Ầu ơ... Ví dầu cầu
ván đóng đinh/ Cầu tre lắt lẻo gập ghềnh khó đi/ Khó đi cha dắt con đi/
Con đi trường học, cha tu ở chùa... Mỗi khi những đứa trẻ gào khóc đau
đớn bởi những căn bệnh quái ác hành hạ, ông lại vội vàng ôm chúng vào
lòng rồi cất lên những lời ru ấm áp và da diết ấy. Lạ thay, các em
không khóc nữa mà cứ dụi dụi đầu vào ngực ông để tìm hơi ấm tình thương
rồi từ từ chìm vào giấc ngủ bình an. “Người cha” khoác áo cà sa ấy là
thượng tọa Thích Thiện Chiếu, trụ trì chùa Kỳ Quang 2 ở phường 17, quận
Gò Vấp - TPHCM.
Thượng tọa Thích
Thiện Chiếu ru một em khuyết tật
Gần gũi thân
tình với từng số phận
Biết tôi có ý định
tìm hiểu về những việc làm từ thiện của ông và nhà chùa, thượng tọa
Thích Thiện Chiếu cứ đắn đo: “Làm từ thiện thì không nên lên tiếng làm
gì. Vả lại, chúng tôi cũng chưa làm được nhiều việc cho xã hội mà”. Nài
nỉ mãi, chúng tôi mới được vị sư có gương mặt phúc hậu, giọng nói điềm
đạm, khoan thai dẫn ra sau chùa thăm lớp học mẫu giáo và khu nội trú
của trẻ mồ côi, khuyết tật.
Những đứa trẻ đang
chơi ùa ra vây lấy ông, luôn miệng gọi “cha”, “cha ơi”. Ông ôm hôn từng
em rồi đùa giỡn, múa hát cùng chúng. Tiếng cười nói vang dậy cả ngôi
chùa. Có em nũng nịu đòi ông cho ăn cơm. Có em cứ kéo áo đòi leo lên
lưng ông. Có em gương mặt biến dạng, nụ cười méo xệch, nói không rõ
tiếng, chân tay co quắp nhưng vẫn cố ra dấu đòi ông kể chuyện... Vị sư
ân cần, nhẹ nhàng bế từng đứa lên và thì thào vào tai từng em, chúng
thích thú cười ngặt nghẽo...
Đang chơi đùa cùng
đám trẻ, chợt thấy Trần Hồ Ngọc Diễm, một đứa bé khoảng 3 tuổi bị mẹ bỏ
rơi khi mới sinh ra được 4 ngày, vừa bị mù vừa bại liệt, khóc ngặt
nghẽo, thượng tọa vội vàng đến bế em lên, cất giọng: Ầu ơ... Ví dầu cầu
ván đóng đinh/ Cầu tre lắt lẻo gập ghềnh khó đi/ Khó đi cha dắt con đi/
Con đi trường học, cha tu ở chùa... Chẳng mấy chốc, Diễm đã ngủ ngon
lành. Một bé gái hơn 10 tuổi nằm giường kế bên Diễm, chân tay tong teo
bỗng nổi cơn co giật. Thượng tọa lại xoay qua ôm chặt em vào lòng, ru:
Ầu ơ... Lên non mới biết non cao/ Có nuôi con trẻ mới biết công lao của
mẫu từ...
Đang loay hoay với
đám trẻ, ông được một cô bảo mẫu từ cuối dãy nhà chạy lên thưa: “Thầy
ơi, bé Trâm cứ khóc không chịu ăn, con dỗ mãi vẫn không chịu”. Thế là
thượng tọa vội quày quả đến nơi có tiếng khóc của đứa trẻ biếng ăn.
Rộng vòng
tay với trẻ bơ vơ
Ở Trung tâm Nuôi dạy
- Hướng nghiệp cô nhi, khuyết tật của chùa Kỳ Quang 2 có bao nhiêu đứa
trẻ thì cũng có bấy nhiêu hoàn cảnh khác nhau. Có em bị dị dạng bẩm
sinh nên cha mẹ không nhìn nhận nhưng cũng có em sinh ra khỏe mạnh bình
thường mà vẫn bị cha mẹ bỏ rơi ngay cổng chùa. Em Trần Hồ Xuân Phước
bị mẹ bỏ trong một chiếc thùng, còn em Trần Hồ Xuân Sang bị mẹ bỏ trong
chiếc giỏ đặt trước cổng chùa. Nghe tiếng trẻ khóc giữa đêm khuya
thanh vắng, thượng tọa Thích Thiện Chiếu lại ra
ẵm vào chăm sóc. Đến nay, Phước đã được 17 tháng tuổi, Sang đã 16 tháng
tuổi và đều bụ bẫm, khỏe mạnh.
Các em đang ngủ
nhưng vẫn cảm nhận được tiếng bước chân của người cưu mang mình hướng về
phía mình và đồng loạt tỉnh giấc. Thấy vậy, ông lại nhẹ nhàng xoa lưng
từng em, cất giọng ru ấm áp: Ầu ơ... Con ơi con ngủ cho ngoan/ Mai sau
khôn lớn cháu ngoan Bác Hồ... Thượng tọa cho biết tất cả các em bị bỏ
rơi từ nhỏ được ông nhận vào chùa cưu mang đều được đặt cho họ Hồ “để
sau này lớn lên các em sẽ ý thức được mình là con cháu Cụ Hồ”.
Nghe ở đâu có trẻ bị
bỏ rơi, khuyết tật, lang thang cơ nhỡ..., thượng tọa lại dang rộng
vòng tay đón vào chùa chăm sóc, nuôi dưỡng. Hiện Trung tâm Nuôi dạy -
Hướng nghiệp cô nhi, khuyết tật của nhà chùa có
tới 236 đứa trẻ. Trong đó, 110 em khiếm thị, 80 em bại não, thần kinh
và dị tật khác. Trung tâm được chia làm 2 cơ sở nuôi dạy và hướng
nghiệp cho các em mồ côi, khuyết tật. Cơ sở 1 đặt ngay tại khuôn viên
của chùa Kỳ Quang 2, nuôi dạy các em dưới 18 tuổi; cơ sở 2 đặt tại
phường Thạnh Lộc, quận 12 - TPHCM dành cho các em trên 18 tuổi. Ở đây,
thượng tọa mời giáo viên về dạy trẻ khuyết tật từ mẫu giáo đến lớp 5;
các em khỏe mạnh từ 6 tuổi trở lên được ông gửi đi học ở trường ngoài,
học phí do chùa đài thọ; các em khiếm thị được học chữ nổi. Thượng tọa
cũng là người chịu trách nhiệm chính trong việc hướng nghiệp, tìm nghề,
dựng vợ gả chồng cho các em lớn tuổi.
Thượng tọa Thích
Thiện Chiếu cho biết hiện nhà chùa đang xin giấy phép mở tiếp cơ sở 3 ở
xã Quy Đức, huyện Bình Chánh - TPHCM để nuôi dưỡng người già không nơi
nương tựa và những người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.
Khám - chữa
bệnh miễn phí
Kế bên trái chùa Kỳ
Quang 2 là Tuệ Tĩnh Đường được mở ra để khám - chữa bệnh, bốc thuốc
miễn phí. Thượng tọa Thích Thiện Chiếu nói: “Ở đây, chúng tôi không chỉ
chữa bệnh bằng thuốc mà còn kết hợp dùng giáo lý nhà Phật để chữa “tâm
bệnh” cho bệnh nhân. Vì thế, nhiều người đã hồi phục sức khỏe, tinh
thần thoải mái”.
Theo chứng từ, sổ
sách ghi lại, mỗi ngày tại Tuệ Tĩnh Đường có khoảng 500 bệnh nhân đến
khám và điều trị miễn phí, tương ứng với ít nhất 500 thang thuốc phát
ra. Tôi thử làm một phép tính nhỏ, nếu cứ 10.000 đồng/thang thuốc, mỗi
ngày Tuệ Tĩnh Đường phải chi ít nhất là 5 triệu đồng, mỗi năm gần 2 tỉ
đồng. Tất cả số tiền thuốc ấy đều được nhà chùa cấp phát hoàn toàn miễn
phí.
Không chỉ khám –
chữa bệnh, Tuệ Tĩnh Đường còn mở văn phòng tư vấn về HIV/AIDS. Năm 2009,
có 1.236 lượt người đến đây và được tư vấn miễn phí. Họ được đối xử
đặc biệt, không bị phân biệt, kỳ thị nên đã xóa bỏ được mặc cảm để an
tâm điều trị.
Với những việc làm
từ thiện đóng góp cho xã hội, thượng tọa Thích Thiện Chiếu đã được Nhà
nước trao tặng Huân chương Lao động hạng ba và tập thể chùa Kỳ Quang 2
được trao tặng Huân chương Lao động hạng nhì. “Tuy nhiên, phần thưởng
quý giá nhất của tôi và nhà chùa nói chung chính là tình cảm của các em
mồ côi, khuyết tật dành cho mình. Mỗi lần nghe các em gọi mình bằng
tiếng cha trìu mến, tôi cảm thấy không hạnh phúc nào nsánh bằng” –
thượng tọa thổ lộ.
Cơ duyên với trẻ khuyết
tật, mồ côi
Thượng tọa nhớ lại vào một chiều cuối mùa mưa năm 1994,
ông chứng kiến một em khiếm thị cõng một đứa trẻ bị tật chân lang
thang xin ăn trước cổng chùa Kỳ Quang 2. Biết các em đang đói khát, ông
gọi chúng vào chùa lấy cơm chay cho ăn rồi lựa lời khuyên ở lại chùa
với mình. Như có duyên với trẻ khuyết tật, mồ côi, dần dà các em tìm
đến cửa chùa ngày càng đông. Khi đã nhận cưu mang 20 em, thượng tọa xin
chính quyền địa phương cho mở mái ấm tình thương để nuôi dạy, chăm sóc
chúng. Các phật tử thấy vậy đã ủng hộ nhiệt tình cả tinh thần lẫn vật
chất. Ban đầu là “cơ sở nuôi thanh thiếu niên khiếm thị”, về sau, khi
trẻ khuyết tật, bị bỏ rơi đến nhiều hơn, ông đổi tên thành “Trung tâm
Nuôi dạy - Hướng nghiệp cô nhi, khuyết tật”.
Thượng tọa Thích
Thiện Chiếu chăm sóc trẻ khuyết tật, mồ côi
Hôm chúng tôi đến chùa Kỳ Quang 2, nhiều nhà hảo tâm
cũng đến đây đóng góp lương thực, thực phẩm hoặc chung tay chăm sóc trẻ
khuyết tật, mồ côi. Bạn Nguyễn Văn Duy, sinh viên năm cuối Trường ĐH
Tôn Đức Thắng, tâm sự: “Mỗi tuần, tôi đến chùa 3 lần, vừa để lòng mình
thư thái vừa tham gia chăm sóc các em mồ côi, khuyết tật”. Nhiều bạn
trẻ từ các nước đến TPHCM cũng ghé trung tâm để góp sức chăm sóc các
em. Gray, một thanh niên 19 tuổi người Mỹ, vừa đút từng thìa cơm cho
các em bại liệt vừa xúc động bảo: “Trước khi qua VN, chúng tôi đã được
các bạn đi trước cho biết ở đây có nhiều trẻ khuyết tật được chùa cưu
mang. Vì thế, lần này qua VN, nhóm chúng tôi đã đến đây để chung tay
xoa dịu nỗi đau của các em”.
Thượng tọa Thích Thiện Chiếu hiện là Phó Ban Từ thiện
xã hội Trung ương Giáo hội Phật giáo VN. Cuối tháng 4-2010, ông đã cùng
với lãnh đạo Trung ương Giáo hội Phật giáo VN ra Trường Sa để thăm
hỏi, tặng quà các cán bộ, chiến sĩ và bà con ở đây; đồng thời dự lễ
khánh thành một ngôi chùa tại quần đảo này.
|