Giới trẻ học thiền để tĩnh tâm
Để
cân bằng cuộc sống, nhiều người trẻ chọn cách lên chùa tĩnh tâm, học
đạo mỗi khi rảnh rỗi. Hà Anh (sinh viên năm thứ 4 trường đại học Thương
mại Hà Nội), thành viên của nhóm Quán Âm Bồ Tát & Địa Tạng Vương Bồ
Tát chia sẻ: "Trước đây, cứ cuối tuần, tôi lại tham gia cùng nhóm thiền
tại chùa Thiên Niên. Nếu có thời gian nhiều hơn, tôi còn tham gia các
hoạt động từ thiện của nhóm". Tuy nhiên, Hà Anh cho biết, hiện cô đang
bước vào năm học cuối nên việc học vô cùng bận rộn. Thời gian gần đây,
Hà Anh chọn cách tu tập tại nhà.
Cô
chia sẻ: "Lên chùa đơn giản là tìm sự yên tĩnh, tạo cho mình cảm giác
nhẹ nhõm. Thế nhưng, chuyện lên chùa ngồi thiền tìm khoảng lặng cho tâm
hồn nghe có vẻ đơn giản nhưng không phải ai cũng làm được. Nếu thực hiện
thói quen này không đều đặn thì mất hết tác dụng..." - Hà Anh cho biết.
Nhóm Quán Âm Bồ Tát & Địa Tạng Vương Bồ Tát khu vực Hà Nội trong một buổi sinh hoạt tại chùa Thiên Niên
Còn
với chị Nguyễn Thu Thủy (giáo viên mầm non trường Hoa Hồng - Mễ Trì -
Từ Liêm - Hà Nội) chia sẻ: "Công việc của tôi bận cả tuần nên khó đi
chùa thường xuyên. Vì thế, tôi thường lên mạng để tham gia các trang
web, diễn đàn về Phật pháp để trao đổi thông tin". Chị Thủy chia sẻ, qua
những diễn đàn này, chị được những người bạn chỉ dạy cách tập tu tại
nhà. Ngồi thiền, đọc Phật pháp thấy tâm hồn thanh sạch và bình yên".
Vũ
Hải (họa sỹ thiết kế xưởng phim hoạt hình Việt Nam) đang tham gia sinh
hoạt trong nhóm Quán Âm Bồ Tát & Địa Tạng Vương Bồ Tát khu vực Hà
Nội. Hải cho biết, không gian thiền tại gia rất quan trọng. Đó phải là
một gian phòng thông thoáng với ánh sáng không quá tối, cũng không quá
sáng và đặc biệt phải yên tĩnh. Thân thể phải được vệ sinh sạch sẽ, còn
trang phục mặc khi thiền phải rộng rãi, thoáng mát... Trang phục phù hợp
nhất là loại áo tràng màu xám dành cho người tu tại gia".
Khi
lập nhóm tập thiền, đòi hỏi mọi người phải tôn trọng lẫn nhau. Trước
hết là về giờ giấc phải có quy định cụ thể. Ngọc Hà - nhóm trưởng nhóm
"Thiên không" cho biết: "Thiền theo nhóm cần không gian rộng, tất cả
người tham dự ngồi thành nhiều vòng tròn, từ trong ra ngoài, ở giữa là
những ngọn nến lung linh thoảng hương tinh dầu hoa nhài hoặc tinh dầu
trầm. Mùi thơm đặc biệt của tinh dầu bốc lên khiến mọi ưu phiền, mệt mỏi
của con người như được trút bỏ".
Tuy
nhiên, không phải ai cũng có thể tham gia thiền theo nhóm một cách bền
bỉ. Nhiều người thiền theo phong trào, nhiều người lại không sắp xếp
được công việc để tham gia hoạt động của nhóm theo một khung giờ nhất
định và đặc biệt tâm trí bị phân tán là trở ngại, không phải ai cũng
vượt qua được.
Hai
ngày đầu tiên tham gia nhóm thiền "Thiên không", chị Ngọc Linh (giám
đốc một công ty tư nhân) thấy việc cách ly với điện thoại, máy tính
khiến chị như bị rơi vào trạng thái bồn chồn lo lắng nên không còn tâm
trí đâu mà thiền. Chị tâm sự "Mới đầu thì chưa quen nên theo yêu cầu đầu
tiên của nhóm việc dứt bỏ phương tiện liên lạc thấy cứ thiêu thiếu. Mặc
dù trước khi đi mình đã giao việc lại cho cấp dưới mà vẫn không yên
tâm".
Nhưng
chỉ sau ba buổi kiên trì theo chỉ dẫn của trưởng nhóm, chị Ngọc Linh
nhận thấy tâm trạng dần ổn định hơn, trong lòng không còn cảm giác lo
lắng đến mất ăn mất ngủ vì công việc. Chị lạc quan nói: "Cứ đà này chỉ
thêm vài buổi nữa là mình nhanh chóng tìm lại được cảm giác thoải mái
phấn chấn thôi!".
Còn
chị Thu Thủy thì chia sẻ: "Cảm giác mắt nhắm nghiền, toàn thân thả
lỏng, hít thở hương thơm thanh tịnh của hương tinh dầu thật sự thích
thú". Vì nhà cách chùa khá xa, vả lại muốn tham gia những câu lạc bộ
thiền để giao lưu, học hỏi nên chị Thu Thủy đã chủ động liên lạc với
nhóm "Thiên không" qua một diễn đàn trên mạng để xin gia nhập. Chị Thủy
chia sẻ kinh nghiệm: "Khó nhất của thiền là việc chế ngự những ý nghĩ
bên ngoài cứ nổi lên. Điều này ở trong nhà Phật gọi là "vọng tưởng".
Mới
ngồi thiền thì thường ai cũng như vậy, những "vọng tưởng" đó cứ hiện
lên lôi kéo mình đi khiến tâm không thể yên tĩnh, thanh tịnh. Tuy nhiên,
bạn cũng đừng cố ngăn cản nó, mỗi lần "vọng tưởng" khởi lên, bạn đều
nhận biết nó là "vọng tưởng" thì tự nó sẽ biến mất. Cứ luyện tập như
vậy, tâm mới dần trong sáng, giúp ta an tịnh, sáng suốt, tâm linh khai
mở...".
Nhiều hoạt động mở trong tâm thế thiền
Chị
Thủy cho biết, chị đặc biệt hứng thú với việc tập thiền theo nhóm, bởi
được các thành viên tham gia hướng dẫn rất nhiệt tình về cách kiểm soát
bản thân, kiểm soát năng lượng của mình và rèn luyện sức khỏe. "Thực ra
không có gì là cao siêu như trước đây mình tưởng tượng, chỉ là cách học
lắng nghe cơ thể, lắng nghe cảm xúc, lắng nghe nhu cầu cơ thể trước
ngoại cảnh đang tác động vào mình để có những điều chỉnh hợp lý".
Vũ Hải và sư thầy Thích Thanh Dương tại đại hội Đại biểu Phật giáo toàn quốc lần VII
Hiện
tại, ngoài việc thiền để tĩnh tâm, nhóm còn đang thử nghiệm hình thức
thiền trà học được của các thiền sư trên chùa. Tuy nhiên, để học được
nghệ thuật thiền này phải được luyện tập và tìm hiểu kỹ càng, bởi pha
trà cho đại chúng đã trở nên một nghi lễ, vì người pha trà phải thực tập
từ động tác khoan thai đến việc luyện cho tâm an trong khi pha trà.
Trong một buổi thiền trà, khay trà sẽ được chuyền tay từ người này sang
người khác, cho nên không thể có một chỗ trống không có người ngồi. Tuy
nhiên, thiền trà là một nghệ thuật, bởi sự thanh tịnh của người pha trà
có liên hệ đến sự thanh tịnh của toàn bộ nhóm thiền... nên không phải
nhóm nào cũng theo được phương pháp thiền độc đáo này.
Còn
theo Vũ Hải (thành viên của nhóm thiền Quán Âm Bồ Tát & Địa Tạng
Vương Bồ Tát), nhóm sinh hoạt thiền mỗi ngày một tiếng đồng hồ vào buổi
trưa các ngày trong tuần. Còn vào ngày cuối tuần theo lịch định sẵn, do
chính các sư thầy trong chùa dạy. Cũng theo Hải, nhiều bạn trẻ khi sinh
hoạt trong nhóm chia sẻ: "Bây giờ nghĩ lại, thích nhất là thời gian được
tĩnh tâm ngồi thiền, bởi không có máy tính, điện thoại bên cạnh, thấy
cuộc sống bớt hối hả hơn và thấy lòng bình yên hơn". Thậm chí, có nhiều
người cảm thấy ngày càng gắn bó với thói quen này bởi: "Ngày nào tập
thiền, sáng hôm sau lên cơ quan sẽ thấy tinh thần thoải mái, có hứng thú
làm việc và làm việc cũng hiệu quả hơn" - chị Ngọc Linh nói.
Hải
cho biết thêm, khởi nguồn là hoạt động của một nhóm bạn trẻ ở chùa
Hoành Pháp - TP.HCM. Nhóm mới thành lập ở Hà Nội thời gian gần đây chia
sẻ những thông tin, tài liệu bổ ích về Phật pháp. Ngoài ra, nhóm còn
tham gia tích cực các hoạt động từ thiện. Trước đây, nhóm đang được chùa
Thiên Niên (Lạc Long Quân - Tây Hồ - Hà Nội) cho mượn địa điểm để sinh
hoạt.
Hiện
tại, nhóm đã bố trí được nhà của một thành viên trong nhóm để thiền tại
gia và tiện cho việc các sư thầy được nhóm mời về giảng đạo. Hàng tuần,
nhóm tổ chức đi làm từ thiện ở những trại trẻ mồ côi trên địa bàn quanh
Hà Nội.
Hải
kể: "Mặc dù nhóm mới thành lập ở Hà Nội được hơn ba tháng nhưng đã có
khá nhiều những hoạt động tích cực và tính hướng thiện cao. Nhóm còn chủ
động mời các sư thầy ở chùa Thiên Niên tham gia và được nhà chùa ủng hộ
nhiệt tình. Thậm chí, các sư thầy còn bố trí cho nhóm một gian phòng để
làm nơi sinh hoạt chung hay họp hành lên kế hoạch làm việc...".
Theo Người đưa tin