Ba điều cầu nguyện thông thường
Thích Nhất Hạnh
13/02/2015 23:38 (GMT+7)

Đại đa số chúng ta mong ước gì? Trước hết là mong ước về sức khỏe. Tất cả chúng ta ai cũng mong ước có sức khỏe. Chúng ta mong ước gì nữa? Mong ước sự thành công. Làm gì chúng ta cũng muốn thành công, đi tu cũng muốn thành công chứ đừng nói đi buôn. Chúng ta thường chúc Tết nhau về hai mặt thành công và thịnh vượng. Điều thứ ba chúng ta mong ước là sự hài hòa. Thiếu điều thứ ba này, chúng ta không sống hạnh phúc được. Chúng ta có liên hệ với những người khác, và nếu liên hệ giữa chúng ta với những người này không được tốt đẹp thì ta không có hạnh phúc, vì vậy mà ta cầu cho sự liên hệ hàng ngày giữa ta và người kia có sự hài hòa .

ở Đài Bắc có một phụ nữ rất đau khổ vì chồng đi đánh bạc. Bà không biết làm gì hơn là đi đến chùa cầu nguyện. Xin Đức Bồ tát làm sao để chồng mình bỏ bài bạc, nếu không thì mối liên hệ giữa mình với chồng sẽ rất cực nhọc, rất khổ đau. Một bên làm lụng buôn bán tảo tần,một bên phung phí tiền bạc, không để ý gì đến vợ con. Đó là vấn đề liên hệ. Người đàn bà này không cầu tiền bạc, không cầu thành công, không cầu sức khỏe, mà chỉ cầu xin Đức Bồ tát cứu giúp, xui khiến cho chồng mình bỏ bài,bỏ bạc.

Có một phụ nữ khác, tới chùa cầu nguyện để người đàn bà kia buông chồng mình ra, tại vì chồng mình đang bị đặt dưới ảnh hưởng của người đàn bà ấy. Chúng ta hãy tưởng tượng một người đàn bà đang đau khổ, ngày đêm khóc thầm, tại vì chồng mình đã bỏ rơi mình để đi theo một người đàn bà khác. Trong lòng bà chứa chất những đau khổ, những oán hận, những ganh tị, những niềm đau ,nỗi khổ đó biểu lộ ra trong đời sống hàng ngày. Con mắt bà chứa đầy cay đắng. Nhưng bà càng làm như vậy thì ông chồng bà lại càng chán ngán bà và càng bám sát lấy người đàn bà kia. Bấy giờ người vợ đó chỉ có cách đến chùa để lạy Đức Bồ tát Quán Thế Âm, cầu cho người đàn bà kia buông thả chồng mình ra.

Cầu nguyện như vậy có đúng không, nhất là trong tinh thần đạo Bụt? Có cần sự thực tập nào đi theo sự cầu nguyện đó hay không. Trong sự cầu nguyện này có Niệm, có Định, có Tuệ, cóTừ, có Bi hay không? Hay chỉ có sự giận hờn, sự trách móc, sự ganh tị, sự uất hận mà thôi? Nếu không có những năng lượng của Niệm, của Định, của Tuệ, của tình thương thì làm sao đường dây có điện? Làm sao lời cầu của mình thấu đến tai Bồ tát được?

Phải có trí tuệ để thấy rằng mình, chồng mình, và người đàn bà kia có liên hệ mật thiết với nhau. Phải có những năng lượng phát xuất từ chính mình thì mình mới có thể thiết lập được liên hệ với chồng, và với người đàn bà kia. Tất cả những điều đó đều thuộc phạm vi thực tập.

Chúng ta cầu nguyện bằng cách nào? Chúng ta phải cầu nguyện bằng cả thân, cả miệng,và cả ý; nghĩa là ta phải cầu nguyện bằng ý, bằng lời,và bằng cả sự sống hàng ngày của ta. Thân-khẩu-ý phải hợp nhất lại trong một niệm, và trong tình trạng gọi là thân tâm nhất như đó, chúng ta mới có thể chế tác ra được cái năng lượng của đức tin, của thương yêu, và chúng ta mới thay đổi được tình trạng..

Chúng ta hãy nhìn vào ba điều cầu nguyện thông thường của mọi người. Trước hết là cầu xin sức khỏe. Phần lớn chúng ta đều là những người nghèo mà ham, đều là những”thằng mõ” mong được gõ cửa nhà trời! Chúng ta mong mình có cái sức khỏe gọi là thân hảo.Perfect health. Nhưng cái gọi là sức khỏe toàn hảo đó chỉ là một ý niệm,nó không bao giờ đó thật sự trong sự sống.

Sở dĩ chúng ta còn sống ở đây là nhờ chúng ta có bệnh. Nếu không bệnh thì chúng ta không thể nào sống được. Người nào trong chúng ta cũng trải qua cái thời gian đau vặt vãnh, ốm liên miên, nhất là trong thời thơ ấu. Con người là một cây lau, một sinh vật yếu đuối, luôn luôn bị hăm dọa bởi những con vi khuẩn, những con nấm độc. Chúng đầy dẫy ở trong không khí, trong nước uống, trong thức ăn. Ba loại sinh vật li ti luôn rình rập,hăm dọa chúng ta, là vi trùng (bacteria) vi khuẩn (virus) và nhiễm khuẩn ( fungus).

Chính nhờ những lần đau vặt vãnh, chính nhờ luôn luôn  bị bao vây, bị tấn công bởi những con vi sinh đó, mà trong người chúng ta mới phát triển ra được một hệ thống kháng thể, để phòng thủ và bảo vệ cho ta. Như vậy, thì nhờ có bệnh, nên mình mới biết tự vệ để sống còn. Cho nên đừng ham mình có một sức khỏe không tật bệnh, một sức khỏe tuyệt đối.Không bệnh thì không có sức khỏe. Chúng ta phải biết nhận thức điều đó và phải biết sống hòa bình, an lạc với bệnh của mình.

Trong bụng hơi đầy hơi thì đừng nói rằng vì đầy hơi nên mình ngồi thiền không được! Phải tập ngồi thiền với một ít hơi trong bao tử. Có hơi trong bao tử mà ngồi thiền có an lạc thì mới gọi là biết tu tập. Đừng bao giờ nghĩ rằng chừng nào hết đầy hơi thì mình mới ngồi thiền an lạc được. Nếu như vậy thì mình không bao giờ có thể tạo được an lạc trong khi ngồi thiền.

Trong chúng ta, người nào cũng có một ít bệnh, chúng ta phải ký một hiệp ước sống chung an lạc với bệnh của mình. Vì vậy mà trong sự cầu nguyện đừng bao giờ mơ tưởng tới cái gọi là hoàn toàn không có bệnh. Trong bài kệ”Đệ tử kính lạy”,mình phải hiểu câu “thân không tật bệnh”là không tật bệnh đến độ không tu tập được. Phải có một sức khỏe tối thiểu nào đó thì mới tu tập thành công được.

Ví dụ trong khu vườn của chúng ta có ba trăm cây rất đẹp, nào cây tùng, cây bách, cây bồ đề, cây liễu, cây hạnh, cây lê, cây táo v.v…Trong khu vườn của chúng ta cũng có thể có ba bốn cây bị chết. Nhưng không phải vì vậy mà khu vườn không đẹp. Mình đừng than khóc khi thấy ba bốn cây trong vườn bị chết khô. Mình phải vui lên vì có đến ba trăm cây trong vườn còn khỏe mạnh. Trong cơ thể mình cũng vậy. Mình có một bệnh, hai bệnh, ba bệnh. Nhưng những bộ phận khác của cơ thể mình đang còn rất tốt. Phải thấy như vậy. Mật của anh còn tốt không? Hai lá phổi của chị còn tốt không? Hai chân chú còn đi vững không? Tại sao mình không sung sướng nhận diện những yếu tố đó của sức khỏe, mà cứ nói rằng tại sao tôi cứ đau cái này, nhức cái kia hoài. Mình phải nhận diện những yếu tố tích cực .Mình phải biết trong người của mình có thể còn tới bảy mươi, tám mươi, hoặc chín mươi phần trăm cơ phận còn tốt. Đừng bao giờ than phiền, đừng bao giờ cầu mong một tình trạng sức khỏe gọi là toàn hảo. Cái đó không bao giờ có. Ngay cả Đức Bổn Sư, Ngài cũng cần có Tôn giả A Nan xoa bóp, Ngài cũng đã từng bị bệnh đau bụng.

Nếu mình có vài ba bệnh, và nếu tật bệnh đó không trầm trọng đến độ có thể ngăn cản sự tu tập của mình, thì đó đã xem là thân không tật bệnh. Vời những ốm đau lặt vặt, mình vẫn có thể hàng ngày an vui tu tập, Pháp Bụt nhiệm mầu, để mau ra khỏi luân hồi và giúp được cho nhiều người khác rồi.

Nếu chúng ta có một công thức để cầu nguyện cho mọi người đều có sức khỏe tuyệt đối thì mọi nhà thương đều đóng cửa, tất cả các y tá,các bác sỹ đều thất nghiệp. Thành ra chúng ta phải thực tế, đừng mơ tưởng những điều trên mây. Bệnh tật là một thực tại mà chúng ta phải chấp nhận, chúng ta phải ký một hiệp ước sống chung an lạc với chúng. Mình chỉ cần một sức khoẻ tương đối . Vì vậy, trong khi cầu nguyện, chúng ta đừng quá đòi hỏi. Chúng ta phải biết rằng cái bệnh và cái chết là một phần của sự sống.

Điều cầu nguyện thứ hai là sự thành công. Ai cũng muốn thành công. Nhà buôn cũng muốn thành công với tư cách nhà buôn; nhà văn muốn nổi tiếng,muốn bán sách chạy; người làm phim muốn phim của mình được nhiều hãng mua. Ai cũng muốn thành công cả. Người nào cũng muốn cầu nguyện để cho sự làm ăn của mình thịnh vượng,thành công. Mỗi khi Tết đến, chúng ta thường chúc nhau thịnh vượng, nhưng sự thịnh vượng đó có hẳn cái yếu tố không thể có của hạnh phúc không? Đó là câu đánh hỏi.

Ngoài ra, sự thịnh vượng của một người phải kéo theo sự không thịnh vượng của người khác hay không ? Nếu một người sản xuất lúa gạo như Việt Nam mà không  xuất cảng được lúa gạo thì nguy lắm. Nếu tất cả các nước đều có thể sản xuất đủ gạo cho nước mình thì ai là người mua số lúa gạo thặng dư của các nước khác? Cho nên thỉnh thoảng phải có những năm mất mùa. Thế giới có những nước cần mua lúa, mua gạo thì những nước sản xuất lúa gạo  mới có thể làm ăn được .Vì vậy cho nên tất cả chỉ có giá trị tương đối mà thôi,

Điều cầu nguyện thứ ba là sự hài hòa. Hài hòa cũng vậy,hài hòa làm thế nào để có tình thương, làm thế nào để có sự hòa điệu giữa mình và người mình thương, giữa mình và gia đình mình, giữa mình và xã hội mình. Đây là một yếu tố khác của hạnh phúc. Chúng ta có thể làm gì và chúng ta có thể cầu nguyện cho điều này không ?Và cầu nguyện theo lối nào, theo công thức nào?

Đó là ba đối tượng cầu nguyện của rất đông người trong chúng ta, nhỏ cũng như lớn. Thường thường chúng ta cầu nguyện cho chính chúng ta trước, rồi mới cầu nguyện cho người ta thương. Nay ta không chỉ cầu nguyện cho bản thân, cho người ta thương mà còn cầu nguyện cho cả người dưng nước lã, những người chúng ta ghét, những người đã làm khổ ta.

Tạp Chí Văn Hóa Phật Giáo số 12

Các tin đã đăng: