Người tu sĩ đã thành chiến sĩ
Trần Nguyên Anh/Tiền Phong
31/12/2021 09:33 (GMT+7)

Ngày 22/9/2021, Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM tổ chức lễ xuất quân cho 19 tình nguyện viên tôn giáo, trong đó có 7 tình nguyện viên Phật giáo và 12 tình nguyện viên Công giáo tham gia hỗ trợ lực lượng tuyến đầu điều trị COVID-19 tại Bệnh viện điều trị COVID-19 Trưng Vương và Bệnh viện Nhân dân Gia Định.


Đây là cuộc xuất quân lần thứ 7 của giới tu sĩ xung phong vào tuyến đầu chống dịch tại TPHCM. Nhiều tỉnh thành khác, các vị tu sĩ cũng đang có mặt ở nơi nước sôi lửa bỏng…

Quyết định “Đột phá”

Việc các tu sĩ phục vụ trong bệnh viện dã chiến tại quận 7, TPHCM, được xem là một sự kiện mang tính đột phá. Bởi chính lãnh đạo quận 7, TPHCM đã có ý tưởng kêu gọi các tu sĩ tôn giáo tới làm tình nguyện viên cho Bệnh viện dã chiến quận 7.

Linh mục Giuse thậm chí phân vân không biết các vị linh mục có làm được việc tại quận 7 hay không vì đây là bệnh viện tuyến quận, nhưng trước sự quyết tâm của lãnh đạo quận, các tôn giáo đã nhanh chóng đưa tình nguyện viên vào tuyến đầu.

Bà Nguyễn Thị Bé Ngoan, Phó Chủ tịch UBND Q.7 nói rằng, lãnh đạo quận cũng rất lo lắng cho sự an toàn của các tình nguyện viên là tu sĩ, nhưng toàn bộ các tình nguyện viên đều đã an toàn.

Quận 7, TPHCM là một trong hai địa phương công bố sớm nhất việc kiểm soát dịch bệnh COVID-19 và hiện đang được thành phố cho thí điểm trở lại trạng thái “bình thường mới”. “Kết quả tốt đẹp này có sự đóng góp của quý vị tình nguyện viên các tôn giáo”. Cảm động là dù dịch bệnh đã được khống chế, nhưng vẫn có 4 vị tu sĩ xung phong ở lại thêm một tháng nữa tại Bệnh viện dã chiến quận 7.

Từ cuối tháng 7/2021 tới nay, nhiều bệnh viện đã đón lực lượng tình nguyện viên đặc biệt từ cộng đồng tôn giáo do Mặt trận Tổ quốc TPHCM tổ chức chi viện.

Bác sĩ Chuyên khoa II Vương Trọng Hiếu, Phó Giám đốc Bệnh viện Dã chiến số 16 nhận xét: “Ban đầu, bệnh viện rất bối rối lo lắng khi tiếp nhận 62 tu sĩ – những người có rất ít chuyên môn, tôi không biết sẽ phân công cho các tu sĩ như thế nào. Nhưng tôi đã rất bất ngờ trước sự hội nhập và cách phục vụ của các tu sĩ. Họ hoà nhập rất nhanh và phục vụ rất tốt, kể cả việc trực tiếp chăm sóc bệnh nhân, thăm hỏi, động viên”.

TS.BS Đỗ Ngọc Sơn – Phó giám đốc Trung tâm Cấp cứu A9 Bệnh viện Bạch Mai nhận xét rằng: “Các sơ, các thầy đã rất nhiệt tình, hết lòng”.

Sự hòa đồng trong đại dịch

Một người dân là công giáo cho biết trước đây hình ảnh vị linh mục tiêu biểu trong anh là “chiếc áo cổ cồn hay chiếc áo chùng thâm”, nhưng trong các bệnh viện dã chiến, tất cả mọi người đều chung nhau một bộ đồng phục bảo hộ.

Chỉ khi nhìn kỹ những dòng chữ viết vội sau lưng các tình nguyện viên, người ta mới nhận ra đó là các nhà sư, các vị linh mục. Tác giả Hoàn Phạm (Hội Thừa Sai Việt Nam) viết trong một bài báo nhận xét: “Bên cạnh việc mục vụ của một linh mục, các linh mục cũng hăng say trong công việc của một thiện nguyện viên. Các cha không ngại làm những việc bình thường như dọn rác, lau nhà, đưa thức ăn đồ uống cho bệnh nhân, thay đồ, cắt tóc cạo râu cho bệnh nhân”.
“Khi làm thiện nguyện viên, tôi có làm việc chung với nhiều y bác sĩ là người Công giáo tại bệnh viện Hồi sức cấp cứu. Tôi thấy họ vất vả làm việc, không than vãn, cố gắng hết sức để cứu sống bệnh nhân qua cơn nguy kịch, âm thầm cầu nguyện cho các bệnh nhân sắp ngưng thở…” – tình nguyện viên Antôn Chung Chí Tâm chia sẻ. Một thầy linh mục cho biết: “Nhiệm vụ của chúng tôi là thay oxy, đẩy oxy, cho bệnh nhân ăn, thay bỉm. Ai có chuyên môn y tế thì tiêm thuốc, sơ cấp cứu, làm những việc sau cùng cho bệnh nhân. Cảm nhận được niềm hạnh phúc, vì lần đầu tiên làm những việc mà trước đây chưa được làm”.

Các vị linh mục thường làm việc theo lời dạy của Chúa, đó là: “Anh em hãy yêu thương nhau như thầy đã yêu thương anh em”.

Mẹ ơi, con chưa thể về với mẹ!

Sư thầy Thích Minh Lực đang làm tình nguyện viên trong Khu cách ly điều trị bệnh nhân COVID-19 – Cty SYM, TP Biên Hòa, Đồng Nai viết rằng: “Suốt thời gian được đồng hành cùng các y bác sĩ, những chiến sĩ bộ đội tại nơi đây, có rất nhiều kỷ niệm đẹp, đặc biệt là sự trải nghiệm rất lớn đối với những huynh đệ tu sĩ như chúng tôi”. Sư thầy “thổ lộ”: “Dịch bệnh ai mà không sợ, nhưng khi xác định làm tình nguyện viên rồi mà mình sợ thì ai là chỗ dựa cho nhân viên y tế và bệnh nhân. Bao nhiêu người ở đây, ngoài kia, người ta cũng cống hiến đó thôi”.

Thượng tọa Thích Thiện Quý đại diện Ban Trị sự GHPGVN TP.HCM trao Bằng khen, Bằng Tuyên dương công đức đến tình nguyện viên Phật giáo

Sư cô Thích Nữ Tuệ Nhật – chùa Long Vân (Biên Hòa, Đồng Nai) viết tâm thư cho mẹ khi làm tình nguyện viên trong Khu cách ly điều trị COVID-19, phường Tam Hiệp: “Con không thể bỏ mặc họ lúc này. Con gửi đến mẹ những cảm xúc từ khu cách ly. Nơi này, hằng ngày các lực lượng đấu tranh giành lại sự sống cho F0… Đã có nhiều đêm tranh thủ khi nghỉ làm việc, con lại điện thoại cho mẹ, nhìn thấy hai dòng lệ mẹ tuôn trào con cũng chạnh lòng theo và con biết lúc này mẹ nhớ con thì ít mà lo cho con thì nhiều. Thương mẹ nhiều lắm nhưng cũng phải chấp nhận gác lại tình cảm riêng qua một bên để đem tình thương rộng lớn ban rải khắp nhân gian”.

Sư cô Thích Nữ Tuệ Nhật nói với mẹ mình rằng cô tự hào đứng trong tuyến đầu chống dịch: “Con thấy tự hào là người tu sĩ trở thành người “chiến sĩ” trong cuộc chiến này. Vì một cuộc sống bình yên của nhân dân, vì sức khỏe của bệnh nhân, vì giáo hội, vì những bậc thầy khả kính, chúng con luôn quyết tâm vì một tinh thần dấn thân và phụng sự”.

Chia lửa

Thời gian qua, không chỉ các tu sĩ tại TPHCM, Bình Dương, Đồng Nai có mặt tại các tuyến đầu “khốc liệt” nhất, mà nhiều tu sĩ chức sắc từ các tỉnh thành khác cũng đã xung phong vào các tỉnh phía Nam làm tình nguyện viên.

Trong đoàn cán bộ y tế gồm 41 người do Sở Y tế tỉnh Thừa Thiên- Huế kêu gọi đã lên đường vào Nam hôm 9/9 (tăng cường cho tỉnh Bình Dương) có 2 vị Tăng, 1 Ni cô là các bác sĩ và điều dưỡng đang công tác tại Phòng khám Đa khoa Tuệ Tĩnh đường Hải Đức (Giáo hội Phật giáo Huế).

Hàng trăm Tăng ni tại Nam Định, Tăng ni Học viện Phật giáo VN tại Hà Nội cũng đã có mặt nơi tuyến đầu tại các bệnh viện dã chiến điều trị bệnh nhân COVID-19 tại các tỉnh thành phía Nam.

BSCKII. Phạm Đăng Trọng Tường cùng Đại đức Thích Trung Nguyện lưu niệm cùng tình nguyện viên – Ảnh: Nhuận Bình

Chỉ riêng 3 bệnh viện điều trị COVID-19 tại TP Thủ Đức (TPHCM) đã có 299 tình nguyện viên thuộc các tôn giáo khác nhau làm việc trong thời gian qua và hàng ngàn tình nguyện viên sẵn sàng tiếp tục chi viện.

Trong ca trực của mình sư cô Nhuận Bình lần đầu tiên cạo râu cho một chú F0: “Sáng nay trong ca trực, Nhuận Bình đã cạo râu cho một chú F0. Là lần đầu tiên trong đời làm chuyện ấy nên cực kỳ lúng túng, lọng cọng”. Sư cô Nhuận Bình viết từ Bệnh viện Dã chiến thu dung số 12 – TP Thủ Đức, TPHCM. “Tin tôi đi, khi có đủ tình thương, bạn sẽ làm được tất cả”.

Tại tâm dịch TPHCM, tính từ ngày 22/7 đến nay, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Hồ Chí Minh đã phối hợp với các đơn vị tổ chức 7 đợt xuất quân với 587 tình nguyện các tôn giáo tham gia phục vụ tại các bệnh viện điều trị Covid-19. Mặt trận Tổ quốc TPHCM xem đây là một hành động “để truyền thêm năng lượng tích cực cho các bệnh nhân và cả các y bác sĩ nơi tuyến đầu chống dịch”.

Các tin đã đăng: