(SC. Thích Nữ Tuệ Hiếu)
Ðừng bỏ mặc nhau giữa bão giông
30/12/2021 19:01 (GMT+7)


Ðừng bỏ mặc nhau giữa bão giông (SC. Thích Nữ Tuệ Hiếu) - Audio
00:00 / 06:15 
 

Phật giáo đã nắm thật chặt đôi tay cùng nhân sinh đi qua bao nhiêu thăng trầm.

Sáng nay giữa tiết đầu tháng bảy, những khóm cúc dại trên con dốc nhỏ vào chùa đã nở những đoá hoa đầu tiên báo hiệu Thu về. Con – một tiểu Ni có cơ duyên lớn lên trong làn khói hương nơi cổ tự, chuông chùa trong những đêm tịch lặng cũng góp phần nuôi lớn tâm hồn con qua mấy độ xuân thì. Với con, Đạo Phật thật hiền, thật đẹp – đẹp theo cách giản dị, chân phương.

Cũng bởi lẽ… Nơi đây quá đỗi bình an, mà nhân gian thường nghĩ rằng nhà chùa chỉ là nơi chứa đựng mấy lời kinh tiếng mõ, sống cùng vài pho tượng Phật vô hồn hay đôi khi là hình ảnh mấy chú tiểu quét lá đa mà người xưa hay ví von “con Sãi ở chùa thì quét lá đa”. Và nghĩ rằng, mấy vị đầu tròn áo vuông ấy cũng chỉ quanh quẩn nơi chốn già lam, an nhàn sống qua một đời, mặc kệ tuế nguyệt phong sương chốn nhân gian.

Chúng ta phải thực hiện giãn cách xã hội, nhưng khoảng cách từ trái tim đến trái tim lại ngày càng gần hơn bao giờ hết.
(Ảnh: sưu tầm)
Chư Tăng tỉnh kiên Giang tham gia, làm tình nguyện viên
hỗ trợ lấy mẫu xét nghiệm.

Nhưng mấy ai hay rằng… Vào thời đất nước còn đang nhỏ lệ vì chiến tranh, đã biết bao vị “cởi cà sa khoác chiến bào”, kề vai sát cánh cùng những đau thương của dân tộc, quyết tâm đem lại hoà bình cho đất nước. Đến hôm nay, vào thời bình thì nhân loại lại phải gồng mình lên chống chọi cùng đại dịch mang tên COVID-19. Gần đây nhất, đại dịch một lần nữa quay lại và thành phố mang tên Bác bị ảnh hưởng một cách nặng nề và rồi những bóng áo nâu đã bên cạnh đau thương ấy một cách thật âm thầm. Ánh mắt hiền, đôi tay ấm, đôi chân vững chãi không ngại khó khăn để đi chung với cuộc đời qua những ngày giá lạnh.

Tháng trước, cô em nhỏ của con gọi báo, em được vào tâm dịch rồi chị à. Ơ, hai chữ “được vào” làm con ngẩn ngơ một đỗi! Khi biết em tham gia công tác hậu cần ở một bệnh viện dã chiến nơi tuyến đầu tâm dịch, bất giác con nghĩ đến cô tiểu nhỏ nhút nhát, sợ đủ thứ trên đời, thì lấy đâu ra sự gan dạ đó?! Nhưng rồi giây phút ấy con hiểu ra, có một thứ còn đáng sợ hơn, đó là khi lòng ta hoang vu không có nổi một niệm yêu thương người. Mảnh đất dù hoang sơ nhưng luôn sẵn lòng cưu mang một hạt hoa dại chôn vào lòng đất khô cằn chờ tháng tám về nở những đóa hoa, vậy lòng người có được như đất sẵn sàng yêu thương những người xa lạ, những người chỉ một lần đi lướt qua nhau?

Phật giáo đã nắm thật chặt đôi tay cùng nhân sinh đi qua bao nhiêu thăng trầm. Gom góp nhiều tình thương, vun vén bao ngày tối tăm để đổi về những tháng ngày đầy nắng. Dẫu biết cuộc đời là vô thường, nhưng nỗi đau thì hoàn toàn có thật, thế nên trong những trận lũ lụt miền Trung, cũng bao chiếc áo nâu ấy lội nước ngang vai để trao cho bà con từng túi gạo, chai tương và nụ cười hiền. Mấy lần đại dịch là mấy lần Phật giáo lại dấn thân.

Những gian hàng không đồng, từng hộp cơm nghĩa tình, từng bó rau, chai nước… đẫm mồ hôi giữa tiết trời oi bức mùa Hạ. “Của cho không bằng cách cho”, người con Phật luôn mang theo bên mình tâm niệm khiêm nhường, chỉ mong người nhận không chạnh lòng với phận đời bé nhỏ của mình. Đạo Phật luôn muốn đến với cuộc đời bằng những điều bình dị nhất và đâu đó cũng có những bước chân tạm phải rời xa già lam để hỗ trợ tuyến đầu tâm dịch. Nếu tình người không đủ lớn, tấm lòng không đủ bao dung, thì không bao giờ những người con Phật lại làm được những chuyện mang tính chất đánh đổi đầy nguy hiểm đến vậy.

Những người con của Phật luôn âm thầm nuôi lớn tình thương cho nhân loại, bởi lẽ với tình thương thì không bao giờ có quan niệm đây là lần cuối. Cũng như Phật thuở xưa, đã đi qua những gian khổ của hồng trần, bao nóng lạnh của lòng người, nhưng vẫn đem ánh mắt hiền từ đầy xót thương để nhìn lại nhân sinh. Con tin có những sự hy sinh, dù có vỡ ra từng mảnh nhỏ thì cũng là một sự hy sinh đầy ý nghĩa. Có những yêu thương dù mang hình hài gì thì bản chất vẫn là yêu thương. Con tin rằng, chưa một ai có thể đi qua hết nhân gian này trọn vẹn, nếu chỉ với một trái tim giá lạnh.

Con thấy thương Sài Gòn nhiều hơn, bởi đây là nơi bắt đầu và thực hiện ước mơ của bao phận đời, khi đại dịch ghé ngang, tất cả như dần dập tắt. Mọi người có nhận ra dù có khó khăn đến dường nào, Sài Gòn vẫn chưa kêu cứu có phải không? Lý do không phải ở sự kiêu hãnh, điều quan trọng nằm ở trái tim muốn tự chữa lành, không muốn làm gánh nặng của những người mình yêu thương. Bởi Sài Gòn biết, mọi người xung quanh đã có quá nhiều thứ phải lo lắng rồi, nên dù có đau, thành phố vẫn nói “Không sao”! Thế mới thấy, trong chúng ta không ai dám khẳng định rằng: Tôi không hề có nỗi đau đang ngự trị bên trong. Nhưng rồi, những nỗi đau ấy tựa vào nhau, cùng nhau vượt qua, biến khổ đau thành những sắc màu của hạnh phúc, của yêu thương và cả từ bi.

Chúng ta phải thực hiện giãn cách xã hội, nhưng khoảng cách từ trái tim đến trái tim lại ngày càng gần hơn bao giờ hết. Con đã thấy bao hình ảnh thật đẹp giữa đại dịch, dưới những khu bệnh viện dã chiến, họ đã hát cho nhau nghe, cười cùng nhau, khóc cùng nhau. Người biết không? Tình thương sẽ thắp lên ngọn lửa và làm lòng người ấm lại. Và đâu đó, mọi người đã cùng nhau thắp lên ngọn lửa của sự yêu thương, ngọn lửa đang bị thách thức trong xã hội dần phát triển, nơi mà lòng tin yêu của con người đang dần lụi tắt.

Sài Gòn à! Mau khoẻ lại, để những chiến binh thầm lặng còn về nhà ăn cơm cùng gia đình, để anh chiến sĩ gặp mặt cô con gái đầu lòng, cô y tá về thắp nén nhang đầu tiên cho mẹ. Sài Gòn mau khỏe nhé, để cụ ông bán vé số, mấy em nhỏ lang thang vốn đã thiếu thốn nay lại thêm cơ hàn, không còn phải ưu sầu lo từng bữa cơm, bữa cháo.

Thế là một mùa Vu Lan nữa lại về trong lặng lẽ, về trong những ngày lòng người ai cũng chông chênh.

“Chắc mùa Vu Lan này sẽ buồn lắm
Khi ngoài kia bão tố cứ tơi bời”.

Có một điều chắc chắn rằng, đoá hồng vàng sẽ không còn cài lên chiếc huỳnh y của bao bậc xuất sĩ, bởi huỳnh y ấy đang được thay bằng những màu áo xanh, áo trắng nơi bệnh viện, hay các bếp ăn và cả những khu cách ly, phong tỏa. Nhưng những đóa hồng ấy, luôn hiện diện, cài một cách cẩn trọng trong trái tim quý Ngài. Đoá hoa như một lời tri ân đến hai đấng song thân và đâu đó là sự hy vọng về một Việt Nam chóng khoẻ.

Khó khăn vẫn còn đó, nguy hiểm vẫn chưa rời đi và đôi vai của những chiến binh thầm lặng vẫn ngày một nặng thêm. Nhưng con tin vào Việt Nam, vào thành phố một ngày mai tươi sáng. Một thành phố rồi sẽ lại đẹp lên như đã vinh dự mang tên của Bác: TP. Hồ Chí Minh. Thành phố với hơn 10 triệu trái tim ở đó, đêm nay có được bao nhiêu trái tim sẽ được ngủ yên?

Các tin đã đăng: