Hạnh phúc tuổi thơ
HT Thích Trí Quảng
18/01/2011 01:22 (GMT+7)

Nhìn về xã hội, tuổi thơ chỉ cho giới trẻ, còn Phật giáo quan niệm tuổi trẻ như thế nào. Đức Phật dạy rằng một đứa trẻ nếu ta biết chăm sóc và giáo dục đúng đắn, nó có thể trở thành đại vương và một Tỳ kheo nếu được hun đúc đúng pháp sẽ trở thành vị Bồ tát, thành Đức Như Lai. Chính vì tầm quan trọng của giới trẻ, nên dưới góc nhìn của xã hội, tuổi trẻ hôm nay là thế giới ngày mai. Xã hội và Phật giáo đều quan tâm đến giới trẻ, vì đó là tương lai của đất nước, của dân tộc, của mạng mạch đạo pháp. Và khi đã có cái nhìn về tuổi trẻ như vậy, chúng ta chăm sóc cách nào để tuổi trẻ có hạnh phúc thật sự.

Đối với xã hội, người trẻ trong hiện tại tốt thì tương lai của đất nước mới tốt, cho nên cần chăm sóc giới trẻ. Tuy nhiên, Phật giáo nhìn xa hơn vào đời sống nội tâm của con người, không phải chỉ nhìn bề mặt của con người, thì từ đó thấy rõ rằng tướng nghiệp bên ngoài tốt hay xấu là do phát xuất từ tâm lý bên trong tốt hay xấu mà tạo thành.

Thật vậy, nhìn về chiều sâu thấy rằng tâm đứa trẻ đã chịu ảnh hưởng của cha mẹ nó. Có thể nói gia đình không hạnh phúc thì đứa trẻ đã gánh chịu sự bất hạnh trước khi nó chào đời, vì ở trong bào thai nó đã tiếp nhận sự cay đắng của cuộc đời do cha mẹ truyền cho, cho nên mặc dù là tuổi thơ, nhưng nó đã có nét mặt buồn. Đứa bé đã chịu ảnh hưởng tâm vui buồn vinh nhục của cha mẹ từ khi còn trong bào thai và xa hơn là cha mẹ đã chiêu cảm nó từ khi nó chưa sanh ra đời, nghĩa là “Mời gọi” nó đến với gia đình, đến với dòng họ mình mới là điều quan trọng.

Những người hung ác, tham lam, ích kỷ thường chiêu cảm những người bất hạnh đến, gọi là đồng nghiệp thì tương ưng gặp nhau. Hai người có cùng một nghiệp giống nhau, nên tự tìm tới với nhau. Ví dụ gia đình ta có thù hận với người nào thì người đó sẽ đến với ta trong cuộc đời này, hoặc đến với ta trong nội tâm. Thực tế chúng ta thấy người có ý không tốt và người sống không tốt tìm đến ta và cả người chết là linh hồn không tốt cũng đến, đó là đồng nghiệp thì đồng cảm.

Khi chúng ta có chiều sâu tâm linh sẽ dễ dàng nhận ra điều này. Tôi có ý thức đi tu từ thuở nhỏ vì hai đấng sanh thành ra tôi đã đi bộ từ Phú Mỹ Hưng, Củ Chi lên núi Bà Đen ở Tây Ninh để cầu tự, vì cha mẹ tôi đã có niềm tin đối với Trời Phật, thánh thần. Với tâm niệm đó, khi tìm lên núi, ông cụ thân sinh của tôi đã gặp Hòa thượng Như Đạo rất nổi tiếng trên núi và cụ kể rằng vị Hòa thượng này là Bồ tát hiện thân, nên có đời sống rất kỳ lạ. Những người bị ma dựa, bị điên đến mức trèo lên bàn thờ của ông bà tổ tiên ngồi và tự xưng là thần thánh, nhưng bất chợt Hòa thượng đi tới thì hồn ma dựa vô xác trông thấy, tự nhiên xuất ra; lúc đó Hòa thượng còn là cư sĩ mà đã có nội lực khiến ma phải khiếp sợ. Và khi Hòa thượng lên chùa Bà tu, nhưng cốt yếu là công quả. Thời đó, không có cáp treo như bây giờ, đường đi lên chùa khó khăn, nên Ngài đã lấy đá đắp đường cho người hành hương có thể lên chùa. Điều này khiến tôi liên tưởng đến kinh Pháp Hoa, phẩm Phổ Môn có Trì Địa Bồ tát được Phật ngợi khen công phu đệ nhất. Tôi nghĩ rằng Ngài là hóa thân của Bồ tát Trì Địa không ham tiền, không ham danh, chỉ lo cạy đá lót đường cho người đi hành hương dễ dàng. Đến khi Hòa thượng Tổ viên tịch, Ngài đã di chúc cho vị này làm trụ trì chùa Bà Đen, nghĩa là giao cho người tiều phu, chứ không giao cho người khác.

Khi ông cụ thân sinh tôi gặp vị Hòa thượng này, Ngài nhìn ông cụ tôi và vẽ một bức hình Quan Am tặng ông cụ và cho thêm một quyển kinh Phổ Môn bảo rằng về tụng kinh thì cầu con trai sẽ sanh con trai thông minh và ngoại hình dễ coi, cầu con gái thì sẽ có con gái hiền lành giỏi dang. Lúc trở về nhà, cụ thân sinh tôi đã chuyên tụng kinh Phổ Môn và tôi đã ra đời từ đây.

Sang Nhật tu học, tôi cũng thấy trong lịch sử Nhật có một câu chuyện tương tự thể hiện tinh thần mời gọi các vị Bồ tát tái sinh. Vào thế kỷ VI, một sứ giả nước Triều Tiên đã tặng triều đình Nhật một tượng Phật và một bộ kinh Pháp Hoa. Các đại thần trong triều mới nghĩ rằng nước Nhật theo Thần đạo mà nay lại đem tượng Phật về thờ thì sợ bị Thái Dương thần nữ giáng họa xuống dân chúng. Nếu không nhận quà tặng của sứ giả thì không được, mà nhận thì sợ bị tai họa. Bấy giờ đại thần Soga liền quyết định nhận tượng Phật và bộ kinh Pháp Hoa để vứt bỏ xuống sông; nhưng tự nhiên khi ông đem về đến nhà thì lại cất giữ trong am tranh tượng Phật và xem kinh Pháp Hoa nói gì. Về sau, vợ ông sanh được một người con gái và một con trai. Người con gái lớn lên được tiến cung làm hoàng hậu, người con trai rất tài giỏi được phong làm Tể tướng.

Khi ta tụng Bổn môn Pháp Hoa là mời gọi các Bồ tát tái sanh vào gia đình mình, vì Bồ tát có nguyện độ sanh trên cuộc đời này cũng phải tìm duyên để thọ sanh. Ở thế giới vô hình, họ là Bồ tát, nhưng sanh lại nhân gian, phải mang thân ngũ ấm thì cũng bị ngũ ấm ngăn che; cho nên Bồ tát cách ấm, thì cái thấy chính xác của Bồ tát không còn, từ đó có thể bị cuộc đời lôi cuốn, dẫn vô con đường sai lầm, sẽ bị đọa. Vì vậy, các Bồ tát e ngại mà không dám xuất hiện trên cuộc đời, nhưng nếu có gia đình tín tâm và đồng hạnh đồng nguyện mời gọi thì các Ngài tới. Vì cùng đồng hạnh đồng nguyện là đồng tu học thì sanh vô gia đình có tín tâm, niềm tin của cha mẹ sẽ truyền trao cho các Ngài ngay từ khi còn trong thai mẹ và niềm tin Tam bảo được cha mẹ tiếp tục nuôi lớn ở tuổi ấu thơ của Bồ tát, đó là một trợ duyên vô cùng tốt đẹp giúp cho Bồ tát nhớ lại quá khứ tu hành của mình và từ đó tiếp tục việc tu học một cách thuận lợi.

Khi các vị cao Tăng viên tịch, chúng ta mời các Ngài tái sanh trên cuộc đời để cứu đời bằng cách chúng ta lập hạnh nguyện giống các Ngài. Chư Bồ tát tu sáu pháp ba la mật hay mười pháp ba la mật là chính yếu, thì đồng hạnh nguyện với các Ngài, chúng ta cũng tu sáu pháp hay mười pháp ba la mật. Hoặc cao hơn một bước, mời gọi các Bồ tát Tùng địa dũng xuất tái sanh, ví dụ Bồ tát Thượng Hạnh thích làm việc khó, hay Bồ tát Vô Biên Hạnh làm tốt mọi việc, không kể việc lớn hay nhỏ. Khi chúng ta lập hạnh như vậy là chúng ta mời gọi các Ngài và các Ngài sẽ sanh làm quyến thuộc của ta. Và mời gọi Bồ tát sanh vô gia đình mình rồi thì chúng ta cho các Ngài niềm hạnh phúc nhất, đó là chúng ta có đời sống phạm hạnh, đời sống an lạc, nghĩa là chúng ta thường tụng niệm, lễ bái, cúng dường, bố thí. Cha mẹ biết làm những việc thiện như vậy là đã đầu tư cho thai nhi thường được an vui từ trong bào thai.

Ngày nay, với tiến bộ của khoa học, chúng ta dã hiểu rõ ảnh hưởng mãnh liệt của người mẹ đến thai nhi. Nếu người mẹ buồn khổ, bực bội, đứa con trong bào thai cũng bị buồn khổ, bực bội. Nếu gia đình không hòa thuận thì nỗi khổ niềm đau của cha mẹ, của dòng họ và của cả xã hội cũng sẽ trút lên cho đứa bé lảnh đủ từ trong thai mẹ. Như vậy, dù là Bồ tát đi nữa thì mang thân tứ đại nằm trong bụng mẹ vẫn phải chịu sự tác động của nghiệp thức là đau khổ, chán đời của cha mẹ, cho nên thai nhi lảnh nguyên cái nghiệp khổ đó của cha mẹ, của dòng họ, của xã hội.

Nhưng ngược lại, mời gọi Bồ tát sanh vào gia đình biết tu thì người mẹ chăm sóc Bồ tát ngay trong bào thai qua việc tụng kinh, nghe pháp, cúng dường,v.v… Cho nên theo tinh thần Á Đông, khi người phụ nữ mang thai, mọi người trong gia đình cố tránh không làm buồn phiền họ, vì họ buồn thì đứa con trong thai sẽ buồn. Nói cách khác, tinh thần chăm sóc đứa con ngay từ khi còn là thai nhi phải chu đáo như vậy để nuôi dưỡng hạt nhân tốt đẹp cho con, chứ không phải đợi con sanh ra đời mới chăm sóc. Điều này thể hiện rõ nét trong cuộc đời tôi, từ thuở nhỏ, mới 9, 10 tuổi, lần đầu tiên tôi nghe tụng kinh một lần là đã thuộc, là vì tôi đã nghe kinh từ trong bào thai, tôi đã học đạo từ trong bụng mẹ.

Việc chăm sóc trẻ thơ rất quan trọng. Mật tông đã chứng nghiệm sự tái sanh rất rõ. Một số vị Lạt ma qua đời, không Niết bàn, mà có nguyện tái sanh, nên thường dặn dò đệ tử họ sẽ tái sanh ở vùng nào, nước nào. Các Lạt Ma khác đến đó tìm xem có đứa trẻ nào ra đời vào năm tháng ngày giờ đã quy định hay không và họ sẽ giảo nghiệm xem đứa bé có đúng là Lạt ma tái sanh hay không. Nếu đúng thì đứa trẻ này sẽ có phong độ của Lạt ma dù tuổi nhỏ và biết đúng việc đời trước của họ.

Tất cả trẻ con không giống nhau là vì cá tánh hay túc nghiệp khác nhau. Người ta giảo nghiệm bằng cách để đồ chơi cho đứa bé tự chọn để biết đời trước của nó là gì. Nó chưa biết nói, nhưng nếu đời trước là Thầy tu, thì thấy xâu chuỗi tràng là lấy liền, thấy mõ là gỏ liền; nếu là kỹ sư thấy máy móc là thích liền. Những người thần đồng trong hiện đời là do túc nghiệp đời trước của họ, họ phát minh được những điều đặc biệt vì họ đã học ở đời trước, hay đã học ở thế giới khác rồi và tái sanh ở hiện đời, họ còn nhớ rõ, không cần phải học nữa. Các phát minh của con người được gọi là ngẫu nhiên, nhưng nhìn theo Phật thì không có gì trên cuộc đời này là tự nhiên, hay ngẫu nhiên xảy ra. Nếu đời trước người học hết cấp tiểu học, thì tái sanh lại cuộc đời này, họ luôn đứng hạng nhất ở cấp tiểu học, nhưng lên Trung học, thì không xuất sắc nữa. Người tốt nghiệp Trung học ở đời trước cũng vậy, hiện đời họ học dễ dàng ở cấp này. Hoặc người tốt nghiệp Tiến sĩ tái sanh lại, chỉ cần học một thời gian ngắn là có hiểu biết ngang tầm người Tiến sĩ.

Những người có được phát minh đặc sắc mà người ở thế giới này không thể biết được là vì họ từ thế giới cực kỳ văn minh sanh lại, chẳng hạn như ở thế giới Cực lạc của Phật Di Đà sanh lại. Điển hình như Thuận Trị hoàng đế là người Mãn thuộc dân tộc thiểu số mà đã dễ dàng chinh phục và thống nhất được cả nước Trung Hoa rộng lớn và lên ngôi vua. Gặp Ngọc Lâm quốc sư, tự nhiên ông nhớ lại đời trước của mình và cảm tác một bài phú nói rằng không biết tại sao ông ở Cực lạc mà sanh lại đây làm chi để phải chinh chiến suốt mấy chục năm, sát hại không biết bao nhiêu người. Về sau, trong lúc vua Khang Hy mới có 3 tuổi là người sẽ kế vị, mà ông đã bỏ ngôi vua, đi vào Ngũ đài sơn tu hành, mong tìm gặp Bồ tát Văn Thù Sư Lợi để hỏi cho ra lý này và muốn trở về quê quán của ông là thế giới Cực lạc.

Có thể khẳng định rằng người ở thế giới văn minh sanh lại, chắc chắn họ có bản chất thông minh, tiềm thức thông minh, nên đưa ra được những phát minh siêu việt mà không ai bì được.

Chúng ta mời gọi các Bồ tát ở thế giới Cực lạc, hay Tịnh Lưu ly, hoặc thế giới của Phật Hương Tích sanh lại cõi nhân gian để làm Phật sự cho mọi người nương nhờ. Vì vậy, chúng ta tạo được những điều kiện nhằm gợi ý chư vị Bồ tát nhớ lại hạnh nguyện của họ, thì với nhân duyên căn lành sẵn có, họ tự có ý thức muốn đi tu, khác với cha mẹ nuôi không nổi, phải bỏ nhà vô chùa tu, mà còn không tu hành đàng hoàng, lại phá chùa. Với những người chưa đủ nhân duyên căn lành với Phật pháp, chúng ta chỉ nên cho họ kết duyên với đạo, nghĩa là cho đi chùa, học kinh, công quả mà thôi, không nên cho xuất gia.

Đối với những người có cốt làm Thầy tu mà không cho đi tu, họ cũng tự tìm đi. Tôi hỏi thăm các vị cao Tăng đều thấy các Ngài có ý thức giống nhau là gặp hoàn cảnh khó khăn, nhưng vẫn quyết tâm tự tìm đường đi tu; vì do căn lành tái sanh lại cuộc đời này để làm một việc gì đó cho Phật pháp.

Để gieo hạt giống tốt đẹp cho đạo, một là chúng ta mời gọi chư vị Bồ tát tái sanh lại làm quyến thuộc trong gia đình mình theo cách như trên đã nói. Hai là nhằm giáo dưỡng lớp người trẻ, chúng ta cần hun đúc, tạo điều kiện tốt cho đứa trẻ từ khi còn trong bào thai để phát triển trí tuệ và đạo đức của nó theo Phật dạy; không phải nuông chìu, cho nó đầy đủ mọi thứ để trở thành hư đốn. Và nếu chúng ta hướng dẫn con trẻ không đúng ý muốn của nó, tất nhiên cũng không tốt. Con trẻ muốn đi tu, chúng ta nên tạo điều kiện tốt cho nó tu và khi đã tu hành rồi, thì tuổi thơ, tuổi đạo này sẽ miên viễn kéo dài đến đời sau và tuổi thơ đó còn được tiếp tục tốt đẹp như vậy cho đến vô lượng kiếp.

Vì vậy, đối với dòng sinh mạng tương tục của Bồ tát hạnh thì lúc nào cũng là tuổi thơ của Bồ tát, là tuổi hạnh phúc của Bồ tát. Tôi hiện nay đã 72 tuổi nhưng vẫn thấy mình là trẻ thơ như ngày nào tôi chưa xuất hiện trên cuộc đời này, tôi vẫn là trẻ thơ như ngày nào còn trong bụng mẹ và mãi về sau, tôi không bao giờ già, không bao giờ chết. Chúc tất cả quý vị hằng vui sống trong tuổi thơ của mình trên lộ trình Bồ tát đạo.

Hòa thượng Thích Trí Quảng

Các tin đã đăng: