhau, thế giới hiện tượng và thế giới tuyệt đối là một, Sắc chính là Không, Không chính là Sắc(9). Đối với Long Thụ, hành giả–con người tu học–cốt đừng để bị mê hoặc bởi cái muôn hình muôn vẻ của thế giới hiện tượng, đừng rong ruổi chạy theo nó, như thế con người sẽ tới với sự “lặng yên”, thì cái Tôi diệt, ái diệt, Thủ diệt và Vô minh diệt. Quá trình giải thoát sẽ hình thành và tới một lúc nhất định, hành giả tự trực nhận thực tại tuyệt đối không thể nghĩ bàn(10). Đây là sự thực chứng–đặc trưng của Phật giáo–chỉ dành cho những người chịu tu tập, không dành cho đầu óc lý luận suông(11).

Trong phạm vi của tập sách này, chúng ta sẽ chỉ dừng lại trên bình diện của thực tại tương đối. Bình diện này chính là toàn bộ thế giới tâm lý và vật lý của loài người và tất cả các loài “hữu tình”(12) khác. Nơi đây ta cần chú ý đến một khái niệm quan trọng của đạo Phật, khái niệm “pháp”Trong Phật giáo, “pháp” có nhiều nghĩa mà một trong những nghĩa là “tất cả những gì có đặc tính riêng–không khiến ta lầm với cái khác–có khuôn khổ riêng để phát sinh trong ta một khái niệm về nó(13). Thế nên Pháp chỉ mọi hiện tượng thuộc tâm lý hay vật lý, bao gồm mọi dạng xuất hiện thuộc thế giới khách quan, bên ngoài, hay chủ quan bên trong nếu ta muốn sử dụng từ ngữ của triết học phương Tây. Pháp bao gồm cả những điều không có thật, thí dụ “lông rùa, sừng thỏ”, những khái niệm chỉ cái không hiện hữu; hay “người mẹ chưa bao giờ sinh con”(14), những khái niệm nói lên tính mâu thuẫn nội tại.

Đạo Phật thống nhất mọi khái niệm thuộc tâm, thuộc vật trong một khái niệm chung là Pháp và đa số kết luận của triết lý Phật giáo đều nói chung về Pháp. Thí dụ khi Long Thụ nói “thế nên hết thảy pháp, không pháp nào mà chẳng là không”, ta cần hiểu điều này có giá trị chung cho tat cả mọi hiện tượng tâm vật(15). Sự đại thống nhất tâm vật này trong Phật giáo là vô cùng quan trọng, khác hẳn với sự phân chia tâm-vật trong triết học phương Tây và vì thế nơi đây cần mở một dấu ngoặc để nói, trong đạo Phật không hề có khái niệm duy tâm, duy vật theo cách hiểu của phương Tây.

Vì lẽ đó , những nhận thức của Phật giáo về “các pháp” có giá trị cho thực tại vật lý lẫn thế giới tâm lý. Nội dung tiểu luận này chủ yếu tập trung lý giải thực tại vật lý, thế thì nó rút được những kết luận gì từ Trung Quán Luận của Long Thụ?

Như ta đã biết, xuất phát trên thuyết Duyên khởi của Đức Phật Thích Ca mà Long Thụ luận giải lý Trung quán. Thuyết Duyên khởi nêu rõ mọi sự dựa trên nhau mà sinh diệt. Thuyết Duyên khởi bác bỏ một thực tại tồn tại độc lập, tự nó. Thuyết này cũng nói đến những dạng tâm lý của con người nhưng không có một chủ thể sở hữu nhưng dạng tâm lý đó. Đức Phật đã mở đường cho Trung quán luận bằng thuyết Duyên khởi, thuyết vô ngã. Ngài cũng là người đầu tiên chủ trương tránh hai biên kiến nói về thế giới “có” hay “không” với câu: “Chấp có là một biên kiến, chấp không là một biên kiến khác. Như Lai lìa hai biên kiến đó mà thuyết pháp một cách trung đạo”(16).

Long Thụ nói rõ hơn, mọi pháp không có tự tính, chỉ tồn tại một cách giả danh. Như ta đã biết, tính giả danh xuất phát từ hai lý do, hoặc là nó do một tập hợp tạo thành, hoặc là vì nó nằm trong một thể tương quan. Chiếc xe gồm nhiều bộ phận là một tập hợp giả danh(17). Bà mẹ sinh ra đứa con nhưng đứa con cũng “sinh ra” bà mẹ. Bà mẹ và đứa con nằm trong một mối tương quan, nếu không sinh con thì không ai gọi người phụ nữ đó là bà mẹ. Hai người bạn giao thiệp với nhau nhưng nếu một người bán cho người kia một cái gì thì lập tức xuất hiện một “người mua” và một “người bán”. Nếu dự định mua bán không thành thì lập tức người mua và người bán biến mất, dĩ nhiên hai người bạn đó vẫn còn.

Mọi pháp, mọi hiện tượng, mọi vật trong thực tại đều là giả danh. Long Thụ nói như sau về mọi pháp đó: “Chẳng sinh cũng chẳng diệt, Chẳng thường cũng chẳng đoạn, Chẳng một cũng chẳng khác, Chẳng đến cũng chẳng đi(18)”. Đó là bốn câu kệ “bát bất” (tám không) nổi tiếng của Long Thụ trong chương “Quán về nhân duyên” của Trung luận. Có nhiều cách hiểu bốn câu kệ này, trong đó có cách hiểu rằng, thực tính của các pháp là Không mà Không thì phi tính chất, hoàn toàn đứng trên mọi đối lập nhị nguyên. Ở đây ta có thể hiểu một cách khác và vận dụng chúng vào thực tại vật lý để hiểu nội dung cụ thể của chúng.

Hãy lấy ẩn dụ chiếc xe. Các bộ phận của chiếc xe khi nằm rải rác vô trật tự thì chiếc xe chưa có. Khi chúng được lắp đat lại với nhau thì “chiếc xe” xuất hiện. Chiếc xe đến từ đâu? Ta phải nói là chiếc xe chẳng đến từ đâu cả. Nó không có tự tính, nó là một giả hợp nên không thể nói nó đến từ đâu. Nếu người thợ tháo gỡ chiếc xe ra, giả hợp đó không còn là chiếc xe nữa, chiếc xe đi về đâu? Chiếc xe chẳng đi về đâu cả Chiếc xe chẳng đến cũng chẳng đi.

Khi việc mua bán không thành, người bán người mua đi về đâu? Chẳng đi về đâu cả, hai giả danh đó không còn nữa, không có một vật liệu, một cá nhân nào bị “diệt” cả. Củi tàn thì lửa tắt, lửa không đến từ đâu, chẳng đi về đâu. Một đội đá bóng cùng nhau tranh tài trên sân cỏ thì có đội bóng, sau tiếng còi tan cuộc thì “đội bóng” không có, chỉ còn những cầu thủ đơn lẻ không thể hỏi đội bóng đi về đâu. Tương tự như thế, từ câu kệ “Chẳng đến cũng chẳng đi”, ta có thể suy ra ý nghĩa của các câu còn lại.

Nhiều thắc mắc xuất phát từ chỗ một bên Đức Phật nói mọi pháp “có sinh có diệt”, bên kia Trung Quán lại nói “chẳng sinh chẳng diệt”, không phải là mâu thuẫn ư? Lại lấy thí dụ chiếc xe: khi các bộ phận được ráp đầy đủ thì chiếc xe được sinh ra, nhưng chỉ là một giả danh, không có một chiếc xe thực. “Có sinh có diệt” là có một giả danh sinh ra, có một giả danh hoại diệt. Trung quán nói “chẳng sinh chẳng diệt” vì thực tế không có một chiếc xe đích thực nào được sinh ra, một chiếc xe đích thực nào bị hủy hoại. Sinh và Diệt cũng như Đến và Đi, Sinh không từ đâu lại, Diệt không đi về đâu(19).

Thế nên, trong cách nhìn của Trung quán thì mọi pháp, mọi sự vật là một sự trình hiện. Trong quan niệm “trình hiện” này thì điều đáng nhớ là trình hiện cho một chủ thể, không có chủ thể thì không có trình hiện, cũng như không có người mơ thì không có giấc mơ. Trong vũ trụ mọi sự vật, mọi pháp không có tính chất riêng tư, chúng không đến không đi, chúng không thật có sinh có diệt… chúng chỉ xuất hiện như thế trong tương quan với mọi sự xung quanh và với người đang ngắm nhìn chúng.

Còn chủ thể con người, khi sinh ra đã tưởng vũ trụ, the giới và mọi vật là có sẵn, có tự tính, tồn tại độc lập. Đó là một sự nhầm lẫn của tri thức. Và sự nhầm lẫn tai hại nhất là chính mình cũng chỉ là một giả hợp của các yếu tố tâm lý và thể chất, nhưng lại tưởng là một cái Tôi riêng biệt nằm sau chúng và điều khiển chúng.

Trong vật lý hiện đại thì “hạt” là một pháp. Do đó hạt là một sự trình hiện khi ta nhìn nó và thấy nó có tính chất của hạt, như khi ta thấy một vật bằng gỗ để ngồi và gọi nó là “cái ghế”. Cho nên, theo Trung quán, ta không thể đặt câu hỏi, nếu ta không quan sát hạt thì hạt ở đâu. Vì hạt chỉ có trong mối tương quan với quan sát viên, nên khi không ai quan sát hạt cả thì không có hạt. Khi chưa ai mở lồng xem con mèo của Schrodinger sống chết thế nào thì không có con mèo đối với ai cả(20). Cũng như khi không ai mua bán cả thì không có người bán lẫn nguời mua.

Hãy nhớ lại vài phát biểu của những nhà vật lý trong ngành cơ học lượng tử. Heisenberg từng nói “nguyên tử không phải là một vật”. Ở đây ông đã thừa nhận nguyên tử không có chất liệu, và như thể là đã từ bỏ quan niệm “chất liệu” truyền thống của ngành vật lý khi nghĩ về thực tại vật lý. Trong quá trình quan sát hạt, khi phải làm “sụp đổ” phương trình sóng để xác định vị trí hay xung lượng của hạt, nhiều nhà vật lý băn khoăn, thế thì khi ta không quan sát hạt thì hạt ở đâu. Heisenberg cho rằng câu hỏi đó là “vô nghĩa”; và ông đã có một quan niệm rất gần với của thuyết Trung quán về các pháp.
R.J. Oppenheimer(21), nhà vật lý xuất sắc người Mỹ, từng viết về hạt electron: “Thí dụ khi ta hoi, liệu electron vẫn giữ nguyên vị trí hay không, ta phải trả lởi “không”; khi ta hỏi, liệu vị trí electron có thay đổi theo thời gian không, ta phải trả lời “không”; khi ta hỏi liệu electron nằm yên, ta phải trả lời “không”; khi ta hỏi liệu nó đang vận động, ta phải trả lời “không”. Đó là “bốn không” của Oppenheimer, mới nghe rất giống “tám không” của Long Thụ. Oppenheimer nói thế vì mỗi lần con người quan sát electron, ta lại thấy hạt, nhưng không thể biết trước đó nó ở đâu và sau đó nó ở đâu và chỉ có thể cho nó một tính chất xác suất. Nếu Long Thụ còn sống, ông sẽ nói, trước đó và sau đó làm gì có electron mà định nghĩa ở đâu. Không có electron vì không có người quan sát nó, nó chỉ có trong tương quan với người quan sát.

Những gì có giá trị cho electron cũng có giá trị cho mọi “pháp”, mọi vật trong thế giới thực tại, từ cực vi đến cực đại. Phải chăng thế giới mà ta đang thay chỉ là sự trình hiện đối với chúng ta. “Cái gì” đang diễn ra cho chúng ta thấy? Và cuối cùng, chúng ta là ai? Nơi đây, câu hỏi của nhà vật lý chính là câu hỏi về “bản lai diện mục” của Thiền tông Phật giáo./.

Nguyễn Tường Bách

Chú thích:

(1) Điều này làm ta nhớ đến “trực giác trí tuệ” của I. Kant.

(2) W. Pauli: “Nhà vật lý thực nghiệm phải nói về những thí nghiệm của mình và vì thế mà anh ta bị buộc phải sử dụng những khái niệm của vật lý cổ điển, mac dù anh thấy quá rõ rằng những khái niệm đó chỉ cho những mô tả không phù hợp về thiên nhiên. Đó là một vấn nạn căn bản và là một điều mà anh không thể chối từ”, xem Werner Heisenberg, Physics and Beyond. (New York: Harper&Row Publishers, 1971. Nơi đây ta nhớ đến Thiền sư người Nhật D.T.Suzuki, ông viết trong On Indian Mahayana Buddhism, New York: Harper&Row, 1968, “Cái nghịch lý, khó hiểu đối với phép tư duy thông thường, xuất phát từ thực tế là chúng ta phải sử dụng ngôn ngữ để trao đổi về những kinh nghiệm nội tại mà tự tính của chúng thì siêu việt ngôn từ).

(3) Tiếng Sanskrit: Svabhavah. Theo Long Thụ, tự tính là “cái không do tạo tác, không phải đợi có các pháp khác mới thành”. Long Thụ Trung Luận (Madhyamaka-sastra), phẩm thứ 15, bản dịch của Thích Thiện Siêu. Nhà Xuất bản TP. Hồ Chí Minh, 2001.

(4)Tiếng Sanskrit: Sunyata.

(5) Long Thụ Trung Luận (Madhya-maka-sastra), phẩm thứ 24.

(6) Long Thụ: “Nếu hết thảy các pháp chẳng không thời không có sinh diệt”, sách đã dẫn.

(7) Tiếng Sanskrit: Samvrtisatyam, cũng gọi “Thế tục đế”. Ta sẽ còn đề cập
nhiều đến “thực tại tương đối”. Xin đừng nhầm từ “tương đối” này với “tương đối” trong thuyết Tương đối của Einstein.

(8) Tiếng Sanskrit: Paramar-thasatyam, cũng gọi “Đệ nhất nghĩa đế”. Long Thụ: “Vì chúng sinh, chư Phật nương theo hai đế để thuyết pháp: 1. Thế tục đế. 2. Đệ nhất nghĩa đế. Nếu người đối với hai đế mà không biết, không phân biệt, thì không biết được nghĩa chơn thật của Phật pháp sâu xa”. Trung luận, phẩm thứ 24.

(9) Trích Bát nhã Tâm kinh.

(10) “Bất khả tư nghì”, từ thường gặp trong kinh luận Phật giáo, chỉ sự thực nằm ngoài phạm vi của lý luận. Ở đây ta nhớ đến tác phẩm nổi tiếng của I.Kant Phê phán lý tính thuần túy với quan niệm cho rằng con người không thể nắm bắt tự tính của sự vật bằng lý tính. Nhan đề của tác phẩm này có lẽ chính là “Bất khả tư nghì”.

(11) Long Thụ: “Thật tướng của các pháp thì tuyệt dứt đường ngôn ngữ và tâm duyên”. Trung luận, phẩm thứ 18.

(12) Tiếng Sanskrit: Sattva, khái niệm quan trọng của đạo Phật. “Hữu tình” chỉ tất cả sinh vật có tình, có thức, tức là tất cả sinh vật sống trong “ba cõi”, trong quan niệm vũ trụ của đạo Phật. Loài người nằm trong cõi Dục giới của ba cõi đó.

(13) Theo Phật học đại từ điển của Đinh Phúc Bảo.

(14) Vì phải một lần sinh con rồi mới được gọi là “người mẹ”.

(15) Có khi “Pháp” được gọi là “Pháp hữu vi”. Thí dụ câu trong kinh Kim Cương “Tất cả pháp hữu vi / Như mộng, ảo, bóng, ảnh”.

(16) Trích Kinh Chánh Kiến, Đức Phật thảo luận với Ca Chiên Diên, Thích Nhật Từ biên soạn.

(17) Pabongka Rinpoche: “Mọi sự vật đang tồn tại là sản phẩm của một cái được gán cho một cái tên và của một cái đang cho cái kia một cái tên. Không hề có một nguyên tử nào của một vật nào trong vũ trụ mà không tuân thủ quy luật này–không có vật gì tồn tại tự nó cả”, xem Tsongkapa, The Principle Teachings of Buddhism, New York: Mahayana Sutra and Tantra Press, 1988. Trong ý nghĩa này, ta nhớ câu nói của Max Planck: “Mỗi sự đo lường có một nội dung vật lý trước hết là nhờ cái ý nghĩa mà một lý thuyết gán cho nó”. Xem Where is Science going?, Woodbridge, CT: Ox Bow Press, 1981.

(18) Trung luận, phẩm thứ nhất.

(19) Hán Việt: Sinh vô sở tùng lai, Diệt vô sở tùng khứ. Theo thuật ngữ đạo Phật thì “có sinh có diệt” là “tướng” của các pháp, “chẳng sinh chẳng diệt” là “tánh” của các pháp. Về mối tương quan này, Thích Thiện Siêu viết trong Trung luận, trang 21: “Phật dạy pháp do nhân duyên sinh là cốt chỉ rõ các pháp không có thực thể không có thật ngã độc lập ngoài các duyên, chứ không phải do nhân duyên sinh ra cái gì khác với nó, nằm riêng ngoài nó, mà nó chỉ hiện có giả tạm trên các duyên, nên nói do duyên sinh mà kỳ thật không sinh ra cái gì thật có độc lập. Nếu do duyên sinh ra cái gì độc lập thì đó là hữu ngã, chứ không phải là duyên sinh vô ngã”. Cụm từ “hiện có giả tạm trên các duyên” là quan trọng nhất trong đoạn văn này, nội dung của nó chính là sự “trình hiện” mà ta đã nói đến từ đầu trong cuốn sách này.

(20) Giả định trong lồng có một con chuột thì dĩ nhiên có một con mèo đối với con chuột, nhưng lúc đó con mèo là thần chết chứ không phải là con mèo đáng thương của chúng ta.

(21) J.Robert Oppenheimer (1904-1967), Science and The Common Undersranding, New York, Simon and Schuster, 1954.

(Trích theo Lưới trời ai dệt của Nguyễn Tường Bách đăng trong NS Giác Ngộ số 99, 06-2004 WP; Mỹ Hồ

Các tin đã đăng: