Anh Nguyên Hữu chia sẻ công ty anh làm việc ở TP.Thủ Đức, ảnh hưởng của dịch bệnh nên đóng cửa, ở nhà đọc tin tức thấy các y bác sĩ, các điều dưỡng, tình nguyện viên, các chiến sĩ họ xông pha tuyến đầu chống dịch cực quá.
Thấy bản thân mình biết lái xe có thể hỗ trợ việc chở bệnh nhân đi viện, hoặc cũng có thể phục vụ về hậu cần. “Thứ nữa là tôi có bằng điều dưỡng (học tại Trung tâm Đào tạo Bồi dưỡng Cán bộ Y tế TP.HCM nay Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch đi làm mấy năm thì anh nghỉ vì mưu sinh) thấy mình cũng có thể giúp cho xã hội, cộng đồng, giúp đỡ cho các lực lượng tuyến đầu bớt được vất vả một chút nên tôi đăng ký tham gia”, anh Nguyên Hữu chia sẻ.
|
Hỗ trợ tiêm vắc-xin tại địa bàn quận 1 |
Công việc mỗi ngày
Bắt đầu công việc tại Trung tâm Y tế quận 1 từ ngày 20-8, hỗ trợ tiêm vắc-xin cho người dân tại phường Tân Định, quận 1, TP.HCM. Từ ngày 23-8, anh bắt đầu hỗ trợ xét nghiệm lấy mẫu tầm soát Covid-19 diện rộng trên địa bàn quận 1.
Anh Nguyên Hữu cho biết thường từ 8 giờ bắt đầu công việc tại địa bàn cho tới khi nào tầm soát xong thì về. Có nơi bà con hợp tác thì sẽ được về sớm, có nhiều nơi phải giải thích nhiều lần bà con mới chịu xét nghiệm thì sẽ về muộn hơn.
Như hẻm ở đường Điện Biên Phủ, phường Đa Kao, quận 1, hôm xuống lấy mẫu xét nghiệm tầm soát Covid-19, đa phần bà con hoan nghênh, nhưng có một số vị nói, "tôi đâu có bệnh đâu mà lấy xét nghiệm, nên tình nguyện viên phải hết sức nhẹ nhàng giải thích phân tích cho người ta hiểu, để họ hợp tác lấy mẫu xét nghiệm".
"Có ngày đi tầm soát ở khu dân cư đường Nguyễn Bình Khiêm, có những trường hợp họ bị bệnh mà không biết, có tới mười mấy ca F0. Nhiều vị bị bệnh cũng mặc cảm, nên mình phải nhẹ nhàng không nói nặng gì đến họ, dặn họ ở trong nhà, đeo khẩu trang, ăn riêng, ở riêng một phòng, chuẩn bị sẵn đồ để xe tới đưa họ đi đến bệnh viện điều trị”, anh Nguyên Hữu chia sẻ.
Có những hôm đi lấy mẫu tầm soát gặp gia đình có em bé nhỏ bị dương tính, rồi có những trường hợp người lớn tuổi bị F0 “làm cho tôi xúc động và thương lắm”, anh Nguyên Hữu nói.
Nhưng cũng có ngày, niềm vui làm việc được nâng lên khi có những trường hợp sau 2, 3 lần test thì âm tính, có những hẻm sau nhiều lần test thì âm tính được gỡ phong tỏa, "chúng tôi mừng vì nhiều người hết bệnh”, anh Nguyên Hữu bày tỏ.
|
Trong khi chờ được chấp nhận đơn tình nguyện viên, anh Nguyên Hữu kết nối với mạnh thường quân tặng quà cho người khó khăn khu cách ly |
"Tôi sẽ đăng ký tình nguyện viên cho tới khi nào hết dịch"
Trước khi bắt đầu công việc vào các tổ dân phố xét nghiệm tầm soát Covid-19 “chúng tôi đều mặc đồ bảo hộ trước, đeo khẩu trang N95, kính chống giọt bắn, găng tay, dù là vùng xanh hay vùng đỏ thì đều mang đồ bảo hộ. Xong việc cởi đồ bảo hộ ra, khử khuẩn toàn bộ người, sau khi cởi ra thì đồ bảo hộ đựng một túi riêng, và mang về Trạm Y tế xử lý riêng”, anh Nguyên Hữu cho biết.
"Đi tình nguyện bản thân phải chấp nhận lăn xả, huy sinh một chút, vì khi mặc bộ đồ bảo hộ thì rất nóng, mồ hôi ướt sũng, xuống địa bàn tiêm chủng hoặc tầm soát thì phải chấp nhận nhịn khát, cho tới khi hoàn thành nhiệm vụ, cởi bộ đồ chống khuẩn ra thì mới được uống nước, chứ không phải khát là mở ra uống nước thì chính mình bị lây nhiễm và bỏ luôn bộ đồ", anh Nguyên Hữu chia sẻ.
Tình nguyện viên chống dịch có nhiều việc, nếu không có chuyên môn điều dưỡng thì sẽ hỗ trợ ghi tên, ghi số nhà, họ tên, điện thoại, của hộ dân đó người nhà gia đình đó. Còn có chuyên môn thì lấy mẫu xét nghiệm hoặc hỗ trợ tiêm vắc-xin.
"Mỗi tình nguyện viên đều có thể ghi nguyện vọng 1 tháng, 2 tháng, còn tôi đăng ký cho tới khi nào hết dịch thì thôi. Có thể đi tình nguyện tất cả các quận chứ không chỉ quận 1. Tôi cũng may mắn, đi như vầy vợ ở nhà cũng rất ủng hộ và cũng hiểu được tâm ý nên tôi cũng yên tâm tham gia công tác tình nguyện", anh Nguyễn Hữu bày tỏ.