Mười Tôn Phái Phật Giáo Ở Trung Hoa: THIỀN TÔN - Phần 2
15/05/2010 03:44 (GMT+7)

Hệ Thống Truyền Thừa Của các Tổ Trong Phái Thiền Tông Tại Ấn Ðộ   

1.-Ngài Ma Ha Ca Diếp, Sơ-tổ của Thiền-tôn ở Ấn Ðộ:

Trong kinh Phạm thiên vấn Phật quyết nghi và trong bộ "Thích nghi kê cổ "quyển nhất, có chép đại khái như sau: khi Phật ở hội Linh Sơn, có ông Ðại Phạm Thiên Vương, đem hoa sen dâng cúng Phật. Phật cầm cành hoa sen lên để khai thị cho đại chúng (thiền cơ). Toàn thể chúng hội đều yên lặng, không ai hiểu thâm ý của Phật như thế nào. Duy có Ngài Ma Ha Ca Diếp là tỏ ngộ được thiền cơ của Phật, nên đổi sắc mặt vui vẻ, chúm chím mỉm cười (phá nhan vi tiếu). Ðức Phật nhận thấy, liền ấn chứng (chứng nhận) cho Ngài Ca-Diếp được đắc truyền và làm tổ thứ nhất (Sơ tổ ở Ấn Ðộ). Phật tuyen bố như sau:  

Nguyên văn:  

Ngô hữu chánh pháp nhãn tạng   
Niết bàn diệu tâm, thật tướng vô tướng,  
Vi diệu pháp môn, kim phú Ma Ha Ca Diếp  

Dịch nghĩa:  

Ta có"chánh pháp nhãn tạng", cũng gọi là “Niết bàn diệu tâm", cũng gọi là “thật tướng vô tướng", cũng gọi là "Vi diệu pháp môn", nay ta truyền cho ông Ma Ha Ca Diếp.  
Sau đó, Phật truyền y bát và nói bài kệ truyền pháp như sau:   

Nguyên văn:  

Pháp pháp bổn vô pháp   
Vô pháp pháp, diệc pháp   
Kim phú vô pháp thời   
Pháp pháp hà tằng pháp.  

Dịch nghĩa:  

Các pháp vốn không pháp  
Không pháp cũng là pháp   
Nay truyền cái vô pháp (vô tướng)   
Vô pháp nào có pháp.  

Ðây là nguồn gốc phát khởi Thiền tôn, lấy tâm truyền tâm (dĩ tâm ấn tâm) không dùng kinh giáo và phương tiện.  

2.- Ngài A-Nan, Tổ thứ hai của Thiền tôn ở Ấn Ðộ:  

Một hôm Ngài A-Nan hỏi tổ Ca-Diếp:  

- Ngoài việc truyền y bát, đức Thích tôn còn truyền pháp gì riêng cho Ngài nữa không?  

Tổ Ca-Diếp gọi to:  

- A-Nan !  

Ngài A-Nan: Dạ !  

Tổdạy tiếp:  

- Cây sào phướn trước của chùa ngã !  

Ngài A-Nan liền tỏ ngộ Thiền cơ, nên được tổ Ca-Diếp truyền y bát và ấn chứng cho làm vị tổ thứ hai. (xem Phật học từ điển, trang 1638 về mục "Ca-Diếp can sát").  

Từ Ngài A-Nan trở về sau, có thêm 26 vị Tổ về Thiền tôn nữa. Cộng cả Ngài Ca-Diếp và Ngài A-Nan, ở Ấn Ðộ có cả thảy là 28 vị Tổ, thứ lớp tuần tự như sau:  

1. Tổ Ma Ha Ca Diếp  
2. Tổ A-Nan  
3. Tổ Thương-Na Hòa-Thứ  
4. Tổ Ưu-Ba Cúc Ða  
5. Tổ Ðề-Ða-Ca  
6. Tổ Di Giá Ca  
7. Tổ Bà Tu Mật  
8 Tổ Phật Ðà Nan Ðề  
9 Tổ Phục Ðà Mật Ða  
10 Tổ Hiếp Tôn Giả  
11 Tổ Phú Na Giạ Xa  
12 Tổ Mã Minh  
13 Tổ Ca Tỳ Ma La  
14 Tổ Long Thọ  
15 Tổ Ca Na Ðề Bà  
16 Tổ La Hầu La Ða  
17 Tổ Tăng Già Nan Ðề  
18 Tổ Già Ða Xá Ða  
19 Tổ Cưu Ma La Ða  
20 Tổ Xà Giạ Ða  
21 Tổ Bà Tu Bàn Ðầu  
22 Tổ Ma Noa La  
23 Tổ Hạc Lặc Na  
24 Tổ Sư Tử  
25 Tổ Bà Xá Tư Ða  
26 Tổ Bát Như Mật Ða  
27 Tổ Bát Nhã Ða La  
28 Tổ Bồ Ðề Ðạt Ma.  

(Theo truyện Phú Pháp Tạng Nhơn duyên)  

Hai mươi tám vị tổ này được làm rực rỡ cho Phật Giáo ở Ấn Ðộ, chứ không cho riêng gì Thiền Tôn. Phật Giáo sau này được lan rộng trên toàn cầu, một phần lớn do công đức của 28 vị Tổ này. Ngày nay khi nhắc đến những tên như Ma Ha Ca Diếp, A Nan, Hiếp Tôn Giả, Mã Minh, Long Thọ, không một Phật tử nào là không biết đến. Và sự kiện này chứng tỏ rằng phần lớn các vị Tổ có tiếng tăm đều ở trong Phật Thiền Tôn. sự nhận xét này không những được chứng minh ở Ấn Ðộ, mà cả đến Trung Hoa, Nhật-Bản và đến Việt-Nam nữa.   

Sự Truyền Thừa Thiền Tông Ở Trung Hoa  

1.- Ngài Bồ Ðề Ðạt Ma, sơ Tổ của Thiền Tôn ở Trung Hoa.

Sau khi Ngài Bát Nhã Ða La, vị Tổ 27 của Thiền Tôn ở Ấn-Ðộ, ấn chứng cho làm tổ thứ 28, Ngài Bồ Ðề Ðạt Ma ở lại Ấn Ðộ ít lâu, rồi vâng lời phú chúc của sư phụ, Ngài sanh Trung Hoa truyền đạo.  

Ngài sang Trung Hoa nhằm vào đời vua Lương Võ Ðế (528 dl.) trị vì, Ngài đến yết kiến vua và hy vọng rằng vua sẽ giúp một tay đắc lực trong việc truyền bá Phật Giáo ở Trung Hoa. Nhưng nhận thấy căn cơ của vua còn thấp thỏi và tín ngưỡng của vua chỉ có tánh cách hình thức bề ngoài, nên tổ Ðạt Ma giã từ vua đến tu tại chùa Thiếu Lâm, ở Trung Sơn (đất Ngụy). Ngài ngồi xoay  mặt vào tường, tham thiền nhập định trong chín năm, đợi thời cơ thuận tiện để truyền đạo ( xem quyển tổ Ðạt Ma, do Hương Ðạo xuất bản). Chính lối tham thiền này mà đời sau có tên là ''Ðạt Ma tổ sư thiền ''. Trong thời gian chín năm, Ngài tham thiền ở Thiếu Lâm, có nhiều vị tu sĩ nghe danh Ngài , đến cầu đạo, nhưng Ngài không tiếp một ai. Ðó cũng là một phương pháp dò xét căn cơ, tâm tánh của những người đến cầu đạo có thiết tha với đạo hay không. Trong số những người đến cầu đạo này, chỉ có một vị tỏ ra vô cùng kiên nhẫn nhiệt thành, dám hy sinh tất cả vì đạo. Ðó là Ngài Thần Quang mà sau này được tổ Ðạt Ma ấn chứng cho làm tổ thứ hai của Thiền Tôn ở Trung Hoa, và đổi pháp hiệu là Huệ Khả.  

Để làm kim chỉ nam cho người tu thiền đời sau, tổ Ðề Ðạt Ma còn truyền lạ bộ kinh Lăng Già gồm 4 quyển, rất có giá trị.  

2.- Ngài Huệ Khả (Thần Quang) vị tổ Thiền Tôn thứ hai ở Trung Hoa.  

Ngài Thần Quang, nghe danh tổ Ðạt Ma đến cầu đạo. Nhưng tổ không tiếp.Ngài Thần Quang quỳ đợi luôn mấy năm năm ở ngoài hiên chùa; nhưng tổ cũng không đoái hoài đến. Cuối cùng, để tỏ lòng chí thành tột mức của mình, dám xả thân cầu đạo, Ngài Thần quang đã chặt đứt cánh tay của mình. Lúc bấy giờ tổ Ðạt Ma mới xoay lại hỏi:  

- Ông đến đây cầu gì?  

Ngài đáp:  

- Con cầu pháp an tâm.  

Tổ bảo:  

- Ông đem tâm đến đây để ta an cho.  

Ngài thưa:  

- Con tìm tâm không được.  

Tổ dạy:

- Ta đã an tâm cho ông rồi đó !  

Ngài liền ngộ đạo. Tổ Ðạt Ma nói bài kệ sau đây, trong khi truyền pháp cho Ngài Huệ Khả:  

Nguyên văn:  

Ngô bổn lai tự độ  
Truyền pháp độ mê tình  
Nhất hoa khai ngũ diệp   
Kết quả tự nhiên thành.  

Dịch nghĩa:  

Ta đến nước Trung Hoa  
Truyền pháp độ kẻ mê  
Một bông trổ năm cánh  
Kết quả tự nhiên thành.  

3.- Ngài Tăng Xán, vị tổ thứ ba của Thiền ở Trung Hoa.  

Ngài Huệ Khả, sau một thời gian hành đạo, lại ấn chứng cho Ngài Tăng xán làm vị Tổ thú ba của Thiền Tôn ở Trung Hoa.  

4.- Ngài Ðạo Tín, vị tổ thứ tư của Thiền tổ ở Trung Hoa.  

Tổ Tăng Xán truyền pháp cho Ngài Ðạo Tín là vị tổ thứ tư. Từ Tổ Đạo tín, sự truyền pháp lại chia ra làm hai dòng, do hai ngài sau đây cầm đầu.

a)  Ngài Hoằng Nhẫn ở núi Ðông Sơn, huyện Hùynh Mai.  

b)  Ngài Pháp Dung ở non Ngưu Ðầu, cũng gọi là "Ngưu Ðầu Thiền".  

5.- Ngài Hoằng Nhẫn,vị tổ thứ năm của Thiền tôn ở Trung Hoa.   

Chữ Hoằng Nhẫn có nghĩa là kiên nhẫn tột độ, chịu đựng lâu dài. Hai chữ này có thể tóm tắt cho cả một câu chuyện truyền pháp, bao hàm nhiều tính chất nhẫn nhục sau đây:  

Một hôm Ngài Ðạo Tín, vị tổ thứ tư Thiền tôn,thấy một ông già đến cầu đạo, căn tánh thông lợi,có thể được truyền thọ đạo pháp. Nhưng vì tuổi ông đã già, chẳng còn sống được lâu nên Tứ tổ dạy:  

-  Ta đã già, ông đã già ! Nếu truyền pháp cho ông ít ngày ta chết, rồi ông cũng chết, thì ai ở lại mà truyền đạo? Vậy nếu ông có thể đi đổi xác, ta sẽ truyền đạo cho ! Ông già thưa:  

-  Nếu con đi đổi xác chưa xong, mà lỡ Tổ đã tịch trước, thì làm sao truyền đạo cho con được?  

Ðức Tứ tổ dạy:  

-  Ta sẽ ở nán lại cõi đời để chờ ông.  

Vâng lời tổ dạy, ông giá đi vòng theo dòng suối, thấy một cô gái ngồi giặt bên bờ. Ông già hỏi:  
Cô cho tôi ngủ nhờ một đêm, có được không?  

Cô gái thưa:  

-  Ông hãy hỏi cha mẹ cháu.  

Ông già nói tiếp:  

-  Nếu cô bằng lòng thì tôi hỏi sau.  

Cô gái trả lời:  

-  Dạ bằng lòng  

Ðược lời, ông già đi khuất vào rừng rồi bỏ xác.  

Còn cô giá kia, không có chồng mà từ dó trở nên có mang. Bị cha mẹ đánh đuổi, cô gái phải bỏ nhà đi ăn xin vất vã, nhẫn chịu không biết bao nhiêu điều khổ nhục. Sau khi sanh được đứa bé được vài tuổi, cô bồng nó vào chùa. Ðứa bé vừa trông thấy Tứ tổ, mừng rỡ mở miệng cười. Tổ nói:  

- Ta đang trông đợi ngươi đây !  

Tổ xin đứa bé để nuôi và đặt tên là Hoằng Nhẫn. Ngài đặt tên ấy là có ý rằng: Tổ đã nhẫn đợi, chưa chết để chờ truyền đạo, và bà mẹ đã chịu bao sự nhục nhã, oan ức, khổ sở để sanh đứa bé.  

Tổ Ðạo Tín nuôi đứa bé cho đến khi khôn lớn rồi truyền pháp cho. Ngài Hoằng Nhẫn tức là vị tổ thứ năm của Thiền Tôn. Sau khi truyền đạo xong, tứ tổ Ðạo Tín mới viên tịch (xem Quy Nguyên Trực Chỉ âm nghĩa).

6.- Ngài Huệ Năng vị tổ thứ sáu của Thiền Tôn ở Trung Hoa.  

Ngài Huệ Năng lúc nhỏ nhà nghèo, không biết chữ, chuyên nghề đốn củi đem bán lấy tiền về nuôi mẹ già. Một hôm, gánh củi đến bán cho một nhà phú ông. Trong khi chờ đợi Ngài lắng nghe chủ nhà tụng kinh Kim Cang. Ðến câu ''ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm '', Ngài liền ngộ đạo.  

Ðợi cho chủ nhà tụng kinh xong, Ngài trầm trồ khen ngợi và hỏi rằng:  

-  Chẳng hay ông tụng kinh gì mà hay quá vậy?   Tôi cũng mốn thọ trì tụng đọc như ông.  

Phú ông mách cho Ngài:  

-Tại núi Ðông Sơn, huyện Huỳnh Mai có đức Ngũ tổ, thường truyền Pháp độ người, ông nên đến đó mà mà cầu đạo.  

Ngài trả lời:  

-  Tôi cũng muốn như thế lắm; ngặt còn mẹ già không ai nuôi dưỡng nên không biết liệu làm sao !  

Phú ông bảo:  

-  Nếu ông thật quyết chí xuất gia cầu đạo, thì hãy về cố gắng đốn củi thật nhiều, đem đến đây tôi sẽ đổi vàng cho. Ông lấy vàng ấy để lại nuôi mẹ, rồi đi xuất gia.  

Ngài Huệ Năng mừng rỡ trở về, ngày đêm cố gắng đốn thật nhiều củi, đem đến bán cho Phú ông, và sau khi thu xếp việc nhà xong xuôi, Ngài đến huyện Huỳnh Mai cầu bái yết đức Ngũ tổ Hoằng Nhẫn.  

Ngũ tổ thấy Ngài hỏi:  

-Ông ở đâu đến và đến đây để cầu việc gì?  

Ngài đáp:  

-  Con từ phương Nam đến đây, để cầu làm Phật.  

Ngũ tổ thấy hình thù Ngài kỳ dị, nhưng căn tánh lại thông lợi phi thường, có thể nối Tổ vị sau này. Ngài không muốn trong chúng biết, nên giả quở to rằng:  

-  Ông là người mọi rợ phương Nam mà cầu thành Phật làm gì?  

Ngài Huệ Năng trả lời:  

-  Bạch tổ sư ! Thân người tuy có phân chia kẻ Nam người Bắc, chứ Phật tánh vẫn bình đẳng, không phân biệt Nam, Bắc.  

Ngũ tổ sợ trong công chúng để ý, lộ bí mật nên chẳng hỏi han gì nữa, mà truyền cho Ngài xuống nhà trù công quả giã gạo.

Từ đấy Ngũ Tổ không nhắc gì đến Ngài nữa, và Ngài Huệ Năng ngày ngày cũng cứ siêng năng giã gạo.

Trải qua một thời gian lâu, một hôm Ngũ tổ thấy mình đã già, muốn chọn người truyền Tổ vị, nên tuyên bố rằng:  

-  Nếu ai làm kệ dâng lên, tỏ ngộ được thiền cơ, thì sẽ ấn chứng và truyền pháp cho làm Tổ thứ sáu.  

Tin này được truyền ra rất mau chóng.  

Trong chúng mọi người đều nô nức, xôn xao bàn tán:  

-    Trong chúng chỉ có Thượng tọa Thần Tú là thông minh, học nhiều và tài giỏi hơn hết, chắc thế nào Thượng tọa cũng được truyền tổ vị.  

Nhưng Thượng tọa Thần Tú lại không dám tin chắc mình sẽ được cái may mắn ấy, nên không dám trực tiếp đem dâng bài kệ của mình cho Ngũ Tổ. Thượng tọa đợi đêm khuya thanh vắng, trong chúng đều ngủ cả, mới cầm đèn hồi hộp đến viết một bài kệ trên vách phía đông lang và không dám ký tên. Thượng tọa Thần Tú nghĩ thầm:" Nếu nhờ công phu tu hành bấy lâu mà bài kệ này được trúng ý Tổ, thì đây là một diễm phúc lớn lao vô cùng cho ta. Lúc bấy giờ ta sẽ ra bái nhận, bằng không thì ta sẽ làm thinh như không biết".  

Nguyên văn:  

Thân thị Bồ-Ðề thọ  
Tâm như minh cảnh đài  
Thời thời thường phất thức  
Vật sử nhá trần ai.  

Dịch nghĩa:  

Thân là cây Bồ-Ðề   
Tâm như đài gương sáng  
Thường ngày hằng quét lau  
Chớ cho dính bụi trần.  

Sáng ngày  tăng chúng qua lại thấy bài kệ xuất hiện trên vách đông lang, ai nấy đều trầm trồ kính phục:  

- Ðây rồi! Kế tổ vị đây rồi! Nếu không phải Thượng tọa Thần Tú thì còn ai nữa! Nghe tăng chúng trầm trồ khen ngợi, nô nức kéo nhau đến xem bài kệ, Ngài Huệ Năng cũng từ nhà trù theo chúng lên xem. Sau khi xem xong bài kệ, Ngài Huệ Năng nói:

- Còn đứng ngoài cửa rào.  

Kẻ qua người lại nghe Ngài nói thế, bỉu môi khinh bỉ:  

- Ðã dốt nát không biết một chữ thế kia, mà dám chê là còn đứng ngoài cửa rào!  

Ngài Huệ Năng ôn tồn bảo:  

- Tôi cũng có một bài kệ, xin các Ngài viết lên vách giùm tôi, vì tôi không biết chữ.  

Một người liền hoan hỷ viết hộ. Huệ Năng đọc bài kệ sau đây:  

Nguyên văn:  

Bồ-Ðề bổn vô thọ  
Tâm phi minh cảnh đài  
Bổn lai vô nhứt vật  
Hà xứ nhá trần ai?  

Dịch nghĩa:  

Bồ-Ðề vốn không cây  
Tâm không phải đài gương  
Xưa nay không một vật  
Chỗ nào dính bụi trần?  

Nghe xong bài kệ, mọi người đều kinh ngạc: Không ngờ một người dốt nát như thếmà lại làm được bài kệ xuất sắc thâm diệu như thế?  

Ngũ Tổ thấy trong chúng xôn xao bàn tán, muốn đánh tan dư luận có thể nguy hại cho Ngài Huệ Năng, nên bảo trong chúng truyền đọc bài kệ của Thượng tọa Thần Tú, mà bôi bỏ bài kệ của Ngài Huệ Năng.  

Một buổi chiều, Ngũ Tổ một mình đi xuống nhà trù, đến chỗ Ngài Huệ Năng giã gạo và hỏi rằng:  

- Gạo đã trắng chưa? (mật ý hỏi: Ðạo đã ngộ chưa? )  

Ngài Huệ Năng đáp:  

- Bạch Tổ, gạo con giã đã trắng rồi mà còn thiếu người sàng ( mật ý Ngài muốn nói:Ðạo con đã ngộ rồi mà còn thiếu người truyền ).  

Ngũ Tổ nghe xong, lấy cây gậy gõ lên dầu chày ba cái rồi đi lên ( Ngũ Tổ bảo Huệ Năng canh ba vào phòng ). Đúng canh ba Ngài Huệ Năng vào phòng Ngũ tổ. Ngài được Ngũ Tổ ấn chứng và truyền y bát cho Ngài làm tổ thứ sáu, và dạy Ngài phải đi về phương Nam ngay đêm hôm ấy, để hoằng hóa đạo pháp ( Xem quyển Lục Tổ Huệ Năng).  

Từ đó, Ngài Lục Tổ Huệ Năng truyền pháp ở phương Nam, còn Ngài Thần Tú thì truyền pháp ở phương Bắc. Phương Bắc chủ trương về Tiệm tu, nên gọ là "Nam đốn, Bắc tiệm" hay" Nam Năng Bắc Tú". 

Sau đây là bản lược đồ về sáu vị tổ Thiền Tôn ở Trung Hoa:  

Sơ tổ : Ngài Bồ-Ðề Ðạt -Ma  
Nhị tổ : Ngài Huệ -Khả (Thần Quang)  
Tam tổ :Ngài Tăng- Xán  
Tứ tổ :Ngài Ðạo Tín  
Ngũ tổ :Ngài Hoằng Nhẫn  
Ngài Ngưu Ðầu thiền Sư  
Lục tổ :Ngài Huệ Năng  
Ngài Thần Tú.  

Từ Ngài lục tổ Huệ Năng về sau, không còn cái lệ truyền y bát nữa, và các tổ không còn ấn chứng riêng cho một vị nào. Do đó trong Thiền Tôn không còn truyền thống duy nhất nữa, mà lại chia ra làm hai phái và năm dòng sau đây: 

Hai Phái Và Năm Dòng 

Ngài Huệ Năng từ khi lên làm lục tổ đã truyền pháp cho rất nhiều đệ tử. Trong số các đệ tử, nổi tiếng hơn hết là Ngài Hoài Nhượng ở Nam Nhạc và Ngài Hành Tư ở Thanh Nguyên (xem Pháp Bảo Ðàn Kinh). Hai Ngài này là mở đầu cho hai phái Thiền Tôn là phái Nam Nhạc và pháiThanh Nguyên.  

Phái Nam Nhạc về sau lại chia làm hai dòng là: Lâm tế và Quy Ngưỡng.  

Phái Thanh Nguyên lại chia làm ba dòng là: Tào Ðộng, Vân Môn và Pháp Nhãn.  

Sau đây là lược đồ của hai phái và năm dòng Thiền Tôn ở Trung Hoa.  

I.-Ngài Hoài Nhượng ( Ở Nam Nhạc )  

1.-Lâm tế  
2.-Quy Ngưỡng  

II.-Ngài Hành Tư (Ở Thanh Nguyên) 

3.-Tào Ðộng  
4.-Vân Môn  
5.-Pháp Môn  

1.-Dòng Lâm Tế  

a)Sự truyền thừa của dòng Lâm Tế, tuần tự như sau:  

-Hoài Nhượng Thiền Sư  
-Ðạo Nhứt Thiền Sư(họ Mã, tục gọi là Mã Tổ)  
-Bách Trượng Thiền Sư(Hoài Hải)  
-Huỳnh Nghiệt Thiền Sư (Hy Vân)- Lâm Tế Nghĩa Huyền.  

b.-Sự truyền pháp (thiền cơ) của tôn Lâm Tế:  

Như chúng tôi đã nói ở phần đầu của tập sách này, sự truyền pháp của phái Thiền Tôn khó mà hiểu được, đối với người thường. Chẳng hạn như trong phái Lâm tế, sự truyền pháp chỉ dùng thiền trượng đánh và hét to lên, mà làm cho thiền giả được ngộ đạo. Cái lối khai ngộ này khởi đầu từ Ngài Huỳnh Nghiệt Thiền-sư:  

Để cầu giác ngộ, một hôm Ngài Lâm Tế hỏi Huỳnh Nghiệt:  

-Sao gọi là đại ý Phật pháp?  

Ngài Huỳnh Nghiệt liền lấy thiền trượng( gậy hoặc roi) đánh Ngài Lâm tế một cái. Ba lần Ngài Lâm Tế hỏi, thì ba lần được đánh như thế.  

Ngài Lâm Tế lấy làm bối rối, không hiểu ý nghĩa làm sao, nên đến tham học với Ngài Ðại Ngu Thiền sư, nhờ thế Ngài Lâm tế mới ngô được tôn chỉ của Ngài Huỳnh Nghiệt.  

Từ đó về sau, dòng Lâm Tế mỗi khi khai ngộ cho đệ tử, đều dùng phương pháp đánh và hét ấy.  
Ngài Lâm tế nói:"Có khi hét một tiếng như bửu kiếm kim cương vương , có khi hét một tiếng như sư tử giậm chân , có khi hét một tiếng như quơ cây nơi bóng cỏ, có khi hét một tiếng, không khởi cái dụng của tiếng hét ". Bởi thế nên người đời gọi là" Lâm Tế tứ yết "  (bốn tiếng hét của Lâm tế).  

Dòng Lâm Tế sau lại chia làm hai nhánh:Dương Kỵ và Huỳnh Long. Từ đời Tống về sau, dòng Lâm Tế rất thạnh hành. Cho đến ngày nay về Thiền tôn trong các Ðại tòng lâm, phần nhiều là dòng Lâm Tế. 

2.-Dòng Quy Ngưỡng  

Tổ Bách Trượng Thiền sư truyền cho Ngài Linh Hựu Thiền sư ở núi Quy Sơn đất Ðàm Châu. Ngài Linh Hựu truyền cho Ngài Quy Ngưỡng Huệ Tịch.  

Ngài Quy Ngưỡng là một vị Thiền sư đắc đạo, sự mầu nhiệm của Ngài , không ai có thể lường được. Ảnh hưởng của Ngài rất lớn, vì thế cho nên người ta lấy tên Ngài để đặt tên cho cả một dòng Thiền tôn. Sự truyền đạo của Ngài cũng rất kỳ lạ. Một khi có ai đến hỏi đạo thì Ngài Quy Ngưỡng chỉ vẽ tướng trâu, hoặc vẽ tướng người , tướng Phật hay chữ Vạn, mà người được ngộ đạo.  

3.-Dòng Tào Ðộng:  

Sự truyền thừa của tôn này, thứ tự như sau:

•    Ngài Thanh Nguyên Thiền Sư  
•    Ngài Hy Thiên Thiền sư, tức Ngài Thạch Ðầu Hòa Thượng   
•    Ngài Dược Sơn Thiền Sư  
•    Ngài Vân Nham Thiền Sư   
•    Ngài Lương Giới Thiền Sư ở núi Ðông Sơn   
•    Ngài Bổn Tịch Thiền Sư ở núi Tào Sơn   

Ngài Vân Nham Thiền Sư đã dùng pháp Bửu cảnh tam muội, truyền cho Ngài Lương Giới (Ðông Sơn); Ngài Lương Giới cũng dùng pháp này để truyền cho Ngài Bửu Tịch (Tào Sơn).  

4.- Dòng Vân-Môn:  

Sự truyền thừa của tôn này, thứ tự như sau: 

•    Ngài Thạch-Ðầu Thiền sư  
•    Ngài Thiên-Hoàng.  
•    Ngài Long-Ðàm.  
•    Ngài Ðức-sơn.  
•    Ngài Tuyết-phong.  
•    Ngài Vân-Uyển Thiền-sư ở đất Thiều-Châu, Vân-Môn.  

Cách truyền pháp của Ngài Vân-Uyển (Vân-Môn) cũng rất kỳ lạ, ít ai hiểu được nghĩa lý: ai đến hỏi đạo, thì Ngài chỉ nói một chữ ''Dám''. Nếu người cầu đạo ngần-ngại không hiểu, thì Ngài nói thêm chữ ''Di''. Vì Ngài chỉ đáp có một chữ như thế cho người cầu đạo, nên người đời gọi pháp quán của Ngài là '' Nhứt tự quán '' ( Quán sát cái lý trong một chữ Dám hay chữ Di ''.  

5.- Dòng Pháp-Nhãn :  

Sự truyền thừa của tôn này, thứ tự như sau:  

•    Ngài Tuyết-Phong Thiền-sư.  
•    Ngài Huyền-Sang Thiền-sư.  
•    Ngài Xa-Hán Thiền-sư.  
•    Ngài Vân-Ích Thiền-sư.  

Phương pháp khai thị cho người đến cầu đạo của Ngài Vân-ích Thiền-sư là đúng sáu tướng trong kinh Hoa-Nghiêm sau đây: 

- Tổng tướng: Tức là muốn nói đến chơn-như nhứt tâm.  
- Biệt tướng: Tức là các duyên sanh khởi từ chơn-như nhứt tâm.  
- Ðồng tướng: Các pháp đều đồng như nhau.  
- Dị tướng: Tùy theo mỗi tướng không bình đẳng.  
- Thành tướng: Dựng lập ra cảnh-giới.  
- Hoại tướng: Vị trí không đồng tức là hoại tướng.   

Thiền Tôn Ở Việt Nam  

Như chúng ta đã biết, Phật Giáo Việt-Nam chịu ảnh hưởng sâu đậm của Phật Giáo Trung Hoa. Cho nên, nếu ở Trung Hoa Thiền tôn được thịnh hành truyền bá, thì ở Việt-Nam Thiền Tôn cũng được xem như là một phái chính của đạo Phật . Đấy cũng là một lẽ dĩ nhiên, không có gì là khó hiểu.  

Phật giáo truyền vào Việt-Nam từ thế kỷ thứ II tây lịch, do các vị danh Tăng người Ấn Ðộ và Trung Hoa, như các Ngài Ma-Ha- KỳVực, Ngài Khương-Tăng-Hội (người Ấn Ðộ ), Ngài Mâu-Bác (người Trung Hoa). Trong thời gian xa xưa này, chúng ta không thể biết được các vị này thuộc tôn phái nào, và truyền vào Việt-Nam giáo lý gì. Nhưng chúng ta có thể biết chắc là không phải phái Thiền tôn. vì Thiền tôn ở Việt-Nam là do từ Trung Hoa truyền sang. Mà Thiền tôn ở Trung Hoa thì phải đợi đến đầu thế kỷ thứ VI, dưới đời Lương-Võ-Ðế (528), tổ Bồ-Ðề -Ðạt-Ma mới đưa vào. Vậy thì nhất địnhlà Thiền tôn ở Việt-Nam chỉ có thể xuất hiện vào cuối thế kỷ thứ VI Tây lịch. Sự phỏng đoán này đã được lịch sử truyền giáo ở Việt-Nam chứng minh. Vào năm 580 ( cuối thế kỷ thứ VI ), Ngài Tỳ-Ni-Ða-Lưu-Chi, lần đầu tiên truyền thiền tôn vào Việt-Nam , và là vị sơ tổ về Thiền tôn Việt-Nam . Sau Ngài Tỳ-Ni-Đa-Lưu-Chi cũng có nhiều vị danh tăng khác đem truyền Thiền tôn vào Việt-Nam , và nhờ đó, Việt-Nam cũng có nhiều môn phái Thiền tôn như ở Trung Hoa. Một điều đặc biệt, đáng hãnh diện cho Phật tử Việt-Nam là ngoài những phái Thiền tôn ở Trung Hoa truyền sang, ngay ở nước ta, cũng có một phái Thiền tôn do một vị vua sáng lập, đó là phái Trúc Lâm mà vị sơ tổ là vua Trần Nhân Tôn.  

Dưới đây, chúng ta tuần tự nói về các môn phái Thiền tôn ấy:  

1.-Phái Tỳ-Ni-Ða-Lưu-Chi:

a )Vị Sơ tổ Thiền tôn ở Việt-Nam .  

Ngài Tỳ-Ni-Ða-Lưu-Chi, người Ấn Ðộ là đệ tử Ngài Tăng-Xán (Tam tổ thiền tôn). 

Lần đầu tiên gặp tổ Tăng Xán ở núi Tư Không, thấy phong mạo của tổ khác thường, Ngài Tỳ-Ni-Ða-Lưu-Chi sanh lòng kính phục, chắp tay đảnh lễ. Ngài đảnh lễ ba lần mà tổ vẫn ngồi lim dim đôi mắt chứ không nói gì hết (thiền cơ) . Ngài đứng yên nghĩ ngợi một hồi, bỗng thấy trong người đổi khác, như tỏ ngộ được điều gì, Ngài liền sụp xuống lạy ba lạy. Tổ cũng chỉ gật đầu ba cái mà thôi (thiền cơ). Sau buổi gặp gỡ đầu tiên ấy, Ngài trở thành một trong những đệ tử xuất sắc nhất của tổ Tăng Xán.  

Về sau, Tổ dạy Ngài sang phương Nam để truyền đạo, Ngài vâng lệnh sang Việt-Nam vào khoảng cuối thế kỷ thứ VI, trụ trì tại chùa Pháp Vân ở tỉnh Hà Ðông.  
Khi sắp thị tịch, Ngài gọi đệ tử là Ngài Pháp Hiển vào phòng phú chúc rằng:

" Tâm ấn của Phật , không có thể mập mờ được , Tâm ấn viên mãn như thái hư, không thừa, không thiếu, không đến, không đi, không được , không mất, không phải đồng nhất, cũng không phải sai biệt, không thường cũng không đoạn, không sanh cũng không diệt, không xa xách cũng không phải không xa xách. Chỉ vì đối với vọng nên giả đặt ra tên ấy (Tâm ấn) mà thôi".  

Chư Phật trong ba đời do đó (tâm-ấn) mà được đạo. Lịch đại Tổ-sư cũng do đó mà chứng ngộ. Ta đây cũng vậy, mà ông cũng thế, cho đến các loại hữu tình vô tình cũng đều như thế cả.  

Khi đệ tam Tổ Tăng-Xán ấn chứng ''tâm-ấn'' cho ta, đã bảo rằng: ''Ông nên sang phương Nam hoằng đạo, chớ ở đây làm gì''.  

Do đó, ta đi trải qua bao nhiêu chỗ mới đến đây. Ta nay được gặp ông, thật đúng như lời huyền-ký ấy. Vậy ông nên nhớ kỹ lời ta.  

Giờ đây nhằm lúc ta đi rồi !''  

Dạy xong, Tổ Tỳ Ni-Ðà-Lưu-Chi chắp tay ngồi yên lặng mà tịch diệt. Ðệ-tử trà-tỳ (thiêu) rồi thu xá lợi, xây tháp để thờ.  

Về sau, vua Lý-Thái-Tôn có bài kệ truy-tán Ngài như sau:  

Nguyên văn:  

Sáng tự lai Nam Quốc  
Văn quân cữu tập thiền   
Ưng khai chi Phật tín  
Viễn hợp nhất tâm nguyên  
Hạo hạo Lăng-già nguyệt  
Phân phân Bát-nhã liên  
Hà thời hạnh tương kiến  
Tương dữ thoại trùng huyền.  

Dịch nghĩa:  

Mở lối qua người Việt  
Nghe Ngài thông đạo thiền   
Nguồn tâm thông một mạch  
Cõi Phật rộng quanh miền  
Lăng-già ngời bóng nguyệt  
Bát-nhã nức mùi sen  
Biết bao giờ được gặp  
Ðàm-đạo lẽ thâm-huyền.  

b). Ngài Pháp-Hiển Thiền-sư, vị Tổ thứ hai của Thiền-tôn Việt-Nam:  

Sau khi Tổ Tỳ Ni-Ða-Lưu-Chi tịch, Ngài Pháp-Hiển là vị Tổ thứ hai của phái Thiền-tôn Tỳ Ni-Ða-Lưu-Chi. Ngài họ Ðỗ, quê ở Quận Chu-Diên (Sơn Tây bây giờ). Khi tới chùa Pháp-Vân, Tổ Tỳ Ni-Ðà-Lưu-Chi thấy Ngài, thì nhìn kỹ vào mặt và hỏi:  
- Chú họ gì?  

Ngài Pháp-hiển hỏi lại:  

-Hòa-thượng họ gì?  

Tổ lại hỏi:  

-Chú không có họ à?  

Ngài trả lời:  

-Sao lại không có ! Nhưng đố Hòa-thượng biết?  

Tổ quát lên:  

-Biết để làm gì?  

Ngài Pháp-Hiển chợt ngộ ý Tổ Tỳ Ni-Ðà-Lưu-Chi (thiền cơ) liền sụp xuống lạy, xin theo làm đệ-tử và sau được truyền tâm-ấn.  

Ðược ít lâu, sau khi Tổ tịch, Ngài vào núi Từ-Sơn tu thiền-định, những loại cầm thú thường quấn quýt chung-quanh. Người đời thấy thế càng lấy làm lạ và kính mộ. Ðệ-tử tìm đến học đạo rất đông. Thiền-tôn ở trong thời kỳ này có thể nói là thạnh nhất. Ðó cũng nhờ công đức hoằng-hóa của Ngài Tỳ Ni-Ðà-Lưu-Chi và Ngài Pháp-Hiển. Về sau trong pháp này cũng có nhiều vị thiền-sư xuất-sắc như Ngài Pháp-Thuận, Vạn-Hạnh .v.v...  

2.- Phái Vô-Ngôn-Thông:  

a). Vị Sư-tổ của Pháp Thiền-tôn thứ hai ở Việt-Nam:  

Ngài họ Tịnh, quê ở Quảng-Châu, xuất gia ở chùa Song-Lâm (Triết-Giang bây giờ). Tính Ngài điềm đạm ít nói, nhưng sự lý gì cũng thông hiểu, nên người đời đặt danh hiệu Ngài là Vô Ngôn Thông. 

Ngài là đệ tử của Bách Trượng thiền sư (đệ tử của Mã Tổ).  Khi Ngài mới đến yết kiến Bách Trượng Thiền sư gặp lúc thiền sư đang dạy chúng tăng học. Một vị tăng hỏi Bách Trượng thiền sư rằng:  

- Thế nào là pháp môn đốn ngộ của phái Ðại-thừa?  

Bách Trượng thiền sư dạy rằng:  

-Tâm địa nhược thông, huệ nhật tự chiếu (nêu tâm địa được thông thì mặt trời huệ tự nhiên chiếu sáng).  

Nghe được câu ấy, tự nhiên Ngài Vô Ngôn Thông ngộ đạo. Năm 820, Ngài qua Việt-Nam tu tại chùa Kiến Sơ, làng Phù Ðổng(Bắc Ninh). Ngài ngồi xoay mặt vào vách trọn ngày tham thiền nhập định. Ngài tu như thế mấy năm không ai biết, chỉ trừ vị sư ở chùa ấy là Cảm Thành thiền sư, biết Ngài là bậc cao tăng trong Phật Thiền tôn, nên tôn thờ Ngài làm Thầy.  

Trước khi tịchn gọi Cảm Thành thiền sư mà bảo:  
-Ngày xưa tổ sư Nam Nhạc, khi sắp tịch có dặn lại bài kệ rằng:  

Nhất thế chư pháp, giai tùng tâm sanh  
Tâm vô sở sanh, pháp vô sở trú  
Nhược đạt tâm địa, sở trú vô ngại  
Phi ngộ thượng căn, thận vật khinh hứa.  

Nghĩa là: Hết thảycác pháp, đều tự tâm sanh; tâm nếu không sanh, pháp không chỗ trú. Nếu hiểu được vấn đề ấy thì làm việc gì cũng không trở ngại, cái tâm pháp ấy nếu không gặp được bậc tâm căn, chớ nên truyền bậy.'' 

''Ðó là lời dặn của người xưa nay ta cũng dặn lại câu ấy''.  

Nói xong Ngài chắp tay mà tịch.  

b) Vị Nhị tổ của phái Vô Ngôn Thông:  

Cảm Thành thiền sư: Thiền sư quê ở huyện Tiên Du (Bắc Ninh) trụ trì tại chùa Kiến Sơn (Bắc Ninh).  Khi Ngài Vô Ngôn Thông vân du qua đấy, thấy Ngài có đủ tư cách để truyền mối đạo, nên ở lại. Và Ngài Cảm Thành cũng nhận thấy ở Ngài Vô Ngôn Thông một vị thiền sư đắc đạo, nên tôn làm thầy, sớm tối hầu hạ không hề trễ nải. Hai thầy trò rất mến nhau, do đó Ngài Vô Ngôn Thông mới đặt cho Ngài đạo hiệu là Cảm Thành.

Ngài Cảm Thành thật xứng đáng là người nối chí của Ngài Vô Ngôn Thông. Một hôm có đệ tử hỏi Ngài :  

-Thế nào là Phật?  

Ngài trả lời:  

-Chổ nào cũng là Phật cả.  

Vị đệ tử lại hỏi:  

-Thế nào là tâm của Phật?  

Ngài trả lời:  

-Không hề che đậy chỗ nào.  

Ðây cũng là một câu chuyện nhỏ, nhưng nói lên được cái truyền thọ tâm pháp đặc biệt, tuy giản ước mà bao hàm nhiều ý nghĩa vô cùng.  

Ngài Cảm Thành không bệnh mà tịch, và truyền tâm pháp cho Thiện Hội thiền sư.  

c) Vị tam tổ của phái Vô Ngôn Thông:  

Ngài Thiện Hội thiền sư: Ngài Thiện Hội quê ở Siêu Loại (Bắc Ninh). Ngài là đệ tử của Cảm Thành thiền sư, hầu thầy đã hơn 10 năm, một hôm Ngài vào phòng hỏi thầy:  

-  Trong kinh Phật có dạy: '' Ðức Thích Ca Như Lai từng tu hành trải vô số kiếp mới thành Phật, thế mà nay thầy cứ dạy rằng '' tâm tức là Phật, Phật tức là tâm'' là nghĩa làm sao? Thật đệ tử không hiểu xin thầy dạy rõ cho.  

Cảm Thành thiền sư nói:  

-Ngươi nói trong kinh Phật nói thế là ai nói đó?  

-Vậy lời ấy không phải là Phật thuyết sao?  

-Lời ấy phải đâu là Phật thuyết. Kinh Văn Thù Phật có dạy: '' Ta trú ở thế gian để dạy chúng sanh 49 năm, chưa đặt ra một câu bằng văn tự để nói với ai bao giờ !'' Vì theo chánh đạo, nếu ta lấy văn tự để làm bằng chứng để cầu đạo, ấy là nệ; lấy sự khổ hạnh để cầu Phật, ấy là mê; lìa tâm ra mà cầu Phật, ấy là ngoại đạo; mà cố chấp cái tâm ấy là Phật, cũng lại là ma vậy.  

-Nếu bảo tâm ấy tức là Phật, thì trong tâm ấy cái gì là Phật, cái gì không phải là Phật?  

-Ngày xua có người hỏi Mã Tổ rằng: '' Nếu bảo tâm ấy tức là Phật, thì trong tâm ấy cái gì là Phật?'' Mã Tổ trả lời: '' Thế ông ngờ trong tâm ấy, cái gì không phải là Phật, hãy chỉ vào đấy cho ta xem !''. Người ấy không chỉ được . Mã Tổ lại tiếp: '' Ðạt được thì khắp mọi nơi, chổ nào cũng là Phật, mà không đạt được thì cứ sai lầm đi mãi mãi''. Thế là chỉ một lời nói nó che đi, mà thành ra sai lầm đó thôi. Người ta hiểu chưa?  

Ngài Thiện Hội trả lời:  

-Nếu như vậy đệ tử hiểu rồi.  

-Người hiểu thế nào?  

-Ðệ tử hiểu rằng khắp hết mọi nơi, chỗ nào cũng là tâm Phật cả.  

Nói xong Thiện Hội thiền sư sụp xuống lạy. Ngài Cảm Thành nói:  

-Thế là người hiểu tới nơi rồi đó.  

Do sự lãnh hội mau chóng đó mà Ngài Cảm Thành mới đặt cho đệ tử mình đạo hiệu Thiện Hội, nghĩa là ''khéo hiểu''.  

Trên đây là một vài câu chuyện đến đốn ngộ mà chúng ta thường thấy trong các vị thuộc phái Thiền tôn.  

Sự truyền pháp từ thầy đến trò trong phái Vô Ngôn Thông diễn ra như thế được 15 đời. Ðến đời cư sĩ Ứng Thuận(1221) là cuối cùng.  

3.- Phái Thảo Ðường:  

Năm Kỷ Dậu (1069) vua Lý Thánh Tôn đi đánh Chiêm Thành về, có bắt được vua nước ấy là Chế Củ và rất nhiều thường dân cùng binh lính. Số binh lính và thường dân này được phân phát cho các quan trong triều đình để làm quân hầu. Trong số quan triều có một vị Tăng Lục. Một hôm vị này đi vắng về thấy bản ''Ngữ lục''của mình bị một tù binh sửa chữa lại cả. Hỏi ra thì mới biết đó là một vị thiền sư người Trung Hoa, theo thầy qua Chiêm Thành, chẳng may bị bắt làm tù binh. Vị thiền sư ấy là Ngài Thảo Ðường, đệ tử của Ngài Tuyết Ðậu Minh Giác ở Trung Hoa.  

Khi biết tung tích của Thảo Ðường thiền sư, vua Thánh Tôn liền sắc phong cho Ngài làm Quốc sư. Ngài Thảo Ðường lập đàn khai giảng ở chùa Khai Quốc trong thành Thăng Long. Ðệ tử đến học rất đông. Ngài Thảo Ðường lập ra một phái Thiền Tôn thứ ba ở Việt-Nam . Phái Thảo Ðường truyền xuống được năm đời, đắc đạo cả thẩy được mười chín vị.   

4.- Phái Trúc Lâm:  

Ðệ nhất tổ của phái Trúc Lâm tức là vua Trần Nhân Tôn (1278-1308). Ngài mộ đạo khi còn nhỏ. Năm 16 tuổi được lập làm Hoàng Thái tử, Ngài cố nhường lại cho em nhưng không được, nên trèo thành trốn đi, định vào tu ở núi Yên Tử. Nhưng Ngài mới đi nửa đường thì bại lộ tung tích, bị vua cha sai quan đi bắt về. Ngài phải miễn cưỡng trở về. Sau Ngài lên làm vua, trở thành một vị anh quân và giữ vững nền độc lập nước nhà trước sự xâm lăng ồ ạt, nhưng vô hiệu quả của quân Nguyên. Sau khi đuổi được giặc nguyên, Ngài truyền ngôi lại cho con là Anh Tôn, và vào tu ở núi Yên Tử, thực hiện chí nguyện thuở thiếu thời của mình. Ngài lấy hiệu là ''Hương Vân Ðại Ðầu Ðà '' lập trường giảng pháp, môn đồ tìm đến tu học kể có hàng vạn người. Ngài thường đi khắp nơi để giảng đạo và phát thuốc. Ngài tịch một cách rất bình tĩnh vào lúc 51 tuổi.  

Trong các phái Thiền tôn ở Việt-Nam, chỉ có phái Trúc Lâm là phát tích tại đất nước Việt. Trong phái này, cũng có nhiều vị thiền sư có tiếng tăm như Ngài Pháp Loa tôn sư, Ngài Huyền Quang tôn sư ...  

5.- Phái Lâm Tế:  

Phái Lâm Tế do Ngài Nguyên Thiều khai sáng tại Trung Việt. Ngài họ Tạ, quê ở Quảng Châu (Trung Hoa). Ngài đi theo tàu buôn qua An Nam, trú ở phủ Qui Ninh (Bình Ðịnh) lập chùa Thập Tháp Di Ðà, mở trường dạy học. Sau Ngài ra Thuận Hóa lập chùa Hà Trung, rồi lên Xuân Kinh (Huế) lập chùa Quốc Ân và dựng tháp Phổ Ðồng.  

Sau Ngài phụng mạng đức Anh Tôn ( Nguyễn Phúc Tráng 1687-1691) trở về Trung Quốc, tìm mời các vị danh tăng và cung thỉnh pháp tượng, pháp khí. Ngài về Quảng Ðông mời được Hòa Thượng Thạch Liêm và các danh tăng khác, cùng thỉnh được nhiều kinh điển, tượng, pháp khí trở về Nam. Chúa Nguyễn liền sắc mở đàn truyền giới rất long trọng tại chùa Thiên Mụ. Sau đó, chúa Nguyễn sắc ban Ngài chức trụ trì chùa Hà Trung.  

Năm Bảo Thái thứ 10 nhà Lê, Ngài tịch tại chùa Hà Trung, sau khi dặn dò đệ tử và truyền bài kệ sau đây:  

Tịch tịch, kính vô ảnh  
Minh minh châu bất dung  
Đường đường vật phi vật  
Liễu liễu không vật không  

Ðại ý: Thể pháp thân thanh tịnh sáng suốt như mảnh gương sạch không bụi, như ngọc minh châu, trong sáng bóng ngời. Tuy hiện tiền sự sự, vật vật sai khác, nhưng đều là thể pháp thân biểu hiện. Thể pháp thân thường vắng lặng mà không phải là không, tức là lý ''chân không diệu hữu''.  

Xét trong'' Lịch truyền tổ đồ '' thì Ngài đứng về đời 69, xét về chánh thống phái Lâm Tế thì Ngài đứng về đời 33, còn xét riêng về phái Lâm Tế ở Trung Việt, thì Ngài là sơ tổ.  

6.- Phái Liễu Quán:  

Phái Liễu-Quán xuất phát từ Liễu-Quán-Hòa-Thượng. Ngài Liễu-Quán quê ở Phú-Yên (Sông-cầu). Ngài ra Thuận Hóa thọ giới Sa-Di với Ngài Thạch-Liêm Hòa-Thượng. Năm 1702, Ngài đến Long-Sơn cầu học pháp tham-thiền với Ngài Tử-Dung Hòa-Thượng (Tổ khai sơn chùa Từ Ðàm Huế, người Trung Hoa).  

Tổ Tử-Dung dạy Ngài tham-cứu câu: ''Vạn pháp quy nhất, nhất quy hà xứ '', (muôn pháp về một, một pháp về đâu?) . Ngài tham cứu mấy năm, đến khi xem bộ Truyền-Ðăng-Lục, thấy có câu: '' Chỉ vật truyền tâm, nhơn bất hội xứ ''. Ngài liền tỏ ngộ. Năm 1742, cuối mùa thu, Ngài thọ bịnh. Trước khi lâm chung, Ngài gọi môn đồ đến dạy rằng: '' nhơn duyên đã hết, ta sắp đi đây ''.  

Thấy môn đệ khóc, Ngài dạy rằng: '' Các người khóc làm gì? các Ðức-Phật ra đời còn nhập niết-bàn. Ta nay đi đến rõ ràng, về có chỗ. Các người không nên khóc và đừng buồn thảm ''.   

Rồi Ngài viết bài kệ từ biệt sau đây :  

Nguyên văn:  

Thất thập dư niên thế-giới trung  
Không không, sắc sắc diệu dung thông  
Kim triêu nguyệt mãn, hoàn gia lý  
Hà tất bôn ba vấn tổ tông.  

Dịch nghĩa:  

Ngoài bảy mươi năm trong thế-giới  
Không không, sắc sắc thảy dung thông  
Ngày nay nguyện mãn về nơi cũ   
Hà phải ân cần hỏi tổ tông.  

Viết xong, Ngài bảo môn đồ:  

Sau khi ta đi, các ngươi phải nghĩ cơn vô-thường nhanh chóng, cần phải siêng năng tu học. Các người hãy cố gắng tấn tới chớ bỏ qua lời ta.  

Ngài tịch vào ngày 22 tháng 11 năm Nhâm-Tuất (1742) vào giờ Mùi, sau khi dùng nước trà xong và vui vẻ từ biệt môn đồ.  

Ðến đây chúng ta cũng nên nhận định cho rõ ràng điểm này: Như tôi nói ở đoạn trước, Thiền-Tôn do người Việt sáng lập chỉ có một Phái duy nhất do vua Trần-Nhân-Tôn làm Sơ-tổ là phái Trúc-Lâm Yên-Tử. Nhưng đến nay, chúng ta lại thấy xuất phát một phái nữa là phái Liễu-quán, do Ngài Liễu-Quán một danh tăng Việt-Nam chủ xướng, như vậy có mâu thuẫn với sự nhận xét ở trên không? Thật ra, so với các phái Thiền-Tôn khác ở Việt-Nam, thì phái Liễu-Quán chỉ là một phái nhỏ, chỉ nằm trong phạm vi mấy tỉnh miền Trung-Việt.  

Vả lại, Ngài Liễu-Quán cũng là đệ-tử của Ngài Tử-Dung, một vị sư Trung Hoa thuộc phái Lâm-Tế. Do đó, pháp Liễu-Quán, nếu chúng ta đi tìm nguồn gốc xa hơn một chút nữa, thì cũng chỉ là một chi nhánh của phái Lâm-tế mà thôi.  

Các Kinh Sách Nói Về Thiền  

Kinh sách nói về Thiền không thể kể xiết được. Tuy thế, để quý độc-giả khỏi bỡ-ngỡ trong khi nghiên cứu, học hỏi, chúng tôi xin dẫn một số sách thiết yếu sau đây:  

1.-Kinh Lăng-già  
2.-Kinh Lăng-Nghiêm  
3.-Kinh Viên-Giác  
4.-Kinh Pháp-Bảo-Ðàn  
5.-Ðại-thừa Chỉ-quán  
6.-Tiểu Chỉ-quán  
8.-Ðồng môn Chỉ-quán  
9.-Kinh Kim-cang  
10.-Truyền-đăng-lục  
11.-Thiền-gia ngữ-lục  
12.-Tọa-thiền chỉ nam  
13.-Tông-cảnh-lục (của Ngài Tống Diên Thọ Thiền-sư)  
14.-Luận Ðại-thừa khởi tín (của Bồ Tát Mã-Minh)  
15.-Vô-môn-quán (của Tổng Tôn-Thiện Thiền-sư)  
16.-Bích-Nham-Lục (của Phật Quả Viên-ngộ)  
17.-Thung-dung-lục (của Vạn Tùng Lão-nhơn)  
18.-Thiền-lâm Vĩnh-gia tập (của Huyền-Giác)  
19.-Thiền-tôn chỉ nam (của vua Trần-Thái-Tôn) .v.v...  

C.- Tổng Kết các Loại Thiền định  

Thiền-Ðịnh có nhiều loại, nhưng tóm lại có thể chia làm hai loại lớn: Tà-định và Chánh-định , hay Phàm-phu thiền và Thánh-nhơn thiền,  hoặc ngoại đạo Thiền và Phật Giáo thiền.  

Thiền định của ngoại đạo

Những người theo lối thiền-định này do tâm niệm không chơn-chánh (phiền-não, tham, sân, si v.v....) làm động cơ thúc đẩy. Họ không nhắm ngay mục đích dẹp trừ vô-minh phiền-não, cầu được minh-tâm kiến-tánh, hay giác-ngộ, giải thoát, mà chỉ nhắm mục đích nhỏ hẹp, thiển cận, như cầu được thấy những điều huyền diệu, cầu được thần-thông biến-hóa để đi dạo chơi ở các thé-giới khác, cầu thành tiên để lạc-thú tiêu-dao ở cảnh tiên, cầu cho thân thể không bệnh hoạn, được trường sinh bất tử, cầu cho được phép lạ để trị bệnh, để thiên hạ sùng-bái, kính phục, hoặc để gần gũi nữ sắc, hay cầu tài lợi v.v..  

Hãy lắng nghe lời Tổ Tôn-Mật dạy: '' Người tà kiến chấp trước sai lầm , ưa cõi trên, chán cõi dưới mà tu thiền, đó là ngoại đạo thiền ''. 

Thiền Phàm Phu

Những người tu theo loại thiền này không có tâm niệm cao thượng, chỉ vì chán ngán cõi Dục làm ô-trược mà cầu sinh về cõi sắc và Vô-sắc để hưởng thú vui thanh thoát.   

Hãy lắng nghe Tổ Tôn-Mật phê phán hạng người tu về loại thiền này: '' Người chánh tin nhơn quả, nhưng dùng sự ưa cõi trên chán cõi dưới mà tu thiền là phàm-phu thiền ''.  

Thiền định của Phật Giáo

Thiền-định của Phật Giáo có hai loại: Tiểu-thừa thiền và Ðại-thừa thiền.  

-Tiểu-thừa thiền: là những pháp thiền dành cho người có căn tánh Tiểu-thừa. Người tu phép Thiền-định này chỉ có công-dụng hạn cục, vì tu pháp nào thì chỉ trừ được phiền-não cũa pháp ấy. Và sự tu luyện ở đây cũng chỉ tuần tự mà tiến, chứ không thể đốn-ngộ ngay được.  

Hơn nữa, người tu Tiểu-thừa thiền, tuy đã phá ngã-chấp, nhưng còn bị pháp-chấp. Họ không ngộ được rằng: những phương-pháp tu hành đều là phương tiện để giúp cho họ dẹp trừ vô-minh phiền não, tiến lên chỗ giác ngộ, chớ không nên cố chấp có thật tu, thật chứng.  

- Ðại-thừa thiền: Ðây là phương-pháp tu thiền của các vị Bồ Tát, căn tánh mau lẹ, vượt bưc. Với hạng này, các vị chỉ nghe một câu nói hay chỉ tu một pháp, cũng có thể liền tỏ ngộ; như Ngài Huệ-Năng, chỉ nghe câu '' Ưng vô sở trụ, nhi sanh kỳ tâm '', hay Ngài Ca-Diếp, chỉ thấy Phật đưa cành hoa sen mà liền tỏ ngộ  

Sở dĩ các vị này mau tỏ ngộ như thế là vì họ đã trải qua nhiều kiếp tu hành rồi, sắp được giác ngộ, nay gặp thời cơ, nhân duyên thì liền phát-chiếu, như cành hoa đã được vun tưới đủ sức rồi, chỉ chờ thời tiết là trổ bông.  

Hãy nghe Tổ Tôn-Mật nói về các vị này: '' Người ngộ được lý ngã, pháp đều không mà tu thiền là Ðại-thừa thiền. Người đốn-ngộ tự tâm xưa nay vốn thanh-tịnh, không có phiền-não, đầy đủ trí-huệ vô-lậu, tâm ấy tức là Phật, rốt ráo không khác. Y theo tâm này mà tu thiền là Tối-thượng thừa thiền, cũng gọi là Chơn-như tam-muội ''.  

Về phương-pháp tu chứng và truyền thọ của Ðại-thừa thiền có ba cách:  

- Cách thứ nhất: Ðây là các loại tam-muội mà hành-giả căn cứ theo các kinh sách Ðại-thừa tu luyện, như Pháp-hoa tam-muội, Niệm-Phật tam-muội, Giác-ý tam-muội, Thủ-lăng-nghiêm tam-muội v.v....  

- Cách thứ hai: Lối thiền này không căn cứ theo kinh điển, văn tự, mà chỉ dùng một câu nói ngắn ngủi để chỉ giáo. Trong Phật Giáo gọi lối thiền này là: '' Bất luận văn tự, giáo ngoại biệt truyền '' (không dùng văn tự, truyền ngoài kinh giáo). Thiền-giả chỉ căn cứ theo một câu nói ấy mà nghiên cứu mãi cho đến khi tỏ ngộ. Công việc tham-cứu này, Thiền-giả có nhiều khi kéo dài hàng chục năm.  

- Cách thứ ba: Với cách này, chúng ta khó có thể suy nghĩ luận bàn gì được. Trong cách này, khi có người đến cầu pháp, các Tổ sư không dùng lời nói mà chỉ dùng một cử chỉ gì đó, hay một tiếng la hét mà thôi.  

Như dòng Lâm-Tế, khi có người đến cầu đạo, Thiền-sư chỉ dùng gậy đánh và tiếng hét.  

Như dòng Quy-ngưỡng, các vị Tổ-sư chỉ vẽ hình thú, hình người, hình chữ Vạn mà khai ngộ cho đệ-tử .  

Như dòng Vân-môn, có vị Tổ chỉ nói một chữ, mà làm cho người cầu đạo tỏ ngộ.  

Như có Ngài chỉ đãi nước trà (Ngài Triệu-châu) hay mời ăn cơm, mà người đến cầu đạo được tỏ ngộ.  

Có Ngài lại ngắm bóng mình dưới nước và cười, khi đi ngang qua cầu, liền ngộ đạo (hổ khê tam tiếu chí kim truyền), hay nghe chim oanh hót trên cành liễu, hay lấy gậy đập cục đất cho bể tan mà liền ngộ đạo.  

Thật là thiền-cơ nhiệm-mầu, người ngoài không thể suy nghĩ, luận bàn được.  

Muốn cho người cầu đạo được kết-quả, các vị truyền pháp phải hội đủ ba điều kiện sau đây:  

-Biết căn-cơ người cầu đạo.  
-Biết thời-tiết đúng lúc truyền đạo.  
-Biết phương-pháp nào thích hợp, trong ba phương-pháp nói trên, nếu truyền bá không hợp cơ, hợp thời, hợp pháp thì người tu thiền không có kết-quả.  

Trước khi dừng bút, chúng tôi có một nhận xét sau đây mà chắc quý độc-giả cũng đồng ý là: Nước ta ngày xưa là một nước chịu ảnh hưởng lớn của Thiền-tôn, và Thiền-tôn là môn phái rất thịnh hành trong nước. Thế mà ngày nay, vì bao cuộc biến thiên của lịch sử, Thiền-tôn không còn được truyền thọ trong các chùa cũng như trong dân chúng một cách sung-mậu như xưa nữa.  

Vậy chúng tôi hy-vọng rằng, từ đây về sau, nhờ sự giao-thông tiện lợi từ nước này sang nước khác, nhờ sự trao đổi văn hóa, và nhờ gia tâm tu học của các Phật-tử Việt-Nam, Thiền-tôn sẽ lấy lại sắc thái sung-mậu ở Việt-Nam như các thời Lý, Trần.

Các tin đã đăng: