Vừa chào đời, em Lan Anh đã không
may mắn có được một cơ thể lành lặn như bao đứa trẻ khác. Đôi chân em bị
teo tóp, tay phải không cử động được. Chị Ngô Thị Tươi gần như chết
lặng khi nhìn thấy cơ thể con mình yếu ớt, da tái nhợt. Gia đình đưa em
đi khám mới biết Lan Anh bị khuyết tật bẩm sinh, cơ hội chữa trị gần như
bằng không. Bất hạnh vẫn chưa buông tha khi Lan Anh lên 3, bố em trong
một lần đi làm chẳng may bị tai nạn qua đời.
Dù bị khuyết tật, Lan Anh rất chăm và ham học.
Từ lúc bố mất, mẹ mới sinh thêm em chưa đầy một tháng tuổi, mọi gánh
nặng đều đổ lên đôi vai của người mẹ. Dù biết bệnh của con khó chữa,
nhưng hễ nghe ở đâu có thầy thuốc giỏi là chị Ngô Thị Tươi đều mang con
tìm đến chạy chữa, nhưng bệnh của con vẫn không có biến chuyển.
Cuộc sống vốn khó khăn, chỉ dựa vào hai sào ruộng, lo miếng ăn còn
khó, hơn nữa tiền thuốc thang cho con không đủ. Chị Tươi đành gửi hai
con ở với ông bà ngoại để lên Hà Nội bán hoa quả kiếm tiền gửi về cho
ông bà thuốc thang và nuôi các cháu.
Đến tuổi đi học, thấy đám bạn về nhà kể chuyện, rồi tập đọc, tập
viết, Lan Anh cũng đòi ông bà cho đi học. Thấy cháu đi đứng không vững,
nhất là tay phải bị khuyết ật, nhưng thương cháu nên ông bà ngoại cố
gắng cho Lan Anh đi học để cháu được an ủi.
Suốt những năm học tiểu học, cơ thể của Lan Anh yếu ớt, đi lại không
vững, nên hầu như ngày nào ông ngoại cũng phải đưa em đến trường rồi lại
đón về bằng xe đạp.
Tay phải gần như bị liệt, nhưng tay trái của Lan Anh lại hoạt động
bình thường, đến lớp nhờ được các thầy cô chỉ dạy, Lan Anh đã tự mình
học cầm bút và viết bằng tay trái. “Lúc đầu cầm bút bằng tay trái được
một lúc là em thấy mỏi nhừ, nhiều lúc còn bị chuột rút, bàn tay thì thâm
đi, nhưng em vẫn cố gắng nhịn đau. Những lúc như thế em nghĩ về mẹ và
ông bà để em tiếp tục tập viết, vì nếu không tập viết bằng tay trái thì
em sẽ không được đi học nữa và lúc ấy mẹ và ông bà em cũng sẽ rất
buồn…”, Lan Anh tâm sự.
Đến năm lớp 6, bằng nghị lực của mình, Lan Anh đã tự mình bước đi
được. Trong suốt quá trình học tập, Lan Anh luôn đạt danh hiệu học sinh
tiên tiến xuất sắc toàn diện của trường. Mặc dù đi lại khó khăn, nhưng
ngoài thời gian đến trường, ở nhà em còn phụ giúp ông bà quét nhà, kèm
em trai học.
Ông Ngô Xuân Đới, ông ngoại Lan Anh, tâm sự: “Cháu tôi không được may
mắn như những đứa trẻ khác, nhưng được cái ngoan ngoãn, dù thân thể
không được lành lặn, nhưng cháu vẫn cố gắng đỡ đần ông bà việc nhà, lại
chăm và ham học nữa. Thấy cháu như vậy tôi cũng vui lắm rồi…”.
Cô Nguyễn Thị Thu Hà, giáo viên chủ nhiệm, cho biết: "Lan Anh là một
học sinh ngoan và có tinh thần vượt khó, học giỏi, mặc dù bị khuyết tật,
nhưng với bạn bè và thầy cô, em luôn cởi mở, hoà đồng. Các bạn học sinh
trong lớp cũng rất quý mến Lan Anh và cảm thông với hoàn cảnh của em".
Tuy đã tự đi lại được, nhưng vẫn còn khó khăn, nhất là những hôm trái
gió trở trời, đôi chân và tay phải của em cứ co thắt lại, khiến em bị
đau buốt, mỗi lần như thế, bà ngoại lại phải nằm cạnh để chăm sóc cho
em. Khổ nhất là vào mùa đông, thời tiết lạnh khiến đôi chân em không thể
bước đi, vì không muốn bỏ lỡ bài học trên lớp, Lan Anh đành nhờ ông
ngoại đưa đến trường.
Nghị lực của Lan Anh luôn là một tấm gương sáng để bạn bè noi theo.
Thầy Trần Thanh Sơn, Phó hiệu trưởng Trường THCS An Nội, cho biết:
“Em Cù Thị Lan Anh là một trong những học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó
khăn trong trường, mặc dù em bị khuyết tật nhưng biết cố gắng vươn lên
trong học tập, là một trong những học sinh khá giỏi của trường. Nhận
thấy hoàn cảnh của em Lan Anh khó khăn, nhà trường cũng đã miễn giảm học
phí, tạo điều kiện để Lan Anh có thể học tập tốt nhất”.
Cũng theo thầy Sơn thì Trường THCS An Nội cũng đã phát động phong
trào “Nhặt phế liệu gây quỹ học bổng” nhằm động viên Lan Anh và các em
có hoàn cảnh khó khăn vươn lên trong học tập.
Chia sẻ về ước mơ của mình, Lan Anh tâm sự: “Em sẽ cố gắng học thật
giỏi, để sau này kiếm được việc làm ổn định và đỡ đần cho ông bà và mẹ
em. Em sẽ nỗ lực thật nhiều để sau này có thể làm một giáo viên dạy các
em học sinh bị khuyết tật như em…”.
Trần Huệ - Đức Văn (Dân trí)