Từ chuyện "nhà sư triệu phú" rời chùa lên núi ẩn tu
21/10/2011 02:23 (GMT+7)


Vừa qua, báo The Guardian của Anh có một bài viết đáng chú ý: “Mingyur Rinpoche, nhà sư triệu phú xả bỏ hết thảy” (Mingyur Rinpoche, the millionaire monk who renounced it all).Ngay cái tựa thôi cũng đã gây sự tò mò cho người đọc, bởi thông thường ít ai gọi một người xuất gia tu hành kiểu như vậy (nhà sư triệu phú).

Lạt ma Mingyur Rinpoche

Quyết định của “Nhà sư triệu phú”

Câu chuyện được The Guardian viết: Một Lạt ma giáo thọ của truyền thống Phật giáo Tây Tạng quyết định từ bỏ tu viện của thầy, vào rặng Hy Mã Lạp Sơn tu hành ẩn dật với tâm nguyện làm sống lại các nguyên lý vốn đã được Đức Phật chứng nghiệm và tuyên thuyết cho đời.

Trong ấn tượng đầu tiên, Lạt ma Mingyur Rinpoche dường như có mọi thứ đã được sắp đặt sẵn cho một sự nghiệp nổi tiếng như là thầy dạy thiền toàn cầu trong truyền thống Kagyu của Phật giáo Tây Tạng. Năm 36 tuổi đã có 1 cuốn sách bán chạy nhất (The Joy of Living - Sống An Lạc) với tên của thầy, một tu viện tại Ấn Độ và Tergar, một tổ chức quốc tế có trụ sở tại Hoa Kỳ với nhiều chi nhánh trên toàn thế giới.

Lạt ma Mingyur Rinpoche đã sống bình an với một nhóm người theo học đạo. Thầy được thỉnh làm thầy giáo thọ và được kính trọng bởi những người rất sùng đạo trong thế giới phát triển, vì sự quan tâm của thầy trong việc áp dụng khoa học vào thiền - đặc biệt ảnh hưởng của thiền lên chức năng của não bộ và hệ thống thần kinh. Thầy đã trải qua 10 năm tu tập thiền một mình, phía sau thầy là những người sùng mộ Phật giáo Tây Tạng có ấn tượng với phẩm đức cá nhân của thầy.

Nhưng Mingyur Rinpoche không có ý trụ lại nơi vinh quang của mình. Thầy cũng không thích thú trong việc trở thành một vị đạo sư danh tiếng khác, sống trong xa hoa và hư hỏng bằng sự tâng bốc các vị Lạt ma quan trọng.

Vào một buổi sáng của tháng 6 năm nay những người theo học đạo gõ cửa căn phòng của thầy tại tu viện ở Bồ Đề Đạo Tràng, Ấn Độ, và khi không thấy ai trả lời họ bước vào: căn phòng không bóng người - ngoại trừ một lá thư giải thích thầy ấy đã ra đi một thời gian không định để trở thành một hành giả du-già, thiền định cho đến bất cứ khi nào thầy ngộ đạo trên núi Hy Mã Lạp Sơn.

Người em trai của thầy là Tsoknyi Rinpoche giải thích, rằng “Thầy không mang theo tiền, và không có gì hết. Thầy không đem theo giấy tờ hộ chiếu, điện thoại cầm tay hay ngay cả bàn chải đánh răng”.

Trong lá thư, Mingyur Rinpoche nói rằng từ lúc còn là một cậu bé, thầy đã nuôi dưỡng một ước nguyện ẩn tu và thực nghiệm, không ngại là từ nơi này đến nơi khác mà không có chỗ trú ngụ ổn định nào”. Thầy khuyên những người theo học đạo đừng lo lắng cho thầy, an ủi họ rằng trong một vài năm họ sẽ gặp lại. Cho đến hôm nay không một người nào biết thầy đang ở đâu và thầy cũng không liên lạc với gia đình.

Mingyur Rinpoche bắt đầu cuộc hành trình từ Bồ Đề Đạo Tràng, nơi mà Thái tử Tất Đạt Đa đã giác ngộ thành Phật.

Cortland Dahl, Giám đốc Tổ chức Tergar của Mingyur Rinpoche, nói rằng: “Chúng tôi thấy quyết định của thầy ấy rất là tích cực. Đó là sự khích lệ. Bạn đọc về những người làm điều này trong quá khứ, nhưng dường như không một ai muốn làm điều này trong thời đại hiện nay (dẫn lược theo bản dịch của Đại đức Thích Minh Trí).

Thông thường, người ta chỉ đề cập đến gương của những bậc thầy, những Tăng Ni dấn thân nhập thế, đem đạo vào đời, nhiệt thành với các hoạt động vì lợi ích cộng đồng, góp phần hàn gắn những nỗi đau của người có hoàn cảnh khó khăn, bất hạnh. Hoặc báo chí thường nêu danh những người thành đạt trong xã hội từ bỏ vinh hoa phú quý, xuất gia tu hành… Còn chuyện Tăng sĩ bỏ… chùa lên Hy Mã Lạp Sơn ẩn tu thì quả là hiếm hoi.

Tăng sĩ từ bỏ chùa lên núi ẩn tu, nghịch lý chăng? Ở đâu mà chẳng thể tu hành? Chùa chẳng phải là môi trường tu tập thuận lợi nhất hay sao? v.v… Không ít thắc mắc được đặt ra cho người đọc trước thông tin việc Lạt ma Mingyur Rinpoche, một Tăng sĩ có vai trò quan trọng đối với hệ thống các trung tâm Phật giáo và tín đồ đông đảo, nổi tiếng, được nhiều người mến mộ phẩm hạnh đã âm thầm từ bỏ, một mình lên núi chuyên tâm thực hành pháp mà Đức Phật đã tự thân chứng ngộ, đã giảng thuyết cho tất cả, như lời thầy đã viết trong lá thư để lại.

Phải chăng, trải qua hơn hai ngàn năm trăm năm, những thay đổi mạnh mẽ của xã hội đã tác động làm cho môi trường an trú, tu học của Tăng Ni cũng có những thay đổi sâu sắc, khiến cho những nơi ấy gánh vác thêm nhiều chức năng xã hội, và Tăng Ni phải đảm trách nhiều công tác bận rộn, không thể chuyên tâm thực hành Phật pháp?

Hình bìa cuốn sách thuộc dạng "best seller"
của Lạt ma Mingyur Rinpoche

Nghĩ về chuyện ở Việt Nam

Ở Việt Nam chúng ta hiện nay, chưa thấy một công trình nghiên cứu sâu về vấn đề này. Ít ra là nghiên cứu về tính chất, vai trò và sự chuyển biến của ngôi chùa trong đời sống xã hội qua các giai đoạn lịch sử. Để từ đó, có cái nhìn rõ và có thể định hướng, điều chỉnh hoạt động của chùa chiền, cân nhắc loại trừ các pha tạp mê tín làm lu mờ giá trị trí tuệ và từ bi của Phật giáo, phát huy vai trò chùa chiền kế thừa truyền thống Phật giáo gắn bó mật thiết với dân tộc ở giai đoạn hiện tại và tương lai.

Điều đó là hết sức quan trọng. Bởi nếu không có cơ sở nhận thức đó thì không thể nào hình dung vai trò xã hội của một vị Tăng, Ni có trách nhiệm trụ trì ở các chùa, cơ sở Phật giáo,  với vai trò là người hướng dẫn đạo đức tâm linh, mà chỉ mơ hồ khái niệm theo định nghĩa một cách từ chương theo Trung Quốc xưa cùng với một số kiến thức về pháp luật, chính sách của nhà nước hiện hành.

Chùa ở Việt Nam một thời là cơ sở giáo dục, góp phần đào tạo nên nhân tài không chỉ cho Phật giáo mà cho đất nước. Những nhân vật như Lý Nam Đế (503–548), người khai sinh nền độc lập Vạn Xuân, hay Lý Thái Tổ (974 – 1028), vị vua mở đầu triều đại nhà Lý, khai sinh kinh đô Thăng Long… là những người được nuôi dạy ở trong chùa.

Từ cuối thời Trần trở đi, Phật giáo có những chuyển biến, chùa chiền trở thành trung tâm tín ngưỡng, tâm linh của người dân, là một trong ba yếu tố quan trọng trong hình ảnh khái quát về cấu trúc văn hóa Đại Việt (đất vua, chùa làng, phong cảnh Bụt). Chùa là gốc tâm linh của nhiều lễ hội, là nơi diễn ra các nghi lễ thiêng liêng có đông đảo quần chúng tham dự… Thời đất nước bị Pháp thuộc, với chính sách nhổ tận gốc rễ văn hóa Việt, nghĩa là phải thay thế niềm tin đạo Phật trong dân chúng bằng Ki-tô giáo, một số chùa chiền vốn là các trung tâm quan trọng đã bị phá hủy, nhiều vị Tăng Ni lùi về hòa trong dân gian, ẩn dật. Dưới chính sách đô hộ, chùa chiền trở nên hoang vắng, hoặc bị phủ bởi những đám mây tín ngưỡng pha tạp.

Thập niên 1930, phong trào chấn hưng được khởi nguồn từ miền Nam, rồi ảnh hưởng trên cả ba miền, sau đó phát triển mạnh mẽ ở miền Trung, mà dấu ấn để lại ở Huế cho đến hôm nay thật sâu sắc. Chùa chiền trở thành trung tâm hoằng pháp, theo đúng chữ “tu - học” - vừa học vừa thực hành Phật pháp.

Do hoàn cảnh lịch sử, đất nước bị chia cắt và phải chịu đựng hoàn cảnh khốc liệt của chiến tranh. Mỗi miền một hoàn cảnh, đưa đến một số đặc điểm khác biệt và tồn tại cho đến hôm nay, dễ dàng nhận thấy.

Hiện tại, Phật giáo đã có Giáo hội Phật giáo Việt Nam, tổ chức thống nhất trên ý chí, sắp kỷ niệm tròn 30 năm thành lập. Tuy nhiên, thực tế, chúng ta chưa có được sự thống nhất toàn diện. Cũng là sắc nâu truyền thống, nhưng có rất nhiều sắc độ khác nhau. Pháp phục vẫn chủ yếu là màu vàng tinh tấn, nhưng sắc độ vàng thì phong phú đến tùy tiện, chưa có quy định rõ ràng. Chùa chiền cũng vậy. Mạnh ai nấy làm. Mỗi chùa một kiểu kiến trúc, pha tạp một cách đáng ngại. Đó là chưa kể đến nhiều lĩnh vực khác không tiện nêu ra vì sẽ dài dòng.

Nói lên điều đó để làm gì? Để chúng ta cùng suy ngẫm lại. Chúng ta thường nói: Phật giáo gắn bó mật thiết với dân tộc, Phật giáo đồng hành cùng dân tộc suốt hơn 2.000 năm qua. Vậy thì gắn bó ở điểm nào và đồng hành những gì? Đâu là đặc điểm Phật giáo Việt Nam? Khác với Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc… ở điểm nào? Ít ra là ở bình diện văn hóa, là kiến trúc,  cách thờ tự, sắc màu pháp phục phù hợp với phong nhưỡng, quan niệm Phật giáo nhập thế, v.v…

Trở lại câu chuyện Lạt ma Mingyur Rinpoche mà báo The Guardian đã viết, họ gọi vị Lạt ma này với định danh “nhà sư triệu phú”, có lẽ cách nhìn đó căn cứ trên quan niệm “sở hữu” thông thường của người phương Tây, ước tính qua “tài sản” của tổ chức Phật giáo quốc tế mà vị Lạt ma này là người lãnh đạo. “Nhà sư” và “triệu phú”, hai khái niệm vốn xa lạ với nhau, nay lại sánh đôi như vậy, cũng như trong dư luận ở nước ta, thỉnh thoảng có người nói “sư trụ trì X chùa Y giàu kếch xù”..., là một trong những dấu hiệu cho thấy sự thay đổi sâu sắc trong cách nhìn của nhiều người đối với Phật giáo thời hiện đại.

Hành động từ bỏ mọi thứ, âm thầm dấn thân thực hành Phật pháp của Lạt ma Mingyur Rinpoche như đã thông tin là lời giải thích tốt nhất cho những ngộ nhận về Phật giáo, đối với người xuất gia theo Phật, học hạnh xả ly. Suy nghĩ ấy, lời nói ấy và hành động ấy đáng để những người con Phật chúng ta suy nghĩ, soi lại chính mình nhằm có những điều chỉnh hợp lý theo tinh thần Phật pháp, giới luật.

Hoàng Độ (Giác Ngộ số 610)

Các tin đã đăng: