Lên chùa học tiếng Nhật cùng sư thầy
19/09/2011 04:27 (GMT+7)

Trung tâm ngoại ngữ "gia đình"


Năm 2007, sau khi hoàn tất khóa học tại Học viện Phật giáo - chùa Quán Sứ và nhận văn bằng cử nhân ngoại ngữ Đại học Hà Nội, thầy Thích Đức Minh trở về chùa Tảo Sách bên Hồ Tây (Hà Nội) do TT Thích Nguyên Hạnh trụ trì.

Thầy Đức Minh trong một buổi lên lớp - Ảnh: bee.net

Thượng Tọa trụ trì thấy vốn kiến thức tiếng Nhật của thầy Đức Minh rất tốt nên gợi ý vị sư trẻ tuổi chia sẻ kiến thức đó với mọi người. Và lớp học tiếng Nhật đầu tiên được tổ chức tại khu nhà kho của chùa Tảo Sách với hơn chục học trò cấp 2, cấp 3 quanh khu vực chùa.

Lớp học không thu phí, thậm chí thầy Đức Minh con lo cả sách vở giáo trình cho những em có hoàn cảnh khó khăn. “Thời gian đầu có rất nhiều em đến chỉ với tinh thần "học thử, học chơi", coi lớp học như chỗ nghỉ làm thầy nản. Tuy nhiên, lại chính những học viên chăm chỉ, có những em đi xe buýt cả 20km số đến học đã nâng tinh thần để tôi giữ lớp”, thầy Đức Minh kể lại.

Giờ đây sau 2 năm từ ngày ra đời, lớp học tiếng Nhật miễn phí của thầy Đức Minh đã trở thành Trung tâm tiếng Nhật với khoảng 300 học viên. Thầy Đức Minh cũng không thể duy trì lớp học trong khuôn viên nhà chùa mà phải mượn phòng của Trường Tiểu học Nhật Tân để dạy vào các tối trong tuần.

Lại Công Quyền (sinh viên năm 3, khoa Điện tử, Đại học Công nghiệp Hà Nội) cho biết, học ở các trung tâm khác học xong là về, còn ở đây bọn em ai cũng muốn đến sớm. Em vừa đi dạy thêm về, còn 2 tiếng nữa mới đến giờ học nhưng em đến giúp thầy việc chùa rồi tranh thủ học bài, cảnh chùa yên tĩnh lại rất đẹp không đâu lý tưởng bằng.

Còn theo em Bùi Ngọc Đông (sinh viên năm 2, Đại học Ngoại ngữ Hà Nội), học ở chùa những ai mà xác định học hành cẩn thận và nghiêm túc thì đi và phải kiên trì nữa nếu không thì nên ở nhà cho khỏi mất công và thời gian bởi thầy Đức Minh rất nghiêm.

Thầy Đức Minh cho biết, chỉ cần các em nghỉ học 3 buổi không lý do là sẽ bị gạch tên và muốn quay lại lớp học phải được thầy đồng ý; Không được mặc quần áo "không nghiêm túc đến lớp". Hằng ngày, hằng tháng hay hàng khóa liên tục có các bài kiểm tra. Các em phải học thật sự nghiêm túc mới đạt được nhiều thành quả.

Kiến thức là phương tiện để hướng thiện

Được biết, Trưởng khoa Tiếng Nhật (Đại học Hà Nội) cũng trực tiếp làm cố vấn cho Trung tâm. Mới đây, trường đã nhận 4 em học sinh của thầy Đức Minh vào học hệ cử nhân khoa Tiếng Nhật và cũng không lấy học phí. Các học sinh giỏi tại trung tâm sẽ được thi lấy chứng chỉ năng lực tiếng Nhật do Đại sứ quán Nhật Bản cấp. Hiện đã có đến hơn 20 học sinh từ lớp của thầy tìm được công việc có thu nhập cao, thậm chí đang làm việc ở nước ngoài.


Hiện tại, trung tâm có 8 thầy cô Việt Nam và 4 thầy cô từ Nhật là tình nguyện viên, giảng viên đã tốt nghiệp cử nhân ngoại ngữ cùng tham gia. Cũng có những người đã từng học tại trung tâm và quay lại dạy lại các em. Giáo trình sử dụng giống với tại các trường đại học ngoại ngữ, ngoài ra kèm thêm một số sách do các thầy cô Nhật mang sang.

Cô giáo Izumin (người Nhật, 31 tuổi) cho biết, cô biết thầy Đức Minh qua một diễn đàn từ internet. Bị thuyết phục bởi tấm lòng chân thành của vị sư thầy trẻ tuổi nên cô quyết định sang Việt Nam để học tiếng Việt, đồng thời dạy tiếng Nhật cho các sinh viên Việt Nam.

Khi chúng tôi hỏi thầy Đức Minh nếu có người hảo tâm góp tiền cho trung tâm của mình, thầy có nhận không, thầy cười và trả lời bây giờ thì chưa dám nhận. "Không phải tôi từ chối tấm lòng hảo tâm đâu. Trung tâm mới hoạt động, anh em chúng tôi còn nhiều việc phải làm lắm. Giờ nhận tiền mà chưa có kế hoạch dùng cho tốt được thì không dám nhận".

Gần 6g chiều, những lớp học bắt đầu, trang nghiêm như chính không gian nơi đây. Chúng tôi ra về, trong đầu vẫn văng vẳng tiếng thầy Đức Minh: Tôi coi tiếng Nhật chỉ là phương tiện thôi, điều tôi muốn truyền tới các em là sự hướng thiện, có được phương tiện là kiến thức thì con người ta sẽ ngộ ra được những điều tốt đẹp để sống có ích...

Thi Tuyền (bee.net)

Các tin đã đăng: