Tập cách sống hiểu và thương để lan tỏa tinh thần tương thân tương ái trong xã hội (Thông Bảo) - Audio
Ngày nay, nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta đã phát huy được một số giá trị đạo đức truyền thống và sản sinh ra những giá trị mới, nhưng mặt khác nó lại đối diện với một số cực đoan như quá sùng thượng giá trị vật chất, vô trách nhiệm với cộng đồng. Vì vậy, hơn bao giờ hết, con người cần phải tỉnh táo để nhận ra thực trạng đau lòng này mà sống với tinh thần tương thân tương ái. Tinh thần tương thân tương ái thực sự có giá trị khi con người biết thấu cảm và yêu thương trong cuộc sống, nó sẽ không có giá trị nếu căn bệnh vô cảm ngày càng gia tăng. Nếu ví cuộc đời này là một trường ca bất tận thì có lẽ, nghệ thuật sống hiểu và thương là một nốt trầm sâu lắng chứa đựng giá trị nhân sinh sâu sắc về cách ứng xử của con người trong cuộc sống. Từ đây, mỗi con người sẽ là một đóa hoa để lan tỏa tinh thần tương thân tương ái, giúp cho xã hội ngày một tốt đẹp hơn.
HIỂU VÀ THƯƠNG CHÍNH LÀ NGHỆ THUẬT SỐNG
Món quà to lớn mà chúng ta có thể trao tặng cho người khác là sự thấu hiểu nỗi đau của họ. Hiểu là nền tảng để có tình yêu thương vững chắc. Càng thấu hiểu nhường nào ta càng biết yêu thương chừng ấy. Muốn hiểu được người khác, ta cần đặt bản thân mình vào hoàn cảnh của người đó và đứng trên nhiều phương diện để thấu cảm. Không thể chỉ đứng từ phương diện cá nhân mình mà đánh giá, bình phẩm người khác. Khi ta biết lắng nghe bằng trái tim sẽ tạo cho đối phương một cảm giác an toàn, như vậy họ mới đủ can đảm để chia sẻ khó khăn với chúng ta. Khi đã hiểu thì bất cứ một hành động, lời nói, cử chỉ nào cũng giúp làm vơi đi nỗi buồn và gia tăng hạnh phúc cho người khác. Bằng cách đó, ta mới có cơ hội để che chở cho họ bằng tất cả tình thương, tất cả mọi phương tiện sẵn có.
Nếu biết lắng nghe và quán chiếu sâu sắc, tâm từ bi sẽ khởi lên. Tâm bi (Karunà) là sự cảm thông, bi mẫn, thương xót trước sự đau khổ của tha nhân. Đặc tính của tâm bi là lòng trắc ẩn đối với nỗi đau khổ của tất cả chúng sanh trên thế gian. Khi có lòng trắc ẩn đối với mọi nỗi khổ, ta sẽ có ước mong chân thành đối với người đang chịu cảnh khổ và mong họ có được một đời sống an lành, đây chính là tâm từ (metta). Tâm từ và tâm bi có phạm vi rộng lượng bao la không giới hạn. Như vậy, khi thấu hiểu cuộc đời dưới con mắt từ bi, ta sẽ biết tận dụng những điều kiện có thể để làm cho cuộc đời vơi bớt đi các thảm họa mà con người phải gánh chịu.
HIỂU MỚI THƯƠNG
Nếu chỉ thương mà không hiểu cũng dễ dẫn đến tiêu cực trong giá trị của tinh thần tương thân tương ái, cho nên để có một tình thương vô điều kiện, trước tiên ta phải biết thực tập lắng nghe và thấu hiểu. Hiểu biết là trí tuệ và yêu thương là từ bi. Tình thương phải gắn liền với sự hiểu biết, cũng giống như từ bi phải đi đôi với trí tuệ. Nếu không thấu hiểu một cách sâu sắc thì tình thương đó không phải là tình thương đích thực, sẽ không mang lại tự do cho người mình thương mà ngược lại còn gây ra khổ đau cho họ. Cho nên không thể gọi là thương nếu ta chỉ biết quan tâm đến những nhu cầu dục vọng của bản thân mình. Khi con người được sống trong tình yêu thương vô điều kiện thì các phiền não, đau khổ, hận thù, oán ghét sẽ dần được nhẹ bớt. Thay vào đó là sự hạnh phúc, yêu đời, cuộc sống nhẹ nhàng hơn.
Qua đây có thể thấy, biết thực tập nghệ thuật sống hiểu và thương trong cuộc sống hằng ngày thực sự rất cần thiết. Khi không có hiểu và thương tức tinh thần tương thân tương ái cũng sẽ không hiện diện, nếu có hiện diện cũng chỉ là về mặt hình thức mà thôi. Nếu mọi người biết nhìn nhận sự có mặt trong nhau (trí tuệ), biết thương yêu nhau như ruột thịt (từ bi), chúng ta sẽ không bao giờ có tư tưởng làm hại người, hại mình, mà ngược lại biết làm thế nào để đưa đến lợi lạc cho cả hai bên. Cho nên, để tinh thần tương thân tương ái được lan tỏa một cách rộng rãi, thể hiện hết giá trị nhân văn của nó, không gì hơn là mỗi người phải biết thực tập nghệ thuật sống hiểu và thương.
Cách thực tập được tóm gọn trong bài kệ sau đây của Thiền sư Thích Nhất Hạnh:
Nguyện học nhìn cuộc đời
Bằng con mắt quán chiếu
Nguyện xin tìm hiểu
Nỗi khổ của mọi loài
Tập từ bi
Hành hỷ xả
Sáng cho người thêm niềm vui
Chiều giúp người bớt khổ.
CÙNG NHAU LAN TỎA TINH THẦN TƯƠNG THÂN TƯƠNG ÁI
Tương thân tương ái là sự quan tâm, yêu thương, giúp đỡ lẫn nhau trong cuộc sống giữa con người với con người. Giúp đỡ trên tinh thần hiểu biết, cảm thông và hoàn toàn tự nguyện, không mang tính ép buộc, không vụ lợi cá nhân. Khi mỗi người đều thực tập nghệ thuật sống hiểu và thương thì việc lan tỏa tinh thần tương thân tương ái không phải là việc quá khó khăn.
Mỗi con người sinh ra trên cuộc đời này đều có những nỗi niềm riêng. Nếu chúng ta sống mà không hiểu cho nhau sẽ tạo nên vô vàn oan trái, ngột ngạt, khó chịu. Đã không ít người gặp khó khăn trong cuộc sống, rơi vào hoàn cảnh bế tắc khi không được sự quan tâm giúp đỡ của mọi người xung quanh. Biết bao nhiêu chuyện thương tâm xảy ra bắt nguồn từ sự vô cảm của con người. Con người không mảy may rung cảm khi chứng kiến những việc thương tâm đang xảy ra trước mắt. Để không bỏ rơi bất kỳ ai trên cuộc đời này, tương thân tương ái phải là ngọn lửa sưởi ấm trong cuộc đời mỗi người, mỗi gia đình, cũng như toàn xã hội.
TƯƠNG THÂN TƯƠNG ÁI TỪ GIA ĐÌNH ĐẾN XÃ HỘI
Tương thân tương ái giúp cho xã hội xây dựng tình đoàn kết giữa con người với con người, tránh sự xung đột chia rẽ. Nhưng làm cách nào để nâng cao tinh thần này và lan tỏa nó một cách hiệu quả. Trước tiên nó phải xuất phát từ sự thấu hiểu và yêu thương trong gia đình. Con cái phải biết vâng lời, hiếu thảo với ông bà, cha mẹ. Cha mẹ phải thấu hiểu nguyện vọng và khó khăn để yêu thương, giúp đỡ con cái. Trách nhiệm của người lớn là giáo dục con cái biết nhận và cũng biết cho, đó vừa là trách nhiệm vừa là tình cảm. Nếu được giáo dục biết thấu hiểu và cảm thông ngay từ gia đình thì chắc chắn rằng sau khi lớn lên, mỗi đứa trẻ sẽ biết cống hiến, đồng cảm, giúp đỡ cho xã hội, có trách nhiệm với cộng đồng hơn. Nếu trong gia đình, cha mẹ và con cái không thấu hiểu nhau thì làm sao có tình thương trọn vẹn được. Niềm tin bị đánh mất ngay từ gia đình thì không thể giúp ích cho xã hội. Vì vậy, một xã hội muốn thực sự vững mạnh, biết đùm bọc lẫn nhau thì phải xuất phát từ gia đình biết sống có hiểu và thương.
Gia đình hạnh phúc, xã hội sẽ hạnh phúc và ngược lại. Muốn được như vậy, hàng xóm láng giềng phải xây dựng lối sống “tối lửa tắt đèn có nhau”, nâng cao tình đoàn kết ở nơi mình sinh sống. Để tăng trưởng tinh thần tương thân tương ái, mỗi cá nhân phải thường xuyên tham gia các phong trào đền ơn đáp nghĩa, làm công tác thiện nguyện để tạo ra mối liên hệ mật thiết giữa con người với con người, có điều kiện tiếp xúc cảm thông với nhau. Không thể phủ nhận rằng, ở đâu tinh thần tương thân tương ái được nhân rộng thì ở đó xã hội được tốt đẹp hơn.
Xung quanh chúng ta có rất nhiều hoàn cảnh khó khăn đang chờ ta dang rộng vòng tay giúp đỡ. Sự hạnh phúc của người này cũng liên hệ đến sự hạnh phúc của người kia. Cùng chung tay chia sẻ với những người đang lâm vào khó khăn hoạn nạn chính là cách để chúng ta lan tỏa những giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam. Nếu mỗi người đều có cái nhìn cảm thông và thương yêu thì bức thông điệp tương thân tương ái ngày càng lan tỏa, tạo ra sức mạnh đẩy lùi căn bệnh vô cảm và vượt qua khó khăn thử thách.
TƯƠNG THÂN TƯƠNG ÁI TẠO NÊN SỨC MẠNH
Theo giáo lý Duyên khởi của Phật giáo, cuộc sống là sự hỗ tương qua lại với nhau. Cho nên phải biết cách liên đới kết hợp với cộng đồng, như vậy sẽ tạo ra sức mạnh tập thể mới cùng nhau vượt qua khó khăn. Sức mạnh tương thân tương ái của dân tộc Việt Nam được biểu hiện rõ ràng nhất qua những đợt ủng hộ miền Trung khắc phục hậu quả do thiên tai hay gần đây nhất là đất nước đang chiến đấu với đại dịch COVID-19. Sự bùng phát của dịch bệnh COVID-19 thời gian gần đây khiến cho các hoạt động của xã hội bị đình trệ, kinh tế, đời sống của Nhân dân bị ảnh hưởng. Nhưng chính trong thời điểm này, tinh thần tương thân tương ái được đẩy lên cao độ, chính sức mạnh này là “liều vaccine tinh thần” giúp cho đất nước Việt Nam nhanh chóng đẩy lùi dịch bệnh. Mặc dù trong thời điểm dịch bệnh hoành hành khốc liệt, ai cũng gặp khó khăn nhưng có thể ví von rằng, với tinh thần “Lá lành đùm lá rách” thì những “lá rách ít” vẫn sẵn sàng góp công, góp của để bảo vệ cho “lá rách nhiều”. Những chương trình như “bếp lửa từ bi”, “siêu thị 0 đồng”, “chuyến xe nghĩa tình”,… không ngừng lan tỏa, nhân rộng tới các địa phương chịu tác động nặng nề của dịch bệnh. Đặc biệt là sự xông pha hăng hái của chư Tôn đức Tăng, Ni hỗ trợ từ vật chất đến tinh thần, từ thiện nguyện đến chăm sóc y tế, giúp đỡ người dân vùng dịch bệnh là minh chứng cho tinh thần tương thân tương ái của Phật giáo trong lòng dân tộc. Qua đây có thể thấy, sự đồng lòng từ Chính phủ, tôn giáo, các tổ chức thiện nguyện cho đến các cụ già, em nhỏ, mỗi người bằng những hành động sáng tạo thiết thực đã tạo nên một sức mạnh chung cho dân tộc, mở ra cánh cửa hy vọng vào một ngày mai tươi sáng.
Mỗi khó khăn đi qua, tình keo sơn càng thắt chặt. Khi con người biết thấu hiểu với nhau thì ngày càng có nhiều hành động thiết thực ý nghĩa để thể hiện tình thương. Truyền thống tương thân tương ái đã được cha ông ta giữ vững và phát huy qua nhiều thế hệ. Chúng ta là thế hệ kế thừa phải cố gắng phát huy mạnh mẽ truyền thống này hơn nữa để nhắc nhở mọi người rằng, bất cứ ai cũng phải sống có trách nhiệm với cộng đồng và xã hội.
KHÔNG CHỈ LÀ CHO ĐI, MÀ CẦN PHẢI TINH TẾ
Như trên đã trình bày về nội dung và ý nghĩa của tinh thần tương thân tương ái, tiếp theo để kéo lý tưởng về hành động, thiết nghĩ cũng phải trình bày vài ý về cách vận dụng tinh thần này sao cho phù hợp.
Trong Phật giáo, hình ảnh Bồ tát Quán Thế Âm nghìn mắt nghìn tay đã nói lên ý nghĩa rất thâm sâu. Nghìn cánh tay tượng trưng cho năng lực độ sinh, phương tiện thiện xảo; nghìn con mắt tượng trưng cho trí tuệ. Từ bi phải đi cùng trí tuệ. Nếu không có trí tuệ và phương tiện thiện xảo thì lòng từ bi không thể phát huy ý nghĩa, giá trị. Sống biết cho đi, biết chia sẻ những gì mình có để giúp người khác vượt qua khó khăn thử thách là một hành động cao quý. Nhưng không phải vì vậy mà ta cho đi một cách tùy tiện, phải tùy từng hoàn cảnh của mỗi người mà có sự cho đi phù hợp.
Trong bài hát Để gió cuốn đi, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã tinh tế khi viết: “Hãy nghiêng đời xuống, nhìn suốt một mối tình, chỉ lặng nhìn không nói năng. Để buốt trái tim, để buốt trái tim”. Cho đi phải phát xuất từ sự rung cảm của mình trước nỗi khổ của người khác, được thúc đẩy bởi tâm từ bi. Xã hội này còn tồn tại rất nhiều những mảnh đời bất hạnh, họ cần lắm sự giúp đỡ, sẻ chia từ cộng đồng, họ cần lắm một ánh lửa sẻ chia từ chúng ta. Vì vậy, cho đi không chỉ đơn giản là cho đi tài sản, tiền bạc, đôi khi chỉ là cái nắm tay thật chặt, cái vỗ vai, lời an ủi, động viên cũng phần nào giúp họ. Quan trọng phải cho đi một cách tinh tế. Cho đi nhưng vẫn giữ danh dự và nhân phẩm cho người cần trợ giúp. Nói chung, mỗi người đều vô cùng giàu có và chúng ta có thể san sẻ với người khác bất cứ lúc nào. Chẳng gì có thể ngăn được những hành động xuất phát từ đáy lòng cảm thông từ trái tim thổn thức. Chúng ta có thể học hạnh cho đi từ kinh Bát đại nhân giác: “Bồ tát bố thí với tâm bình đẳng, không phân biệt kẻ thân người thù, chẳng nhớ nghĩ đến điều ác cũ mà người đã làm, chẳng ghét người xấu ác”. Khi cho đi, không cần phân biệt người được nhận là ai, thuộc thành phần nào trong xã hội, giàu hay nghèo. Không xem thường người nhận cũng không có ý niệm mình là người ban ơn, người kia là kẻ thọ ơn. Đặc biệt, trước trong và sau khi cho lời nói, thái độ, cử chỉ hay hành động không được xúc phạm, gây tổn thương người nhận. Đây mới là giá trị nhân văn cao thượng nhất của tinh thần tương thân tương ái.
Tóm lại, tình tương thân tương ái nếu được xây dựng vững chắc trên nền tảng hiểu và thương sẽ càng tỏa sáng hơn bao giờ hết. Khi ta biết mở rộng vòng tay với người khác cũng chính là chúng ta tự thương lấy mình, không được để cho sự vô cảm lấn át giá trị truyền thống. Hiểu và thương là hai nhân tố quan trọng để tạo nên sự tương thân tương ái giúp cho một xã hội an vui, một đất nước hòa bình. Nếu trong cuộc sống, tinh thần tương thân tương ái được thực tập bằng sự thấu hiểu và yêu thương thì xã hội sẽ không còn những mảnh đời bất hạnh, không còn những tệ nạn xã hội như vậy chẳng khác nào chúng ta đang kiến tạo nhân gian tịnh độ. Vì vậy, hơn lúc nào hết, sự thực tập hiểu và thương phải được nâng cao lên thành ý thức tự giác ở mỗi con người, từ đó mới có thể lan tỏa tinh thần tương thân tương ái trong xã hội.