Bí quyết và nghệ thuật trụ trì trong PG
Thích Thiện Minh
13/04/2010 03:27 (GMT+7)

Ý niệm trụ trì có nghĩa gìn giữ, bảo quản, trông coi ngôi tam bảo, trụ trì cũng có nghĩa là săn sóc, nuôi dạy tăng chúng trong một ngôi chùa. Phật giáo Nguyên Thuỷ xưng hô trụ trì bằng sư Cả, nghĩa là người trưởng thượng, vị thầy lớn nhất trong một ngôi chùa. Người Khmer xưng hô trụ trì bằng danh từ “chaoatthika”.

Ngày xưa trụ trì thì được quần chúng ở một làng xã hay tăng chúng ở trong bổn tự suy cử lên làm trụ trì, nhưng ngày nay giáo hội ta quan niệm trụ trì phải có quyết định bổ nhiệm mới chính thức là người đại diện tăng ni hướng dẫn phật tử tu học đúng chánh pháp. Trong bài viết này, chúng tôi chỉ giới thiệu một vài điểm về BÍ QUYẾT VÀ NGHỆ THUẬT TRỤ TRÌ THEO PHẬT GIÁO

BÍ QUYẾT TRỤ TRÌ

Trong phần này, chúng tôi giới thiệu một số bí quyết khi làm trụ trì. Bí quyết ở đây chúng tôi ám chỉ là tăng sai, cũng có nghĩa phước đức của chúng ta. Nếu không có hai yếu tố này chúng ta khó trở thành trụ trì đúng nghĩa. 

Tăng sai

Tăng có nghĩa là đoàn thể trong chùa hoặc trong giáo hội, nhận thấy một vị tăng nào đó đủ tư cách, đủ đạo đức suy cử vị đó làm trụ trì, làm sư cả để hướng dẫn tăng ni tu học. Thông thường một vị trụ trì tốt phải là vị cao hạ, có văn hoá, có đạo đức, giao tế tốt, đồng thời vị đó phải do Tăng bầu. Nếu không thì vị trụ trì sẽ khó thành công, vì không đoàn kết, không nhất quán, làm trụ trì mà tăng không tôn kính, dẫn đến chia rẽ, đồng thời sẽ dẫn đến nhiều hệ quả bất lợi cho việc phát huy ngôi chùa. Trong kinh tạng pali tăng không đoàn kết sẽ dẫn đến bất hạnh cho chư thiên và nhân loại. Tăng ở đây ám chỉ là giáo hội, cũng có nghĩa là ám chỉ tăng chúng trong một ngôi chùa. 

Phước đức

Vị trụ trì đồng nghĩa với phước đức. Phước đức nhiều thì trụ trì chùa to Phật lớn, phước đức ít thì trụ trì chùa nhỏ Phật bé, đạo khó phát triển. Không có phước đức thì khó sanh làm người huống hồ chi làm trụ trì. Trụ trì xứng đáng để tăng chúng và phật tử lễ bái cúng dường hàng ngày. Như vậy trụ trì là có nghĩa phước đức đời truớc đã tạo, đời này vị trụ trì cần phải tạo thêm: hạnh bố thí, hạnh trì giới, hạnh tham thiền, hạnh cung kính, hạnh phục vụ, hạnh tuỳ hỷ, hạnh hồi hướng, hạnh thuyết pháp, hạnh nghe pháp, hạnh cải tạo tri kiến. 10 nhân tạo phước đức trên đức Phật dạy trong kinh tạng pali, vị trụ trì thường xuyên phải tu tập trong đời sống hằng ngày, vì đó là phước đức cho mình và cho tăng chúng trong chùa.

Vai trò trụ trì đúng nghĩa

Trong luật tạng Pali, trụ trì một ngôi chùa phải có 5 vị: Tổng trụ trì, trụ trì y phục, trụ trì vật thực, trụ trì chỗ ở, trụ trì thuốc men. Y phục, vật thực, chỗ ở và thuốc men là Tứ vật dụng của chư tăng sử dụng trong đời sống tu niệm của tu sĩ Phật giáo. Những vị phụ trách mỗi phần như vậy làm giảm bớt sự khó nhọc của vị tổng trụ trì, đồng thời thể hiện tinh thần dân chủ, hài hoà, khách quan đối với đại chúng. Tổ chức đó có ngay từ thời đức Phật còn sinh tiền. Nhưng ngày nay chúng ta cảm thấy lời dạy và tổ chức đó vẫn phù hợp với thời đại điện tử và khoa học. Những nước Phật giáo Nguyên thuỷ hình thức đó vẫn còn tiếp nhận và thọ trì đúng nghĩa. Tuy nhiên hình thức và tên gọi ở mỗi quốc gia có khác nhau, nhưng ý nghĩa và vai trò của nó không khác nhau.

Từ bi hỷ xả

Bốn pháp này là trong 40 đề mục tu thiền định, một vị hành giả phải tu tập nhằm có khả năng chuyển hoá niềm đau nỗi khổ để có hạnh phúc và an lạc trong thiền môn. Trụ trì giống như cha mẹ. Đức Phật dạy: “Cha mẹ luôn có lòng từ bi hỷ xả đối với con cái”. Cũng vậy, vị trụ trì phải có tâm từ bi hỷ xả đối tăng chúng. Chúng ta tu tâm từ, có nghĩa là đối trị tâm sân, nếu không có sân hận nhiều thì theo y khoa sẽ không mắc phải căn bệnh tim. Chúng ta tu tâm bi, có nghĩa là đối trị lại tánh độc ác và hung bạo, nếu không có tánh độc ác và hung bạo thì sẽ không bệnh gan. Chúng ta tu tập Tâm hỷ, có nghĩa là đối trị tánh nhỏ mọn và ích kỷ, nếu không có tánh nhỏ mọn và ích kỷ thì sẽ không có bệnh táo bón và đường ruột. Chúng ta tu tập tâm xả, có nghĩa là đối trị lại dính mắc và cố chấp, nếu người dính mắc và cố chấp nhiều sẽ bệnh cao huyết áp. Đức Phật dạy có 3 loại bệnh: bệnh do thời tiết, bệnh do vật thực, hai loại bệnh này có thể chữa trị bằng thuốc. Loại bệnh thứ ba là bệnh Nghiệp, bệnh Tâm, bệnh này phải chữa trị bằng tâm, phải tu tập mới đoạn trừ.

NGHỆ THUẬT TRỤ TRÌ

Vị trụ trì phải có văn hoá, tư tuởng, đạo đức, đồng thời phải có nghệ thuật. Nghệ thuật là giao tế, tâm lý, khen chê đúng chỗ, đa năng, văn hoá học thuật cao, phải hội họp thường xuyên.

Giao tế

Phải giao lưu với các Tôn giáo bạn, các hội đoàn trong xã hội, phát động phong trào thăm viếng và đáp lễ các chùa chiền cùng tông môn hệ phái. Gặp gỡ và sử dụng đúng lúc, đúng chỗ những tầng lớp trí thức và văn nghệ sĩ trong xã hội, trong chùa phải đoàn kết 4 hội chúng: Tăng, Ni, Nam và Nữ cư sĩ. Tục ngữ có câu: “Một cây làm chẳng nên non, ba cây chụm lại lên hòn núi cao”. Đạo Phật nhìn vạn vật với lý duyên khởi, cuộc sống xung quanh chúng ta sẽ nhìn với trùng trùng duyên khởi. Chúng ta thành công thì phải kết hợp những thành phần xung quanh chúng ta thì thành công của chúng ta mới có ý nghĩa và vững chãi. Ghế ngồi phải có bốn chân, nếu thiếu một chân chúng ta sẽ té bất cứ lúc nào.

Tâm lý

Bản chất của Sa môn là giới luật và đạo đức. Đạo đức thường khô và nguyên tắc. Cuộc sống nguyên tắc quá thì trở nên lập dị và sẽ xa dần với thực tế. Giới luật truyền thống là tiếp xúc phái nữ không được cười, ăn uống có ngon và dở không được khen chê v.v… Vị trụ trì mà sống nguyên tắc quá, thiếu tổ chức chắc chắn ngôi chùa đó tăng chúng và phật tử sẽ ít đi. Do đó yếu tố tâm lý trong đời sống vị trụ trì phải có. Tâm lý là biết người ta thích và không thích điều gì, tâm lý là sống với bản chất thật của mình, tức là cười, nói một cách chân thật. Gặp gỡ, tiếp xúc, nói chuyện là để lại hình ảnh đẹp, cử chỉ trong sáng, phong cách dung dị, những bài học đáng giá cho đối phương. Vị trụ trì không nên ích kỷ nụ cười, ánh mắt của mình đối với đại chúng, vì đó là biểu lộ sự trìu mến.

Khen chê đúng chỗ

Khen thì ai cũng thích, còn chê thì ai cũng ghét. Bậc trí tuệ xem người nào chê mình đúng chỗ đó là bậc thầy của mình. Trong cuộc sống nhân vô thập toàn, ai cũng có lỗi, điều quan trọng là phải thấy lỗi và sửa lỗi của mình. Vị trụ trì sử dụng nghệ thuật khen và chê đối với đại chúng như là pháp môn tu giữa đời thường. Vị trụ trì khen không đúng chỗ và đúng người, xem như là tai hoạ cho người đuợc khen. Nếu khen đúng người và đúng chỗ thì lợi ích và hữu dụng cho người được khen. Chê cũng thế.

Đa tài

Đa năng là nhiều nghề, nhiều phật sự, nhiều chức vụ. Ám chỉ người có tài và đức, vì có tài và đức nên mới trở thành trụ trì đa năng. Vị trụ trì ngoài việc giới hạnh và vị tu sĩ trang nghiêm cần phải có thêm những nghề phụ: như thầy địa lý, tử vi, tử bình, bốc dịch, tướng pháp, thầy thuốc, thầy dạy võ, thậm chí phải thông thạo vi tính trong thời đại ngày nay. Ở chùa nên thành lập nhiều phân ban trực thuộc chùa như: từ thiện, hộ niệm, phòng phát hành kinh sách, ban ấn tống, câu lạc bộ thơ văn, câu lạc bộ văn nghệ, gia đình phật tử v.v….. để quy tụ các giới trong xã hội, phụ giúp và đẩy mạnh những khuynh hướng phát triển mái chùa mà vị trụ trì đang điều hành.

Văn hoá học thuật cao

Vị trụ trì cũng cần phải có văn hoá và trình độ học vấn cao để tầm nhìn và chiến thuật của mình đối với tăng chúng khoáng đại và thông thái hơn. Trụ trì là người vạch ra những kế hoạch và phương pháp, văn hoá, giáo dục, từ thiện, xã hội v.v… để phát huy ngôi chùa. Do đó đòi hỏi trình độ học thuật cao. Trong Phật giáo có 3 loại trí: trí văn, trí tư, trí tu. Trí văn và tư đòi hỏi phải có trình độ và học thuật. Ngày nay phải có cử nhân, thạc sĩ và tiến sĩ. Vì những văn bằng đó mới đủ trí tuệ để cống hiến cho đạo pháp và dân tộc. Càng có văn bằng cao thì nhìn tăng chúng tu học với ánh mắt hoan hỷ và trìu mến.

Phải hội họp thường xuyên

Chùa là một tổ chức, nhân sự đến từ nhiều tỉnh thành khác nhau, không có bà con thân thuộc. Xuất gia sống chung với nhau, lấy giới luật làm nền tảng tu hành, kính trên nhường dưới. Thường có tổ chức thì phải có xung đột, hiểu lầm v.v… Những trường hợp này phải có hội họp thường xuyên để giải quyết. Trong giới luật, đức Phật cho phép 1 tháng có 2 lần làm lễ Bố tát. Bố tát là hình thức ôn lại giới luật của vị tỳ khưu để sám hối, đồng thời ngồi lại nhau để giải quyết xung đột và mâu thuẫn của tăng chúng. Do đó vị trụ trì nên áp dụng phương pháp này, ngoài 2 ngày bố tát, còn phải tổ chức nhiều lần hội họp để giải quyết những vấn đề trong tăng đoàn.

KẾT LUẬN

Trong kinh điển Pali, đức Phật dạy: “Có 4 hạng người dễ sa đoạ khổ cảnh: Cô gái đẹp, vị vua, ông quan, vị trụ trì”. Tại sao? Vì những hạng người này có quyền, có sắc, nên đôi khi sử dụng quyền và sắc của mình không đúng Phật Pháp, không đúng nhân quả nên dễ sa đoạ khổ cảnh. Nơi đây Đức Phật sử dụng danh từ “Dễ”, chứ không có sử dụng danh từ “Sa đoạ”. Vị trụ trì có nghĩa là vị Bồ tát, là chư thiên tại thế. Nếu vị trụ trì biết áp dụng pháp luật trong đời sống thiền môn thì đúng nghĩa là Bồ tát và Chư thiên, nếu không thì dễ sa đoạ khổ cảnh. Điều các vị trụ trì lưu ý, giới luật tỳ khưu nếu phạm 4 bất cộng trụ thì không còn là tỳ khưu nữa, bốn bất cộng trụ là: Sát sanh, trộm cắp, tà dâm, khoe pháp cao nhơn. Một vị trụ trì sử dụng tiền tam bảo cho cá nhân thì rất dễ phạm bất cộng trụ, không còn là tỳ khưu nữa

Theo: Tập văn Phật giáo Nguyên thủy

Các tin đã đăng: