Khi Phạm Thiên Sahampati biết được đức Phật đang phân vân lưỡng lự không
muốn thuyết giảng giáo pháp mà Ngài vừa chứng ngộ dưới gốc cây Bồ Đề
cho thế gian đau khổ này với lý do:
“Con
người còn vấn vương trong tham ái và sân hận, không dễ gì lãnh hội được
giáo pháp mà Như Lai đã chứng ngộ. Người tham ái chìm đắm trong đêm
tối, bị đám mây mù tham ái bao phủ, sẽ không thấy được giáo pháp, bởi
giáo pháp đi ngượi lại tham ái, giáo pháp sâu kín, thâm diệu, khó nhận
thức và tế nhị”[1].
Khi đã nhận ra được sự miễn cưỡng lưỡng lự
của đức Phật như vậy, Phạm Thiên hoảng hốt lo sợ, nếu đức Phật không
truyền bá giáo pháp, và không được nghe giáo pháp thì thế gian đau khổ
này phải chịu sự diệt vong. Nên lập tức Phạm Thiên Sahampati thưa với
đức Phật:
“Cũng như người đứng trên đỉnh núi cao nhất nhìn xuống,
thấy rõ ràng từng người, ở vòng quanh phía dưới, xin Đấng Thoát Khổ hãy
nhìn xuống chúng sanh đang chìm đắm trong biển khổ và đang bị lôi cuốn
triền miên trong vòng sanh tử”[2].
Lịch sử chép rằng, khi Phạm
Thiên Sahampati thỉnh đến lần thứ ba thì đức Phật mới dùng con mắt trí
tuệ của mình để quan sát thế gian và:
“Ngài đã nhận thấy rằng có
cát bụi vướng trong mắt, có kẻ thông minh sáng suốt, nhưng cũng có nhiều
kẻ ngu si tăm tối. Bẩm tính của người này tốt, người kia xấu, có chúng
sanh dễ uốn nắn nhưng cũng có nhiều kẻ khó dạy”[3].
Và đức Phật
đã rút ra được một kết luận quan trọng là con người cũng giống như một
đầm sen. Dù có sen trắng, vàng hay đỏ, có cọng đã vươn lên khỏi bùn
nhưng chưa đến được mặt nước, có cọng ngang mặt nước rồi mà vẫn chưa lên
khỏi mặt nước, có cái lên khỏi mặt nước rồi nhưng vẫn chưa nở. Nhưng
chúng cùng đều giống nhau là cũng đều ở dưới bùn mà vươn lên, và khi đã
vươn lên được rồi thì không hề dính bùn nhơ[4].
Sau khi đã rút ra
được một kết luận như vậy, đức Phật quyết định quay trở lại trần gian
để giải thoát trần gian đang chìm ngập trong đau khổ. Ngài lập tức công
bố thông điệp hy vọng đến cho thế gian đau khổ như thế này:
“Cửa
vô sinh bất diệt đã được mở ra cho mọi sinh linh đau khổ. Hãy để cho ai
có tai muốn nghe được đặt chọn vẹn niềm tin tưởng”[5].
Bởi vậy
nếu các kinh như Lăng Già, Hoa Nghiêm, Pháp Hoa, Duy Ma, Thắng Man, Viên
Giác, Đại Niết Bàn…, đặc biệt là Bát Nhã, một bộ kinh đã “y chỉ trên
diệu nghĩa “tức sắc tức không” của Tâm kinh Bát Nhã, đã lưu lại một di
sản đồ sộ, có thể nói là di sản văn học tư tưởng vĩ đại nhất trong toàn
bộ lịch sử nhân loại từ trước đến nay[6].
Bộ kinh vĩ đại đến nỗi
mà, Osho, một nhà tư tưởng của Ấn độ ở hậu bán thế kỷ 20, người mà Đức
Đạt Lai Lạt Ma đã nói là “Osho là bậc chân sư giác ngộ, ngài hoạt động
trên mọi lãnh vực để giúp nhân loại vượt qua giai đoạn khó khăn trong
việc trau dồi tâm thức”, khi giảng kinh Kim Cang Bát Nhã đã phải thốt
ra những lời tuyệt đối như thế này:
“…Tên tiếng Phạn của kinh này
là Vajrachedika Prajna-paramita Sutra. Nó có nghĩa là “Sự hoàn hảo của
minh triết sắt bén như cú sét đánh”. Nếu bạn cho phép, Phật có thể chém
đứt bạn tựa như cú sét đánh. Ngài có thể chặt đầu bạn, Ngài có thể giết
chết bạn và giúp bạn tái sinh”[7].
Và Osho đã giải thích vì sao Đức Phật lại phải tàn nhẫn như vậy?
“Vì
Phật là cả hai – vừa là “sát nhân” vừa là người mẹ. Một mặt Ngài phải
giết chết bạn và mặt khác Ngài làm sinh thành con người mới trong bạn.
Con người mới chỉ có thể sinh ra được khi con người cũ đã bị phá hủy.
Chỉ trừ tro tàn của con người cũ mà con người mới mới được sinh ra. Con
người là loài Phượng hoàng. Loại Phượng hoàng thần thoại này không chỉ
có trong thần thoại, nó là biểu tượng. Nó đại diện cho con người, chim
Phượng hoàng đó không có ở đâu khác ngoại trừ trong con người. Con người
cũ sinh linh phải chết đi để được tái sinh”[8] .
Đúng là như vậy
rồi, ta thấy kinh Kim Cang Bát Nhã không phải chỉ làm tái sinh con
“Phượng hoàng” trong lãnh vực tâm linh của mỗi người trong chúng ta
thôi, mà cả trên phương diện quốc gia và xã hội nữa. Bất cứ một quốc gia
nào, một dân tộc nào được nuôi dưỡng, được “y chỉ trên diệu nghĩa “tức
sắc tức không” của kinh Kim Cang Bát Nhã thì lập tức dân tộc đó nhất
định cũng sẽ được tái sinh, nghĩa là cũng sẽ cất cánh bay cao như con
Phượng hoàng trong huyền thoại nữa.
Đó là trường hợp nhà Trần của nước Đại Việt chẳng hạn?
Trong bài Cư Trần Lạc Đạo Phú, Trần Nhân Tông, vị hoàng đế vĩ đại nhất của triều Trần đã viết:
Săn hỷ xã, nhuyến từ bi
Nội tự tại kinh lòng hằng đọc
Và trong bài Phú Vịnh Yên Tử thiền sư Huyền Quang, vị tổ thứ ba của Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử đời Trần cũng cho biết:
Khuya sớm sáng chong đèn Bát Nhã
Hôm mai rữa sạch nước Ma Ha
Không
còn nghi ngờ gì nữa, triều đại nhà Trần đã dùng đạo lý Bát Nhã như ý
thức hệ chỉ đường đi cho dân tộc Đại Việt ở thế kỷ 13. Nếu không thì một
quốc gia quá nhỏ bé (Lúc đó chỉ có các những tỉnh miền Bắc bây giờ) lại
có thể đánh tan ba cuộc xâm lăng của cường quốc quân sự hùng mạnh nhất,
trong khi từ Đông sang Tây thời bấy giờ đều nằm trong cơn sốt Tartar
(Thát Đát).
Nhưng chắc chắn triều đại nhà Trần không chỉ hùng
mạnh về quân sự thôi, mà trên hơn 1 thế kỷ tồn tại lại còn phát triển
mạnh mẽ trên nhiều lãnh vực nữa, nhất là lãnh vực văn học và tư tưởng.
Dưới
ánh sáng của đạo lý Bát Nhã, nền văn học trên một thế kỷ này chắc chắn
đã củng cố và khẳng định mạnh mẽ tinh thần độc lập của dân tộc Việt.
Chính vì thấy được mối nguy hiểm về lâu về dài cho chính sách bá quyền
nước lớn này, nên khi bắt đầu cuộc xâm lăng thì “Nhà Minh đã quyết tâm
đập tan những cơ sở văn hoá đã được xây dựng trong suốt gần 150 năm của
Phật giáo đời Trần. Trương Phụ lượm lặt hết sách cổ kim của ta, đóng
thùng chở về Kim Lăng. Tháng 7 năm Mậu Tuất (1418) Nhà Minh còn sai hai
cán bộ văn hoá của họ là tiến sĩ Hạ Thì và Hành Nhân Hạ sang tìm tòi và
thu lượm tất cả những sách chép về lịch sử và sự tích xưa nay do người
Việt viết. Năm 1419, Nhà Minh lại cho người đem sách Khổng giáo, Lão
giáo và Phất giáo của họ sang để thay thế cho những sách trước kia đã bị
họ lấy. Chính sách tiêu diệt văn hoá thâm độc đó đã phá hoại gia tài
tinh thần của triều Trần để lại không phải là ít”[9].
Như vậy, ta
có thể tin chắc rằng những gì mà nền văn học đời Trần còn để lai cho
đến nay là quá ít so với những gì Nhà Minh đã cướp về nước vậy.
Nhưng
một tư tưởng vĩ đại, bên cạnh sự tác động lớn lao và dữ dội đó, thì tất
nhiên cũng gây ra sự ngộ nhận lơn lao không phải là ít. Tư tưởng Bát
Nhã (hay cả Thiền) nữa, cũng không ra ngoài thông lệ đó.
Chỉ có
những bậc đại trí hay nói theo Đức Phật “chỉ những người ít vướng cát
bụi trong mắt” thì mới chịu đựng nổi Vajrachedika Prajnaparamita “sự
hoàn hảo của minh triết sắt bén như cú sét đánh” này.
Còn ngược
lại, những người không chịu nổi cú sét đánh này thì chỉ lợi dụng ngôn
ngữ “sấm chẻ” của Bát Nhã để bào chữa và che dấu cho tâm hồn yếu đuối và
trống rổng của tâm hồn mình mà thôi.
Trong tác phẩm Discourses
on the Prajnaparamita – Hridayam Sutra of Gautama the Buhdda, tập hợp
những bài giảng về thần chú Bát Nhã tâm kinh, Osho có kể lại một người
suốt đời chạy theo ngôn từ để rối cuối cùng phải ngã ngục vì ngôn từ
trống rỗng:
“Tôi biết một người theo J. Krishnamurti, ông ấy là
một học giả nổi tiếng, cả nước ai cũng biết và trong ít nhất 40 năm ống
ấy theo Krishnamurti, cho nên ông ấy không tin Thượng đế, ông ấy không
tin Thiền, ông ấy không tin cầu nguyện.
Thế rồi một hôm, ông ấy
lâm bệnh, bị đau tim. Ngẫu nhiên tôi cũng đang ở tại thành phố ấy, con
trai của ông ấy gọi cho tôi và nói “cha con đang ở tình trạng nguy ngập.
Nếu Thầy có thể đến thì sẽ an ủi cho cha con nhiều lắm. Rất có thể cha
con không qua khỏi lần này”.
Thế là tôi tới ngay, khi tôi vào
phòng thì ông ấy đang nằm trên giường mắt nhắm nghiền và niệm “Rama,
Rama, Rama” (Danh hiệu Thượng đế của Ấn độ giáo).
Tôi không thể
nào tin điều đó được! Suốt 40 năm ông ấy đã liên tục nói “không có
Thượng đế, và tôi không tin” và điều gì đã xảy ra cho ông già này? Tôi
lay ông ấy dậy và hỏi: “ông đang làm gì vậy?”.
Ông ấy nói “Đừng quấy rày tôi. Hãy để tôi lam theo ý tôi muốn”. Nhưng tôi nói: “Thế này thì ngược lại Krishnamurti”.
Ông ấy trả lời: “Hãy quên Krishnamurti đi! Tôi sắp chết rồi mà ông lại nói về Krishnamurti sao?”.
Nhưng 40 năm qua thì sao, vứt đi à? Và ông chưa bao giờ tin rằng niệm Phật là ích lợi, hay cầu nguyện là ích lợi.
Ông ấy nói: “Vâng, điều đó đúng. Tôi chưa bao giờ tin cả, nhưng tôi sắp chết rồi. Tôi sợ lắm…”
Osho nói với người bạn thân của mình rằng: “vậy là bạn cầu nguyện cũng chỉ vì sợ hải mà ra.”
Và Osho đã lưu ý cho người bạn của mình nhớ rằng Đức Phật đã từng dạy: “Trí tuệ không thể sanh ra từ sợ hải được”[10].
Người
viết còn nhớ vào khoảng đầu năm 1968, khi tác phẩm Tự Do Đầu Tiên Và
Cuối Cùng (The first and last freedom) của Krishnamurti được ra mắt tại
Việt Nam. Người viết đã thắc mắc hỏi dịch giả của tác phẩm là giáo sư
Phạm công Thiện rằng tại sao Krishnamurti là người Ấn độ, nhưng chẳng
bao giờ thấy Krishnamurti đi thuyết giảng ở các quốc gia Châu Á cả, mà
chỉ thuyết giảng ở các nước Tây phương? Thì người viết được dịch giả
trả lời rằng, mặc dù không bao giờ Krishnamurti nhắc đến Phật giáo,
nhưng thật ra tất cả những gì Krishnamurti phát biểu là một thứ Tánh
Không (Sùnyavàda) khác của tư tưởng Bát Nhã của Phật giáo vậy. Bởi thế
nên Krishnamurti không đi thuyết giảng tại các nước ở Châu Á, nơi mà tư
tưởng của Phật giáo đã phát triển và tồn tại trên 20 thế kỷ rồi.
Ông
học giả theo Krishnamurti trên có lẽ cũng chẳng khác gì những người
theo Thiền và Bát Nhã của Phật giáo. Họ cũng hay sử dụng ngôn ngữ của
Thiền và Bát Nhã, nhưng tâm hồn lại chưa đủ sức để chịu đựng cú đánh
“sấm sét” của đại thần chú và đại minh chú này.
Osho cho là khi
Đức Phật tuyên thuyết rằng, “không có khổ, tập, diệt, đạo” thì “Đức
Phật đã đạt tới đỉnh cao nhất của cách mạng, những người khác đều bị
loại bỏ đằng sau”.
Nhưng không phải ngẩu nhiên mà Đức Phật đã đạt
tới đỉnh cao nhất của cuộc cách mạng đó, mà như Ngài đã nói lên lới đầu
tiên sau đêm Ngài chứng vô thượng chánh đẳng chánh giác dưới gốc cây Bồ
Đề:
Xuyên qua nhiều kiếp sống luân hồi,
Như Lai thênh thang mãi
Như Lai đi tìm mãi mà không gặp.
Như Lai đi tìm người thợ cất cái nhà này.
Lập đi lập lại, đời sống quả thật là phiền muộn.
Này hỡi người làm nhà Như Lai đã tìm được ngươi.
Từ đây ngươi không còn cất nhà cho Như Lai nữa.
Tất cả sườn nhà đều gãy, cây đòn dông của ngươi dựng
lên cũng bị phá tan tành.
Chính
trong những kiếp sống được lập đi lập lại “quả thật là phiền muộn” này,
mà Đức Phật mới khởi sự cho cuộc hành trình dài như vô tận này để rồi
cuối cùng mới hoàn thành cuộc cách mạng cao nhất dước gốc cây Bồ Đề.
Và
cũng chính đã trải qua “nhiều kiếp sống phiền muộn” này mà Đức Phật mới
đứng dậy được, nên Ngài cũng muốn các đệ tử của Ngài cũng phải từ
“kiếp sống phiền muộn” đó mà đứng dậy và khởi sự cuộc hành trình như
Ngài.
Có lẽ Khuddaka Nikàya (Tiểu bộ kinh) là bộ kinh mà Đức Phật
đã dạy đầy đủ và chi tiết nhất cho các đệ tử của Ngài, đặc biệt là đệ
tử xuất gia.
Làm cách nào để từ cuộc sống đầy bùn nhơ này mà vươn lên được, cũng như hoa sen vươn lên được mà không bị bùn nhơ vấy bẩn?
Đọc
Khuddaka Nikàya ta bắt gặp một không khí khác hẳn các kinh của Đại Thừa
như Hoa Nghiêm, Viên Giác, Lăng Già, Bát Nhã vv... nghĩa là thay vì tư
tưởng cao ngất như Hy Mã Lạp Sơn hùng vĩ thì trong Khuddaka Nikàya ta
ngạc nhiên thấy xã hội cách đây hơn 20 thế kỷ rồi, mà vẫn chẳng khác gì ờ
đầu thế kỷ 21 này cho lắm. Nghĩa là Đức Phật và các đệ tử xuất gia của
Ngài cũng bị chửi bới, cũng bị lăng nhục, cũng cùng một luận điệu như
ngày nay.
Ví dụ, một lần Đức Phật cũng bị kết án là “ăn không
ngồi rồi” hay “hộ ăn theo” như kinh Bhàravàja (người cày ruộng) chẳng
hạn. Có khi vô cớ bị kêu la mắng chưởi giữa đường “kẻ trọc đầu, sa môn
ti tiện, bần tiện, hãy dừng lại” mà kinh Vasalasuttam (Kẻ bần tiện) đã
ghi lại đầy đủ.
Không phải chỉ chữi bới lăng nhục bằng lời lẽ thô
tục thôi mà còn dùng thủ đoạn độc ác để vu khống và chụp mũ chúng đệ tử
của Ngài nữa.
Kinh Udana (ud.43) cho biết rằng, vì Đức Phật và
chúng đệ tử của Ngài được “tôn trọng, đảnh lễ, cúng dường, tôn kính,
cùng nhận được các vật dụng như y, đồ ăn khất thực, sàng tọa, dược phẩm
trị bệnh”, nhưng các du sĩ ngoại đạo khác không được như vậy nên đã giết
một nữ du sĩ có tên là Sundari, rồi đem chôn nàng vào cái hố trong cái
mương tại Jetavana trong khu vườn của trưởng giả Anàthapindika. Sau khi
đã thực hiện xong thủ đoạn, họ đến thưa với vua Pasenadi của nước
Kosala. Nhà vua lập tức hỏi họ xác của Sundari chôn ở đâu? Họ liền dẫn
đến chỗ đã chôn xác Sundari, đào lên rồi khiêng xác đặt lên giường đi
vào thành Savatthi từ đường này đến đường khác, chúng làm cho dân chúng
tức giận nói rằng: “các người hãy xem công việc của các Thích tử! Vô
liêm sĩ, là sa môn Thích tử này, theo ác giới, theo ác pháp, nói láo
(….) sa môn hạnh của chúng đã đi đâu mất”[11].
Nhưng Đức Phật
không hề ngạc nhiên trước tâm địa xấu xa của con người, vì Ngài đã tiên
đoán được điều này. Kinh Kandaraka thuộc Trung bộ kinh (Majjhima
Nikaya), khi Pessa, con trai người huấn luyện voi đến bạch với Đức Phật
rằng:
“Thật hi hữu thay! Bạch Thế Tôn! Thế Tôn hiểu được hạnh
phúc và bất hạnh của chúng sanh, trong khi loài người sống trong sự rối
ren như vậy, trong sự căn bã như vậy, trong sự xảo quyệt như vậy. Bạch
Thế Tôn, rối ren thay như loài người, Bạch Thế Tôn, cởi mở thay, như
loài thú vật”.
Và Đức Phật đã xác nhận lời nhận xét trên của Pessa, con của người huấn luyện voi là đúng:
“Thật vậy, này Pessa! Này Pessa, rối ren thay, như loài người, và cởi mở thay như loài thú vật!”.
Trong
tác phẩm Zarathustra đã nói như thế của Nietzsche, một triết gia Đức ở
thế kỷ 19 cũng có câu tương tự: “ước gì những con thú của ta sẽ dẫn
đường ta đi! Ta thấy rằng sống giữa loài người lại còn nguy hiểm sống
giữa loài thú vật”.
Phải chăng khi viết câu trên Nietzsche đã lấy cảm hứng từ kinh Kandaraka của Phật giáo?
Điều
đó gần như chắc chắn vì trong tác phẩm cuối cùng của đời mình, Nietzsch
đã công nhận sự thán phục của mình đối với Đức Phật:
“ Đức Phật,
nhà sinh lý học sâu thẳm, đã liễu ngộ hết mọi sự ấy, ‘tôn giáo’ của
Ngài đáng lẽ phải được gọi là một loại ‘vệ sinh pháp’ để cho người ta
đừng lầm lẫn với những hiện tượng đáng thương hại như Ky tô giáo: Sự
công hiệu của Phật pháp được thể hiện trong việc chiến thắng lòng phẫn
hận di oán.
Giải thoát tâm hồn khỏi sự di oán phẫn hận là bước
đầu hướng về sự lạnh bệnh” không phải sự oán thù cừu địch được chấm dứt
bằng sự oán thù cừu địch; sự oán thù cừu địch chỉ có thể chấm dứt bằng
tình thương huynh đệ”.
“Những lời này được phát ra ngay từ sự chuyển pháp luân đầu tiên của Đức Phật”[12].
Đọc
câu “tôn giáo” của Ngài đáng lẽ phải được gọi là một loại “vệ sinh
pháp”, khiến ta có thể liên tưởng đến hai câu kệ vô cùng giản dị trong
kinh Pháp cú:
Tự tịnh kỳ ý
Thị chư Phật giáo
Giữa tâm ý cho trong sạch
Đó là lời dạy của chư Phật
Ta
có thể xem toàn bộ giáo pháp của Đức Phật không gì khác hơn là làm sao
cho ta có thể dọn dẹp sạch sẽ tất cả những rác rưới nhơ bẩn trong tâm
của mỗi người chúng ta.
Khi Tì Kheo Ittiya, theo Đức Phật đã
nhiều năm mà vẫn không đạt được thánh quả. Cuối cùng Ittiya đến xin Đức
Phật chỉ bày cho một bài học tóm tắt dễ hiểu nhất. Đức Phật bảo Tì Kheo
Ittiya rằng, phải làm cho thanh tịnh nếp sống căn bản hằng ngày, Tvam
adim eva visodha ti.
Vậy cho nên ta có thể coi toàn bộ Khuddaka
Nikaya là bộ kinh mà Đức Phật đã chỉ bày cặn kẻ nhất cho “một nếp sống
thanh tịnh căn bản” như vậy.
Sở dĩ những người xuất gia chúng ta
không giữa được nếp sống thanh tịnh căn bản như trường hợp Tì Kheo
Ittiya chẳng hạn, vì chúng ta đã tự đánh mất định hướng lý tưởng xuất
gia của chính mình.
Lý tưởng của người xuất gia là gì?
Phù xuất gia giả, phát túc siêu phương
Người xuất gia cất bước là muốn vượt tới phương trời cao rộng
( HT Trí Quang dịch)
Có lẽ không có câu nào ngắn gọn hơn câu trên để tóm tắt định hướng cho người xuất gia như câu trên trong Cảnh Sách.
Đây là một trường hợp điển hình cho sự đánh mất định hướng ấy chăng?
“Như
vầy tôi nghe. Một thời Thế Tôn ở Savatthi tại Jetavana trong ngôi vườn
của trưởng giả Anàthapindika. Lúc bấy giờ, nhiều Tì Kheo sau bữa ăn
trưa, sau khi đi khất thực về, ngồi hội hợp tại rạp tròn có cây Kareri,
và câu truyên sau đây được khởi lên: “Này chư hiền, ai biết nghề gì? Ai
học tập nghề gì? Nghề gì là nghề tối thượng? Ở đây, một số người nói như
sau: Huấn luyện voi là nghề tối thượng! Một số người nói như sau: Làm
xe là nghề tối thượng! Một số người lại nói như sau: Nghề bắn cung là
nghề tối thượng! một số người nói như sau: Nghề đao kiếm là nghề tối
thượng. Mốt số người nữa lại nói như sau: Nghề ấn hiệu là nghề tối
thượng. (theo HT Minh Châu thì ấn hiệu, Muddà, có nơi giải thích là dấu
hiệu ra bằng tay giữa người mua và bán châu báu, che dưới một cái khăn,
để người chung quanh không biết giá cả). Một số người nói như sau: Nghề
tính toán là nghề tối thượng! một số nguời nữa lại nói như sau: Nghề ước
lượng là nghề tối thượng! một số người nói như sau: Nghề viết văn là
nghề tối thượng. Một số người nói như sau: Nghề làm thơ là nghề tối
thượng! một số người lại nói như sau: Nghề phỏng đoán các nguyên nhân tự
nhiên là nghề tối thượng! một số người khác lại cho rằng: Nghề điều
khiển bộ máy quốc gia là nghề tối thượng! … Rồi Đức Thế Tôn vào buổi
chiều từ Thiền định độc cư đứng dậy, đi đến rạp tròn có cây Kareri. Sau
khi đã ngồi xuống chỗ đã soạn sẵn, Đức Thế Tôn hỏi các Tì Kheo đang bàn
chuyện gì? Sau khi nghe thuật lại câu chuyện mà các thầy Tì Kheo đã bàn
vừa rồi. Đức Phật đã rầy la họ:
“Này các Tì Kheo, chuyện này thật
không xứng đáng cho các người, là những thiện nam tử, vì lòng tin xuất
gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình mà lại đi nói những câu chuyện
như vậy”.
Và sau đó Đức Phật đã lưu ý các thầy Tì Kheo là, khi nào hội họp với nhau, có hai điều cần phải làm là:
Nói pháp hay giữ im lặng của bậc Thánh
Rồi Đức Phật đọc lên lời cảm khái của Ngài sau đây cho các Tì Kheo nghe:
“Ai sống không nghề nghiệp
Nhẹ nhàng, muốn lợi ít
Các căn được chế ngự
Toàn diện được giải thoát
Không nhà, không ngã sở
Không dục, giết ác ma
Vị Tì Kheo như vậy
Sống cô độc một mình”
Chính
vì đánh mất định hướng xuất gia của chính mình như vậy nên mới ngồi lê
đôi mách để bàn nghề này là nghề tối thượng, nghề kia không tối thượng,
để mong tìm kiếm một chút hư danh phù phiếm giữa những người thế tục.
Những người xuất gia như vậy đã bị Đức Phật cho là vẫn “bị mù bởi các
dục”, “bị lưới dục bao phủ”, “bị ái dục bao trùm”, và tất nhiến họ hiện
đang giống “như cá mắc mạng lưới” không gì mong thoát thân được nữa.
Trong
các dục vọng, mà người xuất gia chúng ta phải cảnh giác, có thể nói
nguy hiểm nhất vẫn là lòng khát khao quyền hành thế tục. Nếu một người
xuất gia bị sắc dục quyến rũ, thì có thể vị xuất gia đó chỉ tự làm hại
chính bản thân mình thôi, còn say mê quyền lực thế tục thì nhất định sẽ
kéo theo sự sụp đổ không chỉ cá nhân họ, mà còn cho tập thể của tăng
đoàn nữa.
Điều này chúng ta khỏi cần phải tìm kiếm ở đâu trong quá khứ lịch sử, mà chỉ nhìn ngay vào hiện tại thì có thể thấy ngay.
Trong
kinh xuất gia (sn.72), khi vua Bình Sa Vương nước Ma Kiệt Đà đứng trên
lầu thượng của hoàng cung nhìn xuống thì thấy Đức Phật đang ôm bình bát
đi khất thực, với “các tướng tốt quang minh” nhà vua liền đem lòng
ngưỡng mộ, ngỏ ý muốn trao tặng quốc gia mà nhà vua đang trị vì cho Đức
Phật, Đức Phật đã trả lời
Trên sườn núi Tuyết sơn
Sống dân tộc đoan trực
Tài sản nghị lực đủ
Ở xứ kô sa la
Dòng họ thuộc mặt trời
Sanh tộc là Thích Ca
Từ bỏ gia tộc ấy
Thưa vua, Ta xuất gia!
Ta không có tha thiết
Đối với các loại dục
Thấy nguy hiểm trong dục
Bỏ chúng, là an ổn.
Đức Phật đã vứt bỏ ngôi vua mà ra đi, bởi vậy cho nên không có thứ quyền nào được có quyền tồn tại trong đạo Phật cả.
Chắc
chắn không phải là một sự ngẫu nhiên khi trong phẩm Ngu của kinh Pháp
Cú (cũng thuộc Khuddaka nikaya) có đến hai lần Đức Phật nói đến những kẻ
đã đi xuất gia rồi mà vẫn mang tâm niệm thế tục vào chốn Già Lam, xem
những trách nhiệm được giao phó có tính cách tinh thần giống như lợi
danh của thế gian:
Câu thứ 73, Đức Phật chỉ trích những người
luôn luôn thấy mình là một nhân vật quan trọng trong Tăng chúng: “Hãy để
cho người Tăng kẻ tục nghĩ rằng: ‘sự này do ta làm, mọi việc lớn nhỏ
đều phải theo lệnh ta’, kẻ Ngu cứ tưởng lầm như thế nên lòng tham lam
ngạo mạng tăng hoài”.
Và câu thứ 74, Đức Phật đề cập đến những
người xem những trách nhiệm tinh thần đó như một phương tiện để đạt mục
tiêu là lợi dưỡng cho bản thân mình:
“Kẻ ngu thường muốn hư danh:
chỗ ngồi cao trong tăng chúng, viện chủ trong tăng viện, mọi người đều
đến để cúng dường” (HT Trí Đức dịch).
Không phải chỉ gạt bỏ mọi ý
nghĩ về quyền hành thôi, mà ngay cả mọi luận bàn về quyền hành của
người thế tục cũng bị Đức Phật ngăn cấm trong giáo hội thanh tịnh của
Ngài:
“Một thời Thế Tôn trú ở Savatthi, tại Zetavana, khu vườn
trưởng giả Anàthapindika, lúc bấy giờ, nhiều vị Tì Kheo sau bữa ăn, đi
khất thực về, ngồi họp tại hội trường, và câu chuyện này được khởi lên.
“Này
chư Hiền, giữa hai vị vua này, vua Seniya Bimbisara ở Ma Kiệt Đà và vua
Pesenadi xứ Kosala, ai giàu có hơn, ai tài sản lớn hơn, ai kho tàng lớn
hơn, ai quốc độ lớn hơn, ai xe cộ lớn hơn, ai sức mạnh lớn hơn, ai thần
lực lớn hơn, ai uy lực lớn hơn?” rồi câu chuyện đang xảy ra giữa các Tì
Kheo ấy chưa chấm dứt, thì Đức Thế Tôn vào buổi chiều, từ Thiền định
độc cư đứng dậy đi đến hội trường. Sau khi đến ngồi xuống trên chỗ đã
soạn sẵn, Thế Tôn hỏi các thầy Tì Kheo: “này các thầy Tì Kheo, ở đây,
nay các người ngồi hội họp bàn với nhau chuyện gì? Và câu chuyện gì giữa
chừng chưa chấm dứt giữa các người?”
Sau khi nghe thuật lại, Đức
Phật cũng đã rầy la họ như thường lệ, nghĩa là đã xuất gia, từ bỏ gia
đình, sống không gia đình, thì không nên đi nói những chuyện có tính
chất thế gian như vậy. Rồi Đức Phật đọc lên lời cảm khái này cho các
thầy Tì Kheo.
Dục lạc gì ở đời
Không bằng phần mười sáu
Kể cả thiện lạc này
Lạc do ái đoạn diệt
(ud.10)
Chỉ
có ngồi tạp thoại về quyền lực thế gian mà còn bị Đức Phật ngăn cấm như
vậy, huống chi những người đã xuất gia mà lại đi bắt tay với quyền lực
thế gian, rồi lợi dụng quyền lực đó để củng cố địa vị, tạo “chỗ ngồi cao
trong tăng chúng” thì tất nhiên những người đó không còn là người xuất
gia chân chính nữa rồi, mà họ mới chính là những kẻ “mượn đạo tạo đời”
như nhóm từ mà ngày nay chúng ta thường nghe nhắc đến gần như suốt ngày.
Nhưng
chung cục của những người chạy theo quyền lực thế gian là gì? Là nỗii
bất an, lo sợ luôn luôn đè nặng trong tâm hồn của họ chăng?
“Như
vầy tôi nghe. Một thời Thế Tôn trú ở Anupiya tại rừng xoài. Lúc bấy giờ
tôn giả Bhaddiya, con của vua Kàligodha, đi đến khu rừng, đi đến gốc
cây, đi đến ngôi nhà trống rồi nói lên lời cảm hứng:
“Ôi an lạc
thay! ôi an lạc thay! một số đông Tì Kheo nghe Tôn Giả Bhaddiya con của
Kàligodha đi đến khu rừng (…). Nghe vậy, các Tì kheo ấy suy nghĩ: không
nghi ngờ gì, chư Hiền, Tôn Giả Bhaddiya con của Kàligodha sống phạm hạnh
không có hoan hỷ, vì trước khi còn ở gia đình được hưởng an lạc của nhà
vua, vì Tôn Giả nhớ đến an lạc ấy, cho nên mỗi khi đi đến khu rừng (…).
“Rồi một số đông Tì Kheo đến Thế Tôn, sau khi đến Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên, các Tì Kheo ấy Bạch Thế Tôn:
“Bạch Thế Tôn, Tôn giả Bhaddiya con của Kàligodha mỗi khi đi đến khu rừng (…).
“Sau
khi nghe các Tì Kheo trình bày xong, Đức Thế Tôn bảo các Tì Kheo, này
các Tì Kheo, hãy đi và nhân danh ta nói với Bhaddiya, con của Kàligodha:
thưa Hiền giả, Bậc Đạo Sư gọi Hiền Giả. Thưa vâng, Bạch thế Tôn. Các vị
Tì Kheo ấy đến và nói với Tôn Giả Bhaddiya: Đấng Đạo Sư gọi Hiền Giả.
“Sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên. Thế Tôn hỏi Tôn Giả Bhaddiya:
“Có thật chăng, này Bhaddiya, mỗi khi người đi đến khu rừng (…).
Do mục đích gì khi đi đến những nơi ấy ngươi lại nói lên những lời cảm hứng như vậy?
“Bạch
Thế Tôn, thuở trước khi con còn ở trong gia đình, được hưởng an lạc nhà
vua, trong nội cung có đặt người khéo bảo vệ, ngoài nội cung có đặt
người khéo bảo vệ; Trong thành nội có đặt người khéo bảo vệ, ngoài thành
có đặt người khéo bảo vệ. Trong nước cũng có đặt người khéo bảo vệ,
ngoài nước cũng có đặt người khéo bảo vệ. Bạch Thế Tôn, con được bảo vệ,
phòng vệ chặt chẽ như vậy, nhưng con vẫn sống trong sợ hãi, hồi hộp,
run sợ, hoảng sợ (bhito, ubbiggo, ussanki, utrato). Nhưng nay con đi đến
khu rừng, đi đến gốc cây, đi đến ngôi nhà trống, chỉ sống có một mình,
mà con vẫn không sợ hãi, không hồi hộp, không run sợ, không hoảng sợ,
không rộn ràng, không hốt hoảng, chỉ có lắng dịu (pannaloma), nhẹ nhàng
(paradavutto) tâm hồn con tự do như con thú rừng. Bạch Thế Tôn, do thấy
được mục đích như vậy, nên khi con đến khu rừng, đến gốc cây hay đến
ngôi nhà trống, con thường nói lên lời cảm hứng:
Ôi! An lạc thay! Ôi! An lạc thay!
Rồi Đức Thế Tôn đọc lời cảm này để khuyến khích, nâng đỡ cho tâm hồn của Tôn Giả Bhaddiya:
Với ai trong nội tâm
Không có lòng phẫn nộ
Vượt qua hữu phi hữu
Vị ấy thoát sợ hãi
An lạc không sầu muộn …
(ud.18)
Kể
từ lời bộc bạch chân thành của Tôn Giả Bhaddiya, một người được sống
trong sự bảo vệ và che chở của giới thống trị cao nhất thời bấy giờ, với
Đức Phật, đến nay đã hơn 20 thế kỷ, thế giới đã đổi thay toàn triệt,
nhưng nỗi sợ hãi, bất an, run sợ của những người đang sống trong quyền
lực dường như đã không thay đổi chút nào mà lại càng khốc liệt hơn? Vì
nỗi bất an đó ngày nay không còn giới hạn trong giới quyền lực nữa mà đã
tràn lan trên khắp thế giới. Những người dân vô tội bỗng nhiên thấy
mình là nạn nhân của những thế lực đang giành giật quyền lực với nhau.
Vậy
đoạn kinh ngắn trên có thể được dùng như kinh nhật tụng, để những người
đang khát khao quyền lực thế gian đọc tụng mỗi ngày để mong tìm một
chút thanh thản cho tâm hồn bất an của họ chăng?
Ngoài vấn đề
khuyên dạy các Tì Kheo không nên tham dự trực tiếp hoặc gián tiếp ngay
cả tạp thoại về quyền lực thế tục ra, thì trong Khuddaka Nikàya, Đức
Phật còn ngăn cấm các đệ tử xuất gia ba điều quan trọng này nữa.
“Này
các Tì Kheo, Phạm Hạnh được sống, không vì mục đích lừa dối quần
chúng, không vì mục đích nịnh hót quần chúng, không vì mục đích được lợi
ích, lợi dưỡng, cung kính, danh vọng, nghĩ rằng: “mong quần chúng biết
đến ta”, mà này các Tì Kheo Phạm Hạnh được sống vì mục đích thắng tri
(abhinnattham) vì mục đích liễu tri (parinn-atthamca) (it-28).
Hình
thức bên ngoài tất nhiên cũng rất cần thiết cho người xuất gia, nhưng
nguy hiểm hơn là một số người đã lợi dụng hình thức đó để lừa dối những
người ngây thơ chỉ biết tin vào hình thức. Đức Phật đã nhìn thấy điều
tai hại này:
“Này các Tì Kheo, nếu một Tì Kheo nắm lấy viền áo
Tăng Già Lê (Sanghàtikanne) đi theo sau lưng ta, chân bước theo chân,
nhưng vị ấy có tham ái trong các dục, với lòng sắc sảo, với tâm sân hận,
ý tư duy nhiễm ác, thất niệm, không tỉnh giác, không định tĩnh, tâm tán
loạn, với các căn hoang dại, vị ấy xa hẳn Ta và Ta xa hẳn vị ấy. Vì
sao? Này các Tì Kheo, Tì Kheo ấy không thấy Pháp. Do không thấy Pháp nên
không thấy Ta. Này các Tì Kheo, nếu Tì Kheo nào sống xa Ta đến 100 do
tuần và vị ấy không tham ái trong các dục, với lòng tham không sắc sảo,
tâm không sân hận, ý tư duy không nhiễm ác, chánh niệm, tỉnh giác, định
tĩnh nhất tâm, các căn được chế ngự, thì vị ấy gần Ta và ta gần vị ấy.
Vì sao? Này các Tì Kheo, Tì Kheo ấy thấy Pháp. Do thấy Pháp nên thấy Ta”
(it.90).
Chính vì thế nên khi vua Pasenadi của nước Kosala thấy
những tu sĩ dòng Ni Kiền Tử tu khổ hạnh, dầu bện tóc, không mặt quần áo,
bảy người dùng chung một cái y, thì vua mới đến thưa với Đức Phật những
người Ni Kiền Tử ấy có phải là những vị đang đi trên con đường đến
thánh quả hay không? Thì được Đức Phật trả lời rằng, những cư sĩ đang
sống trong gia đình, hưởng thụ mọi thứ dục lạc như nhà vua thì khó mà
phân biệt được vị nào đang đi đúng trên con đường đưa đến các bậc thánh.
Sau đó Đức Phật đã lưu ý với nhà vua rằng:
“Thưa
đại vương chính phải cộng trú (samvàsena) mới biết được giới đức của
một người, và như vậy phải trong một thời gian dài không thể ít ngày
được, phải có tác ý không phải không có tác ý, phải có trí tuệ không
phải với ác tuệ. Thưa Đại Vương, chính phải có liên hệ mới biết được sự
thanh liêm của một người, phải trong một thời gian dài không thể ít ngày
được, phải có tác ý, không phải không có tác ý, phải có trí tuệ không
phải với ác tuệ. Thưa Đại vương, chính trong thời gian bất hạnh mới biết
được sự trung kiên của một người”.
Nếu chỉ nhìn bề ngoài của xã
hội hiện nay thì ta sẽ thấy đạo Phật đang ở trong thời kỳ cực thịnh, vì
màu vàng đang hiện diện khắp nơi. Không chỉ tại nơi các chùa, tự viện,
Thiền viện mà tại các lễ đài, các buổi họp, hội thảo, meeting v.v… nhưng
nếu chúng ta y theo lời Đức Phật, nghĩa là “phải trong một thời gian
dài không thể ít ngày được” thì chúng ta sẽ nhận ra ngay đó không phải
là màu vàng của từ bi, trí tuệ và kham nhẫn của đạo Phật, mà sau màu
vàng ấy là nơi chứa đầy ác tuệ của những tâm thức tán loạn, không định
tỉnh.
Vậy là dù họ đang “níu áo Tăng Già Lê” của Đức Phật, nhưng
họ “xa hẳn Đức Phật” Vì sao? Vì như Đức Phật đã dạy “họ không thấy Pháp.
Do không thấy Pháp nên không thấy Ta”. Mặc dù họ có thể thao thao bất
tuyệt trước đám đông về giáo Pháp của Đức Phật nhưng đúng như Đức Phật
đã nói trong kinh Kokàliya: “cái gì trống thì cái ấy kêu to” và “cái gì
đầy thì cái ấy im lặng” vậy.
Đức Phật (và có lẽ chúng xuất gia của Ngài nữa) thường được người đời ca tụng với một hình ảnh đầy thi ca như thế này:
Nhất bát thiên gia phạn
Cô thân vạn lý du
Kỳ vi sanh tử sự
Giáo hoá độ xuân thu
Bình bát xin ăn ngàn nhà
Một thân cô độc bước đi khắp nẻo đường của trần gian
Chỉ vì một lý do duy nhất là sống và chết
Giáo hóa đưa con người vượt khỏi ngục tù của thời gian
Giáo
hóa thì càng khó khăn bao nhiêu Ngài lại càng quyết tâm bấy nhiêu, như
trường hợp Ngài đã giáo hoá tên sát nhân khét tiếng nhất thời bấy giờ là
Angulìmala. Nhưng bình bát xin cơm ngàn nhà, thì không hẳn như vậy,
nghĩa là có những trường hợp Đức Phật đã từ chối, như trường hợp sau
đây:
“Một thời Thế Tôn trú ở giữa dân chúng Magadha, tại núi
Dakkhinàgini, trong một làng Bà la môn tên là Ekanàlà. Lúc bấy giờ Bà
la môn Kasibhàradvàja có khoảng 500 lưỡi cày sẳn sàng, vì là thời gieo
mạ. Rồi Thế Tôn, vào buổi sáng đắp y, cầm bát đi đến chỗ Bà la môn
Kasibhàradvàja đang làm việc. Lúc bấy giờ, Bà la môn Kasibhàradvàja đang
phân phát đồ ăn. Đức Thế Tôn di đến chỗ phân phát đồ ăn, sau khi đến,
Ngài đứng một bên. Bà la môn Kasibhàradvàja thấy Thế Tôn đang đứng một
bên để khất thực, liền nói với Thế Tôn: ‘Này sa môn, Ta cày và Ta gieo,
sau khi cày, sau khi gieo, ta ăn. Và sa môn, hãy cày và gieo. Sau khi
cày và gieo, hãy ăn!’. – ‘Này bà la môn Kasibhàradvàja Ta cũng cày và
cũng gieo. Sau khi cày và sau khi gieo, Ta ăn!’
‘Nhưng chúng tôi
có thấy cái ách, hay cái cày hay lưỡi cày, hay thúc (trâu bò), hay các
con bò đực của Tôn Giả Gotama. Vậy mà Tôn Giả Gotama nói: ‘Này Bà la môn
Kasibhàradvàja, ta có cày và ta có gieo. Sau khi cày và sau khi gieo,
ta ăn!’
Lúc bấy giờ Đức Phật mới giải thích cho Bà la môn Kasibhàradvàja biết rằng, Ngài đã cày và bừa như thế nào bằng các câu kệ.
Lòng tin là hạt giống
Khổ hạnh là cơn mưa
Trí tuệ đối với Ta
Là ách và lưỡi cày
Xấu hổ là cán cày
Ý là sợi dây buộc
Và niệm đối với Ta
Là lưỡi cày, gậy thúc
(…)
Với tinh cần tinh tấn
Ta gánh chịu trách nhiệm
Ta tự mình đem lại
An ổn khỏi khổ ách
Như vậy, ta đi tới
Không trở ngại thối lui
Chỗ nào ta đi tới
Chỗ ấy không sầu muộn
Và cuối cùng Đức Phật kết luận:
Cày bừa là như vậy
Được quả là bất tử
Sau cày bừa như vậy
Mọi khổ được giải thoát
Lúc đó Bà la môn Kasibhàradvàja mới lấy một cái bát bằng đồng lớn, cho đổ đầy cháo với sữa, dâng Đức Phật và thưa:
‘Thưa Tôn Giả Gotama, hãy dùng cháo và sữa, Tôn Giả là người đi cày! Tôn Giả Gotama đi cày quả bất tử!’
Đức Phật đã từ chối và đưa ra lý do:
Ta không hưởng vật dụng
Do tụng kệ đem lại
Đây không phải là Pháp
Của bậc có chánh kiến
Chư Phật đều bác bỏ
Tụng hát các bài kệ
Khi Pháp có hiện hữu
Truyền thống là như vậy
Ta
có thể suy luận rằng, nếu Bà la môn Kasibhàradvàja cúng dường Đức Phật
ngay từ đầu, nghĩa là không đợi đến khi Đức Phật giải thích rằng Ngài
cũng là một người cày bừa nhưng là một người cày bừa không phải để đem
được lúa gạo về nhà, mà cày bừa để giải thoát mọi khổ đau sầu muộn của
kiếp người. Mặc dù đoạn kinh sau đó Ngài đã nói là ăn món cháo sữa này
rất nguy hiểm, Vì “trừ Như Lai hay đệ tử của Như lai ăn vào mới tiêu hoá
được, còn lại tất cả kể cả các Phạm Thiên ăn vào đều không thể tiêu
hoá”. Nhưng Ta còn nhớ trong bữa ăn cuối cùng do người thợ sắt Cunda
cúng dường, trong đó có món ăn có tên là mộc nhĩ món ăn mà Đức Phật cũng
bảo cho Cunda biết là rất nguy hiểm, vì ăn vào không thể tiêu hóa.
Như
vậy Ta có thể tự hỏi, vì sao Đức Phật lại từ chối sự cúng dường của bà
la môn Kasibhàradvàja mà lại nhận sự cúng dường của người thợ sắt Cunda.
Dù biết trước rằng món ăn của Cunda có thể sẽ đem đến nguy hiểm cho bản
thân mình?
Sở dĩ Đức Phật nhận sự cúng dường của người thợ sắt
Cunda bởi vì sự cúng dường đó phát xuất từ lòng thành kính đối với Đức
Phật và giáo Pháp của Ngài. Sự cúng dường chỉ có ý nghĩa khi sự cúng
dường đó phải được phát xuất từ sự tự nguyện, nghĩa là mọi “gợi ý” ,
“gài thế” hoặc “thuyết phục” để được cúng dường đều trái với giáo Pháp
của Đức Phật.
Và sở dĩ Đức Phật từ chối sự cúng dường của Bà la
môn Kasibhàradvàja vì Kasibhàradvàja chỉ chịu cúng dường sau khi đã bị
chinh phục và phải công nhận rằng đức Phật cũng là người đang đi cày
bừa, chứ không phải là kẻ “ăn không ngồi rồi” như lúc đầu ông đã có ý
nghĩ như vậy.
Trong kinh Ẩn Sĩ (sn.35) Đức Phật còn nói rằng, một
trong những đức tánh của một ẩn sĩ đi khất thực, không được phân biệt
giàu nghèo, nhưng quan trọng hơn nữa là khi nhận đồ cúng dường không
được ca tụng cũng như không nói lời hạ mình để được lòng người cúng
dường:
Ai sống nhờ người cho
Nhận lãnh đồ khất thực
Nhận từ trên, từ giữa
Hãy từ chổ còn lại
Không đủ để tán thán
Không nói lời hạ mình
Các bậc trí nhận thức
Vị ấy thật ẩn sĩ
Tôn Giả Mahakassapa là người được Đức Phật ca ngợi là người thể hiện trọn vẹn sự không phân biệt ấy trong khi đi khất thực:
“Như
vầy tôi nghe, Một thời Thế Tôn trú ở thành Vương Xá tại Trúc Lâm, chỗ
nuôi dưỡng các con sóc. Lúc bấy giờ Tôn Giả Mahakassapa trú ở hang
pipphali, đau bệnh khổ đau, bệnh trầm trọng. Rồi Tôn Giả Mahakassapa sau
một thời gian thoát khỏi bệnh ấy liền suy nghĩ như sau: ‘Ta hãy đi vào
vương xá để khất thực’. Lúc bấy giờ khoảng 500 thiên nhân, đang cố gắng
sữa soạn để Tôn Giả Mahakassapa nhận được đồ ăn khất thực. Nhưng Tôn Giả
Mahakassapa gạt bỏ 500 thiên nhân ấy, vào buổi sáng, đắp y, cầm bát, đi
vào thành Vương xá để khất thực, đi ngang những con đường của người
nghèo, con đường những người ăn xin, con đường những người thợ dệt. Rồi
Thế Tôn sau khi hiểu biết được ý nghĩa này, trong lúc ấy, nói lên lời
cảm hứng:
Ai sống không nhờ người
Không được người biết đến
Sống tự mình chế ngự
An trú trên lõi cây
Các lậu hoặc đã đoạn
Sân hận được trừ diệt
Vị ấy được ta gọi
Là vị Bà La Môn
Vì
thấy được sự nguy hiểm trong việc chạy theo đám đông để được tôn xưng
cũng như hưởng thụ nên cũng chính Tôn Giả Mahakassapa đã khuyến cáo các
Tì Kheo
Chớ du hành đi đầu
Do quần chúng tôn xưng
Tâm ý bị loạn động
Thiền định khó tu chứng
Quần chúng tụ là khổ
Thấy vậy, tránh quần chúng
Mặc
dù Tôn Giả cũng thừa biết rằng những Tì Kheo thiếu nội lực thì việc từ
bỏ sự cung kính bề ngoài này thực là khó khăn, vì theo Tôn Giả “như mũi
tên tế nhị, rất khó rút ra khỏi”:
Đảnh lễ cúng dường này
Xuất phát từ gia đình
Nên biết chúng thật sự
Là đám bùn sa lầy
Như mũi tên tế nhị
Rất khó rút ra khỏi
Kẻ xấu rất khó lòng
Từ bỏ sự cung kính
Nhưng
nếu từ bỏ tất cả, quyền thế, quần chúng đám đông, tiếng tăm, lợi danh
vv... vậy thì thông điệp mà Khuddaka Nikaya gửi đến cho tất cả những
người xuất gia là gì?
Có lẽ chưa có bộ kinh nào mà lại đề cập
nhiều đến núi rừng, đến hạnh viễn ly, đến thiền định độc cư, nghĩa là
những đức tính của một bậc ẩn sĩ nhiều như là Khuddaka Nikaya đã đề cập.
Tại
sao vậy? Vì Đức Phật đã nói rằng một Tì Kheo thì nhất định phải “ưa
muốn ẩn dật Thiền tịnh (patisallanàmà), thích thú ẩn dật Thiền tịnh,
chuyên chú nội tâm tịnh chỉ (ceto samatham), không gián đoạn thiền tịnh
(Aniràkata-jjhànà), thành tựu quán trí (vipassanàla samanagata), hành
trì hạnh đi đến các ngôi nhà trống (brùheta sunàgàrànam), thì ngay trong
hiện tại đạt được chánh trí, có nghĩa là lời tuyên bố về giác ngộ, mà
giác ngộ chính là mục tiêu cuối cùng của hành giả đi tìm chân lý vậy.
Khi có người hỏi Tôn Giả Mahakassapa vì sao Tôn Giả đã già rồi mà ngày nào cũng phải leo núi cao, thì được Tôn Giả trả lời:
Khi chúng leo núi đá
Một số bị mạng chung
Thừa tự bậc Giác ngộ
Tỉnh giác và chánh niệm
Dựa trên sức thần lực
Kassapa này leo núi
Và trong một đoạn khác Tôn Giả Mahakassapa nói:
Đi khất thực trở về
Ca Diếp leo tảng đá
Ngồi Thiền, không chấp thủ
Đoạn sợ hãi khinh hoàng
Như vậy núi non hùng vĩ luôn luôn là sự thử thách cho những ai đi tìm sự thanh bình cho nội tâm.
Trong
cách trả lời của Tôn Giả Ca Diếp ta có thể hiểu rằng, Tôn Giả muốn ví
sự chinh phục cái tâm của chúng ta cũng đầy thử thách như khi ta leo lên
núi cao. Nguy hiểm và cheo leo có thể làm cho ta mất mạng, nhưng một
khi đã lên đến tận đỉnh cao rồi thì người leo sẽ thấy được sự hùng vĩ
bao la của đất trời. Cũng vậy, kẻ đã chinh phục được cái tâm của mình
rồi thì tất cả những bất an, hay nói theo Tôn Giả Ca Diếp thì “sợ hãi
khinh hoàng” của con người đều lập tức được chấm dứt.
Vậy là, núi
cao rừng thẳm chỉ là biểu tượng cho cái tâm đã được giải thoát chứ
không nhất định phải ở trên núi cao thì mới có thể làm chủ cái tâm của
mình.
Đối với Phật giáo, có lẽ nuôi dưỡng đỉnh núi cao trong chính mình mới quan trong hơn là sống trên núi cao chăng?
Trong
Trưởng Lão Tăng Kệ có kể lại một cậu bé có tên là Sivaka, khi mẹ Sivaka
được tin em trai mình là Vanavaccha xuất gia, thọ đại giới, nguyện sống
trong rừng suốt đời. Mẹ Sivaka nói với con: ‘này Sivaka, con hãy xuất
gia dưới sự chỉ dẫn của Vanavaccha và phục vụ cho Ngài, vì nay Ngài đã
già!’ Sivaka nghe lời mẹ, xuất gia ở trong rừng hầu hạ săn sóc cho
Vanavaccha. Một hôm đi đến gần làng thì Sivaka bị đau nặng, khi thuốc
không chữa được, Sivaka không thể trở về rừng, và trưởng lão Vanavaccha
đi tìm thì thấy Sivaka đang bị đau nằm ở gần làng. Sau khi được uống
thuốc và săn sóc, vết thương đã lành thì trưởng lão Vanavaccha liền nói
với Sivaka: ‘này Sivaka, từ khi ta xuất gia đến nay, ta không sống ở
trong làng. Vậy ta hãy cùng nhau vào rừng trở lại’.
Sivaka trả lời: ‘Dù thân con đang ở trong làng nhưng tâm con thì bao giờ cũng hướng về nứi rừng’.
Câu nói trên của Sivaka khiến ta nhớ đến câu của Trần Nhân Tông trong Cư Trần Lạc Đạo Phú:
Mình ngồi thành thị
Nết dùng sơn lâm
Nếu
một Thiền Sư hay một nhà ẩn dật đang sống trên núi cao thì họ chỉ cần
buông bỏ những khát vọng trong tâm tưởng về dục vọng, nhưng một người
như vua Trần Nhân Tông thì sư buông bỏ để ra đi một mình phải khó khăn
gấp bội, vì vừa phải buông bỏ trong tâm tưởng vưa lại phải buông bỏ
những cám dỗ trong thực tế nữa, vì những lạc thú của trần gian thì đã có
sẳn đó rồi chỉ hưởng thụ hay không mà thôi.
Vậy ta có thể nói rằng toàn thể Khuddaka Nikaya là kêu gọi người xuất gia hãy buông bỏ, từ bỏ và ra đi…
Thí
dụ kinh Con Tê Ngưu Một Sừng chẳng hạn. Kinh có cả thảy là 368 câu,
nhưng có 2 câu được lập đi lặp lại đến những 41 lần. Hai câu đó là:
Hay sống riêng một mình
Như tê ngưu một sừng
Kinh Con Tê Ngưu Một Sừng kêu gọi người xuất gia hãy buông bỏ những gì?
Truớc
hết, Đức Phật khuyên những người xuất gia, hãy buông bỏ những thói hư
tật xấu mà tưởng chừng không có gì quan trọng, nhưng cái tưởng chừng
không quan trọng này lại đánh mất tư cách của người xuất gia, theo kinh
thì đó là:
Có một số người xuất gia
Chung sống thật khó khăn
Cũng như các gia chủ
Ở tại các cửa nhà
Sống vô tư vô lự
Giữa con cháu người khác
Không chạy theo thời thượng, tức là những hình thức phù phiếm bề ngoài:
Không trang điểm bày biện
Không ước vọng mong cầu
Từ bỏ mọi hào nhoáng
Nói lên lời chân thật
Và
đặc biệt nhất là kinh nhắc đi nhắc lại nhiều lần người xuất gia không
được giao du với bạn xấu, những người bạn “ không thấy được mục đích tối
thượng của người xuất gia”:
Với bạn bè độc ác
Hãy từ bỏ lánh xa
Bạn không thấy mục đích
Quen nếp sống quanh co
Cũng
là dễ hiểu khi Đức Phật nhắc đi nhắc lại nhiều lần người xuất gia phải
tránh giao du với bạn bè xấu ác, vì bạn bè đóng một vai trò rất quan
trọng chẳng những trong việc đi lên hay đi xuống (nghĩa là tốt hoặc xấu)
của một cá nhân mà cho cả tập thể Tăng đoàn nữa:
Nếu tìm được bạn lành
Thận trọng và sáng suốt
Bạn đồng hành chung sống
Bạn thiện trú hiền trí
Cùng nhau đồng nhiếp phục
Tất cả mọi hiểm nạn
Hãy sống với bạn ấy
Hoan hỷ giữ chánh niệm
Phải
chăng nếu người xuất gia nào cũng luôn luôn thích chung sống với “bạn
thiện trú hiền trí” thì tập thể tăng đoàn sẽ không gặp thách thức và
hiểm nạn như hiện nay.
Cuối cùng và quan trọng nhất của người xuất gia là:
Từ bỏ để một bên
Mọi biểu tượng gia đình
Như loại cây san hô
Tước bỏ mọi lá cây
Bậc anh hùng cắt đứt
Mọi trói buộc gia đình
Sau
khi đã từ bỏ, buông bỏ để ra đi trong cô độc như con tê giác một sừng,
thì cuối cùng sẽ là gì? Một đời sống mới sẽ xuất hiện chăng?
Kinh
Con Tê Ngưu Một Sừng đã đưa ra nhiều hình ảnh sự tự do giải thoát của
người đã can đảm từ bỏ ấy như “gió không vướng mắt” khi thổi qua màn
lưới “như con nai trong núi rừng, không gì bị trói buộc, từ nơi chỗ nó
muốn, để tìm kiếm thức ăn” hay như “Hoa sen không bị nước thấm ướt”.
Nhưng
hình ảnh quyến rũ nhất, trầm hùng nhất là khi Đức Phật đã ví sức mạnh
của một người đã từ bỏ mọi sự ra đi một mình như sau:
Giống như con sư tử
Với quai hàm hùng mạnh
Bậc chúa của loài thú
Sống chinh phục chế ngự
Hãy sống các trú xứ
Nhàn tịnh và xa vắng
Hãy sống riêng một mình
Như tê ngưu một sừng
Nhưng
giữa một xã hội mà lúc nào sức mạnh của tập thể cũng được đề cao, thì
hình ảnh con sư tử cô độc rống lên tiếng rống oai hùng làm các loài thú
nhỏ bé trong rừng sâu đều phải khiếp sợ có vẻ tiêu cực quá chăng?
Chúng
ta nên nhớ rằng, tất cả những cuộc cách mạng, hay những cuộc cải cách
xã hội vĩ đại (kể cả cuộc cách mạng vô sản 1917) trên thế giới đều không
phải bắt đầu từ những người gọi là tích cực, nghĩa là những người đang
giữa những địa vị quan trọng trong xã hội mà thường bắt đầu từ những
nhà tư tưởng, những triết gia, tức là những kẻ sống trầm lặng ngoài đám
đông xã hội, nhưng họ mới là những kẻ rống lên tiếng rống của con sư tử,
làm lay động giữa một xã hội đang ngủ say.
Như cuộc các mạng
Pháp (1789) chẳng hạn, mà sau đó tinh thần của cuộc cách mạng này đã
tràn lan khắp thế giới và ảnh hưởng cho đến tận ngày nay nữa. Chẳng phải
nhờ những chữ in nằm im lìm bất động trong những tác phẩm Contrat
Social (dân ước), Emile của Rousseau, L’esprit Des Lois (vạn pháp tinh
lý), Lettres persanes (thư Ba Tư) của Montesquieu hoặc Lettres
Philosophiques (thư triết lý) của Voltaile đã thổi một sức mạnh vào xã
hội Pháp đang bị giai cấp tu sĩ và quý tộc chà đạp bị bắt buộc phải đứng
dậy phá tan ngục Bastille vào ngày 14 tháng 7 năm 1789 đó sao?
Nhưng
với Phật giáo có một cuộc cách mạng còn quan trọng hơn, đó là cuộc cách
mạng tự thắng những đam mê dục vọng phát xuất từ bản ngã vị kỷ ở chính
nơi mỗi người trong chúng ta. Cuộc cách mạng này còn quan trọng hơn là
mọi cuộc cách mạng cải tạo xã hội khác đến từ những điều kiện bên ngoài.
Bởi
vậy, kinh đã nói rằng, trong đêm thái tử Tất Đạt Đa đánh phá nội ma
ngoại chướng hoàn thành tuệ giác vô thượng dưới gốc cây Bồ Đề thì quả
đất đã rung động đến 7 lần.
Quả đất có rung động hay không?
Điều
đó không quan trọng, nhưng điều quan trọng với chúng ta, những con
người đang ngụ cư trên mặt đất khổ đau này là từ cái đêm mà Đức Phật đã
tự chiến thắng mình một cách oanh liệt đó, đến nay đã hơn 20 thế kỷ rồi
vầy mà vẫn còn tiếp tục làm rung động trong trầm lặng biết bao nhiêu
tâm hồn đang khát khao vươn lên khỏi thân phận bi thảm của kiếp người
trên hành tinh đầy bất an và hiểm nguy này.
Lời kết:
Kể từ khi có mặt trên mặt đất này thì điều mà con người lúc nào gần như cũng bị ám ảnh, phải chăng đó chính là thời gian?
Vì thời gian đưa mọi sự đi đến hủy diệt và cuối cùng là cái chết với mỗi người trong chúng ta.
Tất
cả những gì con người cố tích lũy, xây dựng đều trở thành vô nghĩa
trước sự tàn phá hủy diệt cũng như cái chết này. Đúng như một văn hào
Mỹ, William Faulkner, đã viết trong tác phẩm The Sound And The Fury (Âm
thanh và cuồng nộ):
“Này Quentin ạ, cha cho con cái đồng hồ này,
cha cho con nấm mồ chôn hết tất cả hy vọng và tất cả ham muốn… con sẽ
dùng đồng hồ này để quy hết tất cả kinh nghiệm của loài người vào chỗ
phi lý Reductio ad absurdum…Tất cả nhu cầu của đời con sẽ không bao giờ
được thỏa mãn, cũng như tất cả nhu cầu của những người xung quanh con
cũng thế.
Cha cho con cái đồng hồ này không phải để con nhớ đến
thời giờ, mà để con có thể quên nó trong một khoảnh khắc, để con đừng hì
hụt mệt nhọc cố gắng chinh phục nó nữa. Bởi vì con ạ, người ta không
bao giờ thắng trận, và chiến thắng chỉ là ảo tưởng của những thằng khờ…”
(bản dịch của Phạm Công Thiện).
Cũng cùng một tiếng nói đầy u
uất như vậy, nhưng trầm lặng hơn của một thi sĩ phương Đông, Nguyễn Du
của Việt Nam cũng nói qua hai câu thơ;
Xuân lan thu cúc thành hư sự
Hạ thư đông hàn đoạt thiếu niên
Lan mùa xuân, cúc mùa thu đã trở thành chuyện hão
Mùa đông rét, mùa hè nóng đã cướp đoạt tuổi xanh mất rồi
Trong
Khuddaka Nikaya, Đức Phật đã chỉ cho con người thấy có một nơi mà con
người không bị ám ảnh bởi bóng ma của sự hủy diệt đó nữa, nơi chốn đó
được Đức Phật diễn tả như thế này:
“Này các Tì Kheo, có một xứ
(Ayatana) tại đấy không có đất, không có nước, không có lửa, không có
gió, không có hư không vô biên xứ; không có thức vô biên xứ; không có vô
sở hữu xứ; không có phi tưởng phi phi tưởng xứ; không có đời này, không
có đời sau, không có mặt trăng, không có mặt trời.
Do vậy, này
các Tì Kheo, Ta tuyên bố không có đến, không có đi, không có trú, không
có diệt, không có sanh, không có an trú, không có vận chuyển, không có
sở duyên... Đây là sự đoạn tận khổ đau.”
Và đây là một câu nói khác nữa của Đức Phật cũng về nơi chốn không có khổ đau ấy :
“Cái
gì có nương tựa, cái ấy có giao động, cái gì không nương tựa, cái ấy
không giao động. Không có giao động thời có khinh an, có khinh an thì
không có thiên về. Không có thiên về, thì không có đến và đi. Không có
đến và đi, thời không có diệt và sanh, thời không có đời này, không có
đời sau, không có đời giữa. Đây là sự đoạn diệt khổ đau”
Mặc dù
những lời trên của Đức Phật không nhắc đến Niết Bàn nhưng HT Minh Châu
cũng như hầu hết các nhà nghiên cứu Phật học đều đồng ý rằng đấy là
những đoạn Đức Phật mô tả về Niết Bàn, tức là trạng thái của một người
đã đạt được tự do và giải thoát hoàn toàn.
Nhưng ta phải đi tìm
cái nơi không có đất, không có nước, không có lữa, không có gió, không
có đi, không có đến, không có nơi nương tựa… ấy ở đâu?
Tìm ngay trong cái tâm phân biệt của chúng ta chăng?
Khi tâm sanh hề sanh tử sanh
Khi tâm diệt hề sanh tử diệt
Như Tuệ Trung Thượng Sỹ một tư tưởng gia của Thiền học đời Trần đã phát biểu như vậy chăng?
Nhưng
dù chúng ta có đi tìm ở bên trong hay bên ngoài, ở trên hay ở dưới hay
bất cứ nơi nào đi nữa thì một khi Niết Bàn thường được định nghĩa là:
“sở dĩ gọi là Niết Bàn vì Niết Bàn là sự dứt bỏ, sự tách rời (Ni) ra
khỏi ái dục (vàna) sự thèm khát nhục dục” thì nhất định chúng ta phải
buông bỏ, dứt bỏ mọi ràng buộc để ra đi như con tê giác một sừng bước đi
một mình trong rừng sâu thì mới hy vọng tìm được cái chốn không còn đau
khổ ấy, nếu không thì suốt đời ta vẫn là kẻ:
Vĩnh vi lãng đãng phong trần khách
Nhật viễn, gia hương vạn lý trình
Lênh đênh làm khách phong trần mãi
Ngày hết quê xa vạn dặm đường
(Nguyễn Lang dịch)
Một
người như Trần Thái Tông, đang có trong tay tất cả những gì mà con
người khao khát thèm muốn như quyền lực, mọi lạc thú của trần gian… Vậy
mà vẫn cảm thấy mình là kẻ đang bị lưu đày nơi chân trời gốc bể, vẫn
mong tìm về trở lại mái nhà xưa mà mình đã tự đánh mất trên bước đường
lang thang phiêu bạt.
Thật đáng để cho chúng ta, những con người xuất gia, suy ngẫm vậy thay!
T.P.A
[1] Đức Phật và Phật Pháp của Narada Thera, Phạm Kim Khánh dịch, nxb TP.HCM, 1998.
[2] Sdd.
[3] Sdd.
[4] Sdd.
[5] Sdd.
[6] Thiền và Bát Nhã, D.T.Suzuki, Tuệ Sỹ dịch và giới thiệu, VCĐ Phật học Hải Đức, 2004.
[7] Discourses on the Vajrachedika prajnaparamita Sutra of the Gautama, Như Không dịch, xb tại Hoa Kỳ, 2002.
[8] Sdd.
[9] Việt Nam Phật giáo sử luận, Nguyễn Lang, nxb Văn Học Hà Nội 1994
[10] Vạn Sơn dịch, Hội Osho Việt Nam xb tại Mỹ năm 2003.
[11] Tất cả đều được trích từ Khuddaka Nikaya (Tiểu bộ kinh) do HT Minh Châu dịch.
[12] Tôi là ai? Phạm Công Thiện dịch, nxb Phạm Hoàng, Sài Gòn 1970.
THÍCH PHƯỚC AN