“Ngôi nhà” cưu mang 300 trẻ bất hạnh
Hoàng Quân
14/11/2010 02:14 (GMT+7)


NGÔI NHÀ CỦA TRẺ BẤT HẠNH

Đến chùa Đức Sơn (thôn Cư Chánh, xã Thủy Bằng, thị xã Hương Thủy, Thừa Thiên - Huế), mong muốn của chúng tôi là để hiểu xem những sinh linh bé bỏng bất hạnh đã lớn lên bên tiếng chuông chùa và dưới tán bồ đề ra sao. Sư Minh Tú mở đầu bằng câu chuyện đau lòng: “Sáng 3-10-2010, các sư mở cổng chùa thì thấy một đứa trẻ khoảng 10 tuổi bị bệnh đao, nằm lăn lóc giữa đường với hơi thở gấp gáp. Đêm khuya, người nào vô tâm đã vứt bỏ em giữa đường. Vào chùa được ăn uống, sức khỏe của Cù Thiện Lạc (sư Minh Tú đặt) có phần biến chuyển. Nhưng”!


Sư Thích Nữ Minh Tú và các sinh viên ĐH Huế đang chăm lo cho trẻ ăn trưa

Nói đến đây, sư Minh Tú nghẹn lòng. Bốn ngày sau đó, Lạc qua đời, các sư lại tất bật lo ma chay cho em. Cứ thế 24 năm nay, chùa tiếp nhận cả thảy 300 đứa trẻ bị bỏ rơi, trẻ mồ côi, khuyết tật...

Sự ra đời của chùa cũng là một quá trình đằng đẵng, gian nan. Năm 1964, đồng bào, phật tử khắp nơi vào lánh nạn tại khu vực lăng Thiệu Trị rồi lập chùa để cầu nguyện cho đất nước hòa bình, chấm dứt cảnh chia li vì chiến tranh. Sau giải phóng, hàng trăm phật tử trở về quê hương và thăm lại chùa thì thấy tất cả chỉ là một đống đổ nát nên cúng dường, đóng góp xây Niệm Phật đường, với sự hỗ trợ của Giáo hội Phật giáo tỉnh. Vài năm sau, bốn ni cô Minh Đức, Minh Tú, Minh Nhật và Minh Hằng đến đây tu tập và đổi tên là chùa Đức Sơn.

Niệm Phật đường nhỏ bé giờ đã thành một ngôi chùa trang nghiêm và là nơi nuôi dạy trẻ bất hạnh. Sư cô Minh Tú nhớ lại việc tiếp nhận đứa trẻ đầu tiên: “Sáng 22-11-1986, trong lúc mưa to gió lớn, một cụ già ở vùng biển huyện Phú Vang bế một bé gái đến chùa. Thấy đứa trẻ đang trong tình trạng nguy kịch với sức khỏe yếu ớt, sư liền mang vào chùa sưởi ấm, đi xin sữa cho uống. Cụ già khóc lóc kể rằng cháu bé bị cha bỏ rơi, mẹ mới chết vì bệnh ung thư. Là ông ngoại nhưng không đủ sức khỏe để nuôi nên ông bế lên nhờ chùa”. Kiều Thị Thủy Chung bé bỏng ngày nào giờ đã thành một thiếu nữ xinh đẹp, làm việc tại một công ty dược phẩm ở TPHCM.

XIN ĐỪNG BỎ RƠI SINH LINH BÉ BỎNG

Bé Kiều Thiện Thảo được sư cô phát hiện khi cơ thể bị kiến đốt, da thịt sưng tấy, nằm quằn quại dưới gốc bồ đề trước chùa. Giàng A Khai (13 tuổi, dân tộc Mông) kể lại nỗi bất hạnh tột cùng khi sinh ra bị mù mắt, 6 tuổi mẹ mất, cha đi lấy vợ khác rồi bỏ rơi em. Bảy năm trước, một người từ TPHCM đi du lịch ở Sa Pa (Lào Cai) thấy Khai lang thang ăn xin nên mang em đến chùa Đức Sơn nhờ sư cô nuôi dạy. Bây giờ, Khai đã tự tin hòa nhập, rất ngoan ngoãn, học hành chăm chỉ.


Chăm sóc trẻ bại não, khuyết tật không phải dễ dàng nếu không có tình thương và sự hi sinh

Nhìn em Cù Thiện Sanh (18 tuổi) khỏe mạnh, tươi cười lúc này, ít ai biết rằng 18 năm trước, em là một hài nhi bị vứt bỏ tại thùng rác của Bệnh viện Trung ương Huế. Một nhóm người từ thiện trong một lần đi nhặt các sinh linh bị vứt bỏ để an táng đã đưa vào bệnh viện điều trị. Biết được tình cảnh thương tâm ấy, sư cô Minh Tú “xin” về nuôi cho đến hôm nay.

Gần nửa số trẻ bị bỏ rơi khi vừa lọt lòng, không rõ họ tên nên các sư đặt cho bé trai là họ Cù (họ của Đức Phật), bé gái mang họ Kiều (họ mẹ của Đức Phật). Các em đều được làm giấy khai sinh, đi học như bao đứa trẻ khác. Không chỉ nuôi 300 trẻ, các sư cô còn nhận bảo trợ cho 85 cơ sở mầm non ở các vùng quê nghèo của thị xã Hương Thủy và huyện Hương Trà. Hàng năm, chùa còn chắt chiu những phần quà cùng Phật tử, các nhà hảo tâm để cứu trợ đồng bào bị thiên tai, lũ lụt. Và sau mỗi chuyến đi, sư cô cũng mang theo về một vài cháu nhỏ bất hạnh...


Mang trong mình nỗi đau bất hạnh nhưng trẻ em chùa Đức Sơn rất ngoan ngoãn và đùm bọc lẫn nhau

“Mỗi lứa tuổi đều có chế độ ăn uống riêng, chế độ mỗi cháu sơ sinh 30.000đ/ngày mới đảm bảo dinh dưỡng. Các em bị khuyết tật, bại não thì được điều trị bằng thuốc men. Để lo được như thế cũng nhờ sự hỗ trợ của chính quyền, những tấm lòng hảo tâm của phật tử, người dân khắp nơi” - sư Minh Tú nói. Trước đây, các sư phải tự khai hoang canh tác trên đất của chùa. Sau này trẻ đông, các sư tìm cách để tạo kinh phí như: mở xưởng gỗ, nấu cơm, bún chay gánh đi bán... Chùa còn mở cơ sở dạy nghề: mộc, thêu... phù hợp cho mọi lứa tuổi để giáo dục ý thức lao động cho các em. Sư Minh Tú khoe, các nhà hảo tâm, phật tử đóng góp mở cửa hàng ăn chay để tạo công ăn việc làm cho các em và có thu nhập để nuôi trẻ, hỗ trợ những mảnh đời bất hạnh khác ở địa phương.

Khó khăn là thế nhưng các sư không cho ai xin con về nuôi. “Trước đây, có vài người xin trẻ về nuôi nhưng một thời gian các em không may bị bệnh nặng, khó nuôi nên họ lén mang bỏ lại trước cổng chùa. Có trường hợp nhận con nuôi nhưng các cháu không được chăm sóc, dạy dỗ chu đáo nên sa đà vào con đường tội lỗi như nghiện game, nghiện hút, cờ bạc...” - sư Minh Tú cho biết.

“NGUYỆN LÀM PHÂN, LÀM ĐẤT CHO CÂY”

Để chăm lo nuôi dưỡng cho 300 trẻ em hàng ngày, 20 sư cô và 10 bảo mẫu phải lao lực rất nhiều. Từ miếng ăn, giấc ngủ, học hành cho đến tương lai của trẻ, các sư phải mang trong mình tình yêu thương, đức hi sinh lớn cho dù chưa hề có kinh nghiệm làm mẹ. Chùa có 10 em bị bại não. Em Kiều Thị Nhung (17 tuổi) bị bại não, động kinh nên được “nhốt” trong cũi; bình thường, phải hai sư cô mới chăm sóc được cho em. Mùa nhập học khiến các sư lao tâm nhất, bởi phải lo các khoản chi phí: áo quần, sách vở mới, xe đạp, học phí, tiền đóng góp đầu năm... cho các em. Vào mùa mưa lũ, các sư càng vất vả khi phải lo di dời trẻ để lánh nạn. Năm 2007, trong một lần đưa các em chạy lũ vào ban đêm, sư Minh Tú đã bị ngã gãy tay.

Chùa có 22 em đã và đang học đại học, cao đẳng, trung cấp; có hơn 100 em đã trưởng thành, hòa nhập cộng đồng, đa số có việc làm, đời sống ổn định. Nhiều em tình nguyện quay lại chùa giúp các sư chăm sóc những em nhỏ. Đào Duy Long (23 tuổi) là người nổi bật trong hàng trăm trẻ bất hạnh tại đây. Sinh ra ở huyện miền núi A Lưới, Long còn 3 em, mồ côi cha từ nhỏ, người mẹ hay đau yếu nên cuộc sống khó khăn, phải nương nhờ hàng xóm. Quá bi đát, mẹ phải đưa Long đến nhờ sư cô nuôi dạy, cho ăn học. Năm 2006, Long đậu hai trường đại học ở Huế với số điểm cao.

Với sự hi sinh, đóng góp bằng những việc làm ý nghĩa của mình, ni sư chùa Đức Sơn vinh dự nhận được thư khen ngợi của Chủ tịch nước Trần Đức Lương và sư cô Minh Tú được Chính phủ trao tặng Bằng khen “Người tốt việc tốt” vào năm 2004. Các sư cô được bình chọn là “Những phụ nữ làm rung động trái tim Việt Nam” do Hội LHPNVN, Đài THVN và Thời báo Kinh tế VN tổ chức năm 2006.

Theo: CA TP.HCM

Các tin đã đăng: