Cô sinh viên có tấm lòng nhân hậu
28/09/2012 21:10 (GMT+7)


Thứ nhất là tu tại gia

Theo như tôi thấy thì các bạn Phật tử trẻ thường chỉ chăm chỉ đều đặn tới chùa sinh hoạt và tham gia các hoạt động tập thể. Nhưng Ngọc Ánh thì hoàn toàn khác. Ngoài những thời gian tới chùa khi có thời gian rảnh, thì ở nhà, trên căn phòng nhỏ của Ánh, ngày ngày đều vang lên tiếng niệm Phật và tụng kinh, lúc là tiếng của máy niệm Phật, lúc là tiếng của Ngọc Ánh. Khi bước vào căn nhà của Ngọc Ánh có cảm giác giống như bước vào một ngôi chùa tâm linh thực sự.

“Ngoài thời gian tu tập ở chùa cùng đại chúng thì việc tự tu tập ở nhà cũng là một điều quan trọng vì “thứ nhất là tu tại gia” mà”, Ánh dí dỏm biến tấu. Tâm sự chuyện tu tập với tôi, Ngọc Ánh mong muốn tinh tấn tu tập, tụng kinh niệm Phật thật nhiều để có thể hồi hướng một phần công đức giúp chúng sinh sống an lành và cùng với đó là để “tìm cho mình một khoảng lặng giữa cuộc đua trên đường đời”.

Tấm lòng bình dị… mà hiếm gặp!

Nhưng điều làm tôi thực sự cảm động là khi chứng kiến câu chuyện của Ngọc Ánh với bé Kiều Hồng Anh ở chùa Bồ Đề (Hà Nội) cách đây không lâu…

Ngọc Ánh luôn xuất hiện với một nụ cười - Ảnh: CTV

Ngọc Ánh biết đến tình trạng của bé Hồng Anh qua chia sẻ trên trang mạng Facebook. Từ một sự thương cảm sâu đậm, Ngọc Ánh  tìm đến bệnh viện nơi bé được điều trị để thăm hỏi, nhìn thấy hình ảnh thương tâm của bé Hồng Anh, trong lần gặp đầu tiên ấy, Ngọc Ánh không ngần ngại tặng bé một nửa số tiền trong quỹ 400.000 đồng tiền ăn ít ỏi của cô sinh viên học trọ.

Từ đó, hàng ngày khi tan học ở trường về Ngọc Ánh đều ghé qua bệnh viện thăm Hồng Anh và theo dõi tình hình sức khỏe của bé. Trong một thời gian, tâm trạng của Ngọc Ánh hoàn toàn thay đổi theo tình hình sức khỏe của bé Hồng Anh…

Một cô bạn gái mới 22 tuổi tự nhận mình thiên chức làm mẹ của đứa bé tội nghiệp và coi Hồng Anh như đứa con thật sự của mình. Ngọc Ánh cùng với một nhóm Phật tử tại Hà Nội kêu gọi quyên góp tiền cứu chữa cho bé Hồng Anh, cùng bé giành giật sự sống từng ngày trên giường bệnh mê man. Rồi hàng ngày, Ngọc Ánh tụng kinh niệm Phật cầu nguyện, hồi hướng cho bé Hồng Anh có thể tỉnh lại và có cơ hội sống tiếp. Không những thế, Ngọc Ánh còn luôn kêu gọi, hết lòng vận động trên trang mạng cộng đồng để mọi người cùng niệm Phật và hồi hướng công đức cho bé Hồng Anh trải qua kiếp nạn.

Tấm lòng từ bi tha thiết ấy của Ngọc Ánh khiến cho không ít người cảm động và đồng hành cùng Ngọc Ánh. Đã có những lúc Ngọc Ánh tưởng chừng như chết lặng khi nghe tin bác sĩ quyết định rút ống thở của bé Hồng Anh để nhường cho người khác vì nghĩ rằng bé không còn cơ hội cứu chữa. Nhưng rồi giống như có một phép mầu nhiệm nào đó, Hồng Anh được chẩn đoán lại và tiếp tục được chăm sóc, khi ấy Ngọc Ánh lại cảm thấy như thể “không có niềm vui nào lớn hơn”.

Ngọc Ánh đã cùng với bé Hồng Anh trải qua giai đoạn khó khăn nhất với một niềm tin từ Phật pháp nhiệm mầu. Có lần chỉ vì tin vào một giấc mơ là niệm 1.000 lần danh hiệu Phật thì bé Hồng Anh sẽ khỏe lại. Ngọc Ánh đã tin vào điều đó và làm theo, niệm Phật tới khi mệt lịm.

Cuối cùng, công sức của Ngọc Ánh và những người quan tâm tới bé Hồng Anh đã được đền đáp, Hồng Anh đã khỏe lại và được sư thầy Thích Đàm Lan tại chùa Bồ Đề (Q.Long Biên, TP.Hà Nội) đưa về chăm sóc tại bổn tự.

Đó là đoạn kết có hậu cho một câu chuyện cảm động có thật về lòng từ của một cô bạn trẻ, tấm lòng từ ái của một người con Phật không tên. Đó phải chăng cũng là một tấm gương cho tất cả những người con Phật chúng ta hiểu rõ thế nào là triết lý “Phật tại tâm”?

Chính Tâm (GNO).

Các tin đã đăng: