Không gian sư phạm tích cực của thầy giáo 9X
Khánh Vi thực hiện
31/12/2021 17:59 (GMT+7)

“Trên tinh thần tạm dừng đến trường nhưng không trì hoãn việc trao giá trị kiến thức, trong những ngày đầu, việc xây dựng ‘lớp học ảo’ có những bước chuyển tiếp chưa nhịp nhàng, nhưng với sự cố gắng và đã hoàn thiện, sau một tuần khởi động, lớp tôi đã vận hành trôi chảy”, Trần Quốc Tuấn, 25 tuổi, giáo viên Ngữ văn Trường THPT Vĩnh Viễn, TP.HCM cho biết. 

Qua trò chuyện với Giác Ngộ, thầy giáo trẻ Trần Quốc Tuấn cho biết trên tinh thần khởi động, xây dựng “nếp sống mới”, mỗi sáng trong nhóm chat Zalo của lớp anh thường “thả” vào đôi ba câu thơ “gọi dậy” ngày mới, để học trò có tinh thần hơn cho một ngày học tập hồ hởi: “Trời sang buổi sáng rồi kìa/ đứa nào chưa dậy chính là cú đêm/ thức rồi lại muốn thức thêm/ vì sáng hôm nay dịu êm quá mà”. Lần lượt một bạn, hai bạn, rồi cả lớp cùng nhau phản hồi và buổi học dần bắt đầu. 

- Lớp học của chúng tôi được vận động trên trụ quay: Nghĩ về lòng biết ơn, thích nghi, tự giác, chủ động, tương trợ, thông cảm và tôn trọng. Tiết học đầu tiên, trước khi bước vào việc kết nối tri thức, tôi và học trò không quên dành một khoảng lặng để tưởng nhớ đến những người đã ra đi vì dịch bệnh và cầu cho sự bình an đến với người ở lại. 

Đối với môn văn, một môn học đặc biệt, là đứa con lai giữa nghệ thuật và khoa học, sẽ có những cách truyền thụ đặc biệt, kết hợp cả tư duy lẫn mỹ cảm trong dạy học. Phương thức chính của tôi trong giảng dạy là thực tiễn hóa những kiến thức khô cứng. Đem lý thuyết “nung” dưới ngọn lửa của đời sống thực để lớp học trở thành một xã hội nhân văn thu nhỏ và giao tiếp chính là cầu nối. 

Những vấn đề của cuộc sống được thảo luận, những câu chuyện tình người được phân tích mổ xẻ. Mỗi tuần chúng tôi bàn về chủ đề khác nhau hiện hữu trong cuộc sống. Một đề tài nghị luận “Covid 19 - khoảng cách và gắn kết” được đưa ra, các em được yêu cầu phải soi chiếu vào hiện thực để nhận ra việc người với người xích lại gần nhau khi dịch bệnh bao trùm. 

Các em đã tìm ra sự gắn kết tình người qua những hình ảnh nơi chiến tuyến, những nụ cười trên vầng trán mồ hôi của y tá, bác sĩ, tình nguyện viên khi lột bỏ bộ đồng phục bảo hộ nặng nề sau một ngày nhọc nhằn chiến đấu. Nơi những nhân viên giao hàng đang trao hơi ấm tình người nơi ngõ vắng, nơi những thì thầm nguyện cầu... đó chính là sự gắn kết. 

Anh đã cùng học trò vượt qua những khó khăn trong dạy - học online như thế nào? 

- Tôi nghĩ rằng việc quan trọng nhất để giáo dục hiệu quả trong thời điểm này đó là hiểu và thương, từ đó truyền được tinh thần “học thật” cho học sinh. 

Chuyện dạy học thời Covid-19 có nhiều những bất cập, các em đã trang bị được công cụ chủ đạo để có thể thực hiện việc học là thiết bị điện tử, nhưng bút vở thì chưa thể nào sắm soạn được ngay. Cách xử lý hài hòa nhất là thầy trò chúng tôi thông cảm cho nhau, luôn cố gắng hết mình, nhưng bước nào khó quá thì “bỏ qua” trên tinh thần “hiểu chuyện”. Tôi khuyến khích các em hãy dùng bất cứ một cái gì đó ghi chép được, để lưu lại kiến thức và ngày trở lại trường ta sẽ sửa soạn đàng hoàng, tươi đẹp hơn. 

Có những trò hoàn cảnh ngặt nghèo, hệ thống mạng không “êm trôi”, tôi hiểu và sẵn sàng chia sẻ nhiều hơn, để các em không “rụng” kiến thức. Có những trò đang là F0, tôi tế nhị sâu sát các em, tương trợ tinh thần, giúp các em sớm bình phục và trở lại lớp học với bạn bè. 

Với cha mẹ học sinh, cũng gửi lên nhóm Zalo những lời chúc ngày mới và không quên gửi gắm: “Giúp Tuấn bảo các bạn vào học đúng giờ ạ!”. Động viên, khích lệ, hỏi han, sâu sát đến học sinh đó chính là một ưu thế giáo dục và sự chân thành bao giờ cũng nhận được hồi đáp dễ thương. 

Thầy đặt ra mục tiêu cho lớp học mình là gì?

- Tôi chỉ tư duy một điều là làm thế nào để cho những học trò của tôi được vui cười, được hạnh phúc trong lớp học của tôi. 

Việc lên lớp trên không gian mạng hạn chế nhiều tương tác, công nghệ “chiếu - chép” không phải lúc nào cũng đảm bảo được về mặt thời gian. Cho nên thay vì ghi chép thì tôi lắng nghe, vạch ý, đối thoại, tương tác cộng hưởng, để học sinh thực hành nghe và nói.

Tôi chuẩn bị sẵn tài liệu cho các em học và định hướng thông tin. Trong lớp học, tôi mở rộng hết mức vấn đề khích lệ các em va chạm các tư tưởng để vỡ vạc. Ai cũng được gọi tên và đã gọi tên là các em được cổ vũ nói, cứ nói bất cứ cái gì các em đang suy nghĩ trong đầu. Không gian yên lặng đã được thay bằng những tranh luận sôi nổi, những thông tin tìm tòi nghiên cứu, những chia sẻ chân thành.

Thầy giáo Trần Quốc Tuấn trong một tiết dạy online

Điểm đặc biệt là các em nhìn từ nhiều góc độ khác nhau, liên hệ đa chiều. Tôi đặc biệt khích lệ các em “phản đề”, bỏ mình ra khỏi sự ràng buộc của những lối tư duy về tác phẩm đã cũ mòn. Các em có những hướng đi mới mà vẫn không làm mất đi giá trị nghệ thuật của tác phẩm. 

Những buổi thảo luận ngay tại lớp, vấn đáp trực diện, suy nghĩ có thể bộc phát nhưng sau nhiều lần được “tra vấn” thì học trò lại diễn đạt cuộc sống một cách phong phú hơn thật nhiều. Các em cũng hào hứng hơn, tự tin hơn trong việc thuyết trình, tư duy, suy luận. Trong dạy học có những khoảnh khắc tôi trở thành chính người học của học trò mình. Thật ngạc nhiên bởi những kiến giải tuyệt vời của các em. 

Những ngày đầu có những uể oải, tẻ nhạt, có những bước tương tác ngập ngừng. Nhưng sau một tuần tất cả đã đi vào quỹ đạo, lấp đầy bằng sự sẻ chia kiến thức, trao đổi nhận thức, học trò tương tác cộng hưởng rất tích cực. Thậm chí tôi nói với trò ta giải quyết mọi việc ngay trên lớp nhưng trò xin thêm bài tập về nhà để làm thêm. 

Để thay đổi một thói quen xấu, anh đã dẫn đường và các học trò hưởng ứng ra sao? 

- Đầu tiên là lắng nghe mọi suy nghĩ tiêu cực của các em và vực dậy tinh thần bằng lý trí. Mỗi học trò trong từng hoàn cảnh tôi có cách trò chuyện khác nhau. Tôi thường tặng cho các em câu châm ngôn, mà chính nó cũng tác động đến thói quen hình thành nên thái độ với cuộc sống. 

Bạn vào lớp muộn, tôi nhắc vui “Điều kiện tất yếu của cử chỉ đẹp để xã hội sinh tồn là đúng giờ. Cảm giác đợi chờ nó không hạnh phúc lắm đâu, cố gắng nhé!”. Tôi chia sẻ chân tình với các em về trải nghiệm cuộc sống của bản thân, điều mà tôi đúc kết được sau lời dạy của Đức Phật: “Trên đời có hai hạng người đáng quý nhất, một là người không mắc phải lỗi lầm gì, hai là người có lỗi nhưng biết sai và sửa chữa”. Bạn đã đón nhận, quan trọng là cả lớp cùng vui vẻ và bạn có sự thay đổi tích cực sau đó. 

Quan trọng hơn, học trò của tôi cũng cùng nhau đóng góp. Bạn đề xuất tôi mở những bài hát có thông điệp rõ ràng và căng tràn sức sống. Tuần này tôi và các bạn lớp 10A2 của mình nghe bài rap “Tập thể dục” của Trịnh Trung Kiên, trong đó có một câu truyền cảm hứng cực kỳ đắt mà thầy trò tôi rất thích: “Thanh xuân còn đang phơi phới/ sao lại để cho mình nghỉ ngơi”. 

Tiết học kết thúc nhưng còn lại những thông điệp từ những câu chuyện, triết lý nhân sinh mà tôi và các em cần cảm nghiệm để vỡ vạc nhiều hơn. 

Cảm ơn anh về những chia sẻ đầy thú vị!


GNO

Các tin đã đăng: