Chỉ có Phật pháp mới ngăn được tội lỗi của giới trẻ ngày nay
07/03/2014 00:17 (GMT+7)

Nếu các nhà giáo dục, các nhà xã hội học, các luật gia, các vị tòa án, kiểm sát... chỉ cần bỏ ra ba ngày mà cùng sống với các nam, nữ tu sinh này tại một thiền viện, hay tham dự một khóa tu mùa Hè trong một ngôi chùa nào đó thôi thì tôi bảo đảm rằng họ sẽ có một giải pháp hữu hiệu nhất cho việc "Làm cách nào để hạn chế thấp nhất tội phạm tuổi trẻ".
 
 


Buổi tọa đàm "Tội phạm đang trẻ hóa vì đâu?" tại tòa soạn Báo Tuổi Trẻ đã có rất nhiều các thành phần tham dự như cán bộ điều tra, viện kiểm sát, cán bộ trại giam, luật sư, nhà giáo, nhà xã hội học...

Tất cả các phân tích đưa ra nguyên nhân dẫn tới việc ngày càng trẻ hóa các tội phạm, nào là do gia đình, nhà trường, kinh tế, văn hóa... Rồi các giải pháp căn bản cũng được đưa ra trong buổi tọa đàm đều thấy có lý cả, nhưng theo tôi vẫn chưa đủ, nhất là về các giải pháp căn cơ thì còn đặt nặng đến vấn đề giải quyết sự việc đã rồi.

Có nhà phân tích cho rằng tính hiệu lực của pháp luật và việc xét xử không công bằng dễ dẫn tới việc không tin và tự giải quyết bằng sức mạnh của cá nhân. Cũng có nhà phân tích đưa ra giải pháp là: "Gia đình và nhà trường không thể giải quyết tận gốc tình trạng tội phạm trẻ"...

Cần phải có thiết chế xã hội đầy đủ, Quốc hội phải có chính sách ban hành văn bản luật để đảm bảo sự phát triển trong tương lai xa.

Có nhà phân tích thì đưa ra giải pháp giáo dục hiện nay nên chú trọng đến việc dạy học sinh làm người, dạy cách nói lời cảm ơn và xin lỗi chứ không nên quá chú trọng vào việc nhồi nhét kiến thức...

Tôi thấy đồng tình với ý kiến của nhà phân tích "Dạy học sinh làm người" vì ông cho rằng "Không chỉ con nhà nghèo, thiếu học phạm tội mà cả con nhà giàu, có học".

Nhưng trong buổi tọa đàm này thì có nhà phân tích cho rằng "Gia đình và nhà trường không thể giải quyết tận gốc tình trạng tội phạm trẻ". Vậy thì chỉ còn cách nhờ đến tôn giáo mà thôi, trong đó có một tôn giáo đã là nền tảng đạo đức của dân tộc hàng nghìn năm nhưng bị xem nhẹ suốt một thời gian dài trong thế kỷ XX, đó là đạo Phật.

Trong đạo Phật, hai trong năm điều cơ bản dạy làm người của đạo Phật là không sát sinh, không trộm cắp. Hơn tất cả là đạo Phật là đạo dạy đạo đức nhân quả là luân hồi là đạo của lòng từ bi, vị tha, bác ái.

Nếu ai cũng không tin vào nhân quả, nếu ai cũng sống mà cho rằng không có luân hồi, không cần lòng từ bi thì cần gì phải sống tốt.

Các nhà phân tích còn quên rằng việc giáo dục dạy làm người, ngăn ngừa các tội phạm phải ngay từ trong bụng mẹ chứ không phải để đến khi cắp sách đến trường mới dạy thì cũng đã trễ. Tức là ngay những người làm cha mẹ cũng phải sống tốt rồi thì con cái chúng ta mới sống tốt được (46% tội phạm sống trong gia đình có nhiều vần đề phức tạp, 18% trong gia đình có bố mẹ ly dị, 4% trong gia đình bình thường).

Vì vậy chỉ những ai đã thấm nhuần giáo lý Phật pháp, biết sợ nhân quả, biết sợ đọa kiếp luân hồi, giàu lòng từ bi biết thương yêu đến cả những con vật như yêu thương chính mình thì làm sao có thể cầm dao mà giết người.

Vì vậy, trong thành phần những người tham gia hội thảo còn thiếu những nhà giảng dạy Phật học. Họ và chỉ có họ mới giảng dạy cách làm người tốt nhất.

Thật vậy. Nếu ai đã có mặt trong khóa tu mùa Hè tại các thiền viện với cảnh có hàng trăm trẻ em nam, nữ tu sinh được cha mẹ chúng gửi đến để cai nghiện Game online trong dịp hè mới thấy được sự diệu kỳ và sức hấp dẫn của Phật pháp.

Không ai điểm danh, không ai chấm điểm, không có thưởng phạt, không ai la mắng hay hù dọa mà chỉ trong vòng tuần lễ các em đã thay đổi đến kinh ngạc mà chính cha mẹ chúng cũng phải thốt lên rằng: "Làm cách nào mà các thầy chỉ dạy trong mấy ngày mà đã làm cho con em họ thay đổi hẳn cách sống...".

Chúng biết tự rửa chén, biết cầm cây lau nhà, không vòi vĩnh khi cứ phải có đùi gà rán mới ăn cơm, biết tự gấp chăn màn, biết được rằng để có vài ngọn rau khoai để ăn thì người nông dân phải vất vả như thế nào, chúng biết được rằng trước khi bưng chén cơm để ăn, người mà chúng cần phải biết ơn là người đã trồng ra cây lúa và chúng ta có xứng đáng để được ăn và quan trọng là sau khi ra về chúng biết sống có trách nhiệm ngay chính với bản thân mình.

Nếu các nhà giáo dục, các nhà xã hội học, các luật gia, các vị tòa án, kiểm sát... mà chỉ cần bỏ ra ba ngày cùng sống với các nam, nữ tu sinh này tại một thiền viện, hay tham dự một khóa tu mùa Hè trong một ngôi chùa nào đó thôi thì tôi bảo đảm rằng họ sẽ có một giải pháp hữu hiệu nhất cho việc "Làm cách nào để hạn chế thấp nhất tội phạm tuổi trẻ" và họ cũng sẽ trả lời được câu hỏi một cách chính xác, đầy đủ "Tội phạm đang trẻ hóa vì đâu"?

Chắc chắn rằng chính họ sẽ là người đề nghị đưa vào trong các tiết học giáo dục công dân từ cấp nhỏ nhất đến cấp học cao nhất những bài giảng dạy từ đơn sơ đến triết lý cao siêu để làm người của đạo Phật.

Đó mới là cái gốc cơ bản bền vững nhất cho tương lai xây dựng con người trên trái đất này.

                                                                                                                        Giác Hạnh Hoa

theo: vuonhoaphatgiao.com

Các tin đã đăng: