Thiêng liêng tình thầy
Hạnh Ý/ Báo Giác Ngộ
29/12/2021 17:17 (GMT+7)

Tiếng nói cười hồn nhiên của các chú tiểu và sự tỉ mỉ, ân cần của Sư cô Đồng Điền tạo nên một hình ảnh đẹp ở chốn thiền môn mà có lẽ ai bắt gặp cũng dễ khiến lòng thêm ấm áp, bình yên. 


Hình ảnh thường nhật tại chùa Quảng Phước, Sư cô Đồng Điền chăm sóc cho các đệ tử 

Mái ấm 

Chùa Quảng Phước, xã Tân Xuân, huyện Hàm Tân, tỉnh Bình Thuận, những năm qua được nhiều người biết đến là điểm tựa của các trẻ mồ côi. Nói về nhân duyên đưa đến việc nhận nuôi các cháu, Sư cô Đồng Điền, trụ trì chùa Quảng Phước, Trưởng Phân ban Ni giới Phật giáo huyện Hàm Tân, nhớ lại: “Ngày xưa, tôi không nghĩ mình sẽ nuôi trẻ mồ côi. Nhưng tự nhiên duyên tới, ngày kia có người bỏ con trước cửa chùa...; rồi thêm lúc khác, có Phật tử thấy trẻ bị bỏ rơi, họ đem đến, quay lưng không đành, nên tôi cứ vậy nuôi miết”. 

Tính lại suốt 30 năm qua, Sư cô Đồng Điền đã nhận nuôi gần 20 trẻ mồ côi. Những đứa trẻ bị bỏ rơi ở chùa hầu hết chỉ được hai, ba ngày tuổi. Sư cô cho biết: “Lớp đầu tiên tôi nhận nuôi, có em xuất gia, giờ đã trở thành Đại đức”. 

Ở ngôi chùa này, các cháu được để chỏm làm tiểu, nhưng vẫn ưu tiên chuyện học ở trường, và tùy theo lứa tuổi được dạy niệm Phật, học thuộc lòng Thập chú, chú Đại bi và các bài sám hối. Mỗi ngày, theo thời khóa biểu, buổi sáng các chú tiểu được vệ sinh sạch sẽ, ăn sáng rồi dắt nhau đến trường. Chú tiểu Chúc Phúc hào hứng kể: “Con nhỏ nhất, con nắm tay các chị khi qua đường. Các cô Phật tử đi phía sau canh chừng. Khi học xong, chúng con lại nắm tay nhau về chùa với sư phụ”. 

Chiều tối khoảng 7g, sau thời kinh, từ bên hông chánh điện, chúng tôi nghe tiếng Sư cô Đồng Điền dò bài, đôn đốc các chú nhỏ tập viết chữ, làm bài tập. Khi được hỏi lý do vì sao không để các chú lớn dò bài cho các chú nhỏ, Sư cô bảo: “Phải theo sát từng đứa một, ngồi bên cạnh mới biết được các em cần gì. Nuôi một đứa trẻ, người thầy không phải chỉ cho ăn, cho mặc là xong, mà quan trọng phải yêu thương, hướng dẫn để các em hình thành nhân cách, sống cho tốt”. Với suy nghĩ như vậy, Sư cô Đồng Điền luôn có mặt bên cạnh các tiểu, mỗi đêm sau khi các chú học bài xong hết rồi, Sư cô mới đi ngủ. 

Cô Hồng, bà nội của chú tiểu Chúc Nga, cảm kích: “Cháu mồ côi cha, hai vợ chồng tôi nuôi nhưng mấy năm nay, vợ chồng tôi bệnh nặng, sợ có gì thì khổ cho cháu, nên tôi mới gửi sư phụ. Tôi thương và biết ơn sư phụ nhiều lắm”. Từ khi gửi cháu ở chùa, ngày nào không đau nhức vì bệnh tuổi tác, vợ chồng cô Hồng luôn vào chùa để công quả, thăm cháu. 

Tình thầy 

Cô Nguyên Xuân, 63 tuổi, một Phật tử ở chùa 18 năm nay, sát cánh cùng với Sư cô Đồng Điền trong việc nuôi nấng trẻ mồ côi, cho hay: “Sư phụ thương các em lắm, lúc nào cũng sửa soạn sạch sẽ, để ý trong tầm mắt. Ngày đêm gì các em mà bệnh thì thức canh suốt”. 

Không có đất vườn để làm kinh tế, chỉ nhờ vào tịnh tài Phật tử cúng dường, Sư cô Đồng Điền vẫn ưu tiên lo cho các chú tiểu đi học. Cũng chính vì vậy, ngôi chùa Quảng Phước dù được Sư cô khởi công xây dựng lại nhưng 11 năm rồi vẫn chưa xong. “Tại vì mình cứ lóc cóc leng keng làm chứ không biết xin ai hết. Được đồng nào tích góp, chắt mót thì làm đồng đó, cho nên chùa xây hơi lâu”, Sư cô Đồng Điền chia sẻ. 

Đối với Sư cô Đồng Điền, trong vai trò người thầy, không có niềm vui nào bằng việc thấy các đệ tử chăm học, chăm tu. Nhắc đến thành tích học tập của các chú, ánh mắt Sư cô hiện lên niềm tự hào khôn tả xiết: “Mấy em lớn đều thành tài hoặc tu hành rất tốt, em nào cũng giỏi giang. Chúc Xuyên học giỏi từ lớp 1 đến lớp 12, rồi học trung cấp Phật học năm nào cũng lãnh phần thưởng thủ khoa. Còn một chú nữa đang học Trường Trung cấp Phật học TP.HCM, mới vừa rồi đứng hạng ba của trường. Có một chú đang gửi ở Phan Rang, năm nay lên lớp 11, cũng chăm học lắm. Các chú tiểu cũng học giỏi, ngoan, em nào cũng siêng công phu”. 

Khi hỏi về mong ước của mình, Sư cô tâm sự: “Tôi chỉ mong cho mấy chú học tập tốt, tu thân cho tốt, sau này có thể lo cho mình”. Vừa là thầy, vừa là cha và cũng là mẹ, Sư cô Đồng Điền còn chứng minh cho lễ “hằng thuận” - lấy vợ lấy chồng, đối với các em không đi tiếp con đường tu hành khi chúng trưởng thành. “Không đủ nhân duyên tu học thì các em ra đời lập gia đình, mình cũng hy vọng người ta thương nó như con cái của họ. Còn em nào tu hành được thì mình cũng cố gắng tạo điều kiện tốt nhất cho nó”, Sư cô cho biết. 


Các tin đã đăng: