Con đường dấn thân>> Kỳ 2: Hạnh phúc không của riêng ai!
21/02/2010 12:56 (GMT+7)

>> Con đường dấn thân - Kỳ 1: Làm việc với người trẻ

Chị Thanh Hiền trong một chuyến đi ủy lạo đồng bào nghèo tại Campuchia
Không chỉ sống cho bản thân, chị quyết định dấn thân vào công việc thiện nguyện, nung nấu ước mơ - mang hạnh phúc đến với những mảnh đời bất hạnh. Đến bây giờ, chị Thanh Hiền, biên tập viên Tạp chí HTV (Đài TH TP.HCM) đã in dấu chân mình trên khắp mọi miền đất nước - làm chiếc cầu kết nối những yêu thương...

1. Làm cái việc “ăn cơm nhà  vác tù và hàng tổng” đôi khi cũng gặp những ánh nhìn dò xét, những lời nói thiếu cảm thông, nếu không vững vàng sẽ dễ thấy bản thân mình bị tổn thương… Chị Thanh Hiền nhận diện rõ điều ấy: “Đó không phải là vấn đề lớn, việc dễ hay khó, ăn thua là do sự nhìn nhận của chính bản thân mình. Nếu chúng ta làm đúng, làm đủ thì câu trả lời sẽ rất minh bạch! Công việc thiện nguyện tưởng dễ hóa ra lại rất khó. Khi cuộc sống còn quá nhiều khó khăn, thì người với người sẽ đến với nhau, chia sẻ bằng tinh thần và vật chất. Nhưng làm thế nào để những sự sẻ chia đó được trao đúng đối tượng lại là vấn đề hết sức nan giải”.
Để giải quyết cho bài toán đó, chị và các thành viên trong nhóm từ thiện do mình phụ trách lại lặn lội lên đường. Phương tiện đi lại, dù nắng hay mưa cũng chỉ vỏn vẹn bằng chiếc xe Honda, xăng tự đổ, ăn tự túc… Bất cứ nơi nào được giới thiệu, chị và các thành viên trong nhóm đều đến tận nơi để tìm hiểu. Nếu là nơi thực sự cần đến sự giúp đỡ, thì ngay sau đó phương án triển khai cho chương trình sẽ được tiến hành. Để mỗi chuyến đi về được với bà con nghèo, trẻ em hiếu học, khuyết tật, chất độc màu da cam… nơi vùng sâu, vùng xa như vậy, ngoài việc đi tiền trạm thì chị và mọi người phải chạy chương trình suốt cả tháng trời. Từ việc lên bảng chi tiết kinh phí cho mỗi chương trình, rồi kế hoạch kêu gọi sự đóng góp của các mạnh thường quân, công khai tài chính, cho đến tổ chức để mỗi chuyến đi có được hiệu ứng tốt từ các thành viên tham gia, lúc nào chị cũng trăn trở. Chỉ khi mỗi chương trình kết thúc, chị mới cảm thấy lòng mình có được chút bình yên.

2. Chương trình tiếp nối  chương trình. Mỗi bước  chân đi qua còn biết bao mảnh đời khăn khó. Một bàn tay không che nổi được bầu trời. Nhiều lúc chị cũng nản bởi công việc thiện nguyện mình đang làm. Phần vì gia đình, phần vì công việc, hay hơn thế nữa là những nảy sinh từ cuộc sống quá đỗi khắt khe. Những lúc như vậy, chị lại tự an ủi: “Bỏ đi một chút tự ái cá nhân mà biết bao nhiêu người có được sự sớt chia từ phía cộng đồng sao ta lại không gắng”. Cứ như vậy, chắt chiu cho đến hiện tại, chị đã cảm nhận được những việc mình làm không phải không có lý do. Hạnh phúc không được nhân lên đâu có thể gọi là hạnh phúc. Sống cho mình thôi chưa đủ, cho gia đình thôi chưa đủ, mà phải sống cho cả cộng đồng. Đó mới thật sự là sự tròn đầy của 2 chữ “Hạnh phúc”.

3. Là một người thích tìm  hiểu về Phật giáo, nên phần  nào giáo lý của Phật đã ảnh hưởng đến cách làm, cách nghĩ của chị. Đó là những biểu hiện về một người phụ nữ sống hết trách nhiệm với công việc, chu đáo với gia đình, khiêm tốn với đồng nghiệp, hòa nhã với bạn bè, nên chị luôn nhận được sự tin yêu của mọi người. Đang ở cái độ tuổi chín muồi về suy nghĩ (trên 30 tuổi - PV), nên những kinh nghiệm mà chị bộc bạch như: công việc, cuộc sống cũng như các chương trình hoạt động xã hội đều được chuyển tải một cách hết sức mộc mạc và chân thành. Người phỏng vấn đôi khi còn non nớt trong cách cắc cớ với nhân vật của mình. Cũng là một nhà báo, nên chị chỉ cười và nói với tôi: “Cái mà chúng ta có được không phải là sự hơn thua hay được mất, mà đó là sự cảm thông, lắng nghe và chia sẻ. Và cần thiết hơn nữa là cái tâm đối với nghề”.

Dù ở vai trò nào, một biên tập viên hay một người đi làm từ thiện chị vẫn luôn giữ được cốt cách riêng của mình. Không đắn đo chuyện thị phi, không nề hà hay ngại khó ngại khổ, chị vẫn dấn thân nơi con đường mà không mấy ai dám bước chỉ với một suy nghĩ: hạnh phúc không của riêng ai!

VIÊN QUANG

Các tin đã đăng: