Một chuỗi những duyên lành
Nói về duyên lành để hôm nay có bộ kinh Pháp Hoa bằng chữ Braille,
SC.Thích nữ Hương Nhũ (hiện là giáo thọ của Học viện Phật giáo VN tại
TP.HCM) cho biết: "Trước đó SC.Tâm Trí (chùa Huê Lâm, Q.11) cũng đã
từng làm bộ kinh Dược Sư bằng chữ nổi cho người khiếm thị. Từ dạo ấy
đến nay cũng đã mấy năm, trên cơ sở đó nhiều bài tụng niệm cũng đã được
"phổ" ra chữ Braille nhưng chưa nhiều. Giờ chúng ta có thêm bộ kinh
Pháp Hoa sẽ mở ra một hướng tiếp cận kinh điển cho người khiếm thị".
TT Thích Thanh Tùng và SC Hương Nhũ trao kinh cho Phật tử khiếm thị
Nhân những lần đi từ thiện ở nhiều nơi cô Trang Thị Ngọc Phượng (Việt kiều Canada)
đã suy nghĩ đến việc làm kinh chữ nổi cho người khiếm thị và cụ thể là
bộ kinh Pháp Hoa. Tâm niệm ấy đuợc cô Nguyễn Thị Hiệp (PD: Đồng Hội)
ủng hộ và các cô thưa với SC.Hương Nhũ. SC.Hương Nhũ nghe và "bán tín
bán nghi" vì theo sư cô: "Kinh Pháp Hoa là bộ kinh lớn, phải là người
có duyên và có sự phát tâm mới thọ trì đọc tụng được. Người sáng mắt đã
khó, đối với người khiếm thị sẽ khó gấp bội phần". Do đó, SC.Hương Nhũ
chưa dám tin vào lời ấy nhưng ngay sau đó cô đã ngỡ ngàng, hoan hỷ:
"Khi tiếp xúc với một vài người, nghe quý vị ấy tụng kinh (dù chậm)
nhưng lòng khát ngưỡng cầu kinh rất lớn nên tôi liền tin và khuyến
khích các Phật tử làm ngay kinh Pháp Hoa bằng chữ nổi".
Bắt tay vào làm thì lại được sự hỗ trợ của rất nhiều người như chị
Hồ Thị Hạnh (PD: Nhuận Phúc) đã tranh thủ giờ nghỉ ban đêm hiếm hoi của
mình để tìm bản kinh chữ và dò từng chữ. Sau đó, từ bản kinh chuyển
thành bản kinh chữ Braille là cả một hành trình nhờ vào cô Tạ Thị Kim
Nga (PD: Nghiêm Kính) và nhiều Phật tử khác góp mỗi người một chút công
đức!
Khi nhìn vào bộ kinh Pháp Hoa in bằng chữ Braille (7 cuốn) dày và
nặng vài kg chúng tôi không khỏi xúc động trước một nhân duyên lớn này
- kết quả ấy được góp nhặt từ những tấm lòng luôn trăn trở mang giáo lý
Phật đến với nhiều người…
Gió xuân trong tâm!
"Tụng kinh Pháp Hoa thấy tâm mình mát mẻ, nhận diện được những điều
xưa nay chưa thấy và đặc biệt là hạnh phúc vì được đọc tụng bộ kinh xưa
nay mình mong ước", đó là niềm vui mà những Phật tử khiếm thị diễn bày
trong buổi trao kinh diễn ra ở chùa An Lạc (Q.1). Hai người đầu tiên
được nhận bộ kinh Pháp Hoa đặc biệt này là cô Tâm Thảo và cô Phương
Trâm. Có mặt trong buổi nhận kinh hôm ấy cô Tâm Thảo tâm sự: "Đọc kinh
bằng chữ nổi chậm nhưng chúng tôi có thể đọc được và đã phát nguyện sẽ
đọc tụng kinh Pháp Hoa". Lúc trước, khi chưa có kinh bằng chữ nổi thì
cô Tâm Thảo đã học kinh theo kiểu người khác đọc một câu, cô đọc lại và
thuộc lòng. Những Phật tử khiếm thị khác mà chúng tôi gặp ở chùa An Lạc
cũng cùng cách học ấy nhưng đến giờ khóa lễ thì ai cũng đọc thuộc, đọc
rất hay những bài tán tụng như chú Đại Bi, kinh Bát Nhã …
Niềm vui của Phật Tử khiếm thị khi nhận kinh Diệu Pháp Liên Hoa
Mơ được một ngày được đọc tụng kinh Pháp Hoa vốn là khát ngưỡng lâu
nay của nhiều người con Phật. Những Phật tử khiếm thị cũng có lòng khát
ngưỡng ấy nên biết có kinh Pháp Hoa dành cho mình ai cũng hoan hỷ, chờ
đợi, đến thật sớm để thỉnh kinh. Riêng SC.Hương Nhũ - người đã tận tuỵ
làm cầu nối cho bộ kinh ra đời và đến tay những Phật tử khiếm thị thì
không ngừng xuýt xoa, vui mừng: "Từ nay người khiếm thị sẽ có thêm một
bản kinh, sẽ được tiếp xúc với Phật pháp sâu hơn và chắc chắn từ nay sẽ
có nhiều người được hạnh phúc". Những Phật tử như cô Ngọc Phượng hứa sẽ
cúng dường để ấn tống bộ kinh, cô Nghiêm Kính thì chia sẻ để nhiều
người biết đến và phát tâm ấn tống... Bắt nhịp suy nghĩ ấy, SC.Hương
Nhũ cho biết: "Trong những chuyến ủy lạo sắp tới tôi sẽ để ý, hỏi xem
những Phật tử khiếm thị ai muốn đọc tụng kinh Pháp Hoa tôi cũng sẽ cùng
với Phật tử hỗ trợ". TT.Thích Thanh Tùng, trụ trì chùa An Lạc trao kinh
cho Phật tử đã ân cần dặn từng người: tinh tấn tụng, trì kinh này sẽ có
phước báo và là nhân lành để tiến tới giải thoát…". Còn chúng tôi thì
cảm thấy vui lây với niềm vui của những Phật tử vừa được thỉnh kinh
Pháp Hoa chữ nổi.