Người tu sĩ và âm nhạc
Tịnh Hạnh
03/04/2010 00:37 (GMT+7)

Có những bài hát như ánh lửa bừng lên rồi chợt tắt, không còn đọng lại gì ở người nghe. Tuy nhiên cũng có những bài hát, mặc dù tiếng nhạc đã dứt hẳn nhưng âm hưởng của nó vẫn còn đọng lại ở trong ta.

Chuông vang lời kinh Phật
Mõ  vọng tiếng từ bi
Như  ánh trăng tỏa chiếu
Làm dịu mát lòng người
Như  nắng trời sưởi ấm
Cho cây đời xanh tươi
Nam Mô A Di Đà Phật
Nam Mô A Di Đà Phật.


Có  những bài hát như ánh lửa bừng lên rồi chợt tắt, không còn đọng lại gì ở người nghe. Tuy nhiên cũng có những bài hát, mặc dù tiếng nhạc đã dứt hẳn nhưng âm hưởng của nó vẫn còn đọng lại ở trong ta. Cất tiếng hát không phải để hát cho chính mình, không phải để hát cho riêng tôi hay cho riêng anh mà “tôi hát cho muôn loài càng thương nhau hơn”.

Vậy người tu sĩ có nên được hát, có nên  đến với âm nhạc hay không? Thực tế có những quan điểm cho rằng không nên vì nó sẽ đánh mất oai nghi của người tu, không nên dấn thân vào những chốn ồn ào, náo nhiệt.

Nhưng bên cạnh đó cũng có ý kiến cho rằng người tu sĩ vẫn có thể hát, hát để phục vụ chúng sanh, hát những bài kinh phổ nhạc hay niệm Phật nhạc chẳng hạn.

Nếu xem âm nhạc là một phương tiện để truyền tải lời Phật dạy trong từng lời ca tiếng hát thì sao lại còn chấp vào việc người tu sĩ có nên hát hay không? Quan điểm nào cũng có một cái lý của nó.

Nếu chúng ta gán cho âm nhạc một cái nhãn hiệu là ồn ào và náo nhiệt thì nó sẽ luôn là thứ ồn ào và náo nhiệt. Và điều này thì người tu sĩ lại càng phải tránh xa con đường ca hát. Nhưng thực chất bản chất âm nhạc vẫn chỉ là một loại hình nghệ thuật không thể thiếu trong cuộc sống.

Bản nhạc đó có đi vào lòng người hay không, có đánh mất oai nghi của người tu sĩ hay không còn tùy thuộc vào người trình bày bài hát đó. Phật tử tới chùa tụng kinh, nghe Thầy giảng pháp, nhưng lại có những người chỉ thích nghe nhạc và âm nhạc cũng có thể cảm  hóa được họ. Vậy tại sao ta không chuyển lời Phật dạy thành những bài ca thanh tịnh, ấm áp tình đạo vị trong mỗi ca từ.

Vào dịp lễ Phật Đản hay Vu Lan, các chùa cũng hay mời ca sĩ về hát, điều này thật ra cũng không có gì, nhưng con thiết nghĩ những bài nhạc Đạo hay như vậy người tu vẫn có thể hát được chứ.

Bằng chính tình cảm của mình, quý Thầy quý Sư Cô cũng sẽ thể hiện được ý nghĩa thậm thâm trong từng lời kinh Phật. Con nói ở đây không phải để bênh vực cho ý kiến người tu sĩ phải được hát mà ở một góc độ, một chừng mực nào đó thì những ca khúc Phật Giáo cũng nên được trình bày bởi người tu.

Chúng ta nên từ bỏ định kiến đã làm rào cản bấy lâu nay là “tu rồi không nên hát hò”. Mà vấn đề chính ở đây là nên hát những gì và không nên hát những gì.

Âm nhạc là một nghệ thuật trong cuộc sống và cũng là một trong những phương tiện đối với vấn đề hoằng pháp. “Tôi hát cho hết thảy chúng sanh, tôi hát cho những người dân khốn khổ, tôi hát cho những kẻ còn đang đắm chìm trong rừng mê, còn đang say trong mộng tưởng và tôi cũng đang hát cho cuộc đời này, cho quán trọ trần gian đã bao lần đến và đã bao lần đi”.

Vì  hạnh nguyện đại bi, hóa thân cõi vô  thường
Vì  hạnh nguyện lợi tha, dấn thân  đem tình thương
Để chân lý thấm sâu, mọi chúng sanh đều thấm nhuần
Nguồn diệu pháp tràn lan đem bình an cho muôn loài.


Xin tiếp bước dấu chân xưa, Tăng Ni Phật tử trẻ chúng con nguyện lên đường dấn thân vì Phật Pháp, đem tiếng hát lời ca xoa dịu nỗi đau của muôn loài, đem ánh sáng Phật Pháp xé toạc màn vô minh, chúng sanh khắp nơi thấm nhuần nguồn Diệu Pháp bình an.

Hãy hát lên để nhân loại cùng hoan ca, để cuộc đời này được thăng hoa giữa ánh sáng của trí tuệ và hương thơm của tình đạo vị.

Pháp Phật bất khả tư nghì
Như  Lai thị hiện thương vì  chúng sanh.


Con xin gửi tặng Thầy Pháp Như hai câu thơ trên, không những Thầy mà còn có những quý Thầy khác nữa đã có rất nhiều tâm huyết với nền âm nhạc của đạo Phật. Quý Thầy đã không ngại quãng đường xa xôi để đi khắp nơi nguyện đem tiếng hát của mình xoa dịu nỗi đau của những mảnh đời khốn khổ, tiếp thêm đạo tâm cho những ai đang trên cuộc hành trình mong cầu sự giác ngộ, giải thoát.

Ánh đèn sân khấu không phải là cái để che lấp đi một sự giản dị mà oai nghi, vững chãi và thảnh thơi của một người tu sĩ. Vẻ đẹp của người tu sĩ với chiếc áo nâu sẽ không bao giờ bị đánh mất nếu ta đang hát với trái tim của một người con Phật, bắng cái tâm rộng mở luôn hướng đến muôn loài.

Đoạn đường nào cũng gặp nhiều gian khó… Tiếng hát sẽ vẫn còn vang mãi khắp muôn nơi… Âm hưởng cuả những bản nhạc thanh tịnh đã thấm sâu vào tâm hồn của mọi chúng sanh… Bởi vì “tôi không hát cho chính tôi mà tôi đang hát:

Cho quê hương ngập ánh tình thương
Cõi nhân gian hiện bóng thiên  đường
Vì  thiện pháp đã giăng đầy trên mọi lối”.

Theo PTVN

Các tin đã đăng: