Trái tim khi mới tập tành bước vào cuộc đời nó thường háo hức và nhìn đời bằng một màu hồng hồng, xinh xinh… Mọi thứ qua cảm nhận của trái tim nguyên sơ đều đẹp, đều dễ thương nên ai nói gì nó cũng tin, ai bảo gì nó cũng thấy rằng điều đó là sự thật!
Nhiều trái tim đau tâm sự rằng: “Bởi vì tin, nên mới đau”, hoặc “Bởi vì thương nên đau”… Điều đó cho tôi rút ra một điều rằng, niềm tin và tình thương cũng gây ra thương tổn cho con người. Đó là khi tin không đúng chỗ, trao thương yêu không trúng người. Niềm tin và tình thương mà thiếu sự soi sáng bởi hiểu biết thì sẽ tin bậy bạ, thương lung tung, cảm tính, hoặc ngộ nhận bởi sự choáng ngợp của cảm xúc, ngoại hình rồi gọi đại là… thương, yêu (thực chất chỉ là đam mê).
Trái tim tổn thương là trái tim bị bóp nghẹt bởi sự ganh ghét, bởi những âm mưu của một ai đó, một tập thể vào một mục đích nào đó. Để rồi khi phát hiện ra sự thật đằng sau tấm màn nhung được dựng lên bởi “tình bạn, tình đồng chí, đồng đội, lợi ích tập thể, quốc gia, lợi ích con người” thì trái tim bắt đầu co thắt.
Trái tim bị tổn thương là khi nó đã từng nghĩ rằng mọi chuyện sẽ tốt đẹp, cho đến một ngày, mọi chuyện không được như dự định, ý muốn…
Vô số những lý do thương tổn mà trái tim phải hứng chịu, khi nó càng đặt để tình thương, niềm tin đến những đối tượng mà nó trân quý…
Tự chữa trị
Chủ nhân của trái tim phải nhận diện được những tổn thương nơi mình để tự trị liệu. Lánh đi môi trường chứa độc tố là cách làm đầu tiên, bởi trái tim đã bị thương tổn cần phải được tiếp xúc với bầu không khí lành, cần được ôm ấp. Đừng ngại rời xa, đừng cố chấp nghĩ rằng mình đớn hèn khi phải… lánh nạn. Bởi, nó cũng giống như việc bạn lao vào nhà lửa để thể hiện sự anh hùng dù biết rằng vào đó bạn cũng không thể cứu được người trong biển lửa. Sự hiểu biết cần phải được soi sáng trong lúc này, nếu bạn theo quan điểm “không thành công thì cũng thành… nhân (hoặc thành danh)” thì thật đáng chê, sự “dũng cảm” ấy cuối cùng cũng chỉ nhằm phục vụ cho cái tôi ích kỷ, ham danh của bạn mà thôi!
Đừng cố tỏ ra cứng cáp nếu đôi chân bạn đã muốn ngã quỵ. Bước ra khỏi môi trường và bắt đầu nhìn lại, thật sâu sắc. Bắt đầu từ cái nhìn trong kiếp sống hiện tại, trên quan điểm “tiên trách kỷ” (trước phải nhận trách nhiệm từ mình). Phải chăng mình đã vội vàng trao gửi tin yêu? Hay là mình đã ngộ nhận vì bị choáng ngợp, và có khả năng là mình đã quá ham lợi ích hoặc danh dự nào đó nên đã mụ mị mình. Giống như mấy người đi cho vay để lấy lãi suất cao mà không cần tìm hiểu người vay sử dụng tiền ấy làm gì, có khả năng trả nợ…? Vì món tiền lãi to nên đã mù mắt, thiếu cảnh giác, đưa ra tiền tỉ, đến lúc bị quỵt nợ mới hỡi ôi thì có kêu trời cũng phỏng ích gì? Bản thân mình, do có tập khí tham, si sâu dày nên có đôi khi cũng đã mù mắt như thế, để trái tim bị tổn thương. Thế thì, hãy trở lại, để nhìn ra sự thật, đừng đổ lỗi, đó là cách tự trị liệu, gọi bằng cụm từ “phản quan tự kỷ”!
Và nếu sau khi đã tìm về với những kiếp hiện tại mình cũng không thỏa đáng với lý do, vì thấy nó… lãng xẹt thì hãy tra về nhân quả quá khứ. Phật dạy về quả báo có sanh báo (nhân đã làm ở kiếp trước, kiếp này sinh ra liền hưởng), hiện báo (nhân đã gây ở kiếp này và ngay kiếp này hưởng quả), hậu báo (nhân làm ở kiếp này, kiếp sau sẽ hưởng). Do vậy, sự mù tối nơi mình, tập khí ngu muội của bản thân là do đời trước, kiếp nào đó mình đã từng khinh bậc có trí, coi thường người chọn con đường xuất thế gian… Và những sự ám hại, nói xấu, bội bạc của ai đó dành cho mình hôm nay đã có nhân từ nơi kiếp quá khứ, mình cũng đã từng…, nay oan oan tương báo?
Nhưng dù là nhân kiếp nào thì với sự thương tổn nơi tim mình, mình phải biết là trái tim mình đang yếu đuối, hiện tại mình kém tu tập, không biết nhận diện sự có mặt của mình là do luân hồi, sanh tử, do nghiệp lực mà sinh để sám hối, làm những điều thiện. Do mình, sám hối chưa thật thành tâm, chưa sâu sắc và chưa làm thiện nhiều nên những hạt lành không đủ sức chống lại gió giông của cuộc đời (hay là của mình đã tạo trước đó).
Nhận diện như thế để mình thôi trách đời, thôi trách người! Và bạn biết đấy, khi mình đã trở về và thấy được như thế thì chắc chắn những cơn lốc khác sẽ không xâm hại, không đủ khả năng quấy nhiễu trái tim đang đau và rối loạn của bạn. Cơ hội được chữa lành trái tim của bạn sẽ rất cao!
Nương tựa
Một điều khác bạn cũng cần nhận diện nữa, đó là hãy luôn tin vào lòng tốt và sự chân thành nơi con người. Trong mỗi con người có hai hạt giống (tốt và xấu) là do sự huân tập lâu đời và có hạt giống cao quý là “Phật tánh” thì ai cũng có, đó là nhân thành Phật. Do vậy, bạn không thể đánh mất niềm tin và sự nhân ái (hạt giống từ) nơi con người. Một khi bạn yếu đuối và cần sẻ chia, khi trái tim bị tổn thương thì hãy nương tựa nơi những trái tim khác, có lòng độ lượng và có khả năng lắng nghe. Tôi từng giả định là “nếu cả thế giới quay lưng với bạn” (chỉ là giả định thôi, chứ thật tế thì ai cũng có ít nhất một vài người thương, đáng tin cậy để nương tựa).
Hoặc đôi khi sự nương tựa đến từ những giá trị đã được xác lập như là sự công bằng, cao nhất là luật nhân quả. Do vậy, giả sử bạn có bị ám hại đến mức tơi tả thì cũng hãy tin rằng, trong biểu hiện ấy đều có nhân và quả của nó. Sẽ có lúc bạn tìm thấy được sự công bằng, nếu bạn tin vào luật nhân quả!
Và điểm nương tựa tiếp theo, cũng là tối thượng chính là nơi những vị đã đạt quả vị giải thoát, có trí tuệ lớn, có tình thương lớn. Những vị ấy, được xưng tôn là Phật, Bồ tát, Hiền Thánh Tăng. Có một câu kệ mà tôi rất thích, vẫn thường xướng tụng mỗi sớm mai: “Vừa thấy dung nhan điều ngự/Trăm ngàn phiền não sạch không”. Rõ ràng là vậy, khi khổ đau, khi trái tim non nớt, yếu ớt bị thương tổn thì về quay về nương tựa Phật là một cách để hóa giải và chữa trị.
Nếu, bạn phát hiện người bạn, người thân, người thương của mình bị thương tổn? Hoặc bạn là người có hạnh nguyện muốn chữa những vết thương cho trái tim đau cho mọi người thì ngay bây giờ (và đầu tiên) bạn phải thực tập tình thương (chân thành) và lắng nghe (sâu sắc) cũng như chuẩn bị hiểu biết (trúng) để có thể ngồi nghe, hiến tặng sự tĩnh lặng, góp ý xác đáng… Muốn vậy, bạn phải có một đời sống thật tốt, đúng theo những nguyên tắc đạo đức mà Phật dạy hàng đệ tử (gọi chung là giới) để đạt được sự tĩnh lặng (định); được vậy, chắc chắn bạn sẽ có tình thương lớn (đại bi) và hiểu biết đúng đắn (trí tuệ). Vâng, phải có những chất liệu đó thì bạn mới có thể giúp người khác trị liệu thương tổn nơi trái tim!Đình Long