Có một "Thị Kính" thời nay
16/03/2010 05:53 (GMT+7)

Với sự xuất hiện của "chú nhỏ", cùng với tình thương được cho là "thái quá" của sư Tâm với "chú nhỏ", những người muốn biến chùa thành chốn kinh doanh đồn ầm lên rằng, Tâm Duyên chính là con ruột của sư thầy, "nghiệp chủng" của sư thầy, do sự "trăng hoa" mà có. Nhóm người này cùng với một số người "xin" nuôi Tâm Duyên không được, cũng đâm ra nghi ngờ sự minh bạch của Thầy Tâm

Hiếm có ngôi chùa nào ở Bình Phước lại có vị trí đắc địa như chùa Thanh Tâm, tọa lạc trên một ngọn đồi nhỏ, giữa rừng điều xanh mướt, phía dưới là hồ Suối Giai mênh mông. Sư thầy Minh Tâm tốt nghiệp cao cấp Phật học, bắt đầu trụ trì từ năm 2000. Ngôi chùa sẽ mãi bình yên, một nơi thích hợp cho việc tu tập, nếu như không có một ngày, một "chú nhỏ" - lời của sư thầy Minh Tâm - 4 ngày tuổi, đỏ hỏn, bị bỏ lại trước cổng chùa...

Sư thầy Minh Tâm

Đêm ấy, sau khi đi thắp một tuần nhang, sư Tâm mới bắt đầu tụng kinh. Nhưng lạ, xen lẫn tiếng mõ vang trong đêm thanh vắng, sư nghe văng vẳng có tiếng trẻ sơ sinh khóc ngặt lên từng chập, cứ mỗi lần dừng tiếng mõ, sư lại nghe rõ hơn. Nghi có chuyện chẳng lành, sư thầy dứt lời tụng, xách đèn ra cổng, sư bất ngờ khi thấy đứa bé đỏ hỏn được quấn gọn trong gói quần áo, tã và sữa.

Thấy sương đêm đã xuống, sư Tâm liền ẵm "chú nhỏ" vào trong phòng mình, khép các cửa ngăn gió lạnh, điều lạ lùng, khi sư thầy đưa tay ẵm, "chú nhỏ" nín bặt, vừa đặt xuống giường, "chú nhỏ" lại khóc ré lên không ngớt. Đêm ấy, sư thầy thức trắng. Sư thầy cũng không ngờ rằng, bắt đầu từ đêm ấy, cuộc đời tu tập của sư thầy gặp kiếp nạn thấu trời...

Xin kể một chút về sư thầy Minh Tâm, sư thầy tên đầy đủ là Phạm Minh Tâm, sinh năm Nhâm Tý (1972) trong một gia đình nghèo ở miệt Trà Ôn, tỉnh Vĩnh Long. Cái tên Minh Tâm là do bà nội đặt, Minh Tâm nghĩa là một "trái tim trong sáng", bà nội Tâm sớm quy y, từ nhỏ, Tâm đã siêng lên chùa, sớm nghe tiếng kệ, lời kinh. Có lần, lên chùa, một sư trông thấy khuôn mặt tròn, nụ cười hiền hậu, đôi mắt sáng của Tâm thì phán bảo: "Cậu bé này có căn tu".

Tâm học rất giỏi, sau tú tài, Tâm thi đậu vào Đại học Ngân hàng, nhưng không biết xui rủi hay định mệnh, thời điểm ấy gia đình Tâm gặp nhiều chuyện, sạt nghiệp, Tâm không dám nghĩ đến việc tiếp tục theo học, cha mẹ có nói sẽ bán mấy công đất, lo chuyện học cho Tâm, nhưng nghĩ đến 8 đứa em nheo nhóc, nhiều đêm Tâm thức trắng... Rồi một ngày, Tâm xin cha cho mình xuất gia.

Người cha nghe, lặng im trong giây lát, cũng là một phật tử, ông thấu hiểu lòng con rồi khẽ gật đầu. Nhưng mẹ Tâm phản ứng dữ lắm, bà năn nỉ Tâm đừng nghĩ đến điều "dại dột" ấy, Tâm còn trẻ, cả một tương lai phía trước, không có tiền ăn học thì cha mẹ bán đất, bán ruộng lo chuyện học cho Tâm, thấy Tâm quyết quy y, bà giận suốt một thời gian dài. Thế là, ngày nào Tâm cũng thuyết phục mẹ, Tâm bảo, không phải vì buồn nản, không phải Tâm nghĩ quẩn, Tâm theo Phật, bởi số phận Tâm như thế, Tâm sinh ra đã là người của Phật!

Tâm xuống tóc vào một ngày nắng đẹp tại một ngôi chùa ở Trà Ôn, pháp danh Thích Chiếu Pháp, với lưng vốn văn hóa, sư Tâm được chùa cử đi học cao cấp Phật học ở TP HCM. Ra trường, sư Tâm lại được cử lên Bình Phước, tiếp quản chùa Thanh Tâm, xã Tân Tiến, huyện Đồng Phú...

Chùa Thanh Tâm.

Xin trở lại câu chuyện liên quan đến "chú nhỏ". Ngay sau ngày nhặt được "chú nhỏ", sư Tâm đã lên xã trình báo chính quyền và làm giấy khai sinh cho bé, sư Tâm đặt cho "chú nhỏ" cái tên Phạm Minh Tiến, pháp danh Tâm Duyên. Mới đầu, sư Tâm giao việc chăm sóc Tâm Duyên cho các nữ phật tử sống ở chùa, nhưng những phật tử này không hề có kinh nghiệm chăm sóc con mọn, lóng nga lóng ngóng. Ngoài sư Tâm, Tâm Duyên cũng không chịu "hơi" ai. Sư đành ẵm "chú nhỏ" trở về phòng mình trực tiếp chăm bẵm, sư cũng đi mua sữa, tự mình thay tã, ru "chú nhỏ" ngủ bằng những tiếng kệ, lời kinh.

Sư Tâm biết, đây là những thời khắc quan trọng nhất để định hình một con người, sư Tâm không dám sao nhãng việc chăm sóc Tâm Duyên. Không ít đêm sư thức trắng khi Tâm Duyên quấy khóc, tỉ mẩn nắn tay, bóp chân cho "chú nhỏ". Mỗi khi đến kỳ tiêm chủng, sư Tâm cũng ẵm Tâm Duyên ra xã, như cha mẹ ẵm con. Cả xã ngỡ ngàng khi chứng kiến sư Tâm chu đáo như thế. Sau này, khi tôi hỏi đến "kinh nghiệm" chăm sóc em bé, sư học ở đâu? Sư Tâm cười hiền: "Tôi là anh của 8 đứa em, có đến 5 đứa là tự tay mình chăm sóc từ khi nó còn đỏ hỏn để cha mẹ rảnh tay đi làm"...

Ngay khi nghe sư trụ trì nhặt được cháu bé kháu khỉnh, không ít người đã đến gặp xin cháu bé về làm con nuôi, có người còn nói sẽ cúng dường lớn nếu sư Tâm giao đứa bé cho họ. Sư Tâm bảo rằng, nhà chùa chỉ nuôi bé dùm người ta, bao giờ cha mẹ thằng bé đến nhận, chùa sẽ giao lại. Ngày mỗi ngày phải lo từng miếng ăn, giấc ngủ cho "chú nhỏ", nghe chú khóc, cười, sư Tâm nghĩ, giao "chú nhỏ" đi, biết người ta sẽ đối xử với bé thế nào, lỡ người ta hắt hủi nó, mình lại là người có tội, thôi thì, cứ để "chú nhỏ" ở đây, thầy trò sướng khổ có nhau, chùa có nghèo vật chất nhưng chắc tình thương của những người trong chùa đối với "chú nhỏ" sẽ không nghèo. Sư lắc đầu với tất cả những lời đề nghị...

Chùa Thanh Tâm có một nhà thuốc từ thiện, nhà thuốc tồn tại từ trước khi sư Tâm về làm trụ trì. Chùa cũng nhận nuôi người già neo đơn và trẻ mồ côi. Sư Tâm về chùa, vẫn tiếp nối công quả ấy. Trước khi nhận nuôi "chú nhỏ", nhà thuốc có nhận vào làm một nữ phật tử nhan sắc, theo sư Tâm, chính nữ phật tử này là một trong những người tung tin "sư thầy có con".

Số là, nhà thuốc nằm trong khuôn viên của chùa, bấy nhiêu năm nay đều bốc thuốc từ thiện, nữ phật tử nọ về, thấy đông khách, đề xuất với sư Tâm cho kinh doanh, sư Tâm không đồng ý, khi thấy nữ phật tử nọ không có lòng từ tâm, sư Tâm có ý không nhận nữ phật tử ở lại chùa. Nữ phật tử đó sinh lòng thù ghét sư thầy, trong chùa lại có không ít người qua lại, có tình ý với người nữ nọ, cũng thấy những "món hời" kinh tế mà nữ phật tử nọ "vẽ" lên, muốn biến chùa thành chốn kinh doanh, họ tạo thành phe cánh chống lại sư Tâm.

Với sự xuất hiện của "chú nhỏ", cùng với tình thương được cho là "thái quá" của sư Tâm với "chú nhỏ", họ đồn ầm lên rằng, Tâm Duyên chính là con ruột của sư thầy, "nghiệp chủng" của sư thầy, do sự "trăng hoa" mà có, rồi lén lút bỏ ở cổng chùa để "hợp thức hóa". Nhóm người nọ cùng với một số người "xin" nuôi Tâm Duyên không được, cũng đâm ra nghi ngờ sự minh bạch của sư Tâm. Lời đồn nhanh chóng lan ra, cái tin "trụ trì chùa Thanh Tâm có con" chấn động cả huyện nghèo Đồng Phú...

Khi hay tin đồn, sư Tâm rất bất ngờ, nhưng sư chỉ... im lặng, sư tin vào những lời Phật dạy, khi tâm mình trong sáng, chẳng có gì phải đắn đo khi làm điều thiện. Nhưng sự việc đã đi quá xa ở những lời đồn, người ta đâm đơn kiện... sư Tâm, lên xã, lên tỉnh, lên Giáo hội Phật giáo, người ta nói rằng không thể chấp nhận một "người" như thế, "người" như sư Tâm không xứng khoác áo tu hành, nói gì tới việc làm trụ trì.

Đối với người nhà Phật, không nỗi oan khuất nào bằng nỗi oan phạm giới sắc. Xã, huyện, cả Công an nữa phải về chùa "điều tra" theo đơn kiện, nhưng tất thảy đều khẳng định, những cáo buộc đối với sư Tâm là vô căn cứ. Thế nhưng, người ta lại không tin vào những lời khẳng định ấy, người ta muốn sư Tâm phải rời chùa.

Trong hoàn cảnh ấy, Giáo hội Phật giáo đứng ra bảo vệ sự trong sáng của sư Tâm, người ta đã đặt nghi vấn rằng: "Tại sao không phải là con ruột, sư Tâm lại yêu thương quá đáng đến thế? Tại sao không phải con ruột, sư Tâm lại không giao lại cho những người hiếm muộn con cái làm con nuôi"? Người ta đã đặt rất nhiều câu hỏi tại sao. Thế rồi, một hôm có người gọi điện đến chùa, gặp Ban hộ trì chùa, khẳng định rằng, Tâm Duyên chính là con của nữ phật tử từng làm ở nhà thuốc và sư Tâm.

Biết chuyện ấy, sư Tâm vẫn lặng im, sư vẫn hết mực yêu thương, chăm sóc Tâm Duyên, không mảy may nghĩ ngợi. Thấm thoát gần 2 năm, Tâm Duyên cũng nên vóc, nên hình, lẫm chẫm bước đi và biết thẽ thọt gọi sư Tâm tiếng: "Sư phụ"...

Những phật tử ở chùa tin sư Tâm, biết sư chịu nỗi oan khuất, họ rất bất bình nhưng không biết làm sao để giúp sư Tâm. Có lần, họ hỏi thầy sao cứ mãi im lặng, chẳng nhẽ thầy không thấy buồn, tức giận hay thất vọng? Sư Tâm chỉ trả lời: "Quãng sông lặng thường là quãng sông sâu. Ta im lặng, không có nghĩa là ta không buồn. Có thanh minh, có buồn chán thì phỏng ích gì. Có bịt được miệng người đời đâu". Sư Tâm tìm sự an lạc trong tiếng kệ, lời kinh...

"Ta không vào địa ngục thì ai vào đây"

Tôi đến chùa Thanh Tâm vào một ngày sau tết Canh Dần. Chùa cô tịch. Sư Tâm tiếp tôi trong căn phòng dành cho trụ trì, ngay bên hông chánh điện. Trong căn phòng ấy, vẫn còn một cặp gối lớn, bé, những đồ chơi con nít. Hàng trăm hộp sữa chất cao như tạo thành một bức tường...

Tôi hỏi sư Tâm đã được giải oan thế nào? Sư thầy bảo, khi mình có niềm tin, khi lương tâm mình là "Minh Tâm", sớm hay muộn, sự thật cũng sẽ được phơi bày. Sư Tâm linh cảm, một ngày, cha mẹ đứa bé sẽ tìm đến...

Sư Tâm và Tâm Duyên.

Trở lại "nỗi oan Thị Kính" của sư Tâm, sau khi các cơ quan chức năng, ban, ngành khẳng định sự trong sạch của sư Tâm, nhóm người nọ quyết định lật "con bài tẩy" cuối cùng, yêu cầu sư Tâm và Tâm Duyên xét nghiệm ADN. Khi hay tin, sư Tâm vẫn bình thản, nếu Giáo hội quyết định phải như thế, sư cũng bằng lòng...

Nhưng một ngày, một đệ tử của sư Tâm đến quỳ dưới chân, ôm sư Tâm khóc nấc. "Nỗi oan Thị Kính" được làm sáng tỏ; Linh, Lâm và Hân (tên ba nhân vật này đã được thay đổi theo yêu cầu của sư Tâm) là những người bạn nối khố, cùng ở huyện lị Đồng Phú. Linh là một đệ tử của sư Tâm. Lớn lên, Lâm và Hân yêu nhau, rồi cả hai cùng xuống TP HCM học đại học. Một ngày, Lâm và Hân nói với Linh, họ đã có em bé, bây giờ họ không biết làm thế nào, nếu cha mẹ hai bên biết chuyện, họ sẽ bị đánh chết, cả hai nói cho Linh biết, bởi Linh là người bạn thân nhất, biết Linh sẽ giữ bí mật, họ tính bỏ đứa bé.

Linh xem đứa bé trai mới sinh, nó giống Lâm y đúc. Trong đầu Linh chợt nhớ đến chùa Thanh Tâm. Linh liền bàn với Lâm, Linh nói rằng, hãy đem giao đứa bé cho sư phụ Tâm, sư phụ là người rất tốt, chắc chắn sư phụ sẽ chăm sóc đứa bé chu đáo. Lâm đồng ý, cả hai đi mua một hộp sữa, một ít tã, quần áo trẻ em, quấn chặt đứa bé trong chiếc áo lạnh người lớn.

Cả hai đợi đến khuya mới chạy xe đến chùa Thanh Tâm, Linh biết, giờ này sư phụ mình vẫn đang thức tụng kinh, rồi sẽ ra thắp nhang bên tượng Quán Thế Âm trước cổng chùa. Cả hai đặt đứa bé trước cổng chùa, lặng lẽ đứng ra xa. Không như dự tính của Lâm, Linh, vừa được đặt xuống, đứa bé đã khóc ré lên từng chập, đánh động sư Tâm. Sau khi thấy sư Tâm ẵm đứa bé vào trong chùa, cả hai mới lên xe về phố huyện...

Nỗi oan khuất của sư phụ, Linh là người biết rõ, chính vì thế, Linh rất hối hận. Nhưng nếu nói sự thật ra, Linh lại thấy có lỗi với bạn. Cả hai cứ giằng xé dữ dội trong Linh. Nhưng đến một ngày, thấy sự việc đối với sư Tâm ngày càng nghiêm trọng, Linh quyết định nói ra sự thật. Nghe chuyện, sư Tâm chỉ nói một câu: "Thế à". Rồi sư vẫn im lặng trước sự bất ngờ tột cùng của Linh. Linh nói, mình rất đau buồn, vì suy nghĩ nông nổi mà thầy mang khổ.

Sư thầy đỡ Linh lên, rồi bảo: "Con đừng suy nghĩ nhiều. Nếu ta không đủ can đảm để chịu đựng khổ đau, để làm điều thiện, thì ta đã chẳng xứng đáng bận chiếc áo tu hành này. Con có nhớ một câu dạy của Đức Phật không? Ta không vào địa ngục, ai vào đây? Dù thế nào, sư phụ sẽ giữ bí mật này cho các con".

Trở về nhà, Linh bần thần suy nghĩ mãi về những lời nói của sư phụ, thấy con có biểu hiện lạ, đôi mắt như vừa khóc. Mẹ Linh vặn hỏi, Linh mới kể rõ đầu đuôi. Mẹ Linh quá đỗi sửng sốt, bà cũng biết rõ "nỗi oan Thị Kính" của sư Tâm, bà tức tốc chạy lên chùa, xem mặt Tâm Duyên, rồi bà chạy về nhà hàng xóm - cha mẹ Lâm, thấy Tâm Duyên giống ông nội nó như đúc, bà liền kể rõ sự tình cho cha mẹ Lâm nghe. Cha mẹ Lâm chết lặng, phải một lúc lâu họ mới biết mình phải làm gì, họ cũng chạy ngay lên chùa xem mặt Tâm Duyên, khi biết chắc đây là dòng giống nhà mình, họ òa lên khóc.

Ngày hôm ấy, sư Tâm không có ở chùa. Ngày hôm sau, cả dòng họ nhà Lâm kéo nhau lên chùa, họ chờ từ sáng đến chiều để gặp bằng được sư Tâm, xin sư Tâm cho nhận lại Tâm Duyên. Nghe chuyện, sư Tâm chỉ bảo, sư Tâm muốn gặp cha mẹ Tâm Duyên, sau khi gặp, sư sẽ quyết định. Mấy ngày sau, với sự hộ tống của 2 gia đình, Lâm và Hân có mặt ở chùa. Hân chạy vội đến ôm con khóc nấc, Lâm chỉ biết đứng từ xa nhìn lại.

Sư thầy gọi riêng hai trẻ vào phòng mình, hỏi chuyện, khi biết cả hai vẫn còn thương yêu và muốn cưới nhau, sư Tâm mỉm cười gật đầu, rồi bảo cả hai ra mời cha mẹ vào. Sư Tâm nói với họ, sư chỉ đồng ý giao lại cho cha mẹ đứa bé khi hai trẻ thành vợ thành chồng. Không như lo sợ của Lâm, Hân ngày xưa, cha mẹ hai bên đều vui mừng, Lâm là con trai độc nhất của gia đình, vì thế mà cha mẹ Lâm không muốn rời Tâm Duyên nửa bước khi biết đấy là cháu nội mình. Ngay ngày sau, cha mẹ Lâm đem đến trình sư Tâm giấy đăng ký kết hôn của Lâm - Hân. Sư Tâm vui vẻ, sư chọn ngày lành tháng tốt cho cha mẹ Tâm Duyên thành vợ thành chồng...

Tâm Duyên đã trở về trong vòng tay cha mẹ. Sư Tâm bảo, mình đã là người nhà Phật, sao "lòng trần" chưa dứt bỏ. Hai năm chăm sóc Tâm Duyên, cái tình của sư dành cho Tâm Duyên lớn đến nỗi khiến sư Tâm hụt hẫng, buồn rầu hơn tháng trời. Nói rồi sư Tâm cười, một nụ cười thật hiền hậu!

"Nỗi oan Thị Kính" thời nay đã có một kết cục đẹp như cổ tích...

Thuận Thiên  (CAND)


Các tin đã đăng: