Dự án “Cánh rừng xanh” của một nhà Sư
24/11/2011 11:52 (GMT+7)


Dự  án “Cánh rừng xanh”

Từ khi dự án Cánh rừng xanh tại tỉnh Khánh Hòa ra đời tháng 10- 2007 đến nay đã thực hiện phủ xanh rừng được 4 năm, là một trong những tỉnh thành thuộc khu vực vùng duyên hải miền Trung Việt Nam, chịu ảnh hưởng nhiều nhất từ thiên tai. Qua thực tiễn cho thấy đây là vùng đang chịu ảnh hưởng ít nhất của 8 loại hình do thiên tai, hiểm họa gây ra bao gồm: bão, lũ (kể cả lũ quét), lụt, hạn hán, sạt lở đất, lốc, xâm nhập mặn và xói lở bờ sông.

Chư Tăng tịnh xá Ngọc Vạn tham gia trồng rừng- Ảnh: G.M.L

Dự án do ĐĐ.Thích Giác Hạnh, trụ trì tịnh xá Ngọc Vạn, huyện Vạn Ninh thực hiện được khởi động tại vùng núi Phổ Đà. Xưa kia, núi Phổ Đà là một khu rừng nguyên sinh với nhiều loại động thực vật phong phú và đa dạng. Sự biến mất của rừng nguyên sinh đã làm cho nguồn lợi của rừng đem lại cho con người nơi đây dần cạn kiệt, tình trạng thiếu nước canh tác và sinh hoạt diễn ra nghiêm trọng. Các cánh đồng hoa màu bị bỏ hoang vì không có nước, nguồn nước sinh hoạt của người dân phải vận chuyển từ vùng lân cận đến. Về địa hình đồi núi ở đây rất dốc, dễ bị trôi và sạc lở, cùng với yếu tố sông ngòi ngắn và dốc, chế độ nước lên xuống bất thường, là những nguyên nhân gây sạc lở hàng năm, dần dần đất trở nên xấu đi và không thể duy trì canh tác được, dẫn đến rừng bị bỏ trống.

Vào năm trước, ở đây đã xảy ra hiện tượng sụp đất đã làm chết 3 mạng người khi đang làm nương rẫy, 2 người tìm được thi thể, còn lại 1 người bị chôn vùi trong lòng đất.

ĐĐ.Thích Giác Hạnh cho biết, trong các giải pháp ứng phó với sự biến đổi khí hậu thì việc đẩy mạnh thực hiện chương trình bảo vệ  và phục hồi lại rừng là công việc được xem hàng đầu, mang tính cấp bách và lâu dài. Khi dự án Cánh rừng xanh ra đời nó đã được sự ủng hộ của đồng bào Phật tử và các nhà mạnh thường quân trong và ngoài nước, dự án Cánh rừng xanh ngày càng mở rộng, màu xanh của rừng đã dần trở lại.

Phật tử tham gia dự án trồng rừng- Ảnh: G.M.L

Cô Ngọc Vân, người ủng hộ dự án từ những năm đầu tiên nói: “Tôi ủng hộ dự án Cánh rừng xanh này là vì bảo vệ chính sự sống của mình, gia đình, bạn bè, người thân. Cánh rừng xanh cần tất cả những ai quan tâm đến môi trường, đến sự phát triển của nhân loại hãy cùng nhau bảo vệ sự sống của hành tinh này bằng những hành động thiết thực nhất.”

Chú Thi, người làm công tại địa phương cho biết, ban đầu đi trồng rừng cho tịnh xá, chú có ý nghĩ là chỉ làm để kiếm thêm tiền cho chi tiêu gia đình nhưng sau 4 năm là người làm việc cho dự án, chú đã thấy được các lợi ích mà dự án mang lại rất rõ rệt, các thửa ruộng dưới chân núi đã vàng màu lúa chín, vì dòng suối khô ngày nào bây giờ đã có nước trở lại. Tuy chỉ có một vài hiệu quả ban đầu nhưng chú có niềm tin vào nhiều lợi ích khác mà dự án mang lại cho chính chú, bà con nông dân vùng này.

Trồng xanh lại những vạt đồi

Những lứa cây được trồng đầu tiên làm thay da đổi thịt cả một vùng, đến nay cây đã lên cao và bắt đầu phủ tán, dòng suối nhỏ dưới chân cánh rừng được trồng ngày trước cạn khô, hôm nay đã nghe tiếng chảy róc rách. Chim muông cũng dần quay về trú ẩn dưới tán rừng này.

Tháng 10 vừa qua, chư Tăng, Phật tử tịnh xá Ngọc Vạn cùng với người dân và các nhà hảo tâm đã cùng nhau chung tay trồng thêm 6 ha đất rừng, tổng số cây giống được trồng là hơn 13.000 cây con từ sự ủng hộ đóng góp giống của bà con Phật tử. Tỉ lệ cây con sống khi được trồng rất cao, bởi lẽ dự án được sự giúp đỡ của một nhà hảo tâm ở Thụy Sĩ là Mr. Pascal, khi được các bạn của ông giới thiệu về dự án Cánh rừng xanh do một nhà Sư đang thực hiện tại Việt Nam. Mr.Pascal đã về Việt Nam để thấy trực tiếp việc khôi phục rừng và bảo vệ sự sống.

Sau khi tìm hiểu, Mr. Pascal tự nguyện trở thành thành viên của Cánh rừng xanh, với kĩ thuật trồng và chăm sóc  mới của mình, cây con được đảm bảo cao về tỉ lệ sống và phát triển tốt, góp phần tạo nên màu xanh cho núi rừng. Trong hai năm đầu thực hiên dự án, cây con chỉ được trồng vào mùa mưa, để đảm bảo tỉ lệ sống cho cây con, nhưng từ khi có sự giúp đỡ về phần kĩ thuật trồng và chăm sóc của Mr. Pascal, thì việc trồng rừng dễ dàng hơn nhiều, không phải còn chờ đến mùa mưa nữa, mà có thể trồng cây con ngay cả mùa khô hạn, nhưng vẫn đảm bảo sự sống và phát triển cho cây. Chính vì điều đó đã tạo thuận lợi cho việc mở rộng và phát triển dự án.

Ươm mầm cho rừng- Ảnh: G.M.L

Tính đến nay, dự án đã phủ xanh được trên 20 ha đất rừng, loại cây trồng được chọn để phục hồi rừng là cây xoan chịu hạn, là một loại cây trồng thành công trong những chương trình phủ xanh đất trống đồi trọc, vùng đất cát, ngăn chặn sa mạc hóa tại nhiều nước như Ấn Độ, Châu Phi, Caribe, Nam Mỹ…  Sau khi đưa vào Việt Nam xoan chịu hạn tỏ ra là cây hàng đầu trong việc chống sa mạc hóa. Không riêng gì người dân Ninh Thuận mà cả Bình Thuận và nhiều tỉnh khác đều khẳng định điều đó. Sức sống của nó thật mãnh liệt. Những vùng cồn cát đang dần bị sa mạc hóa đã thật sự đổi thay khi người ta trồng cây xoan chịu hạn ở đó.

Dự án Cánh rừng xanh được xác định là một chương trình mang tính lâu dài và được thực hiện hàng năm. Vào mỗi đầu mùa xuân, chư Tăng và Phật tử Tịnh Xá Ngọc Vạn tự bắt đầu ươm giống và chăm sóc cây con, đến đầu mùa mưa thì bắt tay vào trồng rừng. Mỗi năm, dự án trồng thêm 5ha đất trống, đồi trọc. Đến nay dự án đã thực hiện được 4 năm và đạt được nhiều kết quả khả quan về môi trường sinh thái nơi đây.

Đối với dự án Cánh rừng xanh ngoài việc phục hồi lại môi trường sinh thái, góp phần chống biến đổi khí hậu toàn cầu và các vấn đề do biến đổi khí hậu gây ra. Dự án còn giúp cho bộ phận nhỏ bà con nơi đây có việc làm góp thêm thu nhập cho kinh tế gia đình. Hàng năm, dự án tạo hơn 500 ngày công cho nhân dân thông qua việc trồng rừng, phát quang rừng đã trồng, chăm sóc cây con mới trồng, được biết tổng kinh phí mỗi năm cho dự án khoảng 120 triệu đồng.

 Cánh rừng xanh mang nhiều ý nghĩa thiết thực, giúp bảo vệ sức khỏe, tính mạng của con người, ngăn chặn và hạn chế được những sự cố môi trường, thúc đẩy mọi hoạt động xã hội phát triển. Dự án còn góp phần vào nâng cao ý thức bảo vệ môi trường sinh thái của người dân. Ban Quản lý dự án Cánh rừng xanh tin rằng với việc làm thiết thực này là một bức thông điệp gởi đến tất cả những thành viên cùng chung sống trên hành tinh xanh vì: “Môi trường là cuộc sống – Cuộc sống là môi trường”.

Giác Minh Luật (GNO)

Các tin đã đăng: