Câu hỏi lớn của cuộc đời
29/11/2013 09:40 (GMT+7)

Từ trước đến nay câu hỏi về cuộc đời vẫn là những câu hỏi lớn, đòi hỏi một nỗ lực phi thường để trả lời."Trong đà sống quay cuồng, có khi nào chúng ta biết dừng lại để đặt câu hỏi về cuộc sống? Tại sao chúng ta lại sống như vậy? Chúng ta đã biết gì về sự sống? Đây không phải một câu hỏi dành riêng cho các triết gia, học giả hay để mang ra bàn luận lúc trà dư tửu hậu, mà là một câu hỏi thầm kín, có tính cách cá nhân giữa ta và chính ta."

 


 
 
Hôm qua tôi hỏi một cậu Phật tử hai mươi tuổi (tôi nói gọi là 20 tuổi chứ không gọi  là “trẻ”, hay “không trẻ”)

- Có khi nào con tự hỏi ý nghĩa cuộc sống là gì chưa?

- Ý nghĩa cuộc sống? Sống để làm gì? Sến!

Một câu trả lời rất thật. Tôi mỉm cười. Và tôi không, sẽ không than thở về điều đó, kiểu như “giới trẻ bây giờ sống không mục đích, sống hời hợt” v..v... Vì đơn giản rằng đó là chuyện riêng tư. Sống có mục đích hay sống không mục đích đều là những vấn đề riêng tư, mà tất nhiên, người ta có quyền riêng tư. Nhưng tôi tự hỏi: đến bao giờ thì người ta sẽ đặt câu hỏi đó, một câu hỏi, theo tôi, rất lớn.
 
Chính xác là vậy, trừ những bậc Thánh, còn lại hầu hết chúng ta một lúc nào đó sẽ phải đối diện với Câu hỏi lớn đó. Nhưng là khi nào? Là khi mọi thứ đang bình thường bỗng nhiên đổi khác, đổi khác đến bàng hoàng, như cái chết, như phá sản, như phụ tình, như trắng tay?
 
Là khi con người ta bỗng nhiên cảm thấy đối diện với một khoảng không hoàn toàn cô độc dù mọi thứ vẫn đủ đầy, vẫn vây quanh, vẫn trong tay mình định đoạt, như viên đại tướng đứng trước chiến thắng cuối cùng? Tôi không rõ lắm. Hai trường hợp trên là từ sách vở nói, mà người ta cũng thường nói, có tính kinh điển. Nhưng tôi nghĩ, tôi biết, sẽ còn nhiều khoảng khắc khác mà con người ta sẽ bất chợt đặt câu hỏi đó. Khi nào bạn thình lình trải qua giây phút đó, xin hãy kể tôi nghe với, tôi muốn biết.

Còn riêng tôi, câu hỏi ấy không nhớ đã đặt ra từ lúc nào. Phải chăng là từ cái giây phút viết câu thơ“Chân trời góc biển nơi nào. Chỉ mong có được cuộc đời ấm no” năm mười hai tuổi trong căn nhà quạnh hiu? Hay từ buổi sáng ngoài nhà vào rẫy, vừa đi vừa ngẫm đọc những câu kinh bài Sám xuất gia rồi tức tưởi khóc quay về xin xuất gia mười năm về trước? Hay từ những đêm mưa mùa hạ cách đây bốn năm tại Bát Nhã này, chứng kiến cái điên rồ, phi lí của cuộc đời và bật viết dòng thơ:

Máu nhạt sắc tóc tả tơi rã rụng
Đâu Nghĩa Đời? Đâu Lẽ Sống Tồn Sinh?
Bước một bước ngàn muôn câu hỏi dựng
Đêm cúi đầu. Thơ gõ nhịp lời kinh.


Dù là lúc nào không biết nhưng Câu hỏi lớn đó đã làm tôi mệt mỏi, tiều tụy, lạc lõng, xa lạ với cuộc đời.
Vài tuần trước, người bạn viết thư nói rằng một người tu vừa trả áo cho cửa chùa để về lại cuộc trần, vì “không tìm thấy ý nghĩa cuộc sống”. Bạn tôi tự hỏi “Ý nghĩa cuộc đời là gì mà khiến người ta bao lần dở cười, dở khóc?”.

Đúng vậy, nó _cái Câu hỏi lớn đau đáu ấy_ sẽ khiến người ta dở cười dở khóc, thậm chí dở điên dở tỉnh giống triết gia nào đó và bao người khác nếu không tìm ra câu trả lời, hoặc không biết cách tìm. Vì ở một ranh giới rất mong manh, câu hỏi đó thực chất lại chỉ là trò chơi của tư tưởng, sự đuổi bắt của vọng tưởng điên đảo và ảo ảnh do lí trí dựng lên. Nhưng cũng chính từ câu hỏi đó mà con người Tất-đạt-đa trở thành Đức Phật Thích-ca Mâu-ni, tướng cướp Ương Quật trở thành bậc Thánh và bao kẻ tha phương tìm được quê nhà.

Có lẽ bạn sẽ nghĩ ngoài lí do riêng tư thì do câu hỏi đó là một con dao hai lưỡi nên tôi mới không khuyên, không khuyến khích cậu Phật tử hai mươi tuổi kia đặt ra cho mình? Không phải đâu. Vì tôi thấy mọi lời khuyến khích hay can ngăn trong chuyện này đều chẳng để làm gì. Như một hòn đá được thả vào mặt nước _theo cách nói của Hermann Hesse_ ắt tự động rơi xuống đáy hồ, như nén trầm đã được đốt lên, thì mặc nhiên làn khói sẽ bốc cao và tan vào không khí, nó chẳng cần ai khuyên, ai dẫn mà cũng chẳng ai cấm, ai ngăn được đường đi của nó.

Câu hỏi lớn ấy cũng thế, đến thời điểm thích hợp nhất cho từng người, thời điểm định mệnh, tự động sẽ khởi lên, bật ra, sừng sững. Sẽ khắc khoải đấy, sẽ day dứt đấy, sẽ xoáy sâu vào tim gan tâm trí đấy, và sẽ rỉ máu đấy. Nhưng người bạn hai mươi tuổi của tôi ơi, Hoàng Bá thiền sư đã nói dùm tôi với bạn:


Nếu chẳng một phen sương lạnh buốt
Hoa mai đâu dễ ngửi mùi hương


Cho nên, bạn hãy ôm vết thương ấy trong cõi lòng lặng lẽ và tìm ra câu trả lời cho đời mình.
Còn nếu như bạn chưa từng hỏi câu đấy, và cũng sẽ không bao giờ hỏi? Có hề chi! Tôi đã từng nói với Cô bé ngố: “Tôi cười em, ngố quá. Ngây ngô quá. À, mà không. Chưa biết chừng ai ngố hơn ai? Và nếu ngố sẽ hạnh phúc hơn, tôi chợt nghĩ với em nên vậy, thì em cứ ngố, làm đẹp cuộc đời bằng cái ngố rất riêng ấy. Cuộc sống cần một đôi mắt long lanh trong sáng như em để con người bớt đi cái lý luận cao siêu đến viển vông.”

Thật vậy, câu hỏi ấy không cần đặt ra làm gì nếu bạn có thể hồn nhiên sống và làm đẹp, làm lợi cho mình, cho người trong sự hồn nhiên đó. Vì thực sự, mục đích của câu hỏi kia, câu trả lời cho câu hỏi kia chính là vậy mà: làm đẹp, làm lợi cho mình, cho người, cho cuộc đời. Cho nên, nếu khi nào bạn thấy trên đường tìm câu trả lời, mình đang đi ngược lại điều trên thì có nghĩa bạn đã lạc vào mê hồn trận của trò chơi đuổi bắt do lí trí, vọng tưởng điên đảo bày ra để trêu chọc phận người nhỏ hẹp. Khi ấy, hãy mỉm cười và quay về lại cuộc sống bình thường với tất cả những gì bình thường trong cuộc sống. Tôi tin bạn sẽ tìm thấy câu trả lời cho Câu hỏi lớn ở đó.
Viết đến đây, tôi thấy mình thanh thản. Vì từ sáng đến giờ, tôi cứ bứt rứt mãi. Đang cắt hàng rào, tự nhiên cứ thấy thôi thúc muốn viết ra. Đến giờ ăn cơm, viết chưa xong, xuống ăn, ăn trong bứt rứt. Bài viết này chẳng những cho bạn mà còn cho tôi, cho tôi sau này. Vì biết đâu sẽ còn có lúc nào đó, cái Câu hỏi lớn kia sẽ trở về bên tôi? 

Trầm Nhất Liễu

Các tin đã đăng: