Nhưng không giống nhiều thợ săn khác, “súng” của anh không có đạn, bởi vì đó là chiếc máy ảnh mà anh đã đầu tư khá tốn kém, thuộc loại “gần xịn”. Bằng hữu của anh, do cái chuyện “đi săn” này, mà cũng thay đổi. Trước, thì bằng hữu thuộc nhiều thành phần xã hội. Sau này, thời gian chính với bạn quanh tách trà hay ly cà-phê cũng chỉ để luận bàn về chim. Do đó mà hình thành một nhóm gồm những người mê chim, chỉ toàn nói chuyện chim với chóc.
Dưỡng dục - Ảnh: Nguyễn Văn Biệu
*
Nói chuyện chim, không thể không nhớ đến một việc “thời sự” là tập quán phóng sinh chim-cá, nhất là vào những dịp lễ lớn trong Phật giáo. Cũng đã có không ít lời phản đối việc làm này, theo cái lý-sự rằng: vì có nhu cầu phóng sinh nên mới có người đi bắt chim bắt cá để bán; như thế, làm thiện đâu không thấy, chỉ tổ “xúi giục” thêm cái xấu… Thôi vậy, không nên “cãi cọ” nhau, nhất là vào những khoảnh khắc xuân hòa, vì… “tàng thức mang mang…”, ai mà quản lý cho đặng!
Có lẽ chỉ nên nhớ rằng, việc bắt-bán hay mua-thả là chuyện nằm trong cái vòng luẩn quẩn của luân hồi-nghiệp lực. Và có phải không, khi thả cá-chim, thì có thể nuôi dưỡng lòng Từ, có thể hiểu được rằng mọi vật đều bình đẳng… Còn nếu nhìn theo góc… đời thường thường, thì dẫu sao, việc phóng sinh cũng tốt hơn các việc… bắt-giam khác, chẳng phải sao? Riêng đối với câu hỏi: Bao giờ trên cái cõi Ta-bà này không còn nhà tù để cho các tổ chức từ thiện bị “thất nghiệp”, thì việc ấy vượt quá… số lượng chữ của bài viết ngắn này, về chim.
*
Lẽ nào không… rề rà, khi thong dong trò chuyện? Ai đọc-tụng kinh Phật, cũng gặp chim. Ấy là các loài chim Bạch hạc, Khổng tước, Ca-lăng-tần-già… có giọng hót hay, được ví với thanh âm của những người thuyết pháp giỏi. Trong các loài chim quý này, Anh vũ nói được tiếng người; còn Ca-lâu-la (Kim sí điểu, tức chim cánh vàng), là một trong Thiên long bát bộ.
Trong thần thoại Ấn Độ, Ca-lâu-la (Raguda) là chim thần, giống như đại bàng nhưng rất to lớn. Nếu lan man đi tìm… biểu tuợng, thì “đại diện” cho tinh thần cởi mở và trí tuệ là chim Công với năm cái lông vũ trên đầu, biểu trưng cho năm con đường của Bồ-tát và ngũ phương Phật. Chim Công có thể ăn cây có độc mà không bị ảnh hưởng gì đến thân thể nên được ví với các Đại Bồ-tát: những thứ nhiễm ô lại chính là phương tiện để chuyển hóa tâm tham-sân-si thành tâm giác ngộ.
Còn dưới góc nhìn của Thiên Chúa giáo, thì chim Công lại “chuyển sang” thành sự bất tử; hoặc theo Ấn giáo, lông Công tượng trưng cho những con mắt hay các ngôi sao trên trời…
Đôi bạn - Ảnh: Nguyễn Văn Biệu
Cũng có thể nhắc đến vua của các loài chim là chim Ưng, được xem là biểu tượng cho sự phóng khoáng-tự tại của tâm thức hay là hạnh bố thí ba-la-mật… trong Phật giáo. Hoặc trong nghệ thuật tranh tượng Hindu, chim Ưng là vật cỡi của thần Vishnu. Nhưng… thôi vậy, vì “sếp lớn” này ở ngoài tầm ngắm của những thợ săn theo kiểu như anh bạn tôi.
*
Nhờ đi săn chim mà bạn tôi trở nên “uyên bác”, tất nhiên là chỉ về… chim. Nghe anh kể chuyện, mới “kinh tâm”. Tỷ như, nói đến lời Phật dạy về ái ngữ, anh đem ca dao ra ngâm ngợi: Chim khôn kêu tiếng rảnh rang…/ Người khôn nói tiếng nhẹ nhàng dễ nghe... Hoặc, dẫn Nam Hoa kinh của Trang Tử, đoạn nói về con chim Bằng, lưng lớn mấy ngàn dặm; khi bay lên cao, hai cánh che cả bầu trời; bị con chim nhỏ cười nhạo, rằng “ta đây” chỉ cần bay lên cái cây thấp thấp là đủ vui rồi, chứ cớ chi phải bay cao đến chín vạn dặm? Anh giảng, dụ ấy cũng có nét gần gụi với quan điểm “bất nhị” của Phật học hoặc “tri túc” của Khổng giáo. Bởi vì lớn hay nhỏ chỉ là hình thức còn tinh thần thong dong tự tại thì không-hai-khác…
Kể về những thu hoạch được qua việc đi săn, anh kê ra hàng lô hàng lốc kiến thức về chim. Rằng, tên gọi các loài chim xuất phát từ nhiều… căn cứ. Tỉ như, về màu sắc thì có chích chòe lửa, khướu bạc má, gà trống tía, gà mái hoa…; về hình dáng thì có: chim cánh cụt, sáo mỏ gà…; về cách sinh sống thì cóchim bói cá, chim dẽ giun, chim gõ kiến, chim sâu…, vân vân và vân vân…
"Thợ săn" Nguyễn Văn Biệu" đang chờ mồi
“Luận” xa hơn, thì khi thâm nhập vào thế-giới-chim, mới phát hiện về tình mẫu tử thiêng liêng qua chuyện cổ tích với câu hỏi: Vì sao chim bồ nông có bìu dự trữ thức ăn ở cổ (là để bú mớm cho chim con). Hoặc là những cảm xúc trong sáng của độ tuổi thiếu nhi qua truyện mà “ai cũng biết” của Tô Hoài:Dế mèn phiêu lưu ký…
Tất nhiên, anh và nhóm bạn-chim cũng không quên phàn nàn việc truyện tranh “kém chất” đang ngập úng thị trường sách hiện nay và việc một số nhà xuất bản chỉ nghĩ đến doanh số, doanh thu mà lơ đãng chức năng giáo dục thiếu niên trong việc ấn hành sách…
*
Dài lắm, chuyện chim. Nên phải kết luận bằng câu hỏi: Đi săn như thế, thì “được” cái gì? Anh cười nhẹ. Rồi nhẩn-nha-triết: Mục đích của đời người, đâu phải là có tiền bạc nhiều, nhà cao cửa rộng hoặc chức vị cao. Mà là làm thiện, không sát sinh, và có được… tình yêu. Rồi “trích dẫn” kinh Phật: Khuyên dạy người làm việc phóng sinh, nếu thấy người đời giết hại súc vật, nên tìm cách giải cứu, khiến cho chúng được thoát khổ nạn (*); hoặc có thể giúp cho những sinh vật nhỏ bé kia ít ra cũng một lần được tiếp cận với Phật pháp…
Tôi thì lại hiểu chữ “tình yêu” của anh theo nghĩa vui vui, là chuyện…bay. Bởi vì, muốn vun bón tâm Từ, thì phải rời bỏ những định thức, để tiến gần sự tự do, để dần dần thoát khỏi những ràng buộc của tâm thức…
Tiếng hát sáng xuân - Ảnh: Nguyễn Văn Biệu
Để chấm dứt sự dài dòng về chim chóc này, xin mời nghe-và-lắng, về Hương Sơn phong cảnh của Chu Mạnh Trinh: Thỏ thẻ rừng mai chim cúng trái / Lững lờ khe yến cá nghe kinh.
Đấy là Mùa Xuân Tương Lai, khi không chỉ có loài người mà vạn hữu đều hiển lộ Phật tánh. Có phải như thế không?
Nguyễn Đông Nhật
________________________
(*) Kinh Phạm Võng.
giacngo.vn