Chuyện về chàng trai làm thương hiệu cho gạo Việt
Hạnh Ý
28/09/2016 18:47 (GMT+7)


Từ một doanh nghiệp chỉ “ngồi tại chỗ” cung cấp gạo thành phẩm cho thương lái, sau 4 năm điều hành, anh Huy đã chủ động tạo ra hệ thống cung ứng lúa gạo sỉ, lẻ rộng khắp các quận huyện trên địa bàn TP.HCM, các tỉnh miền Đông và hiện nay, thị trường mở rộng đến Quảng Nam, Đà Nẵng. 

Xây dựng thương hiệu cho gạo Việt

Ý thức được người kinh doanh lúa gạo sẽ góp phần làm nên thương hiệu cho gạo Việt, ngay từ những ngày đầu tiếp quản sự nghiệp truyền thống của gia đình, anh Huy đặt ngay câu hỏi: gạo Việt đi đến người tiêu dùng qua đường nào? Khác biệt nào, để người Thái Lan bán được Hom-mali (gạo nhài Thái) với giá trên 1.000USD/tấn, trong khi cùng là một loại gạo, VN chỉ tròm trèm 400USD? 


Trần Quốc Huy rời công việc chiến lược tại một ngân hàng 
và bắt tay vào việc xây dựng thương hiệu cho gạo Việt - Ảnh: Hạnh Ý

Qua một thời gian tìm hiểu, nghiên cứu và đi thực tế, anh cũng tìm ra được câu trả lời: “Sở dĩ Thái Lan phát triển được thương hiệu như vậy là ở cách họ khéo léo truyền đi thông điệp: Dưới 1 đô-la/kg, đó không phải là gạo nhài Thái chính hiệu và họ giữ khách bằng cách làm thương hiệu vì sản phẩm, là thứ được sinh ra từ nhà máy, còn thương hiệu, là thứ được sinh ra từ tâm trí của người tiêu dùng”. Kể từ ngày đó, anh vạch cho mình hướng đi mới: chú trọng xây dựng thương hiệu Mai Tư Hoảnh, dẹp đi quan niệm cạnh tranh gạo bằng giá rẻ và tập trung vào thị trường trong nước.

Chọn TP.HCM là điểm đầu tiên, anh mở chi nhánh bán gạo Việt với giá sỉ, lẻ cho các bà nội trợ, các xí nghiệp và quán cơm. Trong điều kiện trên thị trường xuất hiện nhiều loại gạo trôi nổi, với sản phẩm giá tốt, chất lượng, đặc biệt là hàng luôn mới, anh dần chinh phục được thị trường, thu hút được sự ủng hộ nhiệt tình của người tiêu dùng. Tiếng lành đồn xa và theo uy tín, người tiêu dùng truyền miệng với nhau, nhiều tiểu thương chủ động tìm đến anh để xin mở đại lý. Hiện nay, khắp nội ngoại thành TP.HCM, các tỉnh thành Quảng Nam, Đà Nẵng đều có chi nhánh kinh doanh gạo tươi Mai Tư Hoảnh.

Những người bạn thân thiết với anh Huy đều bảo anh kinh doanh rất giỏi, đầu tư nhẹ tênh nhưng gặp nhiều thuận lợi nhưng anh Huy khiêm nhường bảo: “Vì mình là người đi sau nên tiếp thu được nhiều kinh nghiệm của người đi trước. Cái gì không phù hợp thì mình bỏ ra, nhờ vậy mà đỡ mất thời gian, công sức chứ không hẳn là mình giỏi. 

Thật ra, những ngày đầu mở đại lý bán sỉ, lẻ mình cũng vô cùng khó khăn, vì nhiều người so sánh sao gạo cùng loại mà mình bán giá nhích hơn cửa hàng khác. Mình nhiệt tình tư vấn, bán từng túi gạo (5 ký) cho mọi người. Mừng là, khi mua về sử dụng rồi là lần sau họ quay lại, không bỏ đi”.

Cô Út, khách hàng thân thiết với anh Huy ở Bến Vân Đồn, P.4, Q.4 cho biết: “Ăn gạo đây quen rồi, cùng một giá nhưng gạo tài nguyên ở đây luôn ngon hơn chỗ khác bán nên nhà tui hết gạo là ra đây mua thôi. Thứ nhất là ăn gạo đây rất yên tâm, cứ qua tuần là có gạo mới từ nhà máy chở lên nên không sợ bị bán gạo tồn kho. Thứ hai là gạo Mai Tư Hoảnh do bà con đồng bằng sông Cửu Long mình trồng, gạo ngon, giá hợp lý thì mình ưu tiên ủng hộ sản phẩm của bà con mình”.

Phát triển nghề truyền thống gắn với du lịch

Yêu lúa gạo và có niềm đam mê muốn người Việt lựa chọn gạo Việt trong bữa cơm gia đình, với bất kỳ ai thiện chí, muốn tìm hiểu, quan tâm lĩnh vực sản xuất, kinh doanh gạo Việt, anh Huy đều chia sẻ kinh nghiệm, kiến thức về quy trình làm ra hạt gạo - nhất là với các bạn trẻ, sinh viên khối ngành kinh tế.

Đam mê đến mức, anh còn chủ động phối hợp với các bạn trẻ cùng quê thiết kế tour du lịch “Đi để học - Sông lúa Tiền Giang”, mời mọi người về chợ đầu mối Cái Bè - vựa lúa gạo lớn nhất đồng bằng sông Cửu Long tham quan, kết hợp tìm hiểu quy trình làm ra hạt gạo, để tình yêu nông sản quê hương được khơi dậy mạnh mẽ.

Chương trình tham quan nhà máy thu mua, xay xat, cung ứng, vận chuyển, lau bóng gạo được tổ chức định kỳ hàng tháng. Anh tâm huyết: “Lý do mình muốn mời mọi người về Cái Bè tham quan một mặt vì, VN là cường quốc lương thực số hai thế giới nhưng thiệt lạ là không nhiều công dân thật sự am hiểu quy trình sản xuất ra hạt gạo - thương phẩm của chính đất nước mình. Mặt khác, thông qua tour du lịch như thế này, mình muốn cống hiến một phần cho quê hương - khi vừa đem về ngân sách cho địa phương, vừa quảng bá hình ảnh tươi đẹp đến với bạn bè thập phương”. 


Tổ chức tour du lịch giúp các bạn trẻ tìm hiểu về quy trình sản xuất gạo Việt Nam

Có mặt tại các nhà xưởng, khách tham quan được quan sát tất cả các công đoạn xay xát từ hạt lúa trở thành hạt gạo theo quy trình khép kín. Đầu tiên, hạt lúa sẽ được thương lái vận chuyển đến các nhà máy chà gạo, tách vỏ trấu để lấy gạo thô bán cho các doanh nghiệp lau bóng gạo. 

Gạo thô trước khi được thu mua, những người có kinh nghiệm tại nhà máy lau bóng kiểm tra kỹ từng bao gạo, từ độ ẩm, độ giòn của gạo và nấu tại chỗ, nếu gạo đạt chuẩn mới thâu vào. Sau đó, gạo được đưa vào máy xát trắng, tách cám, lau bóng, tách màu và sản phẩm cuối cùng đóng gói là những hạt gạo chất lượng nhất, đều hạt, thơm thoảng hương tự nhiên.

Chăm chú lắng nghe anh Huy giới thiệu về quy trình sản xuất ra hạt gạo thành phẩm, bạn Nhật Hạnh cẩn thận chép lại từng chữ vào quyển sổ nhỏ và thích thú chụp hình từng công đoạn. Nhật Hạnh bảo: “Có đi thực tế mới thấy và biết rằng, dọc cù lao Tân Phong, bên dòng sông Tiền, giáp ranh ba tỉnh Tiền Giang, Bến Tre, Vĩnh Long này đang tồn tại biết bao niềm ước vọng của những người nông dân, những doanh nghiệp vừa và nhỏ đang vươn lên từ nội lực, sáng tạo, thao thức từng ngày mong muốn làm giàu cho đất nước bằng chính nghề truyền thống ông cha truyền lại.

Nhìn những hạt lúa óng ánh nắng vàng trĩu nặng phù sa, những hạt gạo trắng tựa bông dâng đời, cảnh buôn bán tấp nập trên bên dươi thuyên, xe tải chở gạo nhộn nhịp trên một đoạn đường dài cả cây số quanh chợ Cái Bè, tôi rất thích”. 

Tuổi trẻ là tuổi của hoài bão và anh Huy thật sự là một người như vậy. Tuy nhiên, điểm khác biệt trong niềm đam mê, nhiệt huyết của anh với một bộ phận bạn trẻ hiện nay là, anh dành phần lớn thời gian cho những chiến lược kinh doanh hiệu quả để có điều kiện hơn trong việc giúp đỡ đồng bào mình. 

Trò chuyện cùng các cộng sự làm việc cùng anh Huy, người viết được biết thêm rằng, không những quan tâm, trăn trở tìm hướng đi cho hạt gạo quê hương, anh Huy còn trích một phần lợi nhuận, cung cấp gạo từ thiện giá gốc cho các cá nhân, đoàn thể có nhu cầu và vận chuyển trực tiếp đến nơi thực hiện chương trình để tiết kiệm tối đa các chi phí trung gian.

Những việc làm có chủ đích của anh như mạch nước trĩu nặng phù sa đang lặng lẽ chảy về nguồn, góp phần vun bồi cho dòng sông quê hương thêm tươi mát, căng tràn sức sống. Tâm hồn đôn hậu và tình yêu anh Huy hướng về quê hương, ngành nghề truyền thống mà ông cha để lại thật đáng quý, trân trọng vì không phải doanh nhân nào cũng có, bạn trẻ nào ở độ tuổi 32 như anh cũng làm được. 

Như lời chú Hai Công, thương lái từ Vĩnh Long đến chợ đầu mối Cái Bè buôn gạo tâm đắc: “Trong một đất nước có nhiều người nghĩ lớn, trong một doanh nghiệp sản xuất lúa gạo có nhiều người nghĩ lớn, dám làm như Giám đốc doanh nghiệp Mai Tư Hoảnh và nếu được sự ủng hộ của Chính phủ, của xã hội, tôi tin sản xuất lúa gạo của VN sẽ phát triển hơn nữa, chắc chắn VN sẽ làm nên những thương hiệu lúa gạo xứng tầm”.

Các tin đã đăng: